Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

30.3.16

Trái tim bóng tối



Kinshasa - Trái tim bóng tối được cụ thể hóa, rõ nét hơn nữa thì thích nhỉ. Mình ngạc nhiên, ở đây có sự lưỡng lự trong cách viết, khiến Kinshasa - Không niềm hân hoan dưới mặt trời rực rỡ bị đứt gãy.
Những hình ảnh con nước động: dòng sông, biển, bể bơi u uẩn khiến mình nghĩ nó đẹp bình lặng như một vết đau âm ỉ luôn ở đấy, vừa thòm thèm an ủi vừa như không còn quan trọng nữa rồi.
Dưới mặt trời rực rỡ, con nước vẫn trôi lấp lánh. Và ký ức về nỗi đau cũng vậy.
Ps:
- chị ấy hình như đọc rất nhiều sách/truyện Tàu
- Ác quỷ Nam Kinh làm mình chú ý đến dịch giả, và dường như chị ấy cũng bị ấn tượng mạnh bởi cuốn tiểu thuyết này
- Đam mê hội họa, âm nhạc, điện ảnh... và cả ẩm thực nữa. Yêu cái đẹp.

27.3.16

Đường đi là đích đến tươi đẹp

"Chúng ta xa lạ với chúng ta, chúng ta - những kẻ biết nhận thức, bản thân chúng ta xa lạ với chính chúng ta, và điều đó có lý do chính đáng. Chúng ta chưa bao giờ đi tìm chính mình, vậy thì làm sao có chuyện một ngày nào đó chúng ta tìm thấy mình?"
(Bàn về phả hệ của đạo đức - Friedrich Nietzsche)
Có thể hình tượng hóa nó bằng một câu chuyện thi vị vô cùng thông minh: Hươu-Cao-Cổ đi tìm cái tôi, trong tập truyện Những câu chuyện thời tiền sử của Alberto Moravia. Tôi biết cái tạng của mình, chỉ thích đọc cái gì cụ thể, cầm nắm sờ mó được kiểu ăn là ăn cái ngọn, ăn sổi trước, sau đó mới đặt câu hỏi và tìm đến cái xa hơn, kiểu triết triếc. Chừng nào còn chịu đặt câu hỏi thì tức là tôi còn tồn tại. Mà cái hay của triết là nó luôn luôn vẫn còn đó, không phải cái học/đọc cho hết hay có một kết cục, nó vẫn cứ thế diễn ra trong bộ não của ta dưới nhiều dạng khác nhau. (Tất nhiên là trí năng không thể tiếp tục và vượt quá giới hạn đời người, tất nhiên là thế.)
ps: quả tình là tôi ghét chiết chiếc thậm tệ, ghét cay đắng.

23.3.16

You can't plant me in your penthouse



Nếu không tận hưởng một cách ranh mãnh 24 câu chuyện của ông già Ý Alberto Moravia trong Những câu chuyện thời tiền sử thì bạn sẽ dễ dàng rơi vào tình trạng cười nửa miệng một cách thường xuyên (cẩn thận không lại thành méo miệng. Méo mó vẹo vọ thế thì nhăn nhúm xấu chết đi được). Nhắc thế bởi, những câu chuyện này hơi quá thông minh.
Nhưng không, bạn vẫn có thể đọc nó cho lũ nhỏ, bởi thế giới được ông ấy vẽ ra hoàn toàn dí dỏm, khôi hài, đôi khi là một cách lý giải về những điều xung quanh cho trẻ nhỏ mà tôi tin rằng, ta tin vào nó thì sẽ thấy yêu đời làm sao trước những giải thích về Tắc-Kè-Hoa xanh đỏ tím vàng, về Đại Hồng Thủy, hay loài người được tạo ra từ giấc mơ của mẹ Thiên-Nhiên, về nguồn gốc Người từ Khỉ, về thiên đường vân vân và vân vân, thậm chí tại sao khi Lạc-Đà uống nước thì nó có vẻ rất thong thả và mong ngóng điều gì đó.
Cái trống trải đến mê muội và sự phiền muộn với cái vô nghĩa của cuộc đời, bỗng dưng có thể được kể hết sức nhẹ nhõm và quá thông minh thế này, làm nên một điều thú vị, người ta hoàn toàn có thể cười cợt cuộc đời ngay cả khi đang rất buồn đời. Nghĩ về các câu chuyện này tôi tin tưởng và qui thuận một điều: cuộc sống làm sao có thể ở đây được :p
Dịch giả Lê Thúy Hiền góp phần làm nên sự yêu thích của tôi với quyển sách này, bởi cái chất dí dỏm được chuyển dịch về tiếng Việt hoàn toàn tự nhiên, vừa dân gian vừa có cả sự sốc nổi của ngôn ngữ thời đại fber chăm chăm lướt lướt lai lai còm còm xe xe rồi nhảy chồm chồm cãi nhao ỏm tỏi; thế mà kết hợp lại duyên chết người :p

you know you can't hold me forever

Khoảng trống mê muội của tôi chỉ có một chữ thôi: Minh
Mà bất cứ khi nào rơi vào mê muội ấy thì tôi như một con ruồi húc đầu vào kính đòi lao ra khoảng không ngoài xa kia nhưng điều ấy luôn là bất khả
Chỉ thế thôi, đêm nay là đêm thứ hai liên tiếp vật vờ nằm cong người trên giường khóc. Chẳng sao cả. Thêm một vài cơn điên nữa cũng không sao. Con người cũng phải quen với nỗi lòng sầu muộn của mình chứ.

19.3.16

Everest. Jomolungma. Sagarmatha



Jon Krakauer là một trong những người sống sót sau mùa leo núi tang tốc nhất lịch sử Everest (1996). Anh kể lại hành trình chinh phục ngọn núi 8847 mét này trong vai trò một phóng viên tham gia đoàn leo của Rob Hall, một tay leo núi kỳ cựu, nổi tiếng vì đã đưa việc leo núi trở thành dịch vụ thương mại, tỉ lệ khách hàng thành công khá cao. Nhưng Tan biến (Into thin air) tôi nhận định rằng, nó là câu chuyện được kể lại bởi các thi thể. Con người sinh ra không phải để sống, hoạt động ở trên độ cao ấy, nếu chạm được tới nó thì dường như thế giới chỉ còn là sự hỗn loạn.
Với tôi, Everest đại diện cho sức mạnh và quyền lực của thiên nhiên. Những con người có niềm đam mê cuồng si với bộ môn leo núi thì không ai có thể giải thích được vì sao họ kiên định với niềm tin phải chinh phục được Everest. Tan biến là một câu chuyện tàn khốc khiến người khác nói một cách tích cực, coi những người leo núi là kẻ lập dị, còn tiêu cực thì thẳng thắn cho rằng họ là những kẻ điên.
Tôi chỉ là kẻ biết đến 3 đỉnh núi cao trên 3000m (3143, 3096, 3046) trong điều kiện núi đất đá, khí hậu mưa rét ẩm. Tôi đọc quyển sách này, xem bộ phim được dựng dựa trên nó và tôi hủy hoại, tôi an phận, tôi quy thuận tham vọng nhỏ bé của mình, rằng, chỉ ước sao đời mình có khả năng tài chính để leo, và chỉ cần leo lên đến Trại 1 (cỡ 6000m) thôi, không mong gì hơn, thì khi đọc câu chuyện khắc nghiệt này, tôi còn cả rùng mình nữa. Rùng mình không phải bởi sợ hãi, mà mạnh hơn cả sự sợ hãi, nó là khoái cảm. Muốn được như những kẻ điên ấy.
Chỉ những người đã từng leo núi, từng cố gắng nhích lên cao dần, mở rộng giới hạn của bản thân khi lên cao từng mét từng mét một mới hiểu được cái cảm giác của cái gọi là "bởi nó (đỉnh núi) ở ngay trên đó". Còn vì sao nữa ư? Bởi chỉ ở trên cao, hưởng một bầu khí quyển khác, phóng mắt nhìn ra khắp bao la thì người ta mới thấy cái đẹp đẽ mình nhìn thấy là cái mình sẽ không bao giờ còn có thể nhìn thấy được như thế này nữa. Với cái đẹp đến như thế, nếu ta bỏ lỡ cơ hội được nhìn ngắm nó thì chẳng phải là sự hoang phí hay sao. Nhất là khi ta có thể. Ta có thể.
Những ngọn núi cao đứng chơ lơ như những cột đèn đường, hay như một ánh đèn sáng duy nhất trong đêm tối, nó là cái gì đấy rất cô đơn, luôn thu hút tôi, dù khi lên đến trên cao thì đỉnh cao và vực sâu đều cho ta khoái cảm hành xác như nhau, anh lên rồi anh lại phải xuống, và với những kẻ điên rồ đánh đổi cả mạng sống của mình hết lần này tới lần khác chinh phục những độ cao trên 8000m (14 đỉnh?) thì khi xuống dưới vực rồi, sẽ lại càng có khao khát được đi lên đỉnh (lần nữa) và nếu chỉ vì bất cứ lý do gì họ không làm được điều ấy thì nó sẽ là nỗi giày vò lớn lao.
ps: Tôi là người rất hay xả rác khi leo núi (vì muốn nhẹ balo), cái hồi Hàm Lợn thì còn năng nổ nhặt rác của mình và của cả người khác thải ra, nhưng các ngọn núi cao trên 3000m thì thói quen này tắc bụp lúc có lúc không. Hôm vừa rồi leo Pu Ta Leng thì 2/3 hành trình sau mới chịu nhét rác vào balo. Tôi tự thấy đấy là điều thiếu tôn trọng với các ngọn núi. Poke poke, tôi sám hối :p
Nhưng có những điều sỉ nhục cỡ làm cáp để lên ngọn núi trên 3000m, điều kiện khí hậu không quá khắc nghiệt thì đúng là vừa cười nhạo con người, vừa đối xử không tốt với núi. Còn chút lòng yêu thương nhao thì xin các bạn đừng úp ảnh ngồi cáp lên núi có được không.

