Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

12.6.14

https://www.facebook.com/emi.delicate.3
Tui ở đây ạ, thường xuyên hơn mọi người nhá
Ngôi nhà cũ này chỉ về khi không đủ dũng cảm để ngừng viết về M

21.3.14

Ồ, CON NGƯỜI HÓA RA ĐƯỢC LÀM TỪ NƯỚC



Thứ tôi đọc, phần lớn là những cốt truyện không lãng mạn. Không biết từ cội rễ nào, tôi thích khép chúng vào khung của cái đẹp. Đẹp đến độ trở thành nỗi ám ảnh, buồn, xa vắng đến không thực và cô độc một cách phi lý.
Hồ của Banana Yoshimoto là một kiểu như vậy, tất nhiên không bao hàm tất tật các sắc độ đẹp như tôi nói . Nhân vật, câu chuyện đúng khẩu vị của tôi, dù độ hắc là thứ tôi không mong chờ nhiều ở Banana Yoshimoto. Văn của bà phẳng lặng, bình ổn, chậm rãi hơn rất nhiều cái vị hắc nồng, cay gắt trong văn học Nhật mà tôi thích. Nhưng, cái làm nên khác biệt của người viết này, chính là ta luôn biết có gì đó lấp lánh đợi ta phía trước. Cứ từ từ rồi ánh sáng sẽ chiếu tới bạn. Nó cho người đọc cảm giác mình sẽ được hưởng chút nắng ấm áp, tươi mới, dù sớm hay muộn.
Vẫn là các nhân vật mang nỗi buồn đẹp đẽ, cái vẻ cô độc, mong manh đến vô hạn ấy không lạ. Họ là những con người gần như không sa đà vào trần thế, thậm chí là người nhưng sợ hãi chính con người (người sợ người), khác biệt đến mức dị biệt, và họ dù nhận thức được hay không chính mình, họ không cần đếm xỉa đến thế giới xung quanh, tự tin làm việc của mình. Họ mang vẻ ung dung riêng đến mức đáng ngưỡng mộ. Dù nhìn lại, chỉ là những chắp vá một cách gắng gượng từ đống hoang tàn, một kiểu người gần như không thể cứu vãn được vì bị phá nát tới tận nền móng.
Chính vì những tuyến nhân vật như vậy, nó làm nảy sinh trong tôi một sở thích quái đản (trước giờ vẫn vậy), luôn muốn biết về cách con người ta đối mặt và phản ứng trước nỗi đau. Cái thế giới của họ co cụm tới mức như thế nào. Họ đóng cánh cửa bước vào thế giới của họ ra sao. Thứ tôi đọc là vậy, nhân vật tôi khoái là vậy. Nên khi đặt chân bước khỏi trang sách, tôi gần như không chối bỏ kiểu người dị biệt, nói đúng hơn, tôi hăng say khám phá họ. Với tôi, họ có sức hút rất riêng, cho dù đôi khi điên rực rỡ, hâm đơ ấm ớ thậm tệ.
Tôi đọc những thứ buồn nhưng chúng không bi quan, thậm chí cho tôi thêm nhiều niềm tin. Họ, những nhân vật trong câu chuyện ấy, luôn cố gắng đến cùng giữ cho mình là một khối thống nhất, làm sao để không tan thành muôn mảnh. Thật ra, khi ta chơi với chính nỗi cô đơn của mình thì ta đã không cô độc rồi.
Đọc xong Hồ, chỉ thốt được một câu cảm. Ồ, con người hóa ra được làm từ nước, kỳ diệu thật.
Tôi luôn cố gắng không tiết lộ cốt truyện, nhân vật vì tôi muốn bảo toàn sự tiếp xúc của người chưa đọc, sắp đọc đến tác phẩm. Đôi khi chỉ là tôi không có năng khiếu ghi nhớ, năng khiếu kể chuyện, năng khiếu làm người viết. Cái tôi nhớ duy nhất và rõ ràng là cảm giác của một tác phẩm mang lại. Và tôi chia sẻ như một hình thức ghi nhớ vì bộ nhớ của tôi lúc nào cũng trong trạng thái báo động quá tải. 

