Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

24.2.09

KẺ TỬ ĐẠO CUỐI CÙNG ( 16 )

C16
Lê Ðạo ngồi ôm mặt khóc bên nấm mồ của hai người bạn. Chàng khóc như một đứa trẻ con, như kẻ vừa nướng cả sản nghiệp mình vào cuộc đỏ đen, như đứa con lang bạt mười năm trở về khóc bên nấm mồ của cha mẹ. Chàng ôm cái nấm đất nhỏ bé hẩm hiu và cô đơn ấy, chàng vuốt ve chúng, hôn hít chúng. Nước mắt của chàng chảy lên những lá cỏ, thấm xuống mộ.
Những đám mây trắng xóa trên cao dừng lại nhìn chàng, an ủi chàng. Con chim nhỏ ở đâu bay lại đậu trên nhánh cây ngay trên đầu chàng, nhìn chàng bằng con mắt tròn đen nhỏ xíu như hạt đậu. Chàng cũng nhìn nó, nước mắt ràn rụa chảy. Dường như đây là lần dầu tiên con chim nhỏ bé kia nhìn thấy một người đàn ông khóc, khóc từ lúc mặt trời mới lên cho đến giữa trưa. Dường như nó muốn nán lại một chút để hỏi: Vì cớ gì? Vì cớ gì?
Rồi nó bay đi, vụt qua như một hòn sỏi ném xuống thung lũng. Hòn sỏi rơi trong im lặng lẽo và cô tịch. Ðám mây trắng cũng đi thơ thẩn như người đang có chuyện buồn.
Chỉ có nắng là rực rỡ, đóa hoa vô danh nở khép nép trong chòm lá kia cũng rực rỡ. Nắng vui, chảy trên thiên nhiên như dòng suối dịu dàng. Nắng hồn nhiên dọi vào những giọt nước mắt của chàng làm chúng long lanh, chúng ngời lên như những hạt thủy tinh lộng lẫy. Ðã nhiều ngàn năm nay nắng tồn tại vĩnh cửu bên ngoài những buồn vui, bên ngoài những đau khổ và hạnh phúc. Nắng tươi tắn và xinh đẹp.
Khi thiên nhiên đã rực lên trong nắng mới, chàng thấy cây cỏ chập chùng, cánh đồng bát ngát và những đám mây trắng như bông kia bay tới từng đàn như bầy thiên nga. Sự ảm đạm trong lòng chàng cũng đã vơi bớt. Chàng muốn cất một cái lều cỏ trên đỉnh đồi này để sống bên những người bạn tội nghiệp của chàng. Chàng sẽ sống âm thầm ở đây suốt đời như một người bõ già, một ông từ giữ chùa để từng ngày từng đêm gặm nhấm sự cay đắng, sự bẽ bàng của đời mình. Và để sám hối. Và để tạ lỗi với bạn bè.
Nhưng thỉnh thoảng ý định tự sát lại đến với chàng. Cái bóng của nó thấp thoáng trong đầu chàng, chiếc lưỡi hái lóe lên ánh sáng xanh. Nó đưa cho chàng một cái nôi và nói: Hãy nằm vào đi, và ta sẽ phủ lên người bóng tối vĩnh cửu, người sẽ quên hết mọi phiền muộn mọi chua chát đắng cay và ân hận. Người đã gieo những hạt giống đen trong tim của các bạn ngươi, chúng đã mọc lên sù sì, rễ của chúng đã quấn chặt tâm hồn họ, đã bóp nát và hút kiệt tinh lực của họ. Họ đã chết rồi. Nhưng những hạt giống đen mà ngươi đã gieo thì mạnh mẽ như cỏ trên thảo nguyên, chúng đã lan tràn khắp đồng bằng, trên cả sỏi đá, chúng thành rong rêu trên biển cả, thành loài chùm gởi giữa trời. Chúng treo trên vách núi, vươn những cái rễ chằng chịt ra bóp nát trái tim của đá. Rồi đá cũng phải rạn nứt. Ngươi hiểu chưa? Hạt giống của ngươi đã mọc thành cỏ dại tràn lan trên mặt đất này, lấn át những cánh rừng, hủy diệt cả đồng ruộng, hút hết nước của cây trái, của mưa móc, của đất đai... Cỏ mênh mông dường nào thì tội lỗi của ngươi cũng bao la dường ấy. Ngươi hãy nằm vào đây, vào trong chiếc nôi bện bằng gai này. Và ta sẽ phủ lên ngươi bóng tối vĩnh cửu...
Chàng lấy chai độc dược ra cầm nơi tay. Thần chết bật cười lên ha hả, chiếc áo choàng của ông ta lộng gió bay lất phất, như áng mây đen che lấp cả mặt trời.
Chàng chọn một vạt cỏ xanh. Ðó là chiếc giường cuối cùng của cuộc đời chàng. Ðây, an nghỉ Lê Ðạo, nhà văn, nhà tư tưởng thảm hại nhất, kẻ viễn mơ khờ dại trên chiếc đu bay. Ðó là dòng chữ chàng sẽ khắc lên một thân cây ngay chỗ chàng nằm chết.
Chàng lấy con dao cán ngà ra, con dao ấy ngày xưa ba anh em đã dùng để cắt máu ăn thề với nhau nơi chiếc thùng gỗ của người thợ giày, bây giờ chàng dùng nó để khắc lên thân cây lời tự thú. Ðó là mộ bia của chàng. Chàng đưa mũi dao nhọn vào thây cây, vạch được vài nét thì nghe có tiếng người nói chuyện mỗi lúc một gần.
Một toán chừng mười người thanh niên cả nam lẫn nữ đang rẽ những chòm lá bước tới. Thấy chàng, họ chựng lại và thôi không nói chuyện nữa. Chàng cũng ngừng tay, thẫn thờ nhìn họ.
Một người trong đám thanh niên chợt reo lên:
- A, anh Ðạo. Có phải anh là nhà văn Lê Ðạo không?
- Tôi đây.
Các bạn trẻ quây quần bên nhà văn:
- Tụi em là dân địa phương ở đây. Ðứa nào cũng có sách của anh ở nhà. Sau Hồng Ðạo Kinh anh có tính viết thêm gì nữa không?
Ðạo cười buồn, chàng nói:
- Chắc là không. Không bao giờ.
- Sao vậy? Một thanh niên ngạc nhiên hỏi.
Rồi đến cô gái mặc áo pull:
- Trông anh xanh quá. Hồi đó ai cũng tưởng anh không sống nổi. Người ta đăng hình anh trên báo ngực đẫm máu, mắt nhắm nghiền. Tấm hình ấy gây xúc động ghê lắm.
Ðạo ngồi xuống vạt cỏ, ném con dao ra trước mặt, thở dài:
- Thôi, đừng nhắc tới chuyện đó nữa. Ta viếng mộ một lát.
Họ đốt nhang thơm lên, khói bay nghi ngút. Nắng chói chang quá làm cho buổi viếng mất đi phần nào cái vẻ trang trọng của nó. Họ cắm nhang quanh mộ và ngồi lại thành vòng tròn dưới bóng cây. Họ lấy sổ tay ra, đọc những bài thơ họ đã làm để ca ngợi sắc đẹp của Hồng, ca ngợi những người đã chết vì đạo. Họ mời Lê Ðạo tham dự buổi đọc thơ và yêu cầu anh góp ý nhưng anh cứ lặng thinh.
Khi đám thanh niên về rồi thì một ý nghĩ chợt lóe ra. Ta chưa có quyền chết bây giờ, ta phải sống để viết một cuốn sách. Không, ta sẽ bắt chước Nguyễn Trãi viết một bài đại cáo gởi cho những con người trẻ tuổi vô cùng trong sáng và đầy nhiệt huyết này. Ta đã vô tình lừa dối họ bao nhiêu năm nay, giờ đây ta không thể tiếp tục để họ bị chìm đắm trong sự lừa dối ấy nữa.
*
Và cũng say mê y như hồi chàng viết Hồng Ðạo Kinh, Lê Ðạo thức suốt đêm để viết bài đại cáo. Chàng làm việc ròng rã suốt bảy ngày đêm thì hoàn tất tác phẩm của mình. Buổi trưa ngày thứ bảy chàng viết dấu chấm hết và ném bút xuống đất, lăn ra ngủ vùi.