***rất quan trọng: Xù ơi, mìn muốn đoàn tụ mí quyển sách Tìm trong hoang dã (Into the wild) của mìn, please :(

14.3.16

Pu Ta Leng 3096m 10/03-13/03/16





Cuối 2015 tôi có một chuyến đạp xe ngoài mong muốn, có 30km cả đi và về thôi, nhưng về tới nhà thì cái dây chằng đầu gối phải có vẻ không ổn chút nào. Vì đi du lịch vào ngày 1 Tết cổ truyền nên mấy ngày cuối năm mẹ sai chạy lên chạy xuống cầu thang, đầu gối đau phát khóc cũng không dám kêu than câu nào. Nhiều lúc cáu quá thì ngoạc mỏ bảo chân con đã đau rồi mà mẹ chả biết tổ chức công việc gì cả, cứ hô con chạy lên chạy xuống, mẹ đau lưng con đã không muốn mẹ chạy rồi, thì mẹ cũng phải thương cái chân của con với chứ. Bà mẹ cả năm đi vắng, về nhà nghe con nói thế thì bảo, chân cẳng thế thì đi du lịch thế nào được, chết thôi, có tí tuổi đầu mà đã kêu đau khớp. Nghe thế con Lốc nín kêu than tắp lự. Chuyến đi Đà Lạt, Sài Gòn trong 7 ngày diễn ra tốt đẹp, mỗi ngày đi bộ tầm 9-14km, nhưng không vấn đề gì vì đi đường bằng, chỉ có vấn đề khi về dorm, nhà nghỉ khách sạn, đi lên hoặc xuống thung lũng, phải đi cầu thang... là hơi ngắc ngoải thôi.
Về Hà Nội được tầm 1 tuần thì em Hồng phao tin 10/03 này có đoàn leo Pu Ta Leng chị ạ. Thứ nhất là đúng thời điểm đó con người kéo bầy đàn đi cáp lên Fansipan biến Fansipan thành Hoa Qủa Sơn chính hiệu, thứ hai là Pu Ta Leng cũng nằm trong kế hoạch leo năm nay nên chả nghĩ ngợi gì nhiều, con Lốc đú luôn, tham gia ngay mà không cần chờ hai thằng bạn cạ cứng có quyết đi được hay không (dù lúc đó nghe lý do của thằng bạn kêu không đi được, cảm thấy thất vọng khủng khiếp, x biết có phải thằng bạn mình biết nó 12 năm không nữa {nhưng thôi, Đức Phật có nói có 2 điều con phải chấp nhận đó là cái chết và sự khác biệt}). Vấn đề đồng đội đã ra khỏi tầm ngắm, không vấn đề gì, đi với cô em Hồng 92 thì yếu, yếu thật nhưng được cái là lết khỏe, lì đòn nên thôi, tuyên bố với cổ là nhất định tôi không để em bết, vì gì thì gì, ai từng đi hành xác với con Lốc đều biết, nó cứ đi theo tốc độ của nó, sau đó lên phía trước nó ông ổng gọi nhanh lên nhanh lên, nghe rất là ức tai, cái người đi sau lập tức cảm thấy còn một chút tự trọng nào thì cố mà lết lên cùng con Lốc. Đấy, tôi đã rất tin vào khả năng trêu ngươi người khác của mình. Vấn đề tiếp theo là thông báo với phụ huynh, nhà mình thì không có cái lệ phụ huynh ngăn cản cấm đoán đến mức con cái phải nói dối, bốc phét nhưng năm nay là năm đầu tiên ông bố mình biến thành sao Chổi với mình, với lý lẽ con chơi đủ rồi, xem thế nào chồng con đi thôi. Lần đầu thông báo, bố ơi, mùng 10/03 này con đi leo núi 3 ngày bố ạ. Ông bố bẩu vừa đi cả tuần không ăn Tết ở nhà, giờ lại đi chơi 3 ngày (tranh luận kéo dài cả bữa cơm tối, đến khi con Lốc gân cổ cò lên nói thì kết thúc trong trạng thái diễn biến hòa bình). Lần 2 còn cách ngày đi khoảng 10 ngày thì con Lốc lại, bố ơi, 10/03 này con vẫn đi leo núi đấy bố nhé. Ông bố quay mặt ra đường 2’ lặng im. Lúc sau quay vào, đi mấy ngày? Dạ, con đi 3 ngày ạ. Ông bố lại im lặng.
Vấn đề chỉ còn là chuyện chuyến đi leo núi lần này sẽ trùng “sự cố”. “Sự cố” này khiến con Lốc đau đầu nghĩ cách, đau dạ dày vì căng thẳng, ngày 10/03 xuất phát mà đến ngày 08/03, ông bố có vẻ xuôi xuôi, tặng hoa cho con xong thì nhắc rằng bố không cản nhưng làm cái gì cũng cẩn thận. Ông bố nhắc thế nhưng trong bụng con Lốc còn đang nơm nớp lo sợ chuyến đi của mình sẽ bị hủy vào đúng giờ cao điểm vì “sự cố” vẫn lì lờm chưa xảy ra. Bảo với em Hồng 92 rằng, kiểu này chắc tạch ở nhà quá em. Hai chị em ngày ngày động viên nhau uống thuốc bổ, tập thể lực, bảo nhau chuẩn bị cái này chuẩn bị cái kia, những ngày sát ngày xuất phát, em Hồng 92 còn đêm nhắn tin, sáng sớm nhắn tin chỉ với một nội dung: hôm nay (nay) em có linh cảm chuyến đi của chúng ta sẽ thành công tốt đẹp (kèm biểu tương người và mèo cùng nhau nhảy múa). Lạy Chúa của con, con phải làm gì bây giờ?
Ngày 08/03 Leader hô đi off, sợ sẽ hủy chuyến đi vào giờ chót nên con Lốc không đi, xin suất bảo kê của ông Tú leader chuyến Bạch Mộc là 09/03 sẽ chốt đi được hay không. 09/03 thay đổi suy nghĩ, dù có sự cố gì xảy ra, cứ được chuẩn bị thì sẽ ok hết, giờ hên xui vậy, leader Pu Ta Leng sinh năm chẵn thì đi, năm lẻ thì ở nhà. May thay, leader 88, vậy là chốt luôn với em Hồng. Đi nhé. Không phải quắn pacman emoticon
Chốt xong thì đi lục đồ, sờ đến đôi giày quân nhu thì 4 chiếc giày 4 size khác nhau, bỏ phơi nắng lâu ngày nên cũng 4 màu khác nhau luôn. Biết nguyên nhân có thể do bạn cầm nhầm chiếc giày size 37 của mình thì nhắn tin nhờ cụ ấy ném qua nhà hộ. Sáng sau ông bố dậy sớm thấy bảo có người gửi đồ cho cô Tú, ông bố mở túi ra xem thấy chỉ có 1 chiếc giày, nghĩ bụng, tsb thằng nào con nào, ngày mai con bố mài đi leo núi mà nó lại gửi có 1 chiếc giày, giày có đôi mà nó gửi 1 chiếc, nó chơi xỏ lá 3 que con mình đây mà. Nghĩ thế là ông bố bẩu nó là điềm chẳng lành, phải hô con này hủy leo núi, không đi thì còn con, đi rồi là mất con. Đến trưa ngồi ăn cơm, hai bố con trao đổi xong thì ông bố mới thở phào nhẹ nhõm và nhắc lại điệp khúc bất tận: phải cẩn thận
Tối ngày 10/03, đến tận lúc lên xe, hai chị em balo mỗi người 7kg, con Lốc thì bồn chồn lòng dạ vì sự cố. Còn em Hồng 92 thì đau họng, vừa trên xe vừa check mail công việc vừa thi thoảng ợ lên nhai lại hoặc ợ lên đòi ói vì cổ thực sự có vấn đề về sức khỏe. Con Lốc chỉ có thể nhận định chung tình hình là trông em bết quá Hồng ạ, nhưng lên trển mà có vấn đề gì, em đổi ý không leo núi mà chuyển về Sapa chơi thì em yên tâm là tôi cũng về Sapa nghỉ dưỡng cùng em nhóa pacman emoticon
Xe khách thả cả đoàn 12 con người xuống, gồm 8 zai 4 gái, các bịch bọc túi ngủ, lều bạt, đồ dùng, tấm trải nhiệt…cách nhà porter khoảng 800m đường bê tông lên dốc. Ai đeo balo người ấy, cái nào cái í đều nặng, rồi lại thêm đồ dùng mà con gái hoàn toàn không giúp được gì nên đành nhờ cậy hết vào các bạn trai vì riêng khoản vác balo cá nhân ấy đã khiến 4 đứa con gái muốn ngất trên đường dốc bê tông thoai thoải rồi. Đi bộ được tầm 5-7’ thì ai nấy đều kêu, Đệch, nhà porter ở tận đâu x biết nữa. Được leader hay đùa, ổng bảo cứ đi đi, tầm 1km nữa. Đang chắc mẩm hoang mang chưa leo núi đã khụy rồi đây thì thấy ánh đèn hai xe máy của porter quay lại đón cả người và đồ. Thế là thở phào nhẹ nhõm, con người vẫn còn có lòng yêu thương nhao pacman emoticon
Ăn uống thay đồ, lùng tùng đồ đạc xong xuôi (vì kế hoạch lúc này là lên núi một đường, xuống núi cung đường khác nên không thể gửi đồ ở nhà porter như đợt Bạch Mộc) vào khoảng 7h. Tiếp theo đến màn cân đồ, 3 porter nhận nhiệm vụ vác 55-60kg, nên dư ra đống túi ngủ, lều bạt, leader hô mỗi người tự vác 1 túi ngủ cá nhân (khoảng 800gram-1000gram). Con Lốc đặt balo của mình lên cân là 7kg (ông leader cho câu: Đệch, con bé này nó định đeo balo 7 cân núi à, leo thế x nào được; con Lốc gân cổ lên cãi, hồi Bạch Mộc em đeo 9kg mà, em vẫn leo được, nhưng mà về sau thì mình đã hiểu thế nào gọi là vỡ mật vì balo nặng), em Hồng 6.8kg, hai chị em biết thân biết phận nhờ ông Tú phỏm chịu trách nhiệm 2 túi ngủ. Còn lại các bạn trai khác chia nhau vác đồ, kết luận: có thế nào thì thế, gái luôn đúng, zai luôn vì chữ sĩ, God chả bẩu là Eva phải lụy Adam là giề, nên gái nhẹ nhất trong đoàn balo khoảng 2kg, các gái khác 7-8kg, còn zai thì toàn đầu 7 cả, thậm chí có zai hình như phong thanh là 12kg trên vai.
7h40’xuất phát, đoàn lúc này 15 người tất cả, 12 người leo, 3 porter, 20’ đầu tiên rời khỏi nhà porter là đi đường bằng, đi trên đường hào dẫn nước vào bản, đại để là đi trên một đường bê tông có bề ngang khoảng 40cm, cả đoàn đi hàng một như một đàn kiến gù mình gánh đồ, một bên là hào nước, một bên là vực thẳm xuống núi, con Lốc lúc nào cũng cắm mặt nhìn đường vì khả năng đi thăng bằng vô cùng kém, tập yoga các động tác thăng bằng thường xuyên mất trọng tâm, mà leo Bạch Mộc cứ có cầu khỉ qua suối thì thà nhảy ùm xuống suối lội ướt quần ướt giày còn hơn đi cầu khỉ. Sau quãng đường đi trên hào nước thì bắt đầu khoảng 1 giờ đi lên lên xuống xuống đường đất đá, rồi qua suối. Suối ở Pu Ta Leng đẹp vô cùng, nước suối trong, có đoạn sâu đến tận 2-3m mà nếu vào thời tiết ấm hơn thì chắc dân tình phải nhảy ùm xuống tắm ì oạp rồi. Tất cả ác mộng bắt đầu vào lúc 10h sáng, cơn ác mộng kéo dài tới tận gần 17h khi mà cung đường chỉ liên tiếp là lên dốc và lên dốc, dốc đá dốc đất dốc cứ dựng thẳng đứng dốc, dốc gì mà vãi cả dốc, rất thi thoảng mới có một chỗ người ta gọi là chiếu nghỉ như cầu thang, có thể đặt mông và thả balo ra ngồi thở, dốc gì mà dốc kinh hồn táng đởm nhìn lên thì thấy các chấm màu áo hoặc gót giày của bạn cùng đoàn, nhìn xuống thì thấy chấm màu áo và đỉnh đầu của bạn cùng đoàn, và nếu có gọi với lên hỏi sắp hết dốc chưa thì cái đứa ở trên cũng chỉ biết hổn hà hổn hển đáp lại, vẫn chưa thấy chỗ nào bằng để nghỉ; còn nếu mệt quá chợt nhớ ra cô em Hồng 92 của mình thì sẽ nhận ra là hình như cũng đến một hai chục phút rồi không nhìn thấy cái mặt trắng xanh bệch bạc thở cả mồm cả mũi cả tai của nó đâu, mà nói như ông Sơn có miêu tả mặt cô em Hồng thì là: mặt con này như kiểu, kệ bố mài, bố mài x leo nữa đâu :v; mặc dù lúc nào con Lốc nhìn thấy em cũng giục cũng hỏi uống nước không? Ngậm kẹo chưa? Ăn súc cù là không? Em đâu rồi Hồng ơi? Hồng ơi cố lên Hồng ơi nhanh lên Hồng ơi 10 bước nữa thôi thì cái mẹt của em nó lúc nào cũng trong trạng thái nhìn như trúng gió và mắt ngước nhìn chị nhưng tuyệt nhiên không thưa và khi đã lấy lại được hơi thở và có thể nói thì cổ nói em nhìn chị tức là em biết chị gọi em rồi nhưng vì mệt quá em không thể thưa được; và thường thì sau khi đã có thể thở lại đều đặn thì 1, cô ấy ợ lên nhai lại; 2, cổ ợ lên để ói; 3, cổ chỉ đơn giản là đứng chống tay vào hông và thở hồng hộc mặt nhăn tít như quả táo tàu ngâm rượu hoặc nằm vật ra thở mà nhất quyết không chịu ăn uống gì vì cứ ăn vào là buồn ói (nếu em đọc đến đây thì tôi muốn nói tôi thực sự lo cho cái dạ dày của em, làm việc để có xu mà hưởng thụ nhưng phải luôn đảm bảo là mình sống khỏe để hưởng thụ đống xu ấy). Khoảng 16h chúng tôi gần như đã kết thúc cơn ác mộng đầu tiên của Pu Ta Leng, chúng tôi vượt qua độ cao, có vẻ là 2500m, và giờ chúng tôi sẽ đi xuống dốc để xuống độ cao 2400m hạ trại ngủ nghỉ qua đêm. Lúc này chân của tôi trong trạng thái không muốn đi nữa bởi cái đầu gối bên phải chết bằm nó đã kêu gào từ cách đây 4-5 tiếng rồi, tức là ngay từ những bước leo lên dốc đầu tiên thì tôi không thể đổi chân liên tục như mọi lần leo khác, mà phải luôn luôn là chân trái lên trước và hạ chân phải, rồi chân trái lên trước và hạ chân phải, luôn luôn như vậy từ 4 tiếng trước rồi, có những lúc vì thấy bước leo có vẻ chân phải cân được, tôi bước chân trái phải trái phải đảo liên tục là đầu gối chân phải cho tôi biết mặt nó ngay, nó là một cảm giác có một cái dây ở đầu gối phải nằm không đúng vị trí mà nó gây đau toát mồ hôi, tôi phải dựa cả người cả balo vào dốc và đứng co duỗi vung vẩy nó một hồi để về trạng thái dễ chịu đựng hơn. Những lúc như thế, nếu người đằng sau tiến sát lên phía tôi rồi thì điệp khúc của tôi luôn bắt đầu bằng anh/chị/em vượt lên trước đi, chân em đau không leo được, em leo từ từ . Vì quả đầu gối như thế, chặng đường phía trước còn 2 ngày leo nữa, tôi phải bảo toàn cái đầu gối phải cũng như bộ móng heo của mình, cứ xuống dốc dài liên tục là kiểu gì cũng bị bong móng nên từ 2500m xuống 2380m để hạ trại tôi nhất quyết hạ mông để lê hoặc lập cập xuống từ từ chứ không chạy hoặc nhảy thịch thịch thịch như mọi lần leo núi khác (ôi tuổi tác, sức khỏe đã làm gì đời Lốc, chỉ 6 tháng trước thôi, leo Bạch Mộc, thằng Cờ Hó cứ phải hét lên, Tú, đi từ từ thôi, đợi anh em với, bà đi gì mà đi như ma đuổi, x ai đuổi theo bà được (vì nó sợ độ cao nên không dám đi nhanh) thì giờ đây thanh niên Lốc chủ yếu là lê mông)
Đoàn lần này phải cảm ơn rất nhiều Leader Thành, bạn ấy sinh năm 88 nhưng nhìn đứng đắn, thanh niên nghiêm túc vãi ra nên Lốc không dám gọi em, một phép gọi anh vì nhìn ổng già vãi chưởng. Ổng dẫn đoàn rất có kinh nghiệm và tổ chức, đồng chí yếu nhất như em Hồng 92, leo một bước đứng thở bằng cả 1’, rồi thậm chí vừa leo vừa ói mửa cuối cùng cũng đến điểm nghỉ đêm cùng giờ với cả đoàn (phá vỡ kỷ lục luôn chậm hơn cả đoàn 1-2 tiếng của em ấy) vì những chặng ông leader quyết định cùng một vài thanh niên đứng lại, khi nào cô đi thì chúng tôi đi, còn cô cứ đứng thì chúng tôi cũng đứng ngắm trời đất cây cối khiến cô em Hồng không sao có thể ì ra đứng nghỉ mà đành lết xác như Larva ấu trùng đi được bước nào là phải đi. Thậm chí có những đoạn Leader cũng đang đeo miếng bó gối, balo nặng trên dưới 10kg nhưng vừa leo vừa ngoác mỏ gào porter Giàng đẹp trai, rằng porter thì phải đi với thằng yếu, chứ porter đi với thằng khỏe thì đi làm x gì, thế là porter Giàng vừa một chuyến ngược dốc xuống vác gùi đồ 25kg đỡ chị porter 27 tuổi, giờ lại ngược dốc phát nữa đeo balo 6.8kg cho em Hồng vừa kéo tay cổ lên dốc trong sự hân hoan của cả đoàn.
