Tác giả : Nguyễn Vĩnh Nguyên
Thằng bé nhà tôi đã ăn hết hai tuýp kem đánh răng. Bạn đọc có thể hình dung tiến trình thế này:
Trong lúc tôi và nàng còn ngủ say [khoảng 4-5 giờ sáng gì đó] thì nó [thường nằm giữa] đã rúc dậy và bò ra khỏi đám chăn mền cuộn chặt ẩm iu mùi hôi khai của nước đái chính mình, rồi tự động bước xuống khỏi giường, đi chập chà chập chững về phía toilet, việc đầu tiên là tè thẳng vào bô dành riêng cho mình và tiếp theo là đứng rón chân lên kệ để bột giặt, thuốc tẩy, xà phòng tắm, dầu gội, bàn chải đánh răng, thuốc súc miệng, dao cạo râu…, từ tốn chọn lấy hai tuýp kem đánh răng, chế biến.
Cần xác định rõ ràng: thằng nhóc ăn chứ không phải bú kem đánh răng. Nó đã bước qua giai đoạn bú mớm ba năm một tháng hai mươi tám ngày.
Nó ăn theo cái cách thế khá sang trọng: lấy tuýp kem bạc hà của vợ tôi xuống, thận trọng vuốt dẹp để kem chảy đều cuộn theo hình tròn trên đĩa. Màu trắng sáng men sứ của chiếc đĩa làm nổi bật màu xanh ve của những đường kem mềm mại ngon mắt. Màu xanh trong, thơm the bạc hà đã làm cho nó khoan khoái biết chừng nào. Nhưng nó vẫn chưa vội vàng dùng ngay. Nó trải khăn ăn lên đùi và một khăn yếm đeo vào cổ để tránh thức ăn vương vấy lên cơ thể, áo quần.
Sau khi con mình bỏ sữa, tôi và nàng vẫn thường dạy cho nó những bài học nho nhỏ ví dụ như cách sắp xếp muỗng, nĩa cũng như ly chén trên bàn sao cho ngăn nắp và thẩm mỹ. Ví dụ như không nên để mũi đũa, muỗng chĩa về phía người ngồi phía đối diện trong bàn, đừng để chén nĩa va lanh canh khi ăn, phải biết ngậm miệng khi nhai thức ăn và không nên vừa nhai vừa nói loàm xoàm như thể tiểu nông xởi lởi, khi trò chuyện với người trong bàn vẫn giữ thế lưng thẳng và không được ngả ngớn, lúc để nhai phải tựa phần giữa của hai bắp tay lên bàn, ăn xong thì phải đặt nĩa và muỗng ngang trên miệng chén hay đĩa để ra dấu hiệu không dùng thêm… Những bài học đủ để có một bữa ăn lịch thiệp được nó quán triệt thong thả trong khi xịt hết mớ kem ở tuýp có vị bạc hà và tiếp theo là điểm chấm phá vài giọt kem tuýp còn lại màu lá cây có vị chè xanh thành những vòng tròn xanh chai tạo thành một đĩa thức ăn có gam màu hài hòa, khá hấp dẫn. Nó ngồi vào bàn và bắt đầu bữa ăn của mình trong vòng mười lăm phút. Hai chân xếp ngay ngắn vuông góc với đùi trên ghế. Mắt nhìn về phía trước. Lưng thẳng vừa đủ chạm nhẹ vào thành ghế. Và dĩ nhiên, không nói hay không nhóp nhép miệng khi nhai thức ăn. Cũng có thể không có người để trò chuyện, gây phân tán ý nghĩ hay phải đối phó với áp lực nào nên thằng bé một mình thực tập bài học khá tốt và tự nhiên như một nề nếp có sẵn.
Trong khi tôi và nàng quấn chặt nhau trong chăn hôi khai mùi nước đái trẻ nít thì thằng bé đang nghiêm trang dùng bữa. Nó mặc chiếc áo thun xanh có hình cá Nemo trước ngực (một nhân vật trong phim Finding Nemo của hãng Walt Disney từng đoạt giải Academy, được trẻ con rất chi yêu thích) và chiếc quần đùi nhiều túi dù chẳng bao giờ chúng tôi cho nó đựng gì bên trong. Nó phải luôn có cảm giác nhẹ nhàng không mang vác hay thói quen tàng trữ vốn là một loại tính cách đáng bài trừ của những trọc phú tiểu nông. Nàng luôn muốn nó trở thành một mẫu hình lịch lãm và có gu từ nhỏ đề bù đắp những gì mà nàng thất vọng ở tôi trong thời gian sống chung vợ chồng. Nhóc con sẽ là hình ảnh lý tưởng về đàn ông hiện đại mà chúng tôi không ngừng nhào nặn, chờ đợi.
Tôi cũng nghĩ, thời đại, thế hệ của mình qua rồi, tất cả chỉ để dành cho thế hệ mai sau. Cần vun đắp cho nó ngay từ những chuyện nho nhỏ như thể ngồi ăn, đi lại, tự chủ trong các công việc cá nhân. Nó phải thoát khỏi cái gốc gác chân lấm tay bùn của cha ông. Nó phải tách ra khỏi con số mấp mé 80% cư dân nông nghiệp ở quê hương mình. Nó phải là những công dân đô thị bước ra thế giới rộng lớn ngoài kia. Mọi thứ không thể ngẫu hứng mà là một cuộc đầu tư cân não, một cuộc trang bị đầy công phu.
Nhóc con không làm chúng tôi thất vọng. Nó thực tập tốt những bài học ấy và không một sự phản ứng chống lại. Nhưng đổi lại, vẻ mặt và ánh mắt lạnh khô của nó có khi làm cho tôi ngại ngần. Suốt nhiều ngày, nó cười gượng gạo và nhạt nhẽo. Những câu đòi hỏi hay phản ứng của nó trở nên sắc lạnh và logic đến không ngờ. Trong khi tôi lo ngại khả năng xúc cảm hồn nhiên của trẻ nhỏ biến mất ở con mình thì nàng lại vui. Tôi nói: - Hình như nó buồn. Nàng nói: - Không đâu. Nó đang tư duy cho tương lai mình. Tôi nói: - Tư duy? Nó già trước tuổi mất? Nàng nói: - Nó lớn trước tuổi càng tốt. Khối người già quá muộn mới gây nguy hiểm cho đời sống. Tôi tin nàng nói câu ấy không có ý xách mé tôi, nên cũng bằng mặt gật đầu.
Bấy giờ, khi nàng quặp chân lên bụng tôi và cố ý ẩy người cạ cựa kích thích hay nuông chiều một cơn khoái cảm bất ngờ nào đó thì tôi lại co rúm lại. Tôi thu tôi bé lại làm mưa tan giữa trời (Trịnh Công Sơn). Tôi bé nhỏ và yếu đuối trong giấc ngủ vào thời gian khoảng giữa đêm về sáng. Tôi nhẹ hẫng và không còn khả năng tự điều khiển hay hành động gì đáng giá. Tôi vặt vẹo còng co như một nhúm xương rã rời giữa chăn nệm và sự nồng nã của nàng.
Nhiều năm rồi, sự sung mãn đi vắng, thay vào đó là những triệu chứng ù lì và thụ động đón nhận mọi chuyện. Kể cả chuyện vợ chồng.
Trong khi nàng đang bọc lấy tôi trong một tấm chăn hôi mùi nước đái trẻ con thì thằng nhóc đang say sưa ăn món kem đánh răng tự biên tự diễn. Sự lịch thiệp trong bữa ăn nhanh lúc năm giờ sáng có thể là biểu hiện của một đời sống công nghiệp tăng tốc trong tương lai mà nó sẽ là chủ nhân có khả năng nắm bắt, thích nghi và sở hữu?
Nó bắt đầu thể hiện vẻ lịch thiệp của công dân sinh ra trong thời đại được giáo dục một cách kỹ lưỡng chỉnh chu từ khi vừa lọt lòng. Đó là một sản phẩm nhân cách hạn chế về tính ngẫu hứng và có thiên hướng lập trình. Trong khi chúng tôi mải mê ngáy bè trầm bè kép thì thằng bé chủ động cho thêm ít đường và bơ vào cho tăng vị ngọt, béo. Loại bơ này đảm bảo không gây triệu chứng béo phì. Chưa hết, loại đường cát chúng tôi dùng đảm bảo không có sự tham gia của chất hóa học. Nó bắt đầu một bữa ăn sáng sang trọng với một vẻ bình thản. Nó nhai và mắt nhìn về phía ghế đối diện như thể có ai đó đang quan sát từng động tác của nó. Nó gật gật đầu và chỉ tay vào chiếc đĩa, rồi lại gật đầu làm bộ điệu nhún vai tỏ ra sảng khoái, hứng thú với bữa ăn do mình tự chế biến.
