Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

26.8.20

white tiger




người đàn ông mở cửa sổ phía sau căn nhà lưng chừng đồi; anh vừa đi làm về, dáng vẻ cô độc mệt mỏi. Ngắm nhìn cảnh đồi chiều tà khiến anh dễ chịu; ở trên kia hiện giờ là một ngôi nhà tre dang dở, người ta chỉ dựng khung nhà, chưa cất nóc, chưa tấm phên, lòng nhà giá kệ chạy dài chia khung nhà tre thành từng dãy, trên các giá là sách, những thùng sách, một số thùng vẫn còn đặt dưới đất. Anh nghĩ mãi không hiểu từ bao giờ ngôi nhà dang dở ấy mọc trên đồi; nó trổi lên từ giữa đỉnh lòng đồi tự bao giờ anh không hay biết, như một ảo ảnh


nhìn từ xa anh cũng có thể nhận ra những quyển sách mình đang tìm kiếm, đấy là công việc của anh; không có ai trong căn nhà khung tre mọc lên như không thật này. Anh muốn lên tận nơi xem chúng


vọt chân nhảy khỏi khung cửa sổ dễ dàng, cũng không khó khăn gì để đi lên đỉnh đồi, độ dốc chỉ thoai thoải và trơn không đáng kể. Loáng cái, anh đã lên tới nơi, hơi thở đứt đoạn, anh chống tay vào giá kệ gần nhất lấy lại nhịp tim, không khí loãng hơn anh hình dung, tiện tay nhấc quyển sách gần nhất xem. Quyển sách đúng là thứ anh đang cần, công việc của anh cần những quyển sách thế này, xung quanh nhiều quyển sách anh thậm chí còn không biết nó tồn tại trong thế giới của mình. Một con vật không biết từ đâu hiện ra trước mắt anh - con hổ bé, trắng vằn đen, thứ màu trắng và đen vốn đã chọi nhau, giờ đây ngự trên bộ lông của con thú càng thêm phần sắc, anh nghĩ liệu có phải một hình ảnh không thật, cho đến khi từ giữa hai hàng kệ con vật rút ngắn khoảng cách tiến đến anh. Nó nhỏ như một con mèo lớn, nhưng mặt đã bạnh rõ nét của một con hổ có tuổi, lạnh lùng hoang dã, không một động thái báo trước, nó cong người bành mặt, nhe răng dữ tợn và groàoooo một tiếng khiến anh hoảng hồn; đầy đe doạ, đôi mắt nó nhắm đến tay anh đang cầm quyển sách, cái nhìn không khoan nhượng, mép ria không ngừng chun lại sẵn sàng chồm tới; trí khôn của anh như được kích hoạt, xăng xái anh đặt lại quyển sách về chỗ cũ, đứng chôn chân cầu khẩn, không nhúc nhích, không dám cả thở; còn nó nhìn anh vô cảm và có vẻ giễu cợt. Rồi quay lưng vẩy đuôi bỏ đi


khi đã lấy lại nhịp tim, mồ hôi trên người đã ngừng túa ra và se mát khô ráo trở lại, anh nhìn quanh các kệ sách tìm con hổ nhưng nó biến mất như chiếc răng nanh, tiếng groào vừa rồi là do mất trí mà anh tưởng tượng ra; mọi thứ trong căn nhà cô liêu như vốn có ở trên đỉnh đồi hoang vu và chỉ có anh ở đây. Giữ nguyên cảnh giác, anh đi dọc các kệ sách và chỉ nhìn ngó, chỉ nhìn, không dám sờ. Xem kệ bên này, quay sang xem kệ bên kia, lần lượt cho đến cuối dãy kệ ở ngay sát góc nhà nhìn thẳng xuống thung lũng thì đập vào mắt anh một thùng sách màu trắng; trông có vẻ rất thường được mở ra đóng vào vì thùng xô vẹo lắm rồi. Anh nhìn ngó không thấy bóng dáng con hổ trắng vằn đen đâu, lúc này gần như anh nghĩ, hẳn con hổ do mình tưởng tượng nên; cẩn thận anh nằm rạp mình xuống đất nhìn qua các khe kệ bên dưới cũng không thấy bóng dáng nào khác ngoài những đung đưa nhẹ theo gió của một vài cọng cỏ khô, lá úa; con hổ không ở đây, con hổ không có thật; lấy làm may mắn đứng dậy phủi tay chân, anh bê thùng sách xuống ngồi xem cho thoải mái


một giọng nữ loáng thoáng vang lên  cùng cuộn khói trắng đục như phỉnh phờ vọt xuyên không trung ngỡ làn sương mù vụt qua, bỗng đâu từ bên kia dãy kệ con hổ trắng vằn đen xuất hiện. Nó đã thành một con hổ đích thực, có thể gấp 4 gấp 6 người anh. Giật mình, kinh sợ, sượng sùng như một kẻ gian bị bắt tại trận, anh buông thõng vội vã quyển sách đang cầm trên tay rồi vụt đứng dậy, muốn chạy muốn trốn nhưng đây là góc cuối căn nhà dẫn thẳng xuống vực, và anh vẫn tỉnh táo để biết rằng mình không thể chạy, không thể thoái lui đi đâu được nữa; anh giật lùi từng bước nhỏ, là dợm chân run thì đúng hơn là bước giật lùi; nó giữ nguyên vẻ lạnh lùng của kẻ làm chủ thế trận, không buồn vờn con mồi, đủng đỉnh đi tới. Bằng một động tác nhún thuần thục, nó đứng trên hai chân sau và dùng một chân trước co lên bạt vào người anh, anh ngã lộn nhào lăn theo triền dốc 


