Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

18.12.23

homo faber




tên tiểu thuyết gắn với khái niệm triết học và Max Frisch - nhà văn Thuỵ Sĩ viết tiếng Đức còn là một kiến trúc sư. Nhắc đến MF người ta thường nghĩ nhiều đến 2 nhân vật: Bertolt Brecht và Ingeborg Bachmann - một là mối liên hệ tinh thần và một là mối tình với những ảnh hưởng tinh thần lên nhau, không phải vợ [theo tôi tìm hiểu là thế]


Homo Faber, tiểu thuyết được viết theo hình thức kể chuyện với những câu ngắn không liền mạch chuyển cảnh liên tục, đan xen nhật ký thư từ; cách đan xen như người ta giở tờ qua từng tờ của tập kịch bản, không khỏi choáng váng vì chuyển cảnh sân khấu kịch, lia máy quay quá nhanh. MF viết như dựng tiểu sử đời tư chính mình, với tôi, nó giống như đưa cái vĩnh hằng vào trong khoảnh khắc, nhân vật và con người vật lý ấy hoá nhau trong cái nhìn đa chiều. Nhân vật chính Walter Faber được Max Frisch cá nhân hoá [MF thành WF và WF thành MF, M và W nhìn nháy nhau 🙂, và không chỉ cặp ấy], rất nhiều chi tiết cuộc đời MF xuất hiện [như một định mệnh viết trước]: 


như cuộc sống chu du dịch chuyển, con người của kỹ nghệ máy móc tua bin. MF từng vừa chu du vừa viết cho các báo, tạp chí về vùng đất ông đến, cuộc đời qua các giai đoạn cũng gắn với quốc gia khác nhau


như đời sống tình cảm, bị từ chối lời cầu hôn. Hannah trong Homo Faber là hiện thân của Kate ngoài đời, mối tình trong truyện đúng tới cả mốc thời gian gắn với Kate ngoài đời [1934-1939], chính Hannah "trả miếng" gọi Walter Faber là Homo Faber vì W đã gọi Hannah là người trên cung trăng, nữ thần thi ca, từ lúc trẻ mới yêu cho đến 21 năm sau Hannah vẫn nhìn W không khác; Hanna cũng là một type phụ nữ vô cùng đặc biệt - nhà khảo cổ học, kéo vĩ cầm (dẫu như bao phụ nữ, xử sự như một con gà mẹ ấp con nhưng những quyết định đưa ra cho thấy một phụ nữ Đức gốc Do Thái có số phần không hề đơn giản, không kể những cuộc đi trong tình thế lịch sử chung); trong Homo Faber, khi Hannah nói với W rằng mình có thai thì W đã không nói "đứa con của chúng ta" mà nói "đứa con của em" nên chuyện tình dừng tại đó [với Ingeborg Bachmann, tình cảnh cũng tương tự, Bachmann ban đầu từ chối lời cầu hôn và chuyện tình sau đó tiếp tục với sự đeo đuổi của MF, nhưng sau rốt, chuyện tình dừng lại, không tới đâu thì cũng thường như bao người (sao đàn ông và phụ nữ không thể tránh vấn đề này nhỉ, tại sao nó hiển nhiên như thế mà vẫn thành nan đề trong mqh yêu đương, thật nhục nhã vì con người cứ mãi không thể thoát khỏi những hóc búa xuẩn đến thế, như nó là sự kiện cơ bản của phận người, thật là bất tiện :))) )]


như là yêu những cô gái rất trẻ cỡ tuổi con mình. Homo Faber là tiểu thuyết dã man khi MF cho WF nhìn thấy hình ảnh Hannah tuổi trẻ trong Sabeth và gần như đi đến đám cưới (tất nhiên cũng đã ngủ) với Sabeth trước khi WF biết Sabeth là con gái mình 


như là bệnh tật và chuẩn bị cho cái chết. Ung thư dạ dày, tiểu sử cho thấy MF phát hiện bệnh rơi vào khoảng năm 198 mấy nhưng Homo Faber được viết 1955-1957, trong đó Walter chuẩn bị cho cái chết khi đang đợi lên bàn mổ ung thư dạ dày; trong Homo Faber, có một chi tiết nó rất đúng với người biết mình có bệnh, tức là, họ luôn cảm thấy cái chỗ đó, nơi có bệnh, vào những lúc họ khó ở; như W trong Homo Faber hay nói "tôi lại cảm thấy mình có dạ dày" "tôi luôn luôn cảm thấy mình có dạ dày" - cái hiện hữu tức là cái đau cái cấn cấn và nhờ đau nhờ cấn cấn mà nó hiện hữu mà người ta biết nó hiện hữu, điều này người khó ở rất hiểu điều MF viết. Khi tôi đọc đến đoạn W tỉnh dậy trên máy bay với giấc mơ tất cả răng trong miệng rụng hết và chúng lạo xạo như sỏi ướt "vừa mở mắt ra tôi hiểu ngay. Phía dưới chúng tôi là biển khơi" (máy bay đang trên không thì trục trặc 1 rồi 2 động cơ, về sau rơi xuống sa mạc) đọc 2 chi tiết này, về cái lại cảm thấy có dạ dày và về giấc mơ, tôi yêu MF hơn nữa, ngay lập tức tình cảm đi vọt lên hơn nữa [nó bắt đầu vọt từ lúc W cứ như cố trốn khỏi chuyến bay, tránh một điều gì đấy mình đã quyết định làm vào thời khắc không quyết làm nó nữa, dạ dày nó cứ bập bùng chộn rộn cả lên muốn vọt ra ngoài tất tật] vì đấy là sự thành thực


câu chuyện quá nhiều xoáy xảy ra liên tiếp đột ngột cắt ngang và các xoáy diễn ra theo lối 'trùng hợp làm sao', nó khiến người ta biết mười mươi đây là một tiểu thuyết hư cấu, nhưng cách viết cách kể thì quá nhiều thành thực và đúng là thực, sự thực và những cái tưởng không đúng sự thực hiểu theo nghĩa nào đấy nó cũng vẫn có phần sự thực chỉ là không hẳn là sự thực, sự thực và cái gần sự thực không ngừng tiến đến gần sự thực hơn nữa. Và càng đọc càng khiến người ta nghĩ thật may vì đã đọc, như được sống một cuộc đời khác để tường tận mình hơn ở một ý nghĩ nào đấy trong cuộc đời đang diễn tiến ở đây. Có thể đó chính là sống trọn một cuộc đời với ý thức luôn luôn mình sẽ tắt lụi.


[thôi đã mờ mắt rồi, nhắm mắt đây, không viết nữa, mai dậy có gì tiếp tục]


14.12.23

hai mươi năm




 đọc lại một quyển sách xuất bản cùng năm [và gần như cùng tháng] với năm mình ra đời, nó ở trong nhà gần 20 năm. Câu chuyện mua được nó thì quá đáng nhớ: mua ở dọc sách bán vỉa hè bệnh viện BM [không hề hay biết là chỉ khoảng 1 năm sau, đó sẽ trở thành nơi học tập đi lại đến nhẵn trong mấy năm], nghĩ rằng cất ví cốp xe cho thoải mái xem sách khỏi lo mất cắp hay mất ví [trước đấy từng mất cặp xách để giỏ xe đạp, cũng tại đây, cũng đang khi mải xem sách], cuối cùng trộm móc cốp lấy mất ví [sau đấy mới biết chỉ 3-5s là móc được đồ trong cốp xe máy], mất ví xong thì sách đã chọn đành phải nhờ người bán giữ hộ để quay về nhà xoay tiền đã và trong hoang mang bị trộm móc mất ví lại bị thêm một ông nghẹo ra dụ "làm sao. mất đồ à. muốn chuộc không. chuộc thì tháo cái dây đeo cổ ra rồi anh đi chuộc đồ cho", quá hoang mang phóng lơ vơ trên đường lại gặp mấy thằng Thanh Hoá [hồi đấy người ta gọi thế, chứ không hoa mỹ hoa thanh quế như giờ, và từ đó để chỉ chung những người cửu vạn Thanh Hoá hay thợ xây] nó giơ tay định bóp ngực [thế nên giận cá chém thớt mới đuổi theo bằng được, áp sát xe, đạp luôn đổ xe chở 2 thằng đàn ông, rút dép ra nện, mượn cả mũ cối xe ôm gần đấy nện :)))] về đến nhà trong lơ lửng đủ mọi sợ hãi đổ như thác mùa lũ trong đầu, mặt như ngẫn đỗ cửa bảo bố mẹ "con bị trộm móc mất ví" [vì sẽ phải làm lại giấy tờ cmt các thứ nên kiểu gì cũng phải nói, mà tôi luôn chọn nói thật nói luôn nói ngay, cho nó dễ cho mình], mẹ chu chéo cả phố nghe thấy "ối giời ơi bà ngỗng nhà tôi, đi đâu mà lại mất ví, mất ở đâu, nhiều tiền không, mất từ lúc nào, bố mày chở nó đi tìm ví..." etc. Đã gần 20 năm :)


nay đến trang này, là đã rất cố gắng vì không biết mắt mình mờ hơn 20 năm trước hay chữ đã phai theo thời gian hay là cả hai... chỉ biết vì đọc chậm do mờ nên thấy hơi nhiều lỗi, thấy tờ đính chính cũng hơi mừng... mà tờ đính chính ấy kẹp nhầm, nó đính chính cho lỗi ở một quyển khác :)

9.12.23

thôi đã hết thật rồi




Kẻ tẩy não nối tiếp ngay sau Công chúa băng trong series lấy bối cảnh ở thị trấn Fjallbacka [quê hương tác giả Camilla Lackberg] cùng những nhân vật điều tra phá án cũ


đọc trinh thám Bắc Âu vẫn là yêu thích của tôi, nhưng chắc không dành cho tác giả nữ được quá 2 quyển vì Kẻ tẩy não kém xa so với Công chúa băng. Câu chuyện dây cà dây muống y chang phụ nữ ngồi hàng gội đầu buôn chuyện, kết thúc có twist nhưng cũng không nằm ngoài dự đoán ngay từ đầu, mọi thứ viết nông quá không cứu vãn được yếu tố "không gây bất ngờ" và lan man giống truyện tâm lý tình cảm của nữ giới viết


tình cờ dọn chỗ truyện trinh thám thấy tòi ra quyển trinh thám Bắc Âu chưa đọc [Kẻ tẩy não không phải tôi mua, của Xô mang qua thì phải] nên háo hức lắm, thế là đọc cho dễ ngủ và, thế nào mà cũng khoảng thời gian này 8 năm trước đọc Công chúa băng :); nhưng rồi thất vọng và tạm biệt tác giả luôn :)


đây là Công chúa băng đọc 2015

https://www.facebook.com/share/cJcEtzQ8YoLPEhLp/?mibextid=WC7FNe


4.12.23

mùa hè Annie




sau Maupassant thì tiến theo lối, đến một nhà văn nữ hiện đại, cũng Normandie: Annie Ernaux. Lần đọc này, đọc lại Một chỗ trong đời và Hồi ức thiếu nữ, đọc mới 3 quyển mà đợt rồi NN xuất bản liền: Một người phụ nữ, Cơn cuồng si, Nỗi nhục


theo thứ tự như ảnh từ trên xuống từ trái sang phải - là đọc theo tuyến tính thời gian tác giả viết, sẽ nắm bắt được các sự kiện xuất hiện; vì mỗi giai đoạn, sự kiện cốt tử đều được Ernaux chọn viết trong một tác phẩm [như chuyện phá thai (tiếc là chưa được dịch, sự kiện này được nhắc lại ở Cơn cuồng si), bố mất, mẹ mất, mối quan hệ với một người đàn ông có vợ, chia tay chồng (chưa được dịch), mùa hè 1958 mất trinh, tháng Sáu 1952 nhận ra cái nhìn của mình về cha mẹ cũng đã đổi khác...]; mỗi khoảnh khắc của sự kiện sẽ được bà "làm việc" trong một cuốn sách riêng biệt "cái cảnh đã đông cứng lại từ nhiều năm ấy, tôi muốn khiến nó nhúc nhích nhằm lột khỏi nó tính thiêng của linh ảnh bên trong tôi (được làm chứng, chẳng hạn, bằng cái niềm tin rằng nó đã khiến tôi viết, rằng chính nó nằm ở nền sâu những cuốn sách của tôi)" [làm tôi nghĩ đến Romain Gary, trút vấn đề người da màu vào một quyển riêng...], tức là "sẽ không bao giờ có câu chuyện khả dĩ nào khác, với những từ khác, theo một trật tự câu khác"


điều này rõ nhất Một chỗ trong đời viết về người bố, là quyển có giọng văn trung tính bình thản, thậm chí nhạt nhẽo; trong khi ở Một người phụ nữ, viết về người mẹ, giọng văn vọt trào cảm xúc hơn dẫu được tiết chế - người đã thúc đẩy thẩm mỹ cho Annie [như việc đọc Mauriac, Colette...], "người đã hội tụ người phụ nữ vốn dĩ là tôi lúc này với đứa trẻ tôi từng là", cái chết của người mẹ khiến "tôi đánh mất sợi dây nối cuối cùng với thế giới xuất thân của mình"; cũng kể từ tác phầm này, phần lớn các địa danh được viết hẳn ra, thay vì viết tắt như ở Một chỗ trong đời; nhiều đoạn làm tôi nghĩ đến một nữ nhà văn Ý: Oriana Fallaci với Thư gửi đứa trẻ chưa từng sinh ra [thậm chí, tôi vừa đọc vừa nghĩ, nếu một người bạn của tôi còn sống, nhất định người đó sẽ thích đọc Annie Ernaux] 


dự định của Annie Ernaux có bản tính văn chương "tôi bắt đầu biến mình thành một kẻ văn chương, một người trải nghiệm mọi thứ như thể chúng phải được viết lại một ngày nào đó" [chính Hồi ức thiếu nữ là câu chuyện một hành trình gian nan đi đến bến bờ viết lách], bởi đi tìm một sự thật bằng cách hoà tan vào dòng chảy đã qua của cuộc đời bà: cái chết của bố, của mẹ, cuộc chia tay với chồng... để có khoảng cách phân tích các kỉ niệm dễ dàng hơn, để có một trật tự, trật tự lý tưởng duy nhất. Ernaux viết: khi viết chẳng có điều gì khác ngoài việc tìm ra trật tự ấy là đáng kể với bà, chúng có khả năng mang lại một sự thật liên quan đến các sự kiện; điều chỉ có thể đạt được thông qua từ ngữ - điều mà các bức ảnh, kỉ niệm hay thông qua lời kể của mọi người đều không thể mang lại cho bà sự thật "tôi mong muốn ở lại được, theo một cách thức nào đó, phía bên dưới văn chương" 


dự tính văn chương ấy mang hình hài những vọt trào cảm xúc nhưng lại được tiết chế với lối viết theo như chính bà nói trong Một chỗ trong đời "lối viết nhạt nhẽo đến với tôi một cách tự nhiên" lối viết mà trước đây bà dùng để biên thư cho bố mẹ kể những tin tức chính. Viết chậm, tác phẩm hình thành trên từng mạch suy tư sắp xếp trật tự sự kiện và cảm xúc. Và trên hành trình đó, một tác phẩm vô hình tên Viết đồng thời hình thành; nếu để ý sẽ có một tập hợp không nhỏ những câu được viết về chính việc viết tác phẩm đang viết; trong đó những từ và những câu được dùng chính xác để trỏ những sự kiện, hình ảnh, tính cách cá nhân được đặt trong lịch sử điều kiện xã hội, bà từ chối dưới mọi hình thức tung hứng dù là nỗi hoài cổ, sự thống thiết hay châm biếm "người ta không bao giờ dùng một từ này để chỉ một từ khác." Cách viết này, Ernaux nhận định "dường như đi đúng hướng của sự thật, giúp tôi ra khỏi sự cô đơn cùng sự tối tăm của kỉ niệm cá nhân, khám phá được một ý nghĩa chung hơn"; sự tiết chế chính là những kháng cự lại các vọt trào cảm xúc khi Ernaux muốn làm người lưu trữ lưu giữ thuần tuý những hình ảnh, tình cảm... mà không cấp nghĩa cho chúng "Tôi càng viết thì sự mộc mạc trước đây của câu chuyện đã hình thành trong ký ức tôi càng dần biến mất. Hồi tưởng nghĩa là tôi chấp nhận một dòng tuôn trào những diễn giải tích luỹ qua nhiều năm. Không đánh bóng điều gì. Tôi không xây dựng một nhân vật hư cấu. Tôi phá huỷ cô gái tôi đã từng là./ Có một nghi ngờ: có phải là tôi không muốn, một cách mơ hồ, trải bày khoảng đời của tôi để thử nghiệm những giới hạn viết lách, đẩy đến tận cùng sự đánh vật với thực tại [...] Có thể cũng để mạo hiểm gương mặt nhà văn mà người ta gán cho tôi, để tàn phá gương mặt ấy, cố tố cáo một sự lừa dối [...]


Cơn cuồng si của Ernaux làm tôi nghĩ đến nhiều một nữ nhà văn Pháp khác, Marguerite Duras - một câu chuyện vẫn luôn ở đấy, tiếng nói vọng âm luôn ở đấy nhưng phải khi đã thành bà lão thì mới được viết ra; phong cách viết chịu ảnh hưởng của Duras nhưng giọng văn trung tính hơn, một câu tôi thích: "sống trọn cơn cuồng si dành cho một người đàn ông hoặc một người đàn bà chính là xa xỉ"; có thể nói chính Cơn cuồng si là một điển hình khi nhìn Ernaux là một trình hiện viết của Duras. Nhưng nếu tiến thêm 2 quyển sau văn nghiệp của Ernaux, chỉ cần Nỗi nhục và Hồi ức thiếu nữ thì sẽ thấy hiển lộ nhiều hơn, không phải Duras, đó là nhiều Sagan, Colette, Beauvoir [Ernaux phân vân một tương lai sinh viên văn chương hoặc là sinh viên triết học, do dự vì Beauvoir], một ít Woolf về phía nữ, về phía nam [có thể nói thế không] đó là Proust, Prévert và một ít Mauriac, Baudelaire [Ác Hoa]


tất nhiên, khi đã chọn viết về các ký ức của mình, tạo khoảng rộng đủ sâu đủ độ lùi về không gian thời gian [thậm chí, như nhìn ký ức của ai khác] người ta phải chịu cảnh phân liệt để bẻ đi giới tuyến thời gian, hoàn cảnh lịch sử chung gộp cái người ở sự kiện "hồi đó" và cái người đang ngồi viết đây - vị thế sóng đôi không ngừng quay lại như một chứng cứ chứng minh cho sự tồn tại của hai thế giới - điều không thể phản bác, tiến mỗi lúc một gần ranh giới phân tách mình ở đây và mình ở thời điểm nào đó khác, thậm chí đôi khi tưởng rằng mình đã vượt đứt nó rồi; người ta cảm thấy và đồng thời, người ta xác nhận sự phân đoạn cùng sử tính của mình. Người viết về cuộc đời mình không giống như kẻ phô bày, dẫu viết, theo nghĩa nào đó, là một điều công cộng, bởi sự bày ra và được nhìn thấy không đến cùng lúc; và một lẽ không thể chối bỏ, thể loại hồi ký, tự truyện là một tấm gương soi các mối quan hệ gia đình - những mối quan hệ trộn lộn chộn rộn không thể chối từ và khó mà thoải mái chấp nhận sự đeo đẳng của nó [nhưng không khổ thì sao trả cho hết được]. Ernaux viết Nỗi nhục như một điều khăng khăng, một Chủ nhật tháng Sáu năm 1952 đánh dấu thời khắc bà nhận thức về những khác biệt xuất thân của bà với thế giới mà bà muốn tiến tới, ý thức được ánh mắt người khác đối với xuất thân của mình và khi chính cái nhìn của mình về cha mẹ mình cũng đã thay đổi, nỗi nhục về cha mẹ mình, về nghề nghiệp và môi trường sống của họ; nỗi nhục là sự lặp lại và tích tụ "nỗi nhục đã trở thành một cách sống với tôi. Rốt cuộc, thậm chí tôi còn chẳng tri nhận được nó nữa, nó nằm ngay bên trong cơ thể/ Tôi từng luôn muốn viết những cuốn sách mà sau đó tôi không thể nào nhắc tới chúng, những cuốn sách làm cho ánh mắt người khác trở nên không sao chịu nổi. Nhưng nỗi nhục nào có thể mang đến cho tôi đây, từ việc viết một cuốn sách ngang tầm được với những gì tôi từng cảm thấy hồi mười hai tuổi." Kỷ niệm cũng là một kinh nghiệm, một từng là và một hiện tại làm thành căn cước một người bởi nó chưa từng rời đi khỏi; ta hiện diện thế nào trong cuộc đời người khác, trong ký ức họ, trong cách họ hiện hữu và thậm chí trong hành vi của họ. Sự chênh lệch giữa ảnh hưởng của họ lên cuộc đời ta và sự vô hình của ta trong cuộc đời họ... chẳng đáng ganh tị chút nào khi, ta chính là người viết


viết là đưa ra từ ngữ, viết là hình thức đầu tiên của nhớ, viết là vẽ trong hình dung một ký ức, mường tượng một phỏng đoán một cảm giác gắn kết các hình ảnh...; rồi, viết là nối, nối sự hiện diện ảo tưởng và sự vắng mặt thực sự vào nhau; rồi, viết trở thành hình thức đầu tiên của sự quên, "viết là phương sách cuối cùng khi người ta đã phản bội" [J.G]; viết là một cách cho đi trút ra nhận chìm - nó nối vào thế giới nhiều hơn, dẫu người được [bị] nối vào ở thế bất đắc dĩ, không hay biết; viết là một dạng báo đáp


ps. có một chi tiết về người chị của Annie, được sinh ngay sau ngày cưới của bố mẹ bà chẳng bao lâu, mất vì bạch hầu khi mới 7 tuổi, năm 1938, ở Một chỗ trong đời [nếu theo mốc thời gian thì có lẽ phải hơn 8 tuổi]; còn ở Hồi ức thiếu nữ, chi tiết này là 6 tuổi. Văn bản này để tên: lặp lại và tích tụ nhưng không ưng ý nên mấy ngày rồi cứ ở trong điện thoại, tên hiện nay cũng không thích nhưng dù sao cũng phải khép lại chứ, nên thôi, mùa đông Hà Nội viết mùa hè Annie