Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

22.3.23

how





hôm qua vừa mới đọc hết 1 loạt các quyển sách để ở tầng 1, hôm nay xuống nhà lại quên không cầm gì. Có 2 tiếng trống phải ngồi đợi thợ thay đồng hồ nước mà lại không có gì đọc, tự nhiên là bí, không biết làm gì, ra khỏi nhà đi xem cờ thì không được, mà ngồi một chỗ thì không có gì nhìn [cầm điện thoại giờ nhìn gì cũng thấy mờ mắt, thương cái mắt lắm]. Thế nào vớ đúng bộ Chuột Típ của bọn trẻ con ở ngay góc để đồ ăn vặt. Đây là bộ truyện đã đi theo thằng Sói, rồi đến con Sun, và giờ là con Nếp, tương lai là thằng Thóc 🙂


trong một tập truyện Chuột Típ đi học muộn, kết truyện chuột Típ đã nói với bố mẹ rằng từ nay cậu sẽ đi ngủ sớm để được mơ lâu hơn. Tú vỗ trán đến bốp 1 cái, thì thế, thôi không thể nào vừa thích đêm vừa thích được mơ lâu được, làm sao người ta lại đòi mơ khi không chịu đóng cái mắt cho nó ngủ chứ, and how can you wake up from a nightmare if you are not asleep 🙃


ps. nhìn mặt chuột Típ mà tôi thấy như tôi đang nhìn mặt tất cả bọn tiểu iêu tôi đã từng bị bọn nó nhằng nhẵng bám dính không rời 🤣😂

20.3.23

tempo thế giới ấy

 



đây là ba tập truyện [cổ tích] tôi đọc từ đông chí rét buốt tới giờ là xuân phân nồm ẩm. Thói quen của tôi mỗi năm thôi, cứ vào khi trời đất như thế thì tôi sẽ đọc Andersen hay những thế giới có tempo như thế, hoặc đôi lúc tôi phải chui vào thế giới ấy, nên thường tôi xếp chúng vào một chồng không gần nhất nơi tôi nằm đọc, nhưng lúc nào tôi cũng phải nhìn thấy ngay; lúc này trong năm, chắc đã tới lúc tôi phải buông tha chúng để rục rịch đi


về Mộc thần nữ và Một câu chuyện từ những đụn cát, đã có một bài viết: Andersen, của Anh Hoa [https://xuatbankhac.com/blog/andersen/], tôi chọn bài viết này vì tính chất đúng, tinh trong; viết về Andersen có rất nhiều bài viết giọng giỏi văn nhưng lại không cho tôi gì về cảm xúc, không phải khẩu vị của tôi nên tôi không "cẩu" về đây


còn Walter de la Mare, tập truyện thiếu nhi cho tôi ý nghĩ, intuitive thôi, tôi mở đúng cửa nhìn vào. Tôi sẽ tìm đọc những khác, để tìm sợi dây của ông ấy với, chắc chắn có Dante, có Shakespeare, có Henry James, H. P. Lovecraft và cách kể câu chuyện lỏng tay chịu ảnh hưởng từ Andersen; tôi biết nó chắc chắn có tồn tại. Chịu ảnh hưởng của Andersen, như là họ cùng viết những chi tiết như hạt đậu, hạt vừng rơi vào một rãnh một khe hẹp mặt trời khó lòng chiếu tới nhưng không bị Chúa Trời lãng quên; rồi các câu chuyện luôn có vẻ buông tay để các chi tiết rất mảnh dẫn đi như mộng du không trù tính, như các câu chuyện của một người mộng người mơ đi trong đêm rồi bỗng hồn vía trong mơ quay về cái khung thân thật và phải tìm về, tìm cho đúng cửa, mở cho đúng cửa. Nhưng không khí truyện của de la Mare thì quá Shakespeare, Henry James, H. P. Lovecraft [tôi có follow một tài khoản của những người hâm mộ H. P. Lovecraft, vào một khoảnh khắc vô tình nào đấy hơn 1 năm qua, một đoạn văn một chi tiết của/về Lovecraft hiện lên đập vào mắt tôi và tôi đọc, rồi cứ ngẩn người như lạc vào một đêm không ở đây, đêm khác]. Thơ của de la Mare thì làm tôi nghĩ đến William Blake, dù tôi ít đọc thơ của Blake và mới ngó qua 1 vài bài của de la Mare [ông ấy thật không thích bị gọi là Walter]


thế giới cổ tích của Andersen, của Walter de la Mare là một thế giới khiến người ta nghĩ, những câu chuyện này có thật, những câu chuyện có thật dường như đều tốt hơn sự thật, chúng không hề dở chút nào giống như cách nhiều người lớn thấy các câu chuyện cổ tích quá tầm phào, quá "ôi giời truyện cổ tích thôi thôi dẹp cổ tích", chúng đẹp vì chúng có thật theo cách vẫn luôn ở đây và người ta sợ nhìn vào nó. Đôi lúc nằm đọc những câu chuyện này, tôi như đã ở trong nó suốt nhiều thế kỷ dưới bầu trời tháng Ba, sự yên bình nằm ngoài cảm tri như tôi đã giao phó hết mọi sự - vỗ về tâm hồn tôi; đồng thời, một nỗi âu lo âm ỉ vụt qua rất nhanh như cơn đau dạ dày đang dần rời đi xa, như thể một điều gì đó sâu xa thâm căn cố đế của tôi cũng sẽ biến mất theo ngay khi tôi đóng sách lại



ps. tôi đang tìm mua Một xu một ngày, nxb Kim Đồng, có lẽ là bản khác của Tuyển tập truyện thiếu nhi trong ảnh, tuyển tập trong ảnh 534 trang với 17 truyện, Một xu một ngày là tên 1 trong 17 truyện [truyện mà có thần lùn í]. Trong ảnh là sách của người khác, tôi không muốn chơi hủi chơi dơ trấn sách nữa, mà hỏi xin thì tôi ngại :))). Tôi đã bị huỷ và trả lại tiền trước Tết 1 lần, sau Tết 1 lần vì web bán sách hết đầu sách này, họ báo lại sau gần 10 ngày tôi đợi sách giao đến :))))





17.3.23

không chờ



bà nội mất cũng 5-6 năm rồi mà 3 ngày liên tiếp ngủ mơ gặp bà

hôm đầu tiên mơ gặp bà là ngay cái đêm mình post stt nhắc tới bà trong câu chuyện cái váy lạ trong tủ quần áo của mình. Mơ gì thì tỉnh dậy không nhớ, điều này bình thường với mọi người nhưng không bình thường với mình, vì mình mơ gì ngủ dậy thường vẫn nhớ, vài ngày sau có thể sẽ quên hoặc lúc nó xảy ra thì mình mới sực nhớ từng mơ. Chỉ biết tỉnh dậy thì nghĩ vừa gặp bà nội. Tự buồn cười, không dưng qua nhắc tới bà, nên chắc đêm mơ gặp bà. Bảo sao người ta nói người tuổi Dần nhạy với thế giới kia và người ở thế giới kia rất muốn kết nối thông qua người tuổi Dần nhưng thường không được như ý


hôm thứ hai thì mơ bà mua cho em gái bộ áo dài nhưng bà cứ bắt mình thử hộ nó, áo dài màu trắng củ đậu hoa văn in nổi chất liệu mềm óng, quần đen; vì thử hộ nó nên chiết eo của áo rất rộng với mình; bà đính thêm mấy mối nối chỉ to đùng như buộc nút dây thừng ở một bên eo để vừa với người mình; bà không cho cởi ra để bà sửa, bà buộc thắt nút mối nối thêm và một mực bắt mặc bộ áo dài trên người để bà buộc mối nối. Trong giấc mơ mình nghĩ, ồ hoá ra mình mặc áo dài truyền thống không hề xấu, mình mới mặc áo dài đúng 1 lần vào ngày khai giảng năm lớp 12 rồi từ đó về sau mình phá bỏ mọi luật về mặc áo dài của trường. Khi tỉnh táo sau giấc mơ mình còn nghĩ, hay hôm nào đi may bộ áo dài :)))))


hôm thứ ba là đêm qua thì mơ mình đang để cửa phòng, ý là chờ một người, chờ ai thì mình không nhớ không rõ, chỉ biết cảm giác trong mơ là mình đang chờ một người. Còn ở phòng lớn là bà nội ngồi trên tấm phản như đang trông nhà. Người mình chờ không biết có đến không, chỉ biết sau đó mình không chờ nữa, cũng không ở trong phòng nữa, mà đi ra khỏi phòng với một đứa tiểu iêu gái, đi ngắm trăng vào buổi sáng rất sớm khi trời còn tù mù sương xuân hè và mình nghĩ trên đường vừa đi vừa ngẩng đầu trông trăng, ngay cả lúc dừng lại nhìn vầng trăng không một chút ngửa đầu nữa, rằng: người mình chờ và mình đã không có duyên, vì mình ít khi chờ đợi, 1 lần đã tưởng như có thể chờ và thuận lợi thế rồi mà cuối cùng không gặp, vậy là không có duyên, cũng là một kết cục tốt vì như thế giống bị kết án, phải chấp nhận và sẽ không mong chờ nữa


ps. ảnh là giàn mồng tơi từ hoa đã đậu quả phần lớn, khi quả chuyển sang màu tím đen đậm, sẽ rất đẹp vì hoa vẫn còn lác đác chấm trắng hồng, quả xanh quả tím quả đen trong màu lá xanh 


8.3.23

silent spring




một quyển sách về môi trường. Hệ sinh thái chịu tác động và thay đổi theo chiều hướng ra sao khi con người lạm dụng các chất hoá học mang danh thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ trừ sâu... Thực chất của bảo vệ môi trường là gì, môi trường có cần bàn tay của con người bảo vệ, không phải chính bàn tay đó gây nên cơ sự rồi lại chính nó giơ cao tấm biển bảo vệ. Liệu có nền văn minh nào có thể tiến hành chiến tranh không ngừng nghỉ với sự sống mà không làm tổn hại đến chính bản thân nó và giữ cái quyền được gọi là văn minh. Sách xuất bản những năm 60 của thế kỷ trước, câu chuyện vẫn đang ở thực tại và tương lai


yếu tố lớn nhất trong việc cản trở sự tràn ngập của côn trùng là sự đấu tranh lẫn nhau của chính chúng. Thiên địch của côn trùng chính là những loài côn trùng ăn thịt khác, là chim chóc, là thú có vú nhỏ nhưng những hoá chất mà chúng ta đang dùng thì giết tất cả, không trừ con nào bất kỳ đó là những chiến sĩ cảnh sát của tự nhiên nào đi nữa. Chúng ta nhân danh tiến bộ, văn minh để trở thành nạn nhân cho chính cách diệt côn trùng bảo vệ thiên nhiên quái quỷ của ta nhằm giải quyết vấn đề tạm thời, nhưng rốt cuộc đánh mất luôn cơ chế diệt côn trùng lâu dài về sau. Tự nhiên [tự] làm công việc của nó, đảo lộn sự sắp đặt của tự nhiên thì buộc phải nhìn kết quả kinh hoàng của tự nhiên đáp lời. Sự phòng trừ côn trùng thực sự hiệu quả được thực hiện bởi tự nhiên chứ không phải bởi con người


nhiều loại hoá chất đã giết đi những côn trùng vừa là bạn vừa là kẻ thù của chúng ta mà quên đi rằng sức mạnh sinh sản kinh khủng của chúng cùng khả năng kháng thuốc biên độ rộng; tôi nghĩ người còn thì chuột con, người chết thì chuột vẫn còn, và điều tôi nghĩ, tôi nghĩ nó đúng cho các loài côn trùng. Vấn đề kháng thuốc sẽ lặp lại liên tục, và hiện nay vẫn được giải quyết bằng cách chuyển từ loại thuốc diệt côn trùng này sang một loại thuốc khác khi sự kháng thuốc xuất hiện, việc này không khó vì các nhà hoá học, khoa học luôn cung cấp những nguyên liệu mới. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa, con người sẽ đi con đường một chiều và không ai biết con đường này dài thế nào, chắc con người phải đi đến hết con đường mà vẫn chưa thành công trong việc phòng trừ các loài côn trùng mang bệnh, thì mới hiểu tình thế thực sự hiểm nghèo của mình. Thế giới côn trùng đại diện cho thế giới tự nhiên, chúng chỉ ra lại, một minh chứng để ta nhìn vào, rằng, không thể đối phó với thiên nhiên hiệu quả thông qua sức mạnh bạo tàn, dù công nghệ có bước tiến vũ bão thế nào thì dường như côn trùng vẫn sẽ luôn đi trước một bước. Cơ chế kháng thuốc chính là ví dụ điển hình cho hoạt động của sự chọn lọc tự nhiên, của Darwin; phun hoá chất sẽ giết chết những sinh vật yếu, những sinh vật tồn tại được là những côn trùng thừa hưởng các đặc tính giúp chúng không bị gây hại; thông qua di truyền, các thế hệ sau sở hữu những đặc tính chống chịu của tổ tiên; nên càng giải quyết vấn đề bằng hoá chất thì chỉ làm vấn đề tệ hại hơn; thay vì quần thể hỗn hợp những cá thể mạnh và yếu thì ta lại tự mình đi vào một thế giới chỉ toàn những côn trùng mạnh, đột biến có thể kháng thuốc, có thể xem nó như hình ảnh côn trùng nô đùa nhảy múa với nhau trong hoá chất "như những thày phù thuỷ xa xưa đang nhảy trên than hồng"


có một câu hỏi đặt ra là côn trùng kháng hoá chất thì con người có thể làm được điều đó không, hoá chất gây ảnh hưởng với côn trùng, vật nuôi thì với con người thế nào. Về lý thuyết tất nhiên con người có thể, nhưng sẽ phải trải qua hàng trăm, nghìn năm [những người đang sống nghe có thấy được an ủi không]; cá nhân có khả năng kháng thì ít nhiễm độc hơn, có thể tồn tại và sinh sản tốt hơn dẫu các hoá chất sẽ tích luỹ dần theo thời gian dài, đa số con người chỉ ấn tượng và ghi nhớ những dịch bệnh có triệu chứng rõ ràng mà quên rằng kẻ thù nguy hiểm nhất là kẻ âm thầm đi vào cơ thể họ. Có một hệ sinh thái bên trong cơ thể mỗi chúng ta, trong hệ sinh thái vô hình ấy, những nguyên nhân tuy nhỏ lại sản sinh những hậu quả mang tính dây chuyền vô cùng hãi hùng và hậu quả, hơn thế nữa, thường có vẻ ngoài không liên quan đến nguyên nhân, xuất hiện trong một bộ phận cơ thể xa khu vực chính bị tổn thương; thay đổi tại 1 điểm, thậm chí trong một phân tử, có thể tác động dội lại suốt toàn bộ hệ thống để hình thành những thay đổi trong mô và tế bào dường như không mấy liên hệ. Khi một ai đó quan tâm đến cách hoạt động bí ẩn và tuyệt vời của cơ thể con người, thì nguyên nhân và hậu quả là những mối quan hệ không đơn giản và không dễ dàng chỉ ra hay chứng minh được. Hãy để ý những lần phun hoá chất diệt muỗi phòng sốt xh hay dùng bình xịt diệt côn trùng trong nhà, tháng đó kỳ kinh của những người phụ nữ có kỳ kinh đều sẽ xảy ra điều gì và giấc ngủ của chúng ta ra sao, hệ cơ phản ứng thế nào; tại sao những người nông dân mới khá hơn nhờ trồng những vườn lớn hoa quả thì chỉ bẵng đi 1 kỳ kiểm tra sức khoẻ 6 tháng đã có luôn khối u ác tính ở phổi kèm hạch di căn trung thất. Và sự kháng thuốc không tự phát triển trong một cá nhân nào, nó hình thành trong một quần thể rộng sau khi trải qua nhiều thế hệ, và mức sinh sản của con người là khoảng 3 thế hệ/thế kỷ nhưng côn trùng thì chỉ khoảng 1 ngày hoặc 1 tuần đã cho ra một thế hệ mới


nói như thế không phải tôi ủng hộ các cách làm khác trong phòng thí nghiệm, các biện pháp sinh học chứ không phải hoá học; ví dụ như triệt sản con đực của loài nào đó rồi đưa vào môi trường cho con đực này chiến đấu với con đực bình thường và giành lợi thế rồi con cái giao phối với con đực triệt sản mà không tạo ra cá thể sống mới etc. Tôi nhớ cách đây mấy năm ở đâu đó diễn ra biểu tình chống việc thả ra mấy trăm nghìn con muỗi phòng thí nghiệm với mục tiêu để muỗi này tiêu diệt muỗi trong tự nhiên truyền bệnh. Tôi nghĩ các nhà côn trùng học hay khoa học gia phòng thí nghiệm không nhận ra rằng họ đang làm việc với những vật thể sống, và vật thể sống thì khác với vật thể phòng thí nghiệm... chỉ là đang đi từ khủng hoảng này đến khủng hoảng khác, đơn thuần là đánh đổi rắc rối này để mang về một rắc rối khác. Hẳn nên nhìn nhận lại triết lý của mình, phải từ bỏ quan điểm về sự mạnh hơn của con người và thừa nhận rằng trong nhiều tình huống ở môi trường tự nhiên, chúng ta luôn phải tìm cách và phương tiện để hạn chế các quần thể sinh vật bằng một cách tiết kiệm hơn là chúng ta có thể tự mình làm. Đó có thể là, giảm bớt dục vọng của mình lại và hạn chế xâm lấn thiên nhiên nhất có thể


sự sống kỳ diệu nằm ngoài hiểu biết của con người và ở đây con người cần khiêm cung, những gì đi ngược với tự nhiên đã bị mang vào không gian sống quan trọng nhất và hầu như là cuối cùng mà tự nhiên để lại cho con người, cần phải dừng lại. Côn trùng ký của Fabre vì thế có sức sống đi cùng dòng chảy thời gian, ta học cách hiểu về đời sống, tổ chức, sinh hoạt của thế giới côn trùng; hiểu và sẽ đơn giản nghĩ về bàn tay kiến tạo nên sự sống này với sự cân bằng, các loài luôn có thiên địch của chúng, sự sống nhờ vậy được duy trì và bình ổn. Không làm gì đó thì đẹp-đúng-tốt hơn làm gì đó.


hôm qua 1 giờ sáng một tiểu iêu em tôi đang chăm con mới sinh nhắn rằng con chó của em bị trúng bả chết rồi, em không chịu nổi chị ơi, em không lạc quan nổi, em buồn quá. Nếu một lần bị chứng kiến một con vật nào đó trúng độc hay ngộ độc các loại hoá chất bùng nổ từ sau Thế chiến 2 cho đến hiện nay [tôi chắc chắn không ai hình dung nổi những ý tưởng điên rồ của các khoa học gia phòng thí nghiệm] thì bạn sẽ hiểu mỗi một loại hoá chất trong số đó được sử dụng chỉ vì một lý do đơn giản thôi, chúng là những chất độc chết người. Nếu một lần nhìn thấy con chó, con mèo, những chú chim gần chết do trúng độc thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ trừ sâu bệnh, thuốc diệt chuột etc. được tìm thấy [nếu con người không bảo vệ chim thì làm sao bảo vệ cây và ngay cả chuột cũng vậy, dịch tễ học đã chỉ ra một con số về mật độ tối thiểu của chuột trên mét vuông đất ở, nếu không thì chính con người sẽ mất đi tấm khiên phòng bệnh, mất đi một mắt xích vật trung gian], bạn sẽ thấy mặc dù cơ bắp chúng đã thõng đuội không thể đứng không thể bay nhưng chúng vẫn đạp chân hoặc vẫy cánh khi đang nằm; miệng chúng mở ra và hít thở từng hơi thở một cách khổ sở... phải chứng kiến sự sống động của sự sống ngay trước đó không lâu mà giờ đây rời đi, ánh mắt chúng nhìn trong hơi thở thoi thóp. Bằng cách ưng thuận cho hành vi có thể gây ra cho các loài sinh vật như vậy, là con người, ta có đang hạ phẩm giá của mình