Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

27.11.22

đm




chị và em gái tôi hay nói chuyện những ngày mệt, thường ngủ mơ bị bố đánh hoặc cãi nhau với bố; tôi nói lâu lắm rồi tôi không bị như thế


1 tuần trước trong giấc mơ, tôi mơ tôi đẩy ngã bố, như vậy còn chưa đủ, tôi còn tiến đến đấm đá bố tôi túi bụi trong điên cuồng thoả mãn. Tôi tỉnh dậy mà nước mắt khắp mặt, gối ướt mồ hôi, nghĩ mộng mà thôi, dù mình mơ hay trở thành hiện thực nhưng chỉ là mộng mà thôi, đời này chỉ có bố đánh tôi, dù có thể nào cũng không có chuyện ngược lại, ngay cả khi tôi hứa với mình rằng chỉ cần ông vung tay chân với tôi thì tôi sẽ phản kháng để bảo vệ mình, tôi không chịu bị đánh như phạm thêm lần nào nữa đâu


trưa nay tôi và bố tôi cãi nhau, bố tôi sấn sổ như lao vào cắn tôi như năm xưa, và theo bản năng tôi vung tay đẩy. Tất nhiên sức tôi thì đẩy đàn ông 70 cân cũng ngã. Và bố tôi ngã thật. Nhưng tôi không làm như trong giấc mơ tôi mơ 1 tuần trước. Tôi cũng không đỡ bố dậy như tôi sẽ làm. Mà tôi chỉ nói lại khi bố tôi nói: mày chiến tao, tao sẽ ghi nhớ mày chiến tao; rằng: bố định đánh con như xưa, không thêm lần nào nữa đâu, con không ở với bố được nữa rồi


nói xong tôi xách túi lao ra cửa. Rồi tôi nghĩ chưa xong việc. Tôi bê chồng sách vừa nhận lên nhà, đi cách bố tôi mấy bậc cầu thang. Tôi bình tĩnh lên sân thượng trồng nốt 6 cây đang trong bịch đất. Rồi quét sạch sân, rồi đẩy các chậu cây vào vị trí phù hợp với chúng. Rồi xuống phòng lấy giấy tờ tuỳ thân, tính thế là đủ. Nhớ ra cần quần áo, tôi nghĩ tôi sẽ ở chỗ nào loanh quanh đây thôi nên tôi lấy toàn quần áo mặc thường, giờ mới thấy dở. Việc tiếp theo là mang đồ ăn của emi xuống tầng 3, trông cậy vào Loan cả


xong xuôi tôi ra khỏi nhà. Như chạy trốn việc tôi đã và sẽ vung tay vung chân với người sinh ra mình. Chạy trốn diễn biến tôi mơ, dù biết rõ tôi đã bắt gặp định mệnh trên đường chạy trốn nó


những giấc mơ khủng khiếp, năng lực tiên tri thông qua giấc mơ thế này, nó là lời nguyền khốc hại. Thôi tôi nhảy xe phướn đây

25.11.22

giáo dục

 



Tạm biệt thầy Chips là một câu chuyện giáo dục, bối cảnh ở Anh cuối thế kỷ 19 đầu 20 được James Hilton viết dựa trên những trải nghiệm cá nhân thời niên thiếu với hình mẫu người thày, ngôi trường có thật. Đây cũng là một tác phẩm rất Anh, ở tính sương mù trong kết cấu truyện, giọng văn miêu tả có phần lạnh, bàng quan của đảo [không đất liền]. Tôi thấy mình xưa giờ vẫn vậy, sao hợp cái cổ lỗ bảo thủ, tẻ nhạt ảm đạm như sương mù ngoài đảo của người Anh thế


thày Chips là giáo viên đáng kính dạy môn tiếng La tinh - một ngôn ngữ được xem là tử ngữ từ thế kỷ 19; trong truyện có đoạn thoại rất hay, giữa thày Chips với vị hiệu trưởng trẻ tuổi về cách thày dạy và tại sao thày không thay đổi cách dạy bị cho là lạc hậu không còn đúng với giáo dục tân tiến thế kỷ 20. Nhưng chính tính chất bảo thủ này của người thày mà người phụ nữ vợ thày Chips - nguồn độc sáng, có tác động tích cực đến thày về sự cởi mở trong tư duy sau này tạo nên những suy nghĩ có phần khác thường của thày: những suy tư về phẩm giá và lòng độ lượng ngày càng trở nên hiếm hoi trong một thế giới đảo điên [bối cảnh truyện có giai đoạn gắn với Thế Chiến I]. Thày Chips chính là biểu tượng của ngôi trường cổ kính Brookfield, một người đàn ông không con có hàng ngàn đứa con ở ngôi trường mình đã gắn bó từ lúc còn là một thanh niên mới đứng lớp phải tỏ ra khó tính để thiết lập kỷ luật với học trò cho đến tận buổi sáng ngày mà thày qua đời ở tuổi đã rất già như một người bạn, người anh lớn của các lứa học sinh trường Brookfield


 

giáo dục như là cách các biểu tượng hình thành nên, chính là như vậy, nó tạo nên cho con người ta ý thức sáng tạo một cách tự do những điều tuân theo cảm tính, một cách tự nhiên gắn ý luận, tinh thần của mình vào với hình thức, hình ảnh mà ta tri nhận. Từ đó, cá nhân có cảm năng. Hành trình học tập của mỗi người, trên con đường này, trong thế giới này, khi rơi rụng, trôi dạt đi hết, cái còn lại mới chính là cốt lõi và thành quả của giáo dục: sự tri nhận, cảm tri về tất tật mọi sự chung quanh. Lúc ấy thì mới về nhà


Tạm biệt thầy Chips là món quà một tiểu iêu tặng tôi 20.11 vừa rồi, năm ngoái 20.11 nó tặng 3 quyển Những cảnh đời tỉnh lẻ [mà lúc vội tôi đã hiến sang nhà bạn, đợt lâu bảo mang bộ ở nhà sang đổi lấy bộ có lời đề tặng về mà quên]. Tôi không cần đính chính rằng mình không làm nghề giáo vì việc này ai cũng biết, ngữ tôi thì học hành dạy dỗ gì :))) nghề mà tôi sợ nhất chính là nghề giáo, công việc hãi nhất là làm thày là dạy học. Nhưng tinh thần của người tặng cho rằng "chị đã chỉ bảo, khuyến khích và đồng hành cùng em qua nhiều kinh nghiệm. Nên là, chuyện nó là như thế"


con mắt tôi không thích nhân vật thày Chips đầu truyện, có lẽ sau khi thày gặp người phụ nữ thời gian ngắn sau đó trở thành vợ thày, người có tác động căn cốt khiến thày Chips trở thành một thày Chips sáng tạo trong tư duy thì tôi thích hơn. Tôi vốn là người không thể tìm được tiếng nói chung với thày cô giáo hay hoà nhập với môi trường giáo dục trong suốt những năm tháng gọi là đi học/đến trường [thậm chí kể cả môi trường giáo dục đó là gia đình và thày cô là bố mẹ, người lớn trong nhà], ghét cay đắng trường lớp nên không bao giờ có chuyện đi họp lớp hay về thăm thày cô trường lớp, thế nên không tính đọc Tạm biệt thày Chips, nhưng vì mấy nay quyển sách nó gần tay, lại đang nghỉ giải lao giữa các trang ngoại văn nên tôi đọc đổi gió, gió sương mù ở đảo 

16.11.22

gatekeeper



 ngủ thôi, viết lách gì giờ này 

3.11.22

tấu hài

 



với tôi tiểu thuyết Tia lửa như thước phim thực tế về những thăng trầm của nghệ sĩ hài trong xã hội Nhật Bản. Tác giả Matayoshi Naoki sinh năm 1980 là một nghệ sĩ hài nổi tiếng ở Nhật; đi theo câu chuyện của Tia lửa, ta mường tượng, đây như một phần cuộc sống tuổi trẻ đam mê tham vọng sống với nghề của chính tác giả, và khát vọng [phải có "vọng"] được bừng sáng rực rỡ giữa màn đêm bất tận, dù chỉ trong giây phút ngắn ngủi như màn pháo hoa mở đầu và kết thúc Tia lửa


hai nhân vật chính của truyện, Tokunaga mới vào nghề với nhóm hài Sparks và Kamiya có thể coi là đàn anh vừa bập vào sườn dốc bên kia sự nghiệp nghệ sĩ hài trong nhóm Xuẩn Ngốc. Tokunaga chịu thoả hiệp làm công việc tay trái lấy ngắn nuôi dài; Kamiya kiêu hãnh, cực đoan triệt để, nhất định suốt đời không làm gì khác ngoài nghệ sĩ tấu hài bất chấp thực tại phải sống bằng vay mượn tín dụng, tụng kinh Đại Ngốc bằng giọng quyến rũ lòng người rồi nhận vài xu lẻ sống cuộc sống ngày nào biết ngày đó, không gồng gánh những thứ không cần thiết. Tokunaga bị ảnh hưởng bởi phê bình; Kamiya thì cho sự phê bình của kẻ khác với mình là "xạo sự", thẳng thắn cảm nhận mọi điều mặc cho mình thành tên ngốc, không bị chi phối bởi ý kiến của người khác, điều Kamiya quan tâm không phải là thế gian mà là cái gì đó có lẽ sẽ làm thế gian phải nhìn lại, thế giới ấy có thể cô độc nhưng sự cô độc ấy lại tạo trở lực để bản thân sáng tạo. Tokunaga không hề biết xu nịnh ai; Kamiya có năng khiếu xu nịnh nhưng lại không làm thế... 