19.3.14

Quy hồi Vĩnh cửu

Một cách tích cực để níu lại sự đào thoát của thời gian là sống dưới bóng của văn chương nghệ thuật. Quên bẵng mất tuổi của mình, chung thủy với tuổi trẻ đó để rồi đôi khi bị ám vào người một cảm giác mang tên "những chân trời đã mất".
"Bạn càng kể về nó, cái cuộc đời trong tưởng tượng đó thì những bụm lớn không khí tươi mát càng lướt ngang qua cái chốn kín bưng khiến bạn ngạt thở suốt bấy lâu nay. Một cửa sổ chợt bật mở, những chớp cửa va đập vì gió lộng của không trung. Lại một lần nữa bạn thấy ở trước mặt mình có tương lai"
"Vùng trung tính sở hữu ít nhất cái lợi thế này: chúng chỉ là điểm xuất phát và rồi đến một ngày ta sẽ rời khỏi đó".
Xong rồi. Để mặc đi.
Đọc 5 chữ cuối này, lòng nghe tiếng thột một cái. Như một tiếng thở dài để vượt qua, tiếp tục kiên cường sống đến cùng. ÔI, CHÚA ƠI.
Đã phòng bị rào chắn cẩn thận khi đọc rồi. Thậm chí có phút đã từng nghĩ, tiếc quá, tự nhiên phòng bị làm chi, cảm giác nhiều đoạn khiến chột dạ một cái rùng mình vì hay, giá như không rào chắn có phải sẽ được đẩy tới hạn, sẽ có cảm giác ở chân tóc rưn rứt. Thế rồi sao, vẫn cứ nghèn nghẹn ở ngực. Chả biết mấy ngày tới có si nghĩ lục lọi đẩu đâu không nữa.
Ai từng có tuổi trẻ học tập, làm việc hay sinh sống ở những địa danh này của Paris, dám cá bị ám vào một vùng quá vãng. Bảo đi chết đi cũng chịu (bằng lòng) ấy chứ. Một cảm giác thôi.
Còn tôi, neo đậu mình vào cái đẹp và buồn trong văn Patrick Modiano. Cảm xúc cứ như bị tóm trong cuộc càn quét ấy. Chỉ có hơn 1h để đọc quyển sách mỏng này, mà thời gian như một vòng xoáy luôn muốn đào thoát, lãng đi chút là chợt nhận ra mình phải tóm được sợi dây mảnh ấy. Tôi đang nghĩ 5 chương sách như 5 truyện ngắn, thách thức người đọc nhào nặn thời gian, tất nhiên kéo theo không gian.
Tôi không mong được như ý, nhưng quả thật, quyển nào, tác giả nào đánh động tôi sâu sắc thì y như rằng ế chỏng vó. Cái này có thể xem là khen nhưng làm rớt vote.
Biết thế cứ ngậm miệng là hơn.



7.3.14

OH LIFE

Ian McEwan
Đọc khoái ở chỗ: nếu là lần đầu tiên, rất dễ bị ru ngủ. Nếu là lần thứ hai trở đi, dù phòng bị cỡ nào, đến cái kết trong cả hai trường hợp, ít nhất là với mình, dễ dàng thốt lên khoái trá, fuck-nó.có.đúng.như.mình.đang.nghĩ.không?
Bập vào truyện đều là những hoàn cảnh bình thường, bình thường đến phi lý, chỉ có như này thôi mà lây rây cả quyển sách hay sao? Bình thường đến độ lởn vởn đám mây vần vũ, chớ bị ru ngủ như lần trước lần trước 
Chỉ vừa chủ quan về hoàn cảnh bình thường thì câu chuyện trong hình hài văn chương phẳng lặng sẽ bị xới tung thành thứ xóc óc, thậm chí giật gân, ngoài tầm kiểm soát. Và văn chương ấy ranh mãnh ở chỗ, đánh động người đọc tới tính chất bất ổn, khó lường của cuộc đời, dù ai ai cũng từng kinh qua. Nhưng không thoát khỏi một cái rùng mình. Nghệ thuật hắc ám là đây 
Năm vừa rồi có đọc một quyển, nghĩ ngay tới Ian McEwan, sau rất nhiều chờ đợi, không thấy thêm một nào ở Vn. Lão mang tên Julian Barnes, và trái trứng Nghe mùi kết thúc. Một trong những quyển cưng nhất năm rồi của mình :x