Đêm trước, chúng tôi ngồi bàn với nhau về thực phẩm thừa chất béo hiện nay. Nàng nói, có thể khẩu phần thức ăn của con gần đây có vấn đề. Em thấy tay nó bắt đầu có ngấn, dấu hiệu của thừa mỡ. Tôi bảo, cũng có thể. Nhưng tháng rồi chúng ta chỉ cho nó uống sữa phát triển chỉ số IQ? Không. Nàng chống chế. Bây giờ ngay cả sữa IQ hay EQ cũng gây béo phì. Khi ấy, tôi chuyển kênh truyền hình và dừng lại ở một phóng sự về chế độ dinh dưỡng tại các nước đang phát triển và nguyên nhân dẫn đến cao huyết áp, tiểu đường ở người lớn tuổi hay sự phì nộn, giảm sút trí nhớ ở trẻ con, sự nghi ngại của phương Tây với thực phẩm có gốc gác Trung Quốc hay người Mỹ phát hiện trẻ con của họ đang lớn trước tuổi vì lạm dụng các sữa kích thích phát triển cảm xúc giới tính... Tôi không tài nào tập trung để ghi những thông tin ấy trọn vẹn và lưu vào đầu khi nàng cứ ra rả bên tai bài nói chuyện về chỉ số cảm xúc IQ, EQ rất cần cho một đứa trẻ như con mình và giải thích về sự lịch lãm được đào tạo căn cơ cho thế hệ của nó. Không như…
Thế hệ của chúng tôi đã qua rồi. Tôi khẳng định lại lần nữa như thế. Nhưng trong suốt năm, mười, hai mươi năm tới, tôi sẽ phải đợi sự trưởng thành của một lớp công dân mới hoàn toàn thoát khỏi cái vỏ làng xã nông thôn để bơi ra biển lớn? Liệu trong vòng năm, mười năm ấy, chẳng lẽ đời sống hẫng hụt và không diện mạo? Hay vẫn bình thường diễn ra như vốn có. Và mãi mãi ta gọi đó là cú nhích đốt cháy mọi tiến trình có tính quy luật tự nhiên? Nhiều đêm liền, tôi và nàng vẫn chong mắt xem chương trình thông tin y học trên TV và bàn bạc nên chọn loại sữa bột nào để bổ sung cho bữa ăn thằng bé ngày càng biếng ăn. Chúng ta nên chờ đợi chỉ số nào trong thang phát triển của thế hệ tương lai? IQ, EQ hay gì gì đó?- nàng băn khoăn.
Tôi không tài nào giải mã những điều băn khoăn của nàng một cách thỏa mãn. Tôi ôm về nhà cuốn sách Trí tuệ xúc cảm của Daniel Goleman, người nắm bắt nhu cầu kiếm tìm vai trò xúc cảm phản tỉnh trong xã hội Mỹ vốn chuộng lý tính từ những năm 1995. Mỗi ngày tôi sẽ đọc cho nàng nghe một chương về cấu trúc não bộ, sự đốt cháy và sử dụng năng lượng não bộ theo những thiên hướng nào hay làm sao để giáo dục xúc cảm, cách thức chuyển xúc cảm thành trí tuệ…
Có phải IQ tạo nên số phận? Hoàn toàn không giống như chúng ta thường nghĩ. Trong một thời gian dài, chỉ số IQ được dùng để tìm kiếm nhân tài vì người ta tin rằng người có IQ cao sẽ có xác suất thành công nhiều hơn người khác. Tuy vậy, một số nghiên cứu nghiêm túc của các nhà khoa học về EQ cho thấy rằng chỉ 25% số người thành công có chỉ số IQ cao hơn trung bình. Nghĩa là chỉ số IQ không giải thích được sự thành công vượt trội của 75% số người còn lại.
Trí tuệ (Intelligence) được đo bởi IQ- Intelligence Quotient. IQ đo lường khả năng trí lực, năng lực học hỏi, khả năng hiểu và xử lý tình huống, năng lực suy nghĩ logic, phản biện, sự nhạy bén trong suy nghĩ… trí thông minh có thể được đo tổng quát cho mọi lĩnh vực, nhưng thường được do theo từng lĩnh vực cụ thể.
Trí tuệ xúc cảm (Emotional Intelligence) được đo bởi chỉ số xúc cảm EQ- Emotional Quotient. EQ đo lường năng lực, khả năng hay kỹ năng của một người về việc cảm nhận, đánh giá và quản lý xúc cảm của bản thân, của người khác hay của một nhóm người…
Tôi dừng lại trầm ngâm. Nàng hỏi: - Chúng ta có nên xác định chuyên ngành hẹp cho con ngay bây giờ không anh? Anh là một nhà văn, đời sống chúng ta đã ra nông nỗi này, có lẽ nên định hướng con đi theo tin học hay kinh doanh… Kinh doanh vẫn là mẫu hình thành đạt hiện đại. Em muốn con mình là một doanh nhân như anh bạn trai cũ. Tôi chưa bao giờ thấy vợ mình nôn nóng đến tội nghiệp trong việc lập trình một tương lai cho thằng bé. Điều này làm tôi lo ngại về sự phát triển thiếu tự nhiên của nó. Nhưng với nàng, những điều tự nhiên, tự chủ nào có quan trọng gì. Chỉ cần nó OK mọi thứ. OK là thế nào thì không cần ai biết. Chúng tôi đồng sàng dị mộng từ khi thằng bé ra đời và nằm giữa. Nó vừa là cái gạch nối vừa là sự phân ly trong cách nghĩ. Đó là thực thể kết nối và cũng là nỗi chia cắt ghê gớm không thể diễn tả được giữa tôi với nàng.
