Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

27.2.24

mẫu và nhịp




trong một lần trò chuyện 5 năm trước, khi ấy tôi đang đọc một vệt tương đối dài Dostoievski, tôi đọc cùng một tác phẩm nhưng có bao nhiêu bản dịch thì tôi đọc bằng hết, và lúc đó tôi nói với một người bạn trong buổi gặp rằng: PNT không dịch được đúng chất Dostoievski, không ra bầu không khí, nên thôi từ nay không cần để ý PNT dịch Dostoievski. Một lần gặp khác xa hơn nữa, 7 năm trước, vẫn người bạn đó, tôi nói mình không để ý nhân vật sao sáng abc viết bài điểm sách vì viết vòng vo không có nhịp, đi vòng quanh chả gõ được đúng cái điểm bất kỳ nào cần gõ, không gõ được một cánh cửa nào gần gần cái cửa cần gõ, chính thế mà cả bài viết đọc không thấy nhịp không thấy thăng giáng gì, chuội đuội đuột dã man nên em cũng không để tâm nhân vật ấy luôn [nhưng có thể con đường giảng dạy/học thuật cần những nhân vật như vậy, nó đưa cái gắn mác học thuật đến đám đông, ít ra lôi kéo được đám đông đến với cái gì đấy, đấy là một mục tiêu công việc tốt và như vậy cũng mang đến nhiều lợi ích kinh tế, không có gì xấu cả, còn đám đông ở lại tiếp tục hay không thì cần một tầng sâu hơn có kiến trúc có chiến lược hơn]


tôi cũng không bao giờ nghĩ mình định nghĩa hay khái niệm hoá những "không khí truyện", "nhịp", "lỏng", "chặt", "típ", "giọng"... mình hay dùng khi nói về một cái gì đấy mình đọc, chỉ đến khi đọc Các khía cạnh của tiểu thuyết - một loạt bài giảng tôi theo kịp, rất vừa sức mình, một số đoạn đọc phải đọc lại, phải cố [đúng như chú đầu sách của tác giả, loạt bài giảng phải đúng "giọng" mà tác giả đã dùng, ngay cả khi trình hiện của nó không còn là "nói chuyện" nữa, mà là văn bản]


có nhiều nhận định của Forster về các nhà văn, tôi không cùng cái nhìn; một số khác tôi đọc lấy làm vui; một số được gợi hứng kích thích sự chú tâm. Đây không còn thuộc nhiều về trí năng, mà là cách thức cảm năng tịnh tiến, là chuyện bình thường rồi sẽ phải vậy. Dẫu vậy, Forster vẫn đưa ra những nhận định hết sức tinh quái. Tôi đặc biệt thích Forster bình luận Moby Dick. Cũng như vậy, kết thúc quyển sách được dẫn dắt rất tốt này; lý thuyết mà được dẫn dắt có chiến lược thế này thì kỳ thực người viết nó có dục vọng lớn đấy chứ [định dùng tham vọng nhưng dùng dục vọng cho đúng tinh thần bản dịch]; khi nhắc đến dục vọng của nhà văn [thì nghĩ đến Forster trong vai trò nhà văn, quyển Maurice của Forster được dịch cũng lâu lâu rồi nhưng tôi không đọc dù sách sẵn trong nhà, cái bìa khiến tôi muốn tránh, tôi không thích đọc tiểu thuyết có yếu tố giới tính thứ ba/tình cảm đồng giới, cũng không hiểu sao tủ kinh điển nxb Kim Đồng làm mấy phát này cùng nhau] Forster có nhắc đến một ý, các tiểu thuyết phần lớn có cái kết không tương xứng [mà nguyên nhân là do sức lao động của nhà văn đến lúc mệt, lười, chán rồi, chưa tìm ra cái kết tốt hơn etc.] tôi nghĩ họ đã hy sinh tất cả câu chuyện, nhân vật, thậm chí cả cốt truyện chỉ để lấy bầu không khí kết tinh: mẫu [thậm chí mẫu cứng, như Henry James chẳng hạn, nên người nào đọc Henry James thường cảm thấy quá khô cứng, phải nói là sập cửa trước đời, tiểu thuyết thành cái lồng nhốt luôn những con người mà nó tạo ra ở bên trong, một người Mỹ rất Anh đúng không, lạnh nhạt thờ ơ]; tới đây thì phải nhắc đến truyện trinh thám, sở thích đọc tiểu thuyết trinh thám của tôi cho nó tí thanh minh, rằng vấn đề này tác giả viết truyện trinh thám làm rất tốt, không phải tất cả họ, cũng không phải tất cả các truyện trinh thám đều làm được, nhưng ở mảng trinh thám thì nhà văn buộc phải có bộ khung chắc chắn vì thể loại này đòi hỏi người ta phải vậy, nếu trí năng trí nhớ của người viết và cả người đọc không tốt, cảm năng của họ không kích hoạt thì họ không đoán định/chốt được chiều hướng của tội ác hay phơi bày được sự thật... tác giả đã cân bằng giữa câu chuyện, nhân vật, phóng tác... để các yếu tố giằng kéo nhau với lực tự nhiên không lỏng không chặt mà từ đó cốt truyện có không khí hình mẫu chung đời thực [trong tiểu thuyết trinh thám, nhịp rất rõ, bước chuyển thường được làm rất tốt mà chính từ đó người ta dễ khơi lại được toàn bộ tác phẩm, nó giống một loại nhạc mà thăng giáng rõ uyển chuyển trong đoạn ngắn, có thể vì thế người ta thường tìm được sự giải trí trong thể loại trinh thám]


kết thúc loạt bài giảng, người đọc cũng nảy ra chiến lược đọc và đọc lại của mình, chẳng phải muốn biết mình và họ [nhà văn] có thuộc về nhau không thì phải đi nếm chính cái nhà văn nếm và đưa nhận định hay sao. Nên phải đọc và đọc lại thôi, chẳng có con đường nào khác


XBK đã làm được một việc quan trọng trong xuất bản, con đường xuất bản độc giả sẽ đi đường dài. Nếu bảo để chiều độc giả thì chúng tôi thích cái gì dễ dàng mì ăn liền, những cái thoả mãn cấp thấp nhất: tò mò, của chúng tôi bất kể cái tò mò ấy phụng sự cho nghiên cứu học thuật, công việc, giải trí etc. [chẳng phải người ta muốn hay không muốn thì vẫn nghe chuyện lá cải, tin đồn... đấy sao], mà như thế thì sách chả mấy đọc xong gác lên giá xong việc hay làm giấy vụn với cướp giết hiếp, ái tình 3 xu... Cần một định hướng, cú táp để bẻ lái độc giả đi vào một mê cung khác, xứng đáng mê cung. Như hiện nay, mảng văn học XBK làm, rất tiện cho người đọc muốn đi con đường khác. Quyển sách được nói đến, khi đọc nó thấy rằng XBK đang xuất bản theo một lộ trình đúng nghĩa: phụng sự việc đọc 



26.2.24

tiên tri





đọc mấy dòng đầu trang, nghĩ ngay đến Dostoievski của mình, tiến xuống dưới thì đúng thật. Còn về George Eliot thì khoảng 2 năm trước, tôi đến nơi ở của một người bạn, tìm thấy trên giá sách một bộ mấy quyển của Eliot về chủ đề Kitô giáo [không hề dễ gặp, dù ở nhà hiện tôi cũng có một ít Eliot rồi, nhưng bộ sách kia thì không hề dễ, tôi cũng đã chọn cất lên mà không mượn đọc, vì sợ, muốn né; tinh thần Kitô giáo của Eliot lần đầu tiên đến với tôi là một linh cảm mờ cách đây 5 năm thông qua The Mill on the Floss]


cũng trong quyển sách này, Forster chia các nhân vật tiểu thuyết thành nhân vật phẳng và nhân vật tròn; hôm kia đọc đến khái niệm này, tôi liền nghĩ ngay, theo khái niệm này thì các nhân vật Dostoievski của tôi, không nhân vật nào không nhân vật tròn; nghĩ vậy xong ngay trang sau Forster cũng xếp luôn Dostoievski là nhà văn luôn tạo các nhân vật tròn


một quyển sách gợi rất nhiều hứng thú, không dám đọc trước giờ ngủ, dù chỉ đọc vài trang vì ngay khi gấp sách lại, nhắm mắt để ngủ; trong đầu liền hiện ra giọng viết các ý nghĩ; quá tỉnh để ngủ 🙂. Tất nhiên vì yêu thích văn chương người ta sẽ tìm đọc; vì công việc thì lại càng cần đọc; trong những lúc ngồi đọc nó, tôi thường nghĩ: mấy người viết văn, viết phê bình, điểm sách, hay làm công việc liên quan sáng tạo, văn bản... sao chưa đọc quyển này đi. Còn thì, để đọc nó thì người ta đã phải có cái đế đọc tương đối rồi. Loạt bài giảng [nói chuyện] nghe tỉnh người



23.2.24

không hoàn hảo




trong Hệ thống mỹ thuật, Alain có nói một ý, rằng: các chớp loé cái đẹp của văn xuôi đúng mang tới sự thật không chứng cứ, theo nghĩa âm nhạc đẹp thì không chứng cứ. Những cái đẹp cũng là các cổ vũ nhiều hơn là các mẫu, chính bằng cách đó mà chỉ cái không thể bắt chước thì mới dạy dỗ được


ở đây, Forster thông qua loạt bài giảng [giọng dùng nói chuyện] nói đến một dẫn chứng: anh có thể, nếu chủ đề của mình là tiểu thuyết, thao thao bất tuyệt về nó theo trình tự thời gian nếu muốn bởi anh đã đọc tất tật những tiểu thuyết quan trọng và nhiều tiểu thuyết không quan trọng trong bốn thế kỷ và biết đủ mọi dữ kiện gián tiếp liên quan đến hư cấu Anh [quyển sách là loạt bài giảng về văn chương Anh mà] và người được dẫn ra ở đây là Sir Walter Raleigh - một học giả đích thực, chiêm nghiệm toàn thể, rút ra những giá trị cho mình nhưng lại thất bại khi đưa nó ra với nhân loại. Forster muốn trỏ: học thuật đích thực là không thể truyền đạt, hầu hết chúng ta đều là học giả rởm


học thuật đích thực không thể truyền đạt, những cái đẹp đích thực là các cổ vũ hơn là các mẫu, chính thế mà không thể bắt chước hay truyền đạt; và không thể bắt chước thì mới dạy dỗ được. Trong địa hạt văn chương thì chỉ có cách là phải đọc, đọc mang tính đủ các chiều; nhiều-kỹ-lâu-sâu, đọc đi đọc lại trở đi trở lại cho đủ đau đớn và chấp nhận sự đọc ấy không hoàn hảo [tại sao lại chỉ giới hạn mình đọc những gì là đồ sộ, những dinh thự kỳ vĩ] vì chính cái đọc không hoàn hảo lại là một tỉ lệ phù hợp với khả năng mỗi người. Điều này quan trọng [với tôi] vì tránh được tai ương đích thực mang tên: học thuật, đau đớn ở đây là, đấy lại là con đường dẫn thẳng [và thường ngắn nhất] đến học thuật rởm [nguỵ quân tử cũng là tai hoạ đích thực như thế :)))]


những đồi núi tinh thần dã man, như hai nhân vật nhắc đến bên trên, quá sắc sảo và tinh quái. Chú đầu sách, Forster có nói, nếu dùng một giọng khác, không phải giọng không chính thức thì khi xuất bản thành sách sẽ hoàn toàn chẳng còn lại gì; và ý cuối mới tinh quái làm sao: chính những từ trang trọng/chính tắc sẽ lọt qua những lỗ hổng mà những từ khiến người đọc nhạy cảm phải khó chịu để lại; tiểu thuyết thường là thông tục nên nó có thể che giấu một vài bí mật của mình trước những dòng phê bình nghiêm túc và cao quý, nhưng có thể lại hé lộ mình ra trong các vũng nước đọng và cạn mà ở đây Forster vẽ phác tiểu thuyết là vùng trũng ẩm được bao quanh bởi hai rặng núi đều không quá dốc, hai rặng núi đối lập là Thơ và Lịch sử, và được viền bởi đại dương mà ta sẽ bắt gặp khi đến với Moby Dick 


[trong lúc đọc Các khía cạnh của tiểu thuyết - E. M. Forster (khổ thân tôi, sáng tôi đi dọn tất cả truyện trinh thám chưa đọc ra để đọc trời nồm cho nhàn, tự nhiên thấy quyển sách này bìa yêu thích quá, bìa sách yêu thích của tôi là chỉ cần tên sách và tên tác giả; mở ra đọc, mới được độ trăm trang thôi, thế là quên mất việc mình đang đi dọn truyện trinh thám chưa đọc trong phòng)]



22.2.24

giao kèo




văn này quá kém so với 3 quyển từng đọc trước đây của Michel Bussi, may sao các cú twist đã cứu nguy dù hơi vụng; giải thích cho điều này là căn cốt của Vết khắc hằn trên cát: đây là bản biên tập lại sau 20 năm của cuốn tiểu thuyết trinh thám đầu tay Michel Bussi viết và nó được ra đời từ một ảo ảnh điện ảnh [thật tài tình; bài viết đầu sách của tác giả sẽ nói rõ tất cả; đọc tiểu thuyết này mới biết Michel Bussi có vẻ rất hay nghĩ đến Hoàng tử bé (tôi cũng không hiểu sao hồi 15-16 năm trước tôi thích nổi Hoàng tử bé, cách đây độ 5-7 năm gì đấy nhân đọc một Hoàng tử bé truyện tranh của tác giả khác, được gợi hứng từ Hoàng tử bé kia, tôi sờ lại Hoàng tử bé thì thấy thật rởm]


niềm yêu thích truyện trinh thám của tôi chỉ có thể tóm gọn trong một yếu tố: nó là thứ khiến người ta nghĩ việc không thể theo cách có thể, và cứ thế mọi câu hỏi câu trả lời tự diễn biến; một cách dễ hiểu là: phải dám lật ngược lại tất cả và suy nghĩ theo cách khác [khi đọc sách khoa học nhiều, phải tiếp nhận nhiều khám phá mới, phá bỏ ngộ nhận hiểu sai trước đó, nghĩ lại bài toán của mình để khớp các nghi hoặc, thấy rất vui như mình đang đi tìm sự thật]


ps. quyển này xb 2020, biên tập của NN đã lao dốc không phanh đến độ này rồi hay sao; nếu ở nhà khác, với hơn 400 trang khổ to thì hiện trạng như thế này có thể mắt nhắm mắt mở; nhưng giai đoạn trước đó của NN, với dung lượng này thì số lỗi không thể nhiều như trình hiện 



1.2.24

đọc Dostoievski: giọng Nga lửa




Dostoievski là nhà văn của chuyển động tinh thần ở dưới nền đất. Dostoievski ít bí ẩn, hoàn toàn có thể dựa vào sáng tác để nghiên cứu ông, trong số phận các nhân vật của mình thì ông kể chuyện về số phận mình; qua nỗi hoài nghi sự phân đôi của họ ông kể về nỗi hoài nghi phân đôi của mình; trong trải nghiệm tội lỗi của họ ông kể những tội lỗi bí mật của tinh thần mình etc. [một thứ Ác hoa Baudelaire] Dostoievski là một ý thức mạnh mẽ về việc ghê sợ cái ác nhưng cũng nhìn nhận sự cần thiết của cái ác; một ý thức kiên định về sự hiện hữu của Thượng đế [Phúc Âm của Dostoievski là Phúc Âm Kitô giáo "mới", không phải Công giáo hay đa thần; có mấy lời hay được trích nhất, trong Lũ người quỷ ám và Anh em nhà Karamazov, đại ý: nếu không có Thượng Đế thì mọi sự đều được phép, hay là: nếu Thượng Đế có mặt thì mọi sự tuỳ thuộc Thượng Đế và "tôi không có khả năng làm gì ngoài ý muốn của Ngài", nếu Thượng Đế không có mặt, mọi sự tuỳ thuộc tôi và tôi cần xác định sự độc lập của mình], nhưng ông không bị giày vò về đề tài Thượng Đế [vấn đề về Thượng Đế chính là vấn đề nhân bản còn vấn đề về con người lại là vấn đề của Thượng Đế], ở ông là con người [nhân học không phải thần học] và số phận con người, bí ẩn tinh thần con người giày vò ông; ông khai mở bản chất con người không phải trong những hình thức chuẩn mực lồ lộ ánh sáng đời sống mà ở trong tiềm thức [bản năng tiềm thức thuộc đêm tối chứ không phải hiện hữu sống động ban ngày], trong cơn cuồng dại [trong cơn động kinh co giật chứ không phải tình trạng mạnh khoẻ tỉnh táo] và trong tội ác [trong tội ác nhìn nhận chứ không phải những chuẩn mực của luật pháp]; đoạn hội thoại sau trong Lũ người quỷ ám, đoạn hội thoại này cho thấy Dostoievski vọt lên từ trong bề sâu thăm thẳm và Nietzsche vượt qua vực thẳm là 2 quan điểm, có thể dùng, đối nhau, Thần-Nhân và Nhân-Thần [trên những con đường Nhân-Thần tự do tiêu vong và con người cũng tiêu vong]:

- anh đã biết như thế rồi, anh có phải là người tốt

- phải

- hỏi thế chứ tôi cũng nghĩ như anh, Stavrogin nhíu mày nói nhỏ

- kẻ nào dạy cho người đời biết rằng họ tốt, kẻ đó sẽ dẫn dắt đời

- kẻ ấy đã bị đóng đinh

- kẻ ấy sẽ xuất hiện và đó là người Thượng Đế

- Thượng Đế người chứ

- Người Thượng Đế, có khác nhau


trong Thế giới quan của Dostoievski, Berdyaev có một nhận định đặc biệt sắc sảo khi nói về con người Kito giáo đến tận chiều sâu của Dostoievski - gọi là Kito giáo "mới" đi - khi thông qua chủ đề Tự do. Chương Tự do có lẽ cũng là chương Berdyaev nhận định gợi cảm hứng cho tôi nhất. Nó tiếp tục bắt quyết một Dostoievski tiên tri khủng khiếp. Hôm qua nhân nói đến chuyện tránh thai với một cô gái, chúng tôi nói chuyện liên quan đến cha đạo dạy giáo lý Công giáo: không tránh thai không tính ngày quan hệ, phải để tự nhiên hết, phải... phải... [ngày xưa tôi bỏ không nghe giảng pháp ở Chùa cũng vì một lần đang ngồi nghe giảng hết sức bình thường, tôi muốn biết các thày giảng thế nào để vấn đề đến được chúng sinh nên tôi đi nghe, thường đi 1 mình và ngồi không quen biết ai, đang yên đang lành một người bảo tôi tờ kinh không được dùng làm quạt phe phẩy, tôi hạ xuống đùi thì ba bốn bà bảo tôi tờ kinh phải lúc nào cũng nâng lên ngang ngực trở lên không được để dưới thấp (tôi đứng dậy luôn chào các bác và chị); ở tuổi ấy tôi chỉ hiểu mình không chịu được thứ giáo lý cứng nhắc đạo tràng thế này, nó thực sự không liên quan gì đến giáo lý đạo đức mình trân trọng), tôi liền nhớ đến cái hiểu sắc sảo của Berdyaev hiểu Dostoievski: tự do lựa chọn thiện ác và tự do trong cái thiện; nhất là vế thứ 2: tự do trong cái thiện; tức là ý thức mạnh mẽ của con người trong sự hiện hữu của Thượng Đế, anh ta sống "tự do" trong cái thiện, chỉ có anh ta đối diện với chính mình và quần thể xung quanh, chỉ có anh ta với tận thế và phán xét cuối cùng, anh ta nhìn anh ta nhìn chung quanh chứ không có giáo lý phải thế này phải thế kia nào ra rả bằng miệng được, anh ta là câu đố mà chính anh ta phải giải đoán đến tận chiều sâu đêm tối thăm thẳm của nó, đây cũng chính là đồi núi tinh thần Dostoievski, con người và số phận là vấn đề và câu đố cần giải đoán [trong các nhân vật của Dostoievski, nếu để nói nhận thức rõ nhất về sự hiện hữu của Thượng Đế, thì phải là Ivan Karamazov, nhưng từ nhận thức đến hành động lại là chuyện khác (Schiller chính là khởi thuỷ là hành động), dẫu tất cả các nhân vật của Dostoievski luôn là những nhân vật nhận thức sự kiện hết sức nhạy, như một thứ linh cảm (có lẽ phải dùng linh khiếu) không như các nhân vật của Shakespeare luôn hiểu nhầm/lầm lẫn mà từ đó khởi nguồn bi kịch]


[thôi đi nấu cơm đã]