Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

26.4.24

ViLi - LQV: hai tâm hồn thơ tháng Tư




Khát được viết dàn trải trong khoảng tuổi 16-19 của ViLi - tuổi của những vọt trào, bộc vỡ, bật loé cảm xúc; con mắt nhìn mọi thứ là đôi con mắt ám tượng. Với tôi, thơ cần thế, từ những rạn vỡ khuôn thước tạo ra từ, nhịp, định hình thơ một cách thơ nhất. Đọc lại tập Khát, tôi như chạy lại lời thơ của cả album Nhật Thực [sáng tác Ngọc Đại trên ý thơ Vi Thuỳ Linh, ca sĩ Trần Thu Hà, hoà âm phối khí Đỗ Bảo (lúc ấy Đỗ Bảo vẫn đang học, hình như 17 tuổi Đỗ Bảo đã làm nghề rồi)], album không chỉ một bài hay một vài bài, ý thơ Vi Thuỳ Linh, mà tất cả, một tổng hoà của thơ nhạc [ViLi dùng chữ "liên tài"]


tập Đồng tử và ViLi in love được in song ngữ [trong đó ViLi in love song ngữ hoàn toàn]; ViLi là nhà thơ hiếm hoi có được nhiều ưu ái khi người dịch thơ là những tên tuổi lớn; Đồng tử song ngữ Việt - Pháp với dịch giả Dương Tường, Châu Diên và Cao Việt Dũng [lúc này anh Dũng có lẽ đang học ở Pháp]; ViLi in love song ngữ Việt - Anh với dịch giả: Dương Tường, Trịnh Lữ; ở ViLi tuỳ bút, bài viết giới thiệu của Vũ Khiêu do Uông Triều dịch, lời đầu sách ViLi viết do Nguyễn Chí Hoan dịch sang Anh ngữ


trong ViLi tuỳ bút bài tôi thích nhất và cảm nhận cá tính con người đời sống ViLi, không phải con người nghệ sĩ, rõ nhất là bài viết về Thời của đời yêu. Đây là tuỳ bút viết về Lưu Quang Vũ và mối tình với đối sánh tâm hồn thơ Vũ, hoạ sĩ Nguyễn Thị Hiền [con gái nhà văn Kim Lân, chị gái hoạ sĩ Thành Chương; người hoạ sĩ vẽ minh hoạ cho tập Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi; tôi giữ lại ảnh chụp bài viết, sẽ nhiều người cần, tôi để ảnh ở trên fb https://www.facebook.com/share/p/hGNnZr6zmKPrX5CJ/?mibextid=WC7FNe]; tôi từ chối nghe những ngôn tình LQV - XQ từ xưa vì tôi cảm nhận nó giả, thơ tình XQ đuội lắm, nó khác hẳn thơ LQV; sau này đọc Thời của đời yêu, ViLi viết, tôi nghĩ hoá ra đó là cái mình cảm nhận, ViLi nói về thơ XQ và có một ý này: "XQ không tự tin trong tình yêu, bà chỉ tự tin ở mảng thơ thiếu nhi" và [...], cả bài viết sẽ kể một câu chuyện về nhận định ấy; sau này nữa, một tiền bối kể với tôi, thì tôi hiểu; câu sau được lấy từ bài viết của tiền bối: "Rồi mọi chuyện kết thúc bằng cái chết. Kết thúc một lúc mấy kiếp người, nhưng cũng là kết thúc cả một tấn bi kịch chồng chéo. Cái chết oan nghiệt ấy, theo tôi, “dường như” là Thượng đế an bài cho Quỳnh, vào cái năm Quỳnh 47 tuổi ta, và Quỳnh đã mang được theo những gì quý giá nhất đời mình.

Còn Vũ, trước một chuyến đi không vé khứ hồi, nếu bảo chỉ được mang theo một, hai trong dăm bảy thứ quý giá nhất đời mình, thì ngoài thơ, chắc chắn, anh có thể chọn kịch, hoặc Mí đứa con nhỏ, hoặc thậm chí cô hay gã bạn nào đó, nhưng theo tôi, thực khó có thể là Quỳnh. Giờ đây nhiều năm sau nghĩ về bạn, tôi vẫn cho rằng, với một người như Vũ, “Yêu” không bao giờ là tội cả, dù nhiều dù ít, bởi họ đâu có lấy “yêu” để đạt tới một cái gì khác ngoài yêu" [Trần Hoàng Bách - BB của tôi]. Bác Bách [tôi hay gọi bác Bảo - Bảo Bảo] và ViLi có cùng cái nhìn về thứ quý giá nhất, chiếm vị trí tinh thần trong tâm hồn thơ Lưu Quang Vũ [trong câu chuyện của ViLi xuất hiện nhà văn Mạc Lân, là thày của bác Bách]; mà tôi nghĩ, con mắt nhìn ra điều này không ít, cái chết khép lại, cho phép người ta tưởng tượng các dấu vết và hư cấu chúng theo mọi góc nhìn khả thể


ps. 5 quyển trong ảnh gả đi Saigon, và sau chúng, tôi nghĩ mình muốn đi Cao Bằng một chuyến 

24.4.24

biết quá nhiều để sống được đến già




quyển 2 Thời hoang dã hay hơn quyển 1 Công lý thảo nguyên [ở đây https://www.facebook.com/share/Gzba5SuFmCjPCQBa/?mibextid=WC7FNe

]; nhưng phải đọc từ 1 để liên kết với nhiều chi tiết ở 2. Nếu quyển 1 tầm tầm vừa miệng ăn thì quyển 2 câu chuyện mở rộng và có khối lượng thông tin nhiều hơn hẳn; tính cách nhân vật cảnh sát trưởng Yeruldelgger cũng được làm bổi bật hơn - một nhân vật điều tra phá án điển hình bạo lực: hãy cảnh giác trước một kẻ tuyệt vọng, nhưng hãy run sợ trước một người đã vỡ mộng, nhất là một tay cớm đã vỡ mộng 


đọc Công lý thảo nguyên, tôi - một người quanh quẩn ở nhà, lại đi giải thích cho một đứa em đi du lịch Mông Cổ khi nó thắc mắc "bên ấy nhiều đồ ăn quán ăn Hàn Quốc lắm chị"; và vẫn với Ian Manook - một tác giả Pháp viết trinh thám chọn Mông Cổ làm bối cảnh ở quyển 2 này [đến quyển 2 này tôi mới thao tác nhìn bản đồ Mông Cổ ra xung quanh để hiểu cái được viết], tôi tiếp tục hứng thú với ý nghĩ: nếu một lúc nào đó có cơ hội, mình thực sự muốn sống trong một cái lều truyền thống của người Mông Cổ, ăn các món ăn truyền thống của họ [chắc trừ món thịt đầu dê, nhưng nhìn họ ăn nó thì tôi muốn nhìn]


ps. 2 quyển này của Ian Manook hình như độc giả trinh thám vn đón nhận lạnh nhạt, uổng quá ha ha ha


22.4.24

tào lao




giọng văn nông, khiến tổng thể cả 3 quyển đều có thể lấy tên Chuyện tào lao [tên cả 3 quyển đều chán, đặt tên cho con quan trọng lắm đấy], dù các câu chuyện không tệ hại đến mức không thể đọc nổi


hay lỗi do quá ít đọc văn học nước nhà; coi như đến lúc này, tôi chỉ còn giữ đúng ấn tượng với Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ - mà vốn dĩ ấn tượng ấy tôi giữ từ hồi còn học cấp 3, giữ vì muốn giữ ấn tượng của mình, chứ không phải vì tác phẩm


nay gả 3 quyển đi saigon


19.4.24

and them there were none




tôi thích cái tên gốc này hơn là Mười người da đen nhỏ, chính cái nhan đề tiếng Việt này đã làm tôi hồi bé cứ sợ đọc phải truyện nô lệ, chủ nô, đàn áp gì đấy. Tên tiếng Anh của nó, đúng tinh thần câu chuyện: rốt cuộc chẳng còn ai [sống sót], người ta chỉ thực sự được công nhận là vô tội ngay sau khi chết "lại thêm một người [đã chết] trong số chúng ta được công nhận là vô tội - nhưng lại quá muộn"; một vụ án quá kinh điển với người đọc trinh thám: 10 người ở một nơi tách biệt như địa điểm kín và từng người 1 chết, cứ sau mỗi cái chết thì người chết trở thành người vô tội, số còn lại nhìn nhau trong ngờ vực "hung thủ là một trong số chúng ta, nhưng là ai", rốt cuộc không còn ai sống sốt [hình như truyện tranh Conan cũng hay nhắc đến motif này, tôi nhớ hồi bé đọc thế thì phải] và vấn đề nó đặt ra: tội ác và sự trừng phạt, toà án ở đây không phải cái mà luật pháp con người dựng nên để xét xử kết tội, toà án tối cao ở mỗi người với sự hiện hữu của các Đấng [thật Dostoievski] - vấn đề này nhiều tác giả hiện đại đặt vấn đề hay, không khô cứng [như Thánh giá rỗng của Keigo, chẳng hạn, tiếc là Keigo quá lúa cao sản]. Dù sau này, là người thích đọc trinh thám, tôi cũng luôn né Agatha Christie [đọc 1 quyển lý giải sao ăn khách là được rồi; tôi gần như không đọc Sherlock Holmes của Conan Doyle], chỉ đọc duy nhất quyển Mười người da đen nhỏ, quyển sách vào nhà nằm trong 2 thùng sách được bạn cho, chứ cũng không phải do tôi chọn mua [hồi ấy tôi soạn ra quá nửa là tình cảm âu mỹ rồi tôi chuyển thẳng cho ai đấy ở hội thích truyện trinh thám, giờ tôi không nhớ nổi là ai, chi tiết chuyển cho sách kia tôi cũng chỉ mới nhớ ra gần đây]; lý do né là vì không thích văn và câu chuyện được kể thế này, nó quá lôi cuốn quá nhanh với những câu trần thuật đơn giản không lắt léo không gợi gì nhiều tưởng tượng, và đặc biệt là nó không cho phép tôi ở vai trò người đọc được khám phá sâu gốc rễ của mỗi nhân vật - điều mà tôi luôn thích khi đọc tiểu thuyết: con người và số phận trong vòng chuyển động làm người [tôi hợp Dostoievski là thế, dù như thế quá cứng, quá nam]


gần đây có đọc Plateforme của Michel Houellebecq, dưới nhan đề tiếng Việt: Chênh vênh, Houellebecq có vẻ rất hứng thú nhận xét The Hollow của Agatha Christie có bản dịch tiếng Việt: Thung lũng bất hạnh [có vẻ nxb Trẻ rất thích đặt tên tác phẩm khác đi khi chuyển ngữ, tôi thì thích 1 là dịch nếu có thể, 2 nếu thấy không dịch được hết tinh thần của tên thì để nguyên tên gốc, ai muốn hiểu, tò mò thì tự mà đọc :)))] làm bỗng dưng gần như không đọc Agatha Christie, tôi bỗng cũng nảy tò mò muốn có quyển Thung lũng kia trong nhà, đọc xem sao, nhưng từng đấy hôm mua sách tiki chả hiểu sao né mua dù được giá tốt, mà mua sách pass thì cũng nhìn hời hợt không tiện tay vợt :))) 


chiều nay gả quyển này cùng 1 quyển của Deaver cho một bạn cỡ tuổi đang năm mấy đại học 



17.4.24

ngừng làm mẹ




Ellie yêu dấu, một câu chuyện hay dù hơi dễ đoán; tâm lý các nhân vật cũng rơi vào mẫu chung tâm lý... điển hình của phụ nữ viết văn; mình thích tên gốc Then she was gone hơn, nó đúng tinh thần của câu chuyện


Ellie yêu dấu làm mình nghĩ đến một câu chuyện, vừa được bạn nhắc tên, Room. Truyện này được dựng thành phim [Ellie yêu dấu có được dựng thành phim không nhỉ, hồi lâu lắm thấy một người bạn điểm phim, cốt truyện của phim cũng nhang nhác Ellie yêu dấu]: 1 người đàn ông bắt cóc 1 cô bé trên đường đi học về, sau đó cũng sinh 1 đứa trẻ và nhờ kế hoạch 2 mẹ con cô bé vạch ra đứa trẻ trốn thoát được và cuối cùng người mẹ bị nhốt trong cái chòi cách âm sân sau nhà cũng được giải thoát etc. và phần lớn phim là việc cô bé cùng đứa con trở lại cuộc sống [mình không biết truyện thì có hay không vì hình như mình không đọc, cũng không nhớ là có đọc không], chỉ nhớ cô bé ấy sau khi được trở lại cuộc sống bình thường, nỗi đau của gia đình sau từng đó năm cô gái mất tích và khoảng cách giữa họ, mỗi người đối mặt với mất mát này một đau đớn riêng khác, giờ đây khi cô trở về, vẫn còn đó chỉ là nỗi đau thay đổi hình dạng, và cô bé có nói một câu mình rất nhớ, đại ý: nếu bố mẹ không dạy con trở thành người tốt, không bảo con nên giúp đỡ mọi người khi có thể thì có thể con đã không bị tên khốn ấy lừa rằng hắn bị mắc kẹt cần con giúp và như thế con cũng không bị bắt bị nhốt, đời con đã không thành đống phân như thế này etc. Ellie cũng cởi các nút xoắn như vậy, nếu không cần gia sư Toán, nếu thẳng thắn bày tỏ rằng mình không muốn đi cùng cô gia sư, không muốn uống cốc nước ép không muốn xử sự như một người lịch sự etc. thì... 



có đoạn mình thực sự xúc động là, khi bà mẹ Ellie gọi điện cho chồng cũ hỏi ông ấy rằng tại sao cô con gái Hanna [chị gái của Ellie] "lại ghét em, con bé luôn không vui khi gần em, nó cư xử như một cái hố rỗng khi có mặt em" và ông chồng cũ trả lời rằng con bé không ghét em, nó cảm thấy có lỗi, nó cần sự tha thứ vì nó đã không phải là Ellie yêu dấu của em, sau khi Ellie mất tích, con bé không chỉ mất em gái, nó còn mất cả mẹ vì em đã ngừng làm mẹ; chính cái cụm "ngừng làm mẹ" làm mình nấc lên ngay tức thì; nhân vật Hanna cũng là nhân vật mình thích trong quyển này [nhân vật mình thấy tiếc cho kết cục không đáng có là ông nhà toán học, một người như thế ngoài đời mà chọn kết cục vậy thì thấy đáng tiếc lắm]... vẫn là ý trên, giống trong Room; việc một thành viên gia đình mất tích nó gây ra cho mỗi thành viên ở lại một tâm trạng một đau đớn riêng mà dù vùng giảm chấn của mỗi người có được kéo giãn khác nhau thế nào thì tất cả họ cũng đều co cụm lại với đau đớn của riêng mình, họ tan vỡ các cách khác nhau, không thể hàn gắn như cũ; nỗi đau không biến mất theo thời gian, nó chỉ vẫn đơn giản là ở đó và thay đổi hình dạng


có một chi tiết, khi Ellie nói chuyện với Noelle trong căn phòng dưới tầng hầm, đại ý muốn thêm nhiều sách nữa... đầu óc của độc giả đọc trinh thám sẽ nghĩ: sẽ có gì đó được tuồn ra ngoài qua những quyển sách, dù không hy vọng gì mấy, thường những kẻ bắt cóc sẽ rất cẩn trọng kiểm tra các thứ trước khi đưa chúng ra khỏi nhà...; thế nên khi có chi tiết kết truyện là một bức thư của Ellie kẹp trong sách, nó là chi tiết dễ định hình, dễ đoán định cho một cái kết, chi tiết bức thư lấy nhiều cảm xúc, đặc biệt là câu cuối cô bé viết trong thư, cô viết trong thư như nhắn với các thành viên gia đình rằng: "họ không cần phải đau khổ về những gì đã xảy ra với tôi, bởi tôi rất can đảm, thông minh và mạnh mẽ", nó rất Then she was gone, cũng là một câu làm người ta hiểu Ellie mãi là Ellie yêu dấu trong lòng người mẹ và các thành viên trong gia đình, và thật đau đớn, chính vì thế cô bé bị nhắm đến, bị chọn làm nạn nhân [bởi hào quang cầu vồng của cô bé quá tuyệt vời, nó thôi thúc những đầu óc u mê tuyệt vọng làm điều xấu] 


đọc truyện trinh thám người ta quen với việc đào sâu vào xuất xứ của một người với bố mẹ như thế nào, gia đình ra sao, quá trình người đó lớn lên trường thành, sự biến trong đời là gì, đã tác động như thế nào... những năm tháng thơ ấu quan trọng lắm, một mái ấm một gia đình yêu thương chưa bao giờ là không quan trọng với sự hình thành một cá nhân. Ngoài đời cũng vậy, khi cần thực sự hiểu một người, cần thực sự điều tra về ai đó hay một vụ án, người ta thường tính đến xuất phát điểm của người đó. Đời người rất dễ lật nhào chỉ bởi họ đã trở thành người như thế nào kể từ thời khắc họ nhận thức rõ ràng mình được sinh ra và lớn lên trong một gia đình thế nào chung chứa những bí mật câu chuyện gì


hồi lâu có đọc một quyển trinh thám, đại để: cô vợ nói với chồng một quá khứ khác hẳn cuộc sống thực mà cô ấy đã trải qua, anh chồng từng đi tù vì ngộ sát, luôn thấy mình thực sự may mắn vì một người như vợ lại để mắt đến mình và chọn mình; trong các sở thích của vợ, anh luôn không lý giải được tại sao vợ mình đọc nhiều đến thế, trong nhà của họ có rất nhiều sách, cô ấy luôn luôn đọc và anh chưa thấy ai đọc nhiều như cô... mãi sau này anh hiểu, cuộc sống bình thường như mọi người là điều cô luôn ao ước, cô không có chúng nên cô thiếu thốn chúng khao khát chúng và đọc là cách để cô sống nhiều cuộc đời, mở các cánh cửa khác bước vào các thế giới khác, khác xa thế giới hiện thực mà cô sinh ra lớn lên và trải qua; đọc là một niềm an ủi và dù đọc có đưa cô đến chân trời nào thì nó cũng bình yên với cô hơn hiện thực cô trải qua. Poppy 9 tuổi và mẹ cô bé, Ellie 16/17 tuổi trong Ellie yêu dấu cũng nói: "chỉ có những câu chuyện trong sách mới là điều có thật trên thế giới này, mọi thứ còn lại chỉ là giấc mơ thôi". Đọc là hành động thực, là xếp-đặt-xây-đắp-dựng những thực tại riêng [và cả khả thể] mà qua nó người ta cảm nhận đó mới là hiện thực, thực tại, đời thực; đặt sách xuống, đóng sách lại giống như quay lại giấc mơ, thậm chí một cơn mộng ác


tóm lại thì tôi đang định viết gì đây, thôi hashtag cho kết [à, sáng mai gả quyển này đi, thấy bảo chủ mới là một bạn gái giọng miền Nam]


14.4.24

16 năm

 



khoảng giờ này, ngày này, 16 năm trước [M. tt_nt]

em vẫn đang giữ lời hứa sống tốt: đi nơi muốn đi, làm điều thích làm, không tự giết mình không nghiện không cải đạo... dù nhiều lúc nhìn trời mây mong được kết nối, như mấy ngày vừa rồi cuối mỗi ngày leo núi, hoàn thành một chặng đường, ngồi thong thả hong người khô mồ hôi, ngửa mặt nhìn trời mây ánh hoàng hôn trên mỗi cây rừng như để nói "em vẫn đang giữ lời hứa" mà buồn bật khóc ngay giữa rừng, không muốn tiếp tục giữ lời

10.4.24

nhạc khí




20 bài học điện ảnh là cuộc phỏng vấn của Laurent Tirard với 20 đạo diễn, mỗi đạo diễn sẽ đưa ra trải nghiệm, kinh nghiệm và lời chứng làm nghề của mình [mà ban đầu tham vọng của ông là 70 đạo diễn, 20 đạo diễn trong quyển sách này rất đơn giản chỉ là 20 người đầu tiên ông chộp được, xen được cái lịch gặp đạo diễn vào lịch làm việc dày đặc của họ]. Bản thân Tirard mang mong muốn trở thành nhà làm phim, chứ không phải nhà báo; rồi khi ra trường bôn ba mấy năm, ông lại làm công việc đọc kịch bản phim và đôi lúc viết về phim ảnh mà bố mẹ ông thường an ủi, đại ý: thôi thì không được làm phim, ta phê bình phim vậy; rồi rốt cuộc ông cũng được làm phim sau khi đã thực hiện một loạt phỏng vấn 20 đạo diễn in trên tạp chí, in thành sách... 


bỏ qua các kinh nghiệm về góc máy, cảnh quay, nhạc phim, cảnh đi trước tình tiết câu chuyện, cảm hứng cần được giữ thế nào trước mỗi cảnh quay trước mỗi ngày đến phim trường... tôi đặc biệt thích những kinh nghiệm về diễn viên của các đạo diễn. Phải nói luôn, với tôi, ngôn ngữ văn học bao giờ cũng nhỉnh hơn ngôn ngữ điện ảnh; tôi chỉ xem phim khi cần nhàn, và với tôi, xem phim tốn thời gian hơn đọc. Vậy nhưng, tôi vẫn thích những nội dung trò chuyện liên quan đến diễn viên của 20 đạo diễn được phỏng vấn trong tập sách. Bởi diễn viên là nhạc khí, có giới hạn và hiện thực của riêng họ nên sẽ có việc sửa kịch bản theo diễn viên chứ không phải ngược lại [đạo diễn nhìn vào mắt diễn viên, chỉ đạo diễn viên như huấn luyện viên với các vận động viên để vượt qua lối diễn xuất, diễn không diễn và diễn có diễn mang đến các giá trị rất khác nhau], diễn viên phải được ưu tiên, cái ưu tiên này sẽ cho diễn viên tự do sáng tạo [ngay cả khi họ không hiểu/không lý giải được điều họ làm] hay ít nhất là cảm giác tự do, từ đấy mà có ý tưởng riêng cho vai diễn [thi thoảng tôi xem video phỏng vấn diễn viên nổi tiếng, tôi thấy phần lớn các diễn viên có thành tựu diễn xuất đều có ý tưởng riêng và ý tưởng này cũng được đưa vào thử nghiệm bởi đạo diễn, kết quả ngon nghẻ cả] và tôi nghĩ, bài học chọn diễn viên nghịch vai luôn là bài học cho cả người làm nghề và người xem, sẽ thật chán nếu diễn viên đóng mãi một loại vai quen thuộc, tính sáng tạo người ta thui, không xuất thần nổi nữa và người xem thì cũng cùn mòn con mắt nhìn 


quyển sách này ở trong nhà từ 2010 thì phải, hay khoảng đó, mua trong dịp kỉ niệm bao nhiêu năm ngành in ấn xuất bản tổ chức ở triển lãm Giảng Võ. Hôm nay lên đường gả cao nguyên


9.4.24

không vướng mắc

 



Ông già Goriot [Lão Goriot] nằm trong phần 1: Khảo cứu phong tục, cảnh 1: Những cảnh đời tư trong Hí trường thế giới [Tấn trò đời, Tuồng đời]


phải đọc Ông già Goriot, một tác phẩm quan trọng trong Những cảnh đời tư, không hẳn vì nhân vật lão Goriot với tình yêu thương con đến lầm mà vì, nó vẽ ra cảnh nhà trọ bình dân đối diện với cuộc sống phòng khách hoa lệ phù phiếm giả trá của Paris; vì những nhân vật điển hình như Eugène de Rastignac có thuở bình minh làm quen với Paris ở đây - nhân vật này sau đó đã xuất hiện lại trong rất nhiều tác phẩm khác [và sinh viên y khoa Bianchon mà sau này là bác sĩ, như Những vinh nhục của César Birotteau], điển hình là Miếng da lừa, anh chàng này nhìn chung diễn tiến đúng tiến trình của một chàng thơ ngây thuở đầu choáng ngợp trước hoa lệ và từng bước đi vào đi lên các từng lầu khác, một con người tham vọng, kiên trì, không đến nỗi nào với bạn bè và các quý bà; cũng từ Ông già Goriot còn biết về đời tư của 2 cô con gái [và nhân tình của họ] 2 chàng rể của ông, cũng như người bà con của Rastignac - nữ tử tước de Beauséant; và một nhân vật tôi rất thích: Vautrin [Jacques Collin, và biệt danh, và tên khác nữa] 

...

cảnh tôi thích nhất ở Lão già Goriot là cảnh Vautrin bị bắt. Đây cũng là nhân vật, hiện tại trong những gì đọc của Balzac, tôi thích nhất, một kẻ không vướng mắc ảo tưởng con người, nhưng vướng ảo tưởng mắt quỷ; nhân vật này đại diện cho motif giao kèo với quỷ của Faust, hình như tôi hay thích những nhân vật như thế: tinh quái, hiểu sự đời, có vay có trả, biết mua chuộc nhưng cũng không hề kém tình cảm... thật ra còn thấy dễ chịu với con người này, có gì đó kẻ sĩ anh hùng, nói được làm được 


cảnh thấy trường đời nhất là cảnh vũ hội ở nhà nữ tử tước de Beauséant, tất cả những tình tiết nhỏ liên quan đến đêm vũ hội ấy, những con người đến dự họ đã chuẩn bị gì, đến vì lẽ gì, những gì diễn ra trước trong và ngay sau đêm vũ hội. Hãy nhớ ngay sau vũ hội nữ tử tước de Beauséant rời đi và vì sao rời đi, sẽ là một cái mốc để có ứng chiếu với các nhân vật mong được mời, mong được đến sự kiện này [như 2 cô con gái của ông Goriot, chẳng hạn]


cảnh buồn thảm nhất là cảnh ông già Goriot giãy chết, đây bao hàm cả đám ma của ông lão, một trong những cảnh quan tài huyệt mộ thảm nhất trong những gì tôi đọc [Cuốn sách không tên của Hồ Dzếnh chính thế làm tôi mất ngủ, không chỉ vì câu chuyện buồn, vô vọng bất lực]


trong ảnh tôi đọc quyển bên trái [quyển sách xb năm 1968, chất lượng sách vẫn còn rất tốt, phải cái không biết sao lại nhiều lỗi thế]; quyển bên phải dịch tóm tắt tác phẩm Lão Goriot, còn chủ yếu là các bài viết mang tính trường học bình giảng tác phẩm, có thể tham khảo được, nhưng nên kiểm chứng các bài viết về cái được nói đến đối xứng với toàn bộ vở kịch của Balzac dựng nên. Đọc Balzac tức là gắn liền với một thao tác: đọc lại [và tra cứu]; nên mới có thêm 2 quyển bên trên để giở giở giở tìm các chi tiết cần tìm, cần đánh dấu; chính thế nên chú thích trong các tác phẩm của Balzac rất cần thiết, càng chú thích cặn kẽ càng dễ trở lại, cũng vì lẽ này nên bản Những vinh nhục của César Birotteau, Mặc Đỗ dịch, do NN làm sẽ được dùng nhiều trong hành trình đọc Balzac


8.4.24

Poe - Maupassant




Horla và những truyện kỳ lạ khác, gồm 6 truyện ngắn điển hình của một Maupassant, Maupassant này hứng không ít Poe, mà Poe thì gây nhiều rãnh hằn lên các cây sau này, như Henry James [tôi lúc nào cũng muốn né H.J] hay H. P. Lovecraft, chẳng hạn; khi đọc 6 truyện ngắn này, tôi có cảm giác theo phả hệ Poe - Maupassant - Lovecraft thì Lovecraft gần một Maupassant này hơn Poe. Chắc người đọc nào đọc cũng sẽ nhận ra Poe ở đây, tôi làm vài thao tác và thấy ở mấy trang của các trường đại học có bài luận đặt Poe và Maupassant cùng nhau, đại ý hai nhân vật này là những "disturbed minds" của thế kỷ 19 [thấy phải đăng nhập tài khoản các thứ thì mới được download pdf về nên tôi lướt nhanh qua abstract rồi kéo thẳng đến reference [không mấy ngạc nhiên]; tôi cũng ngó vào trang nào đấy có vẻ giống diễn đàn, họ nói chuyện cũng hay, tuy có cái chưa chuẩn https://www.sffchronicles.com/threads/549837/


trong 6 truyện ngắn này, truyện Bàn tay bị lột da, Maupassant có một truyện tương tự tên Bàn tay, cũng bàn tay, bàn tay cũng bị lột da nhưng khô đét đen sì... nói chung làm người ta nghĩ đến một cuộc báo thù khốc liệt; truyện ngắn Bàn tay này được dịch trong tập Chuyện kể ban ngày ban đêm [Contes du jour et de la nuit]


truyện Nỗi sợ nhắc đích danh Flaubert, "câu chuyện mà Tourgueneff từng kể cho chúng tôi tại nhà Gustave Flaubert" [Tourgueneff này là anh em họ của Turgenev] và ở đây, tất nhiên xuất hiện một tên tuổi khác mà ai cũng nghĩ đến ngay từ đầu: Poe [mà Maupassant gọi Edgar Poe, cái chữ Allan thì ai từng đọc tiểu sử Poe sẽ biết chữ í ở đâu ra] và một nhân vật nữa, không hề lạ: Hoffmann [ai là độc giả của XBK, đến một lúc nào đấy sẽ hiểu đường xuất bản của XBK; nhân tiện Đốc tờ Heraclius Gloss là một truyện ngắn, hay novella cũng được, cuối cùng của Maupassant, xuất bản sau khi Maupassant qua đời. Sách được XBK in năm 2023, một novella của một Maupassant Horla hứng nhiều vọt trào Poe]. Ở truyện ngắn này, nỗi sợ là bệnh tả, là thứ vô hình, đầy đe doạ, như những ác thần cổ xưa [nghe Lovecraft nhỉ] 


các truyện trong tập truyện ngắn này đều được cho là sáng tác từ sớm 1875 đổ đi, trước khi sức khoẻ Maupassant suy yếu hẳn vào 1891 và nhiều người cho rằng những câu chuyện này được viết do chứng điên của Maupassant: nhân cách kép, hoang tưởng ảo giác, loạn thần, trầm cảm nhẹ etc. như Horla [1887], chẳng hạn - Horla là một từ mới của riêng Maupassant [đọc thêm chú thích tr96]; nghĩ vậy cũng có lý, khi mà cũng như Baudelaire, Maupassant không thoát bệnh giang mai, giang mai thần kinh thì ai mà biết được [Ai mà biết được là tên một truyện trong tập Horla] nhất là khi 1893 Maupassant mất, đang ở giai đoạn 3 của giang mai, đã ngấm quá sâu 


không biết người khác thế nào, giai đoạn cuối cấp 1 đến giữa cấp 2, tức lúc đã dậy thì, tôi bị độ 4-5 năm luôn có cảm giác một ai đó khác trong nhà, theo sau mình, tôi không chịu được những tủ những ngăn kéo những hộc tối hay những gì trong bóng tối, có những lúc tôi phải làm gì đấy người lớn sai phái, tôi chỉ có thể làm nó khi lưng dựa vào tường, chỉ có thể ở 1 mình khi đã đi khắp nhà mở hết các cánh cửa kiểm tra không có gì và bật hết đèn lên, đi ngủ thì phải nằm áp lưng vào tường và thường trốn ngủ, tôi thường đọc thâu đêm, sáng dậy quàng khăn đỏ cắp thẳng cặp xách chạy một mạch đến trường cho kịp giờ trước khi cổng trường đóng. Trò đùa dã man nhất là bị trùm chăn và siết chặt; ngay cả sau đó, những đêm phải trực bệnh viện, chạy đi các toà nhà lấy xét nghiệm các thứ, rồi phải chui vào thang máy... vẫn là ác mộng với tôi. Tới giờ, phải đi thang máy hay không gian kín vẫn gây cho tôi chút căng thẳng. 4-5 năm niên thiếu ấy qua đi và trở lại bình thường lúc nào tôi không rõ, nhưng chắc chắn tôi luôn nhớ về những nỗi sợ vô hình ngày ấy mà không biết phải nói với ai hay nói cách nào, cho đến lúc tôi gặp Poe :); đọc tập Horla của Maupassant, tôi thấy lại 


