Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

24.2.09

KẺ TỬ ĐẠO CUỐI CÙNG ( 15 )

C15
Sau mười ngày đêm nằm mê man trong phòng cấp cứu nhà văn Lê Ðạo tỉnh dậy vào lúc nửa đêm. Anh mở mắt ra và ngạc nhiên thấy chung quanh mình trắng toát. Trần nhà, màn cửa sổ, ra trải giường, khăn trải bàn và cả tay chân mình mẩy anh đều một màu trắng. Lúc ấy anh nghe dường như có tiếng chân ai đi bên ngoài, tiếng chân cứ xa dần rồi mất hút. Anh tưởng mình đang đứng trước một con đường hầm, bỗng chốc biến thành dãy hành lang hẹp, ở cuối hành lang có bóng người đi lẹp xẹp đôi dép, rồi tiếng ho. Sau đó là bóng tối. Rồi tiếng gà gáy làm anh tỉnh táo hẳn, anh dần dần nhớ lại tất cả.
Anh biết rằng mình đang nằm trong bệnh viện và trời đã gần sáng. Anh chưa có cảm giác gì rõ rệt về cơ thể mình nhưng vẫn cảm thấy có niềm hy vọng nào đó đang lóe sáng trong anh. Tuy nhiên anh còn quá yếu không thể cử động tay chân được nên không hiểu thương tích của mình như thế nào, anh chỉ cảm thấy lờ mờ rằng mình còn đủ hai tay hai chân, mắt còn nhìn thấy được, tai còn nghe và còn cảm giác ở đầu các ngón tay. Anh thử cố cử động mấy đầu ngón chân nhưng dường như không được, anh không hiểu vì sao nhưng cũng không có gì đáng lo. Anh thử hít mạnh một chút thì thấy đau ở ngực. Dường như ở đó có những vết thương đang được băng bó.
Chai nước biển treo ở đầu giường vẫn tiếp tục nhỏ giọt đều đặn xuống cái ống dẫn nhỏ xíu. Những giọt nước vàng nhạt ấy đã đem lại cho cơ thể anh chút hơi ấm.
Anh lại ngủ thiếp đi đến khi mặt trời lên.
Ngày hôm sau Lê Ðạo được chuyển sang nằm điều trị tại khu nội khoa. Bác sĩ trưởng khoa vốn từ lâu biết tiếng anh nên xếp cho anh một phòng riêng thoáng mát có hai cửa sổ nhìn ra vườn hoa. Hàng ngày, đích thân ông đến thăm mạch cho anh, đôi khi ông còn tự tay thay băng cho anh nữa. Ông bảo anh:
- Hai phát trúng ngực, chỉ cách trái tim có ba ly.
- Thế còn phát thứ ba? Lê Ðạo mỉm cười hỏi.
- Phát thứ ba trổ ra sau lưng. Coi vậy mà rầy rà cho anh đấy.
Lê Ðạo hỏi:
- Hình như chạm cột sống phải không?
- Chạm một chút nhưng cột sống thì không sao. Cái rầy rà là đầu mối dây thần