Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

30.8.23

lỏng




tôi thuộc phía độc giả cho rằng: rất khó để tránh được sức hấp dẫn những gì Georges Simenon viết; mà làm sao phải tránh :))); chỉ là một cách dài dòng thừa nhận rằng mình rất dễ bị quyến rũ bởi Simenon thôi. Mỗi lần đọc Simenon tôi đều nghĩ: lỏng, phì nhiêu, ướt át, Balzac quá; tôi cũng biết, giờ đây, nếu người ta trông đợi một câu chuyện trinh thám tìm ra hung thủ hay thậm chí lý do vì sao chuyện lại thành như thế... thì hẳn người ta sẽ thất vọng lắm, với Simenon; tôi cũng không hiểu vì sao cứ Georges Simenon thì người ta phải cốp thêm cái dấu "trinh thám" đi kèm, dẫu các truyện trinh thám là nơi người ta được đọc rất nhiều chuyện tình hay, cũng được đọc về hôn nhân, những cảm xúc cảm nhận suy nghĩ trong mỗi cái đầu trong lòng mỗi người được viết được hiểu rất hay [thì chung quy đời này nguyên nhân dẫn đến những án mạng tội ác sai lầm đều là tình - tiền thôi mà] mà viết về những điều ấy thì với tôi, Simenon viết tinh tế quái lắm, đọc lần nào cũng trong hưởng thụ cả


một người hào phóng, có đời sống chuyển dịch sôi động, đời sống tinh thần tình cảm phong phú dồi dào như vậy, viết hẳn là cứ thế tuôn ra, trong lúc định trạng thì cái bung nở ra tự định hình định dạng cho nó văn chương, như một hiển nhiên


quyển Người con không nhớ là quyển thứ mấy của Georges Simenon NN làm; như một bức thư dài người cha - người chẳng có nhu cầu gì nhiều ngoài những quyển sách, viết cho con trai; và đến trang áp chót thì người ta nắm được cái thời khắc khó khăn mà suốt cả hành trình viết của người cha ấy trút ra, giờ mới rõ vì sao; nó rất giống cảm giác bị văn chương của Henry James dắt mũi đánh lừa gây sao nhãng. Tôi nhớ một ngày gần đây, cháu tôi nhìn thấy quyển sách trên tay dì nó đọc có chữ "trinh thám" ngoài bìa, nó nghĩ đấy là những câu chuyện máu me án mạng và nó nói với tôi là i dont want to be killed, to be killed by someone :))) và hỏi sao dì thích đọc trinh thám, sao dì thích đọc các câu chuyện; tôi bảo dì không biết, chỉ là dì thích sự thật, luôn muốn biết sự thật, các câu chuyện luôn dẫn đến mở ra một sự thật ở mức độ nào đấy tuỳ vào việc con có thấy được hay không, nó luôn ở đấy cho mình nhìn thấy cho mình đọc được và truyện trinh thám là một thể loại làm việc í một cách dễ dàng mất ít thời gian hơn. Khi nói với cháu mình xong, tôi ờ nhỉ quá hiển nhiên, vậy đơn giản chỉ là người ta dùng cả đời để tìm kiếm hạnh phúc để được hạnh phúc, còn mình có lẽ thuộc phía đi tìm sự thật và hạnh phúc bởi hành trình đến với sự thật


khi có con, ta có cho mình một người chứng kiến, nói đúng, thì đó là một quan toà; mắt ta nhìn ta phải xứng với mắt ta nhìn vào mắt con ta, những mắt không dung chứa nổi những gì xa sự thật, những mắt ấy biết đâu cũng luôn muốn tìm sự thật về chính nguồn gốc nguyên uỷ xung quanh thế giới gần nhất mà từ đó người ta ra đời. Cẩn thận đấy, vì ta đã không hỏi đứa trẻ ấy, đứa trẻ ấy không được hỏi rằng nó có sẵn sàng đến thế giới bất tiện này không, có muốn làm con ta không etc. Cẩn thận đấy


28.8.23

Ly biệt



ngẫm duyên kì ngộ xưa nay

...

