Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

21.6.18

Cái gì không chết

Trilogy: Cuốn vở lớn, Chứng cứ, Lời nói dối thứ ba của Agota Kristof là cơn chấn động với cá nhân tôi, trong năm nay (thậm chí nhiều, rất nhiều năm sau nữa). Không màu mè kiểu cách, không mảy may thái quá, hóa ra người ta có thể viết về nỗi thống khổ trong chiến tranh, cách mạng, dưới chính thể chuyên chế độc đoán, nỗi thống khổ đeo đẳng suốt cuộc đời bằng một lối văn trào phúng, bình thản và u uất như thế Câu chuyện Cuốn vở lớn diễn ra trong Thế chiến II, những chi tiết mảnh và sắc về Holocaust, được kể qua con mắt của những đứa trẻ, hai anh em sinh đôi Klaus (Claus) và Lucas, hai đứa trẻ 9 tuổi sống với Bà Ngoại Phù Thủy mù chữ, bẩn thỉu, keo kiệt, độc ác, thậm chí từng giết người (đầu độc chồng bằng thuốc độc), chúng sống nhọc nhằn và cực khổ. Hai đứa trẻ học cách nắm lấy vận mệnh của mình bằng làm việc, tự học, tự kiếm sống, tự rèn luyện tinh thần: tự đánh cho nhau đau để quen với cái đau, tự nói đi nói lại những lời yêu thương như điệp khúc cho đến khi nỗi đau mà những lời yêu thương mang lại không còn đau đớn nữa, luyện nhịn đói, luyện không nói, một đứa giả mù một đứa giả điếc, đứa mù là cái tai của đứa điếc và đứa điếc là đôi mắt của đứa mù… Chúng sống sòng phẳng, tôn trọng sự thật, đôi khi tự kiêu mang hình bóng của tội lỗi, côn đồ khi cần côn đồ, tốt với kẻ yếu thế một kiểu cho đi dễ hơn nhận lại, chúng thiết lập quy tắc làm người của riêng mình… nhưng đâu đó người đọc nhận ra chúng bị tước đi, thậm chí vờ như quên đi những ý niệm sơ đẳng nhất về đạo đức, luân lý. Ở phần này, tác giả viết với lối trào phúng bình thản đến lạnh người, người ta đồng thời vừa có thể cười vừa có thể đau đớn, đôi khi người ta cứ ngồi lặng im chờ những đợt sóng qua đi Phần sau, Chứng cứ là cách viết u uẩn chậm rãi gần như co hẹp chiều dài câu chuyện lại cho đến khoảng 20 trang cuối phần này thì cánh cửa bật mở, một phần ‘thân bài’ được kể tuần tự rõ ràng. Người ta thấy một nữ nhà văn kể những mẩu tưởng như rất thường của đời sống: người ta mất ngủ, người ta đi quanh thành phố, người ta mở cửa rồi người ta đóng cửa, người ta tỉnh rồi người ta say rồi lại tỉnh để tiếp tục say, người ta chết, mong được chết, giết chết người khác để mong tìm được bình yên tạm thời… nhưng những mẩu nhỏ ấy để bao lấy trọng tâm là chiến tranh và giết chóc, sự hủy diệt trong thế giới cực quyền; cuộc đời, tình yêu và nỗi cô đơn, những khao khát và nỗi tuyệt vọng. Trong suốt nhiều năm tôi tưởng rằng mình đã mất đi âm thanh