21.2.14

We're the song inside the tune. Full of beautiful mistakes.

Ngày xưa, í mình nói là lúc rất nhỏ, mình tư duy thế này: "nhắm mắt" vào sẽ không nhìn thấy mọi thứ, ngay cả chính mình. Vì vậy khi muốn mình được giấu kỹ nhất (kiểu vô hình) thì mình cứ nhắm mắt là xong béng. Áp dụng tư duy logic ấy vào trò trốn tìm. Chết chắc!
Hôm qua có việc tác động đến mình, làm mình phân vân có nên xem lại những gì mình đã từng đặt bút (đặt bút viết rột roạt trên giấy ấy) kiểu như: đoạn văn, tản văn, truyện ngắn, thờ ơ thơ (tất nhiên, mình chưa bao giờ dám viết tiểu thuyết, có mà điên, Ơn God)...Sau rất nhiều nỗ lực, mình vẫn không dám xem lại đống ấy. Cách đây chừng lâu là lâu, mình cũng có mò lại để đọc. Cái phong bao ấy bao gồm cả những bài báo, thông tin được note lại, văn bản mình viết...theo thời gian những bài báo mình dày công cắt ra để lưu cũng đi dần vào dĩ vãng, phần nhiều bị bỏ đi. Lý do: Mình từng theo nhiều người viết, người đọc. Nhưng khi thế giới của mình mở ra hơn nữa, mình thấy mình đi lạc đường ở vài cái quẹo hihi. Lần trước, mần lại đống văn bản mình muốn mình có lại cái tư duy "nhắm mắt". Ôi, sao lại sến rền rệt thế này? ôi, mình đã từng viết được thứ xóc óc thế này kia ư? Ôi, tư duy hũ nút thế này mà cũng viết ra được?...Tóm lại là bàng hoàng thảng thốt, ngang với cảm giác kinh dị. Thậm chí, thốt lên chán mớ đời thế này mà cũng viết được là sao??
Thế là để trở thành người có ích cho xã hội, không làm nó thêm phần kém dễ chịu, mình chuyển từ người hay viết, thi thoảng viết, đến thời điểm đọc lại cái mớ chán mớ đời kia thì mình ngừng luôn cho nó lành. Và trở thành người đọc.
Hôm qua đi nghe các bạn trẻ hát, về nhà muộn, nằm nghe cái bài Losing my religion, khỏi ngủ luôn. Lấy hết dũng cảm đi rờ lại cái đống văn bản kia. Zồ ôi, chóng mặt hoa mắt đờ đẫn thế này tốt nhất là đem đốt đi. Phải đấu tranh mãi với suy nghĩ, tuổi trẻ mà, sao phải xoắn, thôi thôi không tránh được. Nên mình lại cất nó đi. Và nghĩ là không bao giờ không bao giờ sờ lại nó nữa.
Ngày xưa, cái thời mình đọc ở mức độ in ít, học cấp 1-2 ấy, lúc nào cũng mơ mơ màng màng, chắc vì thế bố mẹ vẫn gọi là ngỗng vì mặt lúc nào cũng đực ra như ngỗng ị. Văn học nhà trường là cơn ác mộng, í mình bao gồm cả cái người ta gọi là môn từ ngữ-ngữ pháp, tiếng Việt, tập làm văn, văn học etc. Mình vẫn hoàn thành việc học nhưng thời gian mình yêu và thoải mái là để cho việc đọc (tất nhiên là có những lúc lén lút đọc, nhưng vẫn thoải mái :)). Áp lực của tuổi hồng ấy (thời điểm