Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

30.9.22

lost in forgetfulness

 



ra khỏi cửa quán cà phê chỉ cách nhà chưa đầy 500m mà tôi có thể đi lạc dưới hầm đi bộ 30 phút, lên xuống không biết bao nhiêu lần cầu thang, đứng ở các ngả ngã tư để nghĩ về nhà mình mà vẫn loay hoay không về đến nhà. Tôi nghĩ đến một giấc mơ nửa năm trước tôi cũng đi lạc như thế này, đi lên đi xuống các tầng hầm các chốt cửa, tôi còn nghĩ bụng trong giấc mơ rằng: "mình lại lạc đường, lại lạc ở chỗ quen thuộc này, về gần đến nhà mà mình còn lạc, không biết có khi nào mai mốt ngoài đời cũng sẽ bị lạc như trong mơ thế này không"; khác là trong mơ về đến đầu phố thì nước ngập tôi không lội về nhà được, còn lúc này là trên đầu tôi mây đen kịt, thi thoảng một hạt mưa đi lạc sa xuống vai áo tôi


tôi lững thững đi trên đường rồi lại đi xuống hầm rồi lại ngoi lên đường và lại xuống hầm. Tôi nghĩ về ngày nhỏ tôi là đứa trẻ chậm chạp thế nào, bố tôi quát tháo suốt ngày vì tôi tối dạ vì "đầu to như cóng nước đái" [bố nói vậy, còn tôi thì nghĩ đầu mình to như trẻ down đần], về việc trời mưa không bao giờ tôi chạy, lúc nào tôi cũng lững thững bất kể mưa nắng với ý nghĩ dù có chạy hay rảo cái chân thì nắng vẫn nắng mưa vẫn mưa vẫn ướt [cậu bạn don juan bảo: hoá ra lấy vợ mưa không biết chạy vào nhà không phải là truyền thuyết, có thật hả tú], và tôi luôn luôn không nhớ được đường hướng. Tác phong phản ứng của tôi khiến mọi người nghĩ tôi đần độn trêu ngươi chọc tức, chứ thật lòng tôi cố gắng để nhanh nhẹn để hoàn thành những việc được giao lắm rồi, chỉ có điều tính tôi quá lững thững đủng đỉnh nên sự cố gắng thay đổi của tôi không thấm vào đâu cái kỳ vọng mọi người giáng xuống đầu tôi. Phải nói là qua được 18 năm đầu đời như mũi tên phóng ra khỏi cung tên của nữ chiến binh, tôi lao vút đi mà đến giờ vô cùng hài lòng vì thế mèo nào 18 - 20 năm khốn khổ với chính mình và kỳ vọng của mọi người cũng đã qua, vì dẫu cho có bất kể điều gì xảy ra thì tôi vẫn cứ lững thững vậy. Nó như định mệnh rồi. Bố tôi mắng chửi rất nhiều về những điều ấy thì cũng có khác đi được đâu


hôm nay tôi đi lạc và trên đầu một cơn mưa đang tới kêu gọi một tác phong khác đi để sớm về tới nơi trú ẩn. Thật lòng tôi cũng muốn về tới nhà cho xong, nhưng tôi cứ lạc mãi dưới hầm lững thững đi với ý nghĩ thôi mưa thì ở dưới hầm có làm sao. Thế rồi thế nào tôi nhìn lên cửa hầm thì thấy có vẻ quen quen hình như đúng cửa hầm dẫn thẳng về nhà rồi


thế là về nhà, không dính mưa, chỉ ướt người vì quá trời bồ hôi [dù đã dừng ở vỉa hè mua lavie để tiện xin một cái nịt trói tiền buộc tóc lên]. Nước trời không đến mà nước người thì túa ra như mưa tuôn rơi 


ăn cơm thôi. Memory loss 🐣

28.9.22

cyan flower



độ mươi mười lăm ngày trước, tôi ngủ mơ một cô gái mặc bộ váy thướt tha màu xanh lơ [cyan] tía tía ánh bóng cứ vừa đi xa khỏi tầm mắt của tôi, vừa nghiêng mặt cười với tôi, trên đầu cô ấy đội gì đó như bông hoa xếp lớp từng cánh hoa mọng nước. Ngay lúc ấy tôi nghĩ, "cô tiên" này giống một bông sen đá quá, sen đá thì cánh mới mọng vậy được. Khuôn mặt của cô là khuôn mặt của người phụ nữ cho tôi cảm giác phồn thực mắn đẻ, lúc ấy tôi nghĩ ngay đến một người phụ nữ "ngoài đời" mà tôi biết và nghĩ bụng là type đó đó, cô tiên sinh đẻ


thế là từ hôm ấy tôi đi tìm sen đá màu cyan và vì nhìn ngắm sen đá nhiều, cả tuần trước tôi đi ngủ với những giấc mơ hoa đẻ hoa nở màu sắc vô cùng kỳ diệu. Tỉnh dậy còn tiếc hùi hụi những bông hoa tuyệt vời trong mơ của mình, có ai từng hạnh phúc như mình không khi nhìn ngắm những bông hoa như thế


đấy là nguồn gốc tôi đòi trồng sen đá. Tôi là dạng đi theo những giấc mơ. Trong ảnh tôi đang dạy emi phân biệt chậu sen đá và chậu cát vs của nó, chớ có nhầm lẫn mà ăn kỉn 😝

