Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

23.8.16

phù phiếm xa hoa và buồn chán, dĩ nhiên phải là thế rồi



Bret Easton Ellis thì phải đậm chất tiệc tùng trác táng, phải nhiều ma túy, tình dục và dĩ nhiên tràn trề tuổi trẻ bơ ngơ
Ở giữa thanh xuân trống rỗng được mở đầu và kết thúc như ở giữa những câu văn. Kiểu, tuổi trẻ của lũ người trong truyện sẽ vẫn cứ như thế, không có gì cần bàn thêm ngoài buồn chán không phương hướng. Nó được viết xoay vòng từ điểm nhìn của các nhân vật con nhà giàu học trường tư thục về nghệ thuật, mà chủ yếu là ba nhân vật Lauren-Sean-Paul tạo thành tam giác đuổi bóng nhau. Lauren thay bạn trai mỗi lần đổi ngành học. Sean cho rằng gã thực lòng yêu Lauren nhưng tiệc tùng triền miên và lên giường với bất kỳ ai gã gặp. Paul lưỡng tính, từng hẹn hò với Lauren và cũng thích cả Sean. Cái hình tam giác ba đỉnh Lauren Sean Paul này cũng như những thanh niên nhà giàu trong Như không hề có (Ở giữa thanh xuân trống rỗng có xuất hiện Clay ở trong Như không hề có) họ đại điện cho nước Mỹ thịnh vượng và thừa mứa những năm 80, kịch đã hạ màn còn gì để diễn, pháo hoa đã tung bông điều gì diễn ra sau đấy đây; tức là rất buồn chán. Thảm hại. Liều lượng tình dục và ma túy tăng lên gấp bội so với Như không hề có, nhưng kết quả không thay đổi, các nhân vật phê đờ đẫn, phê lòi ra mà vẫn chưa biết đời mình có gì, không ràng buộc quá khứ, bê trễ hiện tại và gần như tương lai cũng chả có gì khác. Chúng ngồi đó chằm chặp nhìn đám đông, quan sát đám người Mỹ trẻ tuổi kiêu hãnh ngây ngất đầm đìa mồ hôi (giống như chúng) đang nhìn lên sân khấu xem kịch, một vở vô nghĩa và buồn chán nhưng không hiểu sao chúng cứ ngồi bơ ngơ xem. Cứ như lũ trẻ nhà giàu này biết được rằng đời càng về sau càng rất tởm và chúng chọn té trước bằng việc cứ mặc kệ đời trôi trống rỗng vô phương cứu chữa, thậm chí có đứa tự tử như một cách ngắt mạch mình sớm vậy
"Tụi nó không phải lo lắng về chuyện giữ ấm hay cơm ăn hay bom đạn hay lade hay họng súng. Có thể bồ tụi nó đã bỏ tụi nó, có thể cái đĩa (nhạc) nó bị xước thật... và vấn đề của tụi nó chỉ có thế. Nhưng rồi tôi chợt hiểu ra trong lúc ngồi đó, cái thùng loa rung lên bần bật bên dưới tôi, tiếng nhạc chát chúa nện trong đầu tôi, rằng những vấn đề đó và nỗi đau đó của tụi nó hoàn toàn thành thật. Ý tôi là, em gái này có thể có rất nhiều tiền, và thằng bạn trai mặt hãm của em cũng thế. Những người khác có thể sẽ không cảm thông được với các vấn đề của cặp đôi này và có lẽ trong một lãnh địa rộng lớn hơn chúng chẳng là gì to tát lắm - nhưng chúng vẫn rất quan trọng với tụi nó; những vấn đề ấy làm tụi nó đau đớn; những thứ ấy khiến tụi nó nhức nhối..."
buồn chán ngay trong tuổi trẻ xa hoa phù phiếm. Thật là thảm hại. Sau Như không hề có, tôi nghĩ rằng mình sẽ không tiếp tục với Ở giữa thanh xuân trống rỗng (thanh xuân nghe sến vãi) vì drop quá, nhưng khi nhìn bìa sách thì tôi nhớ ra tại sao tôi vẫn xếp nó vào chồng sách đọc thời gian gần. Là bởi cái tên dịch giả Thùy Vũ. Tôi rất thích người này dịch, một giọng dịch hài hước thông minh khiến người ta phải ghen tỵ sao lại có được sự hài hước như thế. Ở quyển này, vẫn là sự hài hước ấy, nhưng độ xõa thì thôi rồi. Nữ giới mà sở hữu thông minh hóm hỉnh xõa như này thật đúng là hiếm có. Sau Đổi chỗ (David Lodge), Người phàm (Philip Roth) thì đây là quyển thứ 3 tôi đọc Thùy Vũ dịch. Ở quyển của Bret Easton Ellis này, rất nhiều khi giọng dịch này làm tôi nghi ngờ, có lẽ nào Thùy Vũ là nam giới không ta ahaha ehehe ihihi