Ðến ngày thứ mười chàng tỉnh dậy thì mới hay rằng hôm ấy là ngày mồng năm tháng năm âm lịch, ngày nhà thơ Khuất Nguyên trầm mình xuống sông Mịch La cách đây hơn hai ngàn năm. Chàng lại vội vàng lấy xe đi Vũng Tàu vì theo thông lệ hàng năm cứ đến ngày này thanh niên nam nữ trong cả nước đều tụ họp về đây viếng pho tượng BIỂN TRÊN CAO.
Chàng không kịp thay quần áo không kịp tắm gội, chỉ khoác cái xách tay cũ kỹ lên vai, đội cái mũ mềm, một mình đi ra bến xe đò. Chàng mua một ổ bánh mì ăn dọc đường và một gói thuốc lá đen rẻ tiền.
Chàng đến nơi lúc đã xế chiều tuy vậy người đến viếng tượng vẫn còn đông nghịt, họ đứng từ trên đỉnh núi xuống tới đường cái, dọc theo bờ biển. Biển hôm nay trong vắt, xanh biếc một màu, trời cũng trong xanh và rộng bát ngát. Chàng lách đám đông mà đi một cách khó khăn. Vì chân trái của chàng bị suy yếu nên chàng leo núi một cách vất vả, chàng phải dừng lại nhiều lần để thở.
Một vài người trong đám đông nhận ra chàng, họ reo mừng chạy đến thăm hỏi, trò chuyện cùng chàng, có người chìa những tấm ảnh của chàng ra để xin chữ ký nhưng chàng mỉm cười với họ và từ chối. Chàng nói:
- Từ từ đã. Mời tất cả các bạn lên đây, đứng quanh pho tượng, tôi có chuyện muốn nói với các bạn.
Ðám đông nghe nói như thế thì rất hiếu kỳ, họ tranh nhau vượt lên sườn núi, cố tìm cách để được đứng gần nhà văn. Họ vừa leo dốc vừa cười cợt reo hò đùa giỡn nhau như trẻ con. Nhà văn đứng lặng im nhìn sự hồn nhiên của họ. Họ như nắng, rực rỡ, lung linh và đầy sức mạnh, họ phải được giải tỏa hết mọi thứ ảo tưởng lừa dối để được tự do như hoa nở trong đồng cỏ, như sóng tung tăn trên biển bát ngát, như những cánh chim bay giữa trời đất vô cùng.
Còn chàng thì bây giờ như một người hành khất, chàng ăn mặc xoàng xĩnh, dép da cũ, áo quần nhàu nhò sờn rách, tóc rối vì gió lộng. Chàng đứng giữa đám đông trẻ trung tươi mát và xinh đẹp. Nắng xế vàng rực dọi trên gương mặt tiều tụy của chàng, nắng viền qua thân chàng, đỏ rực trên tóc chàng. Lúc đó chàng như một giáo chủ thực sự, chàng nói:
- Có những sự thực rất đơn giản mà chúng ta phải trả bằng máu mới biết được. Những người bạn của tôi - mà các bạn đều biết và ngưỡng mộ - còn khốn khổ hơn tôi vì máu của họ đã đổ ra mà họ chưa hề được biết cái sự thực đơn giản ấy. Chưa có thời đại nào mà sự tầm thường khoác cái vẻ ngoài rực rỡ, xinh đẹp và quyến rũ đến như thế. Ðó chính là sự lừa dối, nó không nằm trong một con người mà bàng bạc trong toàn xã hội, sự lừa dối đã tinh vi đến nỗi không cần phải dùng đến mánh khóe nhà nghề mà nó đã trở thành tự nguyện. Tôi đã tự nguyện như thế, hai người bạn thân thiết nhất đời tôi cũng đã tự nguyện như thế. Sự lừa dối ấy êm đềm, dịu dàng và bất ngờ quá. Chúng tôi còn không biết được, vậy thì làm sao các bạn biết được? Bởi vì không những người ta đã lừa dối mình mà chính lòng trong sạch của mình đã lừa dối mình. Ðó là bi kịch lớn nhất của thời đại mà chúng ta đang sống. Tôi có viết một bài cáo dài về cái bi kịch ấy, các bạn hãy lắng nghe vì đây là những lời cuối cùng của cuộc đời tôi.