Lên đến điểm nghỉ thì đây là lúc thấy rõ nhất đoàn này là đoàn Pro. Các bạn trai sau chặng đường gần 10 tiếng vai vác nặng, leo đường chủ yếu chỉ dốc là dốc giờ đây bỏ được balo, tất cả lại hoạt bát như chưa có gì xảy ra. Một vài đi dựng lều, một vài ngồi nhóm bếp, một vài đi phụ porter dỡ đồ nấu nướng, một vài ra suối rửa tay chân mặt mũi, rồi làm gà, thái thịt…nói chung 2 porter nữ nấu nướng, còn 4 cô nữ của đoàn thì ngồi gọt táo, nhặt đậu, gọt khoai tây cà rốt rất nhàn hạ (đúng từ là chả được cái vẹo gì :v), trong khi đó lại có những bạn nam như bạn Hiệp, Long, Quân, anh Linh 81 kiếm que xiên gà nướng đẹp như phim, thái thịt lợn đều và xiên que nhìn hấp dẫn như hàng ăn (tại hạ vô cùng bái phục)
18h cả đoàn kéo vào lán ngồi ăn trong ánh đèn pin nhập nhoạng, chị em phụ nữ nói chung không uống rượu, còn 5 lít rượu có vẻ nặng (vì mở can ra đã thấy mùi rượu xộc lên, từ tháng 4 năm ngoái bị say một trận đến giờ, cứ ngửi thấy rượu là mình buồn ói, và cái can rượu này thì mùi của nó rất sốc, ngửi thôi đã biết dạng rượu không hề êm) là do 9 ông đàn ông zô với nhau. Đêm ấy nghe 2 chị porter 27 và 34 tuổi kể thì hình như (không phải hình như nữa mà là chắc chắn) có một ông say quá, trong cơn say đã tè luôn trong lán, dẫn đến việc lán không thể ngủ được, 2 chị porter đành phải vào lều của 4 bạn con gái để ngủ. Cũng chỉ 1 tiếng sau trong cơn khó ngủ của mình vì nằm trong lều gió lùa cho mát quá, chỗ nằm vừa chật vừa được gối đầu và kê vai lên đá (do dồn chỗ mà bị ra hông lều, đúng chỗ lởm chởm toàn đá, nửa đêm chật chội không cựa quậy được mà bật dậy vì phát điên do tôi gần như bị hội chứng sợ không gian kín, hẹp mà ngồi bật dậy xong, có vẻ ổn thì tôi buông người và đầu đặt xuống mà quên mất hai hòn đá to đang đợi mình nên đập đầu và vai bôm bốp vào đá; việc đập đầu này còn tái hiện lại 2-3 lần gì đó do tôi cứ quên là mình đang gối đầu và kê vai lên đá) mà con Lốc có cơ hội xác định sự việc chắc chắn có bố bị say rất là sưa pacman emoticon “ông ơi, ông xem thế nào, cái túi nôn của thằng (…) bị gió thổi nó bắn mẹ nó vào lều rồi”, “ông ơi, ông xem thế nào, ông cởi áo của ông cho tôi mượn, nó nôn hết ra túi ngủ rồi”…Đêm ấy cũng là đêm đầu tiên ngủ trên núi trong những đêm thế này tôi thấy rõ mình là dân đồng bằng như thế nào, tức là mọi lần tôi đều không ngủ được do rét nhưng ít ra là không có gió gào, còn lần này chúng tôi vượt qua độ cao 2500m, sau đó hạ trại ở 2380m, coi như là hạ trại ở vùng trũng đi nên gió gào ác liệt, gào tới mức tôi hỏi cô em Hồng nằm túi ngủ bên cạnh (cổ ở LS, cũng là vùng núi cao) rằng em ơi, mưa rào hay sao í nhỉ, chị thấy lưng chị nó ẩm ẩm (thật ra là sương và gió nó lùa vào lưng mát quá chứ làm gì có mưa mà ẩm) thì cổ bẩu, chị đúng là dân đồng bằng, không phải mưa đâu, trăm phần trăm là gió thổi đấy. 2’ sau tôi được xác nhận luôn vì gió thổi to quá, bay mất tấm bạt phủ trên lều, tức là trước mắt tôi là cái khung lưới của lều, và tôi có thể nhìn thấy hàng trăm ngọn cây đang đu mình chống chọi với gió của núi rừng, mà nếu được phép mô tả đúng như ở dưới đồng bằng thì tôi sẽ gọi là bão về, nhất định là đang bão.
6h sáng hôm sau (12.03) chúng tôi lần lượt thức dậy ăn sáng, và cười lăn lộn về vụ tè trong lán, nôn trong lều, nôn vào anh em của bạn Minh, mà như tôi đùa mỗi lần đi qua bạn í tôi đều cười và nói “câu chuyện về anh là thế”, sau đó thì leader hô đồ dùng cần thiết thì cho túi áo túi quần, vứt balo lại điểm nghỉ để tiến hành lên đỉnh trong khoảng 3 tiếng nhanh gọn, anh Giàng là porter duy nhất đi cùng chúng tôi sẽ đeo balo có đồ ăn nhẹ, còn cả đoàn đi lên đỉnh gọn nhẹ nhất có thể. Nói xong thông báo, leader ngã vật ra trong cái lán đêm qua bị tè bậy vì bị trúng gió, cả đoàn 13 người lên đỉnh xác định chỉ còn 11 vì leader đang nằm nhay dầu gió như dầu gió là thần dược và bạn kia thì vẫn say đang nằm trong lều. Đang hò nhau là vận động ông Minh dậy lên đỉnh đi, không lại mất công thì cả leader cả ông Minh cùng nhau xuất hiện như hô lí ụt sờ ta, leader tiếp tục nhay dầu gió còn ông Minh kia mặt cười nhưng do say rượu nên trắng bệch bạc như vừa chui lên từ suối nước lạnh.
Vậy là đến tận 7 rưỡi 8h kém chúng tôi mới cùng nhau xuất phát lên đỉnh, chặng này bao giờ cũng là chặng ác mộng ở bất cứ núi nào, lên đỉnh tức là chỉ có dốc, 15’ đầu tiên trời mây mù lách tách nước từ cây nhỏ xuống, rét, ẩm và nhá nhem tối, đường dốc thoai thoải không dốc đứng nhưng trơn và nhiều phân trâu, 15’ tiếp theo thì bắt đầu dốc đá dốc đứng, vừa đi vừa thở phì phò, bắt đầu không thể đi đều đoàn được nữa, tốc độ nhanh chậm khác nhau, có người vẫn bước có người vừa bước vừa thở và tất nhiên phần nhiều là đã dừng lại nghỉ lấy hơi, trong số này tất nhiên có con Lốc và em Hồng, hai chị em bết nhất đoàn, được cái là bết nhưng lết rất giỏi nên cứ nhúc nhắc như côn trùng bám đoàn, không bị tụt lại sau. Sau một chặng chỉ thấy dốc là dốc thì porter hô chuẩn bị xuống dốc, cả đoàn hò nhau, ô zồ ôi, leo lên đỉnh nhục nhất là đang lên dốc thì lại xuống dốc, xuống dốc mịa nó rồi thì lại phải lên dốc, biết lúc x nào mới lại lên được độ cao cũ pacman emoticon. Sau chừng 5’ xuống dốc thì lại bắt đầu cứ lên dốc là lên dốc, lên hết 2-3 đoạn dốc dựng đứng, dốc vãi cả dốc thì đến dốc thoai thoải hoặc bằng được trải lá trúc. Đoạn đường này do con Lốc và em Hồng bết nhất đoàn, bảo nhau thôi cả đoàn nghỉ thì chị em mình cứ túc tắc lết lên phía trước, ở dưới kia chị em mình nghỉ nhiều rồi. Thế là lần đầu tiên con Lốc đi leo núi không có 2 thằng bạn cạ cứng, cũng không có porter dẫn đường, cứ theo đường mòn, hoặc nhìn vết chặt ở cây đánh dấu, hoặc nhìn dấu vết cây đổ, hoặc nhìn cây chặt chắn ngang lối đi để xác định đường đi lên đỉnh. Trước nay đi rừng chỉ sợ đúng rắn, trước mấy ngày lên đường còn tự nhắc là phải tìm lại sách vở đọc lại về xử lý rắn cắn nhưng quên xừ nó mất, giờ lại cứ đi lên trước đoàn, porter thì hú mãi, đứng đợi hàng 15’ không thấy đâu, cũng có đôi chút chột dạ khi nhìn thấy một cành cây đen đen dưới chân, hay tay vô tình bám vào tảng rêu chết mà nó rụng đến bịch dưới chân, chân đi nhẹ nói khẽ cười duyên vì sợ đánh động rắn riếc gì thì sao, cô em Hồng thì vẫn lết phía sau, thi thoảng chị gọi Hồng ơi, biết là em nó mệt không trả lời được nên chỉ cần nhìn thấy cái viền áo cam cam thì yên tâm đi tiếp, thi thoảng em không nhìn thấy chị thì EMi ơi, chị ở đâu? Chị ở phía trước em đây, chị nhìn thấy em rồi, em đi thẳng lên đây. Cứ như thế, chả hiểu sức ở đâu mà con Lốc lết giỏi thế, em Hồng đi sau có Tú phỏm kéo, dắt, cổ vũ động viên thế là 3 đứa túc tắc lết lên đỉnh. Đi mãi đến lúc con Lốc bảo chị thấy có vẻ sắp lên đến nơi rồi đấy vì tán cây đã thưa, nhìn thấy trời rồi kìa thì hai đứa đi cùng bảo chị ơi anh porter vừa hò lên bảo khoảng 45’ nữa cơ, thế là cứ lầm lũi đi, đi đi đi tự động viên là thôi cứ đi đi, cứ hết 40-45’ là lên tới đỉnh. Như ông Tú có tường thuật lại đỉnh Pu Si Lung thì đoạn này giống Pu Si Lung vãi chị ạ, cũng đường rải lá trúc thế này, đường đi mãi không tới nơi, porter thì không thấy đâu, hôm í bọn em đói khát quá phải mút rêu để lấy nước và nhai đọt non của trúc cho đỡ đói pacman emoticon (nói xong hai chị em thò mỏ mút rêu nhấm nhấm thấy cũng có vị nước tươi tươi)
Đến một đoạn em Hồng đuối quá, ông Tú phải nắm tay lôi đi thì con Lốc bước nhanh chân lên phía trước, ngẩng mặt lên thì ô hay cái chóp sáng lóa khắc chữ Pu Ta Leng đập thẳng vào mẹt. Con Lốc hét vọng xuống, lên đến đỉnh rồi Tú ơi, Hồng ơi, cái chóp đây rồi. Hú hét một hồi, gọi một hồi chỉ thấy ông Tú bước lên, hỏi Hồng đâu thì ông Tú bẩu Hồng đang đứng nghỉ. 3’ sau mới thấy nàng xuất hiện trong trạng thái mặt cắt không còn giọt máu như mọi khi dù miệng toe toét cười nhưng quả thật là cười như mếu. Vậy là lần đầu tiên con Lốc được cả đoàn nhường cho lết lên đỉnh đầu tiên, còn với em Hồng cũng là lần đầu tiên em lên đỉnh huy hoàng hoành tráng như vậy
Bữa ăn nhẹ trên đỉnh tất nhiên là vui nhất trong cả chuyến đi bởi đã chạm tay vào chóp, chúng tôi leo núi thường rất vui lúc này mà không hiểu rằng đỉnh cao và vực sâu là một, ngay sau khi lên đến đỉnh thì người ta vui quá mà quên đi người ta còn phải xuống núi một chặng dài như thế nào, thậm chí còn dài hơn cả lúc lên. Chúng tôi có những câu chuyện trên đỉnh gắn chóp còn kể mãi cho nhau khi chai nước ở ngay trong tầm với mà vẫn phải hổn hển nhờ thằng bên cạnh mày lấy hộ tao cái vì không còn sức với tay lấy chai nước, hay hình ảnh cần áp lưng vào nhau cho miếng dán nhiệt ấm lưng mà cả hai đứa cùng bết quá, đứa này bảo cậu ơi, cậu có thể áp lưng vào lưng tớ cho cái miếng nhiệt nó ấm không thì cái đứa kia hổn hển đáp lại, cái tầm này cậu tự nhúc nhích đi chứ tớ không còn sức làm gì (dù mông hai đứa cách nhau 15cm là căng) thế mà cả hai cùng nhay nhay mông đến 2’ thì hai cái lưng mới áp được vào nhau, rồi lại còn vụ nổ hộp pate trong lửa nữa, ông Quân cây hài của cả đoàn dính trọn hộp pate bắn lên mặt, nhìn mặt cháu bị pate bắn lên zỗ như một nồi cám lợn đang sôi, chúng tôi đùa nhau là đứa nào cần ăn pate thì mang bánh mì ra chỗ thằng Quân mà lau pate dính trên mặt, trên áo nó mà ăn.
Ăn uống, chụp choẹt ảnh chán vạn xong thì 12h trưa chúng tôi xuất phát xuống núi. Leader chân đau, để lực không kịp dồn vào đầu gối thì phải chạy xuống núi, ông Quân dáng loắt choắt theo sau. Con Lốc đầu gối phải đau báo động rồi nhưng giữ thăng bằng kém nên không thể chạy được, đành bám càng anh Linh 81 xuống núi, huhu, anh í đi như chạy, nhiều đoạn con Lốc phải hô anh ơi, anh đợi em, em xì mũi. Anh ơi, đợi em với. Cuối cùng leader chạy mất 45’ từ đỉnh xuống điểm nghỉ thì anh Linh và con Lốc mất 65’, ngay sau đó cứ 5-7’ sau thì túc tắc từng người xuống được đến điểm nghỉ. Trên đường từ đỉnh xuống điểm nghỉ gặp lác đác 1 vài bạn đoàn khác bắt đầu đi lên, vì đoàn ấy đi lác đác bệ rạc quá nên mới khẳng định lần nữa là đoàn của mình thật là trâu bò pacman emoticon
Xuống đến điểm nghỉ đêm thì phát sinh vấn đề, với con Lốc là “sự cố”, còn với cả đoàn là kế hoạch ăn chơi. Theo kế hoạch ban đầu, chúng tôi sẽ thu dọn và đi đường khác để xuống núi, hạ độ cao từ 2380m xuống 1800m, tức là đi khoảng 2-3 tiếng, khoảng 17h chúng tôi sẽ hạ trại ngủ 1 đêm nữa trên núi và sáng hôm sau thì xuống núi hẳn (nếu đi cung đường này thì Pu Ta Leng sẽ chốt là 53km). Còn bây giờ chúng tôi đang nghiêng về phương án sẽ tiến hành đi thẳng từ 2380m xuống núi luôn, vì sẽ có khoảng 6 người về thẳng Hà Nội, 6 người muốn về Sapa chơi 1 ngày (nếu đi theo kế hoạch này thì Pu Ta Leng chốt lại 46km, đường lên dốc như thế nào thì bây giờ về dốc như thế). Cuối cùng thống nhất cả đoàn sẽ xuống núi luôn, và phải tự giác đi tốc độ vì bây giờ đã là 14h rồi, để đến được nhà porter thì ít nhất cũng phải 19h, mà chỉ tầm 17-18h là đường rừng đã tối lắm rồi. Tôi bỏ phiếu thuận cho phương án xuống núi luôn vì một lý do tiên quyết không phải do “sự cố” mà là do cái đầu gối phải của tôi, chỉ cần nghỉ qua một đêm nữa thì tôi chắc chắn sáng ngày mai chân tôi không thể nhúc nhắc đi được, chứ đừng nói đến 7 tiếng xuống núi, tôi hiểu cái chân của mình, hiểu cơn đau của cái đầu gối, của các vết phồng, của 2-3 cái móng chân đang sưng tấy như mọi lần leo núi, chúng nói với con Lốc rằng: bố mài sắp bong móng rồi đây, mài làm gì thì làm cho nhanh đi
Tôi bắt đầu đếm ngược 7 tiếng của mình trong tình trạng: balo thừa đồ ăn, đồ cá nhân của 1 ngày nên vẫn còn đến 5 kg (quá nhiều), đầu gối phải đau, hai ngón cái phồng rộp to, 2 ngón út và áp út móng chân sưng tấy, cả hai chân có xu hướng ngồi không cũng run bần bật, thân trên thì mỏi nhừ do ngày hôm trước đeo balo 7kg liên tục 10 tiếng
- 1 tiếng đầu tiên: đường lên dốc (do lại đi qua cái đỉnh 2500m hôm qua trước khi đến điểm nghỉ) và xuống dốc vừa phải, có một đoạn nhỏ đi đường thoai thoải, đường bằng. Chân lết chậm
- 2 tiếng tiếp theo: đường xuống dốc liên tục, đầu gối phải lết không nổi, chân trái chịu lực, gánh gồng quá mà giờ cũng mất cảm giác, hai chân hạ xuống từng bước rất rất từ từ, tốc độ lết thua xa em Hồng (vì em Hồng đã có người vác balo hộ), em Hồng vừa lết vừa thở. Con Lốc thì vừa lết vừa nhăn, không mệt chút nào vì còn chưa thấy cả thở nhanh hay thở mũi mồm tai, mà chỉ thấy đau, đau lắm, cũng không thể lê mông như mọi lần khi gặp dốc đá vừa dựng đứng vừa đá to vì balo nặng quá, chân không cảm giác, buông hai chân, dùng hai tay dướn người lê người xuống mà balo nặng x thể nào lê nổi. Đã có lúc đau quá mà bảo Hồng tránh ra, chị thả cho balo rơi xuống trước (vì thế nên mới rơi mất chai nước), rồi tự cho người trôi xuống sau. Những quả máng trượt, trượt chân 3m rồi mông đập thẳng vào tảng đá thì mới phanh được cả người cả balo đã thành bình thường, rồi đứng còn không vững, vịn vào cây cây đổ, ngã zúi ngã zụi thì mới thực sự đối mặt với cái gọi là bất lực. Em mệt không giúp được chị, thân em em còn đang lết không nổi, em bất lực. Chị chân đau cả hai, sức còn nhưng chân không nghe lời nữa, thân mình mang balo không xong, chị bất lực. Hai chị em nhìn nhau rất muốn khóc mà khóc không nổi
- 1 tiếng tiếp theo dừng nghỉ chân trên một triền ngang có cây gì nhìn như cây ngô, hay mía khô ngả rụp xuống cả triền đường thì gặp ông Tú đang nhồi 2 balo vào làm 1, trả 1 cái balo không cho Hồng tự đeo sau lưng vì đeo 2 balo một trước một sau làm lực vít người ông ấy xuống và cũng không sao thấy đường mà đi thì con Lốc bị em, Hồng thuyết phục chị nên nhờ người xách giúp đồ, bạn Huệ chân đau cũng đã phải nhờ người đeo cả balo, em yếu nên chỉ đeo balo không, chị có quá nhiều vấn đề, chị phải nhờ người xách giúp thôi. Thế là dù rất ngang bướng chưa bao giờ phải nhờ ai khoản balo nhưng với những vấn đề đang lồ lộ đáp vào mặt thì con Lốc đành zúi vào balo ông Tú mấy cái áo mưa, ủng nilon, 1 cái bánh mì, 2 thanh lương khô, 1 cái áo khoác. Quay mặt ra sau gặp anh Linh 81 trên người mang 2 balo nhưng đang cầm cỏ quay quay vừa đi vừa tung tăng hát ca, thế là con Lốc zúi tiếp 1 túi nilon quần áo cỡ 2kg (về sau anh í có bảo là cũng mệt lắm nhưng đàn ông chết vì chữ Sĩ, gái nhờ thì dù có chết cũng nhe lợi cười). Sau khi zúi được khoảng 3kg nhờ 2 nam giới vác hộ thì balo của Lốc còn khoảng hơn 2kg, đeo lên người cảm giác tự tin là mình có thể lết ít nhất thêm được 1 tiếng nữa
- 1 tiếng tiếp theo ở điểm nghỉ suối, cả đoàn đã dừng lại ngồi ăn uống, nghỉ thì em Hồng bảo chị EMi đi không, biết rằng cái chân của mình càng nghỉ lâu càng khó bề hoạt động tiếp, phải tranh thủ lúc nó đang đau và rung bần bật với tần suất không ngừng nhanh hơn nữa thì phải đi tiếp luôn, phải tranh thủ lúc nó đang say đòn mà lết đi nên hai chị em lết đi như hai xác sống, lết trong trạng thái em thì lúc nào cũng mệt, còn chị thì lết khi chân tay và đầu óc mất xừ nó cảm giác của đau, của cảm nhận. Chỉ khi nào vô tình quên mất mà zeo chân đến thịch, hoặc mụ mị đầu óc mà thúc chân vào đá, vào gốc cây khô thì đau chảy nước mắt, lúc í mới tỉnh ra một tí, sau đó lại đi vào trạng thái say đòn, cho đến khi lại trượt chân trôi khoảng 2-3m thì lại tỉnh ra tí
- 1 tiếng tiếp theo đoàn ngồi nghỉ ở điểm suối tiếp, chụp choẹt ảnh thì hai chị em lại lết tiếp cùng 2 chị porter, lết trong trạng thái cứ thấy cái tấm sáng trải giữ nhiệt trên gùi của chị ở đâu là tiến theo hướng ấy, không cần biết đường mòn hay đi qua suối kiểu gì, cứ tiến đến cái điểm sáng ấy thôi. Trời đã bắt đầu tối, Hồng đã phải đeo kính, còn con Lốc thì căng quả mắt cận 1.75 không kính ra để nhìn cái ánh sáng sáng của đá ở suối nên đoạn này thúc chân vào đá, trượt chân giữa suối, kẹt cổ chân giữa hai tảng đá to, hạ chân vào đá quá mạnh…dẫn đến những quả đau phát khóc, phải giơ tay lên lau mắt vội, không dám tu tu khóc vì em Hồng còn đang vừa thở vừa lết đằng sau bi đát hơn mình rất nhiều, chỉ dám đau quá mà aaaaaaaaa thật to
- 1 tiếng tiếp theo vừa đi vừa soi đường, tay không cầm đèn pin vì chân bây giờ chỉ làm công cụ bệ đỡ, còn lực là do 2 cái tay lành lặn vít cành, vịn đá mà zeo người hạ chân xuống nên cứ vừa đi vừa dò đường, chỗ nào tối quá lại cầu khẩn đến chị porter 34 tuổi, chị ấy cũng thương cứ động viên mãi, cố lên đi nhanh không tối, cố lên sắp đến hồ cá rồi, cố lên 40’ nữa là về tới nơi. Lúc đi yêu suối bao nhiêu thì bây giờ ghét suối bấy nhiêu, tại sao mà đi hết suối này lại đến suối khác, cứ thấy suối mãi là suối, suối như là bất tận. Mãi đến khi chị porter bảo hết suối rồi 30’ nữa thôi thì lại đến một đoạn lên dốc xuống dốc đường bằng lổn nhổn đá nhỏ, khe nước, mà đến cái tầm ấy, chân không phân biệt được đâu là đất khô, đâu là vừa lội qua nước, mắt không nhìn được đá, không nhìn được đường mòn, nhiều đoạn cứ theo cái tấm sáng trên gùi chị mà đạp lên cây lên cỏ để tiến đến chỗ chị (may phước cho tôi là những lần ấy tôi không đạp trúng, zẫm trúng vào rắn riếc gì). Khi chân chị porter đặt lên cái chỗ 40cm bề ngang xi măng khoảng 4 bước chân thì đầu tôi mới chợt tỉnh, ồ, về đến chỗ hào nước rồi hả chị ơi? ừ, về tới đây rồi. Tôi cảm thấy mình như về đến nhà, dù lúc này chỉ là đi thăng bằng, đi trên nền bằng phẳng nhưng là một thứ thăng bằng tôi luôn kém, nhất là khi tôi bị tâm lý nhìn một bên là vực thẳm, một bên là lạch nước, hụt chân một bên là ngã xuống vực một bên thì dễ gây sai trái chân nên dù tôi đi tốc độ tăng lên hẳn do chân chịu được đoạn này nhưng thần kinh cứ căng ra. Dù đã rất tập trung nhưng cũng hụt chân 1 phát, may mà ngồi thụp xuống buông thong chân còn lại còn tay ôm lấy cái hào xi măng cao khoảng 80cm. Chị porter bảo có sao không, cẩn thận, sắp tới nhà rồi. Rồi thấy tôi có vẻ bết quá, chị cười bảo chị cũng mệt lắm, muốn vứt chỗ đồ trên lưng đi mà không dám vứt, đã bao giờ đi xa như thế này đâu. Rồi chị kể chuyện và dạy rằng, đi lên rừng thì nhớ đi theo đoàn vì dễ lạc, nhưng lúc xuống núi nếu có bị lạc thì cứ đi theo suối, chị bảo năm ngoái có bạn xuống núi bị lạc, bạn đi theo suối mà từ núi này bạn í lạc, đi theo suối đi thẳng về tận Sapa, sau đó mới gọi người đến Sapa đón được (mà từ núi này tới Sapa khoảng 60km)
Tôi túc tắc đi thêm khoảng 5’ không có porter, các chị ấy phải về nhà cùng ông Tú và Sơn vọt lên trước để xếp đồ vì xe khách đã gọi rồi, lúc ấy là 19h25. Tôi vẫn có cảm giác mình đi sai đường, nghe phía trước có tiếng chó sủa, có nhà dân nhưng lại có 1 vài chỗ rẽ, đầu óc tôi không thể nhớ được tí đường hướng nào trong đô thị, nói gì đến đường rừng núi làng bản. Đang ngoạc mỏ gọi Tú ơi Sơn ơi thì em Hồng từ đằng sau xuất hiện, EMi ơi, chị còn nước không, cho em uống với. Tôi quay lưng lại nhìn thấy cái đèn hết pin mờ mờ của cô ấy trên trán, theo sau là một vài bóng người đen đen. Tôi nghĩ rằng chưa bao giờ tôi thấy hình hài con người có bóng dáng thiên thần đến như thế. Và vài chục bước chân tiếp theo về tới cửa nhà porter, tôi thấy mình như đang trên thiên đường pacman emoticon
Đúng 19h35’ tôi và Hồng ngồi lên xe máy để ông Tú thồ ra chỗ xe khách đón, vừa hạ mông ngồi xuống đường cởi được đôi giày, tất, giải phóng chân thì tôi chứng kiến cảnh em Hồng ôm cửa sắt nhà dân xin ăn cơm và uống bát canh. Chúng tôi không còn gì bết bát hơn, đến như tôi còn phải cầm xúc xích đậm mùi thịt nhai như nhai rơm nhai zạ thì đúng là bết lắm rồi.
Đúng 20h tôi yên vị nằm trên xe ô tô về Hà Nội, từ 20h 12/03 đến 3h30 13/03 tôi chỉ yên vị nằm trên xe ô tô và uống nước, vẫn không tin là mình đã xuống núi
Tắm rửa xong xuôi 6h 13/03 tôi lên giường đi ngủ. 11h tỉnh dậy uống hết 2 cốc nước 300ml, ăn 2 quả táo, mở cửa thấy hàng ngô, mua 5 bắp ngô, thèm đậu phụ rán chấm xì dầu, thèm canh rau cải nấu, thèm trứng rán, thèm cơm nấu chín. Đó là bữa đầu tiên cơm nhà của tôi xuống núi.
Đến giờ ngồi viết đống chữ này, tôi lại thấy cái lời hứa hôm qua rằng có lẽ Pu Si Lung chị sẽ đẩy sang năm sau mới leo, trở thành một lời hết sức sáo rỗng. Vì tôi lại thấy bình thường về mặt tâm lý rồi, tức là chỉ cần đầu gối lành thì có đoàn leo Pu Si Lung là tôi sẽ tham gia luôn tongue emoticon. Còn em Hồng lên ô tô đã tuyên bố em giã từ sự nghiệp leo núi từ đây, em nói rất chắc chắn, nhưng ai biết điều gì sẽ xảy ra chứ pacman emoticon
Tôi cảm ơn cả đoàn 11 thành viên còn lại và 3 porter đã cùng tôi đồng hành chinh phục đỉnh núi này. Tôi cảm kích sự giúp đỡ, lòng nhiệt tình, tinh thần lạc quan, vui vẻ mà cả đoàn đã tạo ra trong suốt chuyến đi, đặc biệt là 3 leader của Go Trekking anh Thành, Tú con vẹt và Sơn tăng động.
(Khi nào leo lại Pu Si Lung, nhớ ới chị nhá, Tú con vẹt)

9.3.16

Nymphée Nymphéas



Tội mộng mơ tôi chấp thuận để người ta định đoạt
(Nymphée - Louis Aragon)

Nếu cuộc sống như sống trong một bức tranh, không bao giờ mong đào thoát được khỏi khung tranh. Nếu cuộc sống như sống trong một ao tù, dù cái ao hoa súng có nổi tiếng và đi vào lịch sử thì dưới bề mặt hoa súng bảy sắc cầu vồng vẫn là một làn nước tối, làn nước là sự kết hợp của tất cả các gam màu, nó tạo ra màu đen. Sống như vậy rất gần với sống trong một khu vườn đẹp của nhà thương điên.
Chỉ là nỗi buồn chán, niềm tin chắc chắn về một cuộc sống khác tồn tại ngoài kia. Ngông cuồng, tất nhiên là ngông cuồng, nhưng nó không phải điều vụn vặt. Nó là điều căn bản, rất căn bản. Bi kịch người phụ nữ trong câu chuyện Hoa súng đen của Michel Bussi gợi cho tôi nhớ đến Madame Bovary của Gustave Flaubert
Làng Giverny với khu vườn ao nổi tiếng, nơi hai trăm bảy mươi hai bức tranh hoa súng được danh họa Claude Monet vẽ tại đây là bối cảnh cho tiểu thuyết Hoa súng đen của Michel Bussi. Ba người phụ nữ sống cùng ngôi làng Giverny. Người thứ nhất hơn 80 tuổi, góa phụ, độc ác và sở hữu một bức tranh đẹp. Người thứ hai 36 tuổi, vợ của một ông chồng hay ghen, một cô giáo xinh đẹp quan tâm tới nghệ thuật và dối trá. Người thứ ba gần 11 tuổi, xinh xắn, vẽ đẹp, rất đẹp và ích kỷ. Ngôi làng Giverny nhỏ bé với vài trăm người, yên bình và nổi tiếng như vậy nhưng cả ba người phụ nữ đều mong thoát khỏi nó. Người thứ ba trẻ tuổi nhất, có tài năng, Fanette Morelle. Người thứ hai xinh đẹp, khôn khéo nhất, Stéphanie Dupain. Người thứ nhất, già nhất, kiên định nhất, nhân vật xưng tôi. 
Câu chuyện diễn ra trong 13 ngày, từ 13/5-25/5/2010, những song sắt của làng Giverny lần lượt được họ gỡ bỏ, câu chuyện thật khắc nghiệt, đau đớn, chỉ một người được giải phóng, thậm chí không một ai thoát ra, nó trở thành nỗi ám ảnh. 13 ngày lần lượt trôi qua, sự thật cứ dần hé lộ, mỗi tình tiết ngoi lên khỏi ao hoa súng là một tia sáng dẫn hai thanh tra Laurenc Sérénac ma lanh, lãng mạn và Sylvio Bénavides sục sạo, nhạy cảm đến một hướng điều tra mới, theo hướng khiến cho vẻ yên bình của ngôi làng sụp đổ trên cát và hai thanh tra lại tiếp tục đi vào ngõ cụt. Nhưng giống như sự yên ả và tiếng tăm của ngôi làng mà danh họa Monet sống, sự thật ngủ vùi, không nên được phơi bày, đó là việc của một ai đó khác.
Michel Bussi làm người đọc tin vào điều, chắc chắn là không có sự ngẫu nhiên hay tình cờ. Mỗi sự kiện đều đúng chỗ đúng thời điểm. Các mảnh ghép được xếp đặt rất tài tình, linh tính người đọc luôn ở trạng thái báo động, cả ba người phụ nữ này, người hơn 80 tuổi, người 36 tuổi, người 11 tuổi đều có sự lặp lại của số phận, dựa trên những hiểu biết, sự quan tâm, năng khiếu hội họa, họ đều có tài năng, đều có cùng một sợi chỉ mảnh đi xuyên, ba người đều có bên mình người đàn ông yêu họ đến mù quáng tội lỗi. Vậy là truyện gì đây.

Truyền thuyết về những bức tranh hoa súng màu đen như cách Monet đã quan sát cái chết của chính mình trong sự phản chiếu của những bông hoa súng và lưu nó trên vải, như làn nước lặng, như cả cuộc đời đang diễn ra dưới làn nước. Còn câu chuyện xảy ra ở ao hoa súng giờ đây lại là câu chuyện về cô bé 11 tuổi vẽ mặt nước như người ta có thể nhảy xuống đó, bồng bềnh trên mặt nước, trồi lên trên nó, thậm chí bay lên, một bức "Hoa súng" như Monet có thể vẽ khi ông 11 tuổi, những bông súng bảy sắc cầu vồng.
Quá khứ, hiện tại, thực tế và ảo ảnh được tua qua lại đan cài trong con mắt quan sát, hồi tưởng, chắp nối của nhân vật tôi, bà lão hơn 80 tuổi, tất cả được phản chiếu xuống dòng sông nhỏ định mệnh, nơi mà những cuộc đời vĩnh viễn mất đi.
Người ta có thể lấy làm kinh ngạc về những điều tình yêu làm được trong đời, nhưng cũng ngạc nhiên và tuyệt vọng không kém về những điều tình yêu phá vỡ, đục bỏ. Phải yêu nhiều như thế nào để kịp nhận ra mình đã yêu ít bao nhiêu.
Một câu chuyện viết rất khéo, và tôi có khát khao đọc lại để bới ra một chi tiết rất nhỏ "bị hớ" nào đấy mà tôi không biết có tồn tại hay không, không có gì là hoàn hảo cả (cuộc đời chả dạy thế là gì :p) biết đâu tác giả vô ý lộ 1 kẽ nứt rất nhỏ nào thì sao vì cấu tứ câu chuyện hoàn hảo, chặt chẽ quá, hoàn hảo không chịu được, cài cắm, dẫn dắt, quyện cả thực và ảo, quá khứ và hiện tại không chê vào đâu được. Hoa súng đen là quyển thứ hai tôi đọc của Michel Bussi. Giống như Xin đừng buông tay thì những nhân vật điều tra, phá án đều không đóng vai trò rõ nét mấy trong việc tìm ra sự thật, tội ác, hung thủ hay lý giải câu chuyện. Nhưng cái hay và cũng là thế mạnh của Michel Bussi chính là tính chính xác và khả năng dẫn dắt, ở Xin đừng buông tay thì thế mạnh của giáo sư địa lý Michel rõ nét khi ông lồng vào câu chuyện địa lý vùng đồi núi, gió biển, hiện tượng sương mù trên núi..., còn ở Hoa súng đen thì tính chính xác ở các mảnh ghép thời gian. Hoa súng đen sẽ nằm trong top truyện 2016 của tôi, tôi biết tôi sẽ thích nó ngay cả khi chưa đọc nó một chút nào, chỉ đơn giản vì tôi tin vào Michel Bussi, còn khi đọc nó rồi thì tôi càng tin hơn ở việc mình hiểu cái gout của mình, cũng như việc tại sao thể loại này ngày càng có xu hướng là chính văn chương hơn bất cứ gì được định danh là tác phẩm văn chương. Ngôi làng Giverny cũng như câu chuyện của nó làm tôi nhớ đến thị trấn Fjallbacka của Công chúa băng, và thị trấn nhỏ gần biển Aurora của Sự thật về vụ án Harry Quebert hay Chuyện nàng Nola, về việc yêu một người. Nhưng Hoa súng đen và Công chúa băng gần nhau hơn còn bởi những mảng màu nữa, gam màu đỏ trên nền gạch trắng như tuyết và gam màu đỏ loang ra dưới sông như rửa cọ vẽ.

ps: Tôi là người không biết gì về hội họa cũng như các giá trị của nó. Nên đọc quyển này, tôi đã phải hỏi ông nội google liên tục về các danh họa :p

6.3.16

Tình yêu chết đi mà không chịu ẩn mình trong nấm mồ



Tôi đã trúng bả Romain Gary (ông là ông hoàng tại vị lâu nhất đời đọc sách của tôi), rồi Julian Barnes, rồi Ian McEwan..., thật lạ là chưa có nữ nhà văn nào khiến tôi thực sự bị trúng sét ái ân (thu hút giới tính mới thật rõ nét làm sao :v). Và gần đây nhất, tôi trúng bả Oscar Wilde. Họa mi và hoa hồng là quyển thứ 3 tôi đọc của Oscar Wilde, nó gồm 9 truyện có thể định danh là truyện thần tiên, truyện cổ tích, và tôi nghĩ nó không hề dành cho trẻ em.
Tôi đọc xong Ba truyện kể của Gustave Flaubert và nghĩ, có khi mình nên đọc một kiểu kiểu gì đó gần gần như ba truyện kể kia (dù đã được khuyên nên thử tiếp Xa-lăm-bô :p). Vì thế tôi đi lục tập truyện Họa mi và hoa hồng của Oscar Wilde, nhưng khi hết truyện đầu tiên Ông Hoàng Hạnh Phúc thì tôi lại nghĩ đến một người khác, Andersen, một cái gì đấy rất Andersen, tôi nghĩ vậy và vẫn cắm cúi đọc tiếp. Song chỉ hết được truyện thứ hai Họa mi và hoa hồng, họa mi ơi họa mi, họa mi rúng động tâm can, họa mi đẹp đẽ đau đớn mãi không thể quên ngay cả khi đã gục ngã bên hoa hồng trước buổi bình minh, thì tách một tiếng trong cái đầu hóa rồ của mình, tôi biết rằng thôi rồi, phải đi tìm Truyện cổ Andersen thật rồi, vì nó gợi lại một cái gì đấy về cái đẹp bị bỏ quên, bỏ rơi như Một mảnh lá của trời, nên tôi đã đọc Truyện cổ Andersen trước, và khi quay lại Họa mi và Hoa hồng thì thấy rõ một sợi chỉ mảnh. Tôi không nghĩ về mối nối Nàng tiên cá (Một linh hồn bất diệt) của Andersen với Chàng đánh cá với linh hồn của mình của Oscar Wilde, vì Chàng đánh cá với linh hồn của mình gần như chỉ là một mối cảm hứng được lấy ý tứ từ câu chuyện Nàng tiên cá. Tôi cũng không nói đến những ông hoàng, nàng công chúa, họa mi, cây pháo thăng thiên, bông hoa hay Giăng bị thịt hay Giant ích kỷ hay cây kim, đồng tiền xu, chú lính chì, hay cái bóng, linh hồn...vì nó chỉ là công cụ diễn giải, mà tôi muốn nói đến những câu văn rất thông thường tộc tệch, không cầu kỳ, trong một diễn giải cũng bình thường không hoa lá cành gì, nhưng cái cách thả nó vào câu chuyện thì hết sức quái dị, khiến cho cả câu chuyện xoay ngược lại góc nhìn, ở Andersen thì có thể thấy ở Một chuyện đau lòng, ở Oscar Wilder là Chú bé Sao Băng, tức là người đọc có thể đọc một truyện chục trang, thậm chí năm chục trang để đi đến cuối câu chuyện, chờ đợi một kết cục hoặc thậm chí chưa thể biết cái gì đến tiếp thì chỉ bằng bốn năm dòng cuối cùng, hai ông này dẫn ta đến chỗ ngẩn người tò te thảm hại, tự thấy mình như một vai diễn bi hài ở đời. Tất nhiên cả hai con người này, mặc dù viết những truyện cổ tích thần tiên nhưng chất hiện thực vẫn còn đó, cái kết có lúc có hậu, có lúc cái thiện lụi tàn, cái ác vẫn tiếp tục, có thể hoàng tử coi thường bỏ mặc công chúa, cái đẹp không phải lúc nào cũng ca khúc ca khải hoàn vì vốn dĩ, cái đẹp không dành cho nơi này, cái đẹp không thể ở đây.
Hình ảnh tuyệt đẹp là hình ảnh họa mi vừa cất tiếng hót vừa vươn mình  cắm sâu vào gai hoa hồng trong những giờ khắc cuối cùng của ánh trăng, khi con người được đánh thức khỏi những giấc mơ. Và đẹp đau đớn là một câu chuyện thần sầu quỷ khóc Ngày sinh nhật của Inphanta

ps: Tôi là người không hiểu giá trị của chim họa mi và cả hoa hồng, nhất là khi chưa bao giờ tôi thấy lòng thổn thức vì hoa hồng, hoa hồng xanh thì còn có chút chút, hoa mai trắng lại là chuyện khác nhé :p.

4.3.16

Chết khi đang mơ giấc mơ của mình





Từ khi biết đọc đến tận bây giờ, tôi vẫn có cái tính zấm zớ trẻ con, không thèm nhao theo số đông hoặc giả vờ không thèm quan tâm :v. Nên tuổi trẻ con, chúng bạn đọc cái gì thì thường tôi sẽ cao ngạo mà bỏ qua cái đó.
Với trường hợp Truyện cổ Anđecxen (Hans Christian Andersen) tôi cho rằng may phước cho đời biết chữ biết đọc của mình là đã gần như bỏ qua nó suốt thời trẻ con, để đến giờ U30 mới động lại, vì thực chất những câu chuyện này đâu có dành cho thiếu nhi nhi đồng. Không chút nào! (Kinh chưa, dạo này cũng dùng chấm than) :p
Andersen dùng con mèo, họa mi (ôi chim họa mi rúng động tâm can, tôi sẽ còn quay lại họa mi), cây cối, hoa lá, đồng tiền xu, chiếc kim, bù nhìn tuyết, chiếc bật lửa, nàng tiên, giấc mơ, đôi giày, chú lính chì, các vị thần, chuột chù, tí hon, thiên tinh...vân vân và vân vân, tất cả các nhân vật ấy cất tiếng nói, cái tiếng nói ấy giải thích về thế giới cũng như cách vận hành của nó (ngay cả Thần Chết); về bài học của sự đúng: đúng chỗ, đúng vị trí (Chuyện cây hoa gai, Chiếc kim thô...cái gì cũng có chỗ của chúng); khả năng dịch chuyển thỏa đáng chính là tài năng (Con trai người gác cổng); hay thế giới đã làm gì với những điều hiếm hoi tuyệt đẹp (Một mảnh lá của trời, Chim họa mi)
Có những truyện mà tôi đặc biệt chú ý ở cách kể truyện cổ, điều tuyệt vời là chỉ bằng chính cách kể rất chân phương một câu chuyện giản đơn mà có thể có được những truyện hay như Một chuyện đau lòng, cách thả tình tiết và câu văn hết sức thông thường nhưng đọc xong, không khỏi nổi gì đó trên da, ngả mũ kính phục. Cũng như Mụ ấy hư hỏng, Một người mẹ, Đứa trẻ trong mồ... đọc xong cứ nhoi nhói cảm giác kim châm đầu ngón tay. Hay những chuyện lý giải khiến ta ồ à, là như thế, là như thế đấy ư như Bù nhìn tuyết, Con quỷ sứ của ông bán hàng tạp hóa, Gia đình nhà cò...
Tôi rất muốn rằng, một khi nào đó tôi cần nghĩ về mọi thứ xung quanh, không cụ thể là nghĩ về cái gì việc gì, chỉ là muốn nghĩ về bất cứ điều gì cái gì như không nghĩ về chuyện gì thì tôi sẽ mở hú họa một truyện nào đó của Andersen và đọc thôi. Tôi tin chắc mình sẽ mỉm cười qui thuận thế giới này mà không phải quác mỏ như chiều nay: cả thế giới đang chống lại tôi à :v
Tôi thích hai câu chuyện đẹp tuyệt vời đau đớn: Bên gốc liễu và Em bé bán diêm, nên tôi đã lấy tên cho đống chữ này như bạn đã biết đấy: Chết khi đang mơ giấc mơ của mình. Hai hình ảnh cuối truyện thực sự gây cho tôi một cảm giác se lòng tê tái. Ngày xưa còn bé, tôi không nghe cô giáo giảng bài, tôi đọc Em bé bán diêm (Cô bé bán diêm) và luôn tự hỏi tại sao ông ấy lại viết một câu chuyện buồn đến thế này, buồn quá, và tôi tránh đọc lại suốt bao năm. Giờ, phước cho tôi, tôi vẫn thấy buồn quá, và chỉ có thể nhẩm trong đầu: cười lên bé yêu, không còn đói rét, không còn đau buồn nào đe dọa được em, cô bé ngủ ngoan nhé.
ps: các cô gái, chàng trai đang oằn oại vì tình yêu (vì những điều khác nữa), xin hãy đọc Nàng tiên cá. Tôi rất thích thái độ của cái kết.
Lúc nào nhớ ra thì viết tiếp