love him a lot, God loves him more

Một mùa thu nữa đã đến và đang đi qua từng ngày. Cuộc đời vẫn rất nhiều loay hoay. Ta làm gì vào mùa thu.
M viết cho tui đầu 2009, trong một cơn ghen tuông lầm lì âm ỉ trực nổ bất cứ lúc nào. Từ đấy, mùa thu là mùa loay hoay. Mỗi thu moi ra post lại ở tất cả các trang cá nhân, một (vài) lần

The leaves drop down
so sudden here.
No one tells you fall comes
like a pony rider posting
hard,
one moment green,
then yellow fire on mountains.

21.8.16

chào nhau giữa con đường



Nhà Nội ở quê, cách Hà Nội 17km, giờ gọi là Hà Nội 2 mà dạo chuyển đổi ấy cứ nói vui rằng bà Nội ngủ qua một giấc ngủ đêm thì sáng sau đã thành người thủ đô, tự nhiên bà bị tước mất danh phận người Hà Tây bấy lâu nay :p
Hơn 2 tháng trước về quê giỗ ông Nội, mệt mỏi việc này kia nên về đến nhà là vào buồng riêng của bà nằm ườn ra nghịch điện thoại, chơi với thằng Sói, không đi loanh quanh nhìn làng xóm. Và Tết vừa rồi đi Sài Gòn chơi nên 7 giờ sáng ngày 1 Tết về bà, 10 giờ đã phi ra Hà Nội để tếch đi chơi. Chỉ bẵng đi có 2 lần gần nhất về quê, hôm nay thấy cái xe đạp con con của thằng ku cháu, mình nhảy lên lượn vòng quanh sân nhà, lượn đến mức mình tự chóng mặt thì cuồng chân mới đạp ra ngoài ngõ. Ngõ đi ra có hai hướng, mình quyết bừa rẽ trái ra phía đường quốc lộ. Đạp vài vòng xe trong không khí mát mẻ sau bão, cảnh đường quê hai bên nhà dân yên tĩnh điểm điểm chỗ này chỗ kia là màu xanh cây cối cỏ dại, trẻ con nghỉ hè cũng đang chấp chới dạy nhau đi xe đạp, thi thoảng trên đường làng nhìn thấy một gương mặt người quen (phần lớn là các bạn của chị con nhà bác, một vài lần nghỉ hè ngày xưa về quê mà quen các chị), thấy sao nhẹ nhõm thế. Rồi cảm thấy chính cái việc đang đạp xe khiến mình cảm thấy nhẹ nhõm, tại sao đạp xe đạp lại làm mình thích thú thế nhỉ? Đang tự hỏi mình như thế thì nhìn phía trước xa xa có một bà cụ khăn mỏ quạ, mồm nhai trầu đỏ quanh mép, trên vai khoác một cái làn nhựa màu xanh, nhìn rất có dáng vẻ bà ba bị đang nhìn ngó tìm nhà ai. Tự nhiên chỉ nghĩ rằng đấy là bà ba bị, con Lốc giật mình nhìn trước ngó sau nhìn ngang nhìn ngửa không có bóng ai, Lốc sợ một mình quá, vội vàng cho chân quờ quờ đất quay xe đạp về nhà bà luôn. Đạp đến ngõ, về đến cổng, vào tận trong sân nhà bà xong, qua cơn hốt hoảng nhìn thấy bà già như bà ba bị kia thì Lốc mới bình tâm nghĩ: ơ, sao mình phải sợ nhỉ; ơ, mình lớn rồi cơ mà; ơ hay, mình 3 xịch tuổi rồi cơ mà; ơ kìa ơ kìa :v