Bấy giờ, con tôi vẫn ngồi dùng muỗng quết từng miếng kem đánh răng trắng pha xanh cho vào miệng. Đôi mắt nó nhìn vào cánh cửa sổ còn đóng kín. Ngoài kia, trời chỉ mới hừng sáng. Cây cối vật vờ múa trên cửa kính như những bóng ma. Nhưng thằng bé vẫn lạnh lùng. Nó là đứa trẻ thừa trí tuệ để điều khiển xúc cảm cần thiết để giữ bình tĩnh ăn hết đĩa kem tự túc chế biến.
Nàng vẫn quặp chặt tôi. Tôi luôn cảm giác mình bị chăm sóc trong tư thế quặp chặt như thế ngay cả khi tự do đi lại nhất. Tôi bị phong tỏa và mọi thứ xảy đến như một cơn cưỡng bức tưởng tức thời nhưng lại kéo dài miên man. Sự sung sướng chủ động tiếp nhận ít hơn khả năng phải xoay trở đối phó. Với nàng, tôi đã bị vắt kiệt, vô dụng từ lâu. Mọi gắn bó cũng chỉ là phản xạ quán tính.
Thằng bé vẫn ngồi ăn món kem trộn mùi bạc hà với vị chè xanh.
Khi trời hừng sáng, tôi trở mình và phát hiện vắng thằng bé và chỗ nàng nằm đã tràn nhập bong bóng nước nhầy thơm mùi bạc hà khá gắt. Chúng tôi lay nhau dậy và bước ra khỏi phòng. Một căn phòng mù mịt bị giăng kín bởi những bong bóng trắng, xanh đỏ phun ra từ chỗ con mình. Tôi phá đám bong bóng và dắt tay nàng bước về phía thằng bé đang ngồi gục trên bàn ăn trước một đĩa kem đã được vét sạch, muỗng nĩa xếp ngang trước mặt nó theo đúng phong cách dạ tiệc. Đầu và áo nó bết đầy bong bóng. Chúng tôi tự hỏi thứ bong bóng như bọt xà phòng này đã từ đâu bay đến? Chúng tôi đi về phía phòng tắm và tìm ra vỏ tuýp kem đánh răng đã được nặn sạch, vứt trong sọt rác. Bỗng nhiên nàng rú thất thanh khiến tôi hoảng loạn:
- Anh… Anh ơi… con mình thở ra bong bóng… Anh ơi… sao… con mình thở… bóng bóng bay ra từ mũi của con mình…
Chúng tôi hốt hoảng phủi sạch mớ bong bóng lạo xạo và phá toang những bọt kem the mùi bạc hà đóng váng trên đầu, mắt, mũi con trai và ôm chầm lấy lấy nó. Nó ngủ say. Những hơi thở hắt mùi bạc hà, chè xanh the khắt, thi thoảng, có một hai bong bóng nhẹ hẫng được thở bay lên liên tục, mỗi lúc một nhiều thêm, bủa vây khuôn mặt nó.
Nàng khóc lả khi bọt bong bóng nước còn vướng đầy trên những cửa sổ kính, bình hoa và bàn thờ. Chúng lấp lánh, phản chiếu vô số con mắt ngước nhìn, hoảng sợ của tôi và nàng. Những ánh mắt ấy như quay trở lại dọa nạt chúng tôi trong cái không gian chật chội bưng bít của căn phòng. Một số bong bóng nước khác còn bay lơ lửng trên không trung, chưa chịu vỡ tan.
Truyện ngắn này rút từ tập bản thảo Động vật trong thành phố (gồm13 truyện ngắn) của Nguyễn Vĩnh Nguyên sẽ xuất bản tại Việt Nam vào cuối tháng 08.2008.
Nguồn : Damau
------------- . ---------------- . ---------------
Đang chăm chú , thích thú với cô bé "Ô kìa" Maika - Cô bé từ trên trời rơi xuống
Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT