Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

30.8.15

Thuộc về một quá khứ vẫn còn gần hiện tại



Fé (Fejzo) học lớp 8 trong Người mẹ số 0 của Marjolijn Hof là một cậu bé Bosnia được nhận nuôi bởi một gia đình người Hà Lan từ lúc 3 tháng tuổi. Cậu gọi người mẹ hiện tại là người mẹ số 1, và người mẹ sinh ra cậu-người mẹ cậu chưa từng biết mặt là người mẹ số 0. Cậu tự hỏi có gì khác khi được sinh ra ở bụng của người này hay người kia? Sinh ra ở nơi này hay nơi khác? Với rất nhiều câu hỏi và tưởng tượng về người mẹ số 0, những bỡ ngỡ tò mò ngượng ngùng của lứa tuổi dậy thì, cha mẹ nuôi, chị gái (cũng được nhận nuôi) đã đồng hành cùng Fé tìm kiếm thông tin về người mẹ số 0, dù kết quả còn để ngỏ vì cậu thuộc về quá khứ, một quá khứ vẫn còn gần với hiện tại mà người mẹ ấy chưa dám đối diện.
Gia đình trong câu chuyện này dễ thương quá, nên câu chuyện thoáng buồn mà vẫn cực kỳ dễ chịu và hóm hỉnh
Tôi không nhớ mình có từng đọc quyển nào văn học Hà Lan chưa, vì Người mẹ số 0 đến từ Hà Lan. Hôm qua đọc Tôi "bị" bố bắt cóc, còn nay thì Người mẹ số 0 :p

29.8.15

Khi những vì sao trò chuyện cùng nhau



Theo như ngày tháng tôi ghi trên trang đầu sách thì hai cuốn tiểu thuyết của Mitsuyo Kakuta: Bản năng (The Eighth Day) và Tôi "bị" bố bắt cóc (Kidnap tour), tôi đọc cách nhau gần như chính xác 4 năm (tôi đã nói rồi, việc đọc và những gì liên quan đến việc đọc của tôi kéo theo rất nhiều sự lặp lại của những cái tên, con người, thời gian...nói chung là những đuổi bắt cứ tạm coi là định mệnh). Cả hai cuốn tiểu thuyết này đều xuất phát từ hoàn cảnh bắt cóc. Không giống như Bản năng là cảnh bắt cóc báo trước nhiều bất trắc, buồn bã vì người phụ nữ trong truyện đã bắt cóc đứa con gái sáu tháng tuổi của người tình, chúng ta hoàn toàn không làm chủ được tình cảm cũng như số phận của mình thì hoàn cảnh bắt cóc ở Tôi "bị" bố bắt cóc tạo ngay cho người đọc một ấn tượng, có lẽ là hài hước, tình cảm và không thể nói là không man mác.
Tôi không nói về Bản năng vì đã 4 năm trôi qua rồi, sau 4 năm trí nhớ cá vàng của tôi không mong tìm kiếm được gì cụ thể, chi tiết, cuộc đời cũng thế, nói gì đến tiểu thuyết tôi đọc :p. Tôi chỉ nhớ cảm giác về Bản năng mang lại cho mình, một câu chuyện rất buồn, một cảm giác thường trực bất an vì người phụ nữ đó bế trộm đứa bé, bắt cóc đứa bé và trốn tránh pháp luật, sống trong giáo phái, sống nay đây mai đó với rất nhiều khó khăn, hốt hoảng và lo sợ. 
Tôi nói về Tôi "bị" bố bắt cóc, cuốn tiểu thuyết mỏng tôi vừa đọc xong. Cũng giống như cuộc sống, những ông bố bà mẹ chia tay nhau vì muôn vàn lý do, thậm chí không vì lý do gì cả, người ta cứ chia tay vậy thôi. Thì, cuốn tiểu thuyết này cũng vậy, từ đầu đến cuối không một chi tiết nào tiết lộ lý do ông bố bà mẹ này chia tay, chỉ có thể ngầm hiểu ông bố này quá khù khờ, ngô nghê trước cuộc sống gia đình nhiều trách nhiệm và kỳ vọng không tên. Và cũng như cuộc đời, cứ thi thoảng bạn lại nghe thấy một câu chuyện ông bố ghé qua nhà đưa con đi chơi kiểu bất đắc dĩ không muốn/không cần thông báo với vợ cũ và ngược lại, cũng với muôn vàn lý do tại sao lại hành xử không theo lẽ thường như thế. Thì Tôi "bị" bố bắt cóc, ông bố thiếu kỹ năng sống đỗ xịch xe và rủ con gái Haru học lớp 5 đi chơi, đi dài ngày. Hai bố con đi rất nhiều nơi, nhiều trải nghiệm cùng nhau, từ lúc ông bố còn xông xênh chút tiền trong túi cho đến khi phải bới bãi rác kiếm đồ dùng và đèo nhau bằng cái xe đạp ở bãi rác, lốp xe không có hơi với hai cái bụng đói meo. Tôi "bị" bố bắt cóc nói về tình cảm cha con, tình cảm gia đình, tất nhiên rồi. Nhưng cái tôi thích hơn cả, là cách ông bố sống với con gái, nó đúng như mơ ước của tôi, có đứa con là để cuộc sống này có thêm một người bạn oách xà loách, cho đời thêm vui vì cũng như bao người, đến một ngày ta nhận ra khi ta có một người bạn ta thực sự yêu thương và yêu thương ta thì quả thật, đời ta rất oách, không có điều gì khiến ta buồn chán hay mất hy vọng được nữa, ta hiểu về trái tim mình, ta yêu người hơn và ta biết trân trọng chính ta. Cuốn sách này như một thứ từ điển cho phụ huynh, giống như khi con im lặng thì chúng muốn gì? khi con hờn những cơn vô cớ thì nguyên nhân vì đâu? con lạc quan tếu là chúng đang thương ta có phải không? Hay chỉ đơn giản thế này thôi, nó rất thích được hỏi "con có vui không?", "con đã vui vẻ chứ" khi nó đi chơi xa nhà :p
*Tôi thích các đoạn văn trang 136-137 khi cô bé Haru nằm trong lều thủng nhìn ngắm bầu trời và suy tư; thích tưởng tượng về cảnh hai bố con nhếch nhác đèo nhau bằng cái xe đạp không có tí hơi nào trong lốp, mỗi vòng quay của bánh xe nghe tiếng lịch kịch trên mặt đường, một cái lưng áo nhễ nhại mồ hôi, một cái mông ê ẩm khi ngồi xe đạp xịt lốp; thích cảnh cô bé rúc mặt vào bụng ông bố nài nỉ chúng ta cứ trốn đi như thế này đi...tất cả những tưởng tượng này tôi đều gắn M vào vai ông bố, tôi vào vai đứa con. Buồn làm sao.
*Chiều nay đi xem sách, nhìn thấy quyển Bản năng mới ớ, hóa ra Tôi "bị" bố bắt cóc là cùng tác giả à. Cuối sách có một bài của nhà văn khác viết về Tôi "bị" bố bắt cóc và một bài viết của dịch giả. Mình rất thích cuốn sách có đời sống riêng của nó, mỗi người đọc cảm nhận và hiểu theo những cách khác nhau, đi lạc, đi xa hơn cả cha mẹ đẻ của cuốn sách. Nhưng việc có thêm lời bình hay lời người dịch ở đầu hoặc cuối sách, cũng rất hay đúng không? Nó như là kết thúc quyển sách xong, người đọc được trao đổi luôn với một vài quan điểm khác về quyển sách í.

28.8.15

Một tinh thần thượng giới



Anatole France là con một chủ cửa hàng bán sách cũ ở Paris nên ngay từ nhỏ đã ham mê sách và văn học nghệ thuật dù học kém, 20 tuổi mới tốt nghiệp trung học :p. Trong thư viện của người cha, giữa đám bụi của những cuốn sách cũ, Anatole France nhanh chóng thấy khao khát tri thức. Nên có thể thấy Thiên thần nổi loạn là câu chuyện xoay quanh thư viện tư lớn nhất Châu Âu với 360.000 đầu sách của dòng họ d'Esparvieu, thông qua nhân vật thiên thần giáng phàm Arcade, tình yêu dành cho công việc trí tuệ và niềm tin tôn giáo của riêng Anatole France được thể hiện rõ nét. Câu chuyện này cho ta thấy con người ở phương diện nằm chênh vênh giữa đức tin, đức tin là cần thiết nhưng đồng thời ta luôn tồn tại những câu hỏi vì ở giữa nơi hoàng hôn và bình minh trộn lẫn, nơi thiên thần, thánh Tông Đồ và những kẻ ngoại đạo ngao du, nơi ăm ắp chất liệu cho tưởng tượng và suy tư, ta nhất thiết phải đặt câu hỏi để hiểu thấu, tìm kiếm chân lý, để nhận thức được thăng hoa, chống lại, phá vỡ tín điều xiềng xích và đặc biệt, giải phóng tư duy, khoa học và tôn giáo phản biện lẫn nhau. Thiên thần nổi loạn phủ đầy học thức uyên bác, trí tưởng tượng, sự kết hợp trong phong cách viết thâm trầm dí dỏm và tính mỉa mai đã khiến nguời đọc như lạc vào thế giới không biết nên cho là hư cấu hay hiện thực. Tác giả mang đến cho người đọc cái nhìn từ tầm cao của tháp ngà tri thức và tư tưởng, hướng cái nhìn vào thời đại. Ông mỉa mai thực tại và hiến mình vào quá khứ, lắng nghe cuộc trò chuyện của các quyển sách để hướng đến cuộc trò chuyện của con người vì vốn thiên thần cũng gãy cánh, đôi cánh gãy như chính con quỷ trong mỗi người. 
Con người sẽ chỉ hết loay hoay, hết hoài nghi khi tìm thấy một đức tin. Với tôi, đó là điều thực sự cần thiết, có như vậy mới thoát khỏi sự mông muội và ngu đần.
*nhân vật tôi thấy thú vị nhất Thiên thần nổi loạn có lẽ là ông quản thư Sariette, màu mè, ngông cuồng, rồ dại vì tình yêu với thư viện, với trách nhiệm của kẻ bảo vệ trông nom sách, và tất nhiên, với cả sách nữa
*rất ít đầu sách có đôi lời trân trọng về dịch giả như quyển sách này. Dịch giả của Thiên thần nổi loạn chính là Tuấn Đô Đoàn Phú Tứ, giải thích cho việc tại sao các chú giải trong sách có thể tỉ mỉ, cặn kẽ đến như thế 
*Tôi nghĩ là tôi hiểu sai về Thiên thần nổi loạn rồi, đọc sai Anatole France rồi, linh cảm người đọc là như thế (thấy rõ hơn mọi lần nhưng vẫn cứ viết ra để mai mốt đọc lại còn có cái tự cười mình) nên xin mời các bác. Nếu có lúc nào đấy đọc lại Thiên thần nổi loạn, tôi hy vọng mình sẽ đọc kỹ hơn về Cuộc chiến trên thiên đàng

25.8.15

Định mệnh tréo ngoe như những câu hỏi đi giữa đời lỏng chỏng *


(*"những câu hỏi đi giữa đời lỏng chỏng" mượn thơ cụ Trần Dần)

Ngày hôm qua mình post tấm hình chụp "thư không gửi" trong tập Trần Dần-THƠ, phản hồi nhận được mang đến cho mình bất ngờ nho nhỏ, mình xin không nói về bất ngờ này mà muốn nói về việc từ bất ngờ ấy thôi thúc mình muốn kể câu chuyện dài, có thể sẽ rất dài về việc quyển sách này đến với mình như thế nào, sao mình cứ nhọc công kiếm tìm, đúng là khó khăn thật và rồi mình có được như thế nào, sao mình lại nói là định mệnh tréo ngoe
Hiện giờ quyển Trần Dần-THƠ phần lớn đã thuộc về dân sưu tầm sách, có được nó nói khó thì không phải quá khó mà dễ thì không một chút nào. Nên mới có chuyện mình dặn mấy bác đến 2 năm rồi không thấy bác nào ới, dù đã đồng ý cái giá 800k 

Năm 2008, tôi 22 tuổi, báo chí đưa tin Trần Dần-THƠ sẽ ra mắt ở hội thơ VN tổ chức ở Văn Miếu vào rằm tháng giêng như mọi năm. Năm đó mưa, tôi ngại đã không đi, vì quả tình tôi không thích thơ, chưa bao giờ thích thơ. Tôi nghĩ mình sẽ đi mua sách định kỳ như mọi lần và sẽ mua Trần Dần-THƠ, sách mới xuất bản nên chắc không có chướng ngại gì. Bận công việc nên ngày sau tôi mới hay tin sách bị thu hồi. Tôi viết một bài về thái độ của nhà cầm quyền với những tác giả "treo bút", hồi ấy tôi là mục đồng mà, chỉ là anh hùng bàn phím khua môi múa mép giao du cùng những anh hùng bàn phím khác mà thôi. Lúc ấy mà tôi cố gắng mua, tìm kiếm thì chắc cũng không khó khăn nhiều nhưng năm 2008 tôi chỉ là con bé sợ ra ngoài, sợ tiếp xúc người lạ (giờ vẫn thế nhưng cải thiện hơn chút), và đi mua sách lúc ấy là lên một cái list và đưa tiền cho người thân, người quen đi nhà sách nhặt sách hộ. Nên để mua được Trần Dần-THƠ theo đường chính thống là không thể, các diễn đàn tôi không tham gia nên ở tuổi ấy, tôi hoàn toàn tin rằng việc có Trần Dần-THƠ là bất khả, nghĩ mình vô duyên rồi, không có Trần Dần-THƠ rồi.
Bẵng đi 3 tháng sau, một người quan tâm tới các vấn đề cấm vận, tự do dân chủ...ở VN search các thông tin, vô tình ra cái bài tôi viết. Anh ta đọc, sau đó loanh quanh thế nào đọc cả những thứ rất linh tinh tôi viết nữa. Anh ấy thấy thích con bé này, con bé ngồi toilet chân tung tẩy đọc sách chờ giờ Hoàng đạo mới đi tắm, và từ một con người ít tiếp xúc với người lạ, anh ta nghĩ rằng mình muốn kết bạn với con bé dở hơi kia. Vậy là gửi email và trò chuyện qua lại. Tôi đã quen M. như vậy đó. Nếu không có sự kiện Trần Dần-THƠ kia, tôi sẽ không quen M. và không quen M. tôi sẽ không là tôi như ngày hôm nay. Tôi luôn biết ơn con người này mang đến cho tôi khối tình cảm vừa đẹp đẽ vừa nhiều nỗi buồn, phá huỷ tôi hoàn toàn và tái tạo lại thành tôi như ngày hôm nay. Trong suốt thời gian có nhau rồi đến sau này khi M. đã về bên God, God yêu thương che chở cho anh thì tôi vẫn hụt Trần Dần-THƠ. Với tôi, ngoài chuyện thích thơ Trần Dần, một kiểu thích chỉ là thích mà không cần lập luận gì vì vốn thơ là để cảm, không phải để hiểu thì cụ Trần Dần và những tác phẩm nói chung, Trần Dần-THƠ nói riêng là việc tôi luôn quan tâm, nó đánh dấu một điều gì đấy liên quan đến M., tôi luôn không muốn nó phai mờ.
Lần hụt trong gang tấc cũng vẫn là năm 2008, 4 tháng sau khi sách bị thu hồi. Lúc ấy tôi phụ việc cho gia đình, chúng tôi thầu hai gian triển lãm hội chợ của một công ty nội thất phía Nam, gian hàng trưng bày ở cung Hữu Nghị. Hôm đó tôi đến công trình đi qua quầy sách báo ngoài sảnh Cung, đỗ lại xem như thói quen mỗi lần đi qua quầy sách báo. Thấy một quyển Trần Dần-THƠ, điện thoại, tiền, túi xách đều nhờ thợ xách vào gian hàng rồi nên không có gì để đặt làm tin mà cầm sách được. Tôi nói người bán hàng giữ sách cho mình, 5' sau sẽ ra lấy sách luôn. Đi vào đến gian hàng thì gặp ngay đại diện phía Nam ra kiểm tra chất lượng sản phẩm, soi gì mà soi tới số, soi chán rồi còn đứng vạch lá tìm sâu yêu cầu làm chỗ này, thay chỗ kia, đổi màu, thay đổi phối cảnh...nên đến khi tay đó đi, tôi chạy ra được đến quầy sách báo thì người ta đã bán mất rồi và đang dọn dẹp để đóng cửa. Vậy là tôi nghĩ mình vô duyên thật. Tôi chấp nhận làm quen với ý nghĩ có duyên thì sẽ gặp lại, đành lòng chấp nhận để giải thoát cho mình khỏi tiếc nuối tuột khỏi tay trong phút chốc lơ đãng.
Sau đó tôi đọc tập Đi! Đây Việt Bắc! của Trần Dần, tôi đọc trong trạng thái hưng phấn đến chính mình còn ngạc nhiên rằng tại sao mình có thể đọc sảng khoái như thế, đọc thành tiếng, tay chân vung lên, mặt mũi nở hoa hào hùng, bi tráng, mà không phải đọc một lần, đọc hàng hai ba lần, thậm chí còn thâu băng lại để nghe, để đọc theo cho đã. Mà như anh NL có nói, đọc như vậy là rất đúng điệu 
Thời ấy tôi làm bất cứ công việc gì để có tiền mua sách, thậm chí có những giai đoạn nhịn đói cả ngày, đi học từ sáng sớm, chiều tối đi làm thêm, 11h đêm tan làm về nhà ăn bát cơm nguội, để dành tiền mua sách. Nên trong giai đoạn này, tôi thuộc vị trí của từng quyển sách tôi quan tâm trên Đinh Lễ. Trong suốt thời gian đó, tôi không ngừng nhòm ngó xem Trần Dần-THƠ của tôi ở đâu trong các khe, hốc, trệt đất của các nhà sách. Điều ngu ngốc là tôi không hề hiểu rằng, tôi sẽ không thể gặp Trần Dần-THƠ ở cái phố Đinh Lễ này được, cho dù là một quyển sót lại cũng không thể có. Sau này điều kiện có tốt hơn, cũng khám phá ra việc mua sách online thú vị thế nào, vui hơn mua ở nhà sách thế nào thì dặn dò các bác tầm sách đến 2 năm, các bác ước định giá trước, 800k em có đồng ý không? Vâng, anh cố gắng kiếm giúp em. Mà đúng là như thả viên sỏi xuống mặt hồ, chủm một tiếng thẽ thọt, lăn tăn bước sóng tới vô cùng mà không thấy tăm đâu nữa. Không bác nào ới một tiếng là có sách 
Cách đây quãng gần 1 năm tôi có tham gia hội thích truyện trinh thám. Tham gia đu cành leo zây đú đởn tí thôi, vì tôi đọc trinh thám không nhiều, cái chất trinh thám tôi thích thì cũng không hót cho lắm. Cũng không để ý tới các bài điểm sách nếu đấy là tác giả mình không thích, không quan tâm nên không chú ý tới các thành viên trong hội. Đến ngày ngồi không, chả có việc gì làm thì đột nhập tường của hội xem có gì vui không, trong hội có đăng một bài, cái tay đăng bài ấy, cho hội sách giấy vì hắn chuyển sang ebook, lòng thiết tha với sách giấy không còn thắm thiết nữa, muốn chuyển những quyển sách đến với người cần, khao khát sách giấy hơn gã. Tính tôi thì không ưa giao thiệp, có thể ỉ ôi năn nỉ xin kẹo, đồ chơi chứ nhất định không xin sách, sách thì một là mua, hai là được cho tăng, ba là tôi lấy trộm, thuổng làm của riêng luôn chứ không có chuyện xin. Nhìn qua chỗ sách ấy, thấy cũng có nhiều quyển hay, tất nhiên là tham, phải nhanh tay nhanh chân xin ngay nhưng mà lại ngại, cái kiểu tính tình ấm ớ trẻ con dở hơi thôi, cứ ngượng ngượng kiểu gì. Cuối cùng thì lòng tham chiến thắng, bỉ ổi vãi, còm xin sách luôn, xin một quyển xong thấy con người dũng cảm fết, đánh liều cứ xin quyển nữa xem sao, bao nhiêu người xin cả mấy quyển, có riêng gì mình quái đâu. Xin xong có vẻ ok đến 70% thì đọc lướt lên trên bài viết thấy bảo phải inbox đăng ký, moá, ra là cái tay này đang ở xứ tư bản, làm qué gì có mẹt ở VN, đợi dài cổ 1 tháng đi nhá. Nghĩ là phải kết bạn fb để còn cảm ơn này kia mà tính con dở Lốc thì ít khi chủ động kết bạn, nhưng mà nghĩ không kết bạn, cứ thế nhận sách của người ta cũng kì quặc nên nhắm mắt đưa chân kết bạn phát, chắc chả chết đâu. Từ đấy hai chị em vào lai, vào còm cho nhao, chia sẻ chuyện lọ chuyện chai liên quan đến sách siếc và em bảo thấy chị thích sách thế thì muốn tặng cho mình nhiều sách hơn. Thời điểm ấy cũng có một bạn vừa tài trợ sách đọc, vừa cho tặng mình mấy quyển cũng rất oách. Lốc liền nghĩ: Tú ơi, mày đào trúng hai mỏ vàng rồi hay sao đó con ơi. Tự nhiên không đâu mà nhiều người cho mày toàn sách hay không vậy à kekeke
