Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

19.2.16

Trần Ngẫn






Một ngày mùa xuân, sau khi đã chạy nhảy chơi bời chán vạn, Narcissus EMi ngồi trên gấu bông nghỉ ngơi chút đỉnh. Vô tình soi mình xuống mặt sàn sáng bóng mới được hút bụi, mặt sàn sạch sẽ như một tấm gương soi tỏ mọi vật xung quanh. Narcissus EMi cúi xuống nhìn thấy hình bóng mình với tất cả vẻ mĩ miều của bộ lông mềm, vàng ánh lên dưới bóng đèn tuýp. Nó kinh ngạc ngắm nhìn hình bóng ấy và lập tức phải lòng ngay bản thân. Nó đắm đuối quan sát, đưa chân ra khều khều và gọi chính bản thân mình. Rồi cúi mình xuống sát mặt sàn để hôn hít hình bóng. Nhưng môi mũi của Narcissus EMi chỉ cảm thấy được mặt sàn lạnh lẽo. Và rồi, quên đi tất cả, nó không rời đi nửa bước và cứ thế mà ngắm bóng hình mình không biết chán. Narcissus EMi không còn thiết ăn, thiết uống hay ngủ nghê gì nữa, ngồi ì ra ngắm nghía bóng mình dưới sàn nhà một cách tuyệt vọng. Narcissus EMi kiệt sức dần và cảm thấy cái chết đang đến gần, nhưng không sao rời bỏ được chiếc bóng dưới sàn của mình. Nó khóc. Than khóc. Nước mắt nhỏ lã chã xuống sàn nhà, phủ lên hình bóng nó từng giọt nước mắt tròn loang loáng vỡ tràn, hình bóng nó mờ dần dưới từng lớp nước phủ lên, nhập nhoạng vỡ xia xía dưới ánh đèn. Và biến mất không mang hình hài hình bóng cũ.
Trước khi kịp khô từng giọt nước mắt, trả lại Narcissus EMi hình bóng khi soi mình dưới sàn nhà, trước khi nó lại chìm vào cơn cuồng si mới, thì các quyển sách xung quanh ào ạt một cơn than khóc chồng chất vì nhờ vẻ tiều tụy của Narcissus EMi khi soi mình xuống sàn, chúng cũng tò mò soi bóng mình và nhận ra chúng đẹp biết bao, từng góc vuông gáy sách, độ uyển chuyển mềm của màu giấy cũ vàng hay cái ngay ngắn của thếp giấy mới... Chúng đồng loạt than khóc trước vẻ đẹp của mình khi không được Narcissus EMi đoái hoài. EMi không soi Narcissus dưới sàn nữa, ngước mắt lên meo meo ngoeo ngoeo ngoau ngoau và nhảy thịch xuống sàn, chạy qua lại ngó nghiêng các chồng sách. Nó nhảy lên chồng cao nhất, chồng sách than khóc ác liệt nhất để nhìn ra xung quanh các chồng sách khác, để lắng tai nghe tiếng than khóc của các quyển sách đang mê mệt hình bóng sách dưới nước.
Đúng lúc ấy, Trần Ngẫn lăm lăm chạy vào phòng trong hình hài Lốc phong ba bão táp, thét lên rằng: "EMi, thích oánh nhao phỏng, oánh nhao không, sao nhảy vỡ cái cốc uống nước"
Như giọt sương đọng trên phiến lá, như cánh mai trắng bay trên mặt đất tĩnh lặng, như lá vàng đậu nhẹ trên mặt nước. Tất cả tiếng than khóc tự luyến đều đồng loạt im bặt vì tiếng thét khiêu khích kia. EMi thì chạy biến đi trốn, làm sao có thể oánh nhau khi trong lòng vết thương tự luyến chưa kịp đóng kín miệng.
Trong thinh lặng đó, tiếng khóc mặt sàn thin thít được nghe thấy. Nó khóc rằng, qua đôi mắt Narcissus EMi, nó nhìn thấy vẻ đẹp của chính mình với những quyển sách chồng chồng lớp lớp, những góc vuông trần nhà, những đồ vật cu cũ, vẻ đẹp đôi mắt trong veo của con mèo soi xuống nó, giờ đây lại phản chiếu hiện lên trong đôi mắt bi ve của EMi, mà EMi chạy đi rồi, vẻ đẹp của nó soi trong đôi mắt kia phút chốc đã biến mất vĩnh viễn. Làm thế nào còn có thể thấy lại vẻ đẹp của chính lúc ấy nữa, đặc biệt khi vẻ đẹp ấy là cái đẹp của những tiếng khóc tự luyến.

Và nó cứ khóc hoài âm thầm mỗi đêm đêm, tiếng khóc tiếc nuối cái đẹp đã sụp đổ, đã tan biến. Trần Ngẫn nằm gác tay trên trán Lốc mất ngủ chứng kiến cái tiếng khóc cọt kẹt zấm zứt không thôi ấy và tự hỏi, phải chăng lại một đợt mối mới đang đục cái phòng này *hai chấm*

15.2.16

légume



Với tôi, Thạch Lam luôn là cái gì đấy như trong Nắng trong vườn, chứ không hề là cái gì đấy như trong Hà Nội băm sáu phố phường. Thạch Lam trong tôi vẫn là hình ảnh đoàn tàu, vẫn là cái không gian ở chốn quạnh quẽ nhập nhoạng tối, nó vừa hiu tàn vừa hy vọng mà cũng rất hoàng hôn.
Ngày bé chúng tôi được tặng thưởng học sinh khá giỏi là những quyển sách nhỏ, mỏng như Thương nhớ mười hai, Dế mèn phiêu lưu ký, Hà Nội băm sáu phố phường...nhưng hồi đó, tôi đã không thích Hà Nội băm sáu phố phường rồi. Đến 20 năm đã qua, lần này đi du lịch, tôi rất thích đọc khi ngồi trên các phương tiện di chuyển, nhưng balo chật, tính người lại sợ hỏng sách nên cuối cùng chỉ có quyển sách tí hon này là vừa túi zip nilon mang đi được, tôi đọc lại như đọc lần đầu, và vẫn không gì có thể thay thế Thạch Lam đoàn tàu hai đứa trẻ trong tôi, trong khi tôi có rất nhiều ngạc nhiên khi biết người ta nghĩ đến Thạch Lam là nghĩ tới Hà Nội băm sáu phố phường.
Hôm rồi ở Đà Lạt, menu quán ăn có món Laghim xào tỏi, tôi hỏi chủ quán Lá Him là rau gì thế ạ? Anh bảo, ở trên đây La Him là rau thập cẩm, mỗi thứ một chút: muống cải đậu bắp zọc mùng... thì đến bài Chợ mát ban đêm trong Hà Nội băm sáu phố phường mới bắt gặp "la ghim" là chỉ các loại rau củ quả nói chung (légume). Rồi cũng biết thêm rau Húng trồng ở đất Láng mới ra đúng mùi vị rau Húng, còn mang đi đất khác thì Húng sẽ đổi ra mùi Bạc Hà, thế nên giờ đây bọn trẻ chúng ta mới có dịp cãi nhau Húng này là Húng còn Húng đấy Húng xoăn là Bạc Hà :p
Cuối năm bảo chốt sổ bằng hai quyển về văn học Đức, rồi nhiều việc nên tặc lưỡi bảo, thôi, hai quyển í mở bát đầu năm. Qua giao thừa, sắp đồ đi chơi, lại tặc lưỡi, mình sẽ mang quyển văn học Đức mỏng mỏng đi, rồi nhồi nhét đồ xong, lại tặc lưỡi, hỏng sách đấy, thôi mang quyển nào khổ nhỏ đi thôi. Suýt tí nữa thì mang truyện bạn Pussy của Beatrix Potter đi, nhưng bản í của chị Thủy tặng, bản ở bển đẹp lung linh quá, sợ hỏng nên lại chọn Hà Nội băm sáu phố phường bản tí hon mang đi.
Đấy, mở bát đầu năm roài nhóe :p