Mái Tây để lạnh hương nguyền

cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng

[N. D]


Mái Tây [Tây Sương Ký] là vở kịch của Vương Thực Phủ cuối thế kỷ 13 đầu 14, lấy lam bản là truyện Hội Chân Ký của Nguyên Vi Chi. Hội Chân Ký, ghi lại việc gặp tiên, thực là gặp người đẹp của Vi Chi, có một cái kết vô vọng khác với kết viên mãn của vở Mái Tây 20 chương; còn bản dịch tiếng Việt của Nhượng Tống dịch theo bản gồm các lời bình của Thánh Thán cắt bỏ 4 chương cuối lại cho một cái kết kịch "vô hồi", nhát cắt này làm thành một Mái Tây quá sắc [Thánh Thán cho rằng 4 chương cuối không phải Vương Thực Phủ viết và khi hiệu đính cũng cắt phéng đi, ông cũng thường cắt bỏ những chỗ không giá trị, như cắt Thuỷ Hử từ những đoạn các hảo hán quy phục triều đình]; đến lẽ người đọc không thiết tìm nốt 4 chương cuối, như tôi là tránh thường hoá chuyện tình bên mái Tây của Thôi - Trương; nhát cắt cho dừng đúng ở cảnh ly biệt-hội ngộ trong mơ, lặp lại một mê cung đồ sộ cả đời sống và văn học: thực và mơ - mơ lấy mơ làm thực hay tỉnh lấy thực mà làm mơ - sống như trong giấc mộng và mộng như là sống [cảnh cuối chương 16 người đọc ngỡ giấc mộng của Trương Quân Thuỵ mà làm thực]


Mái Tây của Vương Thực Phủ hay 3 phần thì Thánh Thán bình Mái Tây hội đủ 7 phần còn lại, bình không bằng lý luận mà bằng phép: phép đọc phép viết phép tả... phép này của Thánh Thán với văn chương chữ nghĩa là việc của con Tạo, không phải việc của lý luận phê bình có thể làm được. Một vở kịch nếu để nói cốt truyện thì không nhiều nhặn gì chi tiết, Thánh Thán cũng như Nhượng Tống đoạn 4 chương cuối thì nó là một tấn kịch vô hồi diễn đi diễn lại trong mọi đời, không riêng gì của nhà nào người nào, không riêng gì lứa đôi nào... nó ở tràn các mối duyên kiếp; nàng Thôi ở trong lòng mọi người nữ, chàng Trương ở trong lòng mọi người nam, không phải là giống riêng do thời đại nào tạo nên hay một xã hội nào sản xuất ra; nhưng cái hay của nó là đã tạo ra một thế 3 chân do 3 nhân vật chủ chốt: Thôi Oanh Oanh - Trương Quân Thuỵ - con Hồng như đầu đề - văn - khai thừa chuyển hợp ý... mà chung quy chỉ để vẽ một Thôi Oanh Oanh Song Văn. Tâm lý nhân vật nàng Thôi đài các đa tình tôn nghiêm, quốc sắc thiên hương mà cũng tiết hạnh khả nghi... ở các chương Tán thư - Lật thư - Đáp thư... diễn sao mà lắt léo khéo, nghe nó róc rách lắm, đọc đã hay mà đọc lời bình lại càng mê tơi. Như đã nói, Mái Tây Vương Thực Phủ hay 3 phần thì 7 phần thành toàn nó ở người bình là Thánh Thán; dịch nó 16 chương, đoạn luôn 4 chương cuối, đoạn đúng chỗ đoạn [và dịch cả lời bình các chương của Thánh Thán] là Nhượng Tống [nhìn kho dịch phẩm của Nhượng Tống mà rùng mình, đọc Mái Tây, không biết sao nghĩ đến tình dưới bóng từ bi Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng; chắc vì đều khung cảnh chùa và đều... mơ tiên] một trường hợp đặc biệt trong văn chương VN


sẽ rất hay sờ lại Tây Sương Ký, mà sờ lại đọc lại có lẽ nhiều là vì những bài bình của Thánh Thán và các bài viết khác về Mái Tây; cũng như lần này đọc lại Mái Tây vì nhóm Xuân Thu nhã tập của Đoàn Phú Tứ viết về Thơ quá hay, mượn hình ảnh nàng Thôi thi sĩ ngụ cái tình như và qua thơ còn chàng Trương là thi nhân; thi sĩ truyền lan thi nhân hấp thụ...


