Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

29.10.22

papaya tree

 



đợt rồi mua sách online không tính mua Inside out and back again, nhưng quyển sách cứ gọi nên ở lần trượt điện thoại lướt lại một lượt trước khi chốt đơn sách thì phóng ảnh nhìn rõ quyển sách [mắt tôi cận lòi]. Khi thấy tên tác giả, nghĩ oh Việt Nam và nhìn bìa gắn Newbery honor [mình hay đọc truyện trẻ em thanh thiếu niên giải này] thì mình để lại comment đặt mua trên page bán sách. 10 ngày sau nhận sách, cầm Inside out and back again đọc text bìa thì nắm được cốt truyện xoay quanh hành trình tị nạn của một gia đình ở Saigon rời Việt Nam vào đoạn cuối lịch sử 30/4/1975 và cuộc sống sau hành trình vượt biển đến mảnh đất mới, nơi được cho là mảnh đất cơ hội hứa hẹn một cuộc sống tốt đẹp cho tất cả mọi người "như chúng tôi". Nhưng khi mở sách đọc mình ngạc nhiên: đây là thơ [chính vì thế mà quyển sách này xen ngang rất nhiều quyển sách đang đọc, không chút liên quan với mối quan tâm đọc hiện nay của tôi]


Inside out and back again được viết dưới dạng thơ tự do, có thể gọi là tiểu thuyết thơ. Câu chuyện chia làm 4 phần: Saigon, At sea, Alabama, From now on, được kể theo trình tự thời gian bằng cái nhìn của nhân vật tôi - cô bé Kim Hà 10 tuổi nhạy cảm, kiên cường, ương ngạnh và hay suy tư. Câu chuyện thơ được viết như một cuốn nhật ký, ứng với 4 phần là: Tuổi thơ một cô bé 10 tuổi trong thời khắc cuối cuộc chiến - lênh đênh trên biển và tị nạn ở "tent city" - đến được Alabama, Mỹ sinh sống, học tập [trong thập niên 70 thế kỷ trước, nạn phân biệt chủng tộc ở đây rất nhiều vấn đề nhức nhối] - và cuộc sống tiếp diễn xoay vòng đan xen cái cũ cái mới, ta quen với cảm giác nó là như thế, đang và sẽ cứ như thế trôi

đây có thể coi là bán tự truyện của tác giả Thanhha Lai, như bài viết cuối sách tác giả nói: phần lớn những gì xảy ra với cô bé Kim Hà, những sự kiện chính trong sách, cũng xảy ra với tôi. Chất liệu của tiểu thuyết thơ này được lấy chủ yếu từ chính những ký ức tuổi thơ của tác giả cùng gia đình tháo chạy khỏi Saigon sau 30/4/1975 rồi cập bến Thailand và tới được thành phố Montogomery, bang Alabama, Mỹ để rồi lại rơi vào trận chiến trong thân phận ngoại bang về con người, văn hóa, lối sống tại đây. Với cách lựa chọn viết tiểu thuyết thơ, các câu ngắn, cấu trúc ngữ pháp khác đi, đảo trật tự từ, cách ngắt câu, cấu trúc và nhịp của chữ tạo cảm giác khoảng lặng rất nhiều. Như cuối sách tác giả chia sẻ, Truyện Kiều của Nguyễn Du bà đã đọc nó suốt 3 thập niên và bà hằng ngưỡng mộ ông về cách mọi sự có thể thâu tóm chỉ trong, bằng một câu thơ; có thể chính niềm cảm hứng Nguyễn Du gợi lên trong bà mà cách viết thơ của bà cô đọng hình ảnh rất đặc trưng dẫu chỉ dùng các câu cực ngắn. Đây chính là yếu tố khiến một câu chuyện về hành trình di cư tị nạn vốn không xa lạ trở nên ấn tượng mạnh, gần gũi và gợi được nhiều cảm xúc, suy nghĩ trong người đọc. Trong chính khoảng lặng giữa các câu thơ ngắn súc tích, các khổ thơ, các bài thơ và dấu mốc thời gian cuối mỗi bài, người đọc như được sống cùng nhân vật cô bé 10 tuổi Việt Nam đối mặt với cuộc sống ở một nơi mới mà không sao gác sang bên ký ức về quê hương [về người cha, cây đu đủ sau nhà, "nước mấm", Tết...]