Ngày gã về VN, đợi mấy hôm gã chả nhắn nhủ gì, ra là còn bựn chiện chinh chiến và yêu đương. Đến hôm hội trinh thám thông báo off chào mừng ad ở xứ tư bản về thì mới quyết định thôi liều phen nữa, gặp mẹt nắm tay nắm chân làm quen, cảm ơn người ta, chưa đi off bao giờ thì giờ đi cho biết, cũng muốn gặp trực tiếp em zai cho sách đấy một lần cho thoả vì em ấy về có ít ngày rồi lại sang xứ tư bản cày cuốc mà. Cứ thế gặp rồi chat chit linh tinh, xong rồi thêm 2 tăng cafe nữa, lần nào cũng có sách cầm về, vì đúng như em nói, em muốn tặng chị nhiều sách hơn nữa 
Có những mối quan hệ rất sớm bắt nhịp, không biết là do có mối duyên hay chỉ đơn giản là họ giống nhau ở một khoảnh sân nào đấy mà hai chị em cứ tíu tít như hai đứa dở, ban đầu là chuyện sách siếc ông tác giả này bà nhà văn kia nền văn học nọ, sau thì bẻ lái sang đủ trò, úp ảnh bánh trái đồ ăn súc cù là món này cháy món kia quá lửa, bẻ lái liên xoành xoạch đến mức nội công thâm hậu hai chị em tự khen nhao, phong cho nhau làm chi bộ tự khen 2 thành viên nhất định em không vô địch thì chị vô địch, dù sao không được chương vàng thì cũng được giải bạc
Cách đây 1 tuần, con Lốc bị mất ngủ do uống nước trà loãng (vãi cả lý do), viết linh ta linh tinh thì một bạn cũng trong hội trinh thám vào còm, bảo là viết giống nhân vật Dưỡng viết nhật ký trong Những ngã tư và những cột đèn của cụ Trần Dần. Nhắc đến Trần Dần với mình lúc này thì không còn là niềm ao ước nữa mà nó là nỗi ám ảnh của việc vô duyên với một tác giả nào đấy, nói như cụ Vương Hồng Sển là người và sách cũng phải có mối duyên, thì đến lúc đó, mình và Trần Dần-THƠ là không có duyên. Mình sẵn lòng than luôn chuyện lỡ mối duyên với cụ Trần Dần, than là than vậy thôi vì em 9x, mong gì em để í tới thơ cụ Trần Dần và nhất là hắn thích ebook nên lúc ấy than là hoàn toàn than vô tư. Ai ngờ cái đồ đểu dở hơi Quái Nít ấy buông một câu hình như ông Ngoại em có, ban đầu kêu không tặng nữa mà trao đổi. Sau chắc thiên thần chiến thắng ác quỷ trong người nên em inbox bẩu là, nếu có thì em sẽ tặng chị 
Tim rất tệ, nó đập thình thịch, làm gì có việc gì đến với mình dễ dàng như thế được. Em bảo để em liên hệ về nhà nhờ dì tìm trong tủ sách của ông xem có còn không? Mình chỉ muốn bảo gọi luôn đi Quái Nít ơi, chị đau tim lắm mà cứ định gõ vài chữ í thì lại đủ tỉnh táo ngăn lại, định gõ rồi lại xoá, cứ thế lần chần phải tự ngồi an ủi mình, thôi, chấp nhận đi, phải có duyên mới gặp, đừng hy vọng quá, sống tùy duyên đi con Lốc ơi
1 hôm không thấy em nói gì, định hỏi em nhưng mà lại thôi, đã bẩu tùy duyên đi mà
rồi mấy tiếng cuối ngày lại trôi qua tiếp, định hỏi em mà lại thôi, lạy Chúa, mày bình tĩnh hộ tao cái.
ngày sau em nói tin tốt là đã tìm thấy sách, tin xấu là phải từ từ thương thuyết đã nhóe
lại vò võ chờ đợi, dễ thế này có phải mơ không, cụ Trần Dần ơi cụ Trần Dần hởi
đến một buổi chiều cuối tuần em bảo, sách đã có mặt ở Hà Nội. Huraaaaa, nhưng mà Lốc ơi, mày rón rén cho tao nhờ. Uống hết cốc nước, thở đều rón rén hỏi em là người giữ sách có giữ cẩn thận được không, nhờ người ta giữ cẩn thận đến ngày em về VN mang sách cho chị được không? Em bảo hôm nay trời HN bị làm sao, tiết trời không tốt hay sao mà con Lốc nó bị ẩm, không muốn cầm sách luôn à 
Tim con Lốc càng lúc càng đập thình thịch, từ lúc nhận được tin tới lúc đi nhận sách là 1 ngày mà càng lúc càng hồi hộp không chịu được. Nghĩ ra đủ thứ nào là mưa bão to không thể đi được, nào là vô tình quyển sách bị thất lạc thì sao, sách cầm trên tay mà vô tình có chiện gì xảy ra thì sao...nghĩ tới mức mà thấy mình thành kẻ lẩn thẩn quá rồi
cách giờ hẹn 1 tiếng, em ở xứ chuột túi, chị ở xứ rau muống  chat chit qua lại, chị hồi hộp thấy bà cố làm em ở tận xứ bên kia cũng hồi hộp theo
giờ G đã điểm, 17h Hà Nội vẫn nắng cháy zát da, con Lốc lên xe đưa địa chỉ nhờ người đèo đi.
càng lúc càng hồi hộp, bấm chuông cửa 3 tiếng, hoa im lặng không một âm thanh, nhớ ra em bảo chuông hỏng. Đang định cất giọng anh gì ơi, anh gì anh trai của Nam dở hơi ơi thì chợt nhớ ra mình không thể, không nên hiện nguyên hình là con điêng như thế được. Thế là rút điện thoại gọi, nghe câu anh không ở nhà, tí thì lộn cổ ngã vì đau tim hụt hẫng, may sao ảnh bồi câu để anh bảo em gái anh mở cửa.
Cuối cùng cũng cầm Trần Dần-THƠ trên tay, đi khuất khỏi cánh cửa nhà em, vừa gõ nhịp chân trên bậc cầu thang cố chứng minh tính hiện hữu của sự việc vừa nhẹ nhàng mở sách ra nhìn. Ngay trang đầu tiên là tên của người chủ cũ, như sau này em có nói đó là tên ông Ngoại em, tên hệt như thân yêu, M., tim lại đập loạn lên, vừa ngỡ ngàng xúc động vừa mỉm cười nói nho nhỏ: M. à, M. trêu đùa em đấy ư. M. về bên God rồi, M. quậy vừa thôi chứ 
Ngồi lên xe, mở sách ra đọc luôn, thằng ku chở mình đi quát, gấp sách vào, về nhà không đọc được à? cứ làm như là quý lắm. Cầm sách trong tay rồi, hoàn hồn rồi thì bây giờ ngoan như cún con, gấp sách lại luôn, ôm khư khư trong lòng suốt quãng đường về, nhìn trời cao nắng nóng hầm hập giờ tan tầm không một chút khó chịu, sao thấy nay mình yêu cái thành phố chết tiệt này thế 
về tới cửa nhà, giơ sách khoe ông bố, bố ơi, quyển sách con nói đây này. Ông bố bảo đưa bố xem nào, ông lật trước lật sau xem xong bảo, có 70 nghìn thôi à. Vâng, bố ơi, 70 nghìn vô giá của con đấy bố ơi, vô giá của con đấy.
cả buổi tối cầm sách lên. Mở ra. Đặt xuống. Cầm lên. Mở ra. Đọc vài chữ. Đóng lại. Vuốt ve bìa. Cười sung sướng. Cầm lên. Vuốt ve. Mở ra. Vuốt ve. Đóng lại. Đặt xuống. Ngửa mặt cười. Cầm lên. Đặt xuống. Cười toét mỏ. Cầm lên. Mở ra. Cười. Đóng vào. Đặt xuống. Cầm điện thoại kêu than, Ôi tôi hạnh phúc quá, Ôi, tôi sung sướng quá 
sáng hôm qua mở sách đọc tỉ mỉ, ớ ra ngày mình cầm trên tay quyển sách cũng là ngày sinh cụ Trần Dần 23/8, cụ bước sang tuổi 90 nếu còn sống. Nhờ Trần Dần-THƠ mình quen thân yêu, đánh dấu một cột mốc biến đổi mình thành Tú Trước và Tú Sau. Có được Trần Dần-THƠ nhờ cháu ngoại của người chủ cũ, ông tên giống thân yêu, cầm sách trên tay vào đúng ngày sinh cụ Trần Dần. Sống tới giờ, được 30 năm, từ lâu rồi bắt đầu nhận ra sự lặp lại của những cái tên, những con người, những mốc thời gian nên thêm lần này nữa, thì chỉ có thể mỉm cười trước sự đuổi bắt của thời gian, của số phận, định mệnh. Mình đang tự hỏi định mệnh tréo ngoe định dẫn mình đi đâu, một người bạn nhỏ Quái Nít à? Này, đồ đểu, hay iem là siu nhưn Gao biến hình mà chính em cũng không biết í, nên hai chị em cứ liên tục có những trùng hợp buồn cười vì rằng là á, chị cũng là siu nhưn vàng mờ, chỉ siu nhưn mới có những phi vụ siu nhưn như vậy thôi á
Mong chúng ta mãi vui thế này nhá, Đồng Lão rất thích nhận sách Quái Nít cho, tặng  ♥♥♥
Như những câu hỏi đi giữa đời lỏng chỏng , định mệnh rất biết cách đùa tréo ngoe.

24.8.15

Thêm phát nữa Fred Vargas



Xác chết dưới gốc sồi không có anh cảnh sát trưởng Adamsberg, vẫn nhiều lỗi dịch, làm sách đỡ cẩu thả hơn quyển Đứa con ngoài giá thú. Và khá hơn ở điểm nữa là, dù dịch tồi tệ thì ít ra người đọc thi thoảng vẫn nhìn thấy chất của Fred Vargas: 
1, những nhân vật phá án hết sức điên rồ, một anh chàng hay suy tư chỉ thích mặc áo đen, một anh chàng thích khỏa thân và luôn cho rằng trên người mình chỉ có duy nhất một đôi dép là quá đủ, một anh chàng lúc nào cũng chỉ nghĩ đến cuộc chiến 1914-1918 một con sâu rượu và luôn phải đeo cà-vạt trong bất cứ tình huống nào, một ông cảnh sát về vườn thét ra khói lửa trong từng suy luận. Bộ sậu 4 người làm nên nhóm phá án mang màu sắc: ai cũng có trong người một nửa thiên tài và một nửa đần độn. Thật đau buồn, nhưng tin tôi đi, đó là sự thật. Cá nhân tôi thích Fred Vargas cũng có lý do tôi yêu cách bà tạo dựng nhân vật phá án: lơ tơ mơ ưa suy tư, một hai phần thiên tài-năm sáu phần điên rồ lãng mạn-hai ba phần đần độn ngớ ngẩn 
2, Những mẩu rất nhỏ các chi tiết tưởng chừng không có chút tíu tiu nào liên quan đến vụ án thì bỗng dưng được dựng dậy tất cả, hoàn chỉnh một bức tranh ghép tổng thể ăn khớp với nhau từng chút một. Một phong cách rất Fred Vargas. Ở Xác chết dưới gốc sồi có cái hay là phần lớn những người liên quan vụ án đều không có chứng cứ ngoại phạm chắc chắn.
3, Luôn đòi hỏi sự kiên nhẫn của người đọc, một kiểu văn chương rất Pháp khi mà phần lớn người đọc trinh thám vẫn thích những vụ bom nổ, giết người hàng loạt, sớm xuất hiện xác chết, máu me be bét như phim vân vân và vân vân thì việc đọc trinh thám của Fred Vargas đòi hỏi nhiều hơn, đặc biệt là yếu tố lãng mạn trong từng khung cảnh và nhân vật, một không khí cổ xưa, u tịch và đơn lẻ như đi bộ trong đêm mù sương

ps: 
- em đã gửi tặng Xác chết cho các bác 
- đọc 50 trang đầu thật muốn điên vì vốn đọc Fred Vargas là phải nhẩn nha kiên trì, mà giờ còn thêm dịch ẩu, chả hiểu gì, có nhiều đoạn văn không thực sự hiểu người ta đang nói cái gì, soi từng câu cho hiểu thì kết luận người dịch dịch như google translate nên càng oải, nhưng nửa sau chuyện thì vào guồng, lỗi dịch cũng đỡ hơn nên câu chuyện vẫn cuốn hút như thường
- mang trong lòng nỗi sầu muộn Đứa con ngoài giá thú quá oải vì nó nằm ở thời kỳ chưa đỉnh cao của Fred Vargas, dịch và làm sách ẩu, câu chuyện chán ngắt nên khi đọc Xác chết dưới gốc sồi cũng hơi hoang mang style. Nhưng đọc được 1/3 truyện thì được an ủi đáng kể rằng, một tương lai gần sáng sủa hơn rất nhiều Đứa con ngoài giá thú. Và đúng là thế thật, không thể so với series Adamsberg nhưng Xác chết dưới gốc sồi không tệ chút nào.

19.8.15

Thêm một của Fred Vargas





Fred Vargas của nhà cháu đây các bác ợ. Hôm vừa rồi nhà cháu mua được Đứa con ngoài giá thú, nhà cháu mừng vui hết cỡ. Xong rồi hôm nay nhà cháu đọc xong, mẹt nhà cháu nhão như phô mai bỏ lò nướng . Những gì mà nhà cháu từng mê mẩn ở Fred Vargas thì mất tiệt ở quyển này ạ. Buồn nhất là không tìm được chút văn chương nào.
Nhà cháu đi đến kết luận, Fred Vargas của nhà cháu là phải đi kèm với zai cảnh sát trưởng Adamsberg của nhà cháu cơ, không có anh ấy thì mất toi phong vị của Fred Vargas. Thật 
Nhưng mà dù sao, nếu Fred Vargas mà không có Adamsberg thì nhà cháu vưỡn cứ đọc. Nhà cháu kêu thế để các bác chưa có Đứa con ngoài giá thú đừng buồn lòng. Vì ngoài lý do Đứa con ngoài giá thú là cuốn có nội dung yếu ớt nhất trong các cuốn của Fred Vargas mà nhà cháu đã đọc thì còn thêm chuyện sách làm rất cẩu thả, tên nhân vật gõ nhầm lung tung, đáng là Valence thì oánh thành Valhubert thậm chí Vitelli, lỗi chính tả dày đặc, câu phủ định, khẳng định phộc tu nhau hết cả, các chú giải thì oánh kèm luôn ngay sau cái cần chú giải (kiểu viết trong ngoặc đơn như thế này này, xong rồi gạch ngang-ND)...Nhà cháu ngay từ đầu đã có dự cảm chẳng lành, khi mà tìm mãi không thấy tên dịch giả, nhưng vì quá thích Fred Vargas nên nhà cháu vẫn cứ đọc. Có khi nào Đứa con ngoài giá thú đã bị cắt cúp, rút gọn lại khi chuyển sang tiếng Việt ko các bác?
Sau này, nếu có vợt thêm được quyển nào nữa của Fred Vargas thì nhà cháu vưỡn cứ đọc như thường. Vì nhà cháu thích bà ấy lắm 
ps: bác nào có Xác chết dưới gốc sồi không ạ?