không rõ mình lăn bổ càng bao lâu hay va đập vào những đâu những gì, anh lăn thẳng vào một chỗ êm, mát, xộc vào mũi anh là mùi ngái tanh bùn đất. Anh đang nằm trong vũng bùn sình, có lẽ đã xuống thung


con hổ trắng vằn đen từ trên cao nhìn xuống, anh nghĩ nó sẽ không tha con mồi dễ dàng thế, nó hẳn muốn xuống giải quyết anh, nghĩ vậy, anh cố giãy giụa ngồi dậy để ra khỏi vùng lầy nhưng càng giãy lớp bùn sình càng giữ anh chặt hơn, ngập lún sâu hơn. Vừa giãy trong vô vọng vừa không dời mắt khỏi con hổ trắng vằn đen; và rồi bắt chợt anh nhận ra một màn sương mỏng vụt tới như cuộn khói kỳ quái ngay trước khi con hổ nhỏ xuất hiện lúc đầu chồm tới; anh gào thét giương tay che chắn như bản năng. Con hổ trắng vằn đen bỗng trở thành cô gái, cô gái mà anh và cô hình như có biết nhau, cô nhìn anh với cặp mắt quen biết nhưng mờ lạnh. Cô ngồi trụ trên một chân, một chân dựng vuông góc, tay buông chạm mặt đất ẩm cỏ, ngón tay cái và trỏ tạo ra một cử động gõ nhịp như đang suy nghĩ, tay còn lại gác hờ hững trên đầu gối dáng vẻ bình thản, cô ngồi đấy cách anh 1 mét nơi mặt đất ổn định, nhìn anh lạnh lùng không nói rì. Rồi đứng dậy quay lưng đi mặc cho anh đã hoàn hồn kêu cứu 


cô ngồi trong giảng đường một mình như bóng mờ; hai cô gái khác vừa bước vào vừa nói chuyện về việc trên đường đi họ nhìn thấy chàng trai bị ngã dưới thung, đang vật lộn trong vùng lầy bùn sình. Cô lặng lẽ nghe câu chuyện, cô nghe họ nói anh ta như một đàn anh của họ, không có anh ta ở đây hôm nay thì tốt cho việc học và làm của họ hơn, "không xuất hiện nữa thì tốt hơn cho chúng ta"


cô dời giảng đường, đi dọc triền đê rồi trượt xuống nhiều bận theo lạch nước đâm xuống thung lũng đến nơi đất trũng thoai thoải dần thì dừng lại ở nền địa hình ổn định. Nhìn thấy cô trên vùng an toàn, anh sửng sốt nhưng vẫn cầu cứu và nhanh chóng nhận ra cô đang loanh quanh kiếm tìm gì đó; cũng rất nhanh chóng anh thấy rằng cô không thoả mãn với các tìm kiếm, cô ném đi tất cả những cành cây mà với anh, chúng có thể là công cụ cứu anh khỏi đầm lầy; dài chắc chắn, cô ném bỏ; ngắn chắc chắn, cô ném bỏ; dài xù xì, cô ném bỏ; vừa phải chắc chắn, cô ném bỏ... anh không biết cô kiếm tìm gì nếu định cứu anh; gần như tuyệt vọng, anh nằm trong bùn ngập ngang cổ và khóc, khóc trong khô khan âm thanh vì không còn chút sức lực nào; tuyệt vọng đã lấy đi những thoi thóp


anh nghe thấy âm thanh cô bước đến rồi cái gì đó rơi bịch vào mặt anh, người anh. Anh mở mắt thấy một đống cây như bùi nhùi rối tung phủ lên người mình, cố ngóc đầu anh nhận ra nơi trước đấy cô đứng giờ quang quẻ hơn, cô không tìm cách cứu anh mà hình như đã dọn dẹp nơi này thì đúng hơn, cô ta dọn cho ta một chỗ trết đẹp đẽ hay sao, khốn nạn, mình không nên hy vọng thêm bất cứ gì ở con người đã đẩy mình vào cái chết dần mòn sụt lún này. Xác định mình sẽ nằm đây trết, anh phải nằm ngay ngắn, chỗ bùi nhùi kia sẽ giúp anh di chuyển để có dáng nằm dễ nhìn nhất có thể, rồi sẽ có ngày ai đấy lên ngôi nhà ma quái và nhìn xuống, từ trên ấy nhìn xuống vùng lầy, anh sẽ đập vào mắt họ, mà không, không thể, vùng lầy nuốt chửng anh chỉ ít phút nữa thôi; nghĩ đến nỗi thê lương một mình nơi này, dần mòn từng tích tắc, anh không còn sức than khóc; anh quyết định dù thế nào cũng phải có dáng thật hiên ngang. Nghĩ vậy, anh dùng hết sức tàn ghì kéo đống bùi nhùi ngõ hầu di chuyển dáng nằm trong lớp sình mỗi lúc như đặc quánh thêm, ngạc nhiên vì đống bùi nhùi có vẻ chắc chắn, không, không phải có vẻ, nó đúng là chắc chắn, rất đáng hy vọng; anh gạt kéo đống bùi nhùi nhấc khỏi mặt bùn và nhận ra nó là vô số tua cuốn như cả một trảng cây bụi thấp được ném xuống, một kiểu sợi thừng tự nhiên. Thoáng ý nghĩ cô ấy cứu mình thật, anh đưa mắt đảo khắp trong trường nhìn của mình để tìm cô gái thì đáp lại anh chỉ là cô tịch chiều hôm bạng nhạng. Có lẽ cô đã bỏ đi từ rất lâu rồi, ngay khi ném đống bùi nhùi vào anh


cô mở mắt tỉnh giấc ngủ 7:26 sáng thứ hai, năm covid thứ nhất, mai là ngày thất tịch; cô nói với con mèo đang kêu gào ngoài cửa phòng đòi ăn rằng mình đã quên mua bánh cho ló, ló đừng phàn nàn nữa vì dù sao cũng phải 11 giờ, sau khi tập xong, cô mới đi mua đồ ăn cho ló được. Cô đan tay đặt sau đầu, nhìn trần nhà. Rồi nhắm mắt, nghĩ lại hình ảnh dáng đi của con người trong giấc mơ khi anh ta vừa lên tới đỉnh đồi, chuẩn bị dật bước chân tiến vào khung nhà tre


cô biết anh ta.