ấy) làm mình từng nói với mấy đứa cùng lớp là tớ ước sao bây giờ tớ một phát đến luôn tuổi 60-70-80 tuổi, thậm chí chết luôn cho xong để không phải cứ ngày này qua ngày khác đều đặn làm những việc như thế này, nhìn cuộc sống diễn ra như thế này, cả tớ và mọi người. Buổi sáng ấy, cả đám đang đứa cái bánh mì, đứa gói xôi đứng ở cổng đợi bác bảo vệ mở cổng trường, một buổi sáng mùa đông, trời âm u, mình nhớ chứ, và các bạn ngừng nhai nhìn mình như mình đang chân không ở mặt đất. Thế là tòi, mình cũng không nên là người nói.
Giờ, thi thoảng động tới những gì mình từng đọc, từng thích trước đây, rất hiếm cái mình còn có thể đọc tiếp, phần lớn là chối không chịu nổi nên phải gấp sách lại. Và giờ, thì mình lại mong ước làm sao một phát về bé như thằng cháu mình và không phải lớn lên nữa, để có thể cứ ôm cổ dì nghe dì hát mà không cần ngủ, thi thoảng ngóc đầu dậy nhìn miệng dì và nhăn trán si nghĩ nho nhỏ, dì làm cái gì mà âm thanh phát ra suốt í nhỉ, nghe cũng tạm được đấy chứ :)). Mong ước nghe sang chảnh quá đi!
Và mình cũng không nói mình yêu đời chết đi được, như có mấy bạn nói rằng nhìn mình sống mà muốn được sống khác như mình. Vì đến thời điểm hiện tại, tư duy cuộc sống của mình đã tươi sáng lên rất rất nhiều, nhưng mình vẫn nghĩ phải rất dũng cảm và kiên cường đến cùng thì mới chịu nổi cuộc đời này. Không trách được việc họ tự tử, họ từ chối món quà của Chúa là cuộc sống, vì họ có xin đâu. Mình cũng ủng hộ hoạt động trợ tịch. Nhưng với cá nhân, mình đang cố gắng sống tới cùng đây, dù nhiều khi đạp xe trên đường mình vẫn luôn tự hỏi làm sao mà mình cứ phải sống chứ?? Và rồi mình tự an ủi, hây zà, "bị ném vào thế giới thì chúng ta cứ phải cắn răng mà đi thôi, cho đến ngày hộc máu". Hoặc phải tự tò mò chút, không biết mai mốt già mình thế nào ta? già thì ai cũng người ngợm hết rồi, nguy cơ là mình thành "ngợm" nhiều hơn, nhưng mong sao đừng sống lâu quá, ít ra thì phải tự nghĩ được vấn đề rờ rờ ra trước mắt, sống thọ thế thì làm gì mà ăn đây?
Dạo trước mình có đọc Thị trấn Tortilla Flat, zồ ôi, các chàng trong ấy chỉ cần làm sao mà có một cút rượu để say sưa thôi (hình như là ga lông rượu). Còn mình, mình thích được vui thú bằng việc đọc. Làm việc kiếm tiền đủ sống và làm sao đó để có tiền mua sách, thi thoảng đi du lịch nữa thì quá đã, vậy là ok. Dù việc đọc giống như mở cửa sổ ở những địa điểm khác nhau, nhiều khi gọi là random, chả biết vào cửa vui hay buồn hay suy tư hay điên thần tiên, dẫu sao cũng cho mình khao khát sống để mở cửa sổ.