Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

26.2.09

Truyện ngắn : NHỮNG KẺ BỊ XỬ BẮN

Tác giả : Trà Đóa
Nhà tôi bên cạnh một bãi đất hoang, nơi người ta vẫn thường xử bắn những kẻ bị án tử hình. Những lúc đó, thường là tôi đang ngủ, khoảng 5 giờ sáng. Tôi không hiểu tại sao người ta lại xử bắn vào cái giờ đó - cái giờ bắt đầu cho một ngày mới và thường là với một lời chúc tốt đẹp.
Khi nghe “đoàng, đoàng,…”, tôi tỉnh giấc. Có một thời số người bị xử bắn rất nhiều, nhiều đến mức sáng nào tôi cũng nghe tiếng nổ. Nó kéo dài tháng này qua tháng nọ và đánh thức tôi chính xác như một cái đồng hồ báo thức. Hậu quả là qua cái thời ấy, tôi luôn thức dậy sớm như một cái máy, dù có tiếng súng hay không…
Thuở nhỏ, tôi thường mường tượng những kẻ bị xử bắn phải là những tay ghê gớm, mặt mày bậm trợn, răng vểnh mày rậm,… nói chung là nhứng kẻ phải đủ can trường để hứng những viên đạn đang bay tới. Những vụ xử bắn mà tôi biết được qua sách vở không nhiều, hình như khoảng một hai người gì thì phải. Và những kẻ ấy thường rất dũng cảm, trước khi viên đạn bay tới, họ hô vang những câu gì đó, hay giật mảnh băng đen che mắt. Và họ gọi đó là cái chết của những anh hùng. Và đối với tôi thời ấy, những kẻ bị xử bắn phải là những kẻ anh hùng. Cho đến một ngày tôi đọc được trên báo viết rằng, một gã tướng cướp giết người như ngóe, trước khi bị bắn đã tè ra ướt cả quần. Nhưng dù la lối hay tè ra quần - tôi nghĩ - họ đều may mắn được trải nghiệm cái cảm thức ghê gớm của thời khắc đó…
Tôi đã nghe bao nhiêu tiếng súng vào buổi rạng đông, nhưng chưa bao giờ được mục kích cảnh tượng đó. Có lẽ, tôi nghĩ, đó là một rạng đông huy hoàng mới nhuốm lên bằng màu đỏ sáng. Và trong cái ánh sáng mờ ảo ấy, viên đạn đang bay, nó vun vút vượt qua cái khoảnh khắc diệu vợi của thời gian để nối liền hai thế giới sống chết lại với nhau.
Tôi đã từng chứng kiến cái chết của ông tôi. Nhưng ông chết từ từ, ông yếu dần qua từng ngày khi tuổi đã cao. Cái chết của ông không gây ấn tượng mạnh cho tôi, bởi đó là cái chết bình thường và nó không có cái khoảnh khắc ghê gớm ấy như tôi nghĩ. Tôi nhớ lần đó, cả ba mẹ, chú cô tôi không có ai khóc. Không khí gia đình chỉ trầm xuống vài ngày rồi tất cả trở lại bình thường sau khi chôn cất ông xong. Không phải mọi người không thương nhớ ông, nhưng chắc bởi lẽ, cái chết của ông là điều tự nhiên. Ông ra đi khi đã hưởng xong cái phần đời được ban cho mình. Ông tôi không phải là anh hùng, tôi đoan chắc thế, vì ông chỉ là nông dân và ông rất hiền…
Thật không thể nào biết được cái thời khắc ấy, nếu như…chưa chết. Nhưng, nếu như chết rồi thì người chết sẽ mang theo cái cảm thức đó ra đi vĩnh viễn.
Tôi ao ước được ghi lại cái thời khắc ấy, thời khắc khi viên đạn bay ra khỏi nòng và hướng đến cái ngực đang hứng dưới cái cọc. Có thể nó ngắn bằng một cái chớp mắt. Đó là khoảng thời gian không đủ để suy nghĩ được điều gì. Vậy lúc đó, tinh thần của họ như thế nào, hỡi những kẻ anh hùng?
Sau này, khi thành một họa sĩ, tôi vẫn nghĩ bức tranh lớn nhất mà tôi muốn thể hiện chính là cái khoảnh khắc ghê gớm đó, cái khoảnh khắc chỉ ngắn bằng cái chớp mắt mà tách biệt hai thế giới.
Đầu tiên tôi thử vẽ một gã rậm râu đứng trước một họng sùng đen ngòm. Nhưng như vậy là gã vẫn chưa chết, nghĩa là gã vẫn chưa bước qua cái thời khắc ấy.
Bức kế tiếp tôi vẽ một gã đã ngủm nằm chèo queo trên mặt đất, bên cạnh một họng súng còn bốc khói. Nhưng nó vẫn không làm tôi hài lòng, bởi đó cũng không phải là cái diễn tả mong đợi.
…Càng ngày tôi càng già đi, nhưng bức tranh ấy tôi vẫn không thể hoàn thành. Và những lo âu đã thành hình “có thể mình sẽ chết như ông mình mà chẳng hiểu được đếch gì."
Đến một ngày, trước cái thời điểm - mà tôi đoán là phải “ra đi” tự nhiên như ông tôi - khoảng vài tuần, tôi đi đến một quyết định dứt khoát: tôi không thể ra đi nhạt nhẽo như vậy mà vẫn chưa cảm được cái điều mình thao thức. Tôi sẽ kết thúc nó – cái cuộc sống được ban cho – sớm hơn vài tuần, hay có khi vài tháng cũng được, để hoàn thành cái ao ước cuối cùng.
Buổi tối hôm ấy, tôi để lại một di chúc và một bức thư, ôm theo một cái chăn, rồi chuồn khỏi bệnh viện.
Tôi trở về quê, nhưng không vào nhà vì không muốn họ hàng biết. Tôi đợi đêm xuống để mò ra bãi đất hoang, trải chăn xuống đất và đợi rạng đông.
Cuối cùng, rạng đông cũng tới.
Cả một chân trời phía đông ửng đỏ. Từng đám mây hình thù kỳ quái tan dần. Cái ánh sáng đỏ huyền ảo đang phủ xuống chỗ tôi nằm.
Trong cái cảnh tượng huy hoàng ấy, tôi để cho đầu óc trống rỗng, tôi cố không nghĩ đến vợ con, anh em hay bạn bè, bởi tôi biết họ vẫn đang sống bình thường (hay hạnh phúc, theo cách nghĩ thông thường). Tôi nằm, đầu gối lên một mô đất cao, hai chân để thẳng. Tôi điều hòa hơi thở thật nhẹ nhàng với từng hơi dài và đều. Khi mọi việc đã ưng ý, tôi lấy khẩu súng kê lên màng tang và bóp cò:
“Đoàng”…
Cái khoảnh khắc ấy thật diệu kỳ, mọi thứ như đang trôi đi không bến bờ…
Tôi nghĩ thầm:”Thật đáng đồng tiền bát gạo”.
Xong, tôi lịm đi vĩnh viễn…
(06/2008)