Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

30.9.15


Đi leo núi 3-4 hôm về, cảm giác mạnh mẽ nhất là muốn vứt bỏ tất cả, không trách nhiệm không gia đình không làm ăn buôn bán gì nữa. Không muốn mọi thứ như đang có. Muốn tung hê tất cả, ném hết hàng hóa đi, cắt đứt tất cả mọi ràng buộc đi...muốn bỏ đi hẳn, muốn ở nơi không ai biết mình là ai.
Vừa rồi chị gái liên lạc bàn bạc về lô hàng sắp tới, định nhắn rằng: em đi leo núi về chỉ muốn vứt hết hàng hóa ra đường, đóng cửa, nghỉ hết, không muốn buôn bán gì, muốn lên núi sống nói không ai nghe không ai hiểu, người ta nói mình nghe hay không nghe cũng không cần hiểu...nhưng viết được 4 chữ đầu câu xong thì liền dừng lại vì cảm thấy chắc chắn rằng không đúng người để ta nói điều ta muốn nói
không biết làm gì, đành nằm chớp mắt cho nước trào ra.

24.9.15

Tối nay lên đường leo núi 4 ngày rùi ;)




"Nếu cuộc sống với Pat đã dạy tôi điều gì, thì đó là việc làm cha mẹ phần lớn liên quan đến trực giác - đi đến đâu mở đường đến đấy. Không ai dạy cho bạn cách làm. Vừa làm vừa học thôi.
Khi còn nhỏ tôi tưởng rằng cha mẹ tôi có những hiểu biết bí mật về cách khiến cho tôi ngoan ngoãn và nuôi tôi khôn lớn. Tôi tưởng là có một kế hoạch vĩ đại nào đó để bắt tôi ăn rau và lên phòng mình khi được bảo. Nhưng tôi đã nhầm. Giờ thì tôi biết là họ chỉ đang thực hiện cái mà mọi cha mẹ trên thế giới này thực hiện. Làm bừa"

Cha và Con của Tony Parsons kể một câu chuyện nhẹ nhàng hóm hỉnh, rất đời thường, không gồng hay lên gân về những cuộc hôn nhân, gia đình, quan niệm về yêu hay cái gọi là tình yêu. Từ đó ta hình dung về việc làm cha, làm mẹ như cái đích của số đông trong xã hội.
Đọc đổi vị cuối tuần nhé, rất giống như cảm giác lười biếng nằm xem phim tâm lý vào ngày nghỉ, chứ thực tình thì viết về tình yêu cứ như thể một kẻ đang tìm một thứ gì đó nổi trên mặt nước khi ta đuối sức, khi sắp chết đuối làm tôi tự hỏi, phải chăng phần lớn mọi người đều tìm kiếm một người, đều cố gắng khiên cưỡng yêu, chấp nhận, gá vào một người để tạo một gia đình vì không như thế thì người ta biết làm gì khác đây với cuộc đời.
Người ta trưởng thành khi được làm cha làm mẹ và thực sự trở nên vững chãi khi người ta làm phụ huynh nhưng phải chia tay phụ huynh của chính mình. Làm cha mẹ như việc biết chính xác thời điểm nào là thích hợp để tháo bỏ hai bánh phụ của một chiếc xe đạp vậy.

19.9.15

Những cái bóng



Cái bóng kinh hoàng của Karine Giébel được 2 giải thưởng danh giá của Pháp ở thể loại trinh thám hình sự nhưng không giống màu sắc trinh thám Pháp. Đúng ra phải gợi đến mùi vị của trinh thám Mỹ. Câu văn ngắn gọn, không thách thức sự kiên trì của độc giả, cốt truyện song hành ở hai tuyến và gói gọn lại khi chập hai tuyến truyện vào vùng trung tâm, và điểm đặc biệt khiến nó mang mùi vị của trinh thám Mỹ thay vì Pháp, chính bởi một cái kết mở như phim điện ảnh Mỹ báo hiệu còn phần tiếp theo. Đúng như nhan đề truyện, sẽ là ác mộng cho bất kỳ ai bị Cái Bóng chọn lựa, nó đẩy người được chọn vào cảnh nghi ngờ chính mình bị điên, sống trong ảo giác và hoang tưởng.
Vì mang một mối tình đắm đuối với trinh thám Pháp, Bắc Âu nên ban đầu cảm thấy thất vọng, không phải bởi câu chuyện mà bởi giọng văn hời hợt quá, văn chương không đẹp chút nào, khác xa sự trông đợi khi đọc một tiểu thuyết trinh thám Pháp. Nhưng gỡ gạc lại rất nhiều ở cái kết, nhưng mình chỉ thích cái kết dừng lại ở ngay sau đoạn Cái Bóng chọn được một nạn nhân khác, giống như là Cái Bóng vẫn tiếp tục săn mồi, không thích những câu văn cuối khi Cái Bóng trở thành chính con mồi cho một anh hùng đi săn khác. Vì chỉ cần thêm mấy câu cuối ấy thôi, đã phá hỏng một cái kết ám ảnh. Một cái bóng kinh hoàng sẽ bảo toàn tính kinh hoàng của nó hơn nữa nếu nó cứ mãi ám ảnh. *creepy vãi*
ps: theo khẩu vị của mình, anh thiếu tá Alexandre Gomez quyến rũ chết người hehehe.
*Năm cuối cùng khi M còn ở bên mình, M đau, ốm, bẳn gắt đến mệt mỏi, một sự tra tấn cho cả hai mà mình từng ước hãy hoán đổi vị trí của hai chúng tôi đi Đấng Tối Cao Khôi Hài, mình từng muốn M chết, không chỉ một lần có mong muốn ấy vì mình biết mình sẽ không tiếp tục sống. Vì với mình, năm ấy, cứu rỗi chỉ có thể là việc chết, cả hai cùng chết. Cuối cùng mình vẫn ngồi đây đọc những câu chuyện đôi khi ngớ ngẩn, quen với việc mình còn sống để không tha thứ cho M đã chết trước, bỏ rơi mình còn lại với thế giới, với việc không quên M, nhớ M từng ngày như khi M còn sống, như M vẫn luôn ở bên, như cần thiết cho mỗi ngày mình sống. Hôm nay đọc câu chuyện này, như nhìn thấy mình và Alexandre  Gomez có điểm chung

17.9.15

Sắc thái của một thời đã qua



Hà Nội cũ của Sở Bảo Doãn Kế Thiện chỉ bằng 21 bài viết đã mở ra hình ảnh một cố đô là nơi "thủ thiện" cũng chính là nơi "thủ ác", nơi "tứ chính quần cư" người hay cũng lắm, kẻ dở lại càng nhiều. Mỗi con đường, góc phố, bãi đất, gốc cây, miếu thờ...đều có những câu chuyện riêng, lai lịch, tích cũ để lại vừa mang tính liêu trai, huyền thoại lại vừa gắn với đời sống thế thời
Sau bao bận tang thương dân tộc, bể dâu thời cuộc, các chứng tích đã mai một dần đến ngày trôi vào quên lãng không tìm thấy hình hài. Sắc thái của một thời đã qua không bia nào gìn giữ được nếu không có dấu ấn của những câu chuyện kể truyền miệng. Sẽ không sao hình dung được hồ Hoàn Kiếm có cây dừa bêu đầu, cuối sách có hình ảnh hồ Hoàn Kiếm và Tháp Rùa mà ta không khỏi giật mình thảng thốt hoài niệm về một cảnh quan xưa cũ. Cũng khó lòng hình dung ra hình phạt "voi giày" là thế nào. Thế nào là Giai Ngõ Trạm, gái Tạm Thương. Hay ngôi miếu "Cậu" gắn với hình phạt "gọt gáy bôi vôi". Một câu chuyện mang hình bóng liêu trai về cô thày tướng bên bờ Văn hồ trước Văn Miếu. Hay sự kiện Tổng đốc Hà Nội đã treo cổ tự tử ở cây cổ thụ năm xưa.
Hà Nội cũ được mô tả ma quái như thế, ngước mắt nhìn ra Hà Nội ngày nay đúng chuyện nơi thủ thiện cũng là nơi thủ ác, mảnh đất chật người đông, nhiều ma quỷ phủ mờ bóng hình một Hà Nội cũ phảng phất đâu đây.
Ps: phụ lục ảnh về Hà Nội xưa ở cuối sách làm tôi tự hỏi những cây cối, không khí nhàn nhã thong dong của Hà Nội đi đâu mất rồi.

16.9.15

Lịch sử đuổi bắt




Hô hô hô Lại thêm một nhân vật điều tra phá án nữa mơ mộng lơ tơ mơ bê bết: thanh tra Harry Hole của Jo Nesbo. Harry Hole khả năng bắn súng chính xác, quyết đoán, hài hước, mơ mộng xa cách, nghiện thuốc lá và hay say xỉn. Nhưng điểm thu hút tôi ở tuýp nhân vật phá án mơ mộng lơ tơ mơ này, chính là thứ linh cảm nghề nghiệp, họ ngửi ra thứ mùi "có vấn đề" của một sự việc, cho dù chỉ là lướt qua, cái thứ cảm giác này đánh bay mọi trật tự lập luận logic nghĩ về cái không thể theo cách có thể. Chính vì thế mà tưởng như một chuỗi dữ kiện hỗn loạn, họ sắp xếp chúng thành một bức tranh ăn khớp nhau hoàn hảo.

Câu chuyện Chim cổ đỏ xoay quanh năm người lính Nauy chiến đấu ở Mặt trận phía Đông năm 1942-mốc thời gian đã kéo câu chuyện về thẳng những năm 1999-2000. Từ đó lịch sử có tính đuổi bắt biến thành những thước phim thay bối cảnh liên tục đảo qua lại giữa hai nhóm mốc thời gian chính 1942-1943-1944 Leningrad, Vienna và 1999-2000 Nauy, Thụy Điển, Áo. Một câu chuyện lan rộng từ trục chính khiến người đọc liên tục nhầm lẫn 2-3 người lính Nauy tại Mặt trận phía Đông năm 194x với nhau vì theo đúng tính chất loạn lạc của chiến tranh, không rõ ràng sự sống chết, các lý lịch trích ngang-chéo, chiến đấu cho lực lượng, quân đội nào...
* Ông già đặt mua khẩu súng trường Marklin có khả năng sát thương kinh khủng, dù đã biết ông ấy là Gudbrand Johansen, người lính năm xưa cứa cổ một lính Nga ở boong ke bằng lưỡi lê, biết qua các chi tiết mật khẩu Giọng nói thiên thần, vết cứa cổ đẹp như bác sĩ phẫu thuật được mệnh danh là chim cổ đỏ, tình bạn như anh em với Daniel Gudeson, và sự kiện bí ẩn với người lính đào ngũ Sindre Fauke. Nhưng vì ông lão ấy là một ca MPD-chứng rối loạn đa nhân cách, sự phán xét sau cuộc chiến, và cái mà ông cho là công lý, cộng thêm tài hoa trong cách để câu chuyện diễn ra của tác giả mà mặc dù đã biết ông lão là ai, song mình thi thoảng vẫn bị lung lay, cảm thấy rối tinh lên giữa các chi tiết để định hình chính xác ông ấy là ai, là Daniel Gudeson hay Gudbrand Johansen hay chính là cái tên họ mà con gái ông cũng đang dùng để gọi cha Sindre Fauke
* Mình đặc biệt thích cô nàng Ellen thông minh, nhạy cảm, hài hước đồng nghiệp của Harry Hole, tức là chỉ cần qua vài chi tiết thôi cũng thấy cô ấy quyến rũ rồi. Cái chết của cô bị bỏ lửng không điều tra, khiến cho một vài chương trở thành lạc lõng trong chính Chim cổ đỏ, nhưng sẽ là một một khởi đầu cho tập khác điều tra về Prince
* Có sự nhầm lẫn nho nhỏ ở trang 160, khi mốc thời gian mở đầu chương thay vì 2000 thì lại là 2002
* Dân đọc trinh thám phần lớn đều thích đọc kiểu trinh thám sớm thấy xác chết nên nếu có lỡ thích trinh thám Bắc Âu như em thì các cụ kiên nhẫn tí ạ ;), chưa kể phong cách trinh thám Bắc Âu thường kể những câu chuyện rất thật, không gồng nên tiết tấu đều, chậm, cao trào chỉ xảy ra khi đã đi 1/2 chặng, tức là đã đi qua phần dẫn nhập, khởi nguyên, zâu zia vân vân và vân vân.
* Dạo này em bận, sách hay thì nhiều nên không câu cú tử tế được như trước vì như thế tốn thời gian lắm ạ, viết như này nhanh hơn. Và trinh thám để viết mà vừa thu hút người chưa đọc, vừa bảo toàn tính bất ngờ của truyện cho người đọc thì trình em chưa tới. Công việc cỡ ấy phải nhường cho các bác "thần lực không phải dạng vừa đâu" :v