Ðám đông im phăng phắc, dường như họ vẫn đang chờ đợi một cái gì đó, họ đang cảm thấy có một cái gì khác thường trong những lời lẽ kia, nhưng chưa rõ là cái gì. Họ lo ngại và chờ đợi. Nhà văn Lê Ðạo lấy bài đại cáo ra. Trong ánh sáng rực rỡ của nắng xế anh bắt đầu đọc.
Suốt chương đầu đám đông vẫn im lặng, đến chương thứ hai đã có tiếng xầm xì bàn tán.
- Ông ta nói cái gì vậy?
- Tại sao ông ta lại phủ nhận những công trình nghệ thuật của hai người bạn ông và của cả chính ông?
Ðọc đến chương thứ ba, Lê Ðạo muốn run lên vì xúc động và vì đói khát, cổ họng anh khô rát, tiếng anh cơ hồ tắt nghẹn. Tiếng ồn ào đã nổi lên khắp nơi.
- Ông ta điên rồi sao? Ông ta tự miệt thị mình và coi chúng ta như lũ trẻ con đáng thương hại.
- Bệnh tật đã làm ông mất trí rồi. Trời ơi, thật không ngờ. Thật chưa bao giờ lòng tin của tôi bị xúc phạm đến như thế.
- Thực là nhục nhã, một cô gái ôm mặt khóc.
Một thanh niên khỏe mạnh, dáng trầm tư, tóc biếng chải, tách đám đông bước đến gần nhà văn. Anh làm một cử chỉ ngăn nhà văn lại và nói:
- Có lẽ anh không được khỏe. Tôi xin phép được đưa anh về.
Nhưng nhà văn đã quắc mắt nhìn người thanh niên nọ, anh nói:
- Ðừng ngắt lời tôi, hỡi các bạn. Tôi quý trọng sự trong sáng và bầu nhiệt huyết trong tim của các bạn. Chính vì thế mà hãy để cho tôi nói hết những lời cuối cùng này.
Nhà văn ngoảnh nhìn lên pho tượng rồi quay lại nói với đám đông:
- Người bạn của tôi, Nguyễn Xuân Ðắc, đã tạc nên pho tượng này bằng một tình yêu trong sáng nhất, bằng sự khát khao và tôn thờ cái đẹp nồng cháy nhất, nhưng giờ đây việc làm ấy đáng tội nghiệp biết chừng nào, ngây thơ và dại dột biết chừng nào. Giờ đây nhìn pho tượng ta không còn thấy đẹp nữa mà lòng ta tràn đầy nhục nhã, ăn năn và tủi hổ, tim ta...
Có tiếng la trong đám đông:
- Ông ta mất trí rồi!
- Không thể để cho ông ta tiếp tục xúc phạm lòng tin của chúng ta nữa. Hãy bịt miệng ông ta lại.
Một số người tràn lên, tiếng la ó cũng dấy lên:
- Ðuổi hắn đi!
- Ðuổi hắn đi!
Lê Ðạo nói đã hụt hơi, mệt mỏi rã rời nhưng anh vẫn cố gân cổ hét lên:
- Tôi không đi đâu cả! Tôi đến đây vì lòng tốt! Tôi đến đây vì muốn cứu các bạn!
Ðám đông cười rộ lên. Một hòn đá không biết từ đâu ném tới rớt ngay trước mặt nhà văn. Lê Ðạo đưa hai tay lên trời la lớn:
- Hãy tin tôi! Tôi muốn cứu các bạn! Tôi yêu thương các bạn vô cùng. Hãy tin tôi!
Ba bốn viên đá nữa bay vụt tới, một viên trúng vào vai nhà văn. Rồi đám đông trở nên hỗn loạn. Họ la dậy lên:
- Ðuổi cổ hắn đi!