trong nhà dần sẽ chỉ giữ những sách ấy, những sách còn có thể mó lại được, tất nhiên, để đọc lại. Chọn hoàn thành ghi chú Mái Tây, có lẽ vì trông trăng tháng Bảy





23.8.23

synchronicity




duy nhất con mắt của mình nhìn mình là quan trọng và có ý nghĩa, còn lại đều không nhất thiết phải quan tâm. Con người ta luôn sống trong sự giám sát, cuộc đời mỗi người đều diễn ra trước đủ mọi loại mắt nhìn, nhưng chỉ có một đôi mắt trong đó là quan trọng. Đôi mắt nhìn nhưng thấy hay không lại cần ý thức, và vì có ý thức nên bất hạnh, chịu giày vò dằn vặt... như mang vác thập tự giá trên vai đi đày trong sa mạc. Sự thật luôn hiện hữu cho những ai có mắt để thấy 


vô tình thời gian vừa rồi thấy nhà cũng nhiều nhiều trinh thám mà đã lâu không đọc, cũng không nghĩ nhà có tận 8 quyển của Keigo nên còn 4 quyển chưa đọc thì đọc thôi. Đang quen đọc cổ điển, chuyển sang trinh thám hiện đại thật ngốn giấy ác quá; mỗi buổi trưa mênh mông để chống đỡ đôi mắt, ngồi bẹt mông đọc trinh thám 1-2 tiếng, 2 buổi trưa là hết 1 quyển trinh thám :))). Thứ tự đọc lần này vô tình lại là Thánh giá rỗng - Hoa mộng ảo - Trước khi nhắm mắt - Trứng chim cúc cu này thuộc về ai; và cả 4 quyển đều có những nhân vật ứng với đoạn trên kia, chỉ những mắt duy nhất ấy mới quan trọng và có ý nghĩa, chỉ có nó ý thức được ngay từ đầu về lương tâm lương tri tự vấn; cây thập tự giá lúc ấy tự họ nhận mang vác trên người như đi đày trên sa mạc, còn mọi bản án kết tội dù có là tử hình cũng đều vô nghĩa nếu người phải chịu trách nhiệm về việc mình gây ra không nhìn thấy cái đáng lý phải thấy, mọi bản án pháp luật nếu không có con mắt nhìn thấy của chính đối tượng phải nhìn thấy thì cũng chỉ như thánh giá rỗng 


Thánh giá rỗng đặt ra nhiều câu hỏi, nhiều đất để khai thác. Nó làm tôi nghĩ đến một đoạn video tôi xem lâu rồi, hình như vụ án ấy ở Mỹ, kẻ thủ ác giết người hàng loạt và nạn nhân là các cô gái trẻ phần lớn thi thể đều chưa được tìm thấy; trong các phiên toà, kẻ thủ ác thường bác bỏ mọi cáo buộc với thái độ hết sức "máu lạnh", trong một phiên toà, người cha của một nạn nhân [tôi không nhớ rõ là con gái ông đã được tìm thấy thi thể hay chưa] chỉ biết ống nói: tôi tha thứ cho anh bất kể anh đã làm những gì với con gái tôi, dù anh ở thiên đàng hay địa ngục hay ở bất cứ đâu thì cũng cầu Chúa soi sáng và gìn giữ anh... tôi chỉ muốn nói tôi tha thứ cho anh và con gái tôi, con bé cũng sẽ tha thứ cho anh vì con bé là một người tốt và lương thiện vì vậy nó xứng đáng được yên nghỉ. Chỉ sau những lời này thì kẻ thủ ác mới bật khóc xin được tha thứ và thừa nhận các cáo buộc, khai nhận những tội ác mình gây ra, không đòi hỏi hay xin kháng cáo giảm án


