Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

20.5.23

hồn lưng




hai quyển đọc gần đây trong Wings Classics - Tủ sách văn học kinh điển của nxb Kim Đồng [tủ này không phải đầu sách nào tôi cũng thích, nhưng một số lựa chọn tác giả như làn gió tươi mát giữa ngộp thở vì oi nóng các nhà ồ ạt làm trinh thám kinh dị, kinh điển gần đây, như H. P. Lovecraft, Poe, Henry James...]: một ở lâu đài thời Trung Cổ và một ở trang viên thế kỷ 19. Ban đầu tôi hứng thú đến với Chuyện ma ám ở trang viên Bly [dù đã xem phim rồi], vì Henry James mà, dù biết, đây lại chính là cái không đặc trưng của tác giả; điều duy nhất nhận ra: chính vì tính chất truyện ma khó nắm bắt của nó mà ta đọc nó trong thích thú; khó nắm bắt nên thích thú, cái này rất hiếm gặp ở dòng truyện kinh dị khi mà cái gây cấn, rùng rợn dẫn dắt ta đi rất nhanh; ở đây thì không, cách Henry James viết về cảm nhận tâm trạng của các nhân vật nhìn vào nhau, nó làm người đọc rợn người và nghĩ: có thể nào nhân vật nghĩ như vậy hay sao 


nhưng cuối cùng cái gây thích thú lại là câu chuyện Lâu đài Otranto; nó quá Shakespeare; đến mức trong suốt 2 tiếng đọc nó và khi gấp sách lại, chỉ lấy làm khoái nghĩ bụng: sao người Anh họ lại mê bi kịch thế chứ, họ xây được những bi kịch quá motif, đồng thời, cũng không motif nào giống motif nào trong cùng một motif. Horace Walpole xây dựng những nhân vật nam quá sức điên loạn [ngay cả cha đạo] và những người phụ nữ khiêm cung, thờ chồng lý tưởng đến mù quáng; vì điều này mà tôi đi đọc tiểu sử của tác giả và tòi ra chi tiết đời sống gắn bó tinh thần của ông với người mẹ; cũng chính vì thế, tôi lần mò đến The Mysterious Mother: A Tragedy, nỗi tò mò của tôi hết sức dễ hiểu mà, tragedy thôi 


còn Henry James thì Xuất bản Khác sắp rồi, những gì Henry James nhất. Cùng chờ đón 

16.5.23

lõm mắt




một buổi chiều nhãn rỗi có 55 phút trống, thế là nằm đọc sách, rồi ngủ lúc nào không hay. Mơ một đứa trẻ hình hài như bào thai có lõm mắt nhưng chưa hình mắt nhoẻn miệng cười với mình qua làn nước, mặt nó gần mắt nhìn của mình lắm; chợt nghĩ, mình đang soi gương nước à, sao mình chưa hình thành mắt thế này, không có mắt thì đọc sách làm sao chời ơi; rồi trong mơ mở mắt thấy mình nhìn mọi thứ bình thường; mình thả lỏng lại, cười với đứa bào thai ý và hỏi: tú không sinh con đâu, thế con tính làm con ai, tính đòi tú bế hả, nhà tú còn thêm đứa cháu nào không nhỉ; nó cứ nhảy bật bông trong làn nước và cười khoái lắm. Nó nhảy cuộn loi choi như bơi, khiến tú hoảng loạn vì thấy bụng mình quặn buốt từng cơn 


mở mắt nhìn trần nhà, nhìn con mèo và những sách vở xung quanh; cầm điện thoại thấy đến giờ phải xuống nhà rồi. Đờ đẫn ngồi dậy sờ vào chỗ mình nằm mát ẩm mồ hôi trong gió quạt, loạng choạng đi cầu thang xuống nhà, người hâm hấp nóng...

11.5.23

không nói [*]




hai bài viết rất hay về Katherine Mansfield ở đây: [hình như có thể theo đấy mà đặt sách, đừng hỏi tôi là mua ở đâu, tôi trả lời có khi lại không tìm ra chỗ để mua]

https://xuatbankhac.com/blog/suong-mu/?mibextid=Zxz2cZ

https://xuatbankhac.com/blog/mat-na-mai-khong-roi/?mibextid=Zxz2cZ


đầu mùa hè 2020 tôi có The collected stories of Katherine Mansfield trong nhà, cũng từ đấy, quyển sách trở thành sách đầu giường đúng nghĩa với tôi. Gối nằm một bên giường, nó cùng khoảng 7-8 quyển khác nằm bên còn lại [giờ có lẽ khoảng 20 quyển] nhưng nó chiếm vị trí đặc biệt trong sự đọc trường kỳ và có tí thâm niên của tôi: bởi tại thời điểm đó, Katherine Mansfield là một cái tên lạ với tôi, môi trường sách vở tôi quan tâm cũng không ai nói với tôi về nhà văn này. Sau khi đọc những trang introduction, headnotes, suggestions for further reading và biết người phụ nữ này cũng chỉ sống hơn 34 năm, cỡ Simone Weil, thời điểm ấy tôi cũng hơn 34 tuổi, tôi cũng là người sinh tháng 10 như bà ấy, tôi còn lạc trôi đến ý nghĩ, năm ngoái leo núi chết hụt thì năm nay mày có chết không tú; và tôi giở hú hoạ một trang, và trúng truyện Marriage à la Mode, tôi cứ tủm tỉm mãi với mình, rằng một người sợ hôn nhân con cái như mình mà sao mở hú hoạ quyển sách cũng vào marriage, mà lại còn à la mode mới đau :))) nhưng ngay khi đọc hết truyện hú hoạ ấy, tôi nghĩ: mình đọc nhà văn này, thời gian của mình để đọc, cho một tác giả tên tuổi, kinh điển hay gì gì hay lạ lẫm thì cũng có sao, nó đến tay mình thì mình đọc, mình chẳng đọc chán vạn ba lăng nhăng bao thời gian đấy thôi; và ngay lúc ấy tôi đã nghĩ, nếu để nhìn một cây viết nữ chất Ăng-lê thì tôi nhìn Katherine Mansfield, chứ không Virginia Woolf. Tính đến giờ, quyển sách ố vàng cũng phải, giấy của nó rất mềm và dai, cầm rất thích, chắc do động đến nhiều suốt thời gian qua, đây cũng là hình thức một quyển sách mà tôi luôn thích, thích hơn nữa nếu mặt tiền chỉ có các thông tin cơ bản phải có


năm ấy, Katherine Mansfield mới tinh với tôi, và cũng là một khám phá [cùng George Eliot] tại thời điểm đó, lúc ấy, tôi nghĩ: chắc chắn chưa từng có dấu vết Katherine Mansfield trong tiếng Việt, vì cỡ này nếu có thì người ta phải làm gì đó rồi chứ. Tôi sai :). Một người bạn sách đã cung cấp dấu vết [có vẻ việc không để lại dấu vết là bất khả, bản thân mong muốn ấy của Mansfield cũng có được đâu], The Fly [Con ruồi] từng được dịch trong tập Hoa lạ do nhà Đời Nay in năm 1944 ở Hanoi tái bản năm 1970 tại Saigon nhà in Huyền Trân; khoảng những năm 90, At the Bay [Vịnh Lưỡi Liềm] và The Garden Party [Tiệc hoa viên] 2 truyện ngắn được dịch trong tập Hoa thơm cỏ lạ do An Tiêm in ở Pháp. Nỗi băn khoăn của tôi đã làm người bạn sách của mình sực nhớ ra trong nhà có mấy tập truyện chọn lọc của nữ danh sĩ ngoại quốc và anh ấy chụp gửi cho, nhờ thế còn tòi ra Khái Hưng dịch Hai người thợ giầy của Stacy Aumonier; cũng người bạn ấy gửi cho tôi đọc Hoa thơm cỏ lạ, đấy là một tập tuyển truyện ngắn rất hay


và giờ, Katherine Mansfield đã xuất hiện với diện mạo đầy đủ hơn: Tiệc vườn và Ở nhà trọ Đức, và sẽ còn tiếp nữa. Đọc truyện ngắn của Mansfield điều cảm thấy đầu tiên là con mắt quan sát tinh quái, miêu tả sắc như đọc một cái người ta thấy luôn không khí của truyện; nhưng chính tính chất tinh quái ấy, cuối mỗi truyện luôn cho người đọc cảm giác hồ nghi, hồ nghi cái ta đọc như ta đi ta nhìn qua sương [quá đảo quá sương mù] như đứng trước bí ẩn và lời tiên tri vậy. Chính thế càng khiến ta đọc, vì nếu một nhà văn viết không mang đến một không khí tiên tri thì liệu có đáng đọc, nhất là khi nhìn lại nhưng gì đã đọc của Mansfield tôi hay nghĩ: những truyện không truyện, chi tiết không hề to [không tảng mảng khối] mảnh cắn chỉ mà có thể viết quái như thế, thu hút đọc như thế, thì con người này biên độ rộng thế nào, thật khó chịu, không dễ dàng gì với con người bên ngoài trang viết


tôi thích tập Tiệc vườn hơn, tôi đương nhiên biết điều ấy, dù rất nhiều nhà văn tôi thích nhất của họ là những gì đầu tay, thuở bình minh, và nếu thế thì ở đây tôi phải thích Ở nhà trọ Đức, nhưng không; có lẽ do ấn tượng về một gì đó mong manh bảng lảng như thiên thần vụt hiện mà Tiệc hoa viên để lại [giờ đây truyện có tên Tiệc vườn], mấy năm trước, thời gian đầu tôi làm quen Katherine Mansfield, tôi nhớ mãi khung cảnh và câu thoại khép lại The Garden Party [ở ảnh comment]; một người không tìm thấy niềm vui đọc ở ngôn ngữ khác như tôi, nhớ được như in cái gì không ở ngôn ngữ mẹ đẻ, hiếm hoi lắm, hoạ hoằn thôi. Tập Tiệc vườn có thể xem là bông hoa trong giai đoạn viết đỉnh cao của Katherine Mansfield; Ở nhà trọ Đức là tập đầu tay [sao lại có thể tiên tri trước đời sống pension như thế chứ], nếu đọc Tiệc vườn trước và Ở nhà trọ Đức sau thì sẽ nhận ra độ chênh nhiều [tôi đang cố gắng gợi ý với người mới là đọc Tiệc vườn trước đấy], nhưng cũng nhận ra giọng mỉa mai, giễu nhại đến thất thường đỏng đảnh ở giai đoạn đầu đã được tiết chế và thay bằng tinh quái, khó đoán định ở Tiệc vườn; nói vậy, chính những truyện có phần lạc quẻ, có phần nằm ngoài pension lại khiến tôi chú ý [nửa sau tập Ở nhà trọ Đức, ở pension tôi nghĩ đến Núi thần Thomas Mann] và nó khiến tôi nhìn hôn nhân con cái bằng con mắt của những phụ nữ đang trong hôn nhân con cái sinh đẻ, dẫu tôi có thể nói, không bao giờ nhìn đời sống ấy bằng đôi con mắt nhược thị của mình :)


The Doves' Nest, Katherine Mansfield đề tặng Walter de la Mare, chính nhờ có quyển collected kia, 3 năm trước tôi nhớ ra trong nhà có một quyển Tuyển tập truyện thiếu nhi của Walter de la Mare, là cả một khám phá lớn vì may quá nó không mỏng như lưỡi mèo, nó dày cỡ 500 trang, may quá vừng ơi mở ra :)))



[*] tên văn bản Không nói, tôi nảy ra ngay khi đọc xong Con gái ông đại tá trong tập Tiệc vườn, tự nhiên nghĩ sao làm vậy thôi


ps. các bạn hỏi tôi mua Ung thư ở đâu, quyển C màu trắng C màu đỏ ở đâu, Le Spleen de Paris ở đâu... tôi trả lời ở Hiệu sách Hộp, tôi cũng không biết các bạn có tìm ra không. Nhưng cách nhàn nhất là đăng ký chương trình xuất bản của họ, rồi cứ thế nhận sách không bị lỡ quyển nào, chỉ việc đọc, thế là nhàn



4.5.23

kì ngộ [*]




Hai C [một trắng, một đỏ] là các truyện ngắn của Cervantes, trong đó đỏ có một nửa của Hoffmann. Cũng có hai điều rất rõ ràng. 1, Cervantes truyện ngắn và Cervantes Don Quijote là hai Cervantes khác hẳn nhau, dù rất thi thoảng sẽ gặp lại cách nói của Cervantes nhưng cũng khó lòng nhận ra Cervantes truyện ngắn lại cũng chính là Cervantes Don Quijote. 2, quyển đỏ là câu chuyện về con chó Berganza nói tiếng người; Cervantes viết về hai con chó nói tiếng người, con Berganza kể cho con Scipion nghe về đời nó trong một đêm, và một con người ngồi nghe lỏm được câu chuyện í; hai thế kỷ sau, thế kỷ 18 Hoffmann viết tiếp câu chuyện con chó Berganza, khác là, con Berganza nói tiếng người trò chuyện với một con người [những trang cuối cuộc trò chuyện này sẽ làm nở ra rất nhiều gợi ý đọc]; nếu đọc câu chuyện con chó Berganza của Hoffmann thì chắc chắn sẽ nghĩ ngay đến con chó Berganza của Cervantes, nhưng ở chiều ngược lại thì không phải ai cũng biết hoá ra hai thế kỷ sau, truyện con chó Berganza được viết phần tiếp theo, tiếc là con Scipion ở thế kỷ 16 cũng như 18 đều không có cơ hội kể về đời mình và tài là truyện về con chó Berganza với Berganza là nhân vật chính thực chất là do Cervantes nối dài một nhánh trong một câu chuyện khác, nên nó lại tên là Đám cưới giả 🙂


Cervantes và Hoffmann trong cùng một quyển sách, cùng về nhân vật chính là con chó nói tiếng người Berganza, đúng là kì ngộ. Sao có thể chứ. Cervantes thì quá "làm gương" bài học răn dạy [cả C trắng chính là thế, nó đúng cho giờ đây luôn, hẳn có thể nhận định nó chưa sai suốt những thế kỷ đã qua] dù thực ra đấy lại là một tinh thần rất nhẹ, cái nhẹ của Tây Ban Nha Tú tài thuỷ tinh làm nhớ đến không khí Ý Nam tước trên cây của Italo Calvino. Còn Hoffmann lại là cả một thế giới của các nhạc sĩ, kịch nghệ, những người Lãng mạn Đức [Hoffmann và La Motte-Fouqué đều tạo ra những người con gái mang tâm hồn của các yếu tố tự nhiên. Hoffmann tạo ra Serpentina người con gái của kỳ nhông-vị hoả thần và rắn xanh-con gái của hoa huệ, mộc nữ; hoả và mộc. Còn La Motte-Fouqué tạo ra Ondine, người con gái, tâm hồn của nước. Và giao ước tâm hồn họ đều là tình yêu, tình yêu với và của một con người. ôi những người Lãng mạn Đức] như bông hoa xanh Novalis [đoạn Berganza nói về những người phụ nữ thông thái không có trái tim lẫn tâm hồn, những kẻ "có đốm"], thế giới liêu trai cổ tích ma mị, thế giới đêm của đồ chơi thức dậy [Chàng cắn hồ đào và Vua Chuột, thế giới ấy hẳn ai đọc Andersen cũng cảm thấy hết sức quen thuộc, còn một người nữa, đó là Dacia Maraini với đúng tên truyện Thế giới đêm của đồ chơi; những nhà văn viết thế giới cổ tích, dường như "đêm" là tất yếu]


Berganza của Cervantes tất nhiên tạo niềm cảm hứng để Hoffmann viết tiếp về đời con chó Berganza, nhưng không chỉ vậy. Chiếc âu vàng của Hoffmann hẳn cũng làm ta nghĩ đến Tú tài thuỷ tinh, những tú tài ở hai truyện đều trúng ngải tình, ở Cervantes là một loại bùa yêu trong quả mộc của hảo độc nữ khiến chàng tú tài hoá chàng tú tài thuỷ tinh nghĩ mình mong manh như thuỷ tinh chực vỡ, còn ở Hoffmann là những quyến dụ của các nàng rắn và các chàng tú tài trúng chài ngải không chỉ của "một thế giới" nên mới bị nhốt vào lọ thuỷ tinh đậy kín [ở trong đó như một thế giới huyễn tưởng, điều lặp lại trong đầu chàng tú tài Anselmus là lời nàng Serpentina nói: hãy tin, hãy yêu và hy vọng]


nhưng Hoffmann, sao lại cứ cho các nhân vật chính của mình bị lập bản đồ chiêm tinh với lá số tử vi, trước khi được là người được chọn thì họ bị "các thày" xem lá số tử vi và khi nhìn vào đó, ừ đúng thiên định thì vừng ơi mở ra, tức là được chọn rồi thì họ mới được chọn cho một sứ mệnh nào đó, làm hay không làm gì đó. Từ hôm đọc mấy truyện của Hoffmann, cứ đang làm gì đó, tôi lại lẩm bẩm: là xem chiêm tinh trước xem lá số tử vi trước ư... có những điều sức mạnh trí tuệ không thể hiểu và lý giải. Như lời con Berganza: họ [những người tô điểm bản thân bằng hào nhoáng thơ ca, ăn diện lộng lẫy, những phụ nữ thông thái rởm, những kẻ "có đốm" lấp lánh màu sắc như tắc kè hoa từ trong ra ngoài...] không thiếu tâm hồn và tinh thần. "Nhưng bông hoa xanh sẽ tự hé mở tràng hoa của nó cho những ai được ân sủng." Hoffmann nói ông giống như lũ trẻ sinh ra vào Chủ nhật, nhìn thấy những điều người khác không nhìn thấy được và "nền tảng của chiếc thang bắc lên trời mà người ta muốn trèo lên, vươn tới những miền cao cả hơn phải bám chắc vào cuộc sống để mỗi người đọc đều muốn trèo lên theo. Và khi con người trèo lên cao, cao hơn, cao hơn nữa và thấy mình đang ở trong một vương quốc kỳ diệu, huyễn tưởng, con người sẽ tin rằng cả vương quốc này cũng vẫn thuộc vào cuộc sống của mình và nó lại là cái phần kì diệu, tuyệt vời nhất của cuộc sống", không trách Balzac ví Hoffmann là "nhà ảo thuật phương Đông"


Cervantes tôi thích truyện Lão già ghen ở Estramadoure, không biết sao tôi lại hình dung bối cảnh của nó ở Ả Rập [trong truyện Rinconete và Cortadillo tôi có thích một câu, đại ý: chẳng cái lá nào rung mà không có ý chí của Chúa; tôi thích ở đây là từ "ý chí", từ này cũng xuất hiện đôi ba lần nữa trong C trắng với nghĩa tương tự, nó dùng với nghĩa rộng hơn nghĩa trước giờ được dùng], còn Hoffmann tôi lại thích những chi tiết quái gở quỷ dị của Zaches tí hon mệnh danh Zinnober, nhất là những chi tiết về vẻ ngoài, biểu cảm của Zinnober; có lẽ tôi đã xây dựng cho mình một sinh vật trong tưởng tượng tên Zinnober quá sống động, đến nông nỗi, băng qua ghét bỏ, nó khiến tôi thích thú quan sát [tôi thuộc dạng nếu làm công việc gì đó điều tra theo dõi truy vết tích người khác, thì khả năng cao là tôi rất dễ yêu cái đối tượng mà mình lần theo, để dễ làm việc thì phải hiểu, muốn hiểu thì dễ nhập làm một với người ta 'nhắm mắt nếu ta là họ thì ta sẽ ta sẽ etc.' nên là yêu lúc nào không hay  :))))]


ps. các lỗi trong Chiếc âu vàng bản Đông Tây đã được sửa chữa trong bản Chàng cắn hồ đào của Nhã Nam [bản này có Chiếc âu vàng, Zinnober và Chàng cắn hồ đào] tuy nhiên ở tay gấp đã cho Hoffmann lúc sinh 1766 lúc sinh 1776. 

[*] về "kì ngộ", là nhân Xù nói chuyện hỏi lấy tên Hội quán cờ hay Kỳ hội quán hay Kỳ ngộ hội quán, tôi buột ra miệng luôn "Ngẫm duyên kì ngộ xưa nay/Lứa đôi ai dễ đẹp tày Thôi - Trương" và trêu nó "kỳ ngộ" là duyên kì ngộ à, hôm nay chị sẽ dùng từ này. Thế nên, tôi dùng]