26.9.22

đọc người đọc viết - đọc nhà văn đọc

 



có lẽ sự đọc thuần túy là hưởng thụ khi thông qua việc đọc người khác viết/kể khiến người ta đọc suy tưởng của chính mình; nó là chuyện về những cái mà câu chuyện/truyện khiến ta suy tưởng. Văn chương là gì nếu không tạo ra biến cố về ngôn ngữ trong tâm trí con người, nó không đơn thuần “lật tẩy ảo tưởng của những nhà tu từ học tưởng rằng chỉ cần đùa với từ ngữ là đủ để phát minh ra tư tưởng và những ảo tưởng của những nhà văn hiện đại nhìn thấy nơi từ ngữ một trở ngại cho tư tưởng”


cũng như nhiều người đọc khác đọc tập thơ Khách của Nguyễn Chí Hoan, dễ thích ngay các bài thơ/một vài câu dưới đây; còn lúc này khi đã đọc tập thơ khoảng 5 lần thì bài thơ Nói, cuối cùng đã đứng đầu trong những bài tôi thích, ban đầu ghim vào đầu luôn là Mưa sáng, Bạch [khổ cuối, thật ra tôi không thích câu cuối cùng], rồi mới đến Nói; nhưng sau mỗi lần mở hú họa một bài nào đó thì tôi vẫn quay lại Nói để đọc [ở lần thứ 3 đọc tập thơ tôi đã gần như chắc chắn tên cho văn bản này là “dốc ngược”, và đến tận giờ tôi vẫn phân vân “dốc ngược Thời Gian” chứ không phải tên văn bản mà hiện đang có]


Mưa sáng 

[Mưa xuống như là mưa bóng mây

Người đi như vượt cõi lưu đày]

hay: 

Hồi tưởng số 8 

[và trên góc trần nhà xa tít

nơi tôi cuộn mình nhìn xuống mình thân xác

có thể nào như thế

mà như thế

đã không được chọn vào đời

cũng không được chọn ra đi

tôi gắng hết sức để quay về qua lỗ rốn mình kia

lỗ rốn tối tăm một con đường duy nhất]

hay:

Khoảnh khắc

[Mỗi khoảnh khắc là một lần giới hạn

Là một cửa vào hé mở một lần thôi]

hay

Bài tập

[Nửa đời ôm mộng lớn

Cây xòe trên chiêm bao

Bật cười khi nhớ lại

‘’Duy hữu độc thư cao”

Thức mãi mà chẳng biết

Có tỉnh ra lúc nào]

hay 

Bạch

[Mưa mấy ngàn ngày mưa cũng thôi rơi

ta mấy ngàn năm mới khỏi bệnh người

trăng mấy ngàn xuân vẫn vầng trăng thứ nhất

chẳng còn đầy vơi khuất một chân trời]

hay 

CỦA TÔI

Bên kia Mặt Trời là tuổi trẻ

của ai


tôi từng đọc tập phê bình văn học nghệ thuật Bút ký một người đọc sách của Nguyễn Chí Hoan cách đây hơn 10 năm, thời điểm ấy tôi chỉ đọc những bài viết về những tác phẩm mà tôi cũng đã đọc. Tôi thường tránh, phải nói là không thích, không muốn đọc những gì viết về cái mình chưa đọc. Tôi cần bảo toàn cảm nhận của mình, một địa phận riêng. Cái đọc mà bị xâm phạm, bị “bốc thuốc” ngay trứng nước thì mất cảm nhận thuần chất ban đầu mà chính cảm nhận này thường mới là cái khiến người ta ngây ngất đắm chìm của hạnh ngộ biến chuyển ý thức; “ngôn ngữ thoát khỏi quy ước và tinh thần trở lại tự do, thì sẽ đạt đến một phạm trù khác của tư tưởng” hãy luôn nhớ điều này như thần chú. Nên thời điểm ấy, đây là một quyển phê bình có thể nói duy nhất là rất hợp với tôi, vì phần lớn các đầu sách được nói đến tôi đều cũng đã đọc. Cách viết đúng chất một người đọc không quá khiên cưỡng bài bản phân tích mổ xẻ khen chê, hay viết vòng vo loanh quanh đi mãi không vào tử huyệt của cái cần nói đến sau khi đọc: câu dài cảm tưởng rối rắm nhưng lại rất có nhịp và đặc biệt là tác giả viết về một tác phẩm nào đấy chỉ bởi suy tưởng từ một [vài] chi tiết, một [vài] chương trong toàn bộ tác phẩm [thậm chí một tác phẩm được viết hai bài riêng, bóc tách điểm nhìn]. Thời điểm ấy tôi bỏ một số bài vì thấy giống “đơn đặt hàng” 


gần đây, tôi đọc tập thơ Khách và không mấy bất ngờ khi biết trước tập thơ Khách, Nguyễn Chí Hoan đã có các tập thơ xuất bản dù đây là lần đầu được nghe nói tới, nhìn thấy những tập thơ kia. Không ngạc nhiên vì tôi nhớ rõ cách đây hơn 10 năm khi đọc Bút ký một người đọc sách, cách viết phê bình thơ/văn xuôi của Nguyễn Chí Hoan là đi vào âm vận và ông rất chú trọng nhịp của câu chữ [hồi ấy tôi ấn tượng bởi một câu của Jean-Paul Sartre được tác giả trích dẫn hai lần ở hai bài viết: từ ngữ như những sự vật và hiện tượng tự thân nó – đấy là một đặc điểm của thơ (từ ngữ trong thơ còn là, và chính là, các sự vật)]. Một người khi chú trọng nhịp, giữ nhịp trong cái mình viết như cái mình đọc và hoàn toàn có thể trình diễn nó thành cái đọc thành tiếng vô thanh có nhịp thì sẽ viết tự nhiên thành thơ. Một tâm hồn thơ tự nhiên không cần chuốt tỉa cố ý, nó cứ sần sùi tự nhiên mà nhẹ thanh


để trace back nhìn mình hơn 10 năm trước thông qua việc đọc, tôi đọc lại Bút ký một người đọc sách. Lần này tôi bỏ qua một vài cái tên Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Việt Hà… vẫn bỏ qua mấy bài như lần trước vì chúng không cho mình cơ hội hưởng thụ thú vui suy tưởng. Có những bài viết tôi chắc chắn đã và sẽ không đọc quyển sách mà bài viết đề cập nhưng tôi đọc bài viết không sót một chữ vì nó giống như đọc một tác phẩm, có thể nói, tôi không đọc Bút ký một người đọc sách mà tôi đọc suy tưởng của một người đọc viết. Tôi là dạng rất khoái đọc linh tinh, đôi khi thậm chí nhiều khi, tôi đọc không phải vì nó hay, mà nó mang đến cho tôi những dự cảm trong tâm tưởng, những suy tưởng riêng về hình thức tiểu thuyết, kết cấu câu chuyện, dàn dựng cấu trúc hay những gì mà chi tiết/tình tiết câu chuyện tạo ra cho tôi suy nghĩ mơ hồ “linh cảm về điều sẽ đến là một tư duy về tương lai đồng thời là hồi ức về quá khứ" [Heidegger]. Lần này tôi có thể đọc liền mạch không ngáp bài về Tương lai của văn học và Viết để làm gì. Tôi vẫn sẽ đọc lại bài viết Tương lai của văn học là gì, để chuẩn bị và có thể đọc song hành cùng đợt sách tới đây Đọc Khác – Viết Khác - Lời Khác vì bản thân những suy tưởng của riêng mình khi đọc suy tưởng của người khác về những cái hai [nhiều] phía cùng đọc đã là viết khác rồi. Những suy tưởng như soi gương [nó làm tôi nghĩ đến một câu của Thanh Tâm Tuyền trong Tiếng động: “Chúng ta cũng chỉ là những mặt gương đặt trước nhau, đặt trước những người khác. Ảnh tượng trôi tít đến vô cùng, hoa mắt”] nó là cái nhìn động cho nhiều ảnh tượng, muốn soi gương muốn nhìn mình cho hết ảnh tượng hết ảo tưởng thì phải tận tâm và thành thật, chịu đựng vào, đừng thỏa hiệp li lai nhỏ nào


sự đọc nảy sinh suy tưởng và cảm năng, bản thân nó đã là một tư duy về tương lai và đồng thời, tư duy ấy cũng là hồi ức về quá khứ. Nó tạo ra dốc ngược dựng đứng Thời Gian bộ ba tuyến tính, hiện tại hữu hạn nằm giữa quá khứ và tương lai như nằm giữa sự sinh ra và kết thúc, như “chết rồi từ độ sinh ra” – “từ đầu này đến đầu kia/ là thời gian quá mỏng”. Viết là trút bớt ảnh tượng, ảo tưởng, trút cho bằng hết và trong khi những ảo tưởng cũ hầu như vơi bớt thì ảo tưởng mới ngõ hầu hình thành; là đau đớn chịu đựng, đày ải và an ủi, đồng thời; ở Viết để làm gì, Nguyễn Chí Hoan nói: "Thực tế như tôi được biết, nếu không ai hỏi ai rằng Viết để làm gì? thì cũng không phải ai cũng đã có một câu trả lời của mình cho câu hỏi ấy"


trước khi là một nhà văn, anh phải là một người đọc thứ thiệt cự phách. Đọc nhiều thì phải viết thôi, khác được hay sao. Đấy là đi đày trên sa mạc tờ giấy [chữ của cụ Trần Dần: "Tôi như kẻ đi đầy trên sa mạc tờ giấy"] chứ hưởng thụ thuần tuý thì đọc thôi, như Michel Houellebecq từng nói: viết không an ủi được mấy, y thực ra muốn được đọc, và chỉ đọc, suốt đời. 


đến một thời độ, người ta trò chuyện bằng tiếng nói của lặng im, vô thanh. Suy nghĩ của tôi lúc này, liệu có không: hết ảo tưởng. Phước thay ta có cả sa mạc chữ còn ở lại



ps. trước đây đọc Bút ký một người đọc sách tôi biết rằng hóa ra tôi không phải người duy nhất đọc Nguyễn Ngọc Tư như thế, như 2014 tôi có từng nói với một người bạn rằng tập thơ Chấm của Nguyễn Ngọc Tư là một cú tạt đáng nhớ, chứ không phải những gì trước Chấm và sau Cánh đồng bất tận [hiện trong nhà tôi chỉ có Cánh đồng bất tận, Gió lẻ và Chấm (Gió lẻ là đọc xem có gì khác không)] chắc chắn sau đó tôi cũng không đọc văn xuôi Nguyễn Ngọc Tư. Ngoài ra, ở Bút ký một người đọc sách tôi còn tìm thấy điểm chung nữa ít người nhắc đến, về cái nhìn với một tác giả nữ TQ mà tôi hiện giờ cũng không biết cô còn viết không: Quách Tiểu Lộ [hình ảnh ốc mượn hồn thi thoảng tôi hay dùng là tôi nhìn thấy lần đầu ở Thạch thôn, tôi thích tác giả này đến nỗi mỗi kỳ hội chợ sách trong khoảng 3-5 năm sau khi sách xuất bản, tôi đều mua ít sách ế, để làm gì không rõ :p]

có lẽ sau đây, tôi sẽ thử vận may của mình với văn học đương đại nước nhà, với Nguyễn Nguyên Phước, chẳng hạn. Lần đầu tiên của Nguyễn Nguyên Phước, tôi thích, thích ở việc truyện không là truyện, nhân vật không là nhân vật, tức là khi đọc người ta không nạp vào các chi tiết tình tiết biến chuyển tâm lý nhân vật, cái cách viết không là như thế lại chính là truyện, truyện là sự biến chuyển ý thức chứ không thiên về diễn biến tâm lý

14.9.22

từ ngữ





hôm qua có bạn fb hỏi tôi tại sao một người hay đọc và thích đọc nhiều thứ như tú lại nói "sách ít chữ thì càng đỡ phải đọc"

chữ nghĩa ngôn ngữ với tôi là sự tra tấn nhiều hơn là khoái cảm, nói là nỗi bất hạnh thì cũng chẳng ngoa một chút nào. Khi mà nỗi ham muốn của mình quá thường xuyên mà mình không tài nào đạt được đúng cái ngưỡng mà mình muốn thì thành bất hạnh thôi. Nó là thế chứ có gì khác đâu, chẻ hoe vậy


thời gian nào tôi đọc nhiều, tôi thường xuyên mơ ngủ các từ tiếng Anh tiếng Đức tiếng Pháp xuất hiện như hằng hà sa số ngôi sao trên trời gọi tôi. Tôi nói, mình bị các từ ngữ nhiễu nhương; và khi từ giấc mơ trở về thì tôi phải đối mặt với tình trạng thường xuyên trong ngày, không tìm được từ tiếng Việt mà mình định dùng trừ khi tôi phải gõ cái từ tiếng Anh mà mình biết là cái mình đang muốn chỉ muốn trỏ vào điện thoại để nó hiện ra từ tiếng Việt mà tôi đang muốn dùng, ngay cả khi đó chỉ là tên loại hoa như iris hay lavender


cách đây 3 đêm trong giấc mơ tôi mơ mình đọc những dòng chữ này:

dạy, anh dạy cô cách chạy dù hiếm khi anh chạy, chạy vào những đêm, chạy khi hửng sáng, chạy trong mưa, chạy giữa trời đứng nắng, chạy trên sân thượng toà nhà, chạy chung quanh bàn ăn trong tư thế ngồi nhổm người để tăng sức bật

[suy nghĩ trong mơ, khi mơ tôi luôn suy nghĩ như thể tôi đang tỉnh, như tôi đang nhìn mình từ một cuộc đời khác, và lúc này tôi nghĩ: nếu một ngày mình đọc thấy đúng văn bản đang đập vào mắt mình trong mơ lúc này, chắc mình ngất cbn mất vì những giấc mơ kỳ quái tai ác này]


và cả việc ăn, ăn chay, ăn nhiều các loại rau gia vị tươi sống. Anh nói: chỉ nhờ ăn chúng mà anh đã khỏi quai bị

[suy nghĩ trong mơ: ồ "anh" vậy là từng quai bị, có bị ảnh hưởng sinh sản không; mình mơ chi tiết này nhưng nghĩ một cách dớ dẩn có phải vì hôm nay mình đọc về một vị vua có hơn trăm cung tần mỹ nữ nhưng không sinh được con nối dõi vì có lẽ bị bệnh đậu mùa biến chứng]


cách đây 2 đêm thì tôi mơ tôi nhận một cái trát có đâu đó khoảng 7-8 cái dấu gạch đầu dòng, nhưng nó không viết như thế này [ - ] mà lại viết [ +/ ]. Nội dung của trát là: đọc xong các tác phẩm của Musil [có vẻ tại thời điểm nhận trát thì tôi đã đọc xong rồi] em viết về 7-8 cái mục đó đi. Và trát nói: hãy dẹo và xộm như tôi có thể khi nói về Musil, có như vậy thì mới tạo được sự chú ý

trong giấc mơ đọc trát này, tôi cứ loay hoay tìm một cái bút mực xanh lục, để viết thư hồi đáp, bút không thấy mà chỉ còn ngòi bút, tôi cầm cái ngòi chấm vào lọ mực xanh lục viết vào góc dưới của trát, đại ý: em không thích làm, không thể làm, từ chối làm. Viết xong rồi, tôi lại không có gan gửi đi. Thế là vo viên tờ trát lại [tôi gần như không vo viên giấy khi tỉnh] rồi lại giở ra, xổ nét ngang chia cắt phần hồi đáp của mình bên trên với một chút rất ít giấy trắng còn thừa bên dưới. Và lại cầm cái ngòi bút đơn độc kia, chấm vào lọ mực và viết, đại ý: em không muốn chường mặt ra đám đông, không muốn viết hay làm cái gì đó cho ai, em chỉ viết cho em và khi em muốn viết phải viết cho em mà thôi

viết hồi đáp xong, tôi bỏ đi nằm ngủ

Khi tỉnh tôi nghĩ, chả có lẽ lúc nào đấy tôi sẽ đọc nhiều Musil, chứ giờ tôi gần như không biết gì Musil


còn đêm qua, khi sức khoẻ có vẻ đã tốt hơn. Tôi mơ mình đi khám bệnh trên một đôi dép cao gót có quai kiếc có vẻ đơn giản thôi, nhưng nó cao gót [khi tỉnh thì không bao giờ tôi đi cái gì cao, hãy đợi đấy]. Bệnh viện rất đông, tôi nghe thấy người ta gọi tên người tới lượt khám, xếp giấy tờ, gọi rất nhiều tên, không thấy có tên nào mà không có người đứng dậy... đến đây thì tôi nhận ra tôi đi khám mà không mang giấy tờ gì tuỳ thân và quan trọng là tôi không biết không nhớ mình tên là gì, các thông tin cá nhân của mình thế nào ra sao, tôi không hay biết nên tôi cứ chờ cái tên nào đó cất lên mà không có ai đứng dậy thì có lẽ, có thể đó là tên tôi. Nhưng vì không có, nên tôi biết người ta không gọi mình. Rồi tôi đứng dậy đi loanh quanh sân viện trên đôi cao gót, tôi đi tìm kiếm các cây cỏ dưới gốc cây to; bừng tỉnh tôi nhớ ra mình tên tú và người ta không gọi tú, có gọi thì lúc này tôi cũng chẳng có gì trên người về giấy tờ; vậy nên tôi quay về không khám nữa, trước khi lững thững đi bộ về, tôi tìm một cái thùng rác và cởi đôi dép của mình ra, ném vào thùng. Rồi lững thững đi chân đất ra khỏi cổng viện, ngõ ấy tôi gặp một hàng đồng nát, tôi nói mình muốn đổi cái áo jacket màu mận đang mặc trên người lấy đôi dép nhựa màu xanh bị cắt mõm được không, cái đôi mà dùng làm dép đi trong nhà í. Nhờ thế tôi có đôi dép để lững thững đi về nhà, trên đường đi tôi sung sướng với đôi dép thoải mái quá và không ngừng nghĩ mình ngớ ngẩn: nghĩ gì mà lại đi dép cao đi bộ cơ chứ, ngớ ngẩn hết sức chịu đựng. Lạ là như mọi lần, tôi thường xuyên không biết mình phải đi đường nào thì mới về được nhà, hay thậm chí là lại đi vào một con đường quen mà tôi biết chắc rằng đường này là đường lạc, không thể về được nhà; còn lần này thì tôi biết đây là đoạn cổng Chùa Bộc rồi, sang đường là có thể đi lối Thuỷ Lợi và về đến nhà [suy nghĩ trong mơ: vậy là mình vừa từ viện Đống Đa về à, nếu mình tỉnh thì đời nào mình lại vào viện Đống Đa]

tỉnh dậy tôi nghĩ vậy là sấm truyền, tưởng là phải đi bệnh viện, nhưng chưa. May thôi đừng tưởng bở. Lần tới mà phải vào viện thì không còn là con người đâu con ạ. Còn muốn làm người thì đừng để mình phải vào viện, đừng có chủ quan sức khoẻ tú ơi


từ ngữ như những sự vật và hiện tượng tự thân nó - đấy là một đặc điểm của thơ [J-P. S]. Nhưng tôi không làm thơ. Tôi mơ

13.9.22

Peppa Pig




trong từng này quyển, thích quyển My Daddy nhất vì Peppa miêu tả Daddy Pig có những câu thế này: my daddy says he likes to keep in shape all of the time... but his favourite exercise is lifting the remote control

😂🤣


hôm trước nhìn thấy con của bạn đi đâu cũng mang theo con thú bông lợn Peppa làm doudou và 1 quyển Peppa Pig tiếng Anh nham nhở trang thì vết răng trang thì bị xé mất hình mất chữ, tú bất giác nhớ ra nhà có 1 xấp Peppa Pig để đầu giường bảo hôm nào thảnh thơi mang đọc cho vui để còn đọc cùng trẻ con mà mấy năm rồi vẫn nguyên ở đầu giường. Bình thường thấy quần áo bé gái hay có hình Peppa nhưng cũng cứ vẫn nghĩ Peppa là lợn giai, đọc truyện mới biết mình dở nặng, Peppa là lợn gái, có thằng em vô cùng đáng yêu, mình thích gọi nó là Silly George với con doudou tên Mr Dinosaur :))). Và bộ picture book Peppa Pig này hoá ra được dựa trên series phim Peppa Pig


một cô bạn bảo không thích tạo hình của lợn Peppa nhưng với tú thì truyện trẻ con, picture book nào cũng hay vì ít chữ nhiều tranh, tạo hình nhân vật biểu cảm sống động, tranh vẽ thì ngu vật [ngu vật là từ để chỉ rất đáng yêu với tú] nhất là các truyện lấy các con vật làm nhân vật thì tác giả có những từ để chỉ âm thanh của chúng phát ra biểu cảm sắc thái vô cùng phong phú. Nói chung sách vở càng ít chữ đỡ phải đọc thì tú càng thích :)))) 



10.9.22

vô thuỷ vô chung





Ondine/Undine của La Motte-Fouqué là câu chuyện về tâm hồn và hình thức; một câu chuyện đẹp tê tái và đẹp thì không thể không đau đớn sầu muộn và tuyệt vọng. Cùng với Nàng tiên cá của Andersen, ta có một trình hiện song trùng về Lãng mạn [Lãng mạn Đức] của bi thảm và dữ dội, cái chết như một lời mời gọi, một phần thưởng cám dỗ


Ondine - người con gái của nước, một thuỷ thần, một sinh thể với cơ thể và trí tuệ, nhưng cả một vực sâu, địa vực ngăn cách giữa Ondine và chàng hiệp sĩ Huldbrand nàng yêu - một con người: các Ondin không có tâm hồn; cơ thể và tinh thần đều bị cái chết diệt trừ "Khi giờ điểm để đánh thức những người như chàng bắt đầu một cuộc đời thuần khiết hơn và hoàn hảo hơn, thì nó cũng làm bọn em biến mất, giống bụi và gió đi khỏi, giống sóng và tia sáng tan sạch. Bởi bọn em hoàn toàn không có tâm hồn! Yếu tố khiến bọn em sống chỉ tuân phục bọn em chừng nào mà bọn em sống; nó làm tan loãng cho tới cả những dấu vết của bọn em, ngay khi cái chết đến; [...] Tuy nhiên ai mà chẳng cố vươn thêm tới hơn là họ có. Chính bằng cách đó mà cha em, một ông hoàng hùng mạnh của nước Địa Trung Hải, đã muốn cô con gái độc nhất của ông có được một tâm hồn, dẫu cho nó phải trả giá bằng việc biết đến những nỗi đau đớn mà mọi sinh thể có tâm hồn đều phải quy phục. Thế nhưng, bọn em chỉ có thể đạt được mục đích đó nếu chiếm được tình yêu của một trong số những người như chàng. Và giờ đây em đã có một tâm hồn, và chính tình yêu của chàng đã làm được cho em điều đó. Em mang ơn chàng vì thế, và vĩnh viễn em sẽ mang ơn chàng vì thế, dẫu cho kể từ nay chàng có biến toàn bộ cuộc đời trần thế của em trở nên bất hạnh"


trình hiện song trùng Ondine - Nàng tiên cá, những người con gái của biển cả. Một nàng tiên cá đánh đổi giọng hát linh hồn của biển cả, một gì đó như thiên phú để có tình yêu - tâm hồn của con người và trở thành con người, hình hài con người. Một Ondin trong hình hài con người đẹp đẽ vô song nhờ có tình yêu mà trở thành con người có tâm hồn. Ai mà chẳng cố vươn thêm tới hơn là họ có. Một sinh thể không tâm hồn thì như một tấm gương sơ khai giản đơn phản chiếu thế giới bên ngoài, và không có khả năng đi sâu vào bất kỳ cái gì thuộc thế giới bên trong (Tâm hồn luôn đi tìm một tấm gương. Nó cần tấm gương để nhận ra chính nó, nhận ra khuôn mặt thất lạc của nó [Tấm gương: On Lukács - Anh Hoa]). Tinh thần của thứ sinh thể sơ khai khốn khổ không có tâm hồn "không thể hình dung được các nỗi đau và khoái lạc của tình yêu có cùng sự quyến rũ ra sao, chúng giống nhau đến mức nào và gắn kết với nhau chặt chẽ tới nỗi chẳng quyền năng nào tách rời được chúng. Bên dưới những giọt nước mắt lấp lánh nụ cười, và thường thì nụ cười có thể dẫn nước mắt đến.", cũng không thể biết được những gì một con người có khả năng làm khi anh ta thực sự muốn một cái gì đó, khi anh ta muốn nó bằng tất tật sức lực trong tâm hồn của anh ta, cũng không thể hiểu nước mắt có hình hài êm dịu nhường nào của một tâm hồn chung thuỷ, trung thành... Tinh thần sơ khai không thể có, không thể hiểu, biết về một trái tim chưa biết yêu và một trái tim nhận được ân sủng của tình yêu



life is an illusion and love is one big illusion. Họ, đều có kết cục trở về nơi mà họ ra đi dưới một hình thức khác của nước. Không thể khác được đâu, "một tâm hồn thì phải đón lấy bi kịch của mình. Chính trong bi kịch, tâm hồn tìm thấy mình, nhận ra mình". Chừng như con người ta khi đã một lần tưởng tượng ra một điều gì đó như là phải được thực hiện theo đường lối của định mệnh thì rất khó để mà đổi ý, thậm chí, họ bắt gặp định mệnh trên đường khởi sự chạy trốn khỏi nó, và vậy là mọi điều gì đã được quyết định đều vẫn là đã được quyết định, không thể khác được đâu


"Nhu cầu sâu thẳm của tâm hồn là được (bị) phán xét, được (bị) trừng phạt. Tội và phạt không phải là hiện tượng bên ngoài mà là những sự kiện thiết thân của tâm hồn, là bằng chứng rõ nhất cho một tâm hồn đang tan chảy trong tình yêu [Tấm gương: On Lukács - Anh Hoa]

Ondine's curse. Giếng thuỷ thần. Không một ai có thể chịu nhiều đau đớn về cái chết của người mình yêu hơn so với cái người đã phải mang nó đến - so với Ondine thuỷ thần khốn khổ, như một nguyên tắc luật định - một lời nguyền. Không một ai có thể, so với Ondine - Giếng thuỷ thần. Tôi nhớ đến bài thơ Cây đoạn của Wilhelm Muller [tôi biết đến nó thông qua Núi thần của Thomas Mann] ngay dòng đầu tiên đã nhắc đến hình ảnh cái giếng. Cái giếng là nơi nước ngầm không ngừng tuôn chảy, hình ảnh của tiềm tàng uẩn khúc, nơi nuôi dưỡng sự sống nhưng đồng thời cũng có thể lấy đi sự sống [của những gì rơi xuống nó]. Nó là cánh cổng đi đến một thế giới khác. Nước của nó là nước cửu tuyền