Ðá bay tới như mưa. Ban đầu nhà văn còn chống đỡ né tránh nhưng khi đá bắn loạn xạ vào người thì chàng đành đứng im. Một viên đá sắc cạnh làm vỡ trán chàng, máu phụt ra ướt mặt, chảy ròng ròng xuống ngực áo đỏ lòm. Chàng cảm thấy vị mặn của máu, nó làm cho chàng can đảm. Chàng chậm chạp bước đi giữa đám người trẻ tuổi điên cuồng.
- Cút đi!
- Cút đi! Kẻ phản đạo!
- Tên Judas đê tiện!
Ðá lại bay đến. Sống mũi chàng bị gãy sụp, máu xối xả làm chàng tối mặt. Một hòn đá lớn đập mạnh vào những vết thương ở ngực khiến chàng lảo đảo ngã quỵ xuống. Nhưng chàng biết rằng nếu mình nằm lại đây thì mình sẽ chết một cách nhục nhã và chàng cố đứng dậy dốc toàn lực để giữ cho bước đi khỏi run rẩy.
Một vài cô gái trong đám đông đã bật khóc, có tiếng kêu yếu ớt từ một góc nào đó vang lên:
- Các người điên mất rồi. Ðừng ném đá nữa.
Ðó là tiếng kêu của con chim non một hôm nào đó đã đậu trên cành cây bên ngôi mộ của các bạn chàng. Con chim ấy đã nhìn chàng bằng đôi mắt đen nhỏ như hạt đậu và đã bay đi, bay đến đây, hóa thân làm người thiếu nữ này.
- Ðừng ném đá nữa. Cô gái vừa nói vừa khóc.
Ðám đông dừng tay và im lặng nhìn chàng bước xuống đồi. Sau lưng chàng, pho tượng của người con gái một thời chàng đã tôn thờ vẫn đứng sừng sững phô vẻ đẹp đằm thắm bao la như mặt biển trên cao.
*
Bây giờ chỉ có mình chàng đứng trên kè đá giữa đêm tối mịt. Chàng đã gom được một bó củi khô và đốt lên để sưởi. Chỗ chàng đứng là một tảng đá bằng phẳng và cao hơn mặt biển rất nhiều nhưng mỗi lần có sóng vỗ thì nước cũng bắn lên như mưa phùn.
Chàng ngồi xuống cạnh đống lửa nhìn ra mặt biển đen kịt và bí mật. Trên cái màn đen mênh mông ấy lác đác những đóm sáng lẻ loi, thỉnh thoảng lại bị sóng trồi lên che khuất. Chàng sờ những vết máu khô đóng cứng trên mặt mình và đưa hai bàn tay đầy máu đen ra dưới ánh sáng lung linh của ngọn lửa. Chàng ngạc nhiên về sự tỉnh táo của mình. Những thương tích không làm chàng đau, chàng cũng không thấy đói thấy khát, không hề thấy mệt mỏi. Gió biển làm chàng dễ chịu, lòng chàng bình lặng, tĩnh tại như biển đang trầm mặc ngoài xa.
Biển rì rầm lời ru chàng.
Chàng lấy bài đại cáo ra, chậm chạp xé từng trang một ném vào ngọn lửa. Khi những trang cuối cùng biến thành khói bụi bay vào hư vô thì chàng đứng dậy. Chàng lấy trong túi chai thuốc độc, ngửa cổ uống cạn một hơi. Xong chàng ném cái vỏ chai xuống biển rồi thong thả đi quanh đống lửa.
Một lúc sau chàng cảm thấy chiếc áo choàng đen lạnh buốt của thần chết chạm vào mặt mình, rồi từ đâu, nó phủ xuống như một đám mây mưa, mù mịt cả tâm thức chàng. Chàng quy một chân xuống, cố chống tay cho khỏi ngã nhưng tay chàng đã không còn chút sức lực nào. Chàng gục xuống, đập mặt vào nền đá, cánh tay của chàng rơi trên đống than hồng. Lửa bắt lên ống tay áo chàng đang mặc và cháy leo qua lưng chàng.
Nhưng chàng đã đi vào cõi vô cùng rồi.
Biển chứng kiến cái chết ấy mà vẫn trầm lặng, vẫn cứ tưởng chàng đang ngủ. Và sóng mãi ngân lên lời ru rì rào, rì rào.
Mùa Trăng Tháng Mười Một năm Mậu Thìn (1988)