Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

30.12.22

băng đường




sáng hôm kia tỉnh dậy, trở về từ một giấc mơ; sống ở nhà trên núi trên đồi, hôm đó có rất nhiều rắn vào nhà. Người phụ nữ già dân tộc đã dạy cách đánh rắn cho nó choáng rồi hất nó văng ra xa khỏi sân nhà. Còn người phụ nữ trẻ hơn thì dạy sau khi đánh vào đầu rắn xong phải lấy chân giẫm nghiến; cô ấy biểu diễn giẫm vào đầu con rắn, nhay nghiến be bét máu. Học xong 2 màn đánh rắn, tú lui về chái nhà nơi ở của mình thì gặp một con rắn đang nằm trên nền đất gần giường ngủ, tú bảo thôi mày đi đi, nếu mày không đi thì tao đi vậy. Chờ mãi nó không đi, tú trở ra cửa nhìn xuống con đường đồi nơi có xe máy 2 đứa trẻ con chân không chạm tới đất ngồi trên xe máy đang gồng người với cái xe xóc nảy theo từng cợn sỏi đá rải đường, trẻ con ở đây cứ bạ xe nào cũng nhảy lên phóng, y như hồi 2013 đi Mộc Châu thấy bọn trẻ con cỡ 8 tuổi cũng nhảy lên xe máy ngồi mỏm mỏm như xe đạp chân không chạm đủ vòng pê đan, xe máy xe đạp nhảy tất khi có tiền chạy đi mua miếng thịt hay gói kẹo bim bim cái kem... Bọn trẻ đang về nhà sau giờ ở trường học tiếng Kinh. Tú đi xuống núi, chuẩn bị ra đến đường quốc lộ thì thấy mấy xe máy bóng dáng mấy thằng tiểu iêu đi qua vẫy loạn lên, trong đó thằng Xù toe toét cười, vẫy bảo: em vào trước nhé, gặp nhau ở đấy. Thấy thế tú đi "vào" nơi mà nghĩ có hẹn Xù


đó là một trường học trong ngày nghỉ. Họ đang chuẩn bị làm chương trình văn nghệ chào mừng gì đó, đông người. Tú tìm Xù không thấy, đi vào rồi đi ra, khi đi ra dù đã rất tránh nhưng từng người múa cứ lao theo bước nhảy về phía tú, những người múa tung mình lên cao xoay vòng rồi tiếp đất trong dáng ba lê lùa vào tú, gần như đâm sầm, tông vào tú tới nơi. Thấy thật hoàn hồn khi mình thoát được 'trường người múa' lao đến, tú ra khỏi cổng ngôi trường và rẽ trái để về nhà. Không biết tại sao mình lại lựa chọn đi vào ngõ nhỏ này để về nhà thêm xa, nếu là ngày bé từ trường về nhà, tú hoạ hoằn mới chọn ngõ nhỏ này vì về nhà tú hoàn toàn đi thẳng đường cái, ngõ nhỏ này tú không thích bằng ngõ thẳng nhà, vì nó luôn âm u không có ánh nắng, vì nó luôn tĩnh mịch nhiều người nghiện. Thế mà nay tú chọn đi nó để rồi gặp một cổng làng cũ, phải đến khi gặp cổng làng cũ tú mới hiểu tại sao tú lại chọn đi đường này. Tú lách người đi cửa bên cổng làng thì hôm nay ở đây có một sạp hàng. Tú mua lavie để lấy cớ len qua sạp hàng như đi qua cổng, dù chai lavie trông hơi kì lạ, nắp của nó dán thứ bóng kính lấp lánh chất liệu các loại cành hoa lá giả người ta hay bán ở các đền thờ miếu mạo; tặc lưỡi thôi mua uống tạm thì nhìn thấy sạp hàng có từng chồng sách ngoại văn; ngồi lọt thỏm vào bới sách thì thấy sách chủ yếu là thể loại mình không chút hứng thú nào và cái lạ là nó in nhoè nhoè như sách lậu. Tú quay qua hỏi người bán hàng sách chỉ có chỗ này thôi sao thì người bán hàng quay mặt nhìn tú, một khuôn mặt vừa quen vừa lạ, có trán nhô hẳn thành nửa khung tròn vạnh bên trên kết hợp với 2 mắt đặt chéo nhau một góc làm cho tú nghĩ: 2 con mắt ở vòng tròn âm dương, bảo sao sách ở đây in nhoè như tiền âm phủ. Nói xong tú trả tiền chai lavie nhiều hơn giá trị chai lavie thông thường rồi để lại chai lavie trên kệ hàng rời đi. Không đi qua cửa ngách để về nhà nếu đi con đường này, mà trở lui đi ra đường cái để về nhà


mở mắt tỉnh dậy tiếng mưa giọt trên các mái nhà. Một ngày mùa đông rất lạnh có kèm mưa. Và nhận tin một người vừa mất


tối, thuê xe riêng đi tỉnh viếng đám ma, xe không thể đón bên phía đường đầu phố vì đường tắc kinh khủng, buộc lòng liều đi bộ sang bên kia đường và giờ đây khi vẫn còn ân hận vì hành động của mình và ngồi đây nhớ lại giấc mơ, tú mới hiểu những người múa đâm sầm lao mình vào tú dù tú cố sức tránh và cảm thấy mình phiền toái quá tại sao lại đi vào một "trường người múa". Đó là việc tú băng 2 làn đường tắc trong trót lọt vì đường tắc, đến làn đường thứ 3 một chiều và làn này không tắc, họ lao như tự sát còn tú là vật cản sang đường, như mình mời gọi tai nạn thần chết, chỉ biết ít nhất 5 cái xe giật mình phanh gấp khi cách tú và người đi cùng 2 mét, có xe phanh gấp tránh được 2 người sang đường còn nhằng nhằng tay lái. Mình pha đấy chắc chắn là làm sao vì toàn xe đang lao như tự sát còn mình ngu mình chịu nhưng tai hại nhất là cái ngu của mình khiến nhiều người khác làm sao. Lần đầu tiên trong đời đi ra đường mắc vào hành động ngu dốt thế này dù bao lần trước đó có vội thế nào có được bảo sang bên kia đường nhận đồ cho tiện thì cũng chưa bao giờ cắt ngang để băng qua đường thế này. Như ma đưa lối quỷ dẫn đường, lại tìm những chốn đoạn trường mà đi. Lên xe rồi, lúc tắc ở đoạn gần bến nước ngầm, nói chuyện, lát nữa lái xe chờ có việc khoảng 1 tiếng thì lái xe mới hỏi: hoá ra mình đi viếng đám ma ạ [giọng hết sức cảm thán: ối giời đêm hôm cuốc đi tỉnh lại đi đám ma]. Đang nghĩ về cảm nhận mình có khi nghe người lái xe nói thì nhìn thấy ở phía trước có xe ô tô thế nào người ngồi trong xe cả 2 người cùng nhìn thẳng diện vào mặt mình trong xe. Nghĩ đến những thứ quái gở chưa hoàn hồn, mình chớp mắt hỏi vọng lên lái xe: anh ơi 2 người kia ngồi quay ngược à, bộ đội đúng không hay mắt em nhìn sai; lái xe bảo: à vâng, xe bộ đội, xe này họ không ngồi thế thì chỗ đâu mà ngồi hả chị. Nhỏm người dậy nhìn xe trước mặt biển đỏ, tú phì cười mình vẫn chưa hoàn hồn và nghĩ, nếu đó không phải là người mà là ma, tú thấy mình sao tú; trả lời thì người hay ma cũng phải chịu chứ biết sao, trăng sao gì nữa, chịu thì chịu mà không chịu cũng chịu chứ sao là sao tú ơi là tú nhìn là nhìn thôi

15.12.22

tình yêu




một cách intuitive hoàn toàn, tôi bẻ lái giữa đường tiến từ Sartre sang Bergson để đọc novella Nàng tình nhân hờ của Balzac chỉ bởi một chi tiết trong War Diaries của Sartre có nói đến cảm hứng Sartre có, khi đọc miêu tả lần đầu gặp gỡ của Balzac và Hanska. Đến khi mở Nàng tình nhân hờ, tôi mới hay biết, tôi không ngờ được rằng, Nàng tình nhân hờ được viết 1842 là giai đoạn nhiều sóng gió trong mối quan hệ của Balzac và Hanska [Hanska là người vợ Balzac lấy trước thời điểm ông mất, 1850, sau 18 năm correspondence], thời điểm này người chồng Wenceslas của Hanska chưa chết, Balzac còn định lấy chính cái tên này đặt cho nhân vật Adam - nhân vật người chồng trong Nàng tình nhân hờ; và như câu chuyện của Nàng tình nhân hờ, thì ta có thể thấy trong hoàn cảnh mối quan hệ của Balzac và Hanska thì việc Balzac mong muốn cái chết của chồng Hanska là điều... dễ hiểu [tôi đang nói gì thế này]. Theo chú thích 107, khi Balzac viết những dòng "hoàn cảnh tương tự" cho nhân vật đại uý Paz của mình thì chồng bà Hanska đã chết còn Balzac hoàn toàn chưa biết tin [khoảng 2 tháng sau mới biết tin]


novella Nàng tình nhân hờ được Balzac xếp vào "các cảnh của cuộc sống riêng" thuộc phần "các nghiên cứu về phong hoá" trong Vở kịch con người. Tình yêu như một cái trap, abyss ở tất tật mọi lĩnh vực hoàn cảnh; viết về nó thế nào, làm sao để thoát cliché, motif :)) what is love [what why when, thật ra tôi muốn nói what love is]. Ở đây Balzac đặt nó trong một tam giác: tình bạn, tình yêu và một tình nữa bao hàm tất cả: tình người, mà ở đây là lòng biết ơn [cách đây mấy năm bản dịch Những vinh nhục của César Birotteau của Mặc Đỗ xuất hiện trở lại, nếu đọc kỹ sẽ nhận ra lòng biết ơn, vô ơn, đền ơn, báo oán, bội bạc sẽ là cốt yếu trong Vở kịch con người]. 3 nhân vật trong Nàng tình nhân hờ tôi đều rất thích, họ ghi dấu ấn theo các cách rất riêng: Adam - người chồng chính bởi tình huống với đại uý Paz "bạn cho cuộc sống, cho cái chết"; Clémentine - người vợ thì khỏi nói rồi, đọc là thấy phụ nữ đẹp, tinh rất đàn bà [với tôi mà nói, cứ phụ nữ đẹp là ghi điểm :))), thiếu cái gì thì hay... cái đó] và đại uý Paz thì tất nhiên, có người cần yêu và được yêu, lại cũng có người chỉ cần yêu dẫu ngay cả yêu trong im/câm lặng 


"tình bạn không biết tới những phá sản của tình cảm và tụt dốc của khoái lạc. Sau khi đã trao đi nhiều hơn những gì nó có, cuối cùng tình yêu sẽ cho đi ít hơn những gì nó nhận về" 

"phụ nữ nhìn thấy mọi thứ hoặc không thấy gì hết, tuỳ thuộc vào cấu hình tâm hồn họ: tình yêu là ánh sáng duy nhất của họ" 

[mindset giới ở đây này :)))), Nietzsche có nói gì í nhỉ, sau này Simone de Beauvoir cũng phân tích trong Giới nữ/Giới phụ; đợt đọc vệt dài Thanh Tâm Tuyền tháng 4 vừa rồi, trong vở kịch Cửa đêm, nhân vật người mẹ cũng dạy con gái mình, có một ý, đại ý: đối với phụ nữ thì tình yêu là tất cả cuộc sống của họ, nhưng với đàn ông thì tình yêu chỉ là một phần nào đó. Trông tôi thế thôi, nhưng tôi lại rất hay đoán đúng về một tạng đàn ông, bỗng họ tự nhiên bỏ bê tất tật thì điều đầu tiên tôi bào chữa cho họ sẽ là "chắc lại bạn gái rồi yêu đương thế nào đấy"; khi anh bạn tôi nói về một anh chàng tự nhiên lặn không sủi tăm, tôi bảo "thì chắc bạn gái, tình yêu thế nào đấy", anh bạn tôi bảo "kể cả thế thì cũng không thể thế này được", tôi chỉ cười lém lỉnh nhìn đi chỗ khác vì tôi biết, với những gì tình yêu gây nên, tạo ra hay tàn dư, để lại thì không gì là không thể thế này hay thế kia được]


tôi là người rất ghét việc đọc bị gián đoạn bởi chú thích. Khi Những vinh nhục của César Birotteau xuất hiện trở lại, một trong những trở ngại khi đọc của cá nhân tôi là các chú thích, phải nói là ghét thậm tệ, đến mức tôi tưởng tôi quẳng sách sang bên đỡ phải đọc; đến Nàng tình nhân hờ cũng vậy, trong khoảng 5 trang đầu thôi, mở màn ra mắt một vài nhân vật mà có đến khoảng hơn 30 chú thích, tôi phải cố nhẩm thần chú: cứ tiếp tục đọc, cuộc đọc Balzac sẽ là như vậy, hãy nhớ đến những trải nghiệm gặp gỡ Balzac trước đây, cứ tiếp tục rồi đâu khắc vào đó; vậy là tôi tiếp tục theo cách tôi đã kinh nghiệm trước đấy. Tức là, khi đã có một lần kinh nghiệm rồi, sẽ hiểu và nhận ra: chính các chú thích đang kể không chỉ một câu chuyện, mà nhiều [tuyến], song hành với câu chuyện mình đang đọc, và nó chính là các từ khoá, chìa khoá mở cánh cửa trong cuộc đọc, nhất là đọc Balzac. Và cách đọc của tôi trong khoảng 1 năm gần đây là cứ tận hưởng, hưởng thụ việc đọc liền mạch không dừng lại bởi chú thích, bất kể đọc gì, hiểu thì hiểu mà không hiểu thì cũng cố mà hiểu hoặc lờ mờ đoán [chắc đoán mò đọc ngoại văn nhiều thành quen (lười tra từ, để dành tra cả thể hoặc lúc tra từ mà thấy hoá ra từ đó đúng như mình đoán thì nó như một thú vui khác vậy)] rồi khi đọc hết 1 chương 1 trường, thậm chí nửa quyển hay cả quyển thì lật chú thích đọc rồi lật trở lại sách để lồng vào phông cảnh chung của chú thích đó. Một cách reread. Có lẽ chính vì vậy, tôi thích chú thích để hết cuối sách hơn là cách để chú thích ngay cuối mỗi trang có chú thích của phần lớn sách hiện nay. Thích cả index sách nữa, có lẽ là một dạng cải đạo của cá nhân tôi trong hơn 1 năm qua, thuộc dạng yêu những gì mình từng ghét [có điều mắt kém nên chú thích đánh số nhỏ, lúc lật trở lại tìm thì như chơi trò tìm số hồi đi học]


ps. hồi đọc Vĩnh biệt của Balzac tính lấy tên Tình yêu nhưng đã lấy Vĩnh biệt; cuối cùng đến Nàng tình nhân hờ thì lấy tên Tình yêu thật, dù tự nhiên đến đây lại muốn lấy Tình hờ, có nên đổi tên 🙂



mountain house




con emi nhìn tranh nó có mường tượng được căn nhà trên núi mà mẹ nó mơ về suốt 2 tuần nay không nhỉ


từ hôm về nhà, ngay cả những ngày ốm sốt nóng rồi sốt lạnh đợt rồi, trong mê man toàn mơ về nhà trên đồi trên núi của người Dao; có hôm còn mơ 3 người phụ nữ Dao già cỡ mẹ của G., mặc bộ váy áo to màu đen gắn hoa văn và hạt đá tua rua, họ cứ cầm nồi với thau múc nước dội từ trong nhà ra cửa, trong mơ mình hỏi: đây là cách người Dao làm phép để khỏi ốm ạ, sao cháu mệt lắm, hay cứ dội nước cho sạch nhà đi, chắc người cháu sẽ sạch theo nhà đấy

14.12.22

out of this world



đơn hàng đồ chơi của Sói Sun, hãng abc phát nhầm rồi từ đó bạn bưu tá từ chối phục vụ địa chỉ nhà mình. Giờ lại có 1 đơn phát sinh ngoài shopee, đêm qua người gửi mới nhớ ra hỏi mình: chị ơi chị nhận được hàng chưa; mình bảo: đang định nhắn hỏi hàng đến đâu rồi mà mãi không thấy, gửi tiết kiệm hay gì mà lâu thế. Sáng sớm đang mơ, bị kéo giật về bởi hàng loạt chuông tin nhắn shopee sms, thì đầu gửi nhắn em tra mã vận đơn, hãng báo phát thành công từ hôm chủ nhật 11/12. Mắt nhắm mắt mở vào nhìn cái ảnh chụp màn hình báo phát thành công. Lại hãng abc


lần này bạn í phát nhầm nữa thì không biết sẽ thế nào đây huhu, phản ứng lần trước của bạn í khiến mình cảm thấy chạnh lòng kinh khủng 😢. Thế này chắc phải yêu nhau mới thoát khỏi kiếp nạn phát nhầm 


mình có tật là khi đang ngủ đang mơ mà bị gọi dậy, mình cảm thấy rất chán rất tủi thân, thậm chí ngày xưa thường xuyên mình khóc khi bị gọi giật về thực tại, khóc ngay cả khi đang đi làm một việc gì đó trong trạng thái bập bềnh chưa hoàn hồn về thực tại; mình không ngại bị làm phiền khi ăn một chút nào, nhưng mà ngủ thì thấy rất tủi thân rất phiền [chính ra đang tắm đang ị mà phải gián đoạn vẫn còn dễ xử lý với mình hơn là đang ngủ đang mơ]. Chính vì tật này mà mình bỏ ngủ trưa 30 năm nay vì cảm giác đang mơ đang ngủ bị kéo về, từ giấc mơ trở về mà chưa hoàn đâu vào đâu nó rất bất mãn; nhất là khi mình ham ngủ ngày; và mẹ mình thì hay gọi mình những việc không đâu khi mình ngủ. Hôm nay đã phá vỡ giấc mơ của mình thì chớ, mình gặp lại một bạn học mà 12 năm nay mình chưa nhìn thấy bạn í ngay cả trên ảnh, còn bạn í thì có thể nhận ra mình nhờ giọng nói; thế mà mở mắt lại còn nhận tin đơn hàng thất lạc, lại cũng hãng abc gần đây mới xảy ra sự vụ kia. Giá kể không trở về từ giấc mơ thì tốt biết bao. Nghĩ đến phản ứng của bạn bưu tá hãng abc, mình thấy sao không yêu nhau đi cho bớt hẩm hiu dạng này huhu

10.12.22

intuition

 



trong lúc đọc War Diaries của Sartre mình nghĩ, sau đây mình sẽ đọc vài quyển của Sartre được dịch mấy năm gần đây, vì không nhân cơ hội này thì không biết bao giờ mình mới động đến chúng, nhất là lại có 1 quyển bên NN làm bìa cứng mới đau khổ cho tôi chứ, quyển í được tặng, bìa cứng thì khó nằm đọc, ngồi đọc thì lười. Nhưng đi được trăm trang thì mình nghĩ, consciousness à, thôi, không đọc tiếp Sartre, mình đọc Henri Bergson, vì consciousness mà, mình đọc Ý thức luận, nhà đang có 3 quyển của Henri Bergson, nếu cũng không nhân cơ hội này thì không biết bao giờ mới đọc cho xong Bergson đọc dở dang mấy năm nay. Rồi lại đi tiếp đến khoảng hơn 200 trang, thì đọc được khoảnh khắc Sartre đọc về cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Balzac và Hanska, cũng không biết mình ấn tượng về cảm giác của Sartre về buổi đầu gặp gỡ kia hay về chính Balzac và Hanska [Hanska mình có biết một tí này, đây là người vợ Balzac lấy ngay trước thời điểm qua đời 1850, sau một quãng, mà không, phải là một thời, correspondence kéo dài 18 năm (là 18 năm đấy)]. Và tự nhiên không hiểu sao, hoàn toàn tự nhiên, mình nghĩ mình sẽ đọc Nàng tình nhân hờ ngay sau khi kết thúc War Diaries và mình quay đầu sang trái, nhìn thấy đập thẳng vào mắt, Nàng tình nhân hờ cách mắt mình 10cm. Một cách intuitive, mình nghĩ mình thích âm thanh của cái tên Hanska phát ra, mình sẽ đọc Balzac ngay và luôn với Nàng tình nhân hờ, vì đọc Sartre lần này, tự nhiên mình chú ý đến intuition. Và khi vừa bập vào Nàng tình nhân hờ thì ở chú thích 3, ối giời





mình cũng nghĩ, mình cần đọc The prime of life của Simone de Beauvoir; và mình cần check The paths of freedom [Les chemins de la liberté] vì tự nhiên được biết đến nó làm mình nghĩ đến Lũ người quỷ ám của Dostoievski, intuitive thế nên mình muốn check thôi, mà check tức là phải đọc


mình phát hiện ra khoảng hơn năm gần đây, mình thích đọc sách có index. Đọc hết đi 1 lượt hoặc đoạn nào lười thì liếc mắt thôi. Sau đó khi gấp sách lại, sau mấy giờ hoặc 1 hay 1 vài ngày, cũng có khi tháng, mấy tháng tự nhiên có ý nghĩ nào đó đến và sực nhớ đến cái mình đọc, sẽ biết mình phải lần lại ở đâu, tự nhiên sẽ nghĩ đến cái mình muốn đọc lại vì cảm giác có gì đó nó chưa xong, thì mở index đọc theo chỉ mục mình cần, tức là reread 





7.12.22

tiện




bố hỏi: con cầm sách kiểu gì thế kia, sợ hỏng sách đến thế cơ à

con trả lời: không phải, mà vì con lười con ngại, một tay thôi cho nó tiện, tay kia còn cất đi cho nó ấm

[tay kẹp giữa hai đùi cho ấm]