"Đâu phải luôn luôn có khoảng cách như người ta vẫn hay tưởng giữa đám cưới và đám ma, giữa hạnh phúc và bất hạnh, và bất kỳ ai không tự ý mà làm cho mình bị mù về điều đó đều hiểu rất rõ"


vĩ thanh: tôi viết những dòng này vào ngày 14, tôi luôn thích ngày 14, ngày tôi quen M., dù hôm nay không trăng. 14 tháng Tám mà vẫn chưa có trăng. Cuối cùng lại hoàn thành khi chớm sang rằm Trung Thu


ps. vô thỷ vô chung, nhưng tôi thích để "thuỷ" - nước


#Ondine

#La_Motte_Fouqué



5.9.22

bội ước




hôm qua trước khi ngủ tôi đọc độ 4 trang Ondine của La Motte-Fouqué. Bập vào truyện, khi chàng hiệp sĩ nhận chiếc găng của người đẹp và không đợi giục đến lần thứ 2 để lao vào thử thách đi vào khu rừng, tức là hiệp sĩ trọng danh dự, và khu rừng đó dẫn đến nơi ở của Ondine và bố mẹ nuôi, nơi biệt lập với cuộc sống con người nói chung... thì tôi đã biết kết cục chuyện tình rồi [bạn nào hay đọc tài liệu y khoa, chắc từng nghe đến chứng "lời nguyền Ondine"] Tôi đã dừng ở trang đâu đó 50, chương về ngày hôm sau đám cưới, tôi dừng với ý nghĩ mình nên dừng ở đây để mai tiếp tục ở đây và tôi với lấy quyển sổ ngoáy vội mấy chữ: Ondine - nàng tiên cá - nước - tan thành bọt biển. Tức là tôi sẽ nghĩ về điều này vào sáng mai khi từ giấc mơ trở về

thế rồi tôi tắt đèn đi ngủ


chúng tôi là người da trắng, trang phục châu Âu thế kỷ 18-19. Chồng tôi có lẽ là nhà văn hay nhà khoa học vì nhà có rất nhiều sách, rất nhiều giấy tờ ghi chép; tôi giống một người phụ tá của chồng. Một đời sống tâm giao. Còn lúc này chúng tôi đang ở căn phòng có ánh sáng của lửa. Phòng khoá. Nóng. Những lời của anh nói ra có hình dáng của những bong bóng khi ta thở dưới nước. Tôi không thực sự nghe rõ những lời anh nói trong điên cuồng. Anh giận dữ. Mặt đỏ, từng lọn tóc trên đầu sổ tung, tôi cũng vậy; chúng tôi đang bị thiêu. Anh thét lớn những lời ầm ào như sóng biển động, rằng: cô phải làm điều cô đã hứa, cô đừng hòng ra khỏi đây trừ khi cả hai ta cùng chết, đồ phản bội. Từng dòng mồ hôi chảy dọc trên nếp ngực bộ trang phục cồng kềnh của mình, tôi ngồi ghi chép những gì chồng ném về phía mình. Những lời tôi định nói cũng như những bong bóng lời anh, nhưng là những bong bóng không mang âm thanh ục ục của hơi thở trong nước. Tôi vốn chỉ muốn nói: em sẽ không ra khỏi đây, bởi em là kẻ bội ước, hãy cứ trừng phạt


người đàn ông có dáng vẻ của don juan, bộ tóc xoăn giả màu trắng, mặt phủ phấn, lễ phục tề chỉnh đang đứng trên balcony nhìn xa xa như đang đợi hình bóng một ai đó. Rồi khi quay lưng định lui vào phòng thì thấy hiện ra giữa lối đi hai hàng cây dẫn vào sảnh là bóng dáng của một quý bà. Nụ cười tự mãn anh quay lưng bước vào phòng, ngồi bàn ăn. Người hầu cận đưa tới một phong thư nói rằng quý bà đang đợi dưới sảnh gửi ngài. Anh biết trước mình sẽ nói gì và nói cho ai đang nghe: bảo bà ấy ta không có ở đây. Khi nói câu ấy, anh chờ đợi bà ấy nghe đủ rõ ràng - người đàn bà không biết bằng cách nào đó đã xông lên và đang đứng cách anh không xa, đủ để nghe thấy lời nói đơn giản chẻ hoe anh vừa thốt ra. Anh nhướn mày so vai nhìn bà ấy và bĩu nhẹ cánh môi tự mãn: "mọi thứ như bà thấy, tôi không ở đây" rồi thản nhiên tiếp tục bữa ăn của mình. Quý bà quày quả nhấc váy cao hơn mức cần thiết, giậm mạnh chân bỏ đi không quên để lại dọc lối đi tiếng khóc thút thít vì tình, bám lại ngay sau lưng


còn lại một mình, anh rời bàn ăn đứng dậy ra đứng balcony nhìn xa xa lưng đồi tìm hình bóng một người. Không hay biết rằng lúc này người đó đang ngồi ghi chép tuẫn phục trong biển lửa nuốt trọn cả mình và chồng


tôi từ giấc mơ trở về, mở mắt nhìn con mèo đang nằm xây lưng về phía mình. Tôi lại đi ngoại tình trong mơ. Mấy tháng trước tôi cũng là người da trắng, tôi làm gia sư trong một gia đình khá giả hiện đại, và tôi ngoại tình với bố của học sinh. 

tôi là người rất ghét chuyện tình cảm nhập nhằng dù quan điểm của tôi rất cởi mở: trong chuyện tình cảm, ai không còn được yêu thương trong mối quan hệ thì người đó là dư thừa - người ở bên ngoài chuyện tình cảm vốn chỉ có 2 người. Rất nhiều phụ nữ biết tôi, đã nói với tôi rằng: tú nói như bọn tiểu tam giờ hay nói, nói thì nói vậy nhưng tú chưa có gia đình, tú nói vậy được, chứ tú là người vợ thử xem. Tôi nói và làm, nghĩ và sống luôn đi cùng nhau, chỉ cần ngửi thấy mùi có gì đó nhập nhằng bóng 3 người thay vì 2, tôi tự quay lưng đi cho bớt 1 bóng, không cần biết tôi là bóng người đang mờ hay đang rõ trong 3 người, tôi cũng sẽ quay lưng để những cái gì là chính thì sẽ tự là chính, dư thừa tự là dư thừa, không thích đôi co tranh giành hay phải nói những gì quá rõ ràng. Có duyên gặp gỡ là vui rồi, nếu không có nợ thì tất phải cố tình ghi nợ nhau làm gì, bỏ qua cho xông xênh


từ giấc mơ trở về, tôi đứng trên vườn nhìn trời, nhìn xuống bàn tay mình đang nắm-mở-nắm-mở tôi nhận ra những móng tay mình màu tím, không rõ vì lẽ gì. Chừng 20' sau khi thu hoạch rau trên vườn cho bữa trưa, móng tay tôi trở về màu hồng trắng như vốn dĩ. Tôi đã về 


1.9.22

dốc ngược




đêm qua tôi mất ngủ vì cốc trà chanh bữa trưa. 2 giờ sáng khi đang cười hạnh phúc trong mơ vì hoa mười giờ mình gieo hạt nở bung bông từng bông căng tràn, chắc vì trước đấy khó ngủ tôi lướt điện thoại đặt mua hạt giống hoa, trong đó có hoa mười giờ. Thì điện thoại đổ chuông. Giọng tôi tỉnh táo hơn tôi hình dung về mình vào giờ này rất nhiều. Muối nó gọi, rồi nó hỏi sao chị chưa ngủ. Ơ kìa, gọi người ta giữa đêm rồi người ta nghe máy thì lại hỏi với tinh thần hỏi tội: sao chị chưa ngủ. Tôi ghét tôi tôi nạt nộ nó rằng: chị đang mơ hoa mười giờ của chị nở đẹp thì em gọi, em lại còn hỏi 'sao chị chưa ngủ' được nữa à. Tôi ghét không ngủ được, ghét mất ngủ, vì như vậy là tôi đã phí phạm cơ hội được sống một [nhiều] cuộc đời khác trong mơ, tôi không hiểu nổi làm sao người ta ngủ mà không mơ được cơ chứ. Mơ-ngủ và tỉnh-thức với tôi là trùng chập lượng tử


sau độ 7 năm quen biết Muối, lần đầu nhìn thấy nó, và sau đó vài phút nghe giọng nó, tôi nghĩ: luôn ở pha, "giọng em, lúc nào cũng như mơ màng chuẩn bị vào giấc ngủ hay là vừa từ giấc mơ trở về" Và nó nhanh nhảu bảo, em chọn từ giấc mơ trở về nhé. Nhưng nó đâu biết chẳng ai có quyền chọn lựa gì cả, người ta được chọn, được chọn thì mới được chọn :))). Còn đêm qua, giọng của Muối là giọng tỉnh của người say :))), ngay cái tiếng đầu tiền nó nói "chị" là đã biết chân không chạm đất rồi


đêm qua khi nghe tôi nói em vừa kéo chị ra khỏi một giấc mơ chị vui thích vì vườn của chị, vườn hoa mười giờ chị đang xem chúng nở. Nó nói như được nhận sấm truyền rằng: Hoa mười giờ à, em nghĩ xem nào, hoa mười giờ có màu hồng, có màu cam [tại sao nó lại nghĩ đến mười giờ cam, một màu mười giờ ít gặp hơn các màu khác], màu trắng, màu đỏ, thế rồi xem nào, có một anh đi đến, anh í "bứt" mất màu đỏ rồi anh í đi, chậu mười giờ của chị không còn mười giờ đỏ


nghe nó nói vậy, tôi nghĩ cái thằng tai quái này, suốt ngày nói như đinh đóng cột như lên đồng. Tôi bảo nó, nói linh tinh vì nó tai quái vì nó như ếm lời nguyền, cái thằng tai quái này. Còn nó cả quyết: thật đó, chuyện nó như vậy mà, chuyện sẽ như vậy đó


sáng nay, nó tỉnh dậy và như sau đó tôi biết về lịch của nó, là nó chuẩn bị ngồi vào bàn nhậu giấc sáng [chắc cùng đồng nghiệp] nó gọi cho tôi: chị, sao em không nhớ gì chuyện đêm qua lúc em gọi cho chị, hôm qua em gọi chị nói những gì, sao em không nhớ gì hết cả :)))


Nói

Ngôn ngữ

một con đường

một lối dốc ngược

trơn tuột

như điều ta nói trong mơ

ta không nghe được

[NCH]