khóc, thế rồi vào một buổi chiều hè Hà Nội, tôi gạt sách bật dậy khỏi giường, nghe mình tru lên và nước mắt bung ra để giải thoát những gì ngoài sức chịu đựng. Đúng vậy, người chết không ở đâu cả và lại ở khắp nơi, không phải ai cũng hiểu và thấy được đúng điều ấy, người ta phải có cùng một cơn ác mộng ngay khi đang thức thì mới hiểu nó. Nỗi đau vẫn còn đấy, chẳng mảy may cả thay đổi hình dạng, nỗi đau không giảm đi, chả có cái gì phai mờ cả, ‘cái gì mà không chết cơ chứ’ ‘giảm đi mờ đi’ chỉ là một cách nói ảo tưởng để (tự) an ủi. Có nhà văn nào viết về nỗi cô đơn, tuyệt vọng như thế này không, tôi không còn nhớ được nữa Lời nói dối thứ ba là một mê cung sự thật và hư cấu của hai anh em sinh đôi – một nhà thơ ghét người và một người thích viết, đâu là sự thật, đâu là tưởng tượng hư cấu, nếu đây là sự thật thì quyển 1 quyển 2 là gì; nếu đây là hư cấu, là không thật thì đâu mới là sự thật; nỗi thống khổ, bi kịch nào đưa người ta đến ranh giới hư cấu sự thật. Viết những câu chuyện thật nhưng đến một lúc nào đó câu chuyện trở nên không chịu nổi tính xác thực của chính nó, để kể một câu chuyện sự thật không phải ai cũng đủ can đảm. Nó làm người ta đau đớn. Bức tường sự thật – hư cấu không toàn vẹn được nữa, tính chắc chắn chỉ là ảo tưởng, màu trắng dễ bị dây bẩn, phải tô màu lên tất cả và sự việc sẽ được kể không như chúng đã xảy ra mà theo ý muốn rằng chúng phải xảy ra. Đây là phần được tác giả viết kỹ thuật cứng nhất, người đọc cũng buộc phải tỉnh táo để gạn lọc chi tiết, thiết lập một bộ khung gây dựng câu chuyện thực sự mà tác giả muốn kể. Xuyên suốt trilogy là hình ảnh châu Âu già cỗi cùng những vấn đề và nỗi đau của nó, người ta ra đi khỏi nỗi đau này, để tập sống xa ngọn lửa – ngọn lửa sau những cánh cửa, ngọn lửa do con người đốt lên để thiêu cháy thân thể những con người khác, biên giới địa lý là không đủ, người ta còn cần cả sự lặng câm nữa và rồi để đến với một nỗi đau khác, cuối cùng người ta vẫn chọn quay về với nó để gánh chịu cả quá khứ và tương lai. Cuộc đời như những màn kịch ngắn bình thản đến ghê rợn. Bầu không khí bao phủ của Agota Kristof là bầu không khí rờn rợn, cái rùng rợn trong câm lặng kín bưng điển hình của các nhà văn nữ, nó làm tôi nhớ đến một nhà văn Hungary khác tôi đọc mấy năm trước, chính là Szabo Magda với Cánh cửa – nhát rìu bổ xuống bộ khung cuộc đời Ai đã ra đi thì người ấy phải tự trở về. Phải trở về, vì đã ra đi. p/s: Sách đọc do Bồ Câu tài trợ. Các cụ cho trilogy này tái xuất đi, con đa tạ ❤. Bộ này không tái thì còn tái cái gì nữa ạ 😉

17.6.18

Tròn méo

Bạn nào hay xem phim Nhật thì thế nào cũng xem Confessions rồi, mình xem 4-5 năm trước thì phải. Phim được chuyển thể dựa trên Thú tội của Minato Kanae. Mình thích phim, lia máy chậm, ánh sáng ấn tượng, cách kể chuyện của phim rất súc tích và bàng quan, sự bàng quan này trong văn học, điện ảnh Nhật Bản luôn sắc nét Câu chuyện về hai cậu học sinh lớp 7 gây ra cái chết của cô bé 4 tuổi, con gái cô giáo chủ nhiệm lớp, được kể trong Thú tội qua 6 chương, mỗi chương là một góc nhìn, một lời thú tội / xưng tội của nhân vật chính trong chương ấy. Tất cả các nhân vật đều vừa là nạn nhân vừa là kẻ tội đồ méo mó trong bi kịch. Điều mình kinh ngạc nhất là kẻ giảng đạo cũng là kẻ truyền đạo đồng thời là người giận dữ méo mó nhất trong truyện, làm sao có thể sống với sự căm giận bệnh hoạn như thế, mà đúng ra phải là sự căm giận đến mức độ nào mới nuôi dưỡng người ta bền bỉ sống cùng nó 🙂, trong một cái vỏ tròn nhưng méo vượt trội, tròn gì mà lại tròn méo :)) Phim với mình thực sự ấn tượng, truyện và phim có nhiều chi tiết thay đổi cảm quan của người đọc, người xem về các nhân vật nhưng cách kể của truyện dù trong mỗi chương có chi tiết nòng cốt khắc họa rõ nét sự méo mó của kẻ thú tội ở chương ấy nhưng hành văn lặp lại nhiều, và thực sự không lôi cuốn như mình kỳ vọng, không đắt. Đọc truyện xong mình thêm yêu đạo diễn phim 🙂 Mình rất ưng phiên bản điện ảnh nhưng vẫn đọc truyện vì tò mò và vì đây là chủ đề mình quan tâm, tâm lý của bọn trẻ, mà tâm lý thì chỉ ngôn ngữ văn học mới nói được đủ đầy ‘những đứa trẻ và tại sao’, một chủ đề của tình thương méo mó, kỷ luật méo mó, giáo dục méo mó và lòng tin méo mó... sống luôn là có lỗi với ai đó nằm ngoài khả năng nhận biết của mỗi người, chưa nói đến ghét, thậm chí yêu thương ‘sai’ cũng là dạng tội lỗi kéo theo nhiều hệ lụy.

Thiên Môn hệ liệt

Kết thúc he he he chắc kéo dài 7-8 năm í nhỉ, bộ Thiên Môn hệ liệt 6 tập 🙂. Bộ này đọc giải trí thôi, viết lỏng lẻo kém dần đều. Khép lại tác giả cho mỗi nhân vật có một cái kết hợp tình hợp lý, nhưng viết sơ sài quá, người đọc cảm thấy mọi chuyện được viết đơn giản trái ngược hẳn với ý định xây dựng bộ khung chồng chéo kềnh càng ban đầu của tác giả. Hết tập 1 mình mong chờ thế nào thì đến hết tập 3-4 gần như không còn mong đợi gì nhiều, nên tập cuối thế này thôi cũng là tạm được P/s: đang ngồi đọc những trang cuối của tập 6 thì có hai bạn kéo một cái tay kéo có bánh xe, trên xe có làn nhựa đỏ, cầm 2 chai trà sữa vào “chị ơi, em là học sinh lớp 6, nghỉ hè bọn em làm trà sữa đi bán để trải nghiệm hè, chị mua ủng hộ bọn em đi chị.” Ôi thôi thế là số tôi cứ phải làm nhợn các cụ ạ, ăn tối xong rồi còn lốc 2 chai trà sữa ặc ặc, còn chửa biết có an toàn vệ sinh thực phẩm rì rì không :)))

7.6.18

Hoàng hôn vĩnh hằng

H. G. Wells là người tiên tri đáng tin cậy và Cỗ máy thời gian không phải khoa học viễn tưởng Nền văn minh thực chất là cuộc chiến với thiên nhiên và đồng loại. Ẩn trong nền văn minh là một đống hỗn độn ngu xuẩn mà đương nhiên sẽ phản lại và phá hủy những kẻ tạo ra nó. Con người văn minh mang suy nghĩ mình là kẻ chiến thắng mà không hiểu rằng nền văn minh đi lướt qua trạng thái cân bằng và rất nhanh chóng vượt qua đỉnh điểm để đi sâu vào giai đoạn suy thoái rực rỡ vụt tắt như lễ hội pháo hoa. Giấc mơ quá ngắn ngủi của trí tuệ loài người, trí tuệ loài người tự tìm cái chết. Một mênh mênh mông mông bất khả tri, như vốn vẫn vậy từ quá khứ vô thủy đến tương lại vô chung Sẽ và luôn là vậy, con người và hoàng hôn vĩnh hằng P/s: cái đồng hồ mới thứ 2 trong 6 tháng đầu năm haizza