Thế là lại cua xe đạp trong sân, quay ra ngõ. Lần này rẽ phải, đi ra phía đình làng. Lại ơ phát nữa, sao cái sân ngày xưa về nghỉ hè, buổi tối hay cùng anh chị lớn ra ngồi chơi thì giờ lại thành nhà văn hóa với sân bóng; ơ sao cái ao trước đình mất đâu mất rồi, giờ lại có một cái nhà to ịch xuất hiện ở chỗ cái ao thế này. Cảm thấy cứ như khám phá ra một thế giới khác, Lốc liền quay xe đạp về nhà bà để hỏi mọi người. Trên đường về gặp một bà cụ gánh đòn gánh, hai bên treo hai cái làn, Lốc không biết bà bán gì nên cứ quờ chân đẩy xe đạp đi sau bà. Đến một ngôi nhà cửa sắt lớn, thấy bà cụ nhòm qua lỗ khóa nói vọng vào trong: Nhà còn chè không bác ơi, thì Lốc mới ớ ra, hóa ra bà bán chè, suýt chút nữa mình hỏi bà để mua kẹo lạc, vì trong ký ức của Lốc, kẹo lạc thì sẽ mua được của các bà lão gánh rong, khác là ngày xưa bày ra mẹt chứ không phải vào làn :p
Lốc đạp xe đến ngõ, về cổng, vào trong sân nhà thì dừng lại nhìn ngắm ngôi nhà của bà. 27 âm lịch tháng này mới giỗ bác cả, nhưng vì nhà bà sắp đập đi để xây lại nên làm giỗ bác cả sớm lên mấy ngày. Nhìn ngắm căn nhà suốt mấy chục năm qua, trong ký ức của Lốc không hề thay đổi, bỗng dưng nghĩ nó bị kéo sập, đập đi xây mới, tự nhiên thấy ngùi ngùi trong lòng. Gốc cây khế cây hồng cây ổi cũng không còn, cây khế của bà rụi - bà Nội cũng ốm tai biến, giờ chỉ còn nhỏ nhúm 39kg, mắt ngơ ngác thảng thốt người già quay về làm trẻ con; cây ổi thì qua trận bão vừa rồi cũng đổ uỳnh - giống như ngôi nhà mưa bão nước ngấm tường đùn cát bẩn vào hết bên trong. Mọi thứ đều có thời điểm của nó mà chính tại thời khắc chuông điểm vang lên thì không thể tránh được mệnh lệnh số phận.
Phải chăng Lốc đang tua các đoạn băng, khi Lốc bé tí thì bà Nội khoảng tuổi bố như bây giờ. Khi Lốc băm mấy thì bố tiến đến tuổi của bà Nội ngày xưa, còn bà Nội đã thượng thượng thọ tuổi tám mươi từ năm nào. Mai mốt những đứa cháu nhít nhít ở nhà mà cách đây mấy năm vẫn còn bé tí, giờ đã cao ngộc gần mét bảy sẽ ở tuổi băm của Lốc, còn Lốc tuổi của ông bố bây giờ, và ông bố sẽ tuổi của bà Nội nhỏ nhúm như một đứa trẻ.
mọi thứ cứ tịnh tiến như vậy đấy, ngước mắt nhìn trẻ con đã thấy mình tuổi tắt nắng tới nơi :p, tắt nắng mà còn chưa kịp hiểu mình và đời đã làm gì nhau ;)