13.9.15

Xứ của trẻ em và các con vật



Như bố tôi kể thì khi còn bé tôi thích tha thẩn chơi một mình ở ao, vườn, xưởng gỗ của nhà. Cho đi phố chơi thì cứ đứng thẳng đuỗn người nhìn trẻ con khác chơi, không hoạt bát tham gia chơi cùng. Hôm vừa rồi Cờ Hó, bố tôi và tôi, ba người cùng ngồi điểm lại các trò chơi thuở bé, kết quả tôi là kẻ biết ít trò chơi nhất vì có chịu chơi với bạn đâu, cứ tha thẩn chơi một mình ngoài vườn với lá, hoa, sâu, kiến, giun, gà, chó, đặc biệt là chơi kiến, giun và trò đi vào vườn bới trứng gà vì vô tình một lần tìm được quả trứng gà nằm trong đám đất xôm xốp mềm mềm trồng hoa đồng tiền. Đến bây giờ viết những dòng này, tôi vẫn không sao quên được cảm giác nếm một nắm đất xôm xốp. Nó lạo xạo nhưng zụm lại trên lưỡi và bốc thẳng lên mũi một mùi hăng hắc rất thơm như mùi cơn giông bất chợt mùa hè. Mỗi lần ăn bánh ga-tô, tôi đều nghĩ đến cảm giác miếng đất đầu tiên tôi ăn, cái cảm giác bông bông mềm mềm zụm trên đầu lưỡi.
Tuổi thơ của tôi dường như ít bóng dáng những người bạn Người. Cứ tự chơi như vậy rất ngoan và về nhà xem Thế giới động vật trên tivi. Tôi thích hổ báo sư tử nhất vì vẻ uyển chuyển của chúng khi săn mồi và trễ nải nằm mơ màng ủ mưu. Trong suy nghĩ của tôi, những khi chúng trễ nải như vậy thường vo ve trên đầu mũi là những con ruồi, nhặng. Không hiểu tại sao tôi nghĩ thế, chỉ là tôi bị ấn tượng bởi hình ảnh ấy, nó cho tôi cảm giác trễ nải thật sự, chán chả buồn chết chán mớ đời đếch muốn làm gì. Và rồi cái vẻ trễ nải ấy rung lên từng thớ thịt, đặc biệt là ở đùi khi chúng săn con mồi. Những bước chạy dứt khoát dũng mãnh, tăng tốc đáng nể, giảm đột ngột cực chuẩn khi đã vồ được mồi, và bước đi thong thả đường bệ khi cắp con mồi lững thững tìm chỗ đánh chén. Thật phi lý làm sao, tất cả các loài trong mắt tôi, kể cả con người đều có tính thú khi đánh chén các con vật yếu ớt hơn, ngoại trừ hổ báo sư tử :v, có phải tại tôi cho rằng chúng dũng mãnh và chúng có quyền tề trị cả vùng lãnh thổ, các con vật làm thức ăn cho chúng đều là một sinh mệnh tất yếu. Vô lý nhỉ hihihi, về sau này khi nuôi mèo, điều tôi thích nhất ở loài này cũng là những bước chạy, bộ móng, thớ thịt đùi và tôi luôn hoang tưởng rằng mình nuôi một con hổ con
Những bác voi, bác gấu dành được sự yêu thích thứ hai của tôi vì tấm lưng vững chắc. Nhìn cái dáng vẻ ù lì chịu đựng của chúng mà muốn cười. Và cả bọn khỉ nữa, cái loài nhộn không để đâu cho hết, nhanh thoăn thoắt và ánh mắt nhìn biểu cảm rất người. Tầm 10 tuổi tôi đi xem xiếc lần đầu và từ đấy, xiếc thú gồm những chó đi xe đạp, khỉ cưỡi ngựa, gấu đeo kính diễn trò, voi nghe lời được ăn bánh...luôn là loại hình xiếc tôi thích nhất.
Tôi lớn lên với những mong ước bất khả, được làm người sống lang thang với một chú chó trên xe đạp hoặc là Pippi biết làm việc xấu, biết trêu đùa ác sẽ rất vui nhưng ý thức mình sẽ không hành động như thế hoặc làm các cô, cậu bé (được là cậu bé thì thích hơn hehehe) lớn lên trong rừng, chơi với muôn loài, rồi sau này muốn được sống như Alexander Supertramp muốn sống trong thiên nhiên không phải vì không yêu con người mà bởi yêu thiên nhiên hơn mà thôi, thì tôi, tôi muốn sống trong thiên nhiên chỉ bởi cây cỏ muôn thú...tất cả thuộc về thiên nhiên luôn biết cách thu xếp với những gì chúng có, khác rất xa con người, luôn muốn có nhiều hơn, luôn không ngừng đòi hỏi. 
Mỗi người lớn luôn có một giấc mơ thuở bé được là ai, cái gì, con gì, vật gì đó, tôi chia sẻ giấc mơ được là những người như trên với M thì M nói, anh muốn làm cướp biển với cái băng đeo một bên mắt. Tôi bảo như thế thì không gặp nhau vì một đứa sẽ làm người vô gia cư hoặc người rừng sống trên mặt đất sống trong rừng, còn một đứa cướp biển thì ở biển suốt, chả có gì liên hệ với nhau cả. M bảo, thế thì anh phải dùng mơ ước thứ hai rồi: anh sẽ làm họa sĩ lang thang (dù M bảo M chỉ biết vẽ tranh theo trường phái lập thể) nhưng tôi cũng mừng lắm vì họa sĩ lang thang và kẻ vô gia cư thì sẽ lang thang lang bạt gặp nhau suốt :p
Quay lại câu chuyện sống trong thiên nhiên. Tôi muốn nói đến Tippi hoang dã, quyển sách ảnh do cô bé Tippi người Pháp được bố mẹ là những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp sinh ra và nuôi dưỡng ở Namibia (Châu Phi). Khi tôi đọc, nhìn những tấm ảnh tuyệt đẹp này năm 2010 tôi liền bảo với M, em đã suy nghĩ rất kỹ rồi, M cứ làm cướp biển đi, em muốn được làm cô bé Tippic cơ :v. Năm ấy tôi vừa học vừa làm thêm ở Đinh Lễ, công việc ở sạp sách vỉa hè nên lúc bận rất bận mà rảnh rỗi thì không ít. Tiền kiếm được tôi dành mua sách hết, nhịn ăn để mua sách cũng cam lòng, Tippi hoang dã tôi thích lắm mà giá bìa thì ngất ngưởng (hồi ấy nghèo zớt) nên có một quyển Tippi bày mẫu ở sạp sách dưới vỉa hè ngày nào cũng bày ra xếp vào đến nỗi rách nát, tung trang như quần áo mất cúc mất đai xộc xệch trên người đứa trẻ lôi thôi ham chơi ấy, ngày nào cũng như ngày nào, tôi lôi Tippi ra ngắm ra đọc làm sách đã nát lại càng nát thêm, và bị ám ảnh đến mức M trêu rằng, gắn cho em cái đuôi lợn rồi đuổi lên Sơn La 
Bẵng đi bao nhiêu ngày tháng, hôm nay đi hội sách ở công viên Lenin, nhìn thấy gian hàng Kim Đồng có một quyển Tippi nằm ở trệt giá, trong một góc không ai nhìn thì tôi mới tự hỏi, sao đến giờ mình mới nghĩ đến việc muốn có Tippi, hay hoang tưởng rồi, mơ quá lâu được là Tippi rồi nên quên xừ nó thực tại, hay giờ đã tự nhận ra rằng, mày không thể là Tippi, mày chỉ có thể là một người thích cuộc sống như vậy, thích ngắm những tấm ảnh của cô bé ở Châu Phi, thích đọc những dòng cô bé viết...
Tôi cứ hình dung lại khuôn mặt hôm nay lúc mua được Tippi, hẳn phải hạnh phúc lắm. Tôi đã cười rất tươi và ngơ ngác rất nhiều. 
Trên đời này không gì dễ thương cho bằng trẻ con và thú cưng. Đến xứ nào có hai sinh vật như thế sống đi. đi. đi. đi :*



Đi hội sách sợ nhất là đông. Đã thu xếp đi tầm trưa mà đúng ngày thứ 7, đi được nửa hội, hốt nhiên băn khoăn người ở đâu mà kinh dị thế này. Thế là té sớm :v
Đây, tặng các bạn như đã hứa, ngoài lời hứa ra, còn lại của tôi :p

11.9.15

Trong vườn ngồi mộng gốc cây xưa



Song An Hoàng Ngọc Phách viết Tố Tâm năm 1922, năm 1925 ra mắt, còn Lan Hữu của Nhượng Tống Hoàng Phạm Trân xuất bản năm 1940, vốn đọc rất ít văn học Việt Nam, quả thật cả Tố Tâm và Lan Hữu đều khiến tôi ngạc nhiên về tính chất tình trong giọng văn. Sức sống của Lan Hữu cũng như Tố Tâm đều nằm ở việc nó là câu chuyện tình. Giọng điệu hồi cố về một quá khứ tình tuổi trẻ của Nhượng Tống định hình cho toàn bộ tác phẩm, không khỏi làm người đọc sầu tình, sống trong cõi mộng cùng nhân vật Ngọc, và cùng vỡ mộng. Điều thú vị là giọng điệu khinh bỉ chính mình một cách khách quan của Ngọc khi có lòng yêu cả Hữu và Lan, và như một kẻ ngu ngơ đứng giữa hai ngã rẽ, ngạc nhiên với cảm xúc thanh tân của mình để rồi đến cuối cùng, mộng vỡ òa rằng trải qua những năm tháng tuổi trẻ yêu tình như vậy thì chỉ có duy nhất mình là còn tiếp tục sống trong cõi mộng tình nồng nàn.
Kẻ thiếu niên thích đắm mình vào những mối tình duyên không có ngày mai, rồi sau bất chợt bắt gặp lại một thời thơ dại của mình thì cong người vùng vẫy bỏ chạy mà không sao thoát được quá khứ như tấm màn giăng mắc mối tình thơ. Khu vườn Lan Hữu của Nhượng Tống như một vườn hoa vừa mang cho ta cái cảm giác hạnh phúc tươi mới của tình đầu tình tuổi trẻ nở rộ, vừa là một thứ vỡ mộng, sầu tình khi cái đẹp tàn úa phai nhòa. Khu vườn Lan Hữu dành cho tất cả những người có tính yêu hoa, yêu cái đẹp hồi cố sa chân của tình tuổi trẻ, tình ơi là tình, tình chỉ là tình vậy thôi.
ps: nói thế nào cũng là thừa thãi khi Lan Hữu của Nhượng Tống có đến hai bài viết đầu sách đặc biệt trân trọng và giá trị. Thôi, mời các bạn đọc chuyện tình ạ ;)

10.9.15

mắt mờ lắm rồi fuck



"Ông ôm chặt trong tay một cái vali nhẹ bẫng và một đứa trẻ sơ sinh còn nhẹ hơn cả cái vali. Ông già tên là Ông Linh. Ông là người duy nhất biết tên ông là như thế bởi tất cả những người quen biết quanh ông đều đã chết rồi"
Tiểu thuyết Cháu gái ông Linh của Philippe Claudel đã bắt đầu như thế. Một ông già bế trên tay đứa cháu nội 6 tuần tuổi lên tàu rời xa mảnh đất của tổ tiên, rời xa quê hương nơi chiến tranh đã khiến người thân, bà con, làng xóm nằm lại vĩnh viễn để đến một đất nước mới. Chuyến đi kéo dài như vô tận, 6 tuần lênh đênh, đứa cháu có tuổi đời tăng lên gấp đôi còn ông già thì già đi cả một thế kỷ. 
Tình bạn từ nỗi buồn, sự cô đơn, mất mát và đau đớn đã nảy sinh giữa Ông Linh (cùng cháu nội Sáng Dịu) và ông Bark dù bất đồng ngôn ngữ, họ không hiểu nhau nói gì nhiều hơn tiếng Xin chào, tên đứa bé Sáng Dịu được hiểu thành Sans Dieu, họ gọi nhau là ông Chào-ngài và ông già to béo có bàn tay to và ấm áp...Tình bạn ấy là cái cảm sinh ra từ sự thấu hiểu nỗi cô độc và mất mát của nhau 
*Khúc hát Ông Linh ru cháu, tôi chưa nghe bao giờ
"Bao giờ cũng có buổi sáng
Bao giờ ánh sáng cũng quay về
Bao giờ cũng có một ngày mai
Một ngày kia chính em sẽ trở thành người mẹ"
*Lâu rồi mới đọc một câu chuyện đơn giản và rưng rưng thế này. Không lẽ tôi để cho nỗi đau ăn mòn mình dần dần te tua như đám giẻ lau, rồi tới một ngày, con người được tái tạo lại hay sao, quay về những thứ nguyên sơ.
*Giữ đúng lời, đã quay lại Philippe Claudel. Bận rộn và mắt cũng mờ nên không thể hơn thế này được, ngày mai ngày mốt cũng không chắc sẽ bổ sung

7.9.15

Xứ Xa Xôi lạc mất




Tôi tưởng mình sẽ đọc một chuyện tình. Mối sầu thảm sau một cuộc trò chuyện với người con gái dọc bờ sông Seine của Alain Fournier làm nảy sinh trong ông nỗi tương tư dai dẳng (không có hồi kết) suốt 8 năm đau khổ tìm kiếm tung tích của Yvonne de Quiévrecourt. Và trong lần gặp thứ hai cũng ngắn ngủi như lần trước, nàng đã là vợ kẻ khác và có hai con. Chi tiết tiểu sử này của Alain Fournier là một điểm nổi bật, bởi dường như cuộc trò chuyện ngắn ngủi dọc bờ sông, những câu nói, dáng điệu, cử chỉ của hai người được miêu tả nguyên trạng dưới hình hài của Augustin Meaulnes và Yvonne de Galais trong Le Grand Meaulnes (Kẻ lãng du) là một trong những trục đường chính trên bản đồ của kẻ lãng du Augustin Meaulnes.

Ngay từ những câu văn đầu tiên, mượn lời người kể chuyện Francois Seurel, Alain Fournier đã định ngay một ngậm ngùi hoài niệm cho toàn bộ Kẻ lãng du, "ở đó tôi đã trải qua thời gian giày vò sầu thảm nhất nhưng cũng thân yêu nhất; nơi xuất phát những cuộc phiêu lưu của chúng tôi và rồi trở lại vỡ tan, giống như các đợt sóng chiều vỗ mạnh trên những tảng đá quạnh hiu". Đọc Kẻ lãng du làm tôi nhớ rất nhiều đến Đảo giấu vàng của Robert Louis Stevenson, mà cách đây gần một năm trong một cơn lục lọi giá sách cũ, tôi đã tha hồ ngồi đọc lại và lấy làm sung sướng, bởi tính chất phiêu lưu, khám phá, tự tung tự tác thích làm gì thì làm của các nhân vật, với tấm bản đồ, cuộc mai phục, những truy tìm manh mối...Giống như sự dao động của tâm tư được đắm chìm mình vào cảnh đồng quê, những con đường mòn, lối đi xuyên rừng, những khám phá của gã Augustin Meaulnes mang vẻ lãng du mệt mỏi, kỳ dị khác thường của những chuyến đi không mục đích. Ta những tưởng rằng Meaulnes là gã si tình chạy đuổi theo tình yêu, không hoàn toàn, gã chính xác là một kẻ phiêu lãng, một hình bóng Peter Pan khước từ sự trưởng thành, gã sống lãng du trong tuổi thanh xuân vĩnh viễn và kẻ ham thích những con đường như gã, khi yêu, khi sống với tình bạn, tình bằng hữu thì điên rồ cao cả hơn kẻ phàm mà thôi. Và dù cho có bao nhiêu điên rồ trong một đầu óc cao cả ấy đi chăng nữa thì mạnh hơn tất cả là bản tính phiêu lưu tìm kiếm, tâm hồn đầy huyễn mộng đến độ điên rồ gói gọn trong Xứ Xa Xôi lạc mất

Nếu có những kẻ lãng du cứ đi và đi, chạy đuổi bắt chính ham thích phiêu lưu của mình như một cách không buông tha tuổi thanh xuân vĩnh viễn, mà không nhận ra thế giới xung quanh với những con người đã khước từ cái mê lộ thời thơ ngây mơ mộng ấy được coi là những kẻ điên rồ, những Peter Pan thì liệu, những kẻ tìm đến văn chương như một cách níu giữ tuổi trẻ, đào thoát khỏi hiện thực buộc phải lớn lên, buộc phải học cách chấp nhận cái chín muồi của mình trước cuộc đời, có phải cũng là một dạng điên rồ khác nữa không? Một cách thức sống như những đứa trẻ trong một cuộc đời hình hài người lớn như thể cõi mộng mơ, những chuyện thần tiên sẽ sống mãi cho dù ta đã quá già, đã hiểu chuyện hơn, đã biết hơn đủ để quên những cõi mộng thần tiên thì ta vẫn kiếm tìm được tự do ở Xứ Xa Xôi lạc mất, vẫn cho phép mình như ngày hôm qua là một đứa trẻ huyênh hoang rằng cả thế giới thần tiên còn ở phía trước cho ta muốn làm gì thì làm :p

Tôi đọc Kẻ lãng du như đi tìm một con đường đã mất và đã thấy lại :p

"-có lẽ nó tưởng rằng không ai biết nó đã đi đâu
- đồ ngu! chính tao cũng không biết nữa là"

ps: viết cái này lúc 2 giờ sáng vì sợ sáng mai Xứ Xa Xôi lạc mất lạc mất thật

3.9.15

Thế giới của những con người bị kết tội



Có một lần tôi ngồi nói chuyện với chú hàng xóm đã từng đi tù, chú nói ở trong tù, tai mắt mũi miệng, mọi giác quan, cái gì cũng trở nên tinh nhạy một cách khác thường. Thằng nào ở đâu châm một điếu thuốc thì cả buồng cả trại cũng biết, nó hút vina hay Thăng Long thì hít hơi một cái cũng đoán ra. Nhà báo, phóng viên, truyền hình đến quay phim phỏng vấn là biết ngay. Hỏi: vì sao biết? Ổng bảo: có mùi, mùi người, nó mùi lắm. Hỏi: thế bình thường mùi gì? Không có mùi gì cả, tất cả từ tù tới cán bộ đều một mùi giống nhau, là không có mùi gì. Hỏi: mùi như nào? Khó diễn tả lắm *gãi đầu gãi tai*, không biết nói thế nào, trăm nghìn người mùi như một, ăn uống ngủ nghỉ tất cả ở đấy, không đi ra ngoài, không có mùi lạ, nên cứ một người lạ vào trại là nhận ra mùi ngay. "Mùi người lạ"
Cuốn tiểu thuyết mỏng Báo cáo chính phủ của Hàn Thiếu Công miêu tả về xã hội nô lệ, xã hội ở sau khung cửa hình vuông, ở dưới mảnh trời hình vuông bằng giọng văn đậm chất đường phố. Nhân vật "tôi" bất ngờ bị bắt khi vô tình dính líu vào một vụ án, từ đấy phải sống một cuộc đời hoàn toàn xa lạ, chỉ ước sao những quản giáo, đầu gấu, đòn trừng phạt dã man kia chỉ là một giấc mơ. Ở xã hội nô lệ ấy, cực hình có hình bóng một nửa là trừng phạt tàn khốc, một nửa là trò chơi, ở đây máu tươi là một món đồ chơi màu đỏ mà loài người đã chơi mấy ngàn năm rồi. "Trên thế giới có rất nhiều vườn thú. Nhưng chỗ này là vườn thú của người, là chốn con người khôi phục móng vuốt, răng nhọn, đuôi và lông lá khắp mình mẩy, là chốn con người lấy nắm đấm và răng làm chân lý". Nó như một ao nước ngầu đục, vĩnh viễn không thể lắng sạch, mọi chuyện bên trong không sao hiểu biết được.
Ba năm sau được trả tự do hằng khao khát, nhân vật "tôi" giống như khi đã xếp hàng quá lâu, cuối cùng mới tới được quầy mua hàng, lại không biết mình phải mua cái gì, không biết đồ trong quầy có giá trị gì. Bỗng dưng cảm thấy lạc lõng trong chính tự do ấy, như bắt buộc phải bắt xe trở về nhà, đối diện với cuộc đời sau khi ra khỏi xã hội nô lệ, ra khỏi xã hội của những người không sợ người khác đối xử tệ với mình, chỉ sợ họ đối tốt vì như thế sẽ mắc nợ, không sao trả được. 
Ra khỏi xã hội nô lệ này để quay lại một xã hội nô lệ khác có những chính phủ quản giáo, chính phủ đầu gấu đại ca...khác không sao đoán biết được tính tàn khốc, bỉ ổi.
Đây là quyển đầu tiên tôi đọc của Hàn Thiếu Công, các chương trong truyện phần lớn là các khoang của một đoàn tàu có tính thống nhất, nhưng có khoảng 7 chương gần như không liền mạch, hoặc được chêm vào mà mất đi mấu nối trước và sau nó. Cũng giống như Vương Sóc, Dư Hoa...Báo cáo chính phủ có thể cũng là một thử nghiệm mới mẻ với chính nhân cách văn học, nhân cách nghệ thuật của tác giả, nên tôi sẽ quay lại Hàn Thiếu Công sau 1-2 quyển nữa
*2 quyển khác của Hàn Thiếu Công là Bố, bố, bố và Từ điển Mã Kiều, mình nhớ là có mua rồi, mà dọn nhà tìm không ra sách. Anh chị em, bác nào giữ sách hộ em thời gian qua xin hãy tự giác làm người lương thiện đuê :p
*Tự nhiên lại thấy sung sướng thế, nghèo khổ và quyền lực là điều kiện để con người phạm tội, ngày nào còn chưa chạm đáy nghèo, chưa đến cái nghèo đói cùng cực hay cũng chưa có trong tay quyền lực thì ngày đó còn dễ làm người tốt, các cụ ạ :p
*hôm qua Quốc Khánh mà tui bị trúng gió (y học hiện đại gọi trúng gió là bệnh gì vậy) nên cả ngày ôm cái toilet nôn ẹ ẹ và nằm bệt giường. Đọc quyển này cứ cười nhệch cả mép, đọc sang trang sau nghĩ lại câu trang trước lại nhếch mép cười, mà càng nghĩ càng hềnh hệch cười đến mức cười mắc ói, lại chạy vào toilet ẹ ẹ một hồi. Sau 1 ngày ốm trúng gió, nay nhảy cân tụt 2 kí lô. Nẫu vãi :3

