Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

23.4.19

sợi tóc vương

Sau 5 quyển của Hermann Hesse, tôi nghĩ mình sẽ không đọc ông ấy nữa, hoặc sẽ quay lại dịp khác, và nếu đọc lại thì sẽ đọc cùng Thomas Mann. Một kiếp giang hồ [Knulp] đến tay, thế là tôi đọc Hermann Hesse sau chừng 6-7 năm không hề nghĩ sẽ đọc ông ấy Hermann Hesse với tôi là những bản thể đối cực và hỗn độn, khung gò cứng theo hoạch định xã hội đối chọi với tâm hồn nghệ sỹ-gã lang thang, giữa nhục cảm và cái đẹp, sáng – tối, tĩnh – động…; những nhân vật ẩn dật, sự tự do phóng túng đưa các nhân vật rời xa nơi con người sinh sống tới nơi núi rừng, thảo nguyên; những cuộc đào tẩu có dự tính với trường học, thoát khỏi cha mẹ cùng những ảnh hưởng tôn giáo, sự xê dịch lang bạt nay đây mai đó vô chính phủ... tất cả những điều này có nhiều nét giống với tiểu sử của Hermann Hesse, những đợt điều trị tâm lý cùng những luồng tư tưởng ập đến, sự nhạy cảm và yếu đuối của Hermann Hesse được bọc trong bầu không khí giản dị phương Đông hay trong một đời sống phiêu bạt không trì níu, sống cuộc sống bên lề, tự do phóng túng ngoài đời sống thế gian cũng như chính trị Một kiếp giang hồ bản dịch tiếng Việt năm 1967, gáy sách chỉ còn dính mẩu bìa nhỏ bằng 1/3 cái móng tay út của tôi thôi, tôi đọc hết sức nhẹ nhàng gặm nhấm [tôi thường nghĩ có lẽ tôi yêu sách cũ vì chúng chứng kiến và đi qua dòng thời gian với phong thái tĩnh tại tuyệt đối], sách 136 trang thì đến trang 134-135 một sợi tóc nâu lơ thơ mỏng mảnh vương ngang sách, tôi lấy tay gỡ, kéo nhẹ nhẹ không ra, và hiểu rằng nó vương ngang trang giấy từ lúc quyển sách thành hình, vậy là bảo tồn hiện trạng tôi không kéo ra nữa, tóc và sách tồn tại cùng nhau giống như da thịt người và những sợi tóc còn đó

19.4.19

chơi với kiến

water color pencil do don juan tài trợ từ trước tết; còn cái cảnh này thì ai ai cũng thấy quen. Lúc vẽ tôi nghĩ đến tôi là con bé con được một thằng bé con dắt đi chơi ở cánh đồng hoa dại và chúng tôi ngân nga hát sai toé loe lời bài hát fields of gold, xong rồi 2 đứa ló thấy có vẻ đã ngồi giữa cánh đồng an toàn, chúng đào đất chơi với kiến như mọi lần người ta sẽ bảo tú vẽ nét bút lúc nào cũng đều đều không rõ sáng tối bố cục; hát thì giống tất cả quy về một nốt nhạc đều đều không lên bổng xuống trầm rì hết... bệnh của tôi là bệnh bình ổn, quân bình lúc nào cũng thế và tôi không lấy làm phiền ban đầu vẽ hồng hồng phấn phấn như kia, sau ló creepy lại thấy rất ưng ý

17.4.19

đọc George Eliot

2 quyển trong ảnh đều được dịch từ bản rút gọn của Longman, hôm qua chợt nghĩ bản dịch tiếng Việt xuất hiện sau 1 thế kỷ có lẻ 1-2 năm so với năm xuất bản nguyên tác [1860, 1861 và 1962]. 1 thế kỷ hay hơn 8 thế kỷ... những thứ đã chứng kiến rất nhiều, loài người như lũ trẻ nhỏ bu quanh người già chỉ để nói rằng cuộc đời vẫn đang tiếp diễn 🙂 Tôi thích cái kết của Bên bờ sông Xanh, rất thích những trang cuối của nó và nếu đọc đầy đủ The Mill on the Floss có lẽ sẽ còn thích hơn rất nhiều; và, dù chưa đọc bản đầy đủ Silas Marner thì cũng biết rằng mình sẽ thích Silas Marner hơn The Mill on the Floss Tôi biết rồi sẽ đến ngày này, tức là biết rằng nó chính là thời điểm mà mình sẽ đọc, quay lại đọc những gì cổ điển, một khoái cảm dài hạn với những ông già bà già như nhìn ngắm những ngôi sao cách xa triệu triệu tỷ tỷ năm ánh sáng. thế còn hố vôi George Eliot 🙂 p/s: tôi rất thích bản dịch Bên bờ sông Xanh

10.4.19

tập tục địa phương

[Hai quyển trong ảnh có chỗ đứng rất riêng trong sự nghiệp của Edith Wharton nhé] Edith Wharton sinh ra trong một gia đình giàu có thuộc tầng lớp thượng lưu New York, bà dành phần lớn những năm tháng tuổi trẻ ở châu Âu [Pháp, Đức, Italy... không trách không khí trong truyện giống truyện châu Âu với những tea party như vậy]. Tiểu sử của bà thường nhắc đến chi tiết bà là bạn tổng thống Theodore Roosevelt và người vợ thứ hai của ông, Edith Kermit Carow Roosevelt [bà Edith này đọc Ethan Frome của Edith Wharton, đọc đi đọc lại cơ í]. Là người nằm trong lòng xã hội thượng lưu, Edith Wharton có cái nhìn xoáy vào bản chất mạ vàng của đời sống thượng lưu phù phiếm, rất rõ qua Chỉ ngu ngơ mới biết cười [The House of Mirth] và Thời thơ ngây [The Age of Innocence], với những mùa lễ hội miên man hào nhoáng vật chất nhưng nhỏ nhen, chen đầy những tập tục khô cứng song lại mờ ám, đạo đức rỗng Mùa hè [Summer] tôi đọc cùng 2 quyển trên như một mảnh ghép rời rạc, may quá nhờ sự rộng lòng của một người bạn fb tôi có Định mệnh [Ethan Frome] để các rãnh mảnh ghép không đơn độc chơ lơ một mình (cảm ơn cuộc đời, cảm ơn anh-người tài trợ sách rất nhiều ạ). Mùa hè và Định mệnh, duy chỉ hai tiểu thuyết có một chỗ đứng riêng biệt hẳn trong sự nghiệp ngất ngưởng viết về xã hội thượng lưu của Edith Wharton, cả hai đều lấy bối cảnh New England với những nhân vật kiệm lời, lặng lẽ, u uẩn mà người ta lấy làm lạ tại sao có thể sống qua mùa đông âm u tuyết phủ [Định mệnh] hay có thể chịu được mùa hè ngột ngạt tù túng như cả Núi Lớn vòi vọi toả xuống làng [Mùa hè]. Với Mùa hè và Định mệnh, cái nhìn của Edith Wharton như đứng trên cao nhìn xuống, nó không còn là những mùa lễ hội miên man, nó rọi xuống những làng quê, thị trấn hẻo lánh nơi những tập tục địa phương kéo căng hất mỗi cá nhân vào trường cái nhìn soi xét của đám đông, vòng xoay cá nhân và xã hội. Khi ở tuổi 33 tôi đọc [lại] 2 quyển tiểu thuyết này, tôi thêm cảm tình với tuổi tác của mình 🙂 vì đọc sớm thì tôi rất nhiều khả năng sẽ không hiểu được những cảm xúc sâu xa mà ngôn từ chỉ có chức năng gợi ra, ngôn từ bất lực trước những diễn giải cảm xúc mà người đọc phải đọc trong khoảng trống. Cả hai đều được viết rất gọn, những chương áp cuối làm nên cái kết, có lẽ là đáng nhớ nhất trong mấy năm gần đây tôi đọc tiểu thuyết; khi nghĩ lại tôi cũng không hẳn ấn tượng với cái kết mà thực ra là với bước chuyển tâm lý của các nhân vật, chúng mang vẻ đẹp của lòng trắc ẩn không lời Bản dịch Mùa hè và Định mệnh cũng là hai bản dịch tôi vô cùng thích, đặc biệt là Định mệnh [thời nay đọc lại sẽ thấy hơi nhiều lỗi chính tả]. Tôi luôn băn khoăn mỗi khi đọc bản dịch ngày xưa, rằng tại sao khi đọc sách dịch mới tôi ít có xúc cảm với bản dịch như vậy chứ :)))). Thú thật là đến lúc này Edith Wharton với tôi chỉ còn Ethan Frome 😛. Tôi chuyển sang đọc George Eliot được hơn tuần nay rồi, rồi chả hiểu sao tôi dừng ngang Bên bờ sông xanh [The Mill on the Floss] dù dịch từ bản rút gọn nhưng câu chuyện rất khéo, để rồi sa chân vào đọc về bà ấy và George Henry Lewes, xong giờ lại phải viết gì đấy về Ethan Frome của Edith Ưharton thì tôi mới an phận cơ :)))) p/s: Cái tên Tập tục địa phương [The custom of the country] nghe thì tưởng rất New England, nhưng thật ra lại là câu chuyện về cô gái miền Midwestern [Trung Tây] trên bước đường đô hội New York 🙃

2.4.19

Đường tàu

Mình xem phim The girl on the train trước và không nghĩ sẽ đọc truyện [lý do sau sẽ rõ] nên quyển trinh thám Cô gái trên tàu ở trong nhà cũng lâu lâu, không được ngó đến dù mình rất thích đọc trinh thám Giữa quãng nghỉ ít ngày chờ Ethan Frome đến tay thì mình nghĩ ổn thôi Cô gái trên tàu, trinh thám-tác giả nữ-là Anh không phải Mỹ, quá ổn, mình sẽ đọc Cốt truyện hay, vừa đủ. Viết chặt chẽ, đi sâu tâm lý nhân vật, cách tác giả đặt thời gian trên sợi tuyến tính 3 nhân vật nữ linh hoạt, câu văn gọn [không hiểu sao đọc những dòng đầu tiên đường tàu đoàn tàu các thứ đã thấy ngay khung cảnh âm u sương mù Anh rồi]... thế mà sao dân đọc trinh thám lại chê thế nhỉ :p, hợp khẩu vị nên mình sẽ đọc tiếp Paula Hawkins [ban đầu cứ tưởng nữ nhà văn Mỹ nên có ý định đọc đâu :p]