Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

16.12.20

rỗng đầy

 



tôi nghĩ nhiều đến độ tôi không nghĩ gì. Một lần khi 5 tuổi tôi chạy về nhà nói với ông nội rằng mình bị đau bụng và miệng cuộn lên một vị mặn như muối, ông nội bảo tôi uống ngụm nước ấm trên khay nước chè và nằm im thì sẽ hết đau. Tôi nằm im nhìn trần nhà nghe xem cơn đau nói gì với tôi, tôi nằm im chờ cơn đau đi qua đi lại, tôi nằm im, im mãi như trần nhà im lìm; rồi tôi nói chuyện với trần nhà về cơn đau bụng của tôi, về vị mặn trong miệng mỗi khi tôi đau đâu đó, về miếng khoai khi đói thì miệng hay có cảm giác chua đau xuất hiện... tôi cứ nằm im mãi nói chuyện mãi với trần nhà; thế rồi trần nhà cũng nói chuyện với tôi. Chính lúc ấy, cơn đau hình như chả đi đâu nữa, nó ở nguyên bụng tôi, nó đi ngủ, hoặc nó chờ thời, hoặc nó chết một cơn kiểu cơn đau qua đời 


sau này tôi nhận ra, không chỉ trần nhà mà cả bức tường trống, bức tường đổ, vết nứt trên tường, góc nhà, vệt nắng leo bức tường nhà hàng xóm, viên gạch vỡ, hòn đá... tất tật đều nói chuyện với tôi, miễn tôi im đủ lâu và trò chuyện đủ nhỏ hoặc đủ ồn ào trong im lặng với chúng, chúng không thích âm thanh nức nở náo động. Với chúng, mọi thứ ổn thoả cả, độ lượng, kiên nhẫn, thành thật, vô cùng dễ chịu


một ngày gần đây tôi đi nghe bạn hát, tôi nhìn ra ngoài cửa sổ. Ánh sáng yếu ớt như không ánh đèn bủa bóng tối lan tràn, vô cùng thoải mái, tôi nghe bên tai tiếng đàn hát và nhìn vết nứt trên bức tường ngôi nhà đối diện. Dường như nó nghe nhạc cùng tôi và tiến đến tôi rất gần như vết nứt chao lắc uyển chuyển, chúng tôi nói chuyện với nhau cả buổi có đến 2 giờ đồng hồ, cho đến khi khách nghe nhạc đứng dậy ra về hết, cho đến khi tôi thấy phòng vắng hẳn và tôi bắt đầu lạnh vì quạt trần quay vù vù mấy chiếc; tôi chào nó bảo phải đi đây, nó chào tôi lời bái biệt [tôi không hiểu tại sao tại thời điểm ấy] chúng tôi chia tay. Một lần gặp mặt thôi mà, thế rồi, tôi quay vào nói chuyện với bạn


sau đó, khi bắt chợt nhìn ra ngoài, vết nứt không còn là vết nứt nữa, hình như nó là một cành khô còng queo của cây gần đấy in bóng trên tường, và cũng hình như nó là vết nứt chính là vết nứt, và hình như nó là cành cây khô thật, tôi cố gắng căng mắt nhìn cho thật kỹ khẳng định sự việc... tôi không rõ nữa, tôi vốn nhược thị, mà như thế thì nó là gì cũng đâu có gì quan trọng. Một cuộc gặp gỡ. Một.


thế là đêm nay tôi [lại] tập mắt :)))) và đương nhiên khi tôi nhìn ngọn nến thì thế nào rồi tôi cũng trò chuyện với nó, rồi thì, cũng đến lúc nó đáp lời tôi, nó nói chuyện với tôi như mọi ngày trước đấy. Ánh lửa cũng như mọi thứ, vạn biến. Tất tật đều muôn vàn chuyện. Muôn vàn








12.12.20

Điêu tàn [1937]

 


Ai bảo giùm: Ta có có Ta không


tôi nghe Thái Thanh hát [độc một bài] câu "trên lối về nghĩa trang nghe những lời linh hồn nghe những lời linh hồn... trong mộ phần... đen tối... đen" và đọc tập thơ đầu tay của Chế Lan Viên - Điêu tàn, ông viết khi mới 17 tuổi. Hấp lực nào đưa tất tật tụ lại, ngay lúc này, tôi nằm dưới nắng nghe tiếng xương buốt của mình rên rỉ quẫy đạp như trong mồ không và đọc thơ như thác lời vào những linh hồn trong mộ u tối. 17 tuổi ư, trường thơ loạn, thâm u, âm gian 

"Dưới búng hồn, họng máu của hơi Điên"

"Lời thơ ta đầy những điệu sầu bi,

Đầy hơi thịt, ý ma, cùng sắc chết,"

"Ta hãy nghe, trong mồ sâu lạnh lẽo,

Tiếng thịt người nảy nở tiếng xương rên,

Ta hãy nghe, mơ màng trong cỏ héo,

Tiếng cô hồn lặng thở khí giời đêm!"


đọc Điêu tàn, tự nhiên, tự nhiên thôi, nghĩ mình muốn đọc lại, phải tiếp luôn Mê hồn ca - Đinh Hùng [như Mất hải tần, chẳng hạn, Đêm thiêng thổn thức hồn du mục/ Ta vọng lên non tiếng ác thần]. 6 năm trước, chênh lệch khoảng 4-5 ngày thôi, tôi được tặng Điêu tàn và Mê hồn ca, cùng nhau 🙂


hấp lực một lần đây, khi đọc Chế Lan Viên thơ điên thơ loạn, nghe nhạc Phạm Đình Chương Người đi qua đời tôi "hồn lưng miền rét mướt". Sâu hút. Buốt giá. Tôi nằm trong nắng mắt nhắm sẽ, nhìn những linh hồn, chờ ý nghĩ hơ sưởi xương tuỷ.


lời tựa Điêu tàn do Chế Lan Viên viết

"Hàn Mặc Tử nói: Làm thơ tức là điên. Tôi thêm: Làm thơ là sự phi thường. Thi sĩ không phải là Người. Nó là Người Mơ, Người Say, Người Điên. Nó là Tiên, là Ma, là Quỷ, là Tỉnh, là Yêu. Nó thoát Hiện Tại. Nó xối trộn Dĩ Vãng. Nó ôm trùm Tương Lai. Người ta không hiểu được nó vì nó nói những cái vô nghĩa, tuy rằng những cái vô nghĩa hợp lý. Nhưng thường thường nó không nói. Nó gào, nó thét, nó khóc, nó cười. Cái gì của nó cũng tột cùng. Nó gào vỡ sọ, nó thét đứt hầu, nó khóc trào máu mắt, nó cười tràn cả tuỷ là tuỷ..."