20.8.20

mộng cảnh



Gia đình Buddenbrook thật dài, chuyện về một dòng họ qua 4 đời. Nghĩ kỹ, cũng không dài lắm, quyển gia phả với đủ những chi tiết, thư từ, giấy và màu mực đã ngả màu kẹp lồng vào nhau; ắt phải là như thế, nhất là khi Thomas Mann xây dựng câu chuyện từ rất nhiều chi tiết gia đình ông 


dài, nên nhặt chi tiết là rất quan trọng, Thomas Mann rắc chi tiết như một bàn tay vụng về [cố ý], nhiều khi tôi nghĩ, hơn 20 tuổi Thomas Mann đã viết tầng lớp thế này, nội việc từng này nhân vật chạy qua các dòng các trang cũng đã khó tránh khỏi lủng củng. Nhưng tôi thường nhầm 🙂


chẳng hạn, thằng bé Hanno là đời thứ 4 của dòng họ Buddenbrook, ngay từ bé nó đã gần cái chết, sự u ám, coi nhẹ mọi kết quả hơn là gần sự sống; nó tiên cảm từ rất sớm về cái chết của ông tham, cha nó; nó không quan tâm gì định hướng của ông tham hay kỳ vọng của ông đặt lên nó, nhưng nó lại đồng ý đi cùng ông tham ra bến tàu để nhìn ông tham tươi cười thế nào với mọi người rồi ngay sau đó ngồi trên xe chỉ có hai cha con, mặt ông trắng bệch, mệt mỏi ủ rũ. Một ngày ông bảo nó rằng hãy đứng ở cầu thang, trước cửa phòng ngăn không cho bất kỳ ai tiến bước vì ba phải làm một việc hệ trọng. Chính lúc ấy, Thomas Mann thả một câu vụng về mười mươi rắc bánh làm dấu trên đường "Một bận, đứng trước bàn thờ bà nội, chú ngửi thấy mùi thơm của hoa lẫn với một mùi thơm khác vừa lạ lùng, vừa thân thiết" và chị học việc hay người vú em tiến đến gần đều bị nó chặn lại kiên quyết 'không ai được vào, ba đang lập di chúc'


hay chính nó là người mở quyển sổ da gia phả và nhìn thấy tên mình, một hành động trí mệnh hoàn toàn gà gật của đứa trẻ lên 6, nó cầm thước và bút, kẻ đè 2 đường gạch xuyên suốt tên nó như một cách trang trí cho đáp số bài toán


ở khoảng trang 700, tôi buộc phải dừng việc đọc một mình để đọc lại từ đầu, đọc thành tiếng cho đứa em nghe, tôi đã hứa với nó rằng đoạn kết hai chị em đọc với nhau; dù đã biết trước mùi chết chóc, đang tịnh tiến gần hơn đến mùi kỳ quái ấy, mùi ấy sẽ đến với ai với ai trước trong câu chuyện, thì đến chi tiết ông tham bị đau răng đi gặp nha sĩ, tôi cười đến mức gập bụng đỏ hoe mắt khiến đứa em ở nơi xa nhìn và nghe chị đọc truyện không khỏi bàng hoàng tại sao chị lại lạnh lùng như thế khi người ta đang đau. Tôi nhớ trong đám tang của ông nội mình, tôi khóc rất nhiều, khi ngồi rất gần quan tài của ông, mắt những đứa cháu sưng húp hụp trong khói hương và âm thanh tang ma, bỗng một người họ hàng đói quá phải ngồi hút hộp sữa vinamilk để lấy sức, chị nói 'hút hộp sữa để lấy sức khóc nào và cười' [đám ma mà không có tiếng khóc thì làng xóm cười cho thối mặt, người lớn bảo thế, không sinh ra ở quê thì tôi vẫn có tai để nghe dặn những điều như thế], bỗng nhiên hạch giao cảm của tôi chạy từ phase nọ sang phase kia vô phương cứu chữa, vô duyên ngỗ ngược thậm tệ tôi cười không dứt được, tất nhiên cười không ra tiếng, càng cố nén cười tôi lại càng cười dai, cho đến lúc phi ra chuồng xí sau vườn, tôi khóc oà lên nức nở vì tôi buồn quá mắt tôi căng quá ngực tôi nặng quá; ở đây, phase của truyện cũng vậy, tại sao tôi lại cười hoá dại như thế khi ông tham đau đớn đi nhổ răng, ông nghiến răng chịu đựng cái răng đau và nuốt xuống khó khăn như nuốt mùi sự chết, tôi cũng không lý giải được phase của mình, và tại sao lại cần trả lời câu hỏi tại sao hiển nhiên như thế chứ; đúng như dự cảm, ông tham đi rất gần cái chết rồi, trết từ lâu nhưng sắp được an táng. Tôi vô duyên thế, chỉ 1 trang sau, ông tham ngã một cú và nằm bệt giường


lúc ông nằm trên giường bệnh, Hanno nó ngồi gần giường cha, đôi mắt nhìn xuống và chờ đợi cái mùi thơm kỳ quái khác thường kia. Chi tiết về mùi thơm kỳ quái, tôi rất thích


cũng tương tự như thế, chương kể một ngày của Hanno làm tôi nghĩ đến một ngày của mình. Tôi tất nhiên không biết chơi đàn, cũng như Thomas Mann cũng có biết đánh đàn đâu, vậy mà vẫn viết những chi tiết về nhạc, rất oách đấy thôi; nhưng cảm tưởng về một ngày của thằng bé Hanno với chính tôi, không chạy đi đâu cả, ngay từ phút mở mắt tỉnh giấc đến khi về giường nhắm mắt chìm vào giấc ngủ nhiều mộng mị; ngay cả việc nó không hề sợ kết quả tồi tệ, nó chỉ ngán ngẩm giờ phút đi đến kết quả tồi tệ diễn ra, mắt nó sẽ phải nhìn đi đâu thôi, tôi cũng thế. Nó là nhân vật tôi thích nhất trong Gia đình Buddenbrook, tôi chệch choạc quá, lại cứ nghĩ thằng bé sẽ từ giã dòng họ sớm hơn. Thật là chệch choạc 🙂 [ngay từ đây, đã thấy tình cảm đồng tính của Thomas Mann rồi, không cần phải đến Chết ở Venice]


có nên tạm nghỉ Thomas Mann để đọc Thế giới như là ý chí và biểu tượng không, tất nhiên chỉ là đọc lại chương/tập Siêu hình tình yêu, siêu hình sự chết; ông tham trong Gia đình Buddenbrook mở màn khúc cầu hồn cho chính mình chính vào một buổi chiều ông vô tình lấy Thế giới như là ý chí và biểu tượng của Schopenhauer ra đọc và chương ông đọc không bỏ sót một chữ, thay vì chỉ đọc những đoạn hấp dẫn, bỏ qua những đoạn ông không thể theo nổi, đó là chương về cái chết và quan hệ cái chết với bản chất bất diệt của sự sống [còn nhảy ra mấy cái tên phải đọc nữa cơ, không chỉ Goethe (tiếp)😛, Feuerbach... có một nhân vật phụ trong truyện làm nghề môi giới, nhân vật ấy ôm mộng dịch toàn tập Lope de Vegas đấy...]


ps. nhiều chi tiết về mánh lới làm ăn, phá sản, về quan hệ giao tiếp của tài phiệt, thương gia etc. nghĩ đến Những vinh nhục của César Birotteau; Gia đình Buddenbrook lấy bối cảnh khoảng những năm 30 đến năm 70 của thế kỷ 19 🙂



14.8.20

libra



tôi sinh ra ở một trấn, nơi chúng tôi không dùng tiền hay vật có giá trị mua bán. Tất cả chúng tôi làm công việc của mình và có thể thay đổi công việc luân phiên dựa trên những gì muốn được hưởng


chúng tôi có nhà trung tâm, như tên gọi, ở đó tất tật mọi hoạt động thiết yếu diễn ra: hội hè ăn mừng ở sân khấu chính, phòng yên tĩnh cầu nguyện và thiền, cây xăng cung cấp nhiên liệu cho cả trấn ở ngay mặt tiền tầng một, phòng y tế như bệnh viện ở bên trái toà nhà, phòng lương thực của cả trấn đổ về để phân phối cho dân ở bên phải... và một người đàn ông mù, gầy nhưng khung xương cồng kềnh, nước da rám nắng mặc bộ quần áo màu tàn thuốc vải trúc bâu sờn mòn ngồi ngay lối đi. Ông là người duy nhất ở chỗ chúng tôi không thay đổi công việc, ông không có nhu cầu rì; không cần rì nên ông cố định làm việc tiên tri và ở lại nhà trung tâm 


những người làm công việc vận chuyển đôi khi có chuyến đi ra ngoài khu vực của trấn và thường họ sẽ nhận được lời nhắc của ông tiên tri khi ghé qua cây xăng ở nhà trung tâm để nạp nhiên liệu. Và không cứ công việc vận chuyển, người dân trong trấn thường đến nhà trung tâm tuỳ theo nhu cầu mà vào các phòng và mong muốn được gặp ông tiên tri ngồi ngay ngoài cổng. Ông mù, đôi mắt luôn nhắm, không nhìn nhưng thấy. Vào tuổi thiếu niên, khi lần đầu tiên tôi đến nhà trung tâm để đổi những giờ dạy học cho lũ trẻ ở đây lấy một đôi giày đi bộ mới, ông tóm tay tôi ở ngay lối vào nhà trung tâm và nói: "thiên bình mọc bọ cạp chỉ tổ bị ám bởi thơ ca và tình yêu, nằm yên tĩnh hơn ngồi thiền"


những người trẻ tuổi chúng tôi chưa phải tuổi để nhận tiên tri, chúng tôi trẻ và việc của chúng tôi là làm cái mà chúng tôi thích miễn đảm bảo phải đi học đủ các buổi được quy định. Việc tuổi thiếu niên bị tóm lại nghe tiên tri là việc lạ của trấn, mọi người có mặt lúc đó đều dừng hoạt động và nghe tiên tri của tôi; những người lớn tuổi hỏi ông tiên tri rằng đứa nhỏ này sẽ làm được công việc rì trong trấn, ông nói nó sẽ biết nó đi con đường nào. Hôm ấy, tôi vào nhà trung tâm ghi phiếu muốn một đôi giày đi bộ mới và nhận lấy tấm phiếu trong bảng 'chờ giải quyết', tờ phiếu tôi chọn, sẽ trả bằng những chiều mùa hè của năm ấy dạy chữ cho những đứa trẻ không theo kịp chương trình học và những đứa tái mù chữ, những đứa khó bảo, phản kháng etc. mỗi chiều 2 tiếng; tôi chọn tờ phiếu ấy bởi tôi không có năng lực rì, tôi biết chữ và tôi thích đọc, phần lớn những gì có chữ trong trấn tôi đều từng mở ra đọc ít nhiều


tôi đã lấy một đôi giày đi bộ màu đỏ, tôi không nghĩ mình muốn đôi màu đỏ, là tự nhiên màu đỏ gọi tôi, có lẽ tôi mong một đôi chân ấm than hồng; bù lại, tôi dạy những đứa trẻ lớ ngớ không ai dạy được; những buổi chiều lao động của tôi là một cuộc đánh vật với những đứa tóc xanh tóc vàng đầu loè loẹt màu, đứa nhai kẹo cao su lóp nhóp, đứa ngồi cười cả buổi, đứa tăng động vừa chạy vừa viết chữ, đứa cả buổi không nói rì chỉ cắm cúi viết rì đó trong vở, đứa liên miệng hỏi tại sao tại sao rồi mỉa mai trêu chọc câu trả lời của tôi etc. Tuy nhiên, chúng tôi thân thiết nhau, chúng yêu quý tôi như một đứa trẻ thủ lĩnh và chỉ sau 3 buổi chiều mùa hè, tất cả bọn chúng đều đi giày đi bộ màu đỏ giống tôi, cả trai và gái, và chúng chấp nhận đổi bằng cả những công việc chúng ghét hay lớn hơn sức vóc của mình như ngồi chép sách, lau dọn thư viện, làm phụ ở gian rau quả với mùi củ cải rau cải dập úa lên men, trồng cây trong cánh rừng phía lưng trấn, thu dọn và xử lý phân bón etc.


theo thời gian, tôi trở thành một người ở lứa tuổi trung bình trong trấn, có sức khoẻ, sự kiên định, không ngại va chạm và tôi tôn trọng sự thật, chính bởi vậy tôi làm chân chạy, điều phối việc ở nhà trung tâm; những việc rì tôi không biết làm, không quyết định được thì sẽ tham khảo ý kiến số đông và đưa ra quyết định. Một ngày của tôi bận rộn, tôi đi khắp các khu vực của nhà trung tâm, một con thoi chạy khắp nơi trong nhịp sống của trấn, không nề hà việc rì, bước chân chộn rộn luôn luôn cho đến khi hoàng hôn ngụp dưới đường chân trời hay khi gió đông thổi ngoài đường vắng bóng người 


tôi sống cùng bố mẹ, em trai và con mèo emi. Bố mẹ tôi cũng như mọi người trong trấn để tôi tự quyết mọi việc ngay trong ngôi nhà nhỏ này. Nhà chỉ có 2 tầng, phần lớn diện tích chúng tôi làm vườn, bố mẹ tôi ở tầng 1 cùng các hoạt động chung của gia đình; trên tầng 2 là phòng của tôi và phòng em trai, chủ yếu diện tích tầng 2 để sách. Em trai tôi rất thương tôi, dù hai chị em hay hục hặc nhau, nhất là thời gian này nó đang ở lứa tuổi cậu trai hăm mấy; vừa rồi chúng tôi cãi nhau vì việc nó hay mang cá, mang gà về cho con mèo cắn trết, rồi hai đứa nó sẽ chơi trò ném qua ném lại xác những con vật trết ấy để vui đùa. Nó nói với tôi trước khi xuống gác ra khỏi nhà rằng em sẽ mang về cả rắn cả con cá to như cái đùi chị rồi sẽ xẻ thịt chúng thành từng lát dài và tung cho con emi chơi như chơi dây chun... mặc cho tôi ngồi lì ra với cái mặt hầm hầm ngậm đắng nuốt cay, nó giơ tay chào two fingers để lộ ra hình dán mới ở dọc sườn phải. Nó thích xăm mình giống bạn bè, thích làm những thứ ngổ ngáo ở tuổi ấy để trông khác biệt với mọi người etc. nhưng biết chị nó chỉ thích nhìn hình xăm chứ không thích xăm mình nên nó chọn những hình dán ịn lên người và 5-7 ngày sẽ bong đi. Không nói ra nhưng tôi biết nó chỉ thích làm tôi rồ lên thôi, vì có thể như thế là cách nó iêu tôi, muốn tôi quan tâm nó, còn thì, nó luôn là đứa em ngoan với tôi; vừa rồi nói về chuyện nghịch xác động vật trết với con mèo cũng vậy, khi xuống nhà bố mẹ tôi nói nó đã thu dọn xác cá và gà trết sạch sẽ rồi, tắm táp cho con mèo rồi... nó nói nó ra cửa trấn đón bạn


bạn nó là một người kém tuổi tôi, tóc tai cũng dài, đi một cái xe cũng độ như xe nó; nó và người bạn sẽ làm việc với nhau về thiết kế, xây dựng nhà văn hoá mới cho trấn, thanh niên trong trấn muốn có một nơi dành riêng cho hoạt động văn hoá những dịp lễ lớn và công việc này được giao phó hoàn toàn cho tụi trẻ. Nghe nói, người bạn này của em tôi là một người bên ngoài; vì là người bên ngoài nên tôi tránh mặt, tôi sẽ ở trên phòng cho đến khi hai đứa nó bàn bạc xong công việc


cả trấn nhớ vế đầu lời tiên tri của tôi và họ đón nhận nó như một niềm vui chung, một câu chuyện vui của trấn: "bị ám bởi thơ ca và tình yêu". Ngôi nhà của tôi là minh chứng bị ám bởi thơ ca vì nó là một thư viện thứ hai - thư viện phụ của trấn về sách văn học tiểu thuyết kịch thơ... em tôi phát huy lời ám ấy bởi những hoạt động biểu diễn văn nghệ trong trấn. Còn tình iêu, ở đây chúng tôi lấy nhau khi chúng tôi muốn, khi đã có thể lao động đóng góp vào đời sống chung trong trấn; tôi không kết hôn, nhưng mọi người trong trấn vui cười vì cứ hễ một người đàn ông nào bên ngoài đến trấn làm việc dù ngắn dù dài cũng đều đeo bám tôi, có người đã chuyển hẳn đến trấn sống và ở lại đây dù tôi và họ không tiến đến đâu. Như một lời nguyền, câu chuyện vui nho nhỏ mà cả trấn xem là thú vị, còn tôi hốt hoảng mỗi khi có người khác giới bên ngoài vào trấn, tốt nhất tôi nên tránh mặt


em tôi đi ra trấn đón bạn nhưng không biết sao bạn nó đã tới nhà còn em tôi không thấy đâu; bố nói có bạn của các con đến, bố pha ấm trà rồi, xuống tiếp bạn; tôi nói với ông rằng, hãy nghĩ tới vế trước của lời tiên tri và cười, nói thêm, tốt nhất con nên tránh mặt, ở nguyên trên này 


rồi nhà sinh hoạt văn hoá của chúng tôi cũng đã hoàn thành, cũng là lúc cậu bạn của em trai tôi dọn vào trấn của chúng tôi ở, cậu từ bỏ cuộc sống ngoài trấn trước đây; chúng tôi là những người bạn ý nhị, tự hiểu nhau cho dù có muốn tiến bước hay bỏ chạy thì trung triêng như thế này tất có sự cân bằng 


mưa lũ kéo đến, nhà cửa trong trấn bị cuốn trôi nhiều; phần lớn mọi người đều dọn vào nhà trung tâm ở tạm; chức năng điều phối đòi hỏi tôi phải túc trực thường xuyên ở nhà trung tâm, tổ chức chỗ ăn ngủ nghỉ, việc học, y tế, nhu yếu phẩm, xây sửa chỗ này chỗ kia do lũ tàn phá... Một buổi chiều trời hửng nắng trở lại, tất cả chúng tôi hò nhau dọn dẹp khắc phục tình trạng sau lũ, người ta nói với nhau về một người đàn ông bên ngoài bị lũ quét đẩy đến trấn chúng tôi, người ấy bị thương đang nằm nghỉ trong phòng y tế và mọi người lại cười vui nhìn tôi tỏ ý vế trước của lời tiên tri, ngay cả ông lão mù tiên tri cũng mím môi cố nén một nụ cười; chỉ mình tôi lẩm nhẩm vế sau của lời tiên tri năm ấy: nằm yên tĩnh hơn ngồi thiền. Tôi đi lên tầng trên của nhà trung tâm để mở cửa sổ đón nắng chiều hong khô tàn dư mưa lũ. Hong cho tất cả ráo trở lại, gồm cả tôi.


mở mắt dậy lúc 4:50 sáng, tôi đã ngủ được hơn 2 tiếng sau khi chào bạn fb đêm qua. Tôi lẩm nhẩm 'chỉ tổ bị ám bởi thơ ca và tình yêu, nằm yên tĩnh hơn ngồi thiền... nằm yên tĩnh hơn ngồi thiền... nằm yên tĩnh hơn ngồi thiền...' và tôi chìm vào giấc ngủ tiếp; khoảng hơn tiếng sau, Xù bảo đêm qua em mơ một câu rì thơ hay câu hát hay lắm và em bảo trong giấc mơ em sẽ ngồi dậy ghi lại và khi tỉnh giấc em ngồi ghi lại thật chị ạ. Không biết ló ghi rì 🙂, sáng nay ló đã cùng Vàng bon bon đi tơi ngày mưa, Tiên mí chả Bụt, thằng quỷ :)))


còn tôi đang ngồi nấp trong nhà kể câu chuyện dở hơi về trấn trong mơ tôi vì ngoài kia đang có đội thợ điện mặc quần áo cam cứ nhìn tôi lom lom; tôi xấu xí mặt như mặt bà bà cưỡi chổi, người khác nhìn tôi, tôi hẳn phải nên tránh mặt chứ :)

3.8.20

Shokupan Hachiko





năm nay tôi phá lệ, gợi ý bạn mua sách ngay cả khi tôi chưa đọc các quyển í viết rì :p [đọc lướt thôi]; trước đây tôi phải đọc trước vì sách tặng trẻ con, thiếu niên hoặc đôi khi có những khẩn nài: muốn đọc truyện nhưng không muốn truyện phải suy tư nghĩ ngợi buồn khóc hay đau đớn. Rất nhanh chóng khẩn nài ấy trượt khỏi chuyển động của tôi, ngay cả khi chỉ là những câu chuyện dành cho thiếu nhi


nhưng rốt cuộc làm sao có thể tránh có thể khác được; kiểu rì kiểu, trước sau rì, ta đều khóc cả thôi :) đêm qua khóc mòng mắt câu chuyện chú chó trắng akita Hachiko; còn bây giờ sưng húp mặt Điệu nhảy của Shokupan, chú chó đen bullmastiff [hãy hình dung Shokupan là chú chó đen ở ảnh nhé]. Lần tới gặp Sói Sun, tôi sẽ kể chúng nghe câu chuyện của chó Shokupan


tôi có case nhận định chung là rối loạn cảm giác do stress chuyện tình cảm; stress mà, phase chủ yếu ở giao cảm nhưng tự nhiên tòi ra quả não bộ căng quá chuyển sang tự đánh lừa thành thờ ơ và tuyến lệ bị ức chế, tắc tuyến lệ nghe rất phó giao cảm :)); đọc xem nghe những thứ khiến người khác khóc lóc như tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt cũng không khiến case nước mắt trào ra được dù mặt mũi mắt miếc bứ đỏ hết cả lên. Một ngày nọ case nói với tôi rằng quyển abc tôi gợi ý đọc hay, tôi bảo ừ khóc như mưa như gió [holocaust shoah auschwitz mà], case bảo tôi: quên là tắc tuyến lệ à :)


nếu cứ trốn tránh khó khăn hay những điều gai góc nhất định phải đối mặt để tìm đến nơi an nhàn, dễ dàng thì rốt cuộc ta cũng phải trả lại những gì đã vay mượn thôi. Đọc hay bất cứ gì huân tập cũng vậy, đều là những chuyến đi; mỗi chuyến đi là những cảm xúc khác nhau và mỗi người đọc là lữ khách trên sa mạc, trồi sụt lún chìm trong cát; mà sa mạc thì hihihi đi đày, hành hạ - con người nhỏ bé vô năng


tôi như kẻ đi đầy trên sa mạc tờ giấy [- TD -]


ps. nói linh tinh nhiều quá, tôi đi phun nước trừ rệp cho cà chua đây :); EMi nhìn thấy bìa quyển sách, tự nhiên ló như kia :)


1.8.20

Anglais phớt Ăng-lê



tập truyện ngắn Hoa thơm cỏ lạ - tập truyện Anglais, tôi được tài trợ đọc 🙏🏻❤️, xuất phát điểm do tôi cần tìm dấu vết Katherine Mansfield trong tiếng Việt; và anh bạn lục ra tập truyện ngắn chọn dịch gồm 7 tác giả trong tập có một mẩu nhỏ của Mansfield - hai truyện ngắn gần với những kỉ niệm tuổi thơ trẻ của tác giả [19 tuổi Mansfield đã viết những truyện ngắn đầu tiên]: Tiệc hoa viên [The Garden Party] và Vịnh Lưỡi Liềm [At the Bay] 

ở truyện ngắn Tiệc hoa viên, chiều qua từ rất sớm, có người cho tôi biết VN có case tử vong covid đầu tiên, chuyện này nằm trong tiên lượng của cá nhân tôi, nhưng tôi cứ ngồi buồn, buồn muốn khóc; nam nhìn thận, nữ nhìn gan, bệnh nhân nằm ở khoa thận, phần lớn chạy thận, suy thận trong đợt bùng dịch lần này ở các bệnh viện ĐN chiếm số đông; case đầu tiên dương tính tại ĐN đợt bùng này ngay khi chuyển hồi sức đã tiến hành lọc máu 2 lần, một dự cảm không lấy gì tươi sáng về tình hình chung covid trên bệnh nền nặng... chính lúc ấy tôi đọc tới chi tiết trong Tiệc hoa viên, gia đình khá giả đang chuẩn bị mở tiệc ở hoa viên và cô gái nhân vật chính vô tình biết về cái chết của bác đánh xe ngựa cuối con dốc, tức khu người nghèo; cô nghĩ nhanh chóng rằng gia đình mình nên hoãn bữa tiệc lại và mọi người trong nhà cho rằng cô là kẻ phá đám, thôi ngay cái trò uỷ mị đi etc. bữa tiệc vẫn diễn ra, cô gái cũng nhãng đi sự lấn cấn trong lòng, cô đẹp sững sờ và cũng chính khi lòng cô lấn cấn thì cô cũng nhận ra mình đẹp; kết thúc truyện, buổi tiệc thành công mỹ mãn và mẹ nói cô nên cầm giỏ bánh dư từ bữa tiệc tới gia đình người đã mất ở cuối dốc, cô mang giỏ bánh đến khu vực người nghèo, lấy làm xấu hổ với bộ dạng tiệc tùng của mình khi nhìn thấy những gương mặt người sống trong khu nhà ấy khóc sưng húp hùm hụp cả mắt môi má còn gương mặt của người đã chết nằm trên giường bình thản, đẹp đẽ, nhẹ nhõm như bay lên trong giấc ngủ rất xa xôi, xa cách giữa hai người, xa xôi và yên bình "bác ta đang say mơ, tiệc hoa viên giỏ bánh áo đăng-ten có nghĩa gì nữa với bác, bác ở cách đây rất xa. Trông bác tuyệt vời. Trong khi họ cười nói, và dàn nhạc đàn hát thì có sự kỳ diệu đã đến trong ngõ hẻm. Hạnh phúc. Khuôn mặt đang ngủ say như muốn nói: Mọi sự đều phải như thế. Tôi rất mãn nguyện" [tới đây, tôi không buồn nữa, nhưng tôi muốn khóc], cô ra khỏi khu vực người nghèo và ôm chầm lấy anh trai đang đợi mình gần đấy, bật khóc: Đời là thế phải không anh [Đời là thế nào, cô không giải thích nổi], người anh đáp lại: Có phải thế không hở em
- isn't life 
- isn't it darling 
mắt tôi mờ đi trong nước chính ở đoạn văn ngắn 4 dòng có 2 câu thoại trên kia kết truyện. Tôi thở nhẹ nhõm đi trồng một chậu cây mới; một người nằm xuống tôi trồng một cây. Mansfield nhẹ vô ngần, truyện Vịnh Lưỡi Liềm [At the Bay] lỏng nhẹ thần sầu quỷ khóc, không cưỡng không nương lớp sóng, phế hưng cuộc đời là sự huyền diệu, mọi sự đều phải như thế, mãn nguyện vì thế. Katherine Mansfield cũng chỉ sống hơn 34 năm, như Simone Weil vậy 

trong tập có Saki với truyện con mèo Tombermory được huấn luyện nói tiếng người, loài mèo từ bỏ thân phận của mình, nói chuyện với người bằng ngôn ngữ con người [ở đâu đấy tôi đọc, thì như thế với loài mèo là sự sỉ nhục], về sự ti tiện, dối trá, bỉ ổi, thô lỗ etc. của những người trong nhà nó ở với giọng điệu chả ngán gì và nó bị kết án phải chết bởi một con mèo khác, người huấn luyện nó đã không có học trò nào khác vì sau đấy chuyển sang huấn luyện voi nói tiếng người và bị voi nổi điên giày chết; truyện thứ hai: Vị Thánh và con yêu, tình huống vị Thánh thành kính và con yêu tai quái, 2 tồn tại là 1 và 1 tồn tại là 2, một con yêu tai quái có giáo dục :p 
truyện Louise của Somerset Maugham, đây là điều ngạc nhiên nhất với tôi, rằng có lúc Maugham có thể dễ chịu được thế này, tôi thậm chí còn nghĩ mình sẽ đọc một vệt 2-3 quyển Maugham có trong nhà, thay vì mấy tuần trước dọn nhà tôi còn nghĩ khéo phải cho Maugham đi thôi :p; cách đây độ 13 năm tôi có xem bộ phim dựa trên truyện a painted veil của Maugham, tôi chỉ xem phim nếu diễn viên đẹp, tôi vẫn nhớ phim ấy đấy :) 
Daphne Du Maurier với truyện Chim [The birds], lũ chim không thiên di mà tập trung lại hoạt động theo sự lên và xuống của dòng thuỷ triều, tiết lạnh chúng không có thức ăn và quay sang tấn công loài người; một truyện về ngày tận thế, kết thúc mở. Không ngạc nhiên khi những người thích xem phim và xem nhiều phim nói rằng biết một bộ phim như thế, truyện này đã dựng thành phim, của Hitchcock 

tôi đọc lại Animal Farm của George Orwell trong nhan đề Cầm Thú Trang, phụ đề: truyện thần tiên, những đoạn in nghiêng là tóm tắt lược bớt để phù hợp với khuôn khổ tập truyện; đọc lại tôi mới để ý đến mấy chi tiết liên quan đến mèo :))) con mèo đã rời bỏ trang trại từ rất sớm các cụ ạ :)))) 

một truyện Xứ sở của người mù [In the country of the blind] của H. G. Wells, một người đàn ông bình thường lăn lông lốc xuống thung lũng của những người mù từ 14 đời, khu vực mắt của họ lõm lại, lông mi gần như không còn, anh ta cho rằng ở xứ mù thằng chột làm vua/ thằng chột làm vua xứ mù còn người ở xứ mù thì cho rằng cái thằng này nói toàn lời vô nghĩa lý, 'trông được' với 'nhìn thấy' là cái khỉ mẹ rì cái thằng đầu óc thần trí không tỉnh táo này :))) "vòm trời nhìn từ bên ngoài khác với vòm trời như hình cái đĩa nhìn từ đáy thung lũng của những người mù" 

tác giả gây tò mò cho tôi chính là Ivy Comyton Burnett, một truyện ngắn điển hình phong cách, chủ yếu là thoại; tò mò dù biết trước đây không là tác giả mình sẽ đọc tiếp; đọc tiểu sử thấy bà viết khoẻ, và hãy để ý tên các tác phẩm của bà ấy :p, có phần cynic quá với tôi, cũng không biết được, biết đâu đấy đọc 

hết tập truyện ngắn tôi lấy làm khoái vì hoá ra tôi vẫn như xưa nay, rất hợp Anglais; khô khan nghèo nàn nhưng màu mè cảnh vẻ, súc tích, khô, lạnh etc. cynic. đảo

The collected stories of Katherine Mansfield tôi mới đi được 1/3, truyện ngắn và các câu chuyện của Mansfield có ở đây hết, người chồng thứ hai - phê bình gia kiêm chủ bút tờ văn học Rhythm đã tập hợp đủ những gì được công bố và chưa được công bố/ hoàn chỉnh của Mansfield, không bao gồm những bài phê bình sách và thơ đăng ở Athenaeum khi ông chồng làm biên tập ở đây [Mansfield viết dưới bút danh khác]. Đọc Mansfield là một thử thách với tôi, thử thách mà tôi chưa nghĩ là tôi dám thử trong năm nay, năm nay tôi nhiều việc mà, thêm thử thách là tự tín quá đáng ấy, nên không chắc tôi sẽ đọc hết 5 tập truyện tổng hợp ở đây. Biết đâu có bản dịch, biết đâu đấy :), phải có lúc ai đấy nhìn nhận thêm nữa đi chứ, chất Ăng-lê nữ cứ mãi Virginia Woolf à 

ps. tôi pha cốc bột sắn với ít đường nhưng múc 2 thìa cà phê đường thành 2 thìa muối hạt, lúc í chả nhớ đang mải nghĩ rì nữa, những giây phút đầu tiên nước bột sắn chạm lưỡi, tôi phun thẳng vào tuyển tập Mansfield trên bàn, mặn chua mặn chát :); à, trong truyện của Mansfield hay nhắc đến cây manuka, đây cũng là thức được nhắc đến nhiều những năm gần đây và nhất là thời điểm dịch bệnh, mật ong manuka New Zealand - quê hương của Mansfield, loại chỉ số cao được ví như kháng sinh tự nhiên