Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

31.1.22

nước





đúng như hình dung sau khi đọc tự truyện dưới dạng tiểu thuyết Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian, rằng tôi đọc nó trước đọc tập thơ Trời đêm những vết thương xuyên thấu, là lựa chọn đúng. Có lẽ tập thơ nên đọc nguyên tác, bản dịch tự truyện có nhịp rõ ràng hơn bản dịch thơ


lý do nữa để chọn đọc tự truyện trước tập thơ, chính bởi nếu đọc tự truyện thì sẽ có hình dung nhất định về những ý thơ, hình ảnh thơ. Ví dụ, hình ảnh váy đỏ được nhắc đến trong thơ chính là hình ảnh lần duy nhất cậu ấy mặc váy đỏ nhảy múa cùng bạn trai ở nhà kho trang trại thuốc lá; hay ý thơ về việc chìm xuống, trong tự truyện có đoạn thoại giữa Ocean Vuong và Trevor, Trevor hỏi trước khi cậu gặp mình thì cậu thế nào, Ocean Vuong đáp mình như đang chìm xuống, Trevor lại hỏi thế còn giờ, cậu ấy đáp giờ mình là nước :); hay những chi tiết cuộc đời thực như câu "Một người lính Mỹ fuck một cô nông dân Việt. Thế là mẹ tôi tồn tại

Thế là tôi tồn tại. Thế là không bom rơi = không gia đình = không tôi."


có những ý thơ tôi thích:

cái cách mà ánh sáng

giữ lại bóng của mình

bằng cách nuốt hết nó


hay: 

có thể mưa "ngọt" bởi nó rơi

qua quá nhiều phần của thế giới

[nói chung đọc thơ thì phải đọc nguyên tác, nên vậy]


ps. tập thơ có đính kèm đính chính, ở lời giới thiệu có chi tiết Ocean Vuong sinh ra ở vùng nông thôn ngoại thành Saigon, đến Mỹ năm lên 2, được mẹ, bà ngoại và dì ruột nuôi dưỡng; ở đây là mẹ Hồng, bà ngoại Lan và bác Mai; bác Mai chứ không phải dì ruột, hoặc cũng có thể do khác biệt, trong Nam hình như là cậu hết dì hết chứ không cậu hay bác, dì hay bác như ngoài Bắc

tôi có chút để ý Ocean Vuong, hoàn toàn chủ quan vì những gì Ocean Vuong kể về bà ngoại về mẹ về quê hương là đây hay đó và về nhà [và ai cũng biết người viết họ còn trở lại luôn luôn những điều này, như máu thịt đã tạo nên họ, dù đau đớn và đoạ đày]... làm tôi nghĩ nhiều đến M., M. khoảng tuổi mẹ của Ocean Vuong, một con lai, rời Vn khi khoảng 6 tuổi, cái cách anh viết, làm thơ, hình ảnh ký ức về Vn ngày ấy... tất tật làm tôi nghĩ đến nhiều kỉ niệm, tất nhiên nhiều dư âm tiếng sóng, nhưng biết sao giờ, kệ thôi 🙂

đây có lẽ là tác giả khép lại năm nay của tôi; những quyển sách vào nhà tôi năm nay có lẽ chốt rồi, chốt thật rồi, ít giờ nữa là năm mới; đây là nghi thức tôi duy trì được 8 năm nay, tức là những giờ cuối cùng trước khi đón giao thừa, tôi ngồi bình tâm đọc hoặc viết gì đấy 🙏🏻❤️🙂

29.1.22

on the other side

 



Thư viện nửa đêm nếu là ngôn ngữ điện ảnh thì nhiều thứ khai thác lắm, dường như nó hợp với phiên bản phim hơn là một tiểu thuyết; tác giả lồng nhiều trích dẫn triết học, văn học nhưng đúng phong cách của tác giả trẻ, là chỉ dẫn ra nghe cho hay hay còn không khai thác nó trong bối cảnh câu chuyện mình viết một cách triệt để


tôi không thích nhân vật nữ chính - cô gái trầm cảm dai dẳng không dứt, cả cuộc đời là một quyển sách toàn những nuối tiếc, như mọi người, như luôn luôn vậy, người ta nuối tiếc vì đã không làm gì đó chứ không nuối tiếc vì đã làm gì đó; có lẽ vì không thích nhân vật nên dù tiểu thuyết được viết mạch lạc, câu ngắn, cấu trúc gọn nhưng tôi đọc lết mãi mới xong; vừa tìm hiểu, tác giả Matt Haig cũng phải vật lộn với trầm cảm [và cũng có 1 đầu sách của anh ta được dịch sang tiếng Việt, hình như một dạng kỹ năng sống để vượt qua, thoát khỏi trầm cảm], phải nói đúng trầm cảm đeo bám anh ta suốt tuổi trẻ. Nhưng, làm sao lại không nhưng được, cuộc đời quá nhiều thử thách và nó không có chỗ cho thứ nửa vời, một sự cách đều ở giữa không bên này cũng không bên kia, sự lơ lửng ấy đung đưa trên đầu tất cả người trẻ, thậm chí cả khi không còn trẻ, và bản thân sự tồn tại của vũ trụ là vô nghĩa, một ý nghĩa vô nghĩa nhưng mỗi người vốn lại luôn hiện hữu; quả tình quá lưỡng nan nhỉ, sẽ ra sao nếu ở giữa lơ lửng cách đều ấy, và rồi ta quen với bấp bênh tròng trành đôi chút, không lấy làm phiền muộn chẳng hạn :)


life begins on the other side of despair 

[Sartre]


ps. dù không thích nó nhưng tôi vẫn đọc với nhiều ghi chép, vì nó làm tôi nghĩ rất nhiều đến các giấc mơ của mình, đặc biệt là giấc mơ tháng 3/2020 mà tôi nghĩ rằng tôi đã mơ mình đọc chính Thư viện nửa đêm rồi [search thì biết sách xuất bản cuối 2020, tài thật] lẽ nào ở một cuộc đời khác tôi viết gì đó nhỉ, ha ha ha chồng chập Schrodinger quá :))), đây cũng là quyển tiểu thuyết diễn giải schrodinger vật lý lượng tử, sóng, lý thuyết dây và tôi chập cbn vào luôn cả diễn giải giấc mơ, ván cờ, hiệu ứng cánh bướm hay cái gì mà sai số với số pi í nhỉ, tự nhiên quên


có lẽ đã đến lúc viết giấc mơ ấy :)



16.1.22

sentence - bản án.câu




đây là tiểu thuyết, tự truyện của Ocean Vuong; phải là người thơ thì người ta mới viết tiểu thuyết, tự truyện dưới dạng thư [gửi mẹ] được như thế

nhịp của thơ, tư duy văn học của Ocean Vuong khiến tôi có chút choáng ngợp, theo như tự truyện thì nhẩm nhẩm bạn ấy sinh năm 1988. Phúc cho tôi là tôi đọc tiểu thuyết của bạn ấy trước khi đọc tập thơ, dù tập thơ được xuất bản và nằm trong nhà tôi cũng lâu lâu rồi; bởi đôi khi những thứ được gọi là thơ lại không tạo dòng chảy như văn xuôi; văn xuôi là mạch nước ngầm bền bỉ trong vắt thấm chạm đến những nơi không thể trù tính, một cách tự nhiên và mát lành nhất 

những trang viết tôi đọc vội trong lúc ngồi chờ cho quên trận cãi vã với mẹ [chỉ vì chuyện 4 con cá quả] tự nhiên làm lòng tôi chùng lại trong thời điểm bận việc Tết nhất, khi mà người mẹ người bà của Ocean Vuong hiện diện tuyệt vời như thế thì ôi không tú và mẹ của tú ơi oh nooo


all good things are wild and free [H. D. T]


ps. hồi đọc Hệ thống Mỹ thuật của Alain, tôi chọn viết về nó từ 'văn xuôi' là thế, với tôi văn xuôi là âm nhạc, nó giàu nhạc tính hơn hết