Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

28.9.23

cưới lấy đám đông




Hoạ sĩ của cuộc sống hiện đại gồm hai tiểu luận, đối tượng chính, là các hoạ sĩ: Hoạ sĩ của cuộc sống hiện đại [đối tượng là M. G hay M. C. G tức Constantin Guys] và Tác phẩm và cuộc đời Eugène Delacroix [homage to E. D]. Baudelaire luôn ở vị trí người quan sát, giữa đám đông, giữa các tông màu và chi tiết - viết là vẽ, là hoạ lại 


đọc những chương đầu của phần một tôi nghĩ đọc cùng Hệ thống mỹ thuật của Alain mới hợp làm sao; rồi rất nhanh chóng Hoạ sĩ của cuộc sống hiện đại cho tôi cảm nhận, Balzac quá, hoàn toàn có thể thông qua Baudelaire để mở Balzac; tôi lao thẳng đi tìm kiếm và đúng là có rất nhiều bài viết nối B này vào B kia, 2B; và hẳn là Marcel Proust đã ảnh hưởng không ít từ đây [đám đông cùng đời sống, tinh thần "hiện đại"; viết là thấy lại thời gian đã mất]; một cảm nhận trung tâm nhất sau khi gấp sách lại, đó là Alain, chính là có thể đặt Hệ thống mỹ thuật cùng Hoạ sĩ của cuộc sống hiện đại, đọc chúng song song nhau


phần hai là thách thức với tôi, vì tôi có thể xem là không biết gì về Eugène Delacroix; đây sẽ là quyển sách tôi bắt đầu M. Delacroix và nếu sau đây, có lúc nào cần tìm lại E. D và nhiều cái tên khác nữa xuất hiện trong tiểu luận Baudelaire [hẳn rồi, dẫu khiếp hãi nhưng đám đông là địa hạt của ông] viết về E. D, tôi cũng sẽ phải đọc lại 


đọc xong quyển sách có hơn 120 trang [mà như tôi đã nói từ lâu rồi với mấy đứa tiểu iêu là, xác định cỡ chữ của XBK thì sách gấp rưỡi so với sách trên thị trường hiện nay] hiện ra vô vàn những cái tên, những từ. Sách rất ít chú thích, mở ngay đến trang cuối để đọc ghi chú chủ đạo và tự tạo chú thích cho riêng mình khi đọc


tôi có một trải nghiệm và cũng là kỉ niệm. Năm 2012 khi tôi đọc Lolita, M. biết tôi đang đọc Lolita, hỏi em vui không; tôi nói đọc vui nhưng nhiều chú thích quá làm cản trở việc em đọc, em bị ngắt quãng hơi khó chịu; M. bảo thử đoán đoán nó, nếu hiểu thì có thể đọc chú thích sau, khi cảm thấy cần kiểm tra cái mình đoán cái mình hiểu để, như hiện nay tôi sẽ nói nhận ra lại tìm thấy lại, nếu không hiểu thì có thể bỏ qua chú thích và quay lại nó sau cùng. Sau này cách của tôi là nhất định đọc đi đọc lại chỗ không hiểu và đoán, hiểu thì hiểu mà không hiểu thì cố mà hiểu; rồi đá mắt đọc nhanh chú thích sau khi đã hết cả chương cả một quãng xong xuôi rồi vì có thể càng đọc dài hơn thì tự nhiên sẽ hiểu cái mình từng không hiểu ở trước đó; rồi khi đọc hết cả quyển, sẽ quay lại đọc riêng từng chú thích một và dò nó ngược lên trên nhét vào cái nơi chứa chú thích ấy để khớp nó vào trang sách, ngữ cảnh. Đọc chú thích cách ấy rất gần với re-read 



26.9.23

suối tóc mơ




lần đầu tiên gặp gỡ là tháng Hai 2010, nhưng phải mãi tới 2017 tôi mới xin gì đấy viết lên sách. Lúc đấy tôi chỉ mơ hồ nói, trong lúc anh ngồi cặm cụi ký còn tôi chăm chú nhìn tay đưa bút tạo ra chữ trên giấy [tôi không mang tất cả sách dịch của anh, chỉ một số, nhưng cũng nhiều lắm rồi, chồng ngất ngưởng; vì một số anh từ chối nhận nó trong danh sách dịch, và anh không đồng ý ký tất trong một lần], tôi nói rằng: rồi em sẽ đẩy đi hết, chỉ giữ lại một số rất ít như những quyển này thôi [và nhướn mắt nhìn chồng sách trên bàn lúc đó]. Đấy là người duy nhất làm ra những quyển sách tôi xin chữ ký. Hiểu thì đó sẽ là, tôi mua sách mà tự dưng nxb để tác giả, dịch giả ký vào sách của tôi thì tôi chỉ muốn giật tóc hay làm thế nào tẩy bỏ cái chỉ dấu ấy đi thôi :))) việc xin chữ ký vào sách tôi không xin bừa, không phải ai tôi cũng cho viết vào sách của tôi [còn nếu tặng tôi sách thì viết đề tặng tôi, điều ấy tôi tất nhiên vui; tôi thích lấy thư viết tay hay các tờ giấy có chữ viết tay vô tình thấy trước mặt để kẹp vào sách chỗ đang đọc dở hoặc cần nhớ]


quyển trong ảnh nằm trong đợt bao nhiêu quyển năm đó tôi xin chữ ký, là quyển đầu tiên tôi chọn mang đi đến buổi gặp, dù tôi đọc nó từ 2009, thời vẫn còn chơi yahoo 360 mới chuyển nhà sang blogspot. Cũng chỉ vì một chi tiết, nhân vật chính Marco Fogg [phải 2 g nhé] thừa hưởng 30 năm gom góp sách của ông bác [ban đầu cậu ta chối đây đẩy chỉ muốn làm cách nào trả lại được cho ông bác] và các thùng sách như bị bỏ quên, cho đến ngày sa sút nặng, cậu gỡ ra đọc hết [thay vì dùng các thùng sách tạo thành kê giường, bàn, kệ etc. như trước đấy] như trả món nợ tinh thần, chữ nghĩa... rồi bán dần để sống, bán sạch bách :)))


gần đây trong một cuộc gặp tôi mang đi cũng hơi nhiều sách he he, tôi mới biết rằng, chính dịch giả cũng chỉ thích đoạn đầu của Moon Palace, và cũng chỉ thích chi tiết ấy :))). Chúng tôi đều thấy đây là quyển hay nhất của Paul Auster [cuộc gặp 2010, anh dùng cụm "anh dịch cho anh" khi nói về các sách mình dịch và nhất là khi trỏ vào Moon Palace, Phía nam biên giới...; đúng, đơn giản trước sau chỉ vậy]; sau Moon Palace, tôi đọc thêm ít cũng phải 4-5 quyển Paul Auster nhưng đều không thích nữa, và thật ra nó hút quá mạnh ngay đầu bởi chính những chi tiết trên kia. Một tuổi trẻ sa sút không biết đến ngày mai mà vẫn thản nhiên lơ đãng ngơ ngẩn những quãng thật dài [để đọc sách, chẳng hạn]. Một quãng đời thật màu mỡ 🙂


sáng nay khi đang nằm đọc Hoạ sĩ của cuộc sống hiện đại thì tôi nhìn sang chỗ sách đã nhận chuyển khoản đang chờ gửi đi chủ mới; rồi nghĩ đến có người bảo "hồi mới bán sách của mình em buồn phát khóc vì trước em nghĩ mình không có gì nhưng mình còn có sách, giờ thì đến sách em cũng chẳng còn, dần dần em quen với việc không giữ sách trong nhà"; tôi liền nghĩ giờ nhà còn mỗi một Moon Palace, lần này là một thật rồi, chứ trước cứ nghĩ một hai mà có lúc dọn nhà ra tới tận bốn :))) thì không biết Marco Fogg còn ám tôi không, chứ tôi gả sách đi chủ mới tôi vui bà cố vì lại có tiền mua sách tiếp :))) [mẹ tôi kêu bán được sách mà lúc nào cũng kêu không có tiền leo núi, chả lẽ thỏ thẻ, con bán 7 thì con đi mua 10] chưa kể tôi thấy giàu vãi chưởng vì tôi có chỗ sách "làm vốn" phải quên đi cất tít tịt góc hộc đàn. Tuổi một quyển sách trôi nhanh lắm, nhanh hơn tuổi trẻ, hơn cả nhan sắc thiếu nữ... lâu lâu chạm tới đã qua một suối tóc mơ gặp nhau đủ bốn mùa

21.9.23

nothing

 



sau gần 5 năm, đêm qua mơ thấy thân yêu. Anh không xuất hiện như chỉ một giọng nói, một cử chỉ, một cái nhìn như ngoái đầu... dù càng lúc càng khó gặp M. trong mơ. Hôm qua là cả hình hài, như M. sống động đi lại, hoạt động, đứng ngồi... như mọi người trong giấc mơ. Mình không buồn không vui. Lạ nhất là không vui. Tỉnh dậy cũng không buồn. Đến giờ, mình buồn vì mình không cảm thấy vui không cảm thấy buồn. Mình cũng không biết gì nữa hết 

15.9.23

M. khác



một Maupassant rất khác

ps. tóm được rồi nhé 

7.9.23

trong không gian








hôm nay nói chuyện với một cô gái dùng thuốc an thần 6 năm; cô ấy cũng nghĩ mình từng trầm cảm; nhớ lại và nhìn lại ảnh chụp mình và con emi, mắt mình quầng thâm sau hơn 1 tuần không ngủ tí nào cũng nhất định không uống thuốc ngủ nữa, ghé mặt vào khung hình cùng con mèo [ngày ấy chưa phải mèo già]; cô gái nhìn ảnh mình bảo: mắt chị như kẻ mắt và nước làm lem màu quầng đen :)


nhớ lại khoảng thời gian đó, mình cũng không biết nhờ điều gì mình đi cùng [chứ chưa bao giờ vượt qua, chưa bao giờ] chịu đựng một cơn đau lớn nhường ấy, như một bệnh mãn tính đeo đẳng; chỉ là mình thực sự thấy thuốc ngủ vô ích, mình xoá hết số điện thoại những người bán thuốc trôi nổi trên thị trường, vứt hết thuốc vào thùng rác; mình kệ mịe; mắt lúc nào cũng đau bất kể nhắm mở, trừ lúc khóc là không, nếu có thể khóc được; tai luôn nghe thấy tiếng u u u trong không gian bất kể đêm hay đường phố nhộn nhịp, cứ lắng tai nghe là nghe thấy tiếng u u u sâu thẳm, nếu không thì là M. nói gì đó trong gió, đôi khi giọng M. rất rõ ràng, mình thề là đúng giọng M. như M. vẫn đang nói bên tai mình 


nỗi đau không biến mất, nó chỉ thay hình đổi dạng 

6.9.23

sống trong huyền phù

 





Paolo Giordano là một trong số rất ít tác giả trẻ [anh sinh năm 1982] tôi đọc. Quyển đầu tiên của anh được dịch sang tiếng Việt, cũng là tiểu thuyết đầu tay Nỗi cô đơn của các số nguyên tố [tôi từng nhắc đến ở đây https://emidelicate.blogspot.com/search/label/Paolo%20Giordano?m=0, không tìm được link fb, hôm nay tìm mấy thứ ghi chép lung tung ở fb cũng không thấy, cayyy] tôi đọc cách đây 14 năm, và ngay lúc ấy tôi nghĩ, và đến giờ tôi vẫn nghĩ điều tôi cho lúc ấy, đúng đến tận giờ rằng, tôi sẽ đọc tác giả này. Một nhà nghiên cứu vật lý [vật lý lý thuyết] viết văn, một tâm hồn bập bềnh văn chương trong một nhà khoa học tự nhiên, như Giordano từng nói: "Viết văn và hoạt động khoa học đều cùng nảy sinh từ sự ham mê tìm tòi. Văn học là công cụ hoàn hảo để nghiên cứu tâm hồn. Có lẽ tôi bị ám ảnh bởi điều này, bởi lòng ham mê tìm tòi nghiên cứu"


Bầu trời và mặt đất là câu chuyện về tuổi trẻ với những hành động phóng túng mãnh liệt quyết định trạng thái sinh tồn, về tình yêu tình anh em tình bạn, về những đứa trẻ cùng nhau lớn lên, về các thiên thần nổi loạn khuấy đảo thiên đường rồi từ thiên đường rớt xuống [theo ngôn ngữ Kafka: trục xuất, bị đuổi khỏi thiên đường] lao vào hố sâu trên mặt đất này [hãy nhớ những gì được nói ở trang 269 đến 271], về lòng sùng kính và những sai lầm vì chính lẽ ấy mà con người phạm phải "nhiệm vụ của chúng ta là khuấy đảo thiên đường và lẽ phải thuộc về ai đang sống". Một cuốn tiểu thuyết không cần quá tinh ý cũng nhận ra nó được viết về chính thế hệ của tác giả; Giordano tạo ra những nhân vật như mảnh lục địa trôi, những tính cách nhân vật độc đáo - có thể dùng, nhân cách phi thường; khiến tôi vừa lấy làm sửng sốt vừa lại coi là hiển nhiên - tác giả là tiến sĩ vật lý đấy, là một người nghiên cứu về vật lý lý thuyết đấy mà, hẳn phải là như thế. Ở Nỗi cô đơn của các số nguyên tố, là những liên tưởng cặp số trong toán học với những con người như bị ném vào vũ trụ của những con số những bí ẩn của các dãy số, một cách đầy hào phóng và thơ mộng; còn ở Bầu trời và mặt đất, ta sẽ bắt gặp những ý nghĩ: năng lượng mặt trăng xuyên thấu qua đất mạnh hơn năng lượng mặt trời và điều đó giúp quá trình nảy mầm... cây cối được bao bọc an toàn trong chậu có những chùm rễ dài xoắn chặt vào nhau lại là những cây không bao giờ thích nghi được với đất mẹ, chỉ những cây nào có rễ tự do, bị bật rễ lúc còn non ngay giữa mùa đông mới có khả năng tồn tại - như những nhân vật ở đây vậy. Những mảnh lục địa trôi lớn lên cùng nhau, những lần thủ dâm cùng nhau, thời gian cùng nhau ngồi dưới giàn dây leo, những lần ngủ trên cây để cùng nhau ngắm sao băng nằm nhìn trời đêm tối sẫm cảm giác mình là một phần của điều gì đó lớn lao, chính lúc ấy báo hiệu một tình yêu mãnh liệt đến đáng sợ không chỉ tình yêu cây cối mà là tình yêu dành cho vạn vật và tất tật mọi thứ, nó khiến người ta không thở được, bị bóp nghẹt. Là người đọc, được chứng kiến tất thảy câu chuyện, sự thực về ai đó, về bất cứ ai, đơn giản không bao giờ tồn tại; ta không bao giờ hiểu trọn vẹn một ai cái gì điều gì bất cứ gì - tất tật, đừng bắt đầu nghĩ và làm như ta có thể; ta hiểu về ai đó đúng như những gì ta cần biết về họ, vậy là đã rất đủ; không phải ta như sực hiểu ra điều trước giờ vẫn hoàn toàn nằm sau bức màn hoặc ta từng nghĩ ta không thể hiểu nổi mà giống như ta bắt được bông bụi chập chờn bay trên không sau một thời gian dài dõi mắt... như ta một ngày hiểu được phase phân tán của huyền phù trong một hệ


Bầu trời và mặt đất, với một xuất phát điểm như vậy trong tôi, ngay từ đầu đã chịu sự kỳ vọng lớn và cùng lượng ưu ái. Những trang đầu tôi mỉm cười với chính mình vì đọc dễ chịu quá, mình biết là mình sẽ không thất vọng mà; nhưng đi thêm độ mấy chục trang, tôi bắt đầu hồ nghi, liệu mình có quá dễ dãi với điều mình yêu thích không, bắt đầu thấy đây là những trang viết yếu ớt rồi, motif này không phải quá nhàm chán hay sao: những ẩn dụ Kinh Thánh. Và sau khi kết thúc quyển sách, tôi lại chính là người tự hỏi mình: trong những thời khắc đọc Kinh Thánh, mỗi khi vào nhà thờ hay khi tôi hát những tiếng Amen hallelujah bằng trái tim và tâm hồn mình, tôi có thực là không tin điều tôi tin như tôi vẫn hay nói ra miệng rằng tôi không phải người tin Chúa, "ta trốn chạy khỏi người để trở lại với người". Và rồi câu chuyện vẫn tràn ngập các ẩn dụ Kinh Thánh nhưng những bước tiến tâm lý nhân vật, những tình tiết và cách kể chuyện đan xen khiến tôi bị cuốn vào, khiến tôi suy nghĩ trong hưởng thụ: dẫu tôi là người bi quan hễ cứ có điều gì đau đớn diễn ra ở mặt đất này, tôi đều hồ nghi sự hiện hữu của Chúa của lòng sùng kính trong tôi với Đấng mà tôi không ở trong đất Người dù từng vô thức làm báp-têm - Chúa có đó không, kế hoạch gì mà con của Người phải chịu đau đớn bất hạnh nhường này; không phải phúc âm Matthew mà phúc âm John mới là kinh về linh hồn chuyển vị, sự đầu thai của linh hồn, như Bern được nằm lại nhà vườn qua quyển sách yêu thích Nam tước trên cây cùng lời kinh John


những mảnh lục địa trôi ấy - họ giải phóng bầy ngựa khỏi bị giết thịt, họ tranh đấu cho những rừng cây bị chặt hạ, họ đọc Cuộc cách mạng một cọng rơm - nông nghiệp vô vi: không làm những gì thiên nhiên có thể tự hoàn thành, họ muốn hiểu rõ trí khôn của thiên nhiên, muốn triệt để khai thác trí khôn ấy và muốn tái tạo, tái tạo mọi thứ đã bị tiêu dùng thật tàn bạo trên mảnh đất dưới chân họ. Mảnh lục địa trôi thu hút nhất - Bern, là mảnh đọc Nam tước trên cây và đọc The ego and its own cùng nhiều giờ hiến mình trong thư viện, cũng là mảnh sùng kính và tội lỗi đi liền nhau [Nam tước trên cây là tác phẩm tôi thích nhất của Italo Calvino; tôi đọc Italo Calvino cũng tương đối, để ở vai trò người đọc không đi qua ranh giới của nó, không dại mà thử đặt chân (dẫu tôi cũng đã thử không chỉ một lần, không chỉ một vai trò) sang vai trò khác, như tôi, cũng là tôi được Calvino chỉ dạy, tôi nghe lời khuyên ấy (dẫu chính Calvino lại không hẳn là thế, căn cốt của nhà văn nào cũng là người đọc cả, ông hơn cả một người đọc cự phách, sâu rộng hơn rất nhiều)]. Bern là một thiên thần với sức chịu đựng con người và cuộc sống ở mức phi thường, Bern đã như Nam tước trên cây - từng sống trên cây, trong toà tháp đổ nát, một mảnh đất tên nhà vườn với ngôi nhà không có điện và cuối cùng là sống và ở lại vĩnh viễn [một trong những cảnh từ biệt đẹp và đau đớn tuyệt vọng nhất trong lịch sử đọc tiểu thuyết của tôi là ở Bầu trời và mặt đất] trong băng đá trong hang động sâu dưới lòng đất thông với cánh đồng nham thạch, Lofthellir [đây là một hang động có thật, nó là ice cave ở Bắc Iceland]. Kẻ đã mạo hiểm đặt chân vào cấm địa của hang đá tuy tồn tại nhưng lại không hề tồn tại với phần còn lại của thế giới ngoài kia, đã sống một đời ngắn ngủi, đã không ngừng yêu thương cả trái đất và bầu trời bằng tất cả sự phóng túng và mãnh liệt được ban tặng cho một con người


giữa bầu trời và mặt đất, luôn có những điểm chạm dịu dàng đâu đó trong không trung, trong vòng tay của Người. Ta trốn chạy khỏi Người để trở lại với Người, như thiên thần rơi khỏi thiên đường xuống mặt đất và phủ định sự tồn tại của thiên đường [bị trục xuất khỏi thiên đường đâu có nghĩa là thiên đường không tồn tại] để rồi tìm đường trở lại "tất cả đều thuộc về chúng ta. Cây cối và những bức tường đá. Thiên đường. Cả thiên đường cũng thuộc về chúng ta". Ở nơi ấy, những tia sáng xanh cùng phát ra từ một điểm ở đường chân trời rồi tản ra như khói


vĩ thanh: tối qua khi tôi ngồi viết văn bản này, một người đàn ông chạc 35 tuổi với balo trên vai dừng lại cửa nhà tôi hỏi đường đến Long Biên; tôi bảo xa lắm, cách đây chừng 9-10km, không đi bộ được đâu khi không biết đường và hỏi thăm từ đây, rồi thì nếu cần tôi sẽ gọi xe chở đến đấy cho; nhưng anh ta bảo tôi: chị cứ chỉ đường đi, tôi đi được; nhìn thái độ cương quyết của anh ta, tôi liền nghĩ đến những người trẻ trong Bầu trời và mặt đất - the fallen angels



2.9.23

một gặp gỡ



hôm qua tôi đi gặp gia đình một người bạn. Ban đầu anh bạn nhắn quán ở số 14 con phố, nhưng vì nghỉ lễ quá đông nên anh đã đổi sang quán số 10 và nhắn tin báo cho tôi; không kịp đọc tin nhắn, thấy đường phố đông nên tôi đã bảo grab dừng xe từ ngã ba trước đó cả quãng và đi bộ vào phố; đúng đến số 8 thì nhìn thấy anh bạn và con gái lớn của anh đang đi ngược chiều dừng ở quán số 10. Ba người đã gặp nhau như thế, hơn 4 năm mới gặp anh, vậy mà với đôi mắt cận có thể nhận ra ngay dáng người của bạn mình và cả con gái anh dù chỉ nhìn cô bé trước đó qua ảnh; bảo với anh: anh giống ba anh quá, sau mấy năm không gặp anh, em thấy góc nghiêng vừa rồi như nhìn thấy ba anh 


ba người bước vào quán, cô bé nhân viên quán cúi người chào khách; đến giờ mình vẫn không hiểu tại sao lúc đó mắt mình lại nhìn cô bé, dẫu chỉ vài phút sau mình hiểu. Mẹ, vợ [chị cười thật hiền] và cậu con trai [chào cô tú rất tự tin] và con gái anh đã gọi đồ uống do vào quán trước nên chỉ còn mình và anh gọi đồ khi một bạn nhân viên nam ra đưa menu và ghi order; 3 phút sau một nhân viên nữ bê đồ đến bàn phục vụ, mình đá mắt nhìn bạn nhân viên nữ và bất giác biết tại sao vừa rồi mình nhìn cô bé ở cửa; vì quen; một vẻ quen mà đầu mình chưa kịp định hình; chỉ tích tắc sau đó mình nghĩ, không lẽ là cái Kiến, rồi mình lại tự nghĩ cái Kiến lành hơn cái Tôm; nếu đây là chúng thì hẳn là cái Tôm vì cô bé này xỏ khuyên trâu giữa mũi, khuyên mày 2 bên, tóc nhuộm, móng tay, hình xăm; rồi mình tự nghĩ cái Kiến mặt bầu hơn, vậy là cái Kiến; nhưng liệu có phải chúng không, mắt mình luôn nhìn nhầm người nếu không có biểu cảm trên mặt hay không được nhìn cả dáng người; rồi mình rời tia nhìn đi thì vết sẹo cổ tay cô bé đập vào mắt mình, mình định hình lại và nhìn thì đúng là vết sẹo đó. Mình biết đấy là em gái mình, là 1 trong 2 đứa sinh đôi, cùng cha khác mẹ với mình, 10 năm rồi mình không nhìn thấy hiện diện ở khoảng cách thế này


ngồi với gia đình anh bạn trong không khí thân mật, đôi khi rất đôi khi len vào đầu mình một tích tắc nhỏ cảm giác lấn cấn khi một trình hiện rõ nét với mình như thế đang ở cùng không gian đông đúc quán xá. Rồi vô tình câu chuyện mình và cô T. mẹ anh bạn nói đến một người bạn chung đáng tuổi ông của mình, vậy mà lúc mình gặp bác ấy, chỉ bằng sự dừng rất nhỏ trong mạch văn của mail mình trả lời mail bác mà bác có thể biết mình đi vào vùng đất chưa thể chia sẻ tiếp với bác được và bác tiếp nhận việc ấy hết sức tinh; cô T. lúc ấy gật đầu bảo: ông PĐ đáng tuổi ông con đó, mà con và ông nói chuyện chia sẻ với nhau chuyện tình cảm được, thật là... *cô gật đầu chiều ngẫm nghĩ* và cô nói về chữ "duyên" cũng vẫn những điều mà mình nghĩ: cô và mình và những người tìm tâm hồn nhau đều nghĩ như vậy; nhưng ở khoảnh khắc và không gian hôm qua, nó làm mình lặng đi cả phút; mình không giữ nổi suy nghĩ vương vít tóc mình nãy giờ. Mình quay qua anh bạn, hỏi anh, anh có nhớ vừa rồi có cô bé phục vụ bê đồ uống vào cho anh em mình không; anh rất hiền gật đầu và mắt mở sáng hơn như chờ em nói đi; mình bảo cô bé đó về huyết thống... rất gần với em; anh hơi thẳng người ngước sang nhìn mình mở mắt lớn, và nói sau khoảng vài giây, nói chậm, anh thường nói chậm, anh nói: là con chú con bác em đó hả; mình bảo: cô bé đó và em là con cùng cha khác mẹ, 10 năm rồi em không gặp


anh bạn mở mắt lớn, dựng hẳn người trên ghế hỏi thật đó hả; con gái lớn của anh ngồi đối diện, cô bé thật tinh, cô bé nói rất đủ nghe như ồ lên với ấn tượng ngay khi vừa ngồi vào bàn cùng nhau. F. - tên cô bé ở nhà, nói: vậy đó, vừa rồi con thấy cô nhìn chị đó, *hai bàn tay búp măng của người chơi piano trong cô bé đặt lên vùng thái dương gần đuôi mày* cô nhìn trân trân, mặt cô dừng lại luôn, cô nhìn chị đó trân trân luôn hà, con nghĩ không biết sao cô ngẩng lên nhìn chị đó trân trân luôn. Mình bảo với F, vì cô thấy quen và cô nhìn những phụ kiện trên người bạn đó, cô cần khớp lại [trong 2 đứa trẻ sinh đôi, chính đứa trẻ này hồi bố bỏ mặc, mẹ bỏ đi theo mqh mới, con bé bị hoảng loạn và sợ đi vào thận; lần cuối cùng chăm nom chúng, chúng đến phòng tôi mang theo mùi khai, con bé bị đái dầm và không tự chủ; làm sao có thể khác được khi 10 tuổi người ta bị bơ vơ như thế; mặt nó lúc nào cũng buồn và lì hơn chị gái chào đời trước mấy phút; mẹ tôi từng chửi chúng là 2 con đĩ non và hôm nay mẹ tôi vẫn nhắc lại với tôi: 2 đứa nó giống tú, nhìn giống tú đúng không, một con mặt bầu hơn con kia]; nhưng khi cô nhìn xuống cổ tay bạn í có vết sẹo thì cô biết đấy là em cùng cha khác mẹ với cô; F biết không, lúc đó lưng cô rùng lạnh và tay cô nổi hết da gà, cô phải nhìn xuống da tay mình xác nhận từng sợi lông dựng lên trên nền da gà rồi biến mất đi. Và cô T. vẫn chưa thực sự hết sốc hỏi lại: trùng hợp vậy hả, 10 năm hả tú, là con của Thắng đó hả; bảo vâng ạ; và mình nói: xưa cô bé này ngã xe đồ chơi và cái xe đồ chơi đó rơi trên gác xuống làm vỡ kính, xe rơi trước, người lăn xuống sau và cổ tay cô bé cắm sượt qua tấm kính vỡ, dù đã khâu thẩm mỹ nhưng cơ địa sẹo lồi nên đã thành vết sẹo to và nổi trên da, con hồi đó thường nói với chị và em gái con: vết sẹo đó mai này rất dễ khiến người ta nghĩ đến một vết sẹo tự tử không thành để lại, nếu hôm nay không phải cô bé này mà là chị gái sinh đôi của cô í, thì có thể con sẽ hồ nghi và chỉ khẳng định 90% vì cô chị thì phải có nốt ruồi đặc biệt ở vùng tay trên mà như thế thì không dễ đập vào mắt con; rồi mình quay qua F. nói: nhưng ông Trời lại bắt cô nhìn thấy cái sẹo ở cổ tay rất dễ thấy cơ F. ạ, một vết sẹo mà nhìn thấy ở bất cứ ai cô cùng đều nghĩ đến đứa bé đó em cô. F. vẫn nhắc lại vẻ mặt tôi lúc đó khiến F. để tâm thế nào, F. thật tinh, F. ngồi 1 phút rồi đứng dậy ra quầy lấy thêm nước lọc, khi trở lại F nói: ngoài quầy phục vụ có 2 người giống nhau cô ạ, có 2 chị giống nhau


nếu đúng ban đầu thì sẽ ở số 14, không vào quán số 10; nếu vào quán số 10 không nhìn đến người nhân viên cúi đầu chào thì không lợn cợn một hào quang người quen nào đó; nếu cùng một hoàn cảnh phục vụ đồ uống, cũng là đứa em nhưng không phải đứa em trong cặp sinh đôi mà là đứa chị tay không có sẹo thì... có thể tâm trạng của tôi từ qua tới giờ không lơ lửng thế này. Chia tay gia đình anh bạn, tôi đứng ở cửa quán mấy phút tim đập nhanh, tay rút đt muốn gọi cho ai đó, muốn đi lại vào quán để làm gì không rõ, cứ đứng vậy rồi tự nói với mình, mình phải di chuyển và tôi đi những bước không ý thức qua con phố hàng quán đồ ăn đông người với lời mời chào vào hàng ăn và một vài cú huých do mình đâm sầm vào người khác hay người khác lao vào mình, tôi đi vô định như thế qua các ngả đường qua nơi sáng nơi tối rồi lòng vòng thế nào tôi lại thấy trước mắt mình là khách sạn gia đình anh bạn đang ở; tôi thấy sẽ thật không phải, và tôi lại bước chân đi cho đến khi tôi thấy mình bắt đầu thấy mọi việc chậm lại rồi, không nhoà nhạt tua nhanh rối loạn chao đảo trước mắt, âm thanh đèn đường, nhiệt độ ngoài trời đang cho những giác quan của tôi bình thường trở lại, tôi dừng lại ngước nhìn tên phố và số nhà để book grab. Bên kia đường một người đàn ông đang đứng đái bậy, tôi quay lưng dựa vào gốc cây dưới ánh sáng đèn của trụ sở cơ quan nào đấy và bấm điện thoại nhắn zalo cho chị và em gái. Thế rồi người đàn ông đái bậy bên kia đường ngật ngưỡng đi qua tôi và nhìn và ngoái nhìn, có lẽ ông ta ở quán ăn hè đường gần đấy đang ngồi nhậu với bạn; tôi như tự nhiên ngẩng lên đáp lại cái nhìn của ông, nói: mệt quá nhỉ; ông ta gật đầu và tay đưa lên vuốt mớ tóc bù xù trên quầng trán bóng mồ hôi dầu. Bóng lưng ông ta bước đi với dáng người tuổi bố tôi dần xa, tôi nhìn mãi vào cái cổ áo phông nửa xoắn vào trong nửa dựng đứng chưa bẻ tưa lưa nếp nhão ấy