1.9.15

Nào, mời các bạn đọc sách ;)



Gợi ý lần này là tập truyện ngắn Đột nhiên có tiếng gõ cửa, tác giả Etgar Keret đến từ Israel. Không đánh đố suy tư cũng như sự kiên nhẫn dai dẳng lì lợm của độc giả, ngay từ truyện ngắn đầu tiên Đột nhiên có tiếng gõ cửa, ta dễ dàng bị cuốn ngay vào hoàn cảnh phi lý nực cười và cách xây dựng câu chuyện mang màu sắc bi hài kịch của tác giả. Cứ như vậy người đọc lần giở các trang tiếp theo để đi vào từng truyện ngắn (cực ngắn) khác như một trò chơi thử nghiệm tư duy, tưởng tượng. Sẽ không ít lần bạn phải ồ lên vì sức tưởng tượng của Etgar Keret, dùng cách kể chuyện hết sức bình dị phóng chiếu những suy tư tưởng tượng lên đồ vật, loài vật, thế giới khác, và cả vũ trụ song song. Nhưng bạn hoàn toàn có thể tin rằng, dù những tưởng tượng ấy mang màu sắc điên rồ, phi thực thì cũng có những truyện ngắn rất đời mà chẳng hề nghĩ được rằng nó xảy ra trong đời với tình thế đầy bất trắc: hai anh em trai sinh đôi giống hệt nhau lấy hai chị em gái sinh đôi cũng hệt nhau và một kết cục hoang phế.
Sức tưởng tượng siêu thực của Etgar Keret phóng chiếu tới chiều kích quái dị gắn quanh một trục chính: con người, cá nhân với những cô đơn trống rỗng, sự vin vào, nương tựa yếu đuối vào những "cục độn" ngõ hầu đối phó với cái mục ruỗng, sự bấp bênh, xô lệch, khắc khoải u sầu của cuộc đời. Nhưng cái trục trung tâm ấy không nhuốm màu ảm đạm, nó phủ tràn sắc thái hài hước khiến người đọc tiếp tục từ truyện ngắn này sang truyện ngắn khác và tự hỏi: tiếp tục hành trình bước vào thế giới khác chứ, tại sao không?
*Tôi thích nhan đề tập truyện Đột nhiên có tiếng gõ cửa, đối với tôi "tiếng gõ cửa" không chỉ là khao khát của kẻ gõ cửa được tìm thấy một điều gì đó, nhu cầu muốn hiểu về một cái gì đó mà nó còn là cơ hội của kẻ ở phía bên kia cánh cửa, cơ hội được đùa bỡn chính mình, mở rộng chính mình. Dù ở trạng huống nào thì cũng có thôi thúc hiểu về mình, thông qua tiếng gõ mà đánh động phần nào đó ở mình
*Tôi thích truyện ngắn Búi trĩ, Gần đây nó cứng một cách phi thường, Bạn sẽ ước gì từ con cá vàng vì chúng thực sự điên rồ :3
*Có một lỗi in ấn nho nhỏ ở trang 168, truyện ngắn Chó má đã không được biên trong mục lục và bước vào truyện cũng không hề được trình bày như một truyện ngắn mới.

xin hết :p. Mời các bạn đọc sách ;)