15.8.16

Con người tôn giáo và tháng 4 về qua nhưng không có quà



Cái cây mang một ý nghĩa niềm tin linh thiêng nào đó, đồng thời, nó cũng đúng bản chất tự nhiên, là một cái cây.
Năm 2008 tôi mua một chậu tóc tiên lá mềm ra hoa tóc tiên màu hồng và một chậu tóc tiên lá ống nhỏ ra hoa màu trắng. Tôi chụp ảnh chậu hoa tóc tiên trắng và gửi M, bảo M là con tặng chú chậu hoa màu trắng này nhé. Nhưng kỳ thực là tôi chăm cả chậu hoa trắng và hoa hồng.
Con người tôi có thứ đức tin khó lý giải, tôi cứ thích gán cho các vật, việc trong thế giới riêng của tôi một sự linh hiển nào đấy như một dạng thánh hóa vũ trụ và các sự vật, việc trong vũ trụ. Với tôi, M như là chậu hoa trắng kia, chậu hoa trắng kia là M, sức khỏe của M kém dần, kém dần đến tồi tệ cũng như chậu hoa vậy. Hàng ngày tưới tắm các chậu hoa, nhìn thấy chậu hoa hồng héo héo buồn buồn như tôi, chậu hoa trắng héo rũ, ngừng ra hoa, cứ lụi dần thì tôi lại càng buồn, càng để tâm chăm sóc. Chậu hồng vẫn ra hoa nhưng ít; còn chậu hoa trắng thui chột một cách rõ rệt và nhanh, từ nhiều cụm nhánh thì chỉ còn một vài, từ một vài thì chỉ còn một, từ một rồi chỉ còn là nắm lá cỏ úa khô giòn. Và M về bên God.
M về bên God. Chậu hoa trắng cũng không bao giờ mọc lại. Từ đấy đến nay 4 năm đã qua, tôi bỏ mặc cả 30 chậu hoa nhỏ nhỏ trên tầng 6. Bỏ mặc hoàn toàn theo nghĩa nó là mảng màu xanh nho nhỏ trong nhà. Tôi biến nó thành nghĩa trang những xác chim vô danh (do EMi vợt được), những xác thạch sùng hay bất cứ nạn nhân nào của EMi. Nó thành nghĩa trang những điều phải quên đi. Thi thoảng EMi nghịch ngợm nhảy vỡ một chậu, nằm dưới tầng 5 nghe tiếng xoảng, tôi cũng lặng lẽ giả vờ không quan tâm, và cũng trì hoãn việc thu dọn mảnh vỡ.
Rất thi thoảng trong 4 năm qua, tôi có đôi lần dọn dẹp sân thượng thì nhìn ngó các chậu hoa. Chậu hoa tóc tiên hồng vẫn ra hoa vào tiết xuân, hay những lần mưa liền đôi ba ngày, có chết rũ ra rồi thì mưa vài ngày là lại thấy lá xanh, lại thấy hoa. Còn chậu tóc tiên hoa trắng thì như M vậy, không còn gì ngoài ký ức của tôi về nó.
Sáng nay mang quần áo cả tuần qua vứt vào máy giặt thì ngớ ngẩn bước chân ra phía sân trước nhìn trời đất. Lúc ấy mới nhìn thấy giọt nước đọng trên lá, gió vờn nhẹ cánh hoa. Nhìn khoảng 20 cái chậu nhỏ, chậu nào cũng có mơn mởn lá xanh, thậm chí có chậu còn có màu lấp ló một bông hoa thì thốt lên "Đời thật đẹp", thấy sao hạnh phúc nhẹ nhõm đến thế. Nhưng nhìn kỹ thì không có chiếc lá ống nào của hoa tóc tiên trắng, làm sao tôi có thể không tìm kiếm dấu vết của hoa tóc tiên trắng cơ chứ, làm sao có thể tìm được đây. Tôi tắt nụ cười.
Rồi lại phì cười bởi con người mình, bởi cuộc sống này có những khoảnh khắc vừa thấy nhẹ nhõm hân hoan vừa nằng nặng buồn bã.
Cuộc đời này nghiêm chỉnh bởi tính tầm phào của nó, là như vậy đấy. Nó để ta thấy nó chân thực theo cách rất khù khoằm.
(Đọc Thiêng và Phàm của Mircea Eliade)
p/s: tháng 4 là tháng tôi luôn chờ, và nó là ngày 14 :)

