Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

19.12.17



Hờ hờ hờ, hồi còn bé thì mình lại cứ loi choi đọc truyện người nhớn, đến khi nhơn nhớn thì mình lại thích đọc truyện nít ranh, rồi chả hiểu ra làm sao mà 8-10 năm gần đây mình có thói quen để tâm những gì liên quan đến trẻ em  [không chỉ mảng văn học]; rất nhiều khi mình tìm cách lý giải, tìm câu trả lời cho câu hỏi vì sao tại sao mình lại như thế nhưng vì thấy lãng phí thời gian phi lý nên mình quăng cbn cái mớ si nghĩ ấy đi, mình quan tâm là mình quan tâm thôi, si nghĩ nàm rì nhỉ )
Mấy tháng nay đọc miết đọc miết toàn truyện thiếu nhi chữ to, picture book, thơ song ngữ trẻ em vân vân vân vân. Nếu có truyện chữ trong nhà thì đọc song song luôn, chỉ để quan sát người ta làm sách cho thiếu nhi thế nào và quan trọng là từ những câu chuyện tưởng như quen thuộc ấy, thì giờ đây bản thân mình sẽ chọn điểm nhìn nào, rất buồn cười là gìơ hay chọn điểm xuất phát từ những chi tiết vừa mảnh vừa như không liên quan đến câu chuyện, những ồn náo và vui hoạt trước đây thì không còn để tâm khi đọc nữa )
Trong ảnh, sách của dì 550 trang, mua cách đây 6-7 năm hút ẩm khí hậu đất Bắc ố vàng lốm đốm, sách của Sói [mấy ngày nữa sẽ tặng ảnh sinh nhựt tròn 5 tuổi] 50 trang, chữ to tranh minh họa đẹp.
Đọc miết đọc miết mấy chục quyển mới chọn được 2 quyển nghĩ là Sói sẽ thích. Cháu tôi 9 tháng nữa vào lớp 1 ồi.
Hành trình đọc lại lần này có cả Thần thoại Hy Lạp [ông J ổng hỏi nhiều], Nghìn lẻ một đêm... rất nhiều thâm cảm  [Andersen không kể vì 3 năm gần đây hầu như lúc nào mình cũng đọc Andersen]

vẽ mặt sầu nhân, nét bút điên



Tập Mê hồn ca của Đinh Hùng, anh NL tặng mình cuối 2014 [anh bảo tặng Kasha cho nó đúng hoàn cảnh u tối của mình lúc ấy và tặng Màn nhưng vì nhà hết Màn nên anh bù bằng Phố những cửa hiệu u tối, Tiếng cười trong bóng tối và Mê hồn ca]. Thơ mình biết rì đâu, bẵng đi bao lâu, dạo vừa rồi xếp xếp dọn dọn mới biết thế quái nào mà nhà mình có đến tận gần 30 quyển thơ. Rách việc quá, rách việc không chịu được ))
Hai ngày nay nắng đông buốt gía, không đọc thơ thì làm gì 
"Ôi, vũ trụ muôn đời thoi thóp sống,
Ta gục quỳ bên những bản cầm ca."
[Mê hồn ca, II, Đinh Hùng]

28.11.17

Trôi giữa không trung


Pyun Hye-Young viết Tro tàn sắc đỏ có cốt truyện đơn giản thôi: Nhân vật chính “anh”-một nhân viên công ty hóa phẩm được cử sang đất nước C công tác – nơi dịch bệnh đang hoành hành bởi kỹ năng đặc biệt: giỏi bắt chuột. Anh như bao người, trôi dạt ở nước C như bất cứ đô thị văn minh biến đổi chóng mặt đang ngập trong rác thải và bộ máy vận hành quan liêu nào (tất nhiên cả phi lý nữa). Tại đây anh lần lượt trải qua những sự kiện không thể giải thích, trở thành nghi can giết vợ cũ ở quê nhà, mất dần từng sợi dây gắn với thế giới trước đây, đánh mất nhân dạng… một cách hết sức phi lý. Và anh quay về với cuộc sống bằng việc duy nhất mà anh giỏi: bắt chuột. Ký ức và hiện tại đan xen trong chuỗi ngày tháng bằng mọi cố gắng nhưng vẫn mất dần kết nối với con người trước đây, anh trở thành kẻ ngồi một góc gặm khoai tây sống nhìn con chuột trước mặt như nhìn một sinh vật đồng loại. Việc duy nhất anh có thể làm và là mục đích sống đó là cố sống sốt cho đến khi thế giới thực tại này trở thành quá khứ. Anh là con người tiêu biểu không thể chết bởi dịch bệnh, như một cá thể có khả năng sống sót bởi khả năng miễn dịch tự nhiên – đại diện cho “con người” giống như loài chuột: không thể thanh tảo, càng bị diệt chủng thì chủng loài càng mạnh lên, chuột và người, người và chuột. I’m waking up to ash and dust 
Pyun Hye-Young có tư duy văn học tốt như những tác giả Hàn Quốc gần đây được dịch ở VN, ý tưởng tác phẩm khai thác sáng tạo, dù chớm đọc có thể nhận ra ngay Kafka với hóa thân, với tính chất phi lý của cuộc đời [đọc xong Tro tàn sắc đỏ thấy sống là việc vinh quang vãi vì đời phi lý bất hạnh vãi ra thế mà vẫn sống được thì quả là đắc thắng vinh quang trết đi được]. Đọc Tro tàn sắc đỏ những đoạn khắc họa chân dung nhân vật hay các đoạn chú trọng vào một tình tiết thì có cảm giác rất dễ nhầm với văn học Nhật. Cái cảm giác chi tiết được kéo lại gần căng nét, khách quan và tĩnh lặng như không, rất Haruki Murakami. Nhưng tại sao chỉ có 260 trang mà lại gây cảm giác ề à như thế. Tôi không nói tính nhịp điệu ở đây, nhịp đều đều là thế mạnh của Tro tàn sắc đỏ chứ không phải yếu điểm bởi chính giọng văn đều đều đã tạo hiệu ứng hơn nữa về một nhân vật phai màu dần, mất kết nối với thực tại, xuội tay trước mọi thứ; đều đều còn cho thấy tính chất khốc liệt của những thành phố ngập trong rác, thế giới của cống ngầm, thế giới là cuộc chiến vô ích đại thảm bại của loài người với chuột (sao người ta không thể ngừng tranh đấu nhỉ, chuột và người hay người và chuột cũng là những hệ tọa độ để nhìn nhận nhau rõ hơn mà thôi) và đặc biệt quá trình mỗi cá nhân leo lét nhạt màu dần, trở nên giống những phai nhạt ngoài kia tức là được trở thành bình thường, bình thường tức là không cần phải nghĩ về bản thân mình nữa. Tro tàn sắc đỏ yếu ở chính văn chương của Pyun Hye-Young. Câu văn quẩn, lặp ý, kém logic không chỉ trong cùng một đoạn văn và tình trạng này không chỉ trong một chương mà tần suất đều, xuyên suốt tác phẩm
Điều tôi thích nhất trong Tro tàn sắc đỏ là những đoạn nhân vật anh độc thoại nghĩ về cuộc sống hôn nhân của mình với vợ cũ, đoạn chiến đấu với khỉ trong chuyến du lịch và đoạn cuồng khấu giết cô chủ nhà khi đi bắt chuột. Nhân vật anh với tôi khá thu hút, nhất là trong giai đoạn anh ta biến thành kẻ lang thang rách rưới quên mất mình là ai, tại sao mình lại thành thế này, ăn đồ ôi thiu lộn mửa… bỗng nhiên tôi nghĩ đến mình, tôi có thể từ bỏ tất cả để được sống như thế không, không có bất cứ gì hay ai níu giữ và không hy vọng gì, chỉ đơn giản là trôi dạt giữa hư không. Một ý nghĩ thôi 
Ps: liệu pháp tế bào gốc chính là y học tái tạo đã và sẽ thay đổi lịch sử y học nhân loại, có thể là một bước tiến dài của lịch sử loài người và tất nhiên nó cũng đi kèm những ý tưởng điên rồ nhất. Tế bào của chuột (tế bào trực sinh à?) đóng góp rất nhiều nhé, mà cũng không thể thắng được bọn chúng đâu, cuộc chiến tiêu diệt loài này là một ý tưởng bất khả có thể xem là tâm thần í. Chuột và người sẽ là bạn đồng hành, người còn thì chuột cũng còn, người biến mất khỏi vũ trụ thì chuột vẫn còn nhé ), cái loài gì mà dùng cả đời để giao phối và sinh sản, ngày giao phối hăm ba chục bận, cứ 20-21 ngày là sinh một lứa 8-12 con, thậm chí chuột cái không giao phối nữa cũng vẫn đẻ ra con cháu chút chít như thường, đã thế lại còn chui đâu cũng lọt, địa hình điều kiện nào cũng sống, cái rì cũng ăn ), cái loài đúng là sinh cùng trời đất (cbn)
Có cái gì về cuộc sống dưới cống ngầm không các cụ? Tiểu thuyết í (ngoài Lời hứa của bóng đêm và quyển sách được đề cập trong đấy, và Tro tàn sắc đỏ nhé) 

21.11.17

Vị Thánh bảo hộ trẻ em



Nhắc đến Lyman Frank Baum thì thường người ta nhớ đến xứ Oz, Phù thủy xứ Oz, muốn đến xứ Oz thì đi theo đường gạch vàng :p [hôm trước đọc Lời hứa của bóng đêm (Maxime Chattam) một nhân vật muốn đến ‘xứ Oz thế giới chuột chũi’ đã nói ‘muốn đến xứ Oz thì đi theo đường gạch vàng], còn tôi thì cứ nghĩ đến xứ Oz, tôi sẽ ê a ê a hát Goodbye Yellow Brick Road theo kiểu vừa phơi phới vừa quá vãng buồn [gần như là chắc chắn tôi đã nghe đến 80% các bản thu của ca khúc này, 20% còn lại tôi không có may mắn vì chúng là những bản thu ê ê a a như kiểu của tôi :))]
Mấy nay rét rét đường phố có không khí lễ hội [ngày nhà giáo phái hơm :p], tôi hòa chung không khí ấy đi đọc Cuộc đời và những cuộc phiêu lưu của Santa Claus để có chuyện hay kể lại cho trẻ con khi chúng thắc mắc :)) [trỏe kon bắt đầu rục rịch lễ Chít Mớt ồi], không thì bè lũ tiểu iêu sẽ cười tôi trết mất vì dì xú, cô xú chạ biết rì cạ. Đọc quyển truyện mỏng của L. Frank Baum, tôi sẽ tự tin lý giải cho bè lũ nít ranh những câu như là ông già Noel có thật không? Ông từ đâu đến? Tại sao ông dùng tuần lộc kéo xe? Tại sao ông đi khắp thế giới? Sao ông đi qua ống khói? Sao xe tuần lộc của ông già Noel phải trở về trước ánh rạng bình minh? Những chiếc bít tất đầu tiên được treo trên lò sưởi như thế nào? Sao lại treo bít tất, sao ông cho quà vào bít tất? Cây thông Noel đầu tiên xuất hiện ra sao? Sao ông có thể nhận được tất cả thư của trẻ em trên thế giới? Bố mẹ và những người lớn đáng yêu có trở thành người đại diện của ông già Noel không?… và thậm chí, ông già Noel già như vậy liệu ông sẽ sống mãi? Ông là người như chúng ta nhưng ông bất tử ạ?... vân vân và vân vân, tất tật trẻ con trên thế giới sẽ có lời giải đáp cho mọi thắc mắc về ông già Noel một cách “có lý đích thị là có lý”, cổ tích và nhuần nhị qua quyển truyện mỏng dễ thương của Lyman Frank Baum
Gìa rồi, đọc Cuộc đời và những cuộc phiêu lưu của Santa Claus mở ra ngay thế giới của thần tiên bất tử thì ít, con người hữu tử thì nhiều: thần tiên sống trong một thế giới hạnh phúc vì họ từ bỏ được những rắc rối và âu lo, có nhiều quyền năng nhưng học được cách không làm gì, không can thiệp vào quy luật của tự nhiên; còn con người hữu tử thì được sinh ra để đối mặt với những đau khổ như số mệnh chung của loài người, cuộc đời ngắn ngủi đầy lo lắng và lao động để có thứ mình cần rồi tàn lụi theo năm tháng và rơi rụng như những chiếc lá mùa thu; Và ở trung gian của thế giới giữa thần tiên và con người là bộ tộc Awgwa, ở trần gian bị khinh rẻ còn thiên đường thì không có chỗ – bộ tộc thích khơi dậy những cơn tức giận trong trái tim trẻ nhỏ - bộ tộc làm trẻ em hư
Nhiều trẻ em khi hư hoặc không nghe lời thường được nghe người lớn nói rằng: Santa Claus không thích trẻ em hư, phải cầu xin Người tha thứ, nếu không hối lỗi thì Người sẽ không cho đồ chơi đẹp nữa… Nhưng Santa Claus của L. Frank Baum dựng nên lại không đồng tình [không thể đồng tình với người lớn ngốc xít được] với lối nói ấy vì ông yêu trẻ em, vì ông nguyện hiến dâng cả đời mình để làm cho mọi đứa trẻ được hạnh phúc.
Tôi cũng không chấp nhận suy nghĩ ấy, bởi lẽ với tôi trẻ em là ân điển, tất cả các em đều được làm ra từ cùng một thứ đất sét; trẻ em tức là các em còn bé, mỏng mảnh và cần sự giúp đỡ; trẻ em tức là những em ngoan nhất thì đôi lúc cũng hư và những em hư thì vẫn nhiều lúc ngoan :) … đó là bản chất của trẻ em trên toàn thế giới và các vị thần sẽ không thay đổi bản chất ấy cho dù quyền năng của họ đủ sức để làm điều đó.[đã bảo rồi, không làm gì đó còn khó hơn làm gì đó rất rất nhiều]. Trên đời này không có gì đẹp đẽ, hạnh phúc như một đứa trẻ vui sướng. Tất cả trẻ em đều đẹp xinh bởi tất cả các em đều vui sướng, chẳng phải vậy sao;)
Vĩ thanh cho những người từng là trỏe kon:
“Tất cả đều lụi tàn, trừ chính thế giới này và những người trông coi nó […] Nhưng trong khi còn, thì tất cả mọi thứ trên trái đất này đều có giá trị của nó. Những kẻ khôn ngoan tìm cách để trở nên có ích đối với thế giới, bởi vì chắc chắn những gì có ích rồi sẽ được sống lại”.
Sống lại đồng nghĩa với việc, được làm trẻ con lần nữa. Thật nuốn :v

19.11.17

Không thể đảo chiều



Kẻ sát nhân là quyển thứ tư của Kim Young Ha xuất bản ở VN. Và may mắn quá, tôi vẫn yêu thích tư duy văn học của tác giả, như đã từng với tiểu thuyết Tôi có quyền hủy hoại bản thân và tập truyện Điều gì xảy ra ai biết [Chơi Quiz show chắc phải mua quá, 6 năm rồi vẫn chưa chịu mua )]
Kẻ sát nhân có dung lượng nhỏ, cốt truyện gọn nhưng không hề đơn giản. Gọn ở đây tức là có ít nhân vật, chuyện về một kẻ sát nhân hàng loạt “đi săn” vào đúng thời điểm Hàn Quốc có biến động lịch sử nên những cái chết của nạn nhân rơi vào quên lãng, không được chú ý, kẻ sát nhân coi việc giết người không phải là xung động, thôi thúc hay nỗi khát khao, chỉ là mỗi khi muốn giết người thì đều hy vọng “hoàn hảo hơn là điều hoàn toàn có thể” và tâm niệm rằng “lần sau mình sẽ có thể làm tốt hơn”; sau phẫu thuật não kẻ sát nhân dừng việc “đi săn” của mình trong 25-26 năm và vẫn tiếp tục công việc là một bác sĩ thú y sống yên ả ngày ngày đọc kinh, triết học, làm thơ, nghe nhạc và đối mặt với chứng bệnh Alzheimer. Bệnh Alzheimer cắt đứt kẻ sát nhân với quá khứ, điều này đồng nghĩa tương lai luôn đảo chiều, quá khứ và tương lai mất đi thì hiện tại có ý nghĩa gì. Chính sự cắt đứt với thời gian của kẻ sát nhân mắc Alzheimer làm cho câu chuyện dù rất gọn nhưng không hề đơn giản khi trong vùng liên tiếp xảy ra những vụ giết người cho thấy sự xuất hiện của một tên cuồng sát mới. Kẻ từng là sát nhân sẽ thế nào khi ở vai trò khác, ngửi thấy mùi của một tên cuồng sát mới đang ở lãnh thổ của mình.
Câu chuyện 150 trang đã gợi hứng cho tôi đọc đi đọc lại 3 lần trong 3 ngày gần đây chỉ để thực hiện trò chơi phát triển câu chuyện theo các hướng khác nhau dựa vào những tình tiết để mở của tác giả [Bộ phim xây dựng dựa trên tiểu thuyết của Kim Young Ha cũng được khai thác theo hướng các tình tiết để mở, một phiên bản điện ảnh logic cao và rất Hàn Quốc]. Các tình tiết để mở chủ yếu phát sinh bởi nhân vật chính mắc chứng Alzheimer lúc nhớ lúc quên, hiện tại – quá khứ chen nhau trong một bộ não, phân tầng não bộ có ý thức và vô thức xen kẽ lẫn lộn… tạo ra rất nhiều phiên bản, rất nhiều sự thật có thể có cho cùng câu chuyện này. [Lại một lần nữa, Italo Calvino của tôi được vinh danh: người đọc kết liễu nhân vật của tác giả và tạo ra một thế giới khả thể cho câu chuyện]
Tất nhiên, sự thật luôn chỉ có một . Giết người là một hành động không thể đảo chiều nhất là khi cái ác được sinh ra từ chính cái ác hay vết rạn của cái ác. Anh sống trong sự hỗn loạn thì sự hỗn loạn cũng nhìn lại anh, linh hồn bao giờ cũng chết trước cơ thể và anh sẽ gặp lại chính mình trong suốt thời gian anh còn phải sống, chính anh chứ không phải ai khác. Càng tiến lại gần cái ác thì càng không thể hiểu nổi nó, vì nó không thể hiểu được nên nó mới là cái ác, nó ăn sâu vào từng tế bào cho đến khi nó là chính anh, anh chính là nó. Đã nói rồi, đi qua sông Styx luôn có một cái giá nào đấy phải trả. Làm gì có chuyện có thể nằm thẳng chân mà ngủ trong một thế giới như thế, đúng không . Đối phó với thực thể con người luôn là việc làm vất vả nhất, với chính mình thì mệt mỏi hộc máu í chứ 
Thôi, đi mua sách hí hí hí. Tí về biên tập.
Nói về kẻ sát nhân thoát tội sau nhiều năm và mắc bệnh tuổi già thì liên tưởng ngay đến Hồi ức kẻ sát nhân của Amelie Nothomb; còn con của nạn nhân được kẻ giết người tha mạng, nuôi dưỡng thì mới nhớ ra Không lấm máu của Alessandro Baricco (Mình có nhớ nhầm không nhỉ?). Các cụ nhớ đến những gì trong văn học (không chơi kiếm hiệp nha)?



15.11.17

Nỗi sợ sống



Monica Bellucci thế nào? Rất đẹp, biểu tượng sex (một thời) của Ý. Cảnh cưỡng hiếp trở thành kinh điển trong Irréversible, Monica Bellucci vào vai Alex bị một tay ma cô khống chế trong đường hầm, cưỡng hiếp và đánh đập, cảnh quay liền và bạo lực tạo cảm giác đây là sự thật kinh hoàng, ta đang chứng kiến một tội ác (dù như chia sẻ thì cảnh này được quay đúp, sau đó đã can thiệp kỹ xảo để thành liền mạch). Người xem cảm thấy quá sức chịu đựng. Nhưng tôi biết rất nhiều nam giới không chỉ xem nhiều lần và còn hứng thú với nó, bởi “đó là Monica Bellucci mà”. Tôi hỏi nếu thay Monica Bellucci bằng một diễn viên khác kém hấp dẫn hơn thì sao, vẫn thành thước phim liền kéo dài, vẫn chân thực như vậy thì thế nào? “Không hẳn là do Monica Bellucci, chỉ là biết đây là tội ác, là hành động kinh tởm nhưng không hiểu sao vẫn bị ám ảnh về mặt tình dục, và ghê tởm mình vì bị kích thích bởi cảnh phim ấy”
Cảm giác về sự bất tuân cơ thể và trí óc sẽ được diễn giải trong đoạn mở đầu của tiểu thuyết Lời hứa của bóng đêm. Brady là một phóng viên tự do đang bí đề tài, một người bạn gợi ý cho anh làm đề tài về thế giới ngầm ngành công nghiệp sản xuất phim khiêu dâm và móc nối cho Brady với một diễn viên phim khiêu dâm xinh đẹp Rubis. Trước khi gặp Rubis, Brady vào địa chỉ internet của Rubis và đập ngay vào mắt anh là đoạn phim Rubis bị cưỡng hiếp. Brady cảm thấy nó quá sức chịu đựng của mình, nó là một tội ác, nó trái với mọi giá trị mà anh có, nhưng không biết vì lẽ gì anh vẫn bị kích thích, bụng dưới căng tức và trỗi dậy. Brady quyết định phải gặp Rubis, Rubis nhận lời gặp vì được nghe rằng Brady khác những kẻ khác. Cô diễn viên đề nghị được thổi kèn cho anh, nếu anh không phân vân khi từ chối, anh thẳng thắn từ chối thì có lẽ Rubis đã không rút súng bắn thẳng vào mặt mình tự tử. Không, không có ai khác kẻ khác cả, tất cả đều giống nhau, đều có những bản năng nguồn cội được chôn trong người như những tế bào gốc nội sinh, đều mang trong mình bản năng thú tính được di truyền từ nguyên khởi loài người.
Cảnh phim cưỡng hiếp trong Irréversible hay cảnh cưỡng hiếp diễn viên phim khiêu dâm trong tiểu thuyết… giống những cú huých vào cái nhân ác nói chung. Cả 3 tiểu thuyết Linh hồn ác, Máu thời gian, Lời hứa của bóng đêm của cây viết trinh thám Pháp Maxime Chattam đều xoáy vào trọng tâm là cái nhân ác trong mỗi cá nhân, cái ác sinh ra từ chính cái ác hay từ những vết rạn của cái ác, dục vọng thống trị nhân tính và được ban phát dễ dàng như một loại virus lây lan trong xã hội loài người. Cái nhân ma quỷ như một biểu hiện của lạc thú bị chôn vùi, dục vọng, quyền lực kiểm soát, bản năng khởi thủy và là bản năng mạnh mẽ nhất trong mỗi người.
Cả ba tiểu thuyết đều rất nhiều xác chết, bị tra tấn dã man không biết phải nói gì hơn là thi thể của các nạn nhân bị cưa cắt phá hủy, thịt da con người bị biến thành thứ bầy nhầy không còn nhân dạng. Và tất cả hung thủ đều đạt đến trạng thái khoái cảm vĩnh hằng khi nhìn thấy nạn nhân là những phụ nữ, trẻ em bị đau đớn, thoi thóp trước khi chết. Một kiểu dục vọng, quyền uy dẫn dắt chúng, tôn sùng thú tính hoang dã như những sứ giả của địa ngục, cửa địa ngục đã mở thì đừng hòng thoát khỏi “đừng hy vọng gì nữa, một khi ngươi đã bước chân vào đây” (Thần khúc – Địa ngục, Dante)
Linh hồn ác và Lời hứa của bóng đêm lấy bối cảnh ở các thành phố, các bang của Mỹ còn Máu thời gian thì được lồng trong bối cảnh Ai Cập những năm 1920 và Pháp những năm 2000. Bối cảnh ở mỗi tác phẩm đã góp phần thay đổi phong cách viết của Maxime Chattam đáng kể. Người đọc rất dễ nhận ra nhà văn Pháp viết Linh hồn ác và Lời hứa của bóng đêm với nhịp độ nhanh như trinh thám Mỹ, nhanh hơn hẳn nhịp độ của Máu thời gian được viết trong bối cảnh Pháp và Ai Cập. Để biết về nguồn gốc của cái ác, người ta phải hóa thân vào nó như đang mò mẫm đến chính những dục vọng sâu xa của mình. Vô hình trung chính ta gõ cửa địa ngục, đi con đò qua sông Styx, mở cửa cái Giếng-nơi chôn chặt những điều cấm kỵ không thể thổ lộ với ai, những nỗi sợ hãi và dục vọng xấu xa… và ta nhập làm một, ta trở thành kẻ sát nhân, một cách nào đấy ta chỉ có thể lấy lại sự cân bằng trong bóng đêm: muốn nắm bắt được cái xấu xa bệnh hoạn ta buộc lòng phải hóa thân thành nó; muốn tiêu diệt nó ta buộc lòng phải đi sâu ngóc ngách vào trong mình, cố thử hiểu về chính mình một lần thật sòng phẳng. Luôn có một cái giá phải trả khi đi qua sông Styx
Nói riêng về từng tiểu thuyết, tôi may mắn vì thói quen đọc theo trình tự viết của tác giả và nhận ra Maxime Chattam viết lên tay ngoài mong đợi.
-          Linh hồn ác lấy bối cảnh ở Mỹ nên tiểu thuyết trinh thám này được viết bởi một cây viết Pháp nhưng câu chuyện và kỹ thuật viết đặc Mỹ. Tuy nhiên có một nhược điểm nhỏ thôi, đó là Linh hồn ác không có cao trào, nhịp điệu đều đều dàn trải hơn 650 trang sách dù cốt truyện tương đối cuốn hút, có thể chấp nhận được vì đây là tiểu thuyết thứ 2 của tác giả. Một người đọc trinh thám có chút kinh nghiệm có thể chỉ ra ngay 2 lỗ hổng trong truyện: 1, Sau khi có kết quả DNA nước bọt ở đầu lọc thuốc lá trùng với DNA của một hung thủ đã bị găm một viên đạn vỡ sọ chết thì chỉ còn duy nhất một khả năng là hung thủ đã chết và hung thủ hiện tại là anh em song sinh, vậy nhưng không có quá trình điều tra ngược lại nhân thân để từ đó dẫn đến được kẻ chủ mưu. 2, Anh thanh tra Brolin được xem là khá nhạy cảm trong tư duy và nắm bắt cảm xúc của các đối tượng, nhưng khi tiếp xúc với kẻ chủ mưu trong hình hài một ông già lơ ngơ kém phát triển trí tuệ, chứng kiến lão vung rìu chặt phăng đầu một con gà, nhát chặt nhanh và tàn nhẫn đến mức con gà vẫn còn tiếp tục chạy khi đầu bắn ra một nơi khác… hành động như vậy không phải của một người có nhân tính thông thường. Vậy nhưng anh thanh tra đã bỏ qua không theo sát lão.

-          Máu thời gian được xuất bản ở VN muộn nhất nhưng được viết sau Linh hồn ác khoảng 4 năm, tác giả viết lên tay thấy rõ. Như lời bộc bạch đầu sách, tác giả viết khi nghe nhạc và đúng là Máu thời gian có nhịp điệu, cao độ và khoảng trầm khác hẳn với tính chất đều đều ở Linh hồn ác mà vẫn rõ chất văn trinh thám Pháp, rất nhiều khoảng lặng trầm thong thả. Kỹ thuật viết tiểu thuyết lồng trong tiểu thuyết, quyển nhật ký của một thám tử viết ở Ai Cập những năm 1920 và câu chuyện hiện tại diễn ra trên đỉnh Mont-Saint-Michel (Pháp). Độc giả tinh ý và nhạy cảm không khó lòng nhận ra hung thủ vụ của chuỗi tội ác ở Ai Cập và nhân vật ở thời điểm ấy là ai ở hiện tại… nhưng vẫn bị những pha đan cài gây cấn của tác giả dẫn đi, buộc lòng giở trang từng trang để đi theo hành trình khám phá sự thật đằng sau bức màn cái ác. Ở Máu thời gian (hay bất cứ tiểu thuyết nào dùng tiểu thuyết trong tiểu thuyết) thì tôi lại muốn một lần nữa tỏ lòng ngưỡng mộ Italo Calvino với Nếu một đêm đông có người lữ khách, nó cho thấy việc người đọc kết liễu nhân vật của nhà văn và xây dựng một khả thể khác thú vị thế nào.


-          Lời hứa của bóng đêm được viết sau Máu thời gian và là tiểu thuyết viết khá hơn cả trong 3 tiểu thuyết được dịch ở VN. Quay trở lại với bối cảnh ở các thành phố, các bang của Mỹ. Nhịp độ rõ nét, cao trào và diễn biến nhanh. Câu chuyện về thế giới ngầm ngành công nghiệp phim khiêu dâm, về cuộc sống “cộng đồng chuột chũi” dưới những đường cống ngầm xuyên thành phố… Cũng không mấy khó khăn để nhận ra kẻ chủ mưu ở ngay 1/3 truyện nhưng câu chuyện quá khốc liệt, một thế giới chưa từng được biết đến được phô bày nên độc giả bám trụ tới cuối cùng và tự hỏi những thực tại tội ác của con người có phải luôn nằm ngoài cả sức tưởng tượng kinh dị nhất không. Trong 3 tiểu thuyết thì đây là quyển có tâm lý nhân vật tôi thích nhất, câu chuyện mới lạ nhất nhưng mẹ kiếp, tôi kinh tởm chính mình vì những tội ác trong truyện lại trở thành thứ thu hút tôi. Fuck my life. Trong truyện có đề cập đến cuộc sống của cộng đồng chuột chũi, quyển The mole people của Jennifer Toth, chắc tôi phải tìm đọc quá L
-          Các nhân vật trong sách rất có gout đọc, cô sinh viên thích David Lodge này, anh thanh tra thích Paul Auster này J, và ngay cả những tâm hồn tăm tối nhất, họ lấy Thần khúc của Dante làm bản đồ chỉ dẫn đường :) [Fuck my life]. Rất nhiều nhân vật tôi thích trong 3 tiểu thuyết này vì đơn giản thôi, tôi thấy hình ảnh của mình. Nhân vật nữ thích nhất là nàng Jezabel xinh đẹp ở Ai Cập, đàn bà tinh tế nhạy cảm và ý thức được thế mạnh của mình quyến dụ vãi. Nhân vật nam thích nhất là nhà báo Brady, chỉ khác duy nhất nếu tôi là Brady, tôi không giấu vợ sự thật, quan niệm của tôi với bất kỳ quan hệ nào là thẳng thắn và có niềm tin, anh này mà không giấu vợ thì chắc chả có tiểu thuyết đọc đâu nhỉ J
Mỗi người sinh ra phải dần làm quen và tập với suy nghĩ ta sinh ra không phải để hạnh phúc. Ta là con người không trắng không đen không gì ngoài không màu sắc rõ ràng như mọi sinh linh trên hành tinh này và phải vất vả tranh đấu để không lạc đường vì mù quáng trước màu này hay màu kia. Trước khi tìm lại được sự cân bằng, ta buộc lòng phải chấp nhận có những lúc, thậm chí rất nhiều lúc ta dần nhuốm màu của nơi ta đi chệch hướng. Con người với những bản năng cội nguồn khốc hại sẽ tạo ra những sai lầm, tội lỗi và việc sống là để dọn dẹp thế giới. Quái vật có tồn tại, nó tồn tại dưới hình thù của con người với những bản tính xấu xa, với những chứng bệnh, những virus bị nhiễm trong quá trình sống mà không có hy vọng thuyên giảm. Bản thân sự sống mang trong mình cái ác, sinh ra đã ác hay trở nên ác không cách xa nhau mấy nhỉ J. Đi đến cùng có tìm ra được cách chung sống tốt đẹp với sự bệnh hoạn nhỏ nhoi còn sót lại trong người hay không J. Ngọn lửa âm ỉ như một thứ mặc định rồi bùng cháy mỗi khi lạc đường làm sao để nguôi ngoai J, chỉ còn cách vét sạch oxy của sự cháy ấy bằng một vụ nổ thật lớn để dập tắt tất cả. Và để sau cơn thổi bùng, cõi lòng ta được giũ bụi và tĩnh lặng cân bằng trở lại.

Tôi gọi tất cả những điều này là thu dọn thế giới.

23.10.17

Chẻ sợi tóc



Đây là quyển thứ hai tôi đọc của Francois Mauriac. Quyển đầu tiên là Bí ẩn nhà Frontenac (sách in dạng song ngữ), đến giờ tôi cũng gần như không nhớ gì nhiều ngoài cảm giác gia đình êm đềm (hình như là hạnh phúc của chính gia đình Francois Mauriac). Bẵng đi đến hơn 10 năm tôi không hề nhớ chút gì đến Francois Mauriac thì đọc Giới nữ của Simone de Beauvoir, bà có nhắc đến một đôi lần Mauriac, và rồi vô tình, Người vợ cô đơn đến tay tôi sau đó ít ngày. Sách và người có mối duyên, tôi tin điều này trong thế giới những quyển sách. Có một thứ năng lượng của sách hay của tôi tỏa ra, hút vào thế nào đấy, và tìm cách thức đến được với nhau, tất nhiên dạng ất ơ như tôi, chẳng lý nào lại không bỏ thời gian để biết quyển sách “bảo” gì với mình :p [Tuy nhiên, sách không biết do dịch hay biên tập mà nhiều câu rõ ràng là đọc không hiểu gì, không thể luận ra được logic của “bừa” bãi]
Têre (Therese Desqueyroux) trong Người vợ cô đơn là người đàn bà có ý định giết chồng, đầu độc chồng bằng thạch tín. Bởi vì, Têra ghét chồng, bà lấy chồng không vì yêu và cũng không tìm kiếm tình yêu trong hôn nhân, chính xác hơn bà tìm một nơi trú ngụ, một điểm dừng như người đời cho rằng nên như thế (tình yêu và hôn nhân cần phải hiểu rõ nó là hai phạm trù khác hẳn nhau, cứ la ó đi :v).
Một người đàn bà thông minh, cương nghị nhận biết rõ vai trò hy sinh của người phụ nữ, nhìn ra vẻ đẹp của sự nén mình, của tự hủy và trói buộc nhưng cũng luôn luôn nhận thức rõ cá tính con người mình tràn ngập trong từng tế bào, choán đầy và chiếm lĩnh mình; khái tính, thẳng thắn không muốn đóng vai, làm những cử chỉ, nói ra những lời công thức của một Têra khác mà không phải Têra chính mình; tư duy cởi mở không chỉ dám đi theo đam mê đến cùng mà còn dám thẳng thắn nhìn nhận, phân tích, khám phá cái xấu xa trong mình đến cùng… Người đàn bà như thế sống với một người chồng trưởng giả nề nếp thôn quê quá nhiều “vỏ” và không bao giờ ra khỏi cái vỏ của mình, tầm thường, thậm chí đần độn, kém tinh tế có thể xem như kẻ vô tâm tính “không bao giờ đặt mình vào địa vị của người khác”. Cuộc sống hôn nhân tẻ nhạt chán chường bị đẩy đến hạn mức mặt trái của yêu. Ghét, người vợ ghét chồng của mình. Có ý định không chỉ một lần, đầu độc chồng và sau phiên tòa, nàng sống trong sự cô đơn tuyệt đối, tình yêu như sa mạc, tình phụ tử như sa mạc vì Têra “bao giờ cũng cần tìm thấy cái ta, cố gắng đuổi theo cái ta”. Một cá nhân chỉ sống cho mình, vì chính mình, tiên quyết không chịu làm thây ma khi đang sống, không chịu sống một cuộc sống không phải của mình thì nhất định là bơ vơ, hoảng sợ, hụt hẫng và hoang mang trong nhân gian không nơi bấu víu này. Nhưng cái ác, tội lỗi hay bất cứ điều gì được xem nằm ngoài đạo đức thông thường, chỉ cần ta dám nhìn nhận, dám trả giá đến cùng, chịu đựng lâu hơn lâu hơn nữa, nhìn kỹ vào trong mình hơn, nhìn kỹ vào, chẻ thật rõ ra như chẻ sợi tóc làm hai ba bốn năm, cởi bỏ nữa đi nữa đi nhẹ nữa nhẹ nữa vào, dùng nội lực bên trong mình soi rõ từng ngóc ngách suy nghĩ của mình. Biến nỗi đau, sự trả giá, chịu đựng, cô độc của mình thành trò chơi, thành lẽ sống, mục đích của đời mình, chiến đấu đến cùng, hành xác mình khổ sở bằng suy tư để nhằm hiểu cho rõ nội tâm mình thì linh hồn của cá nhân đó nhất định sẽ đến được vùng đất không còn sợ hãi, lo âu.
Francois Mauriac viết tàn nhẫn. Sự tàn nhẫn ở đây chính là ông không chỉ viết những câu thoại, dáng điệu, cử chỉ của nhân vật mà còn lột bỏ cái vỏ ngoài để rọi thứ ánh sáng tàn khốc vào những vùng sâu thẳm của tâm hồn, vào những động cơ tâm lý thầm kín mà chính đương sự cũng không ý thức nổi, ông không giấu giếm những cái xấu gai góc khám phá được ở mình, ở kẻ khác, ở con người. Sử dụng trang sách như sự kết tinh của cuộc giao phối giữa nhà văn và thực tại, ông tạo ra một thế giới hắc ám, một hỏa ngục trần gian của tội lỗi, cái ác với những giả dối, ích kỷ, biển lận, nhục dục… Người vợ cô đơn là một tiểu thuyết không có bóng dáng của những điều thực sự tốt đẹp hay những khuôn khổ theo luân lý và đạo đức thông thường. Trái tim của các nhân vật là những ổ rắn độc, khi đã bước chân vào con đường dục vọng, họ đi cho tới cùng, tới bờ vực thẳm, tới nơi có tiếng gọi của một thế giới khác “tiếng gọi của Thiên Ân”. Tiếng gọi Thiên Ân làm tôi nhớ rất nhiều đến những câu chuyện gần đây anh NL dịch Andersen, điển hình nhất là Anne Lisbeth: “… linh hồn của Anne Lisbeth đã ở tít trên cao, nơi không có nỗi sợ, khi mà người ta đã chiến đấu đến cùng…”
“Kể gì yêu xứ này hay xứ khác, những gốc thông hay những rừng phong, đại dương hay đồng bằng? Không có gì làm cho nàng lưu ý ngoài những gì sống, những con người máu thịt. “Không phải ta yêu những thành phố bằng đá, cũng không phải những buổi diễn thuyết, những bảo tàng, mà ta yêu cánh rừng sống động nó xào xạc, nơi những ham muốn cuồng bạo hơn bất kỳ trận cuồng phong nào sẽ đào xoáy. Tiếng rền rĩ của những gốc thông ở Ajơlu ban đêm làm cho ta xúc cảm vì nghe như tiếng người. Têra uống hơi say và hút đã nhiều”. Nàng cười một mình như thánh nhân. Nàng thoa phấn lên má, tô son lên môi rất tỉ mỉ, rồi ra đường và bước đi lang thang”
Sống là như chẻ sợi tóc, thành thật với mình trước nhất thì đời tất sẽ thành thật nhìn ta.
Tôi yêu Oscar Wilde, ông là tinh thần của một cuộc sống phóng khoáng, ở ngoài mọi ràng buộc của luân lý và đạo đức. Tôi thích những nhà văn mang đến thứ tinh thần ấy. Vì vậy, chắc sẽ tìm đọc thêm Francois Mauriac. Mà thế quái nào, Mauriac cũng cung thiên bình như Oscar Wilde, như nhiều nhà văn mình thích, thế quái nào í nhẻ :v [độc giả cung thiên bình cho hay]

12.10.17

Những cuộc đời song chiếu


“Đời mà không đi thì còn gì là đời”. “Sống sẽ chẳng phải là sống nếu không đi”. “Chẳng có gì sinh ra từ hư vô. Mọi thứ từng sinh ra đều sẽ phải chết đi. Giữa hai trạng thái đó, mỗi người được tự do sống cuộc đời bình thản và thẳng tắp của một kỵ sĩ trên lưng ngựa”
Alexandre Yersin, ông là ai. Người Pháp gốc Thụy Sỹ, ông phát hiện trực khuẩn dịch hạch và chiến thắng dịch hạch như thế nào. Rời Đức sang Pháp, rời Viện Pasteur vào làm Hãng Đường biển; rời y học sang dân tộc học, dân tộc học sang nông nghiệp rồi trồng trọt; ông đã làm như thế nào để trở thành một nhà phiêu lưu trong địa hạt vi trùng học, người thám hiểm, người vẽ bản đồ đi khắp vùng đất của người Mọi, rồi vùng đất của người Xê Đăng… Những nét chính về cuộc đời của Alexandre Yersin có thể tìm đọc nhờ một vài thao tác tìm kiếm đơn giản trên internet
Yersin: Dịch hạch và thổ tả của Patrick Deville là một tiểu thuyết cũng vẫn với từng ấy nét chính về người đàn ông mà tên của ông được dùng để chỉ trực khuẩn dịch hạch Yersinia Pestis. Nhưng Patrick Deville đã dùng đúng một câu văn mà tôi rất thích trong tiểu thuyết này để ta có thể hình dung thật hơn về Yersin dưới cả lăng kính hiển vi và kính viễn vọng: không quá gần và đủ xa, ông “Giờ đây ông là một cái cây. Là một cái cây cũng chính là cuộc đời và cũng là không đi đâu”. Yersin là người trong suốt cuộc đời luôn muốn chọn những gì mới mẻ và tuyệt đối hiện đại, ông lập ra chi nhánh Pasteur Nha Trang, khai sinh trường Đại học Y Hà Nội, khám phá ra Đà Lạt khi nó mới chỉ là một cao nguyên hoang sơ, vạch ra đường bộ đi từ Trung Kỳ sang Campuchia, ông đưa vào Việt Nam cây cao su, canhkina, ông là người lái chiếc ôtô đầu tiên trên đường phố Hà Nội, và có ý định xây sân bay ở Nha Trang. Với ông, Nha Trang là thiên đường, nơi người dân gọi ông là “ông Năm”, “bác sĩ Năm”, ông chọn sống trên đỉnh Hòn Bà giữ khoảng lùi và độ cao với mọi sự, chạy trốn vinh quang nhưng không mấy thành công trong việc trốn tránh thời đại của mình dù đã cố tách mình khỏi lịch sử (làm sao có thể chứ, một cuộc đời quá dài, từ Đế chế II đến Thế chiến II), một thái độ rất rõ ràng của người trí thức trước lịch sử, nuôi dưỡng khát vọng khoa học bằng trái tim và trí tuệ của mình. Một cá nhân của ánh sáng Hy Lạp, chọn phái khắc kỷ và khoái lạc chứ không nghiêng về Aristole hay Platon, người đọc thấy ở những giá trị cổ đại cũng chính là những giá trị con người ông, giản dị, ngay thẳng, bình thản, chừng mực và cô độc như sự tỏa bóng của một cái cây “một cái cây cũng chính là cuộc đời và cũng là không đi đâu”
Tiểu thuyết của Patrick Deville có một lượng thông tin khổng lồ, cũng dễ hiểu khi nó phác họa về một nhà khoa học không phải đi vào lịch sử, mà chính là một phần lịch sử loài người. Ta biết về sự ra đời của vắc xin bạch hầu, dịch hạch, lao..., về đường Catinat (Đồng Khởi), về Lang Bian, cầu Paul Doumer (cầu Long Biên). Và những chi tiết về văn chương nghệ thuật, về lời đề tặng Đi tìm thời gian đã mất của Proust dành cho ai, về Icare của Raymond Queneau, và tất nhiên Yersin trong vai trò nhà thám hiểm thì phải nhắc đến Conrad với Một tiền đồn của sự tiến bộ trước hết, sau đó là Tâm bóng tối (Giữa lòng tăm tối), 80 ngày vòng quanh thế giới của Jules Verne. Rất hiển nhiên về những nhân vật lịch sử như Pasteur, Rimbaud (một nhân vật có lẽ Yersin chưa bao giờ gặp mặt nhưng họ là những cuộc đời song chiếu của nhau, tôi nghĩ vậy, còn Baudelaire thì tôi gần với không biết gì), về một nhân vật từng là bác sĩ phái Pasteur nhưng phản bội để rồi trở thành nhà văn với tiểu thuyết sáng lòa Hành trình đến tận cùng đêm tối – nhà văn Céline
Yersin: Dịch hạch và thổ tả sẽ không là tiểu thuyết tươi mới thoát khỏi cái bóng của tư liệu, tiểu sử, sự kiện có thật về nhà khoa học ẩn dật Yersin nếu không phải là Patrick Deville viết. Với tất cả sự linh hoạt về cấu trúc, nhịp điệu, giọng văn hài hước dù dùng rất nhiều câu văn mang tính chất liệt kê gạch đầu dòng, lia ống kính không gian thời gian và chủ thể liên tục, đảo trật tự thời gian một cách tài tình và cực thông minh (Viễn vọng của Patrick Deville cũng vẫn phong cách lia ống kính rất ‘viễn vọng” chóng mặt như thế, nhưng bị quá liều) Patrick Deville đặt ra ý đồ sáng tạo nghệ thuật biến những thư từ như nguồn tư liệu chính, thành một tiểu thuyết kéo nó thoát khỏi cái bóng của thể loại lịch sử, tiểu sử, du hành… mà như chính ông có nói “viết về một cuộc đời cũng giống như vừa kéo violon vừa nhìn bản nhạc”
“Người đàn ông trong sáng đó tránh xa những nẻo đường xiên chéo
Khoác trên người lanh trắng và sự trung thực thơ ngây”
[Victor Hugo trong tập Truyền thuyết những thế kỷ]
Yersin yêu biển, núi và hoa. Và rốt cuộc, cuối đời ông đã đem lòng yêu mến văn chương, tất nhiên vẫn yêu mến sự cô độc, sự cô độc thâm căn cố đế.
p/s: Lần đọc này vì lòng ngưỡng mộ hihihi, lần đọc trước cuối 2013 hay đầu 2014 thì phải, đọc với tâm thế khác, giờ khác. Không biết dịch giả thích mình tên là Đặng Thế Linh hay Đinh Thế Linh nhỉ , biểu ghi biên mục và ở trang đầu sách không khớp nhau, rốt cuộc là bí ẩn Đặng hay Đinh hay là, chọn dịch hạch hay thổ tả đây . Cả hai tiểu thuyết của Patrick Deville dịch ở Việt Nam đều do nhà nghiên cứu Đoàn Cầm Thi viết lời bạt, Patrick Deville cũng làm cho tôi một cú lừa như một số nhà văn khác (Paul Auster chẳng hạn), sau Yersin: Dịch hạch và thổ tả, tôi đã hí hửng bập luôn vào Viễn vọng và đúng là viễn vọng xa đường chân trời. Kỹ thuật và cách thức viết lia ống kính liên tục không gian thời gian và chủ thể vẫn như vậy nhưng câu chuyện lỏng, viễn vọng xa quá không đi vào bất cứ một cú zoom ghi điểm nào. Tuy nhiên tôi sẽ vẫn đọc Patrick Deville, dù tương lai xuất hiện tiếp ở Việt Nam có chiều hướng viễn vọng. Định tua nhanh để tìm mấy câu, đoạn văn về Yersin mà mình thích, nhưng mãi nửa sau mới tìm thấy, thế là coi như đọc kỹ hơn cả lần đầu 

25.9.17

tất cả đều có việc của mình



Sách in giấy đẹp mà có 5k, mình gần như shock. Đọc lướt thì phong cách sách theo hướng người thật việc thật như Humans of New York (trên fb), Humans of Hanoi (sách)... mình ít ra khỏi nhà nên sách viết câu chuyện người thật việc thật là mình đọc được nên mua luôn 3 quyển. Ở Humans of Hanoi mỗi nhân vật kể câu chuyện của mình, nỗi buồn, tuổi thơ, quan điểm sống, những trăn trở và qua đó nói về công việc, nghề nghiệp, đam mê... còn ở Chuyện của nghề thì câu chuyện phần lớn xoay quanh 'ai cũng có việc của mình' và hành trình đi con đường ấy. Đọc Chuyện của nghề mình mới biết có những nghề như viết kịch bản game, làm bóng bay nghệ thuật, marketing scientist, giáo viên dạy định hướng (cho người khiếm thị tái hòa nhập cuộc sống bằng cách phục hồi khả năng định hướng trong không gian)...
Câu chuyện khiến mình nghĩ mãi là chuyện Mù còn có gì vui? của thày Phong chủ nhiệm mái ấm Thiên Ân. Đêm ấy mình làm việc muộn nên quá giấc, cắm đèn đọc sách, mở bất kỳ thì vào câu chuyện của thày Phong. Khi hơn 30 tuổi đang là trưởng phòng kế hoạch của một công ty nước ngoài thì thày gặp tai nạn và mất đôi mắt, mất đi ánh sáng. Nghĩ tới việc mình cũng đang ở tuổi của thày khi gặp tai nạn, đang bay nhảy khắp nơi bỗng dưng thế giới tối thăm thẳm, mình không khỏi suy nghĩ, cứ nằm khóc mãi trong khi miệng thì lại mỉm cười vì mắt đang đọc câu chuyện và ngắm hình ảnh thày cười hạnh phúc, lạc quan (tất nhiên có bình yên nào không xót xa). Đó cũng chính là lý do mình đọc lại Thông thái và số phận của Maurice Maeterlinck :)
Sách in lỗi font chữ, hình ảnh bị vỡ. [Mình vừa tìm hiểu và biết đây là sự cố xuất bản 2016], còn nội dung ổn, rất phù hợp với các bạn trẻ không biết làm rì vào mùa thu và các bạn bớt trẻ trời mưa thích uống chè ăn kẹo lạc bánh đậu xanh như mình <3 p="">

22.9.17

Kịch bản của sự sống



Trong một lần đi nghe giảng pháp ở chùa, thày đã bố thí cho đạo tràng câu chuyện về bệnh bò điên, người ta nuôi bò là động vật ăn cỏ bằng bột tinh xương - được chế biến từ thịt vụn của bê, dê, cừu... Câu chuyện thày nhắc tới như một ví dụ về việc không tồn tại nguyên nhân thì sẽ không có kết quả; về việc sống theo quy luật của thiên nhiên, thuận tự nhiên; về tu là gì... Từ đấy mà mình biết đến Nhân tố enzyme của bác sĩ Hiromi Shinya. Sách có 4 tập gồm 1, Phương thức sống lành mạnh. 2, Thực hành. 3, Trẻ hóa. 4, Minh họa (Mình thấy trên mạng còn có phiên bản khác, nhìn bìa khác và mình không biết nội dung thế nào). Điều ngạc nhiên là tác gỉa bộ sách chính là người đầu tiên trên thế giới thành công trong can thiệp nội soi cắt bỏ polyp đại tràng mà không phẫu thuật mở ổ bụng và tất nhiên, ông là tác gỉa của phương pháp ăn uống Shinya :)
Đúng như tên sách Nhân tố enzyme, tác gỉa nhấn mạnh việc quản lý sức khỏe thông qua enzyme diệu kỳ - enzyme nguyên mẫu. Ông chỉ ra nhược điểm của nền y học hiện đại phát triển theo hướng chuyên biệt hóa, có xu hướng chỉ chữa ở những nơi phát bệnh, trong khi nguyên sở của nó, ta phải suy nghĩ từ cấp độ tế bào và suy xét xem cái gì mới cần thiết để duy trì sức khỏe, lắng nghe cơ thể mình (ở đây chính là ý kiến của cơ thể mình) thay vì bị ảnh hưởng ý kiến từ bên ngoài, từ những nơi phát bệnh. Một bộ sách tháo bỏ gần như hoàn toàn suy nghĩ và thói quen ăn uống của cá nhân mình, một kẻ luôn thấy không ổn ở dạ dày mà không tìm được căn nguyên do đâu, rất cố chấp với những kiến thức y học hiện đại mình có :). Thật ra, khi chưa đọc bộ sách này, mình cũng đã nhận ra những quan điểm dinh dưỡng, nạp đồ ăn rất nhầm lẫn của các bạn mình là bác sĩ, điều dưỡng nhưng khi đọc bộ sách này xong, mình cũng ồ à, ra là mình cũng chủ quan không kém gì các bạn :)). Ăn thế nào đúng. Tại sao bệnh, bệnh do di truyền, do đâu. Thuốc có luôn luôn trị bệnh... Những câu hỏi, thói quen ăn uống sinh hoạt sai lâu quá nên tưởng là đúng sẽ được trả lời, lý giải một cách dễ hiểu, dễ tiếp cận trong bộ sách này.
Tất cả các loài động vật, ngay cả con người, nên ăn cái gì và ăn bao nhiêu mới tốt đều được quy định trong các quy luật của tự nhiên. Vì vậy, bác sĩ tốt nhất là chính mình, lắng nghe cơ thể mình. Và hiện nay, những phương thức thực dưỡng, tập thở... được xem là y học bổ sung đang chỉ rõ nhiều lợi điểm khi xuất phát nghiên cứu sống khỏe từ trong chính mỗi cơ thể cũng như những gì được nạp vào (mình không nói đây là y học thay thế như nhiều người quan niệm).
P/s: Một ý nghĩa nữa là chúng ta hoàn toàn có thể ứng dụng nhân tố enzyme, phương thức ăn uống Shinya vào việc kiểm soát cân nặng, giảm cân hay tăng cân.
Vẫn biết tật của mình là ăn vội, ăn nháo nhào cho xong, nhưng đọc xong bộ sách thấy được chỉ rõ ra tác hại của nó, nguyên nhân dẫn đến bệnh... mình có niềm tin với quả dạ dày của mình lắm hihihi.

15.9.17

Why does it always rain on me


[tên một ca khúc band Travis của tôi]
Hôm trước đọc sách Văn 6 của Cánh Buồm, Arthur Koestler gọi kiểu người làm ra tác phẩm nghệ thuật là kiểu người có “đôi mắt ướt”. Sau đó sách kể câu chuyện về một Người Dễ Khóc nhưng lại chọn việc chọc cười… cười mà buồn ơi là buồn. Đó là Vua Hề Charlot – Charlie Chaplin.
Khi ông 5 tuổi, mẹ ông là một diễn viên tạp kỹ, là người lao động chính trong gia đình một mẹ và hai con trai (bố ông nghiện rượu không ở chung nhà). Một ngày đang diễn trên sàn diễn thì bà bị khan tiếng rồi đột ngột bị mất hẳn tiếng, không hát không biểu diễn được nữa. Đêm sau đó Charlot xin ông bầu cho lên biểu diễn thay mẹ. Cậu bé 5 tuổi bắt chước y hệt mẹ mình. Cậu hát bài mẹ mình vẫn diễn và bắt chước cả cảnh mẹ mình khan tiếng rồi mất tiếng.
Câu chuyện này là gì. Thấm thía nỗi buồn của gia đình mình và biến nỗi buồn ấy thành vẻ hài hước khiến cho nỗi buồn thêm sâu đậm, phóng tác từ nó ra sự đồng cảm với cái buồn của những người cùng hoàn cảnh ngoài xã hội. Thế nó còn là gì. Là sự tiếp nhận số phận và tách biệt được số phận bên ngoài của mình với số phận tinh thần của mình. Đây chính là cách thức đi con đường hạnh phúc mà tiểu luận triết học Thông thái và số phận của Maurice Maeterlinck nói đến, không nó thì là gì nữa đây (mình mong rằng mình có thể viết được một cái gì đấy suy nghĩ của mình sau khi sắp xếp được những gì mà Thông thái và số phận tỏa ánh sáng tinh thần đến mình)
Cả ngày hôm ấy mình nghĩ mãi về 3 câu nói của Charlie Chaplin được trích dẫn trong sách Văn 6 Cánh Buồm
“I always like walking in the rain, so no one can see me crying”
“I have many problems in my life. But my lips don’t know that. They always Smile.”
“My pain may be the reason for somebody’s laugh. But my laugh must never be the reason for somebody’s pain”
Thế là mình đi lục tìm Ánh đèn sân khấu (Limelight) là quyển sách duy nhất của Charlie Chaplin mình có trong nhà [lúc ấy thấy hạnh phúc khủng khiếp í, kiểu như kiến tha lâu cũng có ngày đủ dùng í :p, đọc đến cái rì cái rì liên quan hoặc lạc bước suy nghĩ chiêm nghiệm cái là lên nhà lục ra luôn sách để đọc í, sung sướng vãi]. Quyển tiểu thuyết có nhiều yếu tố tự truyện, chắc thời nay chả ai buồn đọc nữa rồi, thật í :), nó nhấn mạnh điều muôn thuở: Bi kịch vốn có sẵn giữa phù du kiếp người và giữa cái vô tận của thời gian nhưng chẳng phải bi kịch tồn tại cũng có ý nghĩa của nó hay sao, kẻ nào chịu đựng và vượt lên bi kịch, kẻ đó biết cách làm cho số phận mình tốt đẹp hơn. Nói như Thông thái và số phận của Maurice Maeterlinck thì biến cố, bi kịch không tạo nên số phận hay một phần số phận của bạn mà việc hiểu rõ chính mình được tìm thấy trong sâu thẳm bi kịch, biến cố ấy làm biến đổi cuộc đời bạn, “những sự đỏng đảnh bất ngờ nhất của số phận sẽ dạy chúng ta tiếp nhận chính cách suy nghĩ của chúng ta”
Đêm qua có cậu bạn Saigon tôi quen trong chuyến đi Đà Lạt hỏi tôi như này: Nhưng mà chị Tú buôn lậu à, buôn ma túy phải không, không thấy chị đi làm nên em thắc mắc [chắc thấy tôi lúc nào cũng ung da ung dung đủng đà đủng đỉnh mua sách đọc sách nên nghĩ vậy :))]. Tôi cũng thành thật nói nỗi lòng mình là nếu được, tôi cũng thích buôn cái đó, có đồ để high, giúp mọi người high, lại còn có xiền nữa, có xiền tôi sẽ có nhiều xiền để làm những gì tôi muốn (tôi rất tin tưởng năng lực dùng tiền một cách đúng đắn của mình, tôi đi giúp người khó chẳng hạn). Nói vậy xong, ổng chốt câu làm dealer bán cần đi :)). Hay nghe lời ổng, tôi tạo số phận như vậy đê nhỉ, các cụ nhẻ, tôi làm người lông rân mô hình nhỏ, mua miếng đất nho nhỏ vùng khí hậu phù hợp trồng cần trồng cỏ trồng anh túc. Ôi high quá xá chụt chụt chụt <3 .="" :v="" a="" b="" c="" con="" cu="" gi="" h="" kh="" m="" n="" ng="" nh="" o="" p="" s="">

13.9.17

Tạo quá khứ



Trong Tôi là ai - và nếu vậy thì bao nhiêu của Richard David Precht có một chap tôi rất hay đọc trúng lúc tay chân quờ quạng mắt mũi tèm nhèm buổi sáng tìm sách: Vũ trụ tinh thần – Não tôi hoạt động ra sao? “Cái gì là phức tạp nhất trên thế giới? Một câu hỏi hóc búa, nhưng với khoa học tự nhiên thì câu trả lời lại thật đơn giản. Đó là bộ não người![...] Nó chỉ nặng 1.5kg, mang hình quả hồ đào phóng to và sờ vào như đậu phụ. Thế nhưng trong đó lại ẩn chứa kết cấu có lẽ là phức tạp nhất của toàn bộ vũ trụ. Một trăm tỷ (100.000.000.000) tế bào thần kinh nhấp nháy truyền tin với nửa triệu tỷ (500.000.000.000.000) các liên kết. Đại khái nhiều như một sự so sánh quen thuộc, đúng bằng số lá cây của rừng nhiệt đới Amazon”
Vậy thì điều gì trên thế gian này mà đến thần linh cũng đành phải đứng ngoài cuộc? (tôi ít khi dùng dấu hỏi nhỉ :p). Quá khứ. Quá khứ là thứ mà thần linh cũng không thể can dự. Thay đổi quá khứ của mình đã là một việc điên rồ, nhưng dám thay đổi quá khứ của cả kẻ khác thì hẳn là quỷ dị, dù cả hai đều dẫn đến bi kịch, nhưng đâu là vô nghĩa hơn, tôi không biết. Tự tạo quá khứ, viết lại quá khứ, xóa quá khứ ư, người ta phải tăm tối và cạn nước đi đến độ nào mà dấn mình vào quyết định ấy.
Ngăn kéo trên cùng – Phần tăm tối, tiểu thuyết thứ 17 của Nakamura Fuminori là câu chuyện tồn tại đến hai gã bác sĩ thần kinh cùng tiến hành việc viết lại quá khứ cho kẻ khác, dù với mục đích khác nhau nhưng tâm hồn của cả hai nhân vật này đều có tính chất mục ruỗng từ nền móng, một kẻ coi việc tạo quá khứ cho người khác là trò chơi, một kẻ thì buộc tìm đến đấy như một phép màu và sau đó là nhằm trả thù. Tất nhiên khi thần linh cũng phải bỏ cuộc mà con người dám tự vẽ ra cho mình một thách thức can thiệp vào não bộ, thò tay vào quá khứ nhằm chạm đến nội tâm từng người thì hậu quả không thể thành toàn được. Nếu có thể chạm đến nội tâm từng người ư, giả định này nói lên đã sặc mùi vô lý và quỷ dị
Hôm trước tôi có đọc tập thơ, mở đầu một bài thơ là câu thơ đại ý: Người thuộc cung Thiên Bình ma quái trong tình yêu. Điều này lần đầu tôi nghe thôi, còn điều quen thuộc của cung chúng tôi là gì. Là tính chần chừ, lưỡng lự, thiếu quyết đoán. Tuy nhiên lần này lại có hiệu quả hí hí. Tôi đọc Kẻ móc túi và thấy không hiểu nổi tại sao nó lại được mọi người đánh giá cao, đến giờ tôi vẫn hoàn toàn không hiểu được. Số đông thường không đúng, nhưng nó phải tồn tại một logic nào đấy hình thành trong số đông và tôi cố tình tìm ra, bằng cách nâng lên đặt xuống chần chừ đọc hay không đọc quyển thứ hai của Nakamura Fuminori được dịch ở VN. Ngăn kéo trên cùng – Phần tăm tối có cốt truyện khá hơn hẳn Kẻ móc túi, tác giả cũng viết lên tay hơn rất nhiều, triển khai bộ khung theo tham vọng của người viết đã đỡ thừa thiếu. Tuy nhiên, các yếu điểm ở Kẻ móc túi vẫn còn
-          Nếu ở Kẻ móc túi, những tham khảo về lịch sử những vụ móc túi ảo thuật được tác giả lồng vào câu chuyện kém chất keo kết dính như thế nào thì ở Ngăn kéo trên cùng – Phần tăm tối cũng lặp lại như thế. Những tham khảo về phân tâm học, truyền sóng thần kinh ECT (phương pháp thôi miên, tẩy não), vụ án và những nghiên cứu ca bệnh đa nhân cách, tâm thần phân liệt là những gợi hứng chủ chốt của tác giả xây dựng tiểu thuyết này, đều được lồng vào thiếu chất keo kết dính.
-          Tính chất thừa thiếu vẫn còn, tuy đã được cải thiện hơn so với Kẻ móc túi nhưng vẫn còn nhiều, ở Kẻ móc túi là phân phối không đều trong cách triển khai câu chuyện, cái này có lẽ do người viết chọn mũi nhọn, điểm sáng chưa chuẩn nên không tạo được điểm nhấn. Còn trong Ngăn kéo trên cùng – Phần tăm tối thì nội tâm nhân vật là điểm chói sáng cốt tủy, một tác phẩm chọn khai thác góc khuất, phần tăm tối u uẩn mà nội tâm nhân vật lại bị đảo qua, diễn giải nội tâm qua một vài chap Hồi ký (viết không được sâu), câu thoại cụt nên chưa đi sâu được nhiều.
Khi đi được 1/3 tiểu thuyết, tôi thấy bạn tôi khen cái kết. Nhưng khi đi thêm 2/3 thì cái kết tôi dự trù không trật nhiều với cái kết của tác giả. Tuy nhiên tác giả tiếp tục sử dụng kết mở như ở Kẻ móc túi, đây là nước đi táo bạo, táo bạo ở chỉ một chi tiết, sau cuộc hỗn mang xoay vần tất cả những méo mó vẹo vọ của con người được bộc lộ phơi bày, thì tác giả cho nhân vật chính một nước kết cực đẹp và tương đối mở. Với một người nền móng bị mục ruỗng như nhân vật chính Kozuka Ryodai thì sự chuyển dịch đến một nơi khác, một cõi lòng khác sẽ cần những thứ không phải ai cũng cần và hiểu được.
Kẻ móc túi và Ngăn kéo trên cùng – Phần tăm tối đều được Nakamura Fuminori lồng vào những giấc mơ, với tôi đây là điểm sáng khiến tôi sau khi đọc Kẻ móc túi đã rất nản, nghĩ sẽ không đọc tác giả này nữa thì vẫn cố đọc thêm một đầu sách, chỉ bởi hình ảnh Tòa tháp đằng xa ở Kẻ móc túi cùng giấc mơ ngụp sâu vào một chiếc giường dưới lòng đất; ở Ngăn kéo trên cùng – Phần tăm tối là giấc mơ “Giữa dòng người đông đúc, mỗi kẻ lại rẽ một hướng khác nhau. Tôi cũng đang cố gắng tìm đến một nơi nào đó” tuy nhiên lại bị chặn ở cửa kiểm tra hành lý và hành lý toàn những thứ rất hiển nhiên với mình nhưng không thể giải thích được với kẻ khác. Giấc mơ luôn nói rất nhiều đúng không, nhiều hơn chúng ta có thể suy tưởng và hơn cả chính giấc mơ có thể tái hiện, tác giả cũng là một người viết tham khảo rất nhiều về phân tâm học, sức khỏe tâm thần cũng như việc giấc mơ nói gì
Sách xuất bản luôn được rất nhiều khâu nhặt bớt sạn, bắt bớt voi bớt chuột bớt cả ruồi muỗi, rất nhiều khâu, nhiều hơn độc giả đơn thuần có thể hình dung được. Tuy nhiên có những lỗi sạn rất dễ gây hiểu nhầm rằng đây là một quyển sách ẩu, ví dụ như text bìa gấp Oe Genzaburou; tôi đọc Ngầm của Haruki Murakami biết đến Chân lý giáo Aum, trong sách có nhắc đến một Chân lý giáo Oumu, tôi có search nhưng không thấy kết quả, căn cứ vào năm 1995 của Oumu thì trùng Aum, phải chăng là lỗi typo :p; những đoạn về lý giải tâm lý bệnh đa nhân cách, tâm thần phân liệt không biết do văn phong của tác giả hay dịch và biên chưa hợp lý mà diễn đạt chưa được tốt; nhiều câu thoại ngô nghê, cụt; chính ra lỗi oánh máy có khi tôi lại bỏ qua í (thật đấy, trừ trường hợp nó dẫn hẳn sang một cái sai khác về ngữ nghĩa)

