Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

18.12.23

homo faber




tên tiểu thuyết gắn với khái niệm triết học và Max Frisch - nhà văn Thuỵ Sĩ viết tiếng Đức còn là một kiến trúc sư. Nhắc đến MF người ta thường nghĩ nhiều đến 2 nhân vật: Bertolt Brecht và Ingeborg Bachmann - một là mối liên hệ tinh thần và một là mối tình với những ảnh hưởng tinh thần lên nhau, không phải vợ [theo tôi tìm hiểu là thế]


Homo Faber, tiểu thuyết được viết theo hình thức kể chuyện với những câu ngắn không liền mạch chuyển cảnh liên tục, đan xen nhật ký thư từ; cách đan xen như người ta giở tờ qua từng tờ của tập kịch bản, không khỏi choáng váng vì chuyển cảnh sân khấu kịch, lia máy quay quá nhanh. MF viết như dựng tiểu sử đời tư chính mình, với tôi, nó giống như đưa cái vĩnh hằng vào trong khoảnh khắc, nhân vật và con người vật lý ấy hoá nhau trong cái nhìn đa chiều. Nhân vật chính Walter Faber được Max Frisch cá nhân hoá [MF thành WF và WF thành MF, M và W nhìn nháy nhau 🙂, và không chỉ cặp ấy], rất nhiều chi tiết cuộc đời MF xuất hiện [như một định mệnh viết trước]: 


như cuộc sống chu du dịch chuyển, con người của kỹ nghệ máy móc tua bin. MF từng vừa chu du vừa viết cho các báo, tạp chí về vùng đất ông đến, cuộc đời qua các giai đoạn cũng gắn với quốc gia khác nhau


như đời sống tình cảm, bị từ chối lời cầu hôn. Hannah trong Homo Faber là hiện thân của Kate ngoài đời, mối tình trong truyện đúng tới cả mốc thời gian gắn với Kate ngoài đời [1934-1939], chính Hannah "trả miếng" gọi Walter Faber là Homo Faber vì W đã gọi Hannah là người trên cung trăng, nữ thần thi ca, từ lúc trẻ mới yêu cho đến 21 năm sau Hannah vẫn nhìn W không khác; Hanna cũng là một type phụ nữ vô cùng đặc biệt - nhà khảo cổ học, kéo vĩ cầm (dẫu như bao phụ nữ, xử sự như một con gà mẹ ấp con nhưng những quyết định đưa ra cho thấy một phụ nữ Đức gốc Do Thái có số phần không hề đơn giản, không kể những cuộc đi trong tình thế lịch sử chung); trong Homo Faber, khi Hannah nói với W rằng mình có thai thì W đã không nói "đứa con của chúng ta" mà nói "đứa con của em" nên chuyện tình dừng tại đó [với Ingeborg Bachmann, tình cảnh cũng tương tự, Bachmann ban đầu từ chối lời cầu hôn và chuyện tình sau đó tiếp tục với sự đeo đuổi của MF, nhưng sau rốt, chuyện tình dừng lại, không tới đâu thì cũng thường như bao người (sao đàn ông và phụ nữ không thể tránh vấn đề này nhỉ, tại sao nó hiển nhiên như thế mà vẫn thành nan đề trong mqh yêu đương, thật nhục nhã vì con người cứ mãi không thể thoát khỏi những hóc búa xuẩn đến thế, như nó là sự kiện cơ bản của phận người, thật là bất tiện :))) )]


như là yêu những cô gái rất trẻ cỡ tuổi con mình. Homo Faber là tiểu thuyết dã man khi MF cho WF nhìn thấy hình ảnh Hannah tuổi trẻ trong Sabeth và gần như đi đến đám cưới (tất nhiên cũng đã ngủ) với Sabeth trước khi WF biết Sabeth là con gái mình 


như là bệnh tật và chuẩn bị cho cái chết. Ung thư dạ dày, tiểu sử cho thấy MF phát hiện bệnh rơi vào khoảng năm 198 mấy nhưng Homo Faber được viết 1955-1957, trong đó Walter chuẩn bị cho cái chết khi đang đợi lên bàn mổ ung thư dạ dày; trong Homo Faber, có một chi tiết nó rất đúng với người biết mình có bệnh, tức là, họ luôn cảm thấy cái chỗ đó, nơi có bệnh, vào những lúc họ khó ở; như W trong Homo Faber hay nói "tôi lại cảm thấy mình có dạ dày" "tôi luôn luôn cảm thấy mình có dạ dày" - cái hiện hữu tức là cái đau cái cấn cấn và nhờ đau nhờ cấn cấn mà nó hiện hữu mà người ta biết nó hiện hữu, điều này người khó ở rất hiểu điều MF viết. Khi tôi đọc đến đoạn W tỉnh dậy trên máy bay với giấc mơ tất cả răng trong miệng rụng hết và chúng lạo xạo như sỏi ướt "vừa mở mắt ra tôi hiểu ngay. Phía dưới chúng tôi là biển khơi" (máy bay đang trên không thì trục trặc 1 rồi 2 động cơ, về sau rơi xuống sa mạc) đọc 2 chi tiết này, về cái lại cảm thấy có dạ dày và về giấc mơ, tôi yêu MF hơn nữa, ngay lập tức tình cảm đi vọt lên hơn nữa [nó bắt đầu vọt từ lúc W cứ như cố trốn khỏi chuyến bay, tránh một điều gì đấy mình đã quyết định làm vào thời khắc không quyết làm nó nữa, dạ dày nó cứ bập bùng chộn rộn cả lên muốn vọt ra ngoài tất tật] vì đấy là sự thành thực


câu chuyện quá nhiều xoáy xảy ra liên tiếp đột ngột cắt ngang và các xoáy diễn ra theo lối 'trùng hợp làm sao', nó khiến người ta biết mười mươi đây là một tiểu thuyết hư cấu, nhưng cách viết cách kể thì quá nhiều thành thực và đúng là thực, sự thực và những cái tưởng không đúng sự thực hiểu theo nghĩa nào đấy nó cũng vẫn có phần sự thực chỉ là không hẳn là sự thực, sự thực và cái gần sự thực không ngừng tiến đến gần sự thực hơn nữa. Và càng đọc càng khiến người ta nghĩ thật may vì đã đọc, như được sống một cuộc đời khác để tường tận mình hơn ở một ý nghĩ nào đấy trong cuộc đời đang diễn tiến ở đây. Có thể đó chính là sống trọn một cuộc đời với ý thức luôn luôn mình sẽ tắt lụi.


[thôi đã mờ mắt rồi, nhắm mắt đây, không viết nữa, mai dậy có gì tiếp tục]


14.12.23

hai mươi năm




 đọc lại một quyển sách xuất bản cùng năm [và gần như cùng tháng] với năm mình ra đời, nó ở trong nhà gần 20 năm. Câu chuyện mua được nó thì quá đáng nhớ: mua ở dọc sách bán vỉa hè bệnh viện BM [không hề hay biết là chỉ khoảng 1 năm sau, đó sẽ trở thành nơi học tập đi lại đến nhẵn trong mấy năm], nghĩ rằng cất ví cốp xe cho thoải mái xem sách khỏi lo mất cắp hay mất ví [trước đấy từng mất cặp xách để giỏ xe đạp, cũng tại đây, cũng đang khi mải xem sách], cuối cùng trộm móc cốp lấy mất ví [sau đấy mới biết chỉ 3-5s là móc được đồ trong cốp xe máy], mất ví xong thì sách đã chọn đành phải nhờ người bán giữ hộ để quay về nhà xoay tiền đã và trong hoang mang bị trộm móc mất ví lại bị thêm một ông nghẹo ra dụ "làm sao. mất đồ à. muốn chuộc không. chuộc thì tháo cái dây đeo cổ ra rồi anh đi chuộc đồ cho", quá hoang mang phóng lơ vơ trên đường lại gặp mấy thằng Thanh Hoá [hồi đấy người ta gọi thế, chứ không hoa mỹ hoa thanh quế như giờ, và từ đó để chỉ chung những người cửu vạn Thanh Hoá hay thợ xây] nó giơ tay định bóp ngực [thế nên giận cá chém thớt mới đuổi theo bằng được, áp sát xe, đạp luôn đổ xe chở 2 thằng đàn ông, rút dép ra nện, mượn cả mũ cối xe ôm gần đấy nện :)))] về đến nhà trong lơ lửng đủ mọi sợ hãi đổ như thác mùa lũ trong đầu, mặt như ngẫn đỗ cửa bảo bố mẹ "con bị trộm móc mất ví" [vì sẽ phải làm lại giấy tờ cmt các thứ nên kiểu gì cũng phải nói, mà tôi luôn chọn nói thật nói luôn nói ngay, cho nó dễ cho mình], mẹ chu chéo cả phố nghe thấy "ối giời ơi bà ngỗng nhà tôi, đi đâu mà lại mất ví, mất ở đâu, nhiều tiền không, mất từ lúc nào, bố mày chở nó đi tìm ví..." etc. Đã gần 20 năm :)


nay đến trang này, là đã rất cố gắng vì không biết mắt mình mờ hơn 20 năm trước hay chữ đã phai theo thời gian hay là cả hai... chỉ biết vì đọc chậm do mờ nên thấy hơi nhiều lỗi, thấy tờ đính chính cũng hơi mừng... mà tờ đính chính ấy kẹp nhầm, nó đính chính cho lỗi ở một quyển khác :)

9.12.23

thôi đã hết thật rồi




Kẻ tẩy não nối tiếp ngay sau Công chúa băng trong series lấy bối cảnh ở thị trấn Fjallbacka [quê hương tác giả Camilla Lackberg] cùng những nhân vật điều tra phá án cũ


đọc trinh thám Bắc Âu vẫn là yêu thích của tôi, nhưng chắc không dành cho tác giả nữ được quá 2 quyển vì Kẻ tẩy não kém xa so với Công chúa băng. Câu chuyện dây cà dây muống y chang phụ nữ ngồi hàng gội đầu buôn chuyện, kết thúc có twist nhưng cũng không nằm ngoài dự đoán ngay từ đầu, mọi thứ viết nông quá không cứu vãn được yếu tố "không gây bất ngờ" và lan man giống truyện tâm lý tình cảm của nữ giới viết


tình cờ dọn chỗ truyện trinh thám thấy tòi ra quyển trinh thám Bắc Âu chưa đọc [Kẻ tẩy não không phải tôi mua, của Xô mang qua thì phải] nên háo hức lắm, thế là đọc cho dễ ngủ và, thế nào mà cũng khoảng thời gian này 8 năm trước đọc Công chúa băng :); nhưng rồi thất vọng và tạm biệt tác giả luôn :)


đây là Công chúa băng đọc 2015

https://www.facebook.com/share/cJcEtzQ8YoLPEhLp/?mibextid=WC7FNe


4.12.23

mùa hè Annie




sau Maupassant thì tiến theo lối, đến một nhà văn nữ hiện đại, cũng Normandie: Annie Ernaux. Lần đọc này, đọc lại Một chỗ trong đời và Hồi ức thiếu nữ, đọc mới 3 quyển mà đợt rồi NN xuất bản liền: Một người phụ nữ, Cơn cuồng si, Nỗi nhục


theo thứ tự như ảnh từ trên xuống từ trái sang phải - là đọc theo tuyến tính thời gian tác giả viết, sẽ nắm bắt được các sự kiện xuất hiện; vì mỗi giai đoạn, sự kiện cốt tử đều được Ernaux chọn viết trong một tác phẩm [như chuyện phá thai (tiếc là chưa được dịch, sự kiện này được nhắc lại ở Cơn cuồng si), bố mất, mẹ mất, mối quan hệ với một người đàn ông có vợ, chia tay chồng (chưa được dịch), mùa hè 1958 mất trinh, tháng Sáu 1952 nhận ra cái nhìn của mình về cha mẹ cũng đã đổi khác...]; mỗi khoảnh khắc của sự kiện sẽ được bà "làm việc" trong một cuốn sách riêng biệt "cái cảnh đã đông cứng lại từ nhiều năm ấy, tôi muốn khiến nó nhúc nhích nhằm lột khỏi nó tính thiêng của linh ảnh bên trong tôi (được làm chứng, chẳng hạn, bằng cái niềm tin rằng nó đã khiến tôi viết, rằng chính nó nằm ở nền sâu những cuốn sách của tôi)" [làm tôi nghĩ đến Romain Gary, trút vấn đề người da màu vào một quyển riêng...], tức là "sẽ không bao giờ có câu chuyện khả dĩ nào khác, với những từ khác, theo một trật tự câu khác"


điều này rõ nhất Một chỗ trong đời viết về người bố, là quyển có giọng văn trung tính bình thản, thậm chí nhạt nhẽo; trong khi ở Một người phụ nữ, viết về người mẹ, giọng văn vọt trào cảm xúc hơn dẫu được tiết chế - người đã thúc đẩy thẩm mỹ cho Annie [như việc đọc Mauriac, Colette...], "người đã hội tụ người phụ nữ vốn dĩ là tôi lúc này với đứa trẻ tôi từng là", cái chết của người mẹ khiến "tôi đánh mất sợi dây nối cuối cùng với thế giới xuất thân của mình"; cũng kể từ tác phầm này, phần lớn các địa danh được viết hẳn ra, thay vì viết tắt như ở Một chỗ trong đời; nhiều đoạn làm tôi nghĩ đến một nữ nhà văn Ý: Oriana Fallaci với Thư gửi đứa trẻ chưa từng sinh ra [thậm chí, tôi vừa đọc vừa nghĩ, nếu một người bạn của tôi còn sống, nhất định người đó sẽ thích đọc Annie Ernaux] 


dự định của Annie Ernaux có bản tính văn chương "tôi bắt đầu biến mình thành một kẻ văn chương, một người trải nghiệm mọi thứ như thể chúng phải được viết lại một ngày nào đó" [chính Hồi ức thiếu nữ là câu chuyện một hành trình gian nan đi đến bến bờ viết lách], bởi đi tìm một sự thật bằng cách hoà tan vào dòng chảy đã qua của cuộc đời bà: cái chết của bố, của mẹ, cuộc chia tay với chồng... để có khoảng cách phân tích các kỉ niệm dễ dàng hơn, để có một trật tự, trật tự lý tưởng duy nhất. Ernaux viết: khi viết chẳng có điều gì khác ngoài việc tìm ra trật tự ấy là đáng kể với bà, chúng có khả năng mang lại một sự thật liên quan đến các sự kiện; điều chỉ có thể đạt được thông qua từ ngữ - điều mà các bức ảnh, kỉ niệm hay thông qua lời kể của mọi người đều không thể mang lại cho bà sự thật "tôi mong muốn ở lại được, theo một cách thức nào đó, phía bên dưới văn chương" 


dự tính văn chương ấy mang hình hài những vọt trào cảm xúc nhưng lại được tiết chế với lối viết theo như chính bà nói trong Một chỗ trong đời "lối viết nhạt nhẽo đến với tôi một cách tự nhiên" lối viết mà trước đây bà dùng để biên thư cho bố mẹ kể những tin tức chính. Viết chậm, tác phẩm hình thành trên từng mạch suy tư sắp xếp trật tự sự kiện và cảm xúc. Và trên hành trình đó, một tác phẩm vô hình tên Viết đồng thời hình thành; nếu để ý sẽ có một tập hợp không nhỏ những câu được viết về chính việc viết tác phẩm đang viết; trong đó những từ và những câu được dùng chính xác để trỏ những sự kiện, hình ảnh, tính cách cá nhân được đặt trong lịch sử điều kiện xã hội, bà từ chối dưới mọi hình thức tung hứng dù là nỗi hoài cổ, sự thống thiết hay châm biếm "người ta không bao giờ dùng một từ này để chỉ một từ khác." Cách viết này, Ernaux nhận định "dường như đi đúng hướng của sự thật, giúp tôi ra khỏi sự cô đơn cùng sự tối tăm của kỉ niệm cá nhân, khám phá được một ý nghĩa chung hơn"; sự tiết chế chính là những kháng cự lại các vọt trào cảm xúc khi Ernaux muốn làm người lưu trữ lưu giữ thuần tuý những hình ảnh, tình cảm... mà không cấp nghĩa cho chúng "Tôi càng viết thì sự mộc mạc trước đây của câu chuyện đã hình thành trong ký ức tôi càng dần biến mất. Hồi tưởng nghĩa là tôi chấp nhận một dòng tuôn trào những diễn giải tích luỹ qua nhiều năm. Không đánh bóng điều gì. Tôi không xây dựng một nhân vật hư cấu. Tôi phá huỷ cô gái tôi đã từng là./ Có một nghi ngờ: có phải là tôi không muốn, một cách mơ hồ, trải bày khoảng đời của tôi để thử nghiệm những giới hạn viết lách, đẩy đến tận cùng sự đánh vật với thực tại [...] Có thể cũng để mạo hiểm gương mặt nhà văn mà người ta gán cho tôi, để tàn phá gương mặt ấy, cố tố cáo một sự lừa dối [...]


Cơn cuồng si của Ernaux làm tôi nghĩ đến nhiều một nữ nhà văn Pháp khác, Marguerite Duras - một câu chuyện vẫn luôn ở đấy, tiếng nói vọng âm luôn ở đấy nhưng phải khi đã thành bà lão thì mới được viết ra; phong cách viết chịu ảnh hưởng của Duras nhưng giọng văn trung tính hơn, một câu tôi thích: "sống trọn cơn cuồng si dành cho một người đàn ông hoặc một người đàn bà chính là xa xỉ"; có thể nói chính Cơn cuồng si là một điển hình khi nhìn Ernaux là một trình hiện viết của Duras. Nhưng nếu tiến thêm 2 quyển sau văn nghiệp của Ernaux, chỉ cần Nỗi nhục và Hồi ức thiếu nữ thì sẽ thấy hiển lộ nhiều hơn, không phải Duras, đó là nhiều Sagan, Colette, Beauvoir [Ernaux phân vân một tương lai sinh viên văn chương hoặc là sinh viên triết học, do dự vì Beauvoir], một ít Woolf về phía nữ, về phía nam [có thể nói thế không] đó là Proust, Prévert và một ít Mauriac, Baudelaire [Ác Hoa]


tất nhiên, khi đã chọn viết về các ký ức của mình, tạo khoảng rộng đủ sâu đủ độ lùi về không gian thời gian [thậm chí, như nhìn ký ức của ai khác] người ta phải chịu cảnh phân liệt để bẻ đi giới tuyến thời gian, hoàn cảnh lịch sử chung gộp cái người ở sự kiện "hồi đó" và cái người đang ngồi viết đây - vị thế sóng đôi không ngừng quay lại như một chứng cứ chứng minh cho sự tồn tại của hai thế giới - điều không thể phản bác, tiến mỗi lúc một gần ranh giới phân tách mình ở đây và mình ở thời điểm nào đó khác, thậm chí đôi khi tưởng rằng mình đã vượt đứt nó rồi; người ta cảm thấy và đồng thời, người ta xác nhận sự phân đoạn cùng sử tính của mình. Người viết về cuộc đời mình không giống như kẻ phô bày, dẫu viết, theo nghĩa nào đó, là một điều công cộng, bởi sự bày ra và được nhìn thấy không đến cùng lúc; và một lẽ không thể chối bỏ, thể loại hồi ký, tự truyện là một tấm gương soi các mối quan hệ gia đình - những mối quan hệ trộn lộn chộn rộn không thể chối từ và khó mà thoải mái chấp nhận sự đeo đẳng của nó [nhưng không khổ thì sao trả cho hết được]. Ernaux viết Nỗi nhục như một điều khăng khăng, một Chủ nhật tháng Sáu năm 1952 đánh dấu thời khắc bà nhận thức về những khác biệt xuất thân của bà với thế giới mà bà muốn tiến tới, ý thức được ánh mắt người khác đối với xuất thân của mình và khi chính cái nhìn của mình về cha mẹ mình cũng đã thay đổi, nỗi nhục về cha mẹ mình, về nghề nghiệp và môi trường sống của họ; nỗi nhục là sự lặp lại và tích tụ "nỗi nhục đã trở thành một cách sống với tôi. Rốt cuộc, thậm chí tôi còn chẳng tri nhận được nó nữa, nó nằm ngay bên trong cơ thể/ Tôi từng luôn muốn viết những cuốn sách mà sau đó tôi không thể nào nhắc tới chúng, những cuốn sách làm cho ánh mắt người khác trở nên không sao chịu nổi. Nhưng nỗi nhục nào có thể mang đến cho tôi đây, từ việc viết một cuốn sách ngang tầm được với những gì tôi từng cảm thấy hồi mười hai tuổi." Kỷ niệm cũng là một kinh nghiệm, một từng là và một hiện tại làm thành căn cước một người bởi nó chưa từng rời đi khỏi; ta hiện diện thế nào trong cuộc đời người khác, trong ký ức họ, trong cách họ hiện hữu và thậm chí trong hành vi của họ. Sự chênh lệch giữa ảnh hưởng của họ lên cuộc đời ta và sự vô hình của ta trong cuộc đời họ... chẳng đáng ganh tị chút nào khi, ta chính là người viết


viết là đưa ra từ ngữ, viết là hình thức đầu tiên của nhớ, viết là vẽ trong hình dung một ký ức, mường tượng một phỏng đoán một cảm giác gắn kết các hình ảnh...; rồi, viết là nối, nối sự hiện diện ảo tưởng và sự vắng mặt thực sự vào nhau; rồi, viết trở thành hình thức đầu tiên của sự quên, "viết là phương sách cuối cùng khi người ta đã phản bội" [J.G]; viết là một cách cho đi trút ra nhận chìm - nó nối vào thế giới nhiều hơn, dẫu người được [bị] nối vào ở thế bất đắc dĩ, không hay biết; viết là một dạng báo đáp


ps. có một chi tiết về người chị của Annie, được sinh ngay sau ngày cưới của bố mẹ bà chẳng bao lâu, mất vì bạch hầu khi mới 7 tuổi, năm 1938, ở Một chỗ trong đời [nếu theo mốc thời gian thì có lẽ phải hơn 8 tuổi]; còn ở Hồi ức thiếu nữ, chi tiết này là 6 tuổi. Văn bản này để tên: lặp lại và tích tụ nhưng không ưng ý nên mấy ngày rồi cứ ở trong điện thoại, tên hiện nay cũng không thích nhưng dù sao cũng phải khép lại chứ, nên thôi, mùa đông Hà Nội viết mùa hè Annie


30.11.23

Marguerite Duras - Annie Ernaux

 



Cơn cuồng si phong cách Duras quá: câu ngắn khơi gợi và tình; nhưng giọng của Ernaux trung tính giữ nhịp cho những vọt trào cảm xúc hơn

[Ernaux người vùng Normandie đấy :)]



29.11.23

Jean Giono



trekking Hàm Lợn 3 tuần trước chúng tôi vô tình đi vào đúng ngày một nhóm tổ chức trồng cây trên núi; các bạn tình nguyện viên chạy trail từng chuyến để mang những cây giống nhỏ từ dưới chân núi lên, quãng đường chạy trail phải lên và xuống con dốc dài gắt đủ sức làm bài test thể lực cho dân leo núi. Cũng trong lần đi này, sau khi lên đỉnh, tôi và bạn mình không đi lối mọi khi để xuống núi; chúng tôi đi tiếp theo lối sang Đồng Đò. Đấy chính là lúc khu rừng hiện ra, những cây rất rõ dấu tích của bàn tay con người trồng; rừng cây tái hiện hình ảnh tôi đọc, làm tôi nghĩ đến con người và những câu chuyện của hai quyển sách trong ảnh, lúc ấy tôi còn nghĩ đến khu rừng của Giáo dục châu Âu nữa, chẳng biết vì lẽ gì 🙂

[Cỏ hồi sinh là phần cuối trong The Pan trilogy]


25.11.23

dead souls




vì quá thích ý nghĩ dẫn đến cái chết của một nhân vật trong Những linh hồn lẩn khuất [NLHLK] nên tôi tiếp tục đọc Ian Rankin - Gọi tên kẻ chết [GTKC]; cả 2 đều nằm trong series thanh tra cảnh sát John Rebus [JR], may quá đọc đúng thứ tự NLHLK trước GTKC. JR là type nhân vật điều tra phá án già dơ hay trái lệnh, vượt rào phá bỏ quy tắc và tự thiết lập luật bất thành văn của riêng mình; lúc nào cũng như bị những cái chết ám ảnh, lúc nào cũng trong trạng thái cầu siêu gọi hồn người chết - không được buông tha vì JR không bao giờ từ bỏ nỗi ám ảnh, vướng mắc, đã chơi là chơi tới cùng, đi là đi đến cùng đêm


trết nỗi Ian Rankin không may ở Vn; quyển đầu tiên nxb PN là nxb ra sách không ai hay biết gì 🙂 nên rất ít người đọc, thấy ít được nhắc đến lắm; quyển thứ hai thì được ông lớn đón tay những tưởng ngon rồi đây thì hỡi ôi lại thành đứa con ghẻ vì hiếm có quyển nào của NN mà nhiều lỗi thế này, bằng cách đọc liếc mắt rất nhanh khi đọc trinh thám mà cũng đã rơi vào khoảng 50-60 lỗi [chứ để tôi đọc với một cái bút trong tay thì nó phải 400 lỗi - sẽ đỏ lè đỏ lẹt các trang; ngay trang đầu tiên khi bắt gặp ban nhạc The Who bị dịch thành Kẻ Nào, và ngay trang sau chỉ dòng trên và dòng dưới xuất hiện 'ban nhạc Kẻ Nào và The Rolling Stones' tôi đã nghĩ hỏng kiểu rồi, lâu lâu bảo đọc quyển trinh thám cho dễ chịu đầu óc mà ngay phát mở bát đã mất hứng thế này]; sách xb 2018, gần 600 trang, tôi đành tự vỗ về mình đừng khằn khò như thế, trung bình 10 trang liếc mắt nhanh một cách cẩu thả mới bị 1 lỗi thì cũng mắt nhắm mắt mở được [thật bi đát]


gout truyện trinh thám của tôi là những nhân vật điều tra phá án dò dẫm theo lối cổ điển rất cảnh sát - tức là: phải mục sở thị, phải đi loanh quanh như gã lang thang cầu bơ cầu bất hỏi han thăm dò đọc vị bắt quyết, tư duy loại suy dựa vào trực giác và linh cảm mà chính đặc điểm này cho ta biết cái mà ta không biết là mình biết, cái mà ta vốn nghĩ là ta không biết; mà có lẽ giờ đây những người thích đọc truyện trinh thám không thể chịu nổi nhịp chậm của truyện cũng như diễn biến dài dòng mênh mông của những suy nghĩ móc nối trong đầu các nhân vật khi nó ở trong dòng văn học này - một dòng văn học "căng cơ" có rất ít biên độ cho những cơn bập bềnh cảm xúc; nhưng biết làm sao được với khẩu vị của mình, cũng như việc, tôi không chịu được trinh thám kinh dị viết kiểu trôi tuồn tuột đấy thôi. Vậy nên, nếu quen trinh thám nhanh thì hoàn toàn có thể bỏ qua Ian Rankin

ps. tên văn bản nghe Gogol nhỉ :)

16.11.23

đọc Maupassant: nước - trăng




lần này đọc lại và đọc tiếp một vệt Maupassant [M.] và vẫn duy trì ý nghĩ: là một độc giả, nên đọc một vệt một tác giả nào đấy mình quan tâm; từ đó, một ý nghĩ táo bạo là, một đơn vị xuất bản muốn mở ra một nhân vật với độc giả [công cuộc đào tạo độc giả đấy, những người làm sách không biết rõ sản phẩm mình làm ra thì ai đây, cơ chế đúng phải là như thế] thì cũng nên làm một vệt tác giả, in ấn chuỗi mấy quyển, trước khi in ấn thì lên kế hoạch cho độc giả tham khảo vài ba nhân vật trong tầm ngắm và độc giả chọn nhân vật nào vào mắt, đơn vị xuất bản lên nòng bắn bòm bòm bòm :)))


đọc Maupassant là rọi vào yếu tính của nữ giới "Trái tim phụ nữ giống như những tủ nhỏ bí mật, rất nhiều ngăn kéo, ngăn nọ lồng trong ngăn kia; ta vất vả, ta gãy cả móng tay, và ta tìm được ở đáy tủ một bông hoa khô nào đó, vài hạt bụi - hoặc rỗng không" [Flaubert] - phụ nữ là nước là trăng; từ đấy cung cấp những khái niệm đúng về con người trong xã hội thời đại đó, mà cho đến giờ, nó chưa từng mảy may sai - có thể xem, như nối tiếp Balzac. Maupassant đặc biệt trong cách chọn lọc nét chấm phá; Maupassant tiểu thuyết thì phong phú sặc sỡ hơn, bố cục đặc trong các chiều không gian mở; Maupassant truyện ngắn nhẹ nhàng tinh tế, nhả lỏng tay, dịu cái nhìn 


2 quyển đọc mới nhất của M.: Giống như là chết và Đốc tờ Héraclius Gloss - một tiểu thuyết và một novella. Lúc ấy chưa đọc lại mấy tập truyện ngắn của M. thấy Đốc tờ là một M. rất khác; nhưng sau đó đọc lại từng tập truyện ngắn M., đọc liền nhau và đọc thật chậm nhả nhích mỗi ngày xen kẽ thì thấy Đốc tờ không đến mức rất khác, khác bình thường, ở ngưỡng khác thường. Và rất nhiều khi một cảm giác, mà sau đó đã thành suy nghĩ khiến phải đi tìm hiểu rằng, Romain Gary chịu ảnh hưởng của Maupassant ở mức nào; và rất gần đây thôi, đọc blog NL đã nhắc đến chính cái đang cần tìm hiểu, thế là đủ; ban đầu nó chỉ là cảm giác câu chuyện về những đứa trẻ thiếu vắng hình ảnh người cha, những đứa trẻ không cha hoặc vọng về một người cha, sau đó là cái nhìn rất mực trìu mến với mọi kiểu phụ nữ, nhất là những câu chuyện về người phụ nữ làm gái [có truyện gì của M. mà cô gái nhảy đưa khách về phòng qua đêm, rồi vì khách ngủ lại nên đành để thằng bé con mình vào tủ (à đến đây thì nhớ truyện đó tên Cái tủ)... khung cảnh í không biết sao nghĩ ngay đến Cuộc sống ở trước mặt]


các tập truyện ngắn của M. được dịch ở vn có lẽ là nhiều lắm, khả năng cũng sẽ trùng ít nhiều, như tập Viên mỡ bò cuối cùng trong ảnh thì có đến 1/3 đã từng xuất hiện ở các tập khác rồi; chọn đọc lại tập này cuối cùng vì nhìn vào mục lục sẽ thấy nó là tuyển tập truyện ngắn của M. mà nxb gom được của 5-6 dịch giả; trong khi Sáng trăng là riêng dịch giả Lê Hồng Sâm, Nơi nhà người bạn là Võ Điền, Chuyện kể ban ngày ban đêm là Cẩm Hà dịch 


và chỉ với 1 năm sống đời quân ngũ trong cuộc chiến Pháp Đức 1870 mà M. có rất nhiều truyện ngắn lấy cuộc chiến này làm bối cảnh. Nhắc tới đây thì M. được tôi phong ngay làm nhà văn viết về đấu súng - chuyện danh dự, dở tệ nhất [trong Gil-Blas chắc là nhiều chuyện danh dự nhất, Mười ngày cũng nhiều, nhưng tất cả chỉ tóm một vài câu cho cảnh gay cấn ấy] còn ở truyện M. nó là một chi tiết không lướt qua; nhưng thua xa những cuộc đấu súng - chuyện danh dự mà tôi đã cho vào top 3 [Joseph Conrad, Pushkin, Thomas Mann] Đấu súng của M. trong Bel-Ami, trong truyện ngắn Một cuộc quyết đấu [in trong Sáng trăng], Kẻ hèn nhát [in trong Chuyện kể ban ngày ban đêm; cuộc đấu súng này là chính mình với mình] và suýt nữa ở trong novella Món gia tài [in trong Viên mỡ bò, nó xứng đáng là novella hơn truyện ngắn, Món gia tài sẽ còn phải nhắc đến thêm] 


cái chỗ trắng trắng trong ảnh, đáng là chỗ Một cuộc đời, nhưng lười lục bản bao cấp để đọc lại, vì không chắc chắn là sách còn hay không, hay đã ra đi từ 2005 trong đợt chuyển nhà, mẹ tôi bán cho đồng nát, và nếu lục ra khả năng mắt cũng quá kém để đọc; nên đã đọc ebook trên vietmessenger, bản của nxb văn nghệ thì phải; bản đó đang nhờ người tìm hộ, phải chờ; nhìn thấy mấy lần họ bán online rẻ ơi rẻ mà toàn mua trượt chời ơi có 20-30k thôi huhu. Về Một cuộc đời là một câu chuyện sẽ phải mất một đoạn văn