trong khoảng trống trang sách, ta nghe thấy tiếng thổn thức vô thanh, được cô lại trên một bếp lửa âm ỉ. Giọng của cảm xúc kìm nén và tiết chế. Viết là cách để trút ra và giữ lại, đồng thời; dẫu đau đớn nhưng không kém phần nguôi thoả, luôn là thế


vĩ thanh: độ 8 - 9 năm trước tôi có đọc Phật ở tầng áp mái, văn xuôi nhưng có những trang, câu, dập nhịp ngắn, nhanh. Tôi luôn có cảm giác, cấu trúc ấy tạo nhịp cho câu, cho chính cấu trúc của từ, ngữ nghĩa khác đi. Khi nó nhanh nó làm người đọc cuốn đi theo cơn lốc cảm xúc của người viết, thổi bùng. Khi nó là các khoảng trống, khoảng lặng, nó đánh động người đọc đọc diễn biến tâm lý và biến chuyển ý thức của người kể chuyện; đi cùng và sống trong 'trường' ấy. Vô tình, Phật ở tầng áp mái và Inside out and back again đều là những người phụ nữ châu Á cùng thế hệ, di cư sang Mỹ 


ps. nhà nào làm quyển này đi


24.10.22

ngốc dai ngốc mãi


"Tôi viết để làm vui đứa trẻ trong tôi, và tôi chỉ có thể hy vọng rằng những đứa trẻ khác cũng cảm thấy vui theo cách đó"[Astrid Lindgren]

đọc bất kỳ truyện thiếu nhi nào, mình luôn nhìn thấy niềm vui thơ trẻ của mình qua bọn con trai trong truyện, thế mới tài :p; còn bọn con gái thì ngàn đời khó hiểu, rắc rối, ngốc dai ngốc mãi 

16.10.22

quy đồng

 



giờ chỉ có nước thụt két nào đấy có 100tr để 6 tháng không phải lăn tăn gì chuyện tiền nong, chỉ chăm chăm tập trung học thì mới vào saigon chơi vì đi chơi là phụ, đi học là chính 😂🤣


anh bạn đùa, reply tin về thày chiropractic tú ưng, rằng: có thày giáo dạy toán cao cấp đây nhưng chắc em không cần học môn này :))). Tới đoạn này kể câu chuyện mấy ngày trước ngủ mơ


chuyện là mình hay mơ về một trường quân sự và một trường có vẻ dạy kiến trúc; thế mà 3 đêm liên tiếp mấy ngày trước mình mơ phải vào một lớp học toán cao cấp của ĐH Bách Khoa HN [ngôi trường nổi tiếng học toán cao cấp khó], và người đứng bục giảng lại là một người mình biết thuộc về phía văn chương thơ ca. Anh ấy yêu cầu mấy người ngồi gần mình lên bảng giải bài, mình còn nghĩ "anh định kiểm tra em à" cơ, nhưng không :))). Mấy người xung quanh đi xong, anh hỏi tội mình: cái thằng hay đưa em đi chơi tên gì, thằng trông có vẻ bô trai :))). Mình quay qua hỏi các chiến hữu: này, đứa hay đưa tôi đi chơi tên gì í nhỉ, đứa bô trai đẹp trai; và các chiến hữu đọc tên đứa đó ra; tôi trả lời anh xong, các chiến hữu đế vào nhầm họ rồi, nó họ abc không phải xyz; thế là tôi lại sửa lại câu trả lời, bảo "nhầm nhầm, họ abc không phải xyz". Anh cười hắt, tiến sát tôi nói: vui không 🤦🏻‍♀️. Rồi rời đi, tiến lên bục chữa bài. Trên bảng là các phép toán phân số rối rắm, cái đặc biệt là: tử số chỉ gồm x hoặc y nhưng mẫu số là các đa thức nhiều tầng như những chiếc lá; tôi nhìn mẫu số và ngồi vẽ trong tưởng tượng những chiếc lá, từ những chiếc lá tôi nhìn rộng ra khắp bảng là một bức tranh; như là anh đang vẽ bức tranh trong đó, tận cùng của góc bảng là một hộp màu trắng để góc dưới cùng của một giá sách kiểu thanh chống, trên hộp ấy có các ký hiệu mở màn bằng số 2 mấy [khi tỉnh dậy tôi không rõ 22 hay 28 hay 2 mấy] và các chữ cái


mẫu số như một bức tranh từ những chiếc lá, răng cưa của lá phát ra những bố cục lẻ là chữ tuôn không ngừng, tạo thành một bức tranh vẽ căn phòng có vẻ nhiều sách. Mẫu số thế này thì quy đồng không dễ, nếu không phân tích, sắp xếp và đưa nó về đơn giản; phải nhìn ra trật tự của những rối; nhìn được thì sẽ thấy đơn giản; không nhìn được thì... 


tỉnh dậy sau 3 ngày liên tiếp mơ học toán cao cấp của Bách Khoa HN. Vừa buồn cười vừa lạ lùng chán ngắt

3.10.22

Đò chiều - Trúc Khê Ngô Văn Triện




Tuyển tập Thơ văn Trúc Khê (Ngô Văn Triện) hai tập trong ảnh, tôi bỏ qua tập 1 và bắt đầu đọc vào luôn tập 2 khi ngó thấy tập 1 là tiểu thuyết lịch sử, danh nhân truyện ký [Hùng Vương diễn nghĩa, Trần Thủ Độ, Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát]


tập 2 thì tôi bập vào tiểu thuyết Đò chiều trước tiên, thế lại thành hay; bởi sau đó, tôi gần như chắc chắn Đò chiều có nhiều chi tiết lấy từ chính cuộc đời của Trúc Khê, ít nhất đây là tiểu thuyết bán tự truyện

chi tiết ngay đầu truyện, nhân vật Quân nghĩ mình "từ ngày trở lại đất Hà Nội, đối với các bạn cũ tôi chẳng tìm đến ai cả. Vì không biết các bạn ấy có còn muốn chơi với mình nữa hay đã coi là vật bất tường mà muốn tránh xa" ứng với giai đoạn Trúc Khê gặp rắc rối với chính quyền thuộc địa, nhưng con mắt của người đi lần lại lịch sử là tôi, thì không lần ra được cụ thể rắc rối, hoạt động gì khiến Trúc Khê gặp các vấn đề với chính quyền, "nhân một việc biến, chàng đã phải rời khỏi Hà Nội một thời gian mấy năm đằng đẵng"

chi tiết nhân vật Quân ở căn gác nhà số 67 trước vườn hoa Cửa Nam thì sau này tôi biết ở đó là địa chỉ nhà in. Ngay sau đoạn nhân vật Quân nói mình ở căn gác nhà 67, Quân đứng lại thẩn thơ bên Bờ Hồ và lan man nghĩ lại những chuyện cũ, đoạn này là cỡ 2-3 trang "tiểu sử"

chi tiết hay nhất có lẽ là mối tình của Quân với người phụ nữ tên Lục Hà. 2 câu thơ Quân đọc cho Lục Hà nghe trong Đò chiều có thể lấy từ chính tập thơ Chợ chiều: "Tôi còn ước muốn gì hơn nữa./ Gặp gỡ nhau trong buổi chợ chiều"; về sau, khi trở ngược đọc các bài thơ trong tập Chợ chiều được tuyển vào tuyển tập này thì mệt mề ghê, không có bài thơ nào tên Chợ chiều. Nhưng cái hay là có bài thơ Thần hoa. Ở đây có một đầu mối: Ngân Giang đến thăm nhưng Trúc Khê đương ngủ trưa, nữ sĩ để bài thơ lại rồi về. Tỉnh dậy Trúc Khê làm bài Thần hoa [1940] và bài thơ này đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy năm 1949. Hoàn cảnh ra đời bài thơ, chính là một chi tiết trong tiểu thuyết Đò chiều và bản thân cái tên Lục Hà trong Đò chiều và Ngân Giang nữ sĩ ngoài đời, là thế đấy. Ngân Giang có bài thơ Suối ngọc gửi Trúc Khê: Chẳng qua là định mệnh/ Thiếp nào phụ cố nhân; còn Trúc Khê thì làm bài thơ Vụng tu để đáp lại. Mối tình đúng là như Đò chiều "gặp gỡ nhau trong buổi chợ chiều" [không biết có nên đi tìm thơ của Ngân Giang không, Ngân Giang có tập thơ]



phần Tạp văn - Bút ký - Biên khảo ngắn, tôi có để ý đến bài Trả lời ông Phan Khôi về câu chuyện vũ trụ quan của Khổng Tử [có vẻ không chỉ bài này, mà Trúc Khê đụng Phan Khôi đáng kể], cuối bài này Trúc Khê chua một câu theo đúng ngữ điệu của Phan Khôi: "hình như ông Phan Khôi đến hay nói mò" :))). Hôm nào có thời gian và tôi nhớ ra được, tôi phải đi tìm Trúc Khê - Phan Khôi luận chiến chủ đề Nguyễn Trãi [làm sao đỡ phải đọc thì tốt]

các bài khác, tôi để ý là Kim Vân Kiều lục, Khảo về Đạo giáo [bài này tôi thích, đọc 2-3 lần dù ít nhớ] và đặc biệt thích bài Những tài liệu mới về nữ sĩ Đoàn Thị Điểm [đêm ấy đọc chi tiết Đoàn Thị Điểm bấm tay liệu việc (chắc bấm độn) và bà ốm, từ giã vào năm Bính Dần, ngày 11.9; tự nhiên rùng mình] bài này cung cấp nhiều thông tin về Đoàn Thị Điểm và Chinh phụ ngâm, tôi vốn có để ý Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương thì không


phần dịch thơ, Trúc Khê dịch Lý Bạch nhiều, có thích bài Ký viễn, lần đầu đọc bài này của Lý Bạch; Đỗ Phủ thì thích bài Giai nhân. Thật ra không thích thơ dịch, đọc nguyên tác ra nhịp, hiểu đâu thì hiểu, thích là thích thôi. Cũng không hiểu sao đọc Trúc Khê làm tôi lại đi tìm hiểu Đỗ Mục, đến giờ tôi cũng không nhớ được duyên do


trong tuyển tập có trích một số Truyền kỳ mạn lục Trúc Khê dịch, hôm rồi khi đọc lại tôi mới hay rằng tôi không nhớ đoạn kết của Chuyện người con gái Nam Xương, đọc lại mới ồ hoá ra kết là thế, trước đi học mình chẳng nhớ gì. Phần Tình sử dịch từ nguyên bản tiếng Trung, tôi thích truyện Vương Sinh [vì tôi hay nằm mơ việc xảy ra thật, truyện này để lại cho tôi mối tơ vò] và Vương Kiều; tôi thích chất tình liêu trai của 2 truyện này


hôm nay cố gắng đọc tập 1 của tuyển tập, thôi cố gắng được Cao Bá Quát [có bài tựa của Ứng Hoè Nguyễn Văn Tố] và Nguyễn Trãi [Hoa Bằng viết tựa]. Hùng Vương diễn nghĩa và Trần Thủ Độ thì không cố nổi, không thể chịu nổi lịch sử cho dù là tiểu thuyết lịch sử


tìm kiếm trên mạng, Trúc Khê Ngô Văn Triện không có gì thêm ngoài mấy bài thơ, và vẫn không có bài thơ nào tên Chợ chiều. Dưới các bút danh khác cũng không thêm gì, ngay cả Cẩm Khê. Lạc vào trang nào đó của Ngô tộc, không có gì. Có vẻ để tìm được sách của Ngô Văn Triện dưới các bút danh không phải chuyện đơn giản. Còn để tìm đường thông sang người bạn Nhượng Tống của Trúc Khê thì lại càng cần cái sàng mắt lưới mau hơn nữa, phải tinh, việc này ngoài sức. Trong tuyển tập này có duy nhất một bài liên hoàn ngâm thơ 18.08.1940 tại nhà Trúc Khê ở Xuân Phương Từ Liêm, người dự ngoài Trúc Khê còn có Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính, Ngọc Giao và hoạ sĩ Nguyệt Hồ [Ngọc Giao và hoạ sĩ ngồi dự, không ngâm thơ]; trong thơ có bài đề tặng Trúc Đình, Viên Nguyệt, Trần Huyền Trân, có nhắc đến Vũ Canh Sinh Vũ Trọng Thuỵ


đây là lao lục [lao động chữ nghĩa] chứ không phải cái đọc hưởng thụ của tôi, phước thay tôi hiếm khi nào phải đọc mà khổ thế này :))))