Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

11.3.17

Khu vườn nội tại



Thế nào, hôm nay mình thế nào? Là phụ nữ, có chồng có con là những việc nhất định phải làm trong đời à. Nếu có tí nhan sắc và giữ được nét xuân, ôi dào cuộc đời lắm người chữ nghĩa địa vị (cũng) sẽ cay nghiệt ngoa ngoắt quen thói má hồng đánh ghen bảo: không chồng không con thì trẻ trung xinh đẹp để làm cái gì; hay là nghiệt khẩu: dạng kén cá chọn canh cho lắm, đôi ba tuổi nữa loanh quanh lại vớ phải đống kức... Nếu mà lại kém nhan sắc, tính tình ảm đạm hoặc chành chọe thì thiên hạ có bao nhiêu của ngon vật lạ để chửi để tọc mạch để ném về phía bạn thì bạn sẽ nhận đủ cả. Thế nếu mình lựa chọn không chồng không con cái thì tức là mình đang đi một con đường bệnh họan dở hơi phỏng, trong khi khu vườn nội tại của mình hết sức bình lặng. Tưng bừng tiệc, đàn người người gảy, rượu ta ta uống, uống liệu đã vơi bớt rượu của mình, mà đã lo bình rượu cô độc của thế gian :). Khu vườn mình đang yên bình như thế, tốt hơn hết là cứ đóng cửa bỏ mặc loài ngừơi ngoài kia tò mò đoán định tọc mạch, còn nắng mưa bão táp là chuyện của trời, tàn phai là chuyện của thời gian, nếu không có tàn phai thì rốt cuộc thời gian là vô nghĩa phải không. Chuyện gì cũng vậy, bệnh tật, tàn phai, sang hèn, vinh quang, buồn vui sướng khổ... trong kiếp nhân sinh là chuyện thường tình thế thôi mà.


Bạn có hay một mình tự nói chuyện như tôi không
Việc ở một mình này nhất thiết nên có một lát trong ngày à
Như thế người ta gọi là cô đơn
Cô đơn xấu à, hay đẹp, lợi hay hại, có làm ta hóa điên không
....
Nếu bạn thích đánh đu chơi bời với tiếng nói, con chữ trong đầu mình thì có thể tập truyện ngắn Ngày mười tháng mười hai của nhà văn Mỹ George Saunders là một lựa chọn khai vị không tồi. Chỉ gồm 10 truyện ngắn với dung lượng rất vừa phải, tôi kết thúc nó khoảng 10-12 ngày trước, tôi đọc vì muốn kiểm chứng. Cho linh cảm người đọc của mình. Cô A cứ khen thì kiểu gì tôi đọc cũng thấy không trôi được, mà nếu cô ấy bảo đọc không hiểu, thì tức là tôi đọc có thể ổn; chỉ cần qua truyện ngắn đầu tiên thì tôi hiểu ngay tại sao cô A không hiểu, vì đây là phong cách viết nhiều tiếng nói nội tâm, các nhân vật thích trò chuyện trong tâm trí họ bằng những tiếng nói bí mật, bằng những tưởng tượng, những hoài niệm hay những đoán định tương lai và nếu ngừơi đọc chọn đọc vào thời điểm căng thẳng không yên được, hay đơn giản bạn là đối tượng ưa đọc cái gì cầm nắm trong tay được, ưa ăn xổi thì kiểu gì cũng nhiễu loạn, đọc tới gần hết sẽ phải dở lại đọc lướt từ đầu và giữa chừng, đọc gần hết và bị nhầm các nhân vật...
10 truyện ngắn với giọng văn thay đổi lúc trẻ thơ-gìa nua, lúc tuyệt vọng-phơi phới, lúc tò mò-lo lắng khi vui tươi; thậm chí ngay trong một truyện ngắn tác gỉa chuyển giọng các nhân vật, cắt lát các tình tiết cũng rất nhanh; không gian - thời gian của truyện vừa như ngay lúc này vừa vị lai; cách triển khai diễn tiến câu chuyện xoáy vào các chi tiết rất đỗi thường ngày, có thể nói bắt gặp nó trong mỗi gia đình, mỗi cá nhân. Khi đi được 1/3 tập truyện tôi bị thuyết phục rằng thật là phí nếu bỏ qua tập truyện này; đi được 2/3 thì gặp phải tính tất yếu của (gần như tất cả) các tập truyện ngắn: là có những truyện thực sự yếu ớt, lỏng lẻo, bị đuối so với các truyện khác; đi đến hết tập truyện thì cảm nhận rõ ràng nhất là tại sao luôn cảm thấy bị thiêu thiếu, hụt hẫng; phải ngồi nghĩ một lúc, điểm lại từ đầu các truyện ngắn thì mới chẹp miệng tiếc rẻ được đấy; mỉm cười vì nhận ra được rằng, George Saunders thật sự đặc sắc trong các chi tiết nhỏ, độc thoại nội tâm với các tưởng tượng, triển khai câu chuyện... nhưng tất cả bị đuối hoàn toàn ở cuối mỗi truyện, người ta gọi cuối truyện là một dạng nước đi kết, nước kết mà nhạt thì không làm sao mà thỏa mãn nổi, kiểu gì cũng như thiếu hụt một loại gia vị đặc trưng không thể thiếu, nhất định phải có của món ăn 
Cá nhân mình thích truyện Những cây cột, Cún con, Nhật ký cô gái Semplica, Nhà. Truyện ngắn mình tiếc nhất là Thoát khỏi đầu nhện vì cái kết vô cùng đuối của nó. Giọng văn dịch thích nhất trong nhóm dịch 4 người là Triều Dương.




8.3.17

Người có ở đó không ạ



Khoảng năm 2010-2011 có một quyển sách về tình yêu thương của (các) Đấng trên cao với con người cũng như việc con người nhìn nhận có (các) Đấng tồn tại hay không trong đời, rất chìm trong thị trường sách VN: Nơi trái tim hội ngộ (The Shack) của WM. Paul Young. Tôi cũng như phần lớn nhân lọai, vào những lúc tuyệt vọng thường tự hỏi (Các) Đấng trên cao (Đức Phật, Chúa...) có thật hay không? Và Người có thật thì tại sao lại để những nỗi đau này đến với nhân loại. Mỗi khi ở một mình, tôi hay nghe Hallelujah và khe khẽ hát như trò chuyện cùng ai đó và gần như thống thiết tiếng kêu yếu ớt rằng: Người có thật, Người luôn ở đó còn nỗi đau con người của con thì hiện hữu lúc này và nó luôn ở đây; có một khoảng cách và độ vênh, Người có kế hoạch gì khi để nỗi đau này đến...

Đọc quyển sách này vào năm ấy, năm 2012 là cách tôi nhắc nhở mình rằng dù minh triết hay ngu muội, có độc lập và làm chủ đời mình theo cách nào đi chăng nữa thì đứng trước Người, tôi cũng thật nhỏ bé, ngạo mạn, nhiều sai lầm và đến đây thì điều kêu than bỗng trở nên thừa thãi, nỗi đau mà tôi phải gồng gánh là ở chính mình mà ra, Người luôn ở gần nhưng ta có để Người bước vào đời ta hay không mà thôi, chỉ cần mở cánh cửa thì lúc đó, các Đấng là sự yêu thương, vỗ về an ủi, chữa lành và tha thứ. Cũng chính từ ấy, với lòng yêu kính Đấng nào đấy trong mình, tôi biết chấp nhận và qui thuận thế giới.

Hôm nay tính đi xem phim nên mới biết ngoài rạp đang chiếu The Shack, mà tìm sách thì không thấy, tra danh mục sách ở dropbox cũng không có mà chắc chắn là mua từ hồi nó mới xb và ế chỏng, không biết ông bà nào đang cầm sách của em hay là mất xừ nó rồi. Có nên xem phim này không ta :)