12.9.17

Chim trời hạnh phúc



Tachihara Erika kể câu chuyện rằng: Một vị Giám đốc Nhà máy sản xuất chim non sơ sinh sẽ đi tìm và biến những em bé sinh ra không được chào đón, những em bé bị người thân cho rằng nếu các em không tồn tại trên đời thì tốt biết mấy thành những chú chim xinh đẹp, cất giọng líu lo trong trẻo, hạnh phúc bay trên trời, vĩnh viễn bay thật xa đến nơi mà các em không còn bị bảo rằng nếu các em không tồn tại trên đời thì tốt biết mấy. Chỉ có thể mang những em bé ấy quay trở về bằng một câu trả lời thật tâm duy nhất trong 10 giây cho câu hỏi: Tại sao muốn mang em bé về?
Câu trả lời chỉ một, vì đó là: Em gái của chị.
Em gái của anh.
Em trai của chị.
Em trai của anh.
Con của tôi.
Con của chúng tôi.
Và rồi những em bé trở về với một nốt ruồi trên người, nơi từng là vết tích của một chiếc lông chim <3 p="">Quyển sách mỏng giọng văn trong veo, hình minh họa rất chì (như ngày xưa tôi từng làm bóng ánh sáng bằng ngòi chì trên giấy vẽ nhám í), chỉ 10' để đọc. Xin mời cả vũ trụ.
P/s: cách đây lâu lâu mình có mua một quyển Ehon, câu chuyện về một bé không thích có em vì em tranh bố tranh mẹ với bé í, gìơ không nhớ tên, hồi đấy tặng bé nào ồi, bố mẹ nào nhận hộ con nhắc tên giùm tôi được không vợi :')


8.9.17

Tôi nằm nghiêng nghiêng




[chỉ đọc nếu có đọc nguyễn thúy hằng]
Tôi rất hay tưng tửng ậm ừ ngân nga nhấm nhẳng hờn dỗi nho nhỏ mấy câu hát Ra ngõ tụng kinh: “Âm dương nằm ngang / ngũ hành nằm dọc / em chưa biết đọc / em nằm nghiêng / em vẫn nằm nghiêng đón mặt trời xanh / em đợi anh / …” dù tôi không hiểu ý nghĩa của nó. Cảm, thấy hay, chỉ vậy thôi
Gần nửa tháng nay đọc 5 quyển trong ảnh của nguyễn thúy hẳng. Tôi nằm nghiêng nghiêng lấy trong một câu nào đấy ở Thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lý quyển 1: Cửa sổ đập. Đại ý câu ấy rằng: Tôi nằm nghiêng và tôi nhìn thấy hết tất cả những chi tiết họ muốn giấu. Tôi không hợp những câu thơ gieo vần trôi tuốt nuột. Tôi thích thơ là văn xuôi (thậm chí từng đoạn văn rất dài) nhưng có nhịp điệu. Tính nhịp điệu tôi đưa lên hàng đầu, có thể vì thế tôi rất thích đọc to thành tiếng thơ cụ Trần Dần, và không cứ thơ, với các tiểu thuyết tôi đọc, tôi cũng nhận ra mình thích chúng vì có nhịp điệu. Nhịp điệu rất quan trọng, không trừ việc gì nhé :p
Tôi đọc theo trình tự thời gian tác giả ghi dưới mỗi bài thơ, truyện ngắn và nó cũng là trình tự xuất bản (trình tự này tương đối xuôi dòng thời gian thôi) thì thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lý gồm quyển 1, 2 và 3; sau đó đến bởi từ lâu chúng ta không thể ngủ; rồi họ - bột hư ảo, theo cảm nhận người đọc (lúc này tác phẩm nằm ngoài tầm với của tác giả) thì với tôi, họ - bột hư ảo là một mảng riêng. Mảng riêng họ - bột hư ảo được nguyễn thúy hằng viết lành, mềm mại, dịu dàng và nữ tính hơn rất nhiều. Như trong ‘dưới cái bóng cơn đau run rẩy’ cơn bệnh của mẹ tôi cùng những nương tựa trong đầu ở lại với nỗi sầu, hay trong ‘cho ngày bôi xóa’ sự cô độc và yên ắng của không tiếp xúc… những câu thơ rõ nhịp điệu và nhăm nhẳm đắng ngọt ngào.
“nhưng không sao em ạ mình vẫn có thể bước
một thật dài, xa khỏi đám đông lẻ tẻ này”
hay
“đêm qua họ nói: cô là loài du mục, cô vác trên lưng những tờ giấy, mà
sau này nó được vẽ lại thành một bản đồ dành cho những kẻ xa xứ”
(tôi liền nghĩ ngay đến một câu thơ của cụ Trần Dần: Tôi như kẻ đi đầy trên sa mạc tờ giấy)
Hay, một vài câu trong hai đoạn cuối của Nước & Gía Buốt Vĩnh Cửu, hay [những từ] – một sự hình dung của hai đứa trẻ… Nếu để trích dẫn những ý chữ tôi thích thì có khi trích gần như hết quyển :). Tuy nhiên tôi không thích khoảng 7 trang cuối, tôi thấy nó làm đứt đoạn mạch cảm xúc tôi có từ đầu với họ - bột hư ảo. Và đúng như Dương Tường có nói, họ - bột hư ảo có thể đọc tùy tiện bất kỳ đoạn nào, nhảy cóc, đảo ngược…
Khác với cách tôi đọc thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lý (quyển 1-2-3) và bởi từ lâu chúng ta không thể ngủ. Tất nhiên, đọc quyển nào cũng được, đảo trật tự cũng vẫn được, nhưng biết đâu đảo trật tự lại ra đúng một trật tự thông thường đi từ a đến b đến c rồi đến z, và như vậy có thể lại mất đi sự thích thú.
Sự thích thú tôi có ở đây là tự nhiên lần này tôi dở hơi nên mới đi đọc một lúc cả mấy quyển theo đúng trình tự viết của nguyễn thúy hằng, và bật cười rằng, chả biết tham vọng của tác giả là viết nó thành những tập sách riêng biệt hay tham vọng lại là như tôi cảm nhận: tôi cho thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lý (quyển 1-2-3) và bởi từ lâu chúng ta không thể ngủ là một tiểu thuyết :p (ý tưởng đã rất tốt, chỉ là đang còn ở dạng chờ) và người đọc phải tự nhặt nhạnh từng mẩu nhỏ ý chữ, câu văn có nhịp điệu, ý tưởng để ghép nó ở các góc và nhận ra được ý định sắp đặt của phòng tranh của nguyễn thúy hằng.
Ta có chuyện Cõng người lạ (trong thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lý quyển 2) chuyện cái lưng của người chồng cõng vợ và các con suốt cả đời, trong đó người vợ lẩn thẩn lẫn cẫn nhớ quên nhầm lẫn lúc nào cũng như nói mớ và những chi tiết về gia đình này cùng các con sẽ gặp lại trong già nua trên đường phố thét lên lạ lùng và năm mươi lăm cái răng dùng để đớp trăng và Mụ Vú Khô (trong tập bởi từ lâu chúng ta không thể ngủ)
Hay những ý tưởng về bảo quản trong tủ lạnh ở tr12 quyển 3 thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lý với cái lưỡi lợn bị rã đông và già nua trên đường phố thét lên lạ lùng
Hay có những tưởng tượng, ý tưởng được viết rất duyên như câu chuyện về trứng trong lò vi sóng ở quyển 3 thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lý, trứng 2’ thì nổ văng tung tán trong lò vi sóng còn trứng 1’30” thì có gì đó từ lò vi sóng bước ra; những con bò từ nơi nào đó xuất hiện, những sinh thể dưới nắp cống… truyện ngắn gió về ngôi làng có một người đàn ông Bố và những người phụ nữ, họ sống với công việc chắn gió nhốt gió trong ngôi làng quanh đi quẩn lại chỉ toàn là gió “và từng chiều, những đứa lớn đột nhiên biến mất ngay cổng làng”; hay truyện ngắn những chi tiết vụn về một cặp vợ chồng mỗi ngày người chồng nhận ra vợ mình khác đi nhờ vào việc xem các cuộn băng quay lén mình đặt giấu vợ trong nhà, cô vợ cạo gọt ra trên mặt trên thân thể từng lớp bột, thậm chí đầu đứt lìa khỏi cổ và lắp lại đầu khác như một ai đó, sau đó người chồng nghe lời vợ, cũng thử cạo gạo và nhận ra, hóa ra mình cũng giống như vợ; hay những ý tưởng người béo phì vào buổi sáng và đêm thì nhẹ bẫng vì mơ nhiều nên sụt cân…
Bạn có thể đọc bất cứ đoạn nào, bất cứ đâu miễn sao đọc trọn hết một chặng. Sau đó khi đóng 4 quyển sách này lại, bạn bắt đầu trò chơi sắp đặt của riêng mình. Vì biết đâu, bạn cũng như tôi nằm nghiêng nghiêng để tiếp cận nó thì mới nhận ra, nếu không, rất có thể coi đây là 4 quyển sách gàn dở vớ vẩn bởi có những trang viết hoàn toàn như được xé từ sổ tay, những đoạn note, những ý tưởng viết vội
Ví dụ, nếu tập hợp từng mảng ý tưởng riêng rẽ này vào với nhau, và phát triển các mảng thành một nhóm nhân vật, sau đó hòa lẫn các nhóm nhân vật gồm cả làng người chăm chăm nhốt gió, gia đình người đàn ông gồng gánh vợ con cả đời trên lưng, cô nàng 55 cái răng đớp trăng – mụ vú khô, hắn - nhân viên điện tín – ngày 70 cân đêm nhẹ tênh vì mơ nhiều phải ngủ dưới gậm giường dò xét cây cà rốt, tử đinh hương và hắn cùng cô nàng 55 cái răng sẽ là cặp trai gái trong cái lưỡi lợn bí ẩn… tất cả chăng một mối dây với những thứ được lấy ra từ ngăn bảo quản đông lạnh của tủ lạnh, rồi nhét chúng vào lò vi sóng và một cái gì đấy bước ra từ lò vi sóng sau 1’30” và những sinh thể dưới nắp cống những con bò xuất hiện bất thần…. Cứ chuỗi nó lại, tôi thực sự muốn rong chơi với tiểu thuyết này
Mà thật ra tôi định nói gì khi nói về 5 quyển trong ảnh thì tôi cũng chẳng biết nữa. Tôi chỉ cảm giác nếu nguyễn thúy hằng cứ đi con đường của thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lý với bởi từ lâu chúng ta không thể ngủ thì rất có thể tôi phải cho rằng cô ấy đến từ tinh cầu nào đó xa xôi, nhưng may quá (hay không may) đến họ - bột hư ảo thì cô ấy đã khác
âm dương nằm ngang / ngũ hành nằm dọc / em chưa biết đọc / em nằm nghiêng
P/s: ngày xưa có thời tôi đọc Đào Hiếu một ít, vì vậy mà tôi mới để ý nguyễn thúy hằng, chả thể ngờ có ngày tôi lại bị quyến dụ bởi cô ấy. Đào Hiếu thì tôi chả nhớ gì nữa rồi :)). Từ rất lâu rồi, tôi cho rằng tôi không thể đọc nổi nữa văn học của đồng bào tôi viết nữa :p

1.9.17


Hôm qua chị Trâm ở Manzi bẩu đến cái lọ đựng nước rửa tay ở quán cũng bị lấy mất là sao? :p
Và dù tôi không còm, nhưng ý nghĩ thì đã rất nhiều quả quyết cho rằng, sinh vật lấy cái lọ đựng nước rửa tay (không đẹp đến mức thôi thúc người ta ăn cắp) nhiều khả năng mắc chứng xung động ăn cắp hí hí hí

Còn đây là tập thơ tôi đang đọc:
"Ăn cắp được 7 nắp cống
1 và 2       3 và 4       5      6 và 7: mở nắp lên thấy tôi nằm dưới lỗ"

Nếu ngày nào đó, bạn bị mất/phá hoại:
- mẩu nhựa bọc nút bấm chuông cửa
- mép gạch mẻ bậc cửa nhà
- tay phanh bị gãy
- tay nắm cửa
- một chiếc dép lê mòn vẹt
vân vân và vân vân
đừng buồn, vì biết đâu chúng sẽ góp mặt trong một câu thơ nào đấy
kiểu thế này:
- chưa biết cuộc đời
em khom người nhìn lỗ khóa

- người người chuếnh choáng lao đi
một cỗ xe mất phanh

- góc vuông mẻ gãy hình
cạnh huyền trượt dốc

- đừng trôi nữa
những chuyển động quán tính

- ta nhét mình vào tủ lạnh
đóng đông để chờ ngày
mòn vẹt chơ lơ chiếc dép lê


30.8.17

Giữa rừng già



Luis Sepúlveda đầu bảng với tôi là đây:
http://emidelicate.blogspot.com/2015/10/ben-dong-amazon-lao-oc-chuyen-tinh.html?m=1
Chuyện con mèo dạy hải âu bay dễ thương ngọt ngào nhưng làm sao có thể khuấy động được như cái quyển bên trên.
Đã bảo lòng là Luis Sepúlveda sẽ không còn gì đáng đọc ngoài ông gìa mê chuyện tình đâu, nhưng chuyện của ổng cứ có con chó con mèo con báo... thế là lại phải đọc. Chuyện con chó tên là Trung Thành của Luis Sepúlveda tiếp tục mối quan tâm của ông mà tôi rất thích: tộc người bản xứ và sự xâm lấn của người văn minh, xã hội hiện đại. Mối quan tâm ấy được lồng trong câu chuyện về chuyến phiêu lưu của một chú chó tên Trung Thành giống béc-giê Đức, khi bé được nuôi dưỡng trong một gia đình da đỏ và đến tuổi trưởng thành qua nhiều biến cố là hành trình Trung Thành tìm về với mảnh đất của những "con người của Đất".
Truyện chưa đầy 100 trang, chữ in to, có tranh minh họa, câu chuyện viết nông, đọc cho các bé trai tuổi Sói nhà tôi chắc sẽ thích lắm :). Tôi nhớ cách đây không lâu tôi kể cho cậu chàng về con mèo rừng 2m trong lão gìa đọc chuyện tình, cậu chàng đeo mục kỉnh mắt mở to miệng há hốc, ông ngoại còn chêm thêm về chuyện sư tử linh cẩu cướp đồ ăn của nhau, cậu chàng như bị bỏ bùa luôn.
Nhân tiện, về độ chán, nhạt của Chuyện con ốc sên muốn biết tại sao nó chậm chạp thì khó lòng Luis Sepúlveda có thể phá được kỷ lục cá nhân của chính mình trên chính mảnh đất ấy, thật :)))

29.8.17

Tình yêu của người phụ nữ


4 năm trước cảm nhận khác, giờ đã khác. Và nghiệm ra rằng, sau một thời gian nếu đọc lại mà vẫn cảm nhận như cũ thì hẳn là đã sai, cảm nhận khác trước là chuyện bình thường. Nhìn thấy khác trước mới là chuyện vui.
4 năm trước đọc chú trọng đến câu chuyện, giờ đọc chỉ nắm “nôm na” câu chuyện nó là như thế, còn chủ yếu lại ấn tượng với những câu văn, chi tiết, tình tiết rất mảnh và những nhân vật phụ, rất phụ. Và khi nghĩ về sợi chỉ mảnh thì nó dẫn đến trung tâm câu chuyện, đến được đấy thì sẽ hít thở được bầu không khí câu chuyện tỏa ra
Năm người đàn bà si tình của Ihara Saikaku – một nhà thơ, tiểu thuyết gia, một trong những tác giả quan trọng của văn học Nhật Bản thời Edo (1603-1867), là năm câu chuyện tình có kết cục bi thảm mang nhiều yếu tố truyền kỳ, ma quái “chuyện kể lại rằng”, “người ta còn nói với nhau rằng”, “truyền tai nhau rằng”, “câu chuyện này được kể lại”… và thậm chí hoang đường, nhưng thật ra trên đời rất hiếm chuyện hoang đường, chuyện ngẫu nhiên (thực sự rất rất hiếm, gần như là không có, tưởng hoang đường mà không, tưởng ngẫu nhiên mà chẳng hề ngẫu nhiên chút nào). Trong Năm người đàn bà si tình, các nhân vật có mối quan tâm chủ yếu là sắc tình, những nam nhân như quan làm lịch, thương gia, cậu ấm, người thợ mộc… đến, đặc biệt là những nhân vật nữ, từ bậc phu nhân, tiểu thư tới con sen, gái làng chơi… tất cả họ đều là những con người đích thực nhất nhất đi theo tiếng gọi dục tình, tình cảm của mình. Trong bối cảnh thế kỷ 17 thì phụ nữ trao thân thường gắn với gửi phận. Và lẽ thường, ái dục vốn là nghiệp chướng, là khổ nạn và cũng là điều khó hàng phục nhất, nếu cứ nhất nhất lao theo thì không tránh khỏi tội lỗi, và làm sao tránh được việc phải trả giá, bị trừng phạt. Chưa nói đến việc, riêng ái dục đã là mối sầu khổ đời đời xưa nay rồi :). Và các nhân vật si tình bất hạnh, thất bại trên con đường truy cầu hạnh phúc, tình yêu trong Năm người đàn bà si tình nếu không tự tử thì phát điên hoặc đi tu, nhưng không chỉ chuyện ái tình mà đối với cuộc đời vốn bất trắc và hư ảo dường này, làm sao người ta có thể sống mà không hóa điên, tự tử hoặc đi tu cơ chứ. Sống vốn dĩ như là bước ra khỏi một giấc mộng hoang đường mà nhỉ ;)
Phụ nữ vốn không nhớ được đường hướng, bị đánh bật khỏi trung tâm của vũ trụ và họ phải tự tìm đường về nhà nên bản năng, linh cảm, sự nhạy cảm và hành động theo bản năng của họ là ân điển nhưng cũng là điểm mù chí tử. Thế gian phụ nữ từ bỏ nhiều thứ đi theo tình ái thì nhiều, nam nhân mấy người đây :). Tình yêu của người phụ nữ thời nào cũng vậy, là tất cả cuộc sống, nhiều khi nó là ý nghĩa của sự tồn tại hoặc được cho rằng đấy là mục đích duy nhất cần với tới (với nam giới chỉ là một phần thôi). Tôi biết nhiều người cho rằng nếu không tạo ra ý nghĩa ấy cho cuộc sống và sự tồn tại thì phụ nữ biết làm gì đây cho hết một đời :p
Sách được Phương Nam ấn hành quý III năm 2016, bản tiếng Việt là bản lược dịch (rút gọn) của Phạm Thị Nguyệt dịch từ bản tiếng Anh, y nguyên như bản năm 1988 của NXB Tiền Giang (y nguyên tới mức lúc cầm bản mới này, tôi mở luôn tới truyện áp chót Chuyện nàng Osen đa tình và thấy rằng lỗi để bà vú già là Nanny vẫn được giữ y nguyên, chưa biên lại :p) và có thêm bài viết đầu sách của Hoàng Long, bài viết về hai tác giả Ihara Saikaku với Năm người đàn bà si tình và Ueda Akinari với Hẹn mùa hoa cúc.
Tuổi băm này rồi, tôi không còn quan tâm nhiều tới cốt truyện chính, mà để ý những tình tiết lia ria và các nhân vật phụ - những ‘nhân sinh quan’ đa dạng nên Năm người đàn bà si tình là quyển truyện tôi thích thích [gấp đôi thích], có điều là bản lược dịch nên đọc vô cùng đau khổ, cứ đang vui thì đứt dây đàn, cảm giác thiếu hụt bị cắt cúp cực kỳ rõ. Tôi cứ đinh ninh sách làm mới thì sẽ được dịch mới, hoặc ít nhất dịch bổ sung, có sửa chữa…
Tôi tiếc


28.8.17

Nào cùng nhau ị tè :p



Sói đi vệ sinh lúc bé thì trym đái tồ vọt lên đầu dì, mặt dì vì dì ngồi xổm phía trước cho cháu vịn tay khỏi ngã mà. Lớn hơn tí thì con tụt quần, cởi truồng lon ton lũn chũn chạy vào toilet, con dì ở ngoài làm gì thì cứ tiếp tục làm nhưng ngoái cổ ngoạc mỏ hô cháu, con ấn trym xuống nhé, đi xong gọi dì rửa đuýt nhé, còn phải rửa tay xà phòng nữa. Tuy nhiên dì vẫn bị dính những quả vòi rồng của cháu vọt qua đầu, tưới ướt quần áo.
Năm nay Sói 5 tuổi, ở lớp các cô đã hướng dẫn và con phải tự chùi đuýt. Giờ, hôm nào đi vệ sinh ở lớp thì về đến nhà đều bảo mẹ ơi, mẹ rửa đuýt lại cho con, hôm nay con chùi rồi nhưng chưa được sạch lắm. Mẹ chàng còn trang bị cho chàng lọ rửa tay khô mùi hoa quả nữa.
Sun thối đi vệ sinh thì người lớn hỗ trợ là chính vì nàng mới có gần 3 tuổi thôi. Cô nàng chỉ việc phát lệnh đái tồ và rặn ị thôi. Mỗi tội nàng lười ăn rau nên cứ đi vệ sinh là khóc. Gìơ nàng có cách ngôn: Sun ăn rau, ăn rau cho xinh, ăn rau cho khỏi táo bón :))
Đi bán máu 2 tăng, rước về nhà số sách gần gấp đôi số tuổi. Con dì mua tặng cháu được 2 quyển nhỏ tí ti này, vì đọc thấy cấp thiết với hai cháu quá. Sách đẹp, dễ thương, diễn đạt và minh họa dễ hiểu. Dì mê tít mắt <3 p="">Mong hai con poo pee đều đặn, dễ dàng. Người lớn cũng như các con thôi, ị tè đảm bảo hai tiêu chí đều đặn và dễ dàng là sức khỏe tốt lắm đấy nhé :)
So much love <3 p="">
P/s: hôm qua đi mua sách cũ, có một chị bán sách tên là NTH (sau mí biết H là tên chồng chị ấy) nhận ra mình, ban đầu mình nghĩ chị ấy nhầm mình với ai. Nhưng sau đó chị bảo chị biết em, em có một con mèo [Ôi, thế là chuẩn mẹ EMi ồi]. Đứng chọn sách thêm một lúc chị hỏi hôm nay em không cho bé nào đi à, mình bảo à em chưa có bé nào ạ, chị ấy bảo chị biết rồi, biết đấy là cháu em, cháu gọi là dì rồi... [huhuhu, đêm qua kể mí chiến hữu, ổng bảo: Hỏng hỏng, ngồi nhà chơi mí mèo mà trong nam ngoài bắc ai cũng biết xế lày, hỏng hỏng]