3.4.24

lạc




qua ngủ mơ thế nào trong khi mình nằm ngủ thì anh bạn thân ngồi hầu chuyện Thắng, balcony nhà đối diện có một người đàn ông mặc complet đứng nhìn chăm chú vào khung cảnh 3 người bên này; rồi khi mình đi ra khỏi nhà đến một trường học, ra là học ở trường quân sự thì biết, dở rồi, nhầm trường rồi, mình quẹo trái vào một ngôi trường khác, họ dạy tạo hình như búp bê, tượng etc. và lớp học đó một người bạn mình đang đứng nói về việc cho các tạo hình này một nét để tạo nên từng tính cách con người riêng, đúng lúc ấy có một cô gái sinh năm 95-96 tóc dài đen, trên cổ đang đeo một cái máy ảnh cơ, cô ấy có vẻ hứng thú với búp bê vải hơn là tượng nên nhấc máy lên chụp chụp chụp, chụp xong quay qua quàng tay ôm cổ mình thắm thiết nói nói cười cười thân tình như người tình; mình nghĩ: tình cảm thắm thiết quá nhưng mình không rung động chút nào


tỉnh dậy mình nghĩ: sao gái hay thích mình vậy, đến trong mơ gái cũng không buông tha; hôm nay sinh nhật anh bạn thân xuất hiện trong mơ, nhắn tin trêu tí; mình sẽ suy nghĩ về việc tại sao nhiều gái cứ thích mình trong cả vai trò mình là gái và mình là giai 🤦🏻‍♀️


thôi ăn cơm...

1.4.24

tell no one

 



lục hộc tủ ra 2 quyển trinh thám cũ, nhìn vậy mà tuổi đời cũng 15-16 năm 🙂 Harlan Coben được cái nhiều ý tưởng, twist bện hơi chặt nên chóng mặt độc giả. Hai quyển trong ảnh chung nhau motif những người được cho là đã chết bỗng sờ sờ hiện ra trước mắt [nếu có thể ước được điều ấy, tôi sẵn lòng...]


ps. hình như đợt lâu lâu cho ai Người hùng trở lại rồi í nhỉ

28.3.24








đây là một trong những quyển picture book mình thích nhất của NN. Nay trước khi gả đi chủ mới, ngồi đọc lại, vẫn hay như hôm nào. Mình tìm lại ghi chép 2015 về nó, hoá ra mình vẫn như ngày nào, với ý nghĩ: mình mà là nhân vật nhà thám hiểm trong truyện thì đợi đấy mình quay về gặp người văn minh, 1. vẫn ở xứ người khổng lồ, 2. quay lại hoà mình với tộc người Ngoã thích chặt đầu kẻ lạ, 3. hoà ngay vào những người sống du mục... chứ không có chuyện quay về người văn minh rồi viết sách rồi công bố, diễn thuyết khoa học etc. rồi chả được cái nước nôi gì ngoài kết cục khốc hại cho vùng đất mình thám hiểm


và cũng như nhiều nhà văn viết về những tộc người, những vùng đất nguyên sơ... họ phần lớn đều là, hoặc trở thành thuỷ thủ. Nhân vật chính trong Những người khổng lồ cuối cùng, sau khi nhận kết cục nước đi sai của mình, ông ta cũng trở thành một thuỷ thủ làm bạn với đại dương


ps. việc pass sách kéo theo việc mỗi quyển sách ra khỏi nhà lại tốn ít thời gian đọc lại, tua lại :); tài là, hôm nay đã ngày thứ 3 ở các nhóm hội mua bán trao đổi sách rồi, nhưng chưa vợt được quyển nào vì 1. không quan tâm, 2. đều đã có, 3. đã đang có còn đang muốn đẩy... trong khi sách mình pass thì đi được từng chồng lớn nhỏ mà mình thì chửa mua được quyển nào, hơi ngứa ngáy tay chân. Hôm vào nhóm hội nào đấy, phải trả lời câu hỏi nêu một vài quyển sách muốn mua, lúc í ngồi chả nghĩ ra quyển gì, gõ câu trả lời: hoàn toàn không biết :))) gõ xong tự buồn cười vì ngay sau đó là câu hỏi muốn bán sách gì thì mình trả lời: rất nhiều không kể hết :)))

23.3.24

Josef Capek

 









Josef Capek là anh trai của Karel Capek. Tìm hiểu đi, oách lắm đấy


tôi đọc quyển truyện mà tưởng như viết lại những trò tôi và bọn lít nhít 2-8 tuổi hay chơi. Capek cũng biến mình thành một nhân vật trong Chuyện kể về Cún và Miu - một nhân vật nhà văn đang bị sếp ở phòng biên tập gí cho nhiệm vụ viết chuyện vui về chó mèo cho trẻ em đọc dịp Giáng Sinh. Các tranh minh hoạ cũng do Josef vẽ


nay đang đọc dở đến trang Cún ăn nhầm xà phòng cọ nhà của Miu thì nhớ ra chưa cho con emi uống thuốc giun. Thất bại hoàn toàn, mọi lần uống dễ lắm mà nay nó phản ứng dữ, toi 2 viên thuốc giun nhão nhoét chả làm cách nào chui bụng emi được 



nghề chơi






đọc Balzac không nhiều [làm sao mà đủ nhiều được] để đưa ra nhận định về tính chất thần bí kì ảo trong các tác phẩm của Balzac, ở đây là Miếng da lừa: giao kèo với quỷ, hễ mong ước điều gì thì được như ý điều ấy và miếng da co lại, hễ co hết thì người phải chết [là co lại; trong Tristram Shandy, Laurence Sterne cho nhân vật phát biểu ý kiến về đời sống con người, lấy gậy vạch lên cát một đường ngoằn ngoèo từ trên xuống; còn Balzac vẽ một đường ngoằn ngoèo hơn và chạy ngang chứ không dọc "trong tiểu thuyết, đời sống con người được diễn tả như tấn kịch, nó ngoằn ngoèo, lượn quanh và uốn khúc" (câu này Trung Đức dịch, đọc thấy ngay không đủ quái, "tấn kịch" "lượn" "uốn"), và lấy đó thay đề từ, mở hình gần cuối Miếng da lừa của XBK]. Điều lạ là Balzac hiện thực, chủ đề xuyên suốt là mối quan hệ nguyên nhân-kết quả [Miếng da lừa thuộc phần tiểu thuyết triết học luân lý]; thế giới bourgeois, tiền tiền tiền; những kiểu mẫu các thứ người [các nhân vật luôn hiện ra ngay từ đầu từ dáng người khuôn mặt tóc tai nước da cử chỉ etc., diễn tiến câu chuyện chỉ để tiếp tục vẽ cho phong phú đủ nét về nhân vật và khớp chúng lại thành kiểu mẫu thứ người, như là cái đôi con mắt đó thì ứng với người thế nào và người thế nào thì đi cùng đôi con mắt đó...; thậm chí con người đó ứng với thứ bệnh nào, hay là, thứ bệnh này hẳn sẽ chọn gửi vào con người nào...]... vậy mà ở Miếng da lừa lại mang thần bí kỳ ảo, dù nó chỉ là công cụ để đi đến chủ đề nguyên nhân-kết quả: dục vọng và kết quả tán ra từ cái dục vọng ấy [NVV khi nói tới dục vọng, từng quy nó thuộc về chuyện tình dục; chính thế] và bức tranh toàn cảnh xã hội [như câu kết "Phê-đô-ra ấy là cái tượng hình xã hội ta đó"]. Về cơ bản mỗi người có một định lượng nhất định, tất nhiên không công bằng, nếu công bằng thì không có Thượng Đế [theo nghĩa công bằng chằn chặn], và nếu không biết giáo dục cái muốn của mình thì rất kinh khủng; muốn gì được nấy là giao kèo của quỷ mời rất ngọt [giao kèo nào cũng là canh bạc khốc hại, người ta vẫn hay nhắc đến Faust, giờ thêm Raphael của Balzac nữa] và tai hại làm sao người ta chúc nhau "vạn sự như ý", "cầu được ước thấy" 


nhưng đời mà, đời là nghề chơi, đốt cho bằng hết, nó đặt ra cho người ta cái giao kèo: muốn nhiều đạt nhiều sống ngắn [một thời người ta hiểu theo nghĩa, đấy là cá tính, là phong cách sống, thà vụt sáng rồi tắt còn hơn le lói trăm năm... đại loại thế, sống một cách thái quá cho nó thoả một đời]; hay, khôn ngoan trong cái muốn của mình bởi không gì tàn phá kinh khủng bằng cái muốn mà được thoả thuê. Ước và được, muốn và có thể. Ra-phần chính là người viết quyển sách luận về lòng quyết muốn [lại muốn; 1 tên khác NVV dùng là Nguyên lý cái chí ý người ta], luận về ý chí đấy, và cũng là người giống Balzac lúc trẻ, ở thuê phòng trên thượng lương và lênh đênh với nghiệp sách vở bút nghiên, thích nhìn vào chốn phồn hoa những con người lấy tiền làm thần thờ...


ở Miếng da lừa tôi thích mấy [trường] đoạn: đoạn Ra-phần nhận được khoản thừa kế ngay sau bữa tiệc thoả thuê tơi bời, vẻ mặt nom thấy cái chết khi miếng da lừa co lại so với nét bút vạch ra trước đấy; đoạn Ra-phần gặp ông lão hàng đồ cổ ở rạp xem hát, một đoạn hình ảnh nhiều màu sắc đoạ địa ngục; đoạn Ra-phần đi gặp các nhà khoa học để tìm cách làm miếng da lừa giãn nở ra, mà qua đó các nhà khoa học đưa ra kết luận, tôi rất thích 2 câu của 2 nhà khoa học, một người nói: từ đây ta chịu rằng có ma quỷ, một người nói: xin chịu rằng có Thiên Chúa [chính thế, ma quỷ và Thiên Chúa, địa ngục và thiên đàng, phải như thế, sự sặc sỡ của thế giới]; và đoạn cuối cái chết của Ra-phần, đọc đoạn này da người có phần co lại đẩy lông dựng lên, rợn tóc gáy [nhưng tôi vẫn không hiểu được, tôi hiểu là khi người ta không có người ta tuyệt vọng thì muốn chết và có lẽ không sợ chết mà sợ sống, rồi khi người ta được thoả muốn thì người ta mong sống để hưởng cái thoả ấy và người ta sợ chết sợ nom thấy cái chết, tôi hiểu đấy là lẽ thường nhưng mà tôi vẫn không hiểu được tại sao đã biết luật chơi canh bạc là như thế rồi, đồng ý chơi rồi mà còn lấy làm hãi, tôi cũng biết chết thì không khốc hại bằng việc nom thấy cái chết chết từ từ, nhưng dám chơi dám chịu, sao con người ta lại thế; tôi không hiểu sao con người ta lại thế, một cái mình rất rất muốn thì hẳn mình ngán gì đánh đổi đâu; đến đây thì lại quay lại chuyện, một cách duy lý phải khôn ngoan minh mẫn nghi hoặc cái muốn của mình, nhưng mà rất rất muốn thì... dẫu có trái ý trời]


bản dịch của Trung Đức dịch đủ các đoạn Nguyễn Văn Vĩnh bỏ câu không dịch [các đoạn ngắn thôi, không ảnh hưởng cốt truyện]; nhưng TĐ dịch không sắc thái, không tinh dù đủ, về độ dài, có thể dài hơn nhưng đọc lại nhanh vì ít phải dừng nghĩ; còn bản dịch NVV thì, có những câu nhất định chỉ có NVV mới có thể làm ra, một giọng đanh chua không thể nghĩ có người có thể dịch tóm được thế; sự tinh quái trong dịch Balzac của NVV chính do NVV nhìn vào con mắt nhìn người của Balzac và xoáy vào hiện thực ấy. Theo một nhận định thì khi nhìn vào Balzac được dịch ở Vn, có 3 cái tên: Miếng da lừa, Nguyễn Văn Vĩnh dịch; Những vinh nhục của César Birotteau, Mặc Đỗ dịch [một tác phẩm về thế giới bourgeois điển hình, hãy đọc cẩn thận và lưu ý các chú thích ở bản NN làm]; Bông huệ trong thung, Vũ Đình Liên dịch [rất nhiều chi tiết cuộc đời Balzac ở đây, một bản dịch Balzac mềm, tình cảm, lãng mạn rất Bông huệ trong thung, khi nghĩ đến Balzac tôi lại hay nghĩ đến mềm và lỏng, nhưng bản tôi đọc là 2003 văn bản bị làm cẩu thả kinh khủng, đọc như cơm gạo ngon trộn nhiều sạn, đến tên dịch giả cũng bị thành Vũ Đình Liêm], đó là gợi ý mở cánh cửa bước vào Hí trường thế giới Balzac. Ý nghĩ về mục tiêu cố gắng đừng bỏ cuộc, sống đủ lâu để đọc được hết tất tật của Balzac và nếu lại được dịch ở vn là một ý nghĩ quái gở kép của tôi vì nghĩ gì lại nghĩ sống lâu [sống mệt mỏi bất tiện lắm] rồi lại còn muốn lắm [lại muốn :))))] nhưng ý nghĩ ấy thực hạnh phúc [còn thì nếu mà có miếng da lừa, tất là tôi sẽ dùng nó để hồi sinh người tôi yêu (lại ý nghĩ quái gở tiếp); nhưng chẳng phải chỉ có 'tình' mới sai khiến con người ta gớm ghê đến thế hay sao]


sau đây, tiếp tục là Lão Goriot, vì một nhân vật điển hình ở Miếng da lừa đã tiếp tục ở Lão Goriot [hơi ngược tuyến tính thời gian, về xuất phát điểm của nhân vật í, dẫu Miếng da lừa được viết trước Lão Goriot khoảng 3-4 năm, tôi nhớ thế]. Nhưng tôi phải nghỉ tí đã, đọc không mệt mà làm sao cho đầu nó nghỉ đừng viết nữa nó mới mệt, nhất là viết các ghi chú tác giả dài như Balzac [lần nào cũng dở khi viết ghi chú vào khoảng giờ nằm trên giường vì càng viết càng tỉnh, sau khổ cho giấc ngủ]


dưới đây là ghi chú được tạo 6 năm trước, tôi dán đây để tôi tìm cho tiện và xoá bớt ghi chú đi, giở lại Miếng da lừa cũng là vì muốn xoá bớt ghi chú trong đt 


Balzac [I]

1. thế giới bourgeois

- chủ đề xuyên suốt tư tưởng của Balzac: nguyên nhân và kết quả; không có gì xảy tới một cách bình thường cho những người leo từ từng lầu này lên một từng lầu xã hội khác, cơn điên chạy theo bả phù hoa

- giải thích sự khác biệt giữa giới thượng lưu và giới trưởng giả còn khó hơn những cố gắng của giới trưởng giả để lấp liếm sự khác biệt đó

- về hình thức cử chỉ: phụ nữ thanh mảnh hay phốp pháp ntn [Bông huệ]; váy áo [các bà các cô đi đến chỗ ko phải mình thì rườm rà váy áo xúng xính còn ng thuộc thế giới đó thì rất đơn giản]; về những cử chỉ: kiễng chân khi nói lời đắc ý...; dáng đi thể hiện người có lực mạnh hay không [chi tiết này cũng có ở Bông huệ trong thung]

- Balzac - Walter Scott - Fenimore Cooper - Moliere - Perrault


thôi có gì mai sửa lỗi typo, đi ngủ, đã lại hơn 1h sáng, nghĩ nó chán 

22.3.24

nếu




cuối tháng 9 và giờ là cuối tháng 3, khoảng ngắn so với 5 năm qua, lại càng ngắn so với 12 năm đằng đẵng, thế nhưng lại có thể gặp M. trong mơ


đêm qua trăm ngàn thư viết cho M. đều đồng loạt xuất hiện lại thành từng khuông trải dài trên một cái sân màu cement và người đi đường ngang qua dừng lại đọc ngẫu hứng; tú cũng vậy, tú dừng lại đọc và nhận ra đấy là của mình viết cho một người mà giờ đây có lẽ chỉ có thể ngẩng nhìn trời cao mong tìm sợi kết nối hữu hình


khi về tới nhà là căn nhà hiện nay, không phải căn nhà 2 tầng ở đất này hồi bé, tú lạc vào một căn phòng nhìn thấy M. ngồi bên bàn cùng một kẻ thân người đầu thú gai góc nhớt nhát, kẻ ấy canh một cái điện thoại có 2 đầu gắn loa, hắn nói với tú rất mừng rỡ thân tình man trá và tú tin là mình sẽ được nói chuyện với M. đang ngồi ngay trước mắt, nhưng khi kẻ đầu thú kia nhường đầu dây điện thoại cho M., tú nói gì thì cũng đáp lại tú là im lặng, M. không còn nói gì với tú nữa hay M. không thể nói, chỉ có im lặng


tú vẫn kiên nhẫn áp điện thoại vào tai và kiên nhẫn nói với M. nhưng nhìn M. chỉ thấy anh ngồi nhìn tú hiền dịu mà không nói. Cửa sổ nơi để đàn piano mưa to gió tạt rụng từng bông lăng tiêu đậu lại cùng nước mưa nơi phím đàn, các giá sách đổ sập xuống... tú buông điện thoại chợt nhận ra anh không thể nói vì không thể nói 


tỉnh dậy nằm khóc cả sáng, nếu có miếng da lừa thì chỉ cần điều mong ước ấy được toại, giao kèo gì cũng nhận, chỉ cần gặp lại nhau một lần nữa. Nói kẻ khác đời ngắn sao lại rước lấy những sầu dài và ví người ta như người còn thở đáng phải mang cất mả thì mình giống một thây ma biết thở biết khóc cười suy nghĩ sau khi trở về từ cơn mơ. Giao kèo gì cũng nhận

19.3.24

tay lựa nên xoang




NVV dịch: "hay là những giọng trong hát đi hát lại mấy câu tay lựa nên xoang"


chú thích để nguyên văn vì, người ta dễ dàng tra từ điển dịch, đại ý: với âm sắc phong phú cô hát những khúc tình ca duyên dáng tự sáng tác một cách dễ dàng


TĐ dịch: "hay bằng cái giọng giàu âm sắc nàng hát những khúc tình ca duyên dáng mà nàng tự soạn lấy dễ dàng"



nhưng tại sao cần đọc bản NVV, rất ngắc ngứ trong văn và đoán hiểu nghĩa các từ từ lâu lắm rồi. Vì lẩy Kiều quá tài: "tay lựa nên xoang", không thể nào hơn được nữa, mà như thế thì chữ quốc ngữ, tiếng Việt thân yêu mới được nhìn nhận theo dòng lịch sử 

["cung thương làu bậc ngũ âm

nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương

khúc nhà tay lựa nên xoang

một thiên bạc mệnh lại càng não nhân"]

[TK - ND]

17.3.24

tội tuyệt vọng




trong một cơn chán người gần đây, tôi bắt đầu chấp nhận việc mình không có khả năng chung sống cùng bất cứ ai là một khiếm khuyết mang tính bẩm sinh, nói bẩm sinh vì như thế cho đỡ phải hy vọng khắc phục, mà sao phải khắc phục mà hy vọng. Tôi như kẻ mắc tội tuyệt vọng, không chịu được cuộc đời xã hội con người tất tật, kể cả tôi, làm sao cho hết hiện tại cho hết những thứ đã nhớ đã xảy ra, làm sao xoá cho bằng hết, cũng chẳng thấy tương lai có vấn đề gì dẫu nó có xảy ra hay diễn biến thế nào tôi cũng không quan tâm


mà như thế thì chỉ có 2 người tôi nghĩ khi đọc, tôi tìm được cảm giác chúng tôi nói với nhau qua việc tôi đọc thứ họ viết để tôi được đọc tiểu thuyết đời mình do kẻ khác viết ra, tôi được đọc cái mà chính mình muốn thảy ra nhưng không có năng lực thảy và đồng thời sống một cuộc đời khả thể do vai trò người đọc mang đến. Chính là, Céline và Michel Houellebecq. Ở nhà ngoài Hạt cơ bản và Bản đồ và vùng đất đã đọc, tôi chỉ có Chênh vênh nên tôi đọc [và lạ là không tìm thấy bài viết hồi đọc Bản đồ và vùng đất; Hạt cơ bản năm 2008 thì khả năng đã mất do không chuyển yahoo 360, còn Bản đồ và vùng đất là đầu 2012 thì về lý mà nói, tìm là thấy, nhưng tài là tìm không thấy]. Plateforme [platform - bản tiếng Anh] sao lại được đặt cái tên là Chênh vênh. Vẫn phong cách của Houellebecq, nhân vật nam luôn vật vờ và ở tình thế ấy trong thời đại đi lại dễ của thế kỷ 21, chủ đề không thể hợp lý hơn: đi [du lịch xê dịch] và tình dục; nói gì đến ở đây là du lịch tình dục [tôi định dùng ở đây: đi và phóng/thoát/xuất... nhưng tôi vẫn chưa thấy đúng cái tôi muốn nhắm đến, nên thôi dừng không nghĩ, nghĩ nhiều tí khó ngủ]. Tôi vẫn hay nói với mấy bạn tôi thân thiết rằng, kiếp sau tôi làm đàn ông, tôi thích mấy anh em đi du lịch các nước và đến nước nào là phải cùng nhau đi chơi gái ở nước đó; tôi nói hoàn toàn tích cực và nâng niu phụ nữ, đừng nghĩ gì nhiều, ở giới nào tôi cũng nghĩ làm gái chỉ là một lựa chọn công việc, nên đi chơi gái thì cũng là tôi dùng dịch vụ cuộc sống và tôi thì chắc chắn là hơi bị lịch sự nếu được làm đàn ông đi du lịch tình dục [chắc chắn tôi sẽ hỏi mấy câu thông thường như để cảm ơn, tôi thấy những người phụ nữ ấy họ mang đến sự an ủi lớn cho đàn ông, là niềm an ủi cho cuộc đời bất tiện nhiều ràng buộc này, và tôi sẽ boa hơi bị hậu]. Tại sao lại nói nếu là đàn ông thì tôi sẽ như thế; vì đàn ông thì ham chơi, yếu lòng, dễ lạc lối không phương hướng, chán ngán vô cớ [thật là trẻ thơ] ngay cả trong chính tầng nền/nền móng của mình, như các nhân vật của Houellebecq thôi [viết đến đây thấy những tên Hạt cơ bản, Bản đồ và vùng đất, Plateforme (Platform) nó quá căn cốt quá con người]; mà như thế thì du lịch và tình dục gộp thành du lịch tình dục chẳng phải rất hợp lý hay sao; nó là chuyện, đi và giải phóng người ta khỏi những cơn chán tất tật ngày một nhiều hơn thành triền miên chán ngán khó ở vô nghĩa, và như thế thì điểm đến chẳng khác nào một bể shit chung, trết ngập trong shit. Có một lần tôi nói với một cô gái về một chàng trai bạn chung; tôi nói lúc nào nhìn cậu ta cũng buồn buồn của trống rỗng cô đơn gắng sức dù cậu ta hay cười và tỏ ra ổn, chị nghĩ cậu í chắc phải lấy sex làm niềm an ủi chứ ngay cả lúc chơi nhạc cụ nhìn hàm cậu ấy nghiến và nó thay đổi trạng thái rất nhanh giữa lúc lạc nơi nào đấy 1 mình và phải hoà vào không khí đám đông, trạng thái í đổi đơn giản như là đặt chân lên tàu cao tốc và tàu phóng đi mà ta không nhận biết ta không cảm giác gì, nó khiến chị rất muốn lại gần nó vỗ về an ủi; con bé nghe tôi nói xong bóc bài luôn: ôi dồi chị ơi, chị không biết thôi, ngủ với nhiều em lắm, ngoại tình công khai luôn không biết giữ ý, ch*** suốt thế thì chả trống với rỗng; tôi nghe vậy chỉ cười xoè với con bé, tôi lại thấy tôi gần thằng bé kia hơn


vẫn như 2 quyển trước đọc Houellebecq, dày đặc chương trình tivi, báo chí, sex và có gì đấy rất bạo lực đã được đánh trống lảng đi [cảm giác này rất giống đọc Céline]; và ở Plateforme [Platform] Houellebecq đọc Auguste Comte. Người dịch đã rất cố gắng dịch ra chất tình dục phơi lồ lộ của Houellebecq; nhưng quan trọng là cái tên Plateforme [Platform] bị thành Chênh vênh, quá vênh, càng sau càng chênh càng vênh, không ra được chất uất, khó ở nhưng xem nhẹ mọi sự đến mức thành thực của Houellebecq; sách có khoảng 20 lỗi văn bản, tôi rất dễ tính, nhưng lúc khó ở thì tôi hay thò bút gạch chứ khoảng 380 trang thì tỉ lệ lỗi văn bản í là bình thường; và ở text bìa sau, nhân vật Michel [cũng tên Michel, cũng sinh nhật tháng 2 như Michel Houellebecq] không ngoại ngũ tuần như text viết [4 là tứ, không phải ngũ; vẫn câu cũ của chiến hữu: đã không biết số la mã lại còn thích dùng hệ la mã, thì ở đây...]


có bài hát gì mà có câu: hôn em ôm em cho nát chênh vênh à; lần đầu tiên nhìn thấy tên sách Chênh vênh, tôi hát luôn câu kia với ý nghĩ hôn em ôm em cho nát chênh vênh à, hay hôn em ôm em sao nát chênh vênh; sorry



tội lý trí

 




houellebecq luôn chọn chủ đề tình dục là một trong những gì nhắm đến cho các tiểu thuyết của mình; người đọc cũng bị ám ảnh bởi nó, cứ mỗi khi nghĩ mình cầm một quyển của houellebecq lên, người ta thường biết, người ta chuẩn bị có những pha nồm người; nhưng đó là một cách hay houellebecq đi và lôi kéo người đọc đi, đơn giản là phơi bày sự trần trụi, tôi và các người cũng như nhau cả thôi, chỉ là con người, vậy cứ nói cứ làm cứ sống đi, úp mở làm gì. Hết sức thành thực ngay cả khi sự thành thực ấy để che đi cái diễn cái đôi chút bối rối trước hiện thực thì nó cũng hết sức thành thực của làm bừa, đến đâu hay đó, bỏ qua lý trí


con người hiện đại mắc tội lý trí, tội ý thức, đồng thời, tội vô tri phi lý trí; chung quy cũng vì quá khôn [nên ngu], nghĩ quá nhiều


hôm qua trong giấc mơ, một cô gái tôi cảm thấy rất quen và ngưỡng mộ, cảm giác của tôi về cô ấy là như thế, tôi thậm chí không biết cô, đến lúc này nhắm mắt lại tôi cũng không biết cô. Cô ấy viết và nói với tôi một từ: bây giờ

13.3.24

đói




mình tưởng quyển Ăn ít để khoẻ cùng tác giả với Ngủ ít vẫn khoẻ, hoá ra không phải, đọc thấy cách trình bày tư duy khác nhau mới quay lại nhìn tên tác giả, ra là 2 vị bác sĩ khác nhau, quyển Ăn là bs ngoại khoa nhũ tuyến còn quyển Ngủ là ts y học, bs thuộc hội các nhà khoa học nghiên cứu giấc ngủ con người [nhưng tôi không theo quan điểm khoa học ngủ 5 tiếng đêm/ngày đâu]


điều cần chú ý ở các dòng sách chăm sóc sức khoẻ là, không phải sách nói gì cũng đúng, phải biết nghi ngờ, phải kiểm chứng và thử áp dụng rồi lắng nghe cơ thể mình trước khi quyết định theo đuổi lâu dài


tên sách nói lên tất cả, và thường ai cũng biết ăn ít sẽ khoẻ hơn trong thời đại này, nhưng để 1 bữa/ngày thì phải cân nhắc vì để đến 1 bữa/ngày phải có lộ trình, phải cân nhắc dinh dưỡng; nếu không rất dễ sỏi gan mật sỏi thận, dạ dày, suy nhược cơ thể etc. nhưng những điều tác giả nói có điều rất đáng để tâm, như trên tôi có nói: không phải sách nói gì cũng đúng và thêm nữa, sách không nói gì sai hoàn toàn; phải gạn lọc thôi. Không thể ăn 1 bữa/ngày [tôi cũng không thấy cần thiết phải rút còn 1 bữa/ngày] thì ít nhất hãy chỉ ăn 6 trên 10 phần ta có thể ăn mỗi bữa, tức là ăn ít đi mỗi bữa, luôn để bụng vừa chập đủ dùng là dừng. Người có triệu chứng đau mỏi cổ vai gáy [đàm thấp], ho về đêm thì càng nên ăn ít hơn nữa vào bữa tối và hãy cố ăn thanh đạm; một bữa ăn cơ bản của người châu Á chỉ cần một ít cơm, rau canh và một món ăn chính ăn kèm cơm thôi mà, đun nấu nóng hổi tươi mới không lưu cữu không siêu thực phẩm chế biến sẵn hay đồ đông lạnh là được; quan trọng là 1. ăn ít đi, 6/10 phần bụng thôi, 2. không ăn nhiều chất béo, 3. không ăn nhiều đường, 4. không ăn nhiều muối; cứ ăn vậy thôi vấn đề gì đâu, mọi vấn đề phát sinh giờ đây đều do ăn quá nhiều mà ra 


những người hay buồn ngủ và không tỉnh táo, tập trung kém khi làm việc hãy thử ăn ít đi về lượng ở các bữa ăn, thậm chí cắt giảm số bữa ăn thử xem sao. Khi cơ thể ở trạng thái đói, nó sẽ làm việc nhanh nhạy minh mẫn hơn [nếu cần bụng đói để minh mẫn thi cử, tập trung mà bụng đói quá thì hãy uống nước lọc ngụm nhỏ, hoặc hoa quả nguyên vỏ, hoặc ít bánh qui ngũ cốc, đừng ăn đường hay bánh kẹo đường ngọt vì nghĩ nó sẽ làm mình tỉnh, các chất kích thích lại càng không vì đói mà dùng mấy thứ có caffeine chỉ tổ ngộ độc chóng mặt nôn oẹ tiêu chảy]. Quan trọng là phải biết để cơ thể đói và chỉ ăn khi thấy bụng đói. Ngay cả bữa sáng là bữa được mọi người nói quan trọng bậc nhất, nhưng nếu ngủ dậy không thấy đói thì tức là bụng vẫn còn tàn dư thức ăn cũ, đừng ăn vội, hãy nghĩ đến từ breakfast [bữa sáng] nó là break-fast - không ai ấn định nó phải là bữa ăn vào buổi sáng, nó chỉ là bữa ăn đầu tiên trong ngày để break quá trình fasting, vậy hãy thử bữa ăn đầu tiên trong ngày khi cảm thấy thực sự đói


cũng vậy với việc ngủ, tất nhiên phải ngủ đủ giấc đêm 7-8 tiếng; mà cố gắng lên giường sớm nhưng chu kỳ sinh học và áp lực ngủ không có thì hãy ra khỏi giường, đừng để trạng thái nằm mãi trên giường mà không ngủ được hành hạ; cho đến khi cơn ngủ đến thì lập tức về giường ngủ [phải kiềng nhất các chất kích thích và thiết bị công nghệ ánh sáng... trước khung giờ có thể sẽ buồn ngủ]; nói vậy vì khi dùng nửa đêm midnight thì ta lấy đúng điểm giữa của thời gian mặt trời mọc-lặn là chuẩn nhất; thí dụ, mùa hè 5h sáng bình minh 5r chiều hoàng hôn tức là có 17h30 - 5 còn 12 tiếng 30' chia 2 ra 6 tiếng 15', chính là 11h15 là midnight, 11h15 + hay - 1 tiếng để làm thời gian ngủ thì tuỳ áp lực ngủ của mỗi người, cứ như vậy thì mùa hè sẽ ngủ muộn hơn mùa đông vì chu kỳ mặt trời mùa hè và mùa đông khác nhau, ngày dài đêm ngắn và ngày ngắn đêm dài. Không cần quá căng thẳng, nhiều khi chính vì lo rằng mình không ngủ được mà căng thẳng khiến không ngủ được thật, cũng như, sợ mình đau dạ dày mà căng thẳng thành đau dạ dày... cứ phà phà điều chỉnh rồi tuân thủ đi ngủ và dậy đều đặn vào các khung giờ không thay đổi để tạo thói quen 


ps. quyển này nhiều lỗi văn bản hơn hẳn quyển Ngủ ít vẫn khoẻ, không nói quan điểm của tác giả sai/đúng, dịch thuật sai/đúng; chỉ nói về văn bản tiếng Việt thôi; chứ sách thì không phải sách nói gì cũng đúng



hai của một




đây là quyển đầu tiên đọc Patricia Highsmith và có lẽ, với tôi, lúc này, Highsmith là nhà văn thực hành Dostoievski triệt để lộ liễu nhất: cả giọng và ý thức. Thật dã man


những câu văn đầu tiên, quá Chàng ngốc/Gã khờ [tôi ấn tượng hình ảnh tàu lao đi mở màn Chàng ngốc; một mở đầu như thế nên không khỏi ngỡ ngàng và hoàn toàn có thể cảm thông cái ngỡ ngàng ấy khi chứng kiến cái kết của Chàng ngốc; nên khi đọc câu đầu tiên của Người lạ trên tàu, tôi rùng mình, và khi 2 vụ án diễn ra, tôi cũng bàng hoàng y như kết của Chàng ngốc, ý nghĩ: người lạ trong ta có thể như thế này thật hay sao; nhất là khi Guy tiến hành "phần của mình" sau khi Bruno bơm kế hoạch như một kẻ cầm đầu cuộc truy hoan]; cả câu chuyện quá Là bóng hay là hình, cốt truyện quá Tội ác và trừng phạt, trong nó lại có những chi tiết quá Anh em nhà Karamazov. Và các nhân vật của Dostoievski như Dostoievski gắn với động kinh thì các nhân vật của Highsmith như Highsmith gắn với nghiện rượu/sảng rượu; nếu không như thế, họ không thể tạo ra những nhân vật như thế, với suy nghĩ nội tâm và hành động như thế


trinh thám viết tâm lý nhân vật thế này quá dã man, không biết có bài điểm sách nào hay của ai đó viết chơi chơi về quyển này móc với Dostoievski không để tôi đọc dân ghiền trinh thám ở vn viết [khi đọc xong tôi có search 2 tên Patricia Highsmith Dostoievski gắn vào nhau [tôi gõ Dostoevsky cho nó quốc tế hữu nghị, thấy nhiều bài viết văn chương hay lắm đấy; thi thoảng khi móc nối nhà văn này với nhà văn kia tôi cũng hay lọt vào thư viện bài giảng của các trường, thấy cũng nhiều bài luận có cái nhìn phá cách, và vì phá cách nên nó chuẩn về cảm năng của một nhóm người nào đấy cùng sóng hội tụ lại; đường đi đơn giản thôi, là tự nhiên "cảm" thế; đọc được chúng tôi vui như gặp bạn; chắc đấy là một trong những việc, những lúc hiếm hoi tôi thấy tôi phải đọc tiếng Anh mà vui]. Quyển Người lạ trên tàu nằm ở nhà tôi từ 2018, nó vào nhà rất buồn cười, tôi biết mình sẽ thích nó nên khi được hỏi lựa chọn cho việc trao đổi sách tôi đã chọn nó, người trao đổi với tôi hẳn cũng ngạc nhiên vì sao tôi lại chọn một quyển trinh thám cơ chứ [hôm í tôi còn đi nhậu nên người làm bồ câu đưa thư phải thay đổi địa chỉ 2 lần vì nhóm nhậu bọn tôi đổi địa điểm, thật đẹp mặt quá tú ơi]; nhưng nay đọc tôi cũng ngã ngửa mà, chỉ nghĩ mình sẽ thích nó vì nó là trinh thám mình thích, không hề nghĩ một nữ nhà văn được biết đến gắn với hình ảnh nhà văn trinh thám lại có thể đưa đồi núi tinh thần và ý thức Dostoievski tiệm cận với thể loại vốn được coi rẻ là trinh thám một cách mới cỡ này [định dùng hiện đại, nhưng nghe nó không giống mình]; nữ viết trinh thám thường lại dở ẹc nữa chứ [giờ tôi đỡ rồi, cũng ăn năn 5-7-10 năm nay rồi, chứ trước tôi còn không nghĩ phụ nữ biết viết văn; thậm chí giờ đây đọc nữ viết, tôi vẫn hay nghĩ bụng ngay khi đọc vài câu mở đầu của họ: lại học sinh giỏi văn; sorry]


ban đầu trong cả mấy chồng trinh thám, tôi chưa định đọc Highsmith; nhưng vì hôm qua tôi nhìn thấy ảnh Matt Damon, ha ha ha, tôi thích anh ta, thi thoảng tôi vẫn xem lại series Jason Bourne, tôi thích xem phim bắn nhau đánh đấm lắm; thế là tôi nhớ ra Matt Damon có đóng một phim dựa trên tiểu thuyết của Highsmith, nên tôi chọn đọc Highsmith, tôi không có ý định đọc Ripley, đóng đinh Highsmith với Strangers on a train rồi. Trong lúc đọc Người lạ trên tàu, tôi cho Matt Damon vào vai Guy, Jude Law vào Bruno, Dakota Johnson vào Anne.... Cách Highsmith đặt tên Guy, Bruno [tôi thích nhân vật Bruno] và cho Guy làm kiến trúc sư tôi cũng rất thích [có một chi tiết khi đang chịu sự giày vò lương tâm, Guy thiết kế bản vẽ bệnh viện và tự nhủ nếu không toà án thì bệnh viện, cũng được; Dostoievski không, toà án - nhà mồ/quan tài - bệnh viện]. Tôi còn đặc biệt ấn tượng khoảnh khắc khi tôi đọc tới ý tưởng ở ngay mấy trang đầu Highsmith chọn nhắm tới, đại ý: truyện trinh thám rất hay, chúng chứng minh kiểu người nào cũng có thể trở thành một tên sát nhân; tôi thích ý tưởng và chiến lược ấy của Highsmith: ai cũng có thể trở thành một tên sát nhân; nó quá Dostoievski 


Highsmith hẳn còn chịu ảnh hưởng của một người nữa: Henry James. Cái này phải lúc khác. Giờ đi ngủ. Đọc được một quyển của Highsmith, tóm trúng tinh thần Dostoievski, hào hứng quá sợ khó ngủ


ps. sao giới tính của nhà văn lại ảnh hưởng đến sáng tác của họ rõ nét thế nhỉ, như Highsmith, thật khó hình dung một tính nữ, Highsmith rất nam và phải gắn với những mối quan hệ đồng giới; trong truyện tôi thích một đoạn lúc Guy cứ nói một câu "mình chưa chịu đựng đủ" và nghĩ về tính hai mặt, vạn vật đều có mặt đối lập cùng sánh vai với nó etc. rồi sáng sau thức dậy nhìn cơn mưa với cảm xúc như thơ: đâu rồi các nhành cây mùa xuân để tưới nước... cơn mưa sẽ tìm những sự sống mới đang chờ đợi để được dựa dẫm vào nó, chỉ còn những hạt mưa thừa là rơi xuống sân nhà anh... [viết đây để sáng mai đi đọc ngoại văn đoạn này, lại gần 1 giờ sáng, sao nhằng cái đã 1 giờ sáng, chánnnnn]


10.3.24

dịch bệnh mất ngủ




nói dịch bệnh mất ngủ không chỉ là mất ngủ mà cả ngủ được nhưng chất lượng giấc ngủ không cao; được đánh giá bằng việc 1. không thể ngủ được ban đêm và 2. không có được sự tỉnh táo vào ban ngày, hoặc, ngủ được ban đêm chập chờn nhưng luôn buồn ngủ, mệt mỏi, kém tỉnh táo và có nhu cầu được ngủ thêm vào ban ngày. Dùng "dịch bệnh" không sai đâu; vì thói quen sinh hoạt ồn ào, nhiều thiết bị công nghệ, ánh sáng, chất kích thích, công việc, giải trí... khiến càng ngày càng rút ngắn thời gian ngủ, nhân với, không phải cộng với, mà là nhân với, chất lượng giấc ngủ không cao... lây lan đại dịch mất ngủ 


2 quyển sách trong ảnh điều đầu tiên là phủ định nhau. Quyển màu xanh luôn nhấn mạnh vào việc tại sao và làm thế nào để người ta có thể ngủ đêm ngon trung bình 7-8 tiếng; còn quyển màu trắng điển hình của nước Nhật lao động điên cuồng, tại sao và làm thế nào để trở thành người ngủ ngắn, chỉ 5 tiếng. Nhưng 2 quyển chập nhau rất nhiều điều về khoa học giấc ngủ, bên cạnh những bất đồng, một trong những chập nhau là: ngủ đêm không ngủ ngày và không có khái niệm "nợ ngủ" nên không có "ngủ bù", mà phải duy trì đi ngủ và thức dậy theo lộ trình đều đặn kể cả ngày nghỉ [ngày nghỉ thì duy trì ngủ các pha khác nhau ban ngày, trước 3 giờ chiều, mỗi pha không quá 90'], và người ta nên ngủ 2 pha nhiều pha chứ không chỉ 1 pha ngủ đêm; tức là những pha ngủ ngày là những pha chỉ chợp mắt, tối đa không quá 20-30' [vì đó là khoảng thời gian mới chém vào rem, khi tỉnh dậy não bộ sẽ hoạt động cực minh mẫn nhờ sóng ngủ rem] và 2-4 giờ chiều, 2-4 tiếng trước giờ ngủ đêm là những giờ về đồng hồ sinh học con người sẽ buồn ngủ tự nhiên nên phải tránh ngủ giờ ấy để giữ gìn áp lực ngủ cho giấc ngủ quyết định: giấc ngủ đêm...


tôi đọc quyển xanh phải rất chậm vì mục đích cá nhân đang có vấn đề sức khoẻ, ăn tốt tập tốt mà sức khoẻ chưa ổn thì chỉ có thể còn giấc ngủ, quyển xanh có nhiều thứ nói với tôi hơn quyển trắng. Vì ngay từ đầu, theo quan điểm và hiểu của tôi thì 5 tiếng là không đủ nên quyển trắng đã bị điểm trừ ngay đầu; tuy nhiên đúng phong cách viết sách của người Nhật, những hướng dẫn của tác giả người Nhật cũng vẫn được áp dụng tốt, theo cách hiểu của tôi, hoàn toàn có thể áp dụng cho: người nào đang cần nâng cao chất lượng giấc ngủ và người đang duy trì việc ngủ nhiều hơn 9 tiếng/ngày thì nên xem xét rút ngắn lại [hôm nào tôi nằm đọc sách nhiều liên tục, kết hợp với ngủ tĩ tã ngày nghỉ, thấy rõ nhất là đau lưng trên, nơi sau 2 lá phổi, cái này nếu cơ thể ốm yếu hô hấp kém người ta hay nhắc đến biến chứng xẹp phổi đấy; nằm nhiều thực sự không tốt] còn khoảng 7.5-8 tiếng/ngày, theo lộ trình tác giả quyển trắng xây dựng và hướng dẫn tôi thấy rất hợp lý. Tôi chính là người đã ngủ 4-5 tiếng/ngày suốt nhiều năm qua, tôi không bị mất ngủ [trừ 2011 đến 2013], tỉnh dậy sẽ có ngày bị mệt nhưng không nhiều, nhưng cũng chính vì thế sức khoẻ tôi đang lao không phanh trong 3 năm trở lại đây [tôi không mong sống dài nhưng tôi rất sợ bỗng dưng không được trết mà phải sống với thuốc thang bệnh viện y bs], dù tôi biết con số ngủ 8 tiếng/ngày là hợp lý, vì sao hợp lý, vì năng lượng của con người chi vào 4 việc: ăn, thải độc và bài tiết, vận động, suy nghĩ; nếu ngủ chiếm 1/3 nhịp sinh học 24 tiếng 15 phút của 1 người thì tôi nghĩ nó quá hợp lý vì giấc ngủ chính là hoạt động thải độc và một phần bài tiết do 3 hoạt động còn lại mang đến, thế thì 8 tiếng là hợp lý, chưa kể phải từng đó thời gian thì giấc ngủ nrem, giấc ngủ rem đổi pha 90'/lần mới đủ số chu kỳ để con người lưu kí ức, nghỉ ngơi não bộ và sáng tạo tư duy, thải độc cảm xúc, nghỉ ngơi cơ thể


một trong những thông tin gợi hứng nhất cho tôi là ở quyển màu xanh, thông tin về dinh dưỡng liên quan đến kiến trúc giấc ngủ :), chỉ hai câu thôi, nó cho tôi một câu trả lời mơ hồ vì sao tôi ngủ luôn mơ hơn rất nhiều người khác, cái đọc nhiều tư duy nên xây dựng giấc mơ chỉ là một phần thôi [tôi còn không hình dung được sao người ta ngủ mà không mơ, có mơ có ngủ và có ngủ thì phải có mơ chứ, tôi hiếm khi có 2-3 ngày liền mà không mơ khi ngủ] và tôi mơ còn hoàn thiện, sáng tạo hơn cả tiểu thuyết tôi đọc chứ không chập chờn như nhiều người và cũng không mơ với tần suất ít ỏi như nhiều người; ra là liên quan đến đồ ăn tôi ăn: giàu carbohydrate, ít chất béo. Thói quen ăn uống này của tôi hoàn toàn là sở thích, tôi không thích ăn thịt cá dầu mỡ nhưng các thể loại có phần tử đường đơn kép thì ha ha ha nên kiểu gì giấc ngủ nrem sâu của tôi cũng giảm và rem của tôi vượt trội hơn nhiều người khác; dẫn theo nó là một hệ quả ảnh hưởng sức khoẻ mà tôi đang phải điều chỉnh, đó là trí não tôi ít được nghỉ ngơi hơn, dần dần tôi sẽ khó lòng học tập vì trí nhớ kém, cũng chính nó giải thích tại sao cơ thể tôi lại bình phục rất tốt và nhanh sau ốm đau thể chất, tinh thần vì rem nó đã giải quyết hết cho tôi :)))) [thậm chí cả việc những gì là đau đớn, buồn sầu nhất tôi phải mơ đi mơ lại hàng hàng nối nhau suốt những năm qua thật ra cũng là một điều đúng khoa học, trong giấc ngủ người ta đối mặt tiếp với những gì lúc tỉnh người ta phải đối mặt sờ sờ vì trong khi không tỉnh ấy, giấc ngủ rem sẽ làm công việc thải độc cảm xúc, chữa lành tâm/tinh thần cho ta; tôi rất thích ngủ (chỉ là tiếc thời gian ngủ vì đêm thì đẹp và quá nhiều thứ chơi) vì ngủ được mơ, tôi dám đánh đổi canh bạc mơ ấy vì trong mơ tôi được sống những cuộc đời khác, có thể sống lại những kỉ niệm đẹp tuy mang đến đau đớn nhưng ít ra, tôi được thêm một lần nữa mỗi khi mơ, đó cũng là cách tôi nhớ và vì nhớ nên giấc ngủ rem cũng làm công việc nhoà bớt đau đớn giúp tôi bằng quên - cái giá phải trả cho nhớ]


quyển màu xanh cũng cởi cho tôi một nút thắt bấy lâu. Mọi người nhìn tôi và tôi đúng cũng tự thấy mình là thể loại con gái ngủ trương thây nứt cốt, thể loại mà cứ có việc gì phải ra khỏi nhà lúc 7 giờ sáng là kiểu gì tôi cũng đến muộn 30-60-90' dù đã rất cố gắng; lý do là tôi không tỉnh được hoặc tỉnh được nhưng không thể bắt đầu mọi việc nhanh được; vì sao; tôi đã rất cố gắng ngủ sớm nhưng áp lực ngủ không đến, nhịp sinh học chưa tới; hoá ra là gene của tôi [là gene thật đấy] không ngủ sớm không dậy sớm được; khi người ta đã lao dốc không phanh melatonin và adenosine thì tôi vẫn đang trên đỉnh vinh quang :))). Nhưng chính từ những nghiên cứu này, tôi rút ra một kết luận tốt cho trẻ nhỏ: phải tính toán làm sao để cho trẻ thức dậy lúc 7h30 sáng hoặc 8 giờ sáng vì khoảng 6-8 giờ sáng là lúc đứa trẻ được tận hưởng giấc rem nhất, rất tốt cho phát triển trí não cả iq eq và chúng cần ngủ nhiều hơn [10-12 tuổi đổ xuống] nên giờ đi ngủ có thể vẫn cần sớm hơn người lớn vì nhịp sinh học của chúng ngắn hơn, nhưng thức dậy thì nên muộn hơn; đến đây thì làm thế nào để các trường học đẩy lùi giờ học muộn hơn thực tế hiện nay, quá khó, rất thiệt cho trẻ nhỏ vì giấc ngủ rem không mang tính tuỳ chọn mà là bắt buộc trong suốt sự sống của con người, càng nhỏ tuổi thì càng cần nhiều, cho đến thanh thiếu niên thì rút ngắn chỉ còn khoảng 25% thời lượng ngủ [nhắc đến trẻ em thì những đứa trẻ rối loạn tự kỷ, đồ thị melatonin của chúng phẳng hơn trẻ thường, vậy hãy tư duy 2 chiều: cho trẻ ngủ sớm để phát triển trí não và nếu đứa trẻ có dấu hiệu khó ngủ không thể ngủ vào giờ nó phải ngủ thì hãy đi khám sớm rối loạn tự kỷ sau khi đã loại trừ các nguyên nhân khò khè, khó thở do đờm dãi (đã can thiệp va amydan và đặt ống tai etc.) vì chính có rối loạn nên đồ thị melatonin phẳng và đồ thị melatonin phẳng nên không ngủ mà càng rối loạn, nó sẽ kéo theo trí não chậm phát triển, chậm nói (đi kèm phanh lưỡi) thần kinh luôn ở pha hưng cảm hoặc lưỡng cực đổi chiều quá nhanh... khám sớm]


giấc ngủ là cái không thể thương lượng được và hãy nhớ kỹ, không có khái niệm ngủ bù; tai hại giấc nào tính luôn vào lúc thức dậy của giấc í và chỉ có lãi mẹ đẻ lãi con chứ không có ngủ bù hôm nay trả nợ ngủ được cho ngày hôm qua


hôm rồi dọn sách trong nhà, tôi thấy quá nhiều sách y sinh tôi đã mang về, nó là lĩnh vực mà tôi yêu thích [chính vì yêu thích nên tôi cũng bỏ mấy năm ăn học cho nó đấy thôi] và đọc nó mang đến cho tôi trải nghiệm quá tỉnh để ngủ. Tôi đọc để khẳng định nghi ngờ của mình, rằng mình đã ngủ quá ít nên mình phải trả giá và đọc để thay đổi điều chỉnh giờ giấc thói quen; rồi cuối cùng nó hay quá, các sách y sinh thời gian qua đọc xong khiến tôi quá tỉnh để ngủ :))) thành ra có những quyển đọc cả tháng chia nhỏ, nhưng có những quyển quá ít thông tin như quyển màu trắng trong ảnh, 1.5 tiếng cho 300 trang, nhưng không sao hết, nó chính là quyển rất gần với các quan niệm dưỡng sinh phong cách Nhật Bản 


à, cả 2 quyển văn phong hơi loằng ngoằng; cái này có thể cảm thông được; tôi từng biên mấy quyển y sinh rồi, kể cả dịch giả là người có chuyên môn nhưng vẫn sai sạn như thường vì càng nhiều thông tin thì càng dễ bị say đòn, thứ nữa là dịch giả có chuyên môn thì chưa chắc giỏi tiếng Việt, người giỏi tiếng Việt thì lại không đủ chuyên môn, mà được cả 2 thì mấy ai đi dịch sách y sinh nên đến khâu biên tập thì vẫn khó lắm đấy