khoảng cuối cấp 2 tôi đọc Một cuộc đời, có rất nhiều chi tiết trong đó tôi không hiểu, chủ yếu là các chi tiết liên quan "chuyện người lớn" :p; nhưng ngay từ những chi tiết nhỏ về nữ chính, tôi đã linh tính một type phụ nữ, có thể nói là thường gặp. Tiểu thư ngây thơ vướng ngay tình đầu một tay chả ra gì, lấy nhau mà chả hiểu gì về nhau, cuộc sống cứ thế trôi dẫu không hạnh phúc nhiều biến cố, theo thời gian con cái lớn lên cũng vẫn với một người mẹ bao bọc quá nhiều etc. nói chung, motif ấy thường gặp quá và tôi thấy không mấy chú ý, một cuộc đời nếu chỉ qua năm tháng như vậy thì 10 năm 20 năm 30 năm có khác gì 1 ngày vì nó diễn lại đều vẫn từng ấy ảo ảnh, có thể nói tôi muốn quên phắt M. luôn cho xong. Lật một miếng ghép trong cảnh lên mà lật sai miếng, mở sai cửa vào một thế giới thì tệ vô cùng; sau này khi đọc Thừa tự của Khái Hưng, mấy câu thoại của con rể bà Ba hỏi vợ về món hồi môn [về hồi môn, gia tài, hưởng thừa kế, di chúc... ở truyện M. thì vô số và vô số lắt léo róc rách] mẹ cho bao nhiêu etc. đã làm tôi nghĩ mãi không nhớ nổi mấy câu thoại này từng đọc đâu rồi, nghĩ mãi nghĩ mãi [giá nó là chi tiết về con chó thì có phải dễ không; M. luôn mô tả ví von cảm xúc của người với hình ảnh con chó: chó rồ chó dại không biết lên cơn lúc nào, đau thương như chó phải đòn, chi tiết về con chó báo thù thay chủ, chi tiết con chó Thảm Sát trong Một cuộc đời thì hẳn ai cũng nhớ bởi trong chính tiểu thuyết này, liên quan đến con chó thì gợi đến luôn 2 nhân vật cha đạo cũng rất đáng nhớ đấy thôi...] thì chỉ ra rằng ở một quyển bao cấp mà nội dung thường lắm, đến đó thì tôi nhớ ra Một cuộc đời của M.


chính Viên Mỡ Bò là truyện sau đó đã khiến tôi, nhìn thấy M. thì vợt sách về nhà :) [cùng với Viên Mỡ Bò là Cô Fifi, hai truyện ngắn viết về tinh thần của hai cô gái giang hồ trong cuộc chiến Pháp Đức 1870] Ở lần đọc lại Một cuộc đời cách đây mấy tháng, tất nhiên giờ hiểu hết những cái không hiểu trước đây rồi, và cũng thấy hồi đó mình thật trẻ con chỉ chú ý đến diễn biến câu chuyện, dù đúng là chính diễn biến dắt người ta đọc [ngấu nghiến], nhưng văn chương M. đâu tệ đâu thường đến mức mình từng muốn quên phắt cho xong; chẳng phải một phụ nữ đặc thù nhàm chán như nữ chính cũng có mặt rất đáng ngưỡng mộ đấy sao; mơ mộng, chính là mơ mộng, mơ mộng hy vọng ngay cả khi hết lần này đến lần khác vỡ mộng sụp đổ mà người ta vẫn mơ mộng như bị ảo ảnh - ảo ảnh về hạnh phúc bỏ bùa, thật khó giữ sự mộng mơ hy vọng ấy và chính thế, thật đáng quý; cuốn tiểu thuyết này như tất tật mọi thứ M. viết, đều là hình ảnh nước [Normandie, bến cảng, biển, con đập...] - phụ nữ [người mẹ, người tình, người vợ, người cô, bà lão...] thì còn có hình ảnh trăng [tức đêm] - những cuộc đời gắn với trăng; ban ngày rực rỡ con người thì đêm là thế giới của muôn loài cây cỏ hoa lá của tình tự của trăng sao; đêm huyền bí thần tiên và thánh thiện [câu đại ý thế chắc của Daudet, nhưng ý nghĩ này thì đích xác của cha đạo trong truyện ngắn Sáng trăng] và chính hình ảnh nước - trăng trở đi trở lại trong Một cuộc đời đã cho tôi một kinh nghiệm mới sau từng đó năm sờ lại Một cuộc đời. Miếng ghép lật mới đúng thời điểm, vẫn là nó nhưng lật sai, mở sai thời điểm cũng tệ vô cùng, sorry


các nhân vật trong truyện ngắn, tiểu thuyết của M. sau khi chết thì di chúc, thư từ [hành động đốt thư trong Giống như là chết, Một cuộc đời] hoặc gì đó nói lên họ từng ngoại tình, một mối tình ngoài luồng và khiến đối tượng phát hiện ra điều ấy vốn nhất mực tin rằng người đã chết là người thuỷ chung như nhất, người thánh thiện vô tư... bị sụp đổ trong vai trò người chồng, người vợ, người con, người bạn etc. [Trả thù, Bel-Ami, Những đồ nữ trang, Người lính hầu cận, Người đã khuất, Lời xưng tội, Hai cha con ông Hautot... trong đó có đoạn thoại của Trả thù và Bel-Ami như được phát triển từ nhau; trường hợp người chồng trong Đứa con bỏ rơi và người bố của Pierre và Jean - M. xây dựng được những đàn ông nhão, nhão tới đụn, người ta gọi là đầu sọ dừa, mà như thế thì phụ nữ nào sống cùng cho nổi nếu như không ngoại tình :p] Không chỉ vậy, những món gia tài, khoản thừa kế, di chúc, hồi môn còn gây ra những pha hết sức dị hợm, ngoài sụp đổ vỡ mộng cho các nhân vật, thì nó còn xây nên một mê cung, tất nhiên, không lối thoát; trong mê cung ấy người ta tính toán đến lợi ích và cân nhắc danh dự, tự rẻ rúng và tự an ủi mình [Bel-Ami, Pierre và Jean, Món gia tài...] M. giữ giọng neutral của người kể chuyện, nói như một nhân vật nhà thơ già trong Bel-Ami [một nhân vật lõi đời] là "phải đúng giọng, bởi đó là điều khó khăn nhất; giọng phải đúng, cái mà trong nhạc người ta gọi là âm điệu", và luôn như vậy, không phán xét không khiến người đọc phát sốt, chỉ đơn giản là kể thái độ của các bên, thậm chí có phần khiến cho người đọc tưởng như là các bên liên quan nhắm mắt làm ngơ, mắt nhắm mắt mở một cách thường tình. Một tình cảnh M. cũng hay nháy lại, dù không nhiều, đó là câu chuyện bố mẹ đi tìm lại đứa con là kết quả mối tình vụng trộm của mình năm xưa [Kẻ sinh thành, Một kẻ giết cha mẹ, Đứa con bỏ rơi, Một đứa con...], thậm chí điên loạn hơn cả, là đứa con giết cha mẹ mình "tôi giết họ bởi vì tôi muốn giết họ" [Một kẻ giết cha mẹ - trong truyện này, đứa con tên Georges Louis, người ta nói rằng ở Pháp không có họ Georges hoặc Louis, đó là 2 tên người được ghép lại và đứa trẻ bị bỏ rơi hay con hoang thường có tên như thế]


có 2 chi tiết tôi thích trong các truyện của M.: thứ nhất là những sợi tóc phụ nữ vấn vít quanh khuy áo đàn ông [người tình], chi tiết này thích vì hình ảnh nó cung cấp đẹp và dị kỳ liêu trai; nó xuất hiện trong Bel-Ami và sợi tóc này vẽ rõ nét 2 type phụ nữ khi yêu, họ vừa tỉnh tinh tế và vừa u mê đến ngu muội; và trong truyện ngắn Ma hiện, khi đọc đến chi tiết này cuối truyện ngắn, tôi không khỏi nhìn đêm, cười trong đêm khi nằm trên giường ngủ trong phòng tối. Thứ hai là lễ các vua - lễ ba vua; đại khái vào ngày này sẽ làm bánh và trong bánh nhét hạt đậu hay gì đó, ai ăn trúng miếng bánh đó thì được phong vua và họ sẽ chỉ định hoàng hậu; ngày lễ này xuất hiện tôi nhớ nhất trong truyện cô Châu [ngoài ra Món gia tài và có phải trong Pierre và Jean không nhỉ]; tôi thích nó đơn giản vì chuyện phong hậu luôn quan trọng, nó là hình thức của một tâm hồn, một tâm hồn mà hình thức ấy trình hiện


có một truyện ngắn lạc nhất là Một trang sử chưa được công bố, truyện viết về giai đoạn đầu của sĩ quan pháo binh Napoleon Bonaparte và ở cả đến đây, M. cũng dành các câu để homage phụ nữ "nếu không có sức mạnh và lòng can đảm của người đàn bà ấy thì đời Napoleon kể như xong. Vì thế cả giai đoạn lịch sử hiện đại sẽ bị thay đổi. Ký ức loài người sẽ không phải nhớ tên những chiến thắng lẫy lừng..." - tất nhiên rồi, đó là người mà vận rủi may của ông ta làm trái đất nghiêng ngả, không phải sao :p


năm nay là năm Maupassant với tôi 


















7.11.23

có thế nào thì cũng

 


cuộc sống mơ ước của tôi là có cái để ăn ngày 1 bữa vào lúc 4 giờ chiều như giờ tôi đang ăn trứng ngải cứu với cháo đây; ngoài thời gian để kiếm miếng ăn bữa đó ra thì tôi được nằm ườn trên giường đọc sách ha ha ha có gì đấy chấm mút tèm tẽm khi đọc thì mỹ mãn với tôi rồi 


nghe có vẻ khó, việc khó thôi để kiếp khác :))) chứ hôm trước tôi mơ một giấc mơ mình đi thi cùng 2 người nữa, 1 trong 2 người đó học rất giỏi và thoải mái cho 2 người còn lại chép bài, tôi chắc mẩm thôi thế học hành gì, vào phòng chép theo người ta kiểu gì cũng xong; và đúng là tôi chép bài ngon lành cành đào cả, cho đến khi hết mặt giấy thứ 2 thì ở mặt giấy thứ 3 xuất hiện các chữ và nội dung không biết từ đâu hiện đến; trong giấc mơ tôi ban đầu còn thong thả thay tờ vê đúp khác, sau thành hì hục thay giấy và kiếm giấy, kiểm tra giấy để chắc chắn còn trắng tinh, cho đến khi tôi hiểu ra rằng tôi có viết gì ở mặt giấy số 1 và số 2 thì mặt số 3 vẫn cứ hiện những chữ và nội dung không theo cái mà tôi muốn viết. Thật như một hình thức tra tấn của các câu chuyện Hy La [...] tôi cũng bỏ luôn cái kiếp í mà tỉnh dậy ở cái kiếp cũng chán mớ đời này sống cho hết nợ cho xong một lần 👻

28.10.23

múa.bay




hoa sao trên giàn phần lớn đã kết thành quả, sẽ cố nhớ để thu hoạch hạt; Tết xong đi leo núi còn mang các hạt giống lên đỉnh vãi ra các triền


những ngày không đọc sách tôi thường ngồi xem trượt băng nghệ thuật mê mải, tôi thích nhìn nữ hoặc nam nữ trượt đôi, hiếm khi xem trượt băng nghệ thuật nam; thường sau mỗi ngày xem chừng 2 tiếng như thế, tôi ngủ và mơ mình đọc một cái gì đấy trong giấc ngủ, thường là tôi nhớ nội dung mình đọc trong mơ, chúng in thành ký ức hình ảnh, thậm chí ở ngôn ngữ mà tôi không biết tôi tỉnh dậy vẫn có thể lần mò gõ từ điển để luận xem mình đọc gì. Hôm qua tôi xem nhiều hơn, hậu quả là 

trong mơ một người đáng tin cậy đưa cho tôi 3 quyển tiểu thuyết và tôi đọc chúng; tỉnh dậy tôi chỉ còn nhớ mình đọc 3 quyển; trong mơ mình còn nhớ mình muốn viết gì nói gì về chúng, mà tỉnh dậy thì chỉ còn hình ảnh trang cuối cùng của 1 trong 3 quyển in vào trí nhớ; ngay sau dấu chấm hết, tôi thò bút viết: [không ... ...]


sáng nay đứng trên vườn, không nhớ thêm được gì. Gần đây biết trong số những người quen có người biết trượt băng, tôi ngưỡng mộ vô cùng, dù họ chỉ trượt chơi chơi chưa hề gắn với twist, time on air, fly camel spin etc. một bộ môn thật mê hoặc, nó ôm tham vọng của người múa và, có lẽ, kẻ bay; trách sao ngày nào xem nhiều, tôi cũng mơ mình đi lạc giữa các văn bản ngôn ngữ

18.10.23

nước




quyển sách trong ảnh là 1 trong 6 tiểu thuyết hoàn chỉnh, ngoài ra còn 2 tiểu thuyết chưa hoàn thành, của Maupassant; và cũng là quyển sách mà sự xuất hiện của nó khiến đơn vị xuất bản đáng tự hào [sách xb 2018, cũng hơn 5 năm rồi, giờ mọi thứ đã khác]. Một bản dịch tuyệt vời, bác Lê Hồng Sâm dịch, một phụ nữ dùng từ không thể chuẩn hơn [thật là hiếm-hiểm], đúng không khí văn chương Maupassant; văn bản không một lỗi nhỏ; đầu sách có bài viết cực hay của Maupassant tên Tiểu thuyết [dù vốn người ta hay nhắc đến truyện ngắn Maupassant, cũng như nhắc đến Maupassant là nhắc đến truyện ngắn]; cuối sách có lời bạt sắc sảo của dịch giả; text bìa được ưu ái viết đầy gợi hứng; bìa có hình ảnh nước etc. [cùng với Nơi nhà người bạn]. Và dù chưa biết 2 tiểu thuyết còn lại, có lẽ cũng sắp thôi, thì tôi vẫn chọn Pierre và Jean là tiểu thuyết tôi thích nhất trong 6 tiểu thuyết hoàn chỉnh của Maupassant [hình ảnh nước, người mẹ - có lẽ rất gần với người mẹ say mê văn chương của Maupassant (bà là bạn của Flaubert, chính bà là người hướng dẫn khích lệ con trai trong việc đọc; nên bóng dáng người cha của Jean làm tôi nghĩ đến Flaubert he he; còn kinh nghiệm nhà thương điên của Maupassant được dốc vào Đốc tờ Héraclius Gloss và một vài truyện ngắn), sự tàn nhẫn hành hạ mà văn chương ấy hay dùng với hình ảnh con chó bị đánh đập, thương tổn (những đoạn viết về những ý nghĩ giày vò như đi đày, tàn nhẫn tai quái mà 2 mẹ con Pierre phải chịu khiến người ta bất giác nghĩ có cần ác thế không)...]


độ 8 năm trước khi đọc Ba truyện kể của Flaubert, tôi đã dùng cụm "tôi muốn đi vào tâm hồn sự vật" - lời Flaubert nói với bà bạn George Sand. Thì giờ đây, ở bài Tiểu thuyết, Maupassant nhắc đến người thày của mình - Flaubert [còn Louis Bouilhet tôi không biết gì hết :(] với lời dạy: nếu ta có một nét độc đáo, phải làm toát nó ra trước hết; nếu ta không có, phải kiếm cho được một nét... qua một từ thôi, phải tìm kỳ cho đến lúc phát hiện được cái từ ấy, nói như thơ của Boileau "Dạy cho biết uy lực của một từ đặt đúng chỗ"; chính lời dạy này đã làm cho văn chương Maupassant tạo ra các sinh thể được rõ rành cá biệt hoá, phân biệt với các sinh thể khác cùng loại; dẫu chỉ bằng những cốt truyện giản dị, thậm chí tầm thường, trở thành tạng tàn nhẫn rất riêng trong dòng chảy chung màu sắc văn chương, gắn với nước - thành phố cảng La Havre


ps. ai đọc Maupassant trước đây sẽ quen với các tờ báo xuất hiện trong các tác phẩm của Maupassant, tờ Gil Blas, chẳng hạn [trong Bel-Ami - Ông bạn đẹp, rõ nhất] - Gil Blas cũng là tên picaresque novel của Lesage, XBK cho tái xuất năm 2022 bản dịch Nguyễn Văn Vĩnh [dịch phóng tác, truyện đọc cho cảm giác như ngày xưa đọc chưởng Kim Dung còng cả người vì đọc trộm trong giờ học, quyển truyện chưởng để ngăn bàn ạ :)))]



17.10.23

Alice




bảo lâu không đọc gì dễ dãi, thấy Calling you vẫn còn màng co thì bóc đọc thử, sẵn đọc luôn quyển còn lại, mấy thời gian đâu; mà so với Zoo và Goth [đọc 2016-2018] thì Calling you và Hana Alice Judas chỉ được phân nửa những gì Zoo và Goth đã từng gây ấn tượng với mình


thôi đừng ai cười, tôi thích đọc linh tinh mà

13.10.23

GDCA BNCĐ [tiếp]: để đau đớn, đau đớn đủ và đủ đau đớn

 


1, mở ngay đến bài viết của dịch giả cuối GDCA, XBK để nắm được lịch sử văn bản GDCA hoặc vào trang của XBK đọc Lịch sử văn bản GDCA


2, ở GDCA có 2 lỗi typo, tr199 Ử chuyển thành Ừ; tr306 “xấu xổ” chuyển thành “xấu hổ”; ở Vĩ thanh, xuất hiện ngay đầu Thiếu úy, ngay sau đó cho đến hết đều là trung úy [ở BNCĐ đều là trung úy], tôi cần chắc chắn và đã được dịch giả trả lời rõ rằng trong bản chung quyết version Pháp 1961, RG dùng lẫn lộn thiếu úy – trung úy


3, như vậy là ở BNCĐ dịch theo bản tiếng Pháp Penguin London 1946 ngoài các đoạn không có, hoặc các đoạn RG đã viết khác, hoặc BNCĐ xb 1988 do nhạy cảm, phong cách văn bản lược dịch etc. liệt kê dưới đây, mà khác với GDCA dịch theo bản tiếng Pháp Gallimard Paris 1961 thì có 2 chương BNCĐ không có, nguyên 2 chương, là chương 3 và chương 33 của GDCA. Cụ thể, công cuộc so sánh 2 bản dịch tiếng Việt được dịch từ các version tiếng Pháp khác nhau tiếp tục:


- chap 14 GDCA tức 13 BNCĐ: BNCĐ tiếp tục bỏ qua 2 câu Janek mơ mộng nghe tiếng khu rừng và các cành cây hát [có lẽ đây thuộc về phong cách văn bản dịch thuật thời bao cấp, sẽ bỏ những câu văn được cho là lia ria]; tiếp tục không có một câu thoại của Dobranski đại ý: hy vọng sẽ không bị bắn hạ trước khi viết xong cuốn sách; thoại tiếp theo tưởng như giống nhau nhưng về ý nghĩa lại khác: BNCĐ Dobranski trả lời Janek khi được hỏi việc viết chắc hẳn khó lắm: “Bây giờ mọi việc đều khó cả. Nhưng còn ít khó khăn hơn là sống cho được, sưởi ấm và lo ăn”, còn, GDCA: “mọi sự đều khó, giờ đây. Ít khó hơn so với sống tiếp, tiếp tục tin…”; tiếp tục BNCĐ không có một câu hỏi của Janek: “Tại sao người Đức lại làm với chúng ta điều này” và câu trả lời của Dobranski: Do tuyệt vọng… [đúng, tuyệt vọng, chẳng phải người ta là con người vì có những trái tim ý nghĩ biết tuyệt vọng, mà nhờ đó hy vọng được tiếp tục hay sao, như Zosia nghĩ: hy vọng chỉ là một mưu mẹo của Chúa nhằm khích lệ con người chịu đựng những đau đớn mới]; nhắc lại lời của Pech đầy cay đắng thẹn thùng và mỉa mai ở chap trước: Con người kể cho nhau nghe những câu chuyện xinh đẹp vì đó người ta bị giết…], Dobranski thông qua câu trả lời muốn nói đấy là điều anh muốn đặt vào trong quyển sách Giáo dục châu Âu của mình; đến đây xuất hiện một sự khác khác, BNCĐ quyển sách Dobranski viết tên là Ngoại ô Stalingrát; chính vì khác biệt này, đoạn diễn giải về quyển sách đang viết của Dobranski ở BNCĐ và GDCA cho thấy những cái nhìn khác [ở BNCĐ tr55, GDCA tr79-80]; tiếp tục khác biệt 2 văn bản, GDCA không có 2 câu suy nghĩ của Janek về một tương lai khi cuộc chiến thắng lợi, nó sẽ cưới Zosia [Dốxka]…; tiếp tục BNCĐ không có đoạn Janek hỏi trận Stalingrad vẫn tiếp tục [tr80-81] và câu trả lời của Dobranski lúc này đã khẳng định anh chính là bánh lái tinh thần cho các nhóm du kích

Bắt đầu từ chap này, ở cả BNCĐ và GDCA có rất nhiều câu thoại xen vào khác nhau, có những ý nghĩ vơ vẩn trong rừng của Janek BNCĐ không có thì bỗng dưng lại xuất hiện xen ngang trong khi ở GDCA ở pha ngược lại, đoạn trong rừng sẽ thường có nhưng vơ vẩn về một tương lai thì lại không có. Chính những đoạn thoại hay các chương chỉ riêng với Zosia thường lại không thay đổi hay có khác biệt gì giữa 2 văn bản


- chap 16 GDCA, 15 BNCĐ: chap có đoạn trong sách của Adam về Những người bourgeois ở Paris [chính đoạn này trong sách của Adam, RG không thay đổi gì nhiều, có lẽ duy nhất ở câu thoại của bà de Melville – một dame rất già: “Chồng tôi bị giết trong cuộc chiến tranh” ở GDCA thì đó là “… bị giết trong cuộc chiến tranh kia – tức là cuộc chiến tranh tốt ấy” (Thế chiến I 1914 -1918); trong đoạn thoại này dame già nói: “Con trai tôi ở trong không quân. Nó chiến đấu chống lại các ông. Đêm nào, nó cũng ném những quả bom xuống các thành phố của các ông. Các ông không hiểu tiếng Pháp à? Tiếc quá nhỉ. Con trai tôi… Máy bay… Bom… Berlin… Hiểu chứ? […] Tôi sung sướng khi biết rằng con trai tôi chiến đấu chống lại các ông. Nó dạy cho các ông nỗi bất hạnh, cái đó dạy cho các ông để trở thành những con người”]; BNCĐ thiếu 3 đoạn dài [tr92-93 GDCA], trong đó có một đoạn khi Janek cầm lấy một tập sách luật hiến pháp lớn của nhóm du kích sinh viên, giở nó ra ở trang có đánh dấu sẵn “Tuyên ngôn nhân quyền – Cách mạng Pháp 1789” rồi khép lại với một nụ cười nhạo báng nho nhỏ; Tadek nhẹ nhàng nói “Thật khó để coi cái đó là nghiêm túc, có phải không? Châu Âu từng lúc nào cũng có các trường đại học tốt nhất và đẹp nhất trên đời. Chính tại đó đã sinh ra những ý đẹp nhất của chúng ta, những gì từng truyền cảm hứng cho các tác phẩm lớn nhất của chúng ta: những ý niệm về tự do, về phẩm giá con người, về tình anh em. Các trường đại học châu Âu từng là cái nôi của văn minh. Nhưng cũng có một sự giáo dục châu Âu khác, sự giáo dục mà chúng ta đang nhận vào lúc này: những đội hành quyết, sự nô lệ, sự tra tấn, sự hiếp dâm – sự phá hủy mọi thứ gì làm cho cuộc đời đẹp. Đây là giờ khắc của bóng tối”


- chap 17 GDCA, 16 BNCĐ: BNCĐ thiếu các đoạn dài, tr110 đến 113 GDCA về chiến công của các nhóm du kích, rồi báo chí Đức tung tin giả đã tóm được Nadejda, nhóm du kích cười bò vì biết đây là dàn cảnh… Janek tiếp tục câu hỏi Nadejda là ai, nó thấy rất sợ và đột nhiên không muốn hỏi mọi người nữa về việc Nadejda là ai vì có lẽ Du Kích Nadejda hoàn toàn không phải là bố nó, như nó đã bí mật tin như vậy, điều đó cũng đồng nghĩa với chuyện bố nó đã chết… Ở đoạn thoại Janek hỏi Czerw về Du Kích Nadejda, Czerw có nói: “Đấy là một con chim họa mi. Đó là con chim họa mi Ba Lan xưa cũ của chúng ta, mà xưa nay người ta vẫn nghe thấy hót trong rừng. Nó có giọng rất hay. Thật sướng khi nghe nó. Và rồi, cậu hiểu đấy, chừng nào con họa mi ấy còn tiếp tục hót, thì chẳng có gì có thể xảy tới với chúng ta. Toàn Ba Lan nằm trong giọng của nó”. Ngay sau đoạn này là cuộc gặp gỡ của 2 bố con Tadek và lý tưởng luận – hành động của họ: “Nếu con đủ can đảm để cho mình chết vì các ý của con, thì bố hoàn toàn có thể chấp nhận việc mất đi một đứa con trai vì các ý của bố… Con hãy nhớ là, tại mọi nước của châu Âu, vào lúc này, những người chín chắn đều nghĩ như ta, trong khi những đứa con trai của họ để cho chúng bị xử bắn vì khoái lạc được viết “Tự do muôn năm!” lên những bức tường của các nhà vệ sinh. Tại mọi nước, những người già bảo vệ dòng giống của họ. Họ biết rõ hơn. Điều quan trọng, ấy là da thịt và máu, mồ hôi và bầu ngực mẹ, chứ không phải là một lá cờ, một đường biên giới, một chính phủ. Con hãy nhớ: các xác chết thì không hát Jeszcze Polska nie zginela [(bài hát của các đội quân Ba Lan bên Ý 1797 trở thành quốc ca Ba Lan) tr120 GDCA]


- chap 19 GDCA, 18 BNCĐ: cuối chap này, ở tr133-134 GDCA, BNCĐ thiếu những đoạn dài, những giờ cuối cùng của Tadek, sau khi Dobranski đọc đoạn Phi công máy bay chiến đấu người Ba Lan Tadek Chmura sắp chết [RG xa hình ảnh du kích nhưng lại rất gần không quân, nên trong GDCA hình ảnh phi công, phi công chiến đấu, máy bay rơi xuất hiện được coi như điều hiển nhiên], Peck chửi thề qua kẽ răng và nói với Janek: “Bọn họ kể cho chúng ta các truyện cổ tích khi chúng ta bắt đầu sống, và bọn họ kể cho chúng ta những truyện cổ tích lúc chúng ta bắt đầu chết. Cứ thế mãi, đấy là toàn bộ những gì mà bọn họ biết làm cho chúng ta, sau hàng nghìn năm…”. Tadek được chôn trong rừng, dưới tuyết, không đánh dấu chỗ, không dấu hiệu nào, không cái tên nào… Tadek không muốn ông bố tìm được mình, cho đến lúc chết và kể cả sau khi chết


- chap 26 GDCA, 25 BNCĐ: chương để đau đớn. Chương này ngay sau khi Janek đi báo tin cho bố của Czerw rằng: “Con trai ông đã… Anh ấy chết rồi”. Ông bố nói, đại ý: Chuyện không thể kết thúc khác được nơi hạ giới này, chẳng gì có thể kết thúc khác được. Chính vì thế mà chúng ta ở đây: để đau đớn. Ngay sau đó là câu chuyện về cậu bé chơi violon mà Janek đổi một tải khoai tây với lũ trẻ đường phố và sau cái chết của thằng bé chơi violon, trong rừng, trong giá lạnh [một chương thật đẹp, thật buồn, như chương và các chi tiết ông lão người Đức chơi piano và yêu những món đồ chơi hơn yêu con người – người Đức cuối cùng…] thì ở BNCĐ không có một đoạn rất dài, ở GDCA là ở tr188 đến 194 [hết chương 26]: cuộc họp của các đội “quân xanh”; ở đây, trước khi chia tay nhau, Dobranski đã đọc một bức điện được cho là từ tổng tư lênh Du Kích Nadejda, mốc thời gian 24 tháng Chạp 1942 “Người Nga đang tấn công trên mặt trận sông Volga, các đội quân đồng minh thì tiến lên tại Bắc Phi, việc họ đổ bộ lên lục địa châu Âu chỉ còn là một vấn đề của vài tháng… Tôi xin được cầu chúc cho chiến thắng, đã rất gần, sẽ tìm được tất tật các bạn tụ hội lại trong tình anh em, và để các bạn tìm được ở các bạn một sức lực và một lòng can đảm còn lớn hơn: những gì mà chúng ta sẽ cần để chiến thắng mà không áp bức, đến lượt mình, và để tha thứ mà không quên. Ký tên: Du Kích Nadejda”


- chap 30 GDCA, 29 BNCĐ: BNCĐ thiếu độ 4 đoạn văn, ở GDCA là tr232 – 233: đoạn thiếu về các tổn thất của các nhóm du kích, Du Kích Nadejda vẫn không bị bắt, tốp của Krylenko, Dobranski và Hromada ẩn náu tại một chòi săn ở góc đầm lầy đóng băng của Wilejka trên một hòn đảo nhỏ xíu mất hút giữa đám sậy hóa đá, một mùa đông lạnh giá, 40 độ dưới 0, độ dày của tuyết đạt đến 4 mét. Ngay sau đoạn này, có mốc thời gian 3 tháng Hai 1943, là tin tức về con trai của Krylenko – một vị tướng của Hồng quân; chap này khắc họa rất rõ con người Krylenko, tất nhiên, không chỉ chap này – đây là nhân vật có thể dùng đúng từ “lý tưởng luận” “lãng mạn” theo cách mà những nhân vật ở phía khác vẫn dùng. Một type nhân vật sinh động, cầm nắm được sờ sờ. Tôi thích Krylenko [ tất nhiên, cả Janek - quá RG, con số 14 tuổi, và nhất là những đoạn về bố, một người bố luôn rõ ràng nhưng cũng đầy tưởng tượng, tuyệt vọng và hy vọng]


cũng trong chap này, ngay sau khi Krylenko được nghe chính xác tin tức giải phóng Stalingrad và con trai ông được vinh danh là người có công giải phóng Stalingrad, ông nói rõ ràng: nhân dân mới là người giải phóng Stalingrad chứ không phải con trai ông – tướng Dimitri. Ở GDCA khép lại chap 30, và vào 31 tr248, còn BNCĐ thì không chuyển chap, vẫn 29; kể từ đây GDCA chênh 2 chap so với BNCĐ


- chap 31 GDCA, vẫn 29 BNCĐ [tr198] câu của Pech [Pétsơ] kích động quần chúng, GDCA tr248: “Hoan hô sự hợp nhất và tình anh em giữa các dân tộc! Hoan hô quân đội giải phóng! Hoan hô” còn ở BNCĐ tr198:”Châu Âu thống nhất và không chia cắt muôn năm! Hoan hô quân đội giải phóng! Hoan hô…”

Cuối chap này có sự khác biệt ở 2 văn bản khi Janek hỏi Dobranski, ở BNCĐ tr215: “Anh có yêu người Nga không? Gianếch hỏi/ Tớ yêu tự do! Đôbơranxki đáp” còn ở GDCA tr267:”Anh thích người Nga à?/ Tôi thích tất tật các dân tộc, Dobranski đáp, nhưng tôi không thích quốc gia nào. Tôi là người ái quốc, tôi không phải là người quốc gia chủ nghĩa./ Khác nhau như thế nào?/ Lòng ái quốc, đó là tình yêu người thân của mình. Chủ nghĩa quốc gia, đó là sự căm ghét những người khác. Người Nga, người Mỹ, toàn bộ những cái đó… Có một tình anh em to lớn đang được chuẩn bị trên thế giới, ít nhất thì người Đức cũng giúp chúng ta có nó…”


- chap 32 GDCA, 30 BNCĐ: ngay đoạn đầu tiên BNCĐ đã không có một quãng dài, ở GDCA là tr268 đến đầu 270, chính vì ở chap 6 BNCĐ đã không xuất hiện nhân vật ở chap 7 GDCA Du Kích Nadejda nên ở đây cũng vậy, như các đoạn ở GDCA có Du Kích Nadejda thì BNCĐ không có. Đoạn này ở GDCA nói về việc đã có người nhìn thấy sự xuất hiện của tổng tư lệnh Du Kích Nadejda, Dobranski thả một câu lửng lơ về sự tồn tại tinh thần của Du Kích Nadejda [anh là người rõ hơn ai hết] và chính ở đây, Janek đứng ra khẳng định chính mình cũng đã nhìn thấy Du Kích Nadejda. Một sự ăn thông tinh thần giữa Dobranski và Janek [Janek đủ lớn để đau đớn và không còn đủ trẻ để hiểu ngôn ngữ của sồi và những cái cây]


- chap 33 là chap cuối cùng của GDCA và là chap mà BNCĐ không có, chap này trước khi đến Vĩ thanh, mở đầu bằng một câu văn bắt quyết GDCA “Khu rừng bị nuốt chửng…” tr284 đến 298, đây cũng là chap tiếp tục mang đến sự giáo dục thông qua đau đớn cho Janek [GDCA tr287 đến 289 và 296]


- cuối cùng là Vĩ thanh, theo như được biết thì Vĩ thanh được giữ xuyên suốt các ấn bản, nhưng ở 2 bản GDCA và BNCĐ cũng có sự khác biệt, cụ thể xem ở ảnh









ps. không bị giật tung thái dương vì mọc răng nữa, công nhận làm mọi thứ nhanh hơn hẳn he he


11.10.23

Giáo dục châu Âu bao người chờ đợi


Éducation européenne, Giáo dục châu Âu - một case rất hay ở chính việc viết của Romain Gary ở các thời điểm, các bản in, các ngôn ngữ [R. G viết đi viết lại, thậm chí viết mới]; và ở việc dịch thuật. Tôi vẫn luôn tiếc là tôi không học tiếng Pháp, tiếng Đức, nhưng khi tiến hành so sánh văn bản Éducation européenne thông qua 2 bản tiếng Việt, thì rối thật vì ngoài chuyện 2 bản đều dịch từ bản tiếng Pháp ở các năm khác nhau các ấn bản khác nhau của nxb khác nhau, nó còn là vấn đề dịch thuật kiểm duyệt, phong cách văn bản những năm bao cấp etc. thì tôi có cảm giác bất lực của việc chỉ biết tiếng Việt và tiếng Anh [thôi kiếp sau tôi sẽ nhớ vào đầu nếu làm người thì học càng nhiều ngôn ngữ càng hạnh phúc với tạng của mình]


dưới đây là những khác biệt, không có giữa bản cũ Bao người chờ đợi (BNCĐ) [tức Giáo dục châu Âu] nxb Thuận Hoá 1988 do Đỗ Tử Trình dịch từ bản tiếng Pháp Penguin, London 1946 và bản mới Giáo dục châu Âu (GDCA) của XBK 2023, Cao Việt Dũng dịch từ bản tiếng Pháp Gallimard, Paris 1956 [edit phát, dịch giả bảo không phải 56 đâu, 56 là Rễ trời, Éducation européenne 1961; cụ thể đọc bài viết cuối cùng trong GDCA, XBK do dịch giả viết; hoặc vào XBK đọc Lịch sử văn bản GDCA ] 


ban đầu tôi tưởng căn cốt nhất là BNCĐ thiếu chap 3 so với GDCA, chap này nói đến cái bẫy của SS đánh vào danh dự của những người đàn ông Ba Lan "lãng mạn" và chính thế dẫn đến cái chết của đốc tờ Twardowski - bố của Janek. Vì không có chap này nên tất cả các đoạn sau liên quan đến bác sĩ Twardowski hay nhắc đến bố của Janek ở BNCĐ đều bị cắt đi ít nhiều hoặc thoại sẽ thay đổi nhiều về ý nghĩ trò chuyện. Ngoài ra một số đoạn có thể do nhạy cảm chính trị, không biết Romain Gary thay đổi hay bối cảnh dịch thuật lúc đó nên bỏ qua, vì thấy dịch giả để ba chấm (...), một số câu văn tả khu rừng và Janek suy tư khi trong rừng với cây sồi già [đặc biệt hay] thì bản BNCĐ cũng cắt đi chắc cho gọn :))


nhưng khi đến chap 14 GDCA ứng với 13 BNCĐ thì sẽ còn thay đổi nhiều. Tôi sẽ chụp ảnh thay vì type cụ thể [mọc răng giật thần kinh mệt mề lắm type không nổi :)))]. Đoạn dưới đây từ đầu cho đến hết chap 13 GDCA [tức 12 BNCĐ] tôi làm 2 tuần trước, rồi đứt đoạn đi chơi, cụ thể ở bên dưới, các chap không nhắc đến là 2 bản dịch nội dung như nhau: 


- Chap 3 của GDCA từ tr16 đến hết 22 thì BNCĐ không có chương này, chương cái chết của đốc tờ Twardowski - bố của Janek. Như vậy là BNCĐ không có chương về tình hình của mẹ và bố Janek


- Chap 7 của GDCA là chap 6 của BNCĐ, phần giới thiệu về nhóm 7 người du kích, BNCĐ thiếu đoạn về 2 sinh viên luật - những người duy trì tiếp xúc qua radio với đài chỉ huy của quân đội "quân xanh", đoạn này có nhắc đến Nadejda - theo như 2 sinh viên này gọi, thì đó là "bí danh tổng tư lệnh của chúng ta" không ai biết ông là ai và cậu bé Janek giữa đêm thường im lìm nghĩ đến du kích Nadejda và tưởng tượng ra ông, sự hiện diện trong tưởng tượng đó như một ý nghĩ trấn an, thậm chí trong khi đang mơ thì một ý dần trở nên chắc chắn, Janek coi sự đột nhiên của ý nghĩ như một hiển nhiên rằng: Du Kích Nadejda chẳng thể là ai khác ngoài bố nó "Niềm hy vọng ấy, mà không bao giờ nó nói với những người khác, suốt một thời gian dài ở yên trong nó. Nó chắc chắn là mình đúng, và những khi sự nghi ngờ lướt sượt qua nó, nó biết rằng đấy là chỉ vì nó bị lạnh, vì nó đói, hay vì nó mệt. Nó đã biết rằng sự thật là một cái gì được nhận ra trong những đà bật ấm nóng của trái tim chứ hiếm khi trong sự lạnh lùng của lý trí" [tr37 đến 39 ở GDCA và tr26 ở BNCĐ]


- chap 12 GDCA là 11 BNCĐ, ở BNCĐ thiếu đoạn Janek tỉnh dậy sau đêm dẫn Zoska về hầm trú ẩn, Janek đi vơ vất trong rừng và giữa những cây, Janek tìm thấy sự trấn an, với lòng biết ơn thì đúng hơn, thậm chí cậu bé còn kết bạn với một cây sồi già và trong khoảnh khắc của sự ngây thơ, nó chờ đợi cây sồi già nói với nó bằng giọng con người [đây là một đoạn rất hay, những đoạn về khu rừng trong GDCA rất hay] và chính lúc này "nó cảm thấy rất rõ là bố nó đã chết"; nó hiểu thông qua sự bối rối lộ rõ, sự tránh né chủ đề này ở những người du kích và nó cũng không đặt câu hỏi cho họ nữa; nó nghĩ đến những gì bố nó nói với nó trong lần gặp nhau cuối "chẳng gì quan trọng chết đi" - câu nói lúc nào cũng quay trở lại trong tâm trí nó và nó thấy lại câu này đến cả trong tiếng thì thầm vĩnh cửu của khu rừng; "đấy là một câu lạ thường, trong khi biết bao người bị giết mỗi ngày". Sau đoạn này, Janek đi đến chỗ đổ nát của một cối xay gió cũ, đoạn miêu tả nơi này BNCĐ cũng thiếu, chừng 3 câu; sau đó tiếp tục, bập vào đoạn một giọng đọc thơ cất lên đằng sau bụi cây, chính là đoạn thơ có câu mà dịch giả Đỗ Tử Trình đã dùng cụm "bao người chờ đợi": "Trong gian phòng xưa tôi chờ đợi/Bao người đã chờ đợi như vậy/Chờ tờ truyền đơn cuối cùng in xong/Chờ quả lựu đạn cuối cùng được cắm chốt và ném đi..." [ở đây dịch giả ĐTT có lẽ đã nhầm ở câu câu cuối khổ thơ: trước khi ném lựu đạn thì người ta phải rút chốt chứ không phải "cắm chốt", nếu cắm vào và ném, lựu đạn không bung chốt ra thì không nổ] [tr59-60 ở GDCA và là tr42 của BNCĐ]

ngay sau đoạn này thì có sự khác biệt văn bản và BNCĐ ở tr42 thiếu các đoạn về nhóm của Czerw phê phán các sinh viên "lãng mạn", đoạn này ở GDCA từ tr61 đến tr64, chính đoạn này nhắc đến bẫy của SS "một hòn đá giết hai con chim", những người đàn ông Ba Lan trọng danh dự hơn thảy và SS đã bắt những người phụ nữ nhốt vào villa của các bá tước Pulacki: thoả mãn nhu cầu thể chất của bọn lính, và, cùng lúc, buộc các du kích chui từ trong rừng ra tìm cách cứu những phụ nữ của họ. Bố của Janek đã chết một cái chết danh dự và "lãng mạn" theo cách nói của nhóm Czerw


cũng trong chương này, ở GDCA là tr64 còn BNCĐ là tr43, đoạn hội thoại của Adam và Janek, BNCĐ có thêm Adam hỏi Janek học đến đâu rồi, còn nhớ những cái học không etc. và bảo Janek căng tai ra nghe thơ hiện đại mới ra lò, còn ở GDCA Adam đầy thân thiện hỏi Janek nghĩ gì về bài thơ của mình "một dịp tuyệt hiếm để biết ý kiến của một người không có sẵn ý kiến" etc. ngay sau bài thơ của Adam thì đoạn hội thoại ở GDCA và BNCĐ có nhiều khác biệt, đến đây 2 người mới giới thiệu tên họ đầy đủ của mình và ở BNCĐ Adam không biết đốc tờ bố của Janek hiện giờ ra sao, còn ở GDCA thì sau khi biết họ của Janek thì Adam biết đốc tờ đã thế nào [chết và chết như thế nào] nên anh khựng lại, đánh mất vẻ vui tươi của trò chuyện, anh do dự, gần như chực nói sự việc với Janek nhưng đã kịp phanh lại đổi chủ đề, 2 người nói với nhau về việc liệu Mỹ có sớm làm mặt trận thứ hai ở châu Âu, Janek không tin điều đó dẫu ông đốc tờ từng nói với con về điều này và ông tin họ sẽ sớm đến [ở cả 2 bản, tin tức Stalingrad vẫn đứng vững là giống nhau] [ở GDCA là tr65-66, ở BNCĐ là tr44-45]


 - chap 13 ở GDCA tr67, là 12 ở BNCĐ tr45, BNCĐ thiếu độ 4 câu: Janek đang nghĩ liệu có thể lấy Zosia làm vợ, nó quá nhỏ cho mọi sự, ngoại trừ cho cái đói, cái lạnh và cho những phát đạn [ở bản BNCĐ, để ba chấm (...) có thể dịch giả lược dịch]; tiếp theo 2 câu thoại bản BNCĐ không có, đoạn này ở BNCĐ là tr46, GDCA là tr68, tiếp tục BNCĐ thiếu hẳn 3 đoạn dài giới thiệu về nhóm của Adam khoảng 20 du kích; tiếp theo có sự khác và đảo trật tự thoại của các nhân vật ở cả 2 bản dịch và ở bản GDCA có 1 câu thoại của Adam nói với nhóm mình rằng Janek là con của đốc tờ Twardowski - nhìn chung cứ chi tiết nào nhắc đến bác sĩ Twardowski - bố của Janek thì ở bản BNCĐ sẽ không thấy xuất hiện. Ngay sau đó ở tr47 BNCĐ sẽ có 2-3 câu thoại nhắc đến khoai tây [Janek có khoảng 10 bao tải, mỗi bao 50kg khoai tây cơ mà] còn ở GDCA không có, tiếp theo tr69-70 GDCA thì BNCĐ không có, đoạn này bắt đầu bằng một nữ du kích duy nhất của nhóm Adam cho đĩa Polonaise của Chopin lên máy hát rồi một du kích khác nhấc đàn accordeon... rồi hoà vào Chuyện kể giản dị về các ngọn đồi, mà cả 2 bản cùng có; nhưng khi Adam Dobranski kết thúc câu chuyện thì ở bản BNCĐ, Pech [Pếtsơ] chỉ nói tôi phản đối rồi đi tời khoai tây trong đống tro [tr54], ở bản GDCA một ai đó trong nhóm du kích đã nói với giọng cay đắng cùng giận dữ, thẹn thùng của sự mỉa mai: "Con người kể cho nhau nghe những câu chuyện xinh đẹp, và rồi họ giết nhau vì chúng - họ tưởng tượng ra rằng bằng cách cách đó huyền thoại sẽ được biến thành thực tại. Tự do, phẩm giá, tình anh em... vinh dự được là một con người. Cả chúng ta nữa, trong khu rừng này, chúng ta để cho mình bị giết vì một câu chuyện vú em hay kể" và ngay sau đó là câu thoại cả 2 bản dịch đều có, của một du kích nói với đầy tin tưởng: "Bọn trẻ con châu Âu rồi một ngày sẽ học thuộc lòng câu chuyện này tại các trường" [tr77 GDCA, tr54 BNCĐ]


sang chap 14 GDCA tức 13 BNCĐ sẽ bắt đầu khác nhiều, ở GDCA bằng quyển sách Giáo dục châu Âu do du kích Adam Dobranski viết, còn ở BNCĐ tên quyển sách là Ngoại ô Stalingrát 🙂... Xin hẹn post sau, giờ đau đầu phải ngất và đợi chiến hữu lục bản bìa khác của BNCĐ nữa 



9.10.23

after love




hai người yêu nhau, một mối tình mười hai năm; đến một ngày, người phụ nữ nói với người đàn ông: hãy cẩn thận, bạn của tôi, ông sẽ yêu con gái tôi say đắm đấy



2.10.23

phản âm




quyển hay nhất của Ryu Murakami được dịch sang tiếng Việt: Những đứa trẻ bị bỏ rơi trong tủ gửi đồ [Coin locker babies]. Viết dài hơi hơn mấy quyển được dịch còn lại, phong cách văn phong đặc trưng của Ryu, đột ngột như thuốc chơi liều cao như đòn chí mạng giáng, nhưng câu chuyện thì tuyệt vời hơn hẳn [về bối cảnh khu mỏ hoang, Dược đảo hay trại cải tạo; những trang viết về việc chạy tạo ra các khoảng hở trong không khí để chính cơ thể ấy len qua, một cái màng nghe phản âm, tiếng tim đập, hay những đoạn lặn dưới nước... viết đặc biệt hay]


điều đáng tiếc là Những đứa trẻ bị bỏ rơi trong tủ gửi đồ, không được đơn vị xuất bản ngon lành nào ngó đến như 5-6 quyển khác của Ryu xuất bản ở vn. Sách xuất bản 2010, khâu biên tập cần làm thêm nhiều; từng ý năm chưa nhà nào làm lại đầu này nhỉ, hay thế mà không làm :)


28.9.23

cưới lấy đám đông




Hoạ sĩ của cuộc sống hiện đại gồm hai tiểu luận, đối tượng chính, là các hoạ sĩ: Hoạ sĩ của cuộc sống hiện đại [đối tượng là M. G hay M. C. G tức Constantin Guys] và Tác phẩm và cuộc đời Eugène Delacroix [homage to E. D]. Baudelaire luôn ở vị trí người quan sát, giữa đám đông, giữa các tông màu và chi tiết - viết là vẽ, là hoạ lại 


đọc những chương đầu của phần một tôi nghĩ đọc cùng Hệ thống mỹ thuật của Alain mới hợp làm sao; rồi rất nhanh chóng Hoạ sĩ của cuộc sống hiện đại cho tôi cảm nhận, Balzac quá, hoàn toàn có thể thông qua Baudelaire để mở Balzac; tôi lao thẳng đi tìm kiếm và đúng là có rất nhiều bài viết nối B này vào B kia, 2B; và hẳn là Marcel Proust đã ảnh hưởng không ít từ đây [đám đông cùng đời sống, tinh thần "hiện đại"; viết là thấy lại thời gian đã mất]; một cảm nhận trung tâm nhất sau khi gấp sách lại, đó là Alain, chính là có thể đặt Hệ thống mỹ thuật cùng Hoạ sĩ của cuộc sống hiện đại, đọc chúng song song nhau


phần hai là thách thức với tôi, vì tôi có thể xem là không biết gì về Eugène Delacroix; đây sẽ là quyển sách tôi bắt đầu M. Delacroix và nếu sau đây, có lúc nào cần tìm lại E. D và nhiều cái tên khác nữa xuất hiện trong tiểu luận Baudelaire [hẳn rồi, dẫu khiếp hãi nhưng đám đông là địa hạt của ông] viết về E. D, tôi cũng sẽ phải đọc lại 


đọc xong quyển sách có hơn 120 trang [mà như tôi đã nói từ lâu rồi với mấy đứa tiểu iêu là, xác định cỡ chữ của XBK thì sách gấp rưỡi so với sách trên thị trường hiện nay] hiện ra vô vàn những cái tên, những từ. Sách rất ít chú thích, mở ngay đến trang cuối để đọc ghi chú chủ đạo và tự tạo chú thích cho riêng mình khi đọc


tôi có một trải nghiệm và cũng là kỉ niệm. Năm 2012 khi tôi đọc Lolita, M. biết tôi đang đọc Lolita, hỏi em vui không; tôi nói đọc vui nhưng nhiều chú thích quá làm cản trở việc em đọc, em bị ngắt quãng hơi khó chịu; M. bảo thử đoán đoán nó, nếu hiểu thì có thể đọc chú thích sau, khi cảm thấy cần kiểm tra cái mình đoán cái mình hiểu để, như hiện nay tôi sẽ nói nhận ra lại tìm thấy lại, nếu không hiểu thì có thể bỏ qua chú thích và quay lại nó sau cùng. Sau này cách của tôi là nhất định đọc đi đọc lại chỗ không hiểu và đoán, hiểu thì hiểu mà không hiểu thì cố mà hiểu; rồi đá mắt đọc nhanh chú thích sau khi đã hết cả chương cả một quãng xong xuôi rồi vì có thể càng đọc dài hơn thì tự nhiên sẽ hiểu cái mình từng không hiểu ở trước đó; rồi khi đọc hết cả quyển, sẽ quay lại đọc riêng từng chú thích một và dò nó ngược lên trên nhét vào cái nơi chứa chú thích ấy để khớp nó vào trang sách, ngữ cảnh. Đọc chú thích cách ấy rất gần với re-read 



26.9.23

suối tóc mơ




lần đầu tiên gặp gỡ là tháng Hai 2010, nhưng phải mãi tới 2017 tôi mới xin gì đấy viết lên sách. Lúc đấy tôi chỉ mơ hồ nói, trong lúc anh ngồi cặm cụi ký còn tôi chăm chú nhìn tay đưa bút tạo ra chữ trên giấy [tôi không mang tất cả sách dịch của anh, chỉ một số, nhưng cũng nhiều lắm rồi, chồng ngất ngưởng; vì một số anh từ chối nhận nó trong danh sách dịch, và anh không đồng ý ký tất trong một lần], tôi nói rằng: rồi em sẽ đẩy đi hết, chỉ giữ lại một số rất ít như những quyển này thôi [và nhướn mắt nhìn chồng sách trên bàn lúc đó]. Đấy là người duy nhất làm ra những quyển sách tôi xin chữ ký. Hiểu thì đó sẽ là, tôi mua sách mà tự dưng nxb để tác giả, dịch giả ký vào sách của tôi thì tôi chỉ muốn giật tóc hay làm thế nào tẩy bỏ cái chỉ dấu ấy đi thôi :))) việc xin chữ ký vào sách tôi không xin bừa, không phải ai tôi cũng cho viết vào sách của tôi [còn nếu tặng tôi sách thì viết đề tặng tôi, điều ấy tôi tất nhiên vui; tôi thích lấy thư viết tay hay các tờ giấy có chữ viết tay vô tình thấy trước mặt để kẹp vào sách chỗ đang đọc dở hoặc cần nhớ]


quyển trong ảnh nằm trong đợt bao nhiêu quyển năm đó tôi xin chữ ký, là quyển đầu tiên tôi chọn mang đi đến buổi gặp, dù tôi đọc nó từ 2009, thời vẫn còn chơi yahoo 360 mới chuyển nhà sang blogspot. Cũng chỉ vì một chi tiết, nhân vật chính Marco Fogg [phải 2 g nhé] thừa hưởng 30 năm gom góp sách của ông bác [ban đầu cậu ta chối đây đẩy chỉ muốn làm cách nào trả lại được cho ông bác] và các thùng sách như bị bỏ quên, cho đến ngày sa sút nặng, cậu gỡ ra đọc hết [thay vì dùng các thùng sách tạo thành kê giường, bàn, kệ etc. như trước đấy] như trả món nợ tinh thần, chữ nghĩa... rồi bán dần để sống, bán sạch bách :)))


gần đây trong một cuộc gặp tôi mang đi cũng hơi nhiều sách he he, tôi mới biết rằng, chính dịch giả cũng chỉ thích đoạn đầu của Moon Palace, và cũng chỉ thích chi tiết ấy :))). Chúng tôi đều thấy đây là quyển hay nhất của Paul Auster [cuộc gặp 2010, anh dùng cụm "anh dịch cho anh" khi nói về các sách mình dịch và nhất là khi trỏ vào Moon Palace, Phía nam biên giới...; đúng, đơn giản trước sau chỉ vậy]; sau Moon Palace, tôi đọc thêm ít cũng phải 4-5 quyển Paul Auster nhưng đều không thích nữa, và thật ra nó hút quá mạnh ngay đầu bởi chính những chi tiết trên kia. Một tuổi trẻ sa sút không biết đến ngày mai mà vẫn thản nhiên lơ đãng ngơ ngẩn những quãng thật dài [để đọc sách, chẳng hạn]. Một quãng đời thật màu mỡ 🙂


sáng nay khi đang nằm đọc Hoạ sĩ của cuộc sống hiện đại thì tôi nhìn sang chỗ sách đã nhận chuyển khoản đang chờ gửi đi chủ mới; rồi nghĩ đến có người bảo "hồi mới bán sách của mình em buồn phát khóc vì trước em nghĩ mình không có gì nhưng mình còn có sách, giờ thì đến sách em cũng chẳng còn, dần dần em quen với việc không giữ sách trong nhà"; tôi liền nghĩ giờ nhà còn mỗi một Moon Palace, lần này là một thật rồi, chứ trước cứ nghĩ một hai mà có lúc dọn nhà ra tới tận bốn :))) thì không biết Marco Fogg còn ám tôi không, chứ tôi gả sách đi chủ mới tôi vui bà cố vì lại có tiền mua sách tiếp :))) [mẹ tôi kêu bán được sách mà lúc nào cũng kêu không có tiền leo núi, chả lẽ thỏ thẻ, con bán 7 thì con đi mua 10] chưa kể tôi thấy giàu vãi chưởng vì tôi có chỗ sách "làm vốn" phải quên đi cất tít tịt góc hộc đàn. Tuổi một quyển sách trôi nhanh lắm, nhanh hơn tuổi trẻ, hơn cả nhan sắc thiếu nữ... lâu lâu chạm tới đã qua một suối tóc mơ gặp nhau đủ bốn mùa