18.8.15

Đoạn tuyệt với hiện tại



Càng đọc tôi càng không thể ngừng ngạc nhiên với nghề viết, tôi tự hỏi, còn có gì mà người ta không thể nghĩ ra nữa không, còn có gì mà người ta không thể nhét nó vào tiểu thuyết nữa hay không . Tác giả Ransom Riggs đam mê những bức ảnh cổ, chúng được tìm ra từ các đợt hàng thanh lý, hội chợ đồ cũ, cửa hàng đồ cổ...thậm chí từ đáy thùng rác. Vậy là Trại trẻ đặc biệt của cô Peregrine, được chắp cánh từ ý tưởng: viết câu chuyện xâu chuỗi nhân vật, sự việc trong các bức ảnh lại với nhau.
Câu chuyện ấy nói với ta rằng con người được chia thành hai nhánh cơ bản: những người với năng lực chuẩn cấu thành nên phần lớn nhân loại và những người với năng lực đặc biệt hay còn gọi là "dị nhân". Điều gì sẽ xảy ra khi ta sở hữu bẩm sinh một dạng dị năng và sống trong một thế giới luôn sợ hãi sự khác biệt. Thử hình dung ta sinh ra với khả năng tạo ra lửa, bay lơ lửng, tàng hình, nhìn thấy tương lai, miệng mọc sau gáy hay có khả năng nhìn thấy những thứ mà người bình thường không nhìn thấy...Chắc vẫn có người yêu quý ta và không hề ít người sợ hãi, ruồng bỏ và coi ta là kẻ bệnh hoạn, nhỉ. Và điều bất hạnh cho ta là, ta không có ai hiểu mình, ta không thể chia sẻ mình với những người bình thường khác biệt ta, không ai hiểu, mà vốn hạnh phúc thực sự là khi nó được chia sẻ
Thế rồi mọi chuyện sẽ đi theo hướng của nó, người nào vật nào sẽ ở đúng chỗ nấy, có rất nhiều dị năng thì sẽ tồn tại một dạng năng lực đặc biệt tối thượng, kiểm soát thời gian. Và vòng thời gian này cho phép những người dị năng sống trong nó vô thời hạn. Có điều, nó chỉ là một ngày, một mốc cụ thể nhất định lặp đi lặp lại suốt mấy chục năm thậm chí hàng trăm năm. Ta đoạn tuyệt vĩnh viễn với hiện tại. Một nơi tuyệt đẹp, cuộc sống tốt, bạn bè sở hữu những năng lực riêng đặc biệt giống như ta, thật là thiên đường. Nhưng thời gian lặp đi lặp lại. Dần dần thiên đường gây u mê cho ta như loại thuốc gây nghiện, thiên đường cũng trở thành nhà tù. Và ta tự hỏi những gì đã diễn ra ở thế giới ngoài kia-một thế giới vẫn tiến lên phía trước cùng dòng thời gian, nếu ta không chọn thế giới đoạn tuyệt với hiện tại này. Những người bạn với năng lực đặc biệt, dị năng trong câu chuyện này có thể có cuộc sống vĩnh cửu trong vòng thời gian, nhưng với cái giá đắt đỏ, sự đoạn tuyệt vĩnh viễn với hiện tại. Mãi mãi chỉ ở hình hài cũ dù cho bao nhiêu thời gian có qua đi thì họ cũng chỉ sống lặp đi lặp lại một ngày *Nghe Peter Pan nhỉ hihi* 
Ở thời đại nào, thế giới nào đi nữa, việc mong muốn sở hữu thời gian, cuộc sống vĩnh hằng, mãi mãi tươi trẻ cũng là những điều bất khả. Khát vọng quỷ dị ấy đưa con người với những ý tưởng từ điên rồ đến quái ác, ngu đần và mông muội. Bạn đọc đến đây có nghĩ giống tôi không, rằng ước muốn ta là người bình thường là khát vọng lớn nhất của nhân loại. Mỗi mùa xuân qua đi lại thấy mình gần nghĩa trang hơn một chút, sống thêm một ngày là gần với cái chết thêm một vài ngày, sống là đi dần đến cái chết. Đấy, chung quy sinh ra được là một người bình thường là điều hạnh phúc nhất, còn nếu bất bình thường, hãy nguyện cầu điều dễ dàng hơn rằng bạn đủ mạnh mẽ để tồn tại trong một thế giới sợ thứ dị biệt thay vì hy vọng thế giới chấp nhận mọi thứ mà nó tạo ra một cách công bình
1, Cách đây mấy tháng tôi có đọc một bộ tiểu thuyết 2 tập của tác giả Thụy Điển Majgull Axelsson: Phù thủy tháng Tư (stt về bộ tiểu thuyết nằm trong album sthstup-something stupid này luôn) cũng có một chi tiết chim là những nhà du hành vượt thời gian. Ở Trại trẻ đặc biệt của cô Peregrine thì cô Peregrine cũng là một loại chim ưng, cô tạo ra và sở hữu một vòng thời gian
2, Tôi nhớ rất nhiều đến Peter Pan. Với tính ly kỳ, phiêu lưu, kịch tính, kỳ bí của loạt truyện này, các bạn trẻ chắc mê lắm , vẫn còn 2 tập nhá, và phiên bản điện ảnh dự kiến công chiếu 2016. Tôi thì chỉ nghĩ tới Peter Pan thoai hahaha
3, Sách có kèm các bức ảnh đen trắng có thật, một số được chỉnh sửa, anh tác giả này ý tưởng táo bạo kinh .
Đừng nhìn bìa mà nghĩ hay hy vọng nó là truyện kinh dị nhá hahaha

15.8.15

Gieo hạt đời mình như gieo xúc xắc



Lâu rồi mới đọc một cuốn tiểu thuyết màu sắc cổ điển kiểu "áo choàng và thanh kiếm" như Scaramouche-Kiếm sĩ không trái tim, với những cuộc đấu kiếm đòi lại danh dự, những nhân vật đầy chất bi kịch, cao quý đấy nhưng cũng thật đáng thương...và đặc biệt là tính chất phiêu lưu lang bạt cần có của dòng tiểu thuyết này.
Scaramouche-Kiếm sĩ không trái tim được nhà văn Ý/Anh Rafael Sabatini lấy bối cảnh cuộc cách mạng Pháp năm 1789 làm mảnh đất để câu chuyện gieo hạt xúc xắc số phận diễn ra. Sau cái chết của người bạn thân, André-Louis con người hài hước từ trong từng tế bào luôn mang trong mình cảm giác về một thế giới điên rồ đã liên tiếp gieo đời mình vào những mảnh đất hoang để từ một anh luật sư trở thành nhà diễn thuyết, một anh hề Scaramouche, một kiếm sĩ và một chính trị gia. Rafael Sabatini kể với chúng ta câu chuyện đậm chất phiêu lưu ngang dọc tung hoành, anh hùng ca với giọng văn không thể hài hước, màu mè hơn, những cái kết, nút thắt mở không có bất ngờ, dễ đoán nhưng tại sao nó vẫn cuốn hút. Chính bởi tại màu sắc sân khấu của cuốn tiểu thuyết này, những câu thoại hài hước đúng thời điểm, những gây cấn lôi kéo đúng sự trông đợi của người đọc. Với tôi nó là câu chuyện về nhân vật André-Louis có khả năng thích nghi cao, sẵn sàng gieo hạt đời mình trên bất cứ mảnh đất nào như gieo xúc xắc số phận-một kiểu buông mình theo số phận, mặc kệ định mệnh dẫn đi, một nhân vật cao ngạo, tự tin đến bướng bỉnh, một kẻ lãng mạn si tình bảo vệ cái đẹp...tất cả những mặt của viên xúc xắc ấy nằm trong cùng một con người André-Louis cô đơn khắc kỷ dưới lớp mặt nạ của anh hề Scaramouche, mà sau này như chính cha đỡ đầu, mẹ đẻ, người thương yêu, những người bạn của anh có từng ngạc nhiên xen lẫn sợ hãi thừa nhận: phải chăng anh là một kẻ không có trái tim?
Một thứ hài hước chua, nhỉ. Thế hóa ra cuộc đời vốn dĩ buồn là phải đi kèm với rất nhiều nước mắt, trong khi cái cười có thể giải quyết nó với đầy đủ buồn bã, bi kịch, hơn thế rất nhiều lần. Một gã hề, tìm ra chính mình, tìm về với di sản của chính mình với thái độ trước cuộc đời mang đầy đủ màu sắc sân khấu là phương cách hữu hiệu để đối phó với cuộc đời được gieo hạt giống rắc rối từ bàn tay quỷ quyệt mang tên Số phận.

11.8.15

Hạnh phúc



Trích Chương12: Nụ cười. Alain nói về hạnh phúc (Émile Chartier)
"Cha tôi từng có thời gian quan sát súc vật do công việc của ông và thấy rằng, tuy chịu cùng những điều kiện như con người và có xu hướng lạm dụng ngang với con người, súc vật ít đau ốm hơn con người. Điều đó làm ông kinh ngạc. Ấy là vì con vật không có tâm trạng, ý tôi muốn nói đến sự cáu giận, mệt mỏi, hay chán chường, những cái được chính tư duy con người dung dưỡng"

con Lốc liền nghĩ như nài:
Ầy, có phải nghệ thuật ở đây là ta điều chỉnh tâm trạng của mình với liều lượng thế nào để có được sự lạc quan. Nếu ta vô tư hề hề hềnh hệch thì cũng không khác gì vật vô tri giác, không nói tới súc vật nhé, vì đừng nghĩ rằng chúng không có xúc cảm, cái này là sai hoàn toàn, khi ta vô tư hề hề quá thì chả cách vô tâm vô tính là mấy chốc, từ đấy đến vô cảm cũng chẳng bao xa. Người ta vốn cần đủ nhạy cảm để thấu hiểu và yêu thương lấy xã hội, nhỉ ;)
Nhưng nếu lúc nào cũng chộn rộn lên thì sao? Bộ não con người vốn chỉ sử dụng có 10%, nếu dùng đến 40% thì nó sẽ tự tích hợp và mở nốt 60% còn lại, đến lúc ta hoạt động bộ não với đầy đủ 100% công suất thì rất nhanh chóng ta đi tới tự hủy, và tan biến như một que diêm vụt cháy sáng một lần trong đêm. Vậy chỉ nói tới 10% bộ não con người hoạt động bình thường thôi nhé, nếu lúc nào 10% này cũng rộn lên với mọi căng thẳng, áp lực thì sao? Thì sẽ rất dễ dàng ta lo rằng ta mãi không ngủ được thế này thì ta sẽ mất ngủ mất thôi, và đúng là cái lo mất ngủ ấy dẫn đến mất ngủ thật sự. Ta lo lắng rằng ngay khi ta lo lắng thế này thì dạ dày ta sẽ đau và đúng là cái lo sợ sẽ đau dạ dày dẫn đến dạ dày đang đẹp như tranh chuyển thành dạ dạy chộn rộn đau như Tôn Ngộ Không đại náo. 
Nói như 6 tỷ đường đến hạnh phúc (Stefan Klein) thì ta cần phải biết cách đánh lừa bộ não. Cụ thể thế nào thì mời các bạn đọc sách, những 6 tỷ đường cơ mà . Tôi đùa thôi, cuốn sách đó dựa trên những nghiên cứu khoa học, tâm lý học về bộ não cũng như phản ứng của nó với các tác nhân, từ đó chỉ ra các liệu pháp giúp đỡ ta tiến gần đến trạng thái cân bằng, tư duy lạc quan và cảm giác hạnh phúc, cảm giác thôi nhé, vì hạnh phúc là cái đến từ trong ta không phải cái đi vào ta, không phải cái ta có cố với, hay làm gì đó mà có được . Còn như Alain nói về hạnh phúc thì liệu pháp để điều chỉnh một trạng thái phù hợp là mỉm cười. Ta giả vờ duỗi người, giả vờ ngáp là cách tốt nhất chữa bồn chồn, lo lắng. Tậm trạng tồi tệ, tự nó nói với nó, tự nó dung dưỡng nó. "Thiếu đi sự khôn ngoan, ta phải viện tới phép lịch sự, chúng ta phải tìm đến nghĩa vụ mỉm cười"
kekekke, đó có phải là lý do vì sao cuộc đời ta phải viện đến rất nhiều thú vui, kẻ bàng quan, cứ hềnh hệch mua vui vài trống canh để quên đi chốc lát một bè lũ tư duy bi quan?

Tôi rất thích đoạn này trong Kinh Thánh, Mathiơ 6:34 (Mathiơ, Chương 6, câu 34): Thuốc giải độc cho sự lo lắng (The Antidote for a Worry Life):"Vậy, chớ lo lắng chi về ngày mai; vì ngày mai sẽ lo về việc ngày mai. Sự khó nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy"
Gì chứ việc để cuộc đời dẫn đi, chiện sẽ đi theo hướng của nó thì con Lốc cũng khá phết đấy (dù đang nhiệt mỏ lòi ra, người ta bẩu nhiệt miệng là do căng thẳng í :v). Nên mí phải đọc và viết linh tinh thế nài cho nóa xả sờ tờ rét. 
Cuối tuần cười nhiều vào nhá 
Ps: sách được tài trợ bởi Đồ Dở Hơi

8.8.15

Romain Gary và hạnh phúc của việc đọc




6 năm trước, tôi bắt đầu biết đến Romain Gary qua Lời hứa lúc bình minh, cảm thấy mình may mắn, bao hàm biết ơn nữa, vì tới tận lúc ấy mới đọc được một quyển tiểu thuyết và thấy kỳ khôi làm sao, con người ta có thể viết như thế, đưa đời mình vào tiểu thuyết như ngắm nhìn đại dương bao la vậy. Lời hứa lúc bình minh với tôi là một trong những tiểu thuyết có hình ảnh người mẹ hay nhất, bà ấy rất oách bởi tính thất thường màu mè và không kém phần dũng mãnh , mà như về sau này Romain Gary có trả lời phỏng vấn, đại ý rằng có rất nhiều người mẹ oách như mẹ ông, thậm chí oách hơn nhưng bị rơi vào quyên lãng, còn mẹ ông sở dĩ được biết đến, ra khỏi sự quên lãng vì con trai bà đã viết Lời hứa lúc bình minh , đã đưa bà vào một quyển sách (thật ra là nhiều hơn một quyển)
Nửa năm sau đó thì tôi đọc Cuộc sống ở trước mặt, Romain Gary viết dưới bút danh Émile Ajar. Cuốn tiểu thuyết này tôi được anh NL tặng, người mà tôi vẫn luôn dõi theo, cập nhật những gì liên quan đến văn chương chữ nghĩa một cách đều đặn nhất. Và hiềm một nỗi, tôi nghi ngờ rằng con người này và Romain Gary có rất nhiều điểm trùng khớp: một vài chi tiết tiểu sử, chứng cuồng viết, thái độ với thế giới vừa ngông ngạo, vừa xấc xược đau đớn vì tính ngu độn, xoắn vặn của nó. Như người ta vẫn nói, sự lặp lại trùng khớp định mệnh kiểu này là coi như bị ám vào đời nhau 
Dông dài thế, cũng để nói đến quyển Chó trắng vừa mới đọc xong. Chó trắng là quyển thứ ba tôi đọc của Romain Gary, tôi thấy rõ chứng cuồng viết của ông, kết hợp với hư cấu, màu mè, con người hơi ngông dở, hờn giận kiểu trẻ con quá khổ tạo nên những tác phẩm hết sức chân thật về chính ông (bà mẹ, người vợ minh tinh màn bạc một thời Jean Seberg, chiến tranh...) nhưng lại như tiểu thuyết, hẳn phải là tiểu thuyết. Chó trắng lấy bối cảnh nước Mỹ năm 1968, ngay gần sự kiện mục sư da đen Mỹ Martin Luther King, lãnh tụ đấu tranh chống phân biệt chủng tộc bị ám sát, lúc này Romain Gary đang sống cùng cô vợ minh tinh màn bạc Jean Seberg ở Hollywood, thời điểm nước Mỹ coi một đám cưới "khác màu da" gây tang tóc cho một thành phố hơn cả cái chết bi thảm của một cậu thanh niên mới lớn. Đúng là một chủ đề đủ sức khiến Romain Gary điên tiết và khi con người màu mè này điên lên tức là tất cả sẽ được nhét, tống vào một quyển sách, hay là việc viết. Cuốn tiểu thuyết được mở đầu bằng chú chó xám Batka, giống béc-giê Đức, bảy năm tuổi đi theo Sandy chú chó dòng Đan Mạch của Romain Gary về nhà. Batka gây ấn tượng sức mạnh và thông minh, vấn đề là Batka trở nên hung dữ tàn bạo với những cơn thịnh nộ súc sinh khi nhìn thấy người da đen.
Batka được huấn luyện đặc biệt để chuyên tấn công người da đen. Batka là một white dog, chó trắng.
Từ đấy, vấn đề được đưa đến người đọc của Chó trắng là về người da đen Mỹ, về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc như Romain Gary có tự nhủ rằng "vấn đề da đen ở Mỹ đặt ra một thực tế nan giải: đó là sự ngu đần. Nó bắt rễ từ trong chiều sâu của thế lực tinh thần lớn nhất mọi thời đại, là cái ngu ngốc. Trong lịch sử, không bao giờ trí tuệ có thể giải quyết thành công những vấn đề của con người khi tính chất chủ yếu của vấn đề này là cái ngu đần. Trí tuệ chỉ đi vòng tránh vấn đề, dàn xếp với chúng bằng sự khôn khéo hay bạo lực, nhưng mười lần thì hết chín, khi trí tuệ tưởng đã thắng lợi rồi, nó lại thảy tất cả sức mạnh của sự ngu đần bất diệt mọc lên trên chính mảnh đất của nó. Chỉ cần coi những gì sự ngu đần đã làm với những thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản, chẳng hạn, với sự ngập tràn lũ tinh trùng của cuộc "cách mạng văn hóa", hay lúc tôi đang viết đây, với cuộc tàn sát trong vụ "mùa xuân Praha" nhân danh "tư tưởng Mác Lênin đúng đắn" 
Bám víu vào niềm hy vọng, không ai bằng Romain Gary. Đúng như ông nói, hành động quân sự mà ông khâm phục nhất là đào tẩu thì việc ông viết Chó trắng là cách thức ông rời bỏ vấn đề người da đen Mỹ, vấn đề phân biệt chủng tộc, ông viết để quên, để đào tẩu, "tống nó ra khỏi ta", như ông nhét, tống tất cả những gì không chịu nổi về thế giới vào tiểu thuyết.
"Anh không chịu đựng được nữa. Mười bảy triệu người da đen Mỹ trong nhà mình, là quá nhiều, ngay cả với một nhà văn chuyên nghiệp. Với anh, tất những gì cái chuyện ấy có thể đem lại cho anh, là thêm một quyển sách nữa. Anh đã làm văn học về chiến tranh, về thời bị chiếm đóng, về mẹ anh, về nền tự do của Châu Phi, về bom đạn, anh dứt khoát từ chối làm văn về người da đen Mỹ. Nhưng em hiểu cái ấy nghĩa là thế nào: khi anh vấp phải một cái gì đó mà anh không thể làm thay đổi được, không thể giải quyết được, không thể vực dậy được thì anh loại trừ nó ra. Anh tống nó vào trong một quyển sách. Sau đó anh không bị nó đè nặng lên mình nữa. Anh ngủ được hơn. Thế là, anh bỏ đi. Anh không thể xuất bản văn học vì người da đen. Anh dứt khoát từ chối"
"Anh sẽ thí cho chúng một quyển sách về nỗi đau khổ của những người da đen, một cú gậy thần sẽ chấm hết mọi nỗi đau khổ của người da đen...Anh sẽ tống mười bảy triệu người da đen của em vào một cuốn sách"
"Tôi đã bắt đầu chán ngấy vấn đề da đen, điều đó, cuối cùng, khiến tôi hiểu ra một chút rất, rất, rất nhỏ những gì chính đám quần chúng da đen đang phải cảm nhận. Tôi cảm thấy cái nhu cầu cháy bỏng được tách biệt, được tha hóa tuyệt nhiên trước nay chưa từng có trong lịch sử của sự cô đơn. Với một nhu cầu phân lập đến thế trong tôi, thì cần phải có thể sáng tạo một thế giới mới. Tôi bắt tay làm tức khắc: suốt buổi chiều tôi ngồi viết"

như biểu hiện của tuyệt vọng, bế tắc và đau khổ, white dog lại được huấn luyện thành black dog-tấn công người da trắng. Người da đen có tình yêu nồng nàn với nước Mỹ, đây sẽ là đất nước thiên đường của họ nếu không có chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, thiên đường trần thế này có nhược điểm duy nhất đó là từ chối họ. Một bộ phận người da đen đã phản bội lại những người anh em của mình bằng cách bắt kịp theo người da trắng trong tính hận thù bằng sự bình đẳng trong tính chó má. Phảng phất trong họ là vẻ kiêu kỳ bộc lộ bao thế kỷ oán hờn chất chứa. Đến cuối cùng cuốn tiểu thuyết này là hình ảnh một thú tính khởi nguyên, nấp kín trong lòng tự nhiên mà người ta thích quên đi sự có mặt của nó ẩn sâu dưới tầng ngầm. "Cái mà ngày trước người ta gọi nó là chủ nghĩa nhân ái luôn bị mắc kẹt trong cái song đồ giữa tình thương lũ chó và sự kinh tởm tính chất chó má". Tình bằng hữu của sự ngu dốt

50 năm đã qua, nhìn lại tiến trình vấn đề màu da ở Mỹ, một thực tế xuất sắc minh chứng cho nhận định của nhà văn vĩ đại này:"các nền văn minh chấn hưng bằng cách chuyển vị lẫn nhau. Hay là chúng tiêu vong đi" 
Đây là một trong số nhiều đoạn Romain Gary nói về chiến tranh Việt Nam
"chiến tranh Việt Nam là điều tệ hại nhất có thể xảy đến cho đất nước Việt Nam, nhưng là điều tốt nhất có thể xảy đến cho nước Mỹ: nó chấm dứt những niềm tin, nó đặt lại vấn đề, nó đòi lột xác. Tôi không biết nước Mỹ mới sẽ ra sao, nhưng tôi biết cuộc bùng nổ da đen sẽ ngăn nó khỏi thối ruỗng"

ps: tôi còn quay lại Romain Gary ít nhất 2 lần nữa vì không nhiều nhà văn mang đến cho tôi sự biết ơn như thế, một cảm giác hạnh phúc khi đọc, có thể mỉm cười ngay cả khi rất chua . Tự nhiên muốn đọc lại Lời hứa lúc bình minh.