13.8.16

Sợ phải nhập làn trên xa lộ



Câu mở đầu tiểu thuyết Như không hề có của Bret Easton Ellis "Thiên hạ sợ phải nhập làn trên xa lộ" (ở Los Angeles) sẽ còn ám ảnh ai đọc nó cho đến trang cuối cùng, thậm chí vẫn sẽ nhớ đến nó bất cứ khi nào đọc hay nghĩ về điều gì đấy hoang mang của những tháng ngày tuổi trẻ.
Một cuốn tiểu thuyết không có mở đầu và cũng không có kết thúc rõ ràng, nó cứ tuần tự diễn ra ngày qua ngày với các nhân vật con nhà giàu Clay, Blair, Julian, Trent, Rip lúc nào cũng nhợt nhạt như ngáo, lúc nào cũng mong manh nhạy cảm chực ngã... xuất hiện ở các không gian cũng sặc mùi xa hoa nhuốm đầy không khí bất an, mất phương hướng và sợ hãi. Họ trôi dạt tuyệt vọng trong sự thừa mứa vật chất của mình và của nước Mỹ thịnh vượng những năm 80. Sự thừa mứa đến điên loạn ấy đưa tới cảm giác không có gì để mất, không có cái vẹo gì và thực ra là ta trống rỗng một cách buồn bã. Ta muốn biến mất nơi đây. Sự thừa mứa như kịch đã hạ màn, giấc mơ Mỹ đã thành hiện thực, pháo hoa đã tung bông rực rỡ, còn gì cho ta làm nữa đây. Một cuốn tiểu thuyết tràn trề tuổi trẻ, thừa chất kích thích (coke, kretek, rượu...) và tình dục, sự buồn chán ngay cả khi ta đã hít phè ra từng đấy gram heroin nhưng nó vẫn chưa chắc đưa ta đến được nơi ta muốn đến. Những thanh niên con nhà giàu này có một giấc mơ đứng ở trên cao nhìn xuống thế giới đang tan chảy sau giờ phút huy hoàng, điều ấy làm họ chấn động và đại để nếu họ phê thì thế giới không tan chảy nữa, thế giới ngừng đổ vỡ ngừng tan nát, họ tin vào điều ấy khi họ phê họ say. Thế nên việc ngủ quên trong ma túy, tình dục... sẽ khiến họ quên hiện thực, giúp họ đến được nơi họ muốn đến, và ở lại. Như không hề có điên loạn và buồn bã một cách tởm lợm. Bạn đọc nó và nhận ra, cái tầm phơ tầm phào của "thế giới nhà giàu" còn đáng chán đáng tầm phơ tầm phèo hơn rất nhiều "xã hội nhà nghèo". Thiên hạ sợ phải nhập làn trên xa lộ. Đời thật đáng tởm bởi buồn chán ở khắp khắp mọi nơi, ở cả sự no đủ đến thừa mứa trong các biệt thự, ở cả cuộc sống xa hoa phù phiếm tuyệt đỉnh.
vậy đấy, sự điều độ luôn là một phép màu


p/s: đọc xong quyển này, tính đọc luôn The rules of attraction (Ở giữa thanh xuân trống rỗng (thanh xuân cái con khỉ í, tuổi trẻ là tuổi trẻ, thanh xuân nghe màu mè vice shit, màu mè thì không thể phù hợp với Bret Easton Ellis)) nhưng vì buồn bã quá nên lại phải dừng :3
Mà thèm hút thuốc vice car dice. Các cụ cứ bảo bỏ thuốc khó, tôi bỏ mấy chục lần rồi, khó đâu ra ihaha ihehe ihihi


9.8.16

Đổ bóng ánh sáng



Mỗi khi nhìn thấy tên Higashino Keigo thì đương nhiên sự chú ý của tôi sẽ bị kéo tuột về nơi cái tên ấy xuất hiện và đồng thời có một cơn ngứa ngáy nổi lên trong dạ. Cũng bởi rất thích tác giả này nhưng chưa bao giờ viết được một cái gì đấy linh tinh về ba quyển trinh thám của ông mà tôi đã đọc.
Khi nhìn thấy Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya thì biết mình sẽ mua nó, sẽ đọc sớm thôi và biết là mình sẽ thích. Nhưng lần này còn có cả tò mò vì quyển sách này nằm trong tủ sách Kỳ ảo - Giả tưởng. Có lẽ nào Higashino Keigo thử thay đổi :p
Ba tên trộm trên đường rút khỏi phi vụ khoắng đồ nhà người thì gặp trục trặc hỏng xe nên lánh tạm vào một căn nhà hoang. Chỉ định bụng ngủ lại qua đêm rồi sáng sẽ chuồn đi nhưng không ngờ cả bọn có một đêm không ngủ khi bất ngờ xuất hiện những lá thư gửi đến nhờ tư vấn. Ba tên trộm bất đắc dĩ trở thành những nhà tư vấn, gỡ rối tâm lý ;)
Vì ngôi nhà bỏ không ấy là Tiệm tạp hóa Namiya, nayami có nghĩa "điều phiền muộn" và tên tiệm Namiya phát âm hơi giống nhau, bọn trẻ đã cố tình đọc trại đi, biển hiệu ghi 'Nhận đặt hàng. Xin cứ hỏi' nên xuất phát là lời nói đùa thơ ngây, bọn trẻ "đặt hàng" ông lão chủ tiệm những thắc mắc tào lao để rồi sau một thời gian có cả các câu hỏi nghiêm túc được gửi đến qua thư nhờ ông lão tư vấn. Ông lão đã trả lời từng bức thư bằng tất cả tâm huyết, trí lực của mình. Và tiệm tạp hóa đã tạo ra điều thần kỳ không ai lý giải nổi.
Qua mỗi chương/hồi thì cuộc đời của các nhân vật giống như những miếng ghép hình lần lượt được lật lên. Nó cho thấy những số phận được ẩn cất và giờ đây được ráp lại đúng vị trí bao quanh trung tâm của bức tranh là Tiệp tạm hóa Namiya và Trại trẻ Marumitsu. Từ hai nơi này chõe chồi ra các mối quan hệ, các phận người có điều phiền muộn, có khúc mắc nội tại và họ đều chập nhau ở một mối nối nào đấy trên đường đời. Điều kỳ diệu ở trung khu tiệm tạp hóa Namiya là khả năng "đi lại" qua các thế giới hiện tại quá khứ tương lai. Bằng tư duy văn học và kỹ thuật viết tạo xoáy của Higashino Keigo, thời gian và không gian gián đoạn hỗn độn nhưng hài hòa, tuyến tính như một sợi chỉ liền mảnh được điều khiển khéo léo trơn tru khiến người đọc đôi khi phải tạm  dừng để điểm lại thời gian và sự kiện khớp vào với nhau mạch lạc.
Với tôi, sự dễ chịu ở Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya là tôi được thấy một Higashino Keigo tỏa bóng ánh sáng vô cùng thuần khiết. Từ đầu tới cuối truyện luôn cho tôi cảm giác đi dưới ánh nắng dịu nhẹ hay một thứ tươi sáng cuối con đường đang sẵn đợi mình. Cứ đi rồi sẽ thấy mà.
Nhớ nhé, mối lương duyên sâu sắc tất sẽ nảy nhánh thiện tâm.


7.8.16

Wartime children


Những gương mặt sáng ngời sức sống <3 p="">

4.8.16

thế quái nào mà mất được chứ



Từ bìa cứng, vải bông, đất sét và các vật liệu tái chế, tác giả Karina Schaapman đã tạo ra một ngôi nhà mang tên Biệt thự Chuột Nhắt, là nơi có hai chú chuột: Julia VÔ CÙNG hiếu kỳ và CỰC KỲ nghịch ngợm & Sam VÔ CÙNG nhút nhát và CỰC KỲ vâng lời. Chúng là bạn thân và chia sẻ với nhau mọi thứ trên đời :* (ờ, mình cũng thích có bạn thân khác giới như thế này này >"<). Những gì Sam có quá nhiều thì Julia lại có quá ít và ngược lại.
Truyện có nội dung rất đơn giản được chia thành các mẩu nhỏ, mỗi mẩu truyện là một sự kiện độc lập xoay quanh cuộc sống của hai chú chuột Julia và Sam. Với nội dung như thế thì không phải gout của mình nhưng mình kết quyển này kinh khủng khiếp. Ở chỗ, tác giả Karina Schaapman đã dùng các vật liệu đơn giản để tạo ra tất tần tật mọi thứ thật sống động và người cộng sự Ton Bouwer đã chụp ảnh chúng làm thành các hình ảnh minh họa cho cuốn sách. Chỉ ngắm chúng thôi cũng khiến mình nghĩ mình đang lạc vào xứ sở khác, không thể nào không nhớ đến bộ đồ chơi gia đình gấu ngày xưa của mình, bộ đồ chơi mà ba chị em đã lấy trộm tiền của bố mẹ đi mua, và con Lốc là cái đứa xí phần chơi nhiều nhất (ngày nào cũng chơi), giữ gìn nhất (ngày nào cũng lau lau rửa rửa tắm xà phòng cho gấu trai gấu gái gương lược bàn ghế tủ giường ti-vi cốc chén vân vân và vê vê)
thế quái nào mà nó lại có thể mất được nhỉ, cái bộ đồ chơi gia đình gấu í, sao lại có thể mất được nhỉ
Có khi nào là Những Người Vay Mượn Tí Hon đã tha lôi của Lốc đi không >"<

1.8.16

Cái ác



Tôi đọc trinh thám bởi một trong những điểm thu hút tôi ở mảng văn học này chính là cái ác cái bệnh hoạn dị hợm ở trong chính con người. Tôi thích có cái nhìn chăm chú vào cái ác.
Kẻ nhắc tuồng và Người ru ngủ nằm trong cùng series về đặc vụ Mila Vasquez của Donato Carrisi làm tôi luôn có cảm giác mình đang đứng trước hình ảnh mô phỏng của một khúc khải huyền "trong kinh Thánh, đó là thời điểm tận thế, khi mà mọi tội lỗi của con người bị phơi bày để phán xét". Chúng làm tôi bị xoay vòng trong suy nghĩ cái ác chỉ sản sinh ra cái ác, đúng không; hay cái ác còn phục vụ cho cái thiện. Cái ác luôn có thể được chứng tỏ bởi nó để lại dấu vết còn cái thiện thì không, ta chỉ có thể chứng kiến cái thiện. Hay là cái thiện rất chóng qua, không thể ghi nhận lại được vì cái thiện sạch sẽ, không để lại rác rưởi nhơ bẩn như cái ác. Thế nào? FTW
Giả thuyết về cái ác nói rằng: Cái thiện của một số người luôn trùng với cái ác của một số người khác. Và nó đúng cả theo chiều ngược lại. Như vậy, cái thiện biến thành cái ác rồi biến thành cái thiện rồi lại trở thành cái ác. Nó là một sự xoay vòng chu kỳ mang tính bất diệt của sự sống và cái chết.
Trong Phật pháp có khái niệm thuận hạnh và nghịch hạnh. Một cái để chỉ những gì thuộc về nhu mì mềm mỏng dịu dàng. Còn một cái để chỉ những gì thuộc về hà khắc răn đe quở phạt mà đôi khi để đạt được thuận hạnh thì ta phải sử dụng nghịch hạnh. Và chấp nhận quả, thì ta điềm nhiên phải chấp nhận sự hoán đổi xoay vòng của thuận hạnh nghịch hạnh thuận hạnh nghịch hạnh... như một tất yếu chi phối toàn vũ trụ.
Tôi là người rất dễ bị thu hút bởi những thứ thuộc về tôn giáo tín ngưỡng tâm linh, thuộc về cái thiêng. Nên tôi thường trêu bạn bè rằng, tôi là kẻ rất dễ đi theo các giáo phái, mà giáo lý của giáo phái nào cũng vậy, luôn có xuất phát điểm từ nhưng điều rất nhiều ánh sáng, thánh thiện - tất nhiên tôi yêu nó. Và cái gì cũng có hình bóng, hình bóng của cái rất nhiều sáng thì cũng đậm đặc tối - dĩ nhiên tôi tò mò và cũng bị nó thu hút (cũng là một dạng yêu bị thoái hóa thành ám ảnh, tò mò). Cho đến giờ, thứ tôi kém thiện cảm nhất về chủ đề này, có lẽ vẫn là hầu đồng; là do tôi có người mẹ chạy theo niềm tin ấy. Tôi không lý giải được sự kém thiện cảm này ở mình.
Sau khi kết thúc hai tập này, tôi thêm yêu Umberto Eco hơn nữa bởi một câu văn trong hàng nghìn trang tôi đọc của ông và về ông, đại ý: địa ngục là thiên đàng nhìn từ hướng khác (và tất nhiên cũng có chiều ngược lại). Và tôi vẫn tin mạnh mẽ hơn nữa ý nghĩ của mình: con người vốn luôn luôn thuộc về một cái gì đấy tôn giáo tín ngưỡng tâm linh-cái thiêng.
Nói như vậy để biết là ngay sau đây, con Lốc sẽ đến với Thiêng và Phàm, sau một cú con thú trong con người của Mặt trời mù (Curzio Malaparte) và một cú kép cái ác trong Kẻ nhắc tuồng, Người ru ngủ (Donato Carrisi)