3 quyển Hoa mộng ảo - Trước khi nhắm mắt - Trứng chim cúc cu... đều có những nhân vật như vậy; việc họ gây ra khiến họ chịu sự giày vò của ý thức và vì vậy dám mang vác một trọng trách suốt đời và di ngôn cho các đời sau tiếp tục trọng trách ấy, hoặc vì lương tâm chịu sự dằn vặt, ám ảnh mà hoá điên, tự sát


lòng người chồng lấn muôn trùng mê cung, con mắt đã cố tình không thấy thì mọi bản án đều vô nghĩa. Những mắt thấy là những mắt khóc



trút hết tàn dư hậu khải kỳ




trước khi mở mắt dậy, hiện lên trong mắt tôi là hình ảnh sàn gỗ ấy, ánh sáng cửa balcony hắt vào ấy, khung cảnh ấy... trên sàn gỗ là 3 đống sách vở giấy tờ von lại đã từng cháy và giờ chỉ còn là tro tàn cùng những mẩu sém còn sót lại, những mảng sàn gỗ đen cháy như thân cây khô cằn sau cháy rừng; trong mỗi von tro ấy, dưới cùng là những quân bài tổ tôm màu lam, chúng úp và có quân cháy dở; 3 đống không thẳng hàng, đống ở gần phía cửa 2 phòng ngủ là nhiều quân bài tổ tôm nhất, sém ít nhất; trên nền đống ấy có các Hán tự hiện lấp ló dưới các quân bài tổ tôm màu lam, tôi không nhìn được không hiểu được chúng viết gì, nhưng miệng tôi đọc thành tiếng: "trút hết tàn dư hậu khả kỳ" nhưng mắt tôi lại lưu hình ảnh chữ "rút" không phải "trút" và tai tôi nghe mình đọc "khải" không phải "khả", và ý nghĩ tôi lại thích nghe "tàn hương" hơn "tàn dư" [có câu hát gì: phấn hương nồng của ngày tháng bên nhau, không nhỉ]


tỉnh dậy 2 tiếng sau tôi vẫn lẩm nhẩm "trút hết tàn dư hậu khải kỳ" và search nhưng không ra văn bản nào có câu í, tôi nhắn cho tiểu iêu đang học Hán ngữ là em dịch nghĩa hay em hiểu câu này thế nào. Nó vừa ngủ dậy đọc tin còn nghĩ tôi nhắn nhầm và hỏi cụ nhắn cho em à, rồi bảo em có biết gì đâu


và tôi thì cứ nhớ mãi hình ảnh một quân bài tổ tôm màu xanh lam úp mặt đang cháy dở, nhìn quân bài cháy dở không hiểu sao tôi rất nhớ, dù nó cũng chỉ là một quân bài như bao quân bài được xếp úp mặt trong hình ảnh chung ấy, tức là đều màu lam và đều úp mặt, nhưng không biết vì lẽ gì nó cứ như một bức tranh rất đẹp trong trí nhớ khi tỉnh dậy của tôi. Quân bài cháy dở


thất tịch không mưa lại thêm câu kia tôi lẩm nhẩm, tôi nhớ đến một hình ảnh bộ phim nào đó 2 năm trước bạn bè fb xem nên fb gợi ý tôi xem, chính đoạn phim đó nên sau tôi cũng xem qua cả bộ phim: đó là đoạn một người nam giới dùng đèn kết phách đốt những áo quần đồ sót lại của một người đã khuất với mong muốn tinh khí còn vương sẽ tụ lại kết nối tâm thức linh hồn bị tổn thương khi mất, và kết phách ấy là kết phách cho người vợ đã khuất của chàng ta


sáng lên vườn nhìn lá hoa trong nắng gió lay động, tôi nghĩ bạn tôi vẫn quanh đâu đây dưới bầu trời xanh này với tôi; dưới bầu trời này, trên mặt đất này 


một tháng Bảy ốm loay quay 

18.8.23

behind blue eyes




sáng nay trước khi mở mắt dậy là tôi mơ tôi chơi guitar trên nền nhạc behind blue eyes của limp bizkit; trong mơ tôi còn nể mình tempo chuẩn vãi chưởng; nhưng tôi cũng tự nhắc tỉnh đi tú mộng huyền


thế rồi tôi mở mắt và nghĩ đàn guitar cũng cho rồi, đàn piano thì để bụi không, chả hiểu nghĩ gì mà hôm trước muốn lắm, chụp sheet piano bài My skin để tập, làm cho mấy cái ảnh sheet nó lạc quẻ dã man trong kho ảnh toàn tài liệu học, lá hoa côn trùng. Chả hiểu nghĩ gì tú ơi 🤦🏻‍♀️

mỗi năm cứ vào khoảng này là tôi dặt dẹo và lúc nào cũng có cảm giác bỏ mịe mình không làm nhanh là hết mịe thời gian chả kịp làm cái khỉ gì và thế là tôi rối tinh rồi mù lên, như gần đây là cắm đầu cắm cổ đọc, tiếc thời gian làm mọi thứ vì chỉ muốn dành hết cho đọc, không đọc nhanh là trết tới đuýt không kịp đọc gì không bằng, dù hoàn toàn có thể nói chả ai kịp đọc cái khỉ gì trong đời nên cũng hoàn toàn có thể buông tay không đọc gì còn hơn là tiếc vì đã không kịp đọc :))), nghĩ thế cho đỡ phải đọc. Sáng nay xuống tính mở đàn tập lấy vài dòng bài My skin và tôi nhìn cái đàn của tôi như thế kia. Tôi gật đầu xác nhận: công nhận việc xếp mọi thứ nó quan trọng thật, trông nhà cửa thế này mình cảm thấy tối như hũ nút, sáng sủa đâu ra mà chả kịp với kịp làm này hay là làm kia. Tóm lại mình cữ lững thững ung dung như mình vốn thế đi, nhặng lên thì cũng để làm gì đâu, chả ai kịp làm gì cả đâu và đã thế thì cứ bình tõm 

13.8.23

mũi ức


 



tháng 11 năm ngoái tôi mơ giấc mơ đánh lại bố mình khi bố đánh tôi; cũng chỉ vài ngày sau, trong lúc cãi vã bố tôi hơi say và sấn sổ tiến đến nhảy vào tôi như trước đây đánh tôi, tôi đẩy mạnh ra và suýt nữa đã đánh bố mình như trong mơ tôi đã hành động; rồi tôi buông tay và chạy lên nhà xếp đồ bỏ đi


kể từ đấy, trong các giấc mơ tôi không còn là nạn nhân bị bố mình đánh nữa; tôi trở thành đao phủ, như hôm qua tôi mơ bóp cổ bố mình trong nước mắt khi ông lao vào đánh tôi; cảm thấy không thể chịu đựng thêm, tôi nghĩ phải mở mắt mở mắt ra dậy thôi tú ơi dậy; và tôi mở mắt rất nhanh nghe tiếng tim đập không thể lấy lại nhịp; tôi nhắm lại mắt hít thở cho đến khi lấy lại nhịp và thấy emi nằm uỵch lưng chạm lông mềm của nó vào cánh tay tôi


hôm qua buổi tối trước khi bố tôi về phòng, tôi nhờ ông sáng mai trên đường đi tập thể dục về mua thịt bò hộ con được không, vì hàng thịt bò gần nhà lại ở cửa nhà bà ngoại con không muốn. Ông ngần ngừ rồi cầm tiền, vì vốn bố tôi không động tay chân vào bếp núc chợ búa bao giờ, món ăn có thịt bò là món riêng ông sẽ ăn ngày mai, và ông cũng biết đời sống sẽ là như thế khi mẹ tôi không ở nhà, tôi hiếm khi tự đi chợ. Nghĩ đến hình ảnh ngần ngừ ấy, có lẽ tôi mang vào cơn ngủ giấc mơ, dù trước đấy tôi đọc truyện trinh thám rùng mình mỗi khi nhân vật tìm ra một mắt xích

sáng dậy khỏi giường, tôi mang theo cơn đau ở mũi ức