Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

28.11.21

console

 



Buồng tắm là tác phẩm đầu tay của Jean-Philippe Toussaint, một nhà văn tuyệt vời với những câu ngắn, tiết chế, đôi khi khiến người đọc ngờ ngợ sự kỳ dị trong không khí văn chương của ông


Buồng tắm ra mắt năm 1985 khi tác giả 28 tuổi; cũng là quãng nhân vật chính của Buồng tắm trình hiện "hai mươi bảy tuổi đầu, sắp sang hai mươi chín, mà lại sống co mình về bồn", chi tiết này được lặp lại 2 lần; anh chàng dọn sách trong nhà vào buồng tắm vì nhận thấy đây là nơi lý tưởng để sống, mơ mộng, suy tưởng... sự xê dịch 3 điểm, từ Paris sang Ý rồi lại về Paris như một ẩn dụ 3 phần của cuốn sách mỏng này, buồng tắm - cạnh huyền - buồng tắm, đó chính là định lý tam giác vuông của Pythagoras; tồn tại chuyển động-bất động của đường tròn qua 3 điểm không thẳng hàng và đường tròn tiếp xúc 3 cạnh tam giác, một tam giác vuông tức là cấu trúc góc vuông đầy kỷ luật-ý chí phải đối diện với 2 góc nhọn và sự chuyển động, trượt gắn với mặt phẳng nghiêng; chuyển động-bất động ấy vẻ ngoài dù có chớp nhoáng thế nào đi nữa, về căn bản vẫn hướng đến bất động, và do đó, dù có vẻ chậm đến đâu thì nó cũng không ngừng kéo về phía bất động, tức là bằng với cái chết; chuyển động-bất động hay bất động-chuyển động, chúng mang uy lực và tiềm năng của nhau


tôi rất thích đoạn nhân vật chính ngắm mưa, anh ta suy tưởng và chia ra 2 cách ngắm, sự suy tưởng cần nhiều an ủi dẫu không gì có thể an ủi nổi; console not comfort, chi tiết console lặp lại, như một viễn cảnh vân du suy tưởng

but when i thought more deeply, and after i had found the cause for all our distress, i wanted to discover its reason, i found out there was a valid one, which consists in the natural distress of our weak and mortal condition, and so miserable, that nothing can console us, when we think it over [Pascal]


và đoạn nói về "động" trong hội hoạ

Buồng tắm là một cuốn tiểu thuyết hội hoạ với nhiều màu-sắc, mảng màu; sự rõ nét về bóng-ánh sáng và các mảnh vụn chi tiết của nó tưởng chừng xa khỏi hình ảnh của buồng tắm, bồn tắm nơi mà người ta thường nghĩ đến sự đồng màu; nhưng chính sự trái ấy, kéo bức tranh mà tiểu thuyết vẽ ra gần lại với cảm giác người ta có khi mở cánh cửa buồng tắm, bước vào, đóng cánh cửa cùng viễn cảnh động 'ngoài kia' lại sau lưng và tiến vào chuyển động của riêng mình


ps. nghĩ đến Céline là nghĩ đến cái giường là quan tài; đến Dostoievski đến Kafka là nghĩ đến căn phòng nhỏ chật tù túng là hầm mộ là toà án... thì nghĩ đến Jean-Philippe Toussaint là nghĩ đến buồng tắm bồn tắm tức là co mình về bồn 


sách được tài trợ bởi tiểu iêu giai sáng nay, tính cầm sách ngắm nghía cái bìa các thứ, thế rồi đọc xừ nó mất



24.11.21

đọc Dostoievski - trái tim yếu mềm



Trái tim yếu mềm gồm 4 truyện ngắn: Trái tim yếu mềm, Cô vợ của người khác và anh chồng dưới gậm giường, Tiểu anh hùng và Bút ký dưới hầm; 3 truyện đầu Trần Vĩnh Phúc dịch, Bút ký dưới hầm là bản của Thạch Chương - Thái Hà; tôi cũng không biết là tập truyện này có người biên tập không nữa huhu, như tập Bà chủ 


Trái tim yếu mềm là truyện ngắn rất Dostoievski, như đã nói, Dostoievski với tôi là ý thức mạnh mẽ, mạnh phát ốm; truyện ngắn này cũng vậy, có những người sợ hạnh phúc đến phát bệnh, giống như giấc mơ, cơn mộng hư ảo và khi đến lượt mình dự phần thì họ mường tượng trong chốc lát mọi điều sẽ sụp đổ, biến mất, bốc hơi lên bầu trời xanh mờ tối; không chịu được khoảnh khắc hạnh phúc ngập tràn nóng hổi ấy dâng lên cùng sợ hãi ý nghĩ hạnh phúc đang có cũng là cái và là lúc trôi đi rồi sụp, nó đi cùng nhau như một song hành và làm người ta hoá dại, phát ốm


Cô vợ của người khác và anh chồng dưới gậm giường mới chính là cái khiến tôi dễ chịu, ta sẽ thấy quen ở đây Người chồng muôn thuở [Người chồng vĩnh cửu] hay Cô gái nhu mì, dẫu không khí của chúng rất khác nhau, tôi rất thích hai truyện ngắn ấy, đặc biệt là Cô gái nhu mì; Cô vợ của người khác và anh chồng dưới gậm giường đã cứu cho tôi khỏi một đêm mất ngủ, đêm qua, khi tôi nghĩ quá nhiều, về những cuộc gặp, tôi phát ốm và đau dạ dày; may quá vớ được truyện ngắn này của Dostoievski. Vấn đề gì không khi ghen tuông là một cảm xúc mê muội và một bất hạnh đeo bám không hồi kết


hôm trước đọc tập Bà chủ, A little hero được dịch giả dịch là Nhân vật bé con và dịch giả cũng nói về lựa chọn "nhân vật" hay "anh hùng"; còn ở tập Trái tim yếu mềm là Tiểu anh hùng, tôi vẫn rất thích truyện ngắn này, mỗi lần đọc, nó làm tôi nhớ đến bầu không khí tuổi thơ mở đầu trong Lời thú nhận của tay lừa đảo Felix Krull của Thomas Mann, dẫu cảm xúc mơ hồ của người đọc ở một truyện hết sức êm đềm trong trẻo như nghĩ về những cơn gió thoáng qua đã qua và một truyện thì dự cảm choáng ngợp phiêu lưu nhiều dịch chuyển [Thomas Mann viết dang dở nên dịch chuyển và không dịch chuyển trở thành nhau]


đêm qua tiện mất ngủ, tôi cũng đọc lại Bút ký dưới hầm, không như lần đọc trước cách đây hơn 2 năm, lần này tôi lại thích Bút ký dưới hầm; lần trước cảm thấy mất sức và chẳng hiểu tại sao mình lại có thể đọc nó tận 2 lần liền nhau ở 2 bản dịch; lần đọc Bút ký ấy có một lợi điểm là, tôi sẽ không cần đọc PNT dịch Dostoievski :)


7.11.21

đọc Dostoievski - Tiểu anh hùng




tập Bà chủ trong ảnh gồm novella Bà chủ và 2 truyện ngắn Nhân vật bé con, Con cá sấu. Hai người dịch và không biết có được biên tập không nữa huhu, dù sách có viết giới thiệu mở đầu, cuối mỗi truyện có dịch bài viết về hoàn cảnh và thời điểm ra đời của truyện


về novella Bà chủ, ai từng đọc Dostoievski những nét chính sẽ nhận ra Bà chủ là một cái khung cho rất nhiều nhân vật sau này xuất hiện trong nhiều tiểu thuyết của Dostoievski, rõ nhất là Thằng ngốc/Gã khờ, rồi Anh em Karamazov, Tội ác và trừng phạt, Những đêm trắng etc. nhưng cũng sẽ rất lạ, lạ ở đây ít nhất chính với tôi, Dostoievski với tôi là ý thức mạnh mẽ, một ý thức rất mạnh, không dè dặt không giới hạn thì Bà chủ làm không tới, lại quá rườm rà lê thê như cách các tính từ lặp lại không cần thiết, như thể sự chắp nối của nhiều dòng và cẩu thả tống táng vào với nhau sau nhiều cố gắng tiếp tục một cái gì đấy [cái này có thể do hoàn cảnh ra đời Bà chủ nữa]. Khi đọc xong novella Bà chủ tôi liền nghĩ có lẽ phải kiếm the landlady đọc thật, chứ không rõ là do dịch do biên hay thật Dostoievski thế thật :); đã dự phần cao trào như thế mà lại chỉ làm được có như thế thôi hay sao hơ hơ hơ 


truyện ngắn Nhân vật bé con tôi rất thích, tôi thường thích những gì không được đánh giá cao và đồ sộ của Dostoievski; người dịch có nói về phương án để "nhân vật" hay "người hùng" và thấy rằng đúng với phong cách viết và câu chuyện thì để tên truyện ngắn là Nhân vật bé con; nhưng tôi thì tôi cho cậu bé nhân vật chính 11 tuổi của truyện là anh hùng, không phải người hùng thì là gì, còn tất nhiên hình ảnh thị đồng, mục đồng mới là định danh mà cậu bé đảm nhận trong vai trò nhân vật của các màn kịch được dựng, không phải của truyện. Truyện ngắn Nhân vật bé con/Tiểu anh hùng, tôi thích khi tôi còn chưa đọc, khoảng hơn 2 năm trước khi đọc một vệt Dostoievski tôi đã trông đợi truyện ngắn này rồi [hồi í xem thông tin bộ VTB có Tiểu anh hùng nhưng ngại mượn đọc nên bỏ qua], vì tôi thích những đứa trẻ xuất hiện trong các tiểu thuyết đồ sộ của Dostoievski, linh cảm người đọc của tôi rốt cuộc không sai, và tài thật, trong nhiều việc, người ta thích ngay cả khi người ta có thể xem là mới tinh với một cái gì đấy, việc đọc xem ra cũng chạy không khỏi nắng. Cũng như từ đầu tôi nói, cuối truyện có bài dịch về thời điểm và hoàn cảnh viết Nhân vật bé con/Tiểu anh hùng, sẽ giải đáp tại sao Dostoievski viết truyện ngắn này ban đầu dưới một tên khác và có vẻ lạc quẻ hẳn khỏi ý thức Dostoievski, dẫu với tôi, đây không hề là một cái gì đấy lạc quẻ, lạc quẻ chính là


truyện thứ ba trong tập sách này, Con cá sấu; ngay cả khi đã đọc xong hết, đọc về hoàn cảnh thời điểm sáng tác thì vẫn không tài nào thấy dễ chịu :))). Khi tôi gấp lại tập truyện này, mấy nay mỗi lần ngồi toilet chơi, tôi lại vơ vẩn nghĩ và cười, cuối cùng thì Dostoievski cũng có lúc khiến tôi cảm thấy nuốt không trôi nhè không nổi :))) trong khi trước đấy vài ngày khi đang cả tuần liền đọc Céline lúc chuyển sang Dostoievski tôi nghĩ bụng một câu trong đầu ôi tràn ngập sung sướng, đúng là Dostoievski, khéo tiếp tục Céline thì hoá điên, may mắn làm sao hôm nay để quyên sách nên được tạm dừng Céline; thế rồi nhá phải Con cá sấu sần sùi trầy vi tróc vảy 


tôi không định viết gì về tập Bà chủ trong ảnh vì việc này tốn thời gian không cần thiết, thời gian í tôi đọc sướng hơn; nhưng giờ là 3 giờ sáng, lúc 1r sáng emi nhảy đổ chồng sách cạnh gối ngủ, sách và tube đựng giấy vẽ nháo nhào rơi đổ mặt tôi, tôi gắt ngủ, đau và quát emi, quát xong ân hận cũng mất ngủ luôn, nhà hàng xóm xem phim bật loa to quá huhu. Thôi thế đọc sách, càng đọc càng tỉnh, thôi thế cầm điện thoại viết linh tinh cho mắt mỏi mà ngủ tiếp 🙂