 

những nhân vật trong Tia lửa "không biết từ khi nào chúng tôi đã đi thật xa" đi trong tình trạng hoàn toàn không thấy tương lai, vật lộn với nỗi hổ thẹn và sợ hãi không rõ hình thù, sợ chính bản thân sẽ từ bỏ giấc mơ... để cố gắng tồn tại với ước mơ, tham vọng được sống với, bằng nghề tấu hài


"nghệ sĩ hài - sứ mệnh tuyệt đối của họ là mang đến những màn tấu hài thú vị, mọi hành động thường nhật đều vì mục đích tấu hài. Người diễn được bài đã chuẩn bị khi đến giờ diễn đáng nể lắm rồi nhưng có người sinh ra lại không biết mình là nghệ sĩ tấu hài, chỉ thầm lặng làm anh bán rau [...] tấu hài không phải là sản phẩm của người có thể tưởng tượng được ra chuyện hài hước mà là sự phơi bày hình ảnh chân thực, không giả dối của con người. Nói cách khác, kẻ thông minh thì không thể làm được, chỉ có kẻ ngốc chính hiệu và kẻ ngốc tin mình là người thật thà mới làm được thôi [...] phải sống hết mình vì tham vọng. Kẻ nào nói nghệ sĩ tấu hài là phải thế này thế kia thì vĩnh viễn không bao giờ thành nghệ sĩ tấu hài được. Chỉ tốn thời gian để gần trở thành nghệ sĩ tấu hài thôi chứ không thành nghệ sĩ tấu hài thực thụ được đâu. Chỉ gọi là bái vọng thôi. Nghệ sĩ tấu hài thực thụ, nói một cách cực đoan thì dù có bán rau cũng vẫn là nghệ sĩ tấu hài"


với bất kỳ nghề-nghiệp, công việc nào, như sự đọc chẳng hạn, đặc biệt là sáng tạo. Quan trọng là làm hỏng thế giới tươi đẹp, thế giới tươi màu bằng cách nào; có làm vậy thì một thế giới đẹp tuyệt vời trên cả hiện thực mới xuất hiện; thế giới không được "chơi" hết mình thì có gì đẹp đẽ đâu; làm hỏng thế giới tươi đẹp cũng phải bằng một thanh gươm chơi tới cùng. Giống như phải làm quá lên thì mới hay mới tốt, làm quá lên rồi bị người lớn mắng cho ấy; cực đoan cũng được vì không chấp nhận sống bằng thước đo, tiêu chuẩn, vì nó như prison - imprison [James Wood trong bài viết giới thiệu Nausea có nói tới imprisonment của Sartre và Camus, tìm là thấy]; lấy tiêu chuẩn để cân đo sẽ khiến mắt ta mờ đi không nhìn được bên dưới đằng sau những thức khác. Con người liên quan đến sáng tạo thì buộc phải biết tách khỏi thước đo, phải phá, dẫu cảm giác rất dễ lệ thuộc vào các thước đo, tiền lệ... chính vì lẽ đó, nhân vật Tokunaga tự quyết tâm rằng, vì cuộc đời của chính mình, phải ra sức phủ nhận đàn anh Kamiya [đến đây nhân vật Tokunaga làm tôi nghĩ đến chàng tuổi trẻ trong Núi thần của Thomas Mann]


điểm nhấn của Tia lửa chính là kết truyện. Thường, người đọc nghĩ về truyện Nhật, người như Kamiya rồi sẽ đẩy mọi thứ hiện thực vào miền quên lãng bằng cái chết, anh chỉ cần đàn em Tokunaga nhớ đến mình [nên thường hỏi Tokunaga vẫn viết tiểu sử về anh đấy chứ] nhưng không. Tác giả là một nghệ sĩ hài, anh để cho Kamiya dù thế nào cũng phải tấu hài, bởi đấy chính là thế giới tinh thần của Kamiya: con người ai cũng là nghệ sĩ hài hết, chỉ là nhận ra hay không thôi, và quan trọng là tấu hài chính mình. Kamiya tấu hài chính cuộc đời mình như một tên Xuẩn Ngốc, bằng cả tâm hồn và hình thức, một hình thức không là tâm hồn anh nhưng lại chính là tâm hồn mà anh luôn sống 

nó là tuổi trẻ, là sống - sống là gì; như Nietzsche: you must be ready to burn yourself in your own flame; how could you become new if you have not first become ashes; như Neil Young nói khi đang uống rằng, it's better to burn out than to fade away [mà sau đó đã được đặt vào lyrics hey hey my my]


vĩ thanh: một câu nói của Kamiya, đại ý: Tokunaga không giỏi ăn nói nhưng lại có con mắt âm thầm quan sát nên chắc chắn hợp làm người chấp bút tiểu sử; đã dẫn tôi lôi Chesterton ra làm quen bằng the poet and the lunatics, bởi Chesterton thì chấp bút tiểu sử hơi bị nhiều [mùa thu 2020 tôi mới biết điều này, qua một giấc mơ]


dở là: ngại đọc cái gì lạ lẫm, hay nhỏ bé vô danh; thích thì thử, quan trọng là để cái ta đọc tự nhiên kể cho ta một phiên bản khác của suy tưởng, nôm na là nghe con tim mình mách bảo; dở là: nghe người mà ta ngưỡng mộ đọc, còn tất nhiên phải tránh sự đọc của đám đông... việc đọc là đọc suy tưởng của chính mình thông qua ý luận của tác giả, sự suy tưởng có thể đi tới vô cùng khả thể, không ai dám chắc cái mình viết ra sẽ sống đời sống thế nào rẽ hướng ra sao trong tinh thần kẻ khác, cũng không thể biết nó có thể gợi hứng thế nào, thậm chí là không liên quan và phản thùng nhau... như vậy thì quá đáng để chơi 🙂


ps. hình như là tận 3 người dịch chứ không phải 1 


2.11.22

tứ tứ




đầu tuần trước mẹ con Nếp báo thứ bảy bác trông con cả ngày giúp em. Nhận tin xong, đêm nào đó quãng giữa tuần bác con Nếp ngủ mơ: tôi vừa viết một bài gì đó giọng nghiên cứu/truy tìm đào bới [chắc do trước ngủ tôi đọc Tâm hồn và hình thức], xuất hiện cột mốc năm sáng tác và tôi còn note lại trong đầu là lát mình sẽ đi tra lại cái mốc này vì hình như nó không khớp với những gì tôi đi theo tiến trình sáng tác và lần theo các tài liệu từng đọc trước đấy, khi chưa kịp soát lại bài viết, tra lại cái mốc đã note và các cái cần tra thì tôi buộc phải buông việc đang làm để chạy quáng quàng đi đến một môi trường giống nhà trẻ mẫu giáo để đón một đứa trẻ, ra khỏi cửa lớp rồi thì bỗng đứa trẻ nói muốn đi ị, tú sợ quá xốc nách nó bế chạy thẳng lại lớp học cầu cứu các cô giáo cho cháu bé đi vệ sinh giúp 😂🤣, trong khi các cô đang vào giải quyết ca vệ sinh của đứa trẻ nhà tôi thì một đứa trẻ khác mặc áo và bên dưới đóng mỗi cái bỉm, chân đi còn không vững, vừa đi vừa khóc tiến về phía nhà vệ sinh, vào đến sát cửa rồi mà không hiểu bỉm biếc đóng thế nào, một dòng nước tiểu vẫn tồ tồ chảy lóc chóc bắn tung toé trên sàn, và rồi đứa bé nhà tôi khóc, đứa ngoài cửa tồ tồ đái có bỉm như không cũng khóc, nhìn thảm hoạ quá nhiều trẻ con khóc, quá nhiều bỉm biếc tôi nghĩ bụng tú ơi dậy thôi mơ ngủ thế này thì ngất 3 cuộc đời


tỉnh dậy tôi nghĩ, nếu đang viết một cái gì đấy mà phải buông để con cái bỉm biếc chắc tôi không qua nổi, tôi ghét chính tôi vì tôi không thể kham nổi cuộc đời đang là tôi; chắc một cuộc đời nào đó tôi phải làm mẹ; may quá không phải cuộc đời này của tôi; và bất tiện quá cho một cuộc đời nào khác cũng của tôi


tối thứ sáu tôi chuẩn bị tư thế thứ bảy chiến đấu trông cháu thì may quá mẹ cháu nhắn thứ bảy con đi cùng vợ chồng em, con không về ngoại ạ. Đến chiều thứ bảy mẹ con Nếp lại nhắn bác ơi mai bác trông con cả ngày giúp em. Thế là chủ nhật rồi nó ở với bà và bác cả ngày, cứ lúc nào bỉm biếc là bác hô Loan ơi hộ con 


nay thứ tư, chiều nó đi học về không hiểu sao cứ gọi tứ tứ, ra là biết nhớ rồi cơ, nhớ bác tú :)))) có lẽ bác nó đổi tên tú tú thành tứ tứ cho tiện