"Hóa ra kỷ niệm vẫn là thứ ương bướng nhất, bấu víu, bất biến, bất chấp mọi logic. Mà có sao đâu, khi cứ nấn níu trong ta những ký ức xưa cũ, để ta có cái nâng niu, để lâng lâng khi mỗi bận nhớ về...?".
Tác giả : Việt Linh ( 1 Mê Thảo - Thời vang bóng )
Nhiều khi, vì lý do nào đó, người ta phải ngoảnh mặt đi qua những gì yêu thích. Tôi cũng vậy. Ngoảnh mặt trước những trang phục, trang sức siêu đắt đã đành, tôi lại nhắm mắt quay đi trước những gói... đậu phộng nấu. 20 quan, 40 ngàn đồng Việt Nam cho nửa ký tại Paris!
Điều đó cũng đúng thôi bởi cái hạt xù xì nho nhỏ kia đã "bay" tới đây bằng giá cước cắt cổ. Vì sao phải bay xa như thế? Bởi hình như Tây chưa biết ăn (chưa thấy) đậu phộng nấu bao giờ. Đậu phộng xứ này đầy dẫy nhưng chỉ có rang, sấy, đậu nguyên vỏ, hoặc cao lắm là đậu "da cá" của người Hoa.
Nhưng rốt cuộc không phải chuyện rẻ, đắt mà là cái vị muối thái quá được bổ sung khi nấu để đậu lâu thiu đã làm cụt hứng trong tôi sự thèm muốn. Tự nhủ: thôi thì ráng nhịn để về xứ mình ăn cho đã. Thật vậy, mỗi lần về Việt Nam, cái món đầu tiên trong buổi sáng xuống sân bay của tôi mà gia đình luôn nhớ để chuẩn bị là đậu phộng nấu. Không biết từ bao giờ, hình như từ nhỏ, mẹ tôi thường tránh cho con cái ăn những món "nóng" mà theo bà rất hại gan. Chẳng biết bà sưu tập ở đâu những cặp "phạm trù" ăn uống rất ngộ, rất âm điệu: cam hàn, quýt nhiệt; nấu mát, rang nóng; ngọt nóng, đắng mát v.v... Vì cái sự mát, nóng đó mà đám nhóc chúng tôi chỉ được ăn đậu phộng nấu. Ăn riết thành quen, thành ngon, thành kỷ niệm ấu thơ...
Những năm về nước gần đây bỗng dưng tôi không thích ăn đậu phộng nấu nữa, dù vẫn ngoái cổ nhìn theo đám hạt trăng trắng, nâu nâu mỗi khi chiếc xe đẩy hay những thúng hàng rong bất chợt đi qua. Hình như người ta đã biết tiết kiệm, hoặc nhiên liệu đun nấu, hoặc thời gian nên hạt đậu cứ sừng sực, ương ương giữa hai bờ chín - sống, không có cái bùi dịu như tôi nhớ ngày xưa. Cứ thế, giữa đất nước, giữa cơ man người bán tôi vẫn loay hoay, ngắc ngứ những cơn thèm. Đôi khi tôi nghĩ mình lẩm cẩm: Hà cớ gì phải nhớ nhung cảm giác ngày xưa đó? Năm tháng trôi qua sao khẩu vị không đổi? Chưa nói biết đâu cái ký ức xa xưa chỉ là ảo giác. Nghĩ vậy nhưng lưỡi tôi cứ ngoan cố, cứ níu kéo định kiến như người ta vẫn hay khăng khăng một lẽ chi đó, chỉ để chứng tỏ ta biết, ta đúng, ta có cái riêng. Cái riêng của tôi hình như là nỗi nhớ: nhớ tuổi thơ, nhớ một thuở rừng...
Hồi đó, đám “Việt cộng” hậu cứ chúng tôi thường sống trong những khu rừng rậm, thiếu thực phẩm, rau quả; do vậy cứ chuyển đến đâu hơi lâu, có dăm khu đất là chúng tôi trồng rẫy: khoai mì, dưa, bắp, đậu phộng... đủ thứ theo phong thổ. Khi mùa tới rất vui, cả đám hùi hụi đi thu hái, và thường thích "quằm" [1] ngay để nhâm nhi cái thành quả tinh nguyên. Ăn nhiều thứ nhưng tôi nhớ nhất đậu phộng nấu - món ăn không chỉ sang thời đó mà còn để tẩy đi cái cảm giác khô đắng cả tháng phải nhơi toàn "lạc" rang muối của hậu cần. Tôi nhớ hoài những túm đậu tươi chong nhổ bung từ lòng đất, giũ giũ mấy cái cho sạch đất, lặt lá, xối nước, thảy vô nồi. Đậu mới, củi rừng thừa mứa, chúng tôi cứ nấu cho đã nư. Nhớ mãi những hạt đậu tròn căng do nở nước, chỉ cần khép răng là chất bột mềm thơm chảy nhòe ra lưỡi, bùi ngậy, man mát... chứ không khô gắt, khan khan như mấy bát đậu rang muối. Thời chiến khu những bữa "tiệc" như thế rất hiếm bởi chúng tôi không có rẫy. Hiếm nên nó nhớ.
Hè qua tôi có dịp đi Cameroon, cái xứ châu Phi tưởng như chỉ có trái banh hóa ra có đủ thứ trái, giống hệt xứ mình: xoài, chuối, măng cụt, bưởi, chôm chôm, dưa hấu... Giống đến nao dạ. Một chiều trong lúc chờ đợi buổi chiếu phim, tôi bách bộ ra khỏi vòng sân sang cả của khách sạn Hilton - khách sạn sang nhất thủ đô Yaoundé. Ôi. Đậu phộng nấu! Tôi suýt kêu lên khi nhìn thấy cái chóp trăng trắng, nâu nâu trên đầu đứa con trai đang thất thơ giữa ranh giới cao sang và lam lũ. Tim tôi nhoi nhói: sao mà giống thế: cái mâm nhôm mom móp, cái lon thiếc sen sét, cái thân dáng ranh rách của tuổi thơ cơ nhọc...
Tôi ngoắc tay, đôi mắt trắng ào tới. Bao nhiêu một lon? Thằng bé ra cái giá mà tôi quên mất, chỉ nhớ rất rẻ, y hệt bên mình. Bà mua mấy lon? Thằng bé vừa hỏi vừa lăm le cái lon trên miệng túi nilon. Tôi lướt mắt: cả mâm cao lắm hai mươi lon, bán hết cũng mua được cao lắm vài lon sữa. Mua hết! Thằng bé giương đôi mắt trắng. Hiểu ra, nó vui quýnh, nhưng thay vì trút hết cả mâm vô túi, nó cứ tẳn mẳn từng lon, chi li phát thương cái dáng buôn chuyên nghiệp. Mười tám lon dư một chút. Đứa bé nhìn tôi ậm ự rồi đột nhiên hào phóng: Tính bà mười tám lon thôi! Trả em hai mươi lon! Tôi cũng đột nhiên hào phóng, không biết do tính giá Paris hay do nét hân hoan chiều nay thảnh thơi sân cỏ với bạn bè? Thằng nhóc xách mâm trống lao đi, không biết phía sau có đôi mắt ngó theo, thấy lại một Sài Gòn trong khung góc hẹp: Sài Gòn của những đứa bé lang thang kiếm sống...
Cầm bao đậu phộng đi thẳng tới phòng chiếu phim, tôi đủng đỉnh móc ra từng nhúm mời mấy ông Tây đồng nghiệp, giải thích rất... tiếp thị. Trước khi ăn ai cũng thích thú xem xem, nhưng ăn xong không ai có ý kiến chi hết. Lạt ngắt. Đúng là... Tây! Tôi lầm bầm trong miệng, tự dưng suốt buổi liên hoan đêm đó cứ thần ra cảm giác chan chán... Dĩ nhiên hai ký đậu xứ châu Phi "bay" với tôi về Paris, trong tiếng tấm tắc của người thân về giá cả lẫn vị bùi ngon của nó. Trong lưỡi tôi quả đúng cái bùi ngậy xa xưa, cái thơm ngon thứ hạt bột không thiếu củi, nhưng trong trí tôi cứ vương vất câu nói: Ngon, nhưng không phải của mình...
Hóa ra kỷ niệm vẫn là thứ ương bướng nhất, bấu víu, bất biến, bất chấp mọi logic. Mà có sao đâu, khi cứ nấn níu trong ta những ký ức xưa cũ, để ta có cái nâng niu, để lâng lâng khi mỗi bận nhớ về...?
(Trích Chuyện mình chuyện người, NXB Trẻ & Công ty Sách Phương Nam)
[1] Quằm: ăn một cách ngon lành (ngôn ngữ nói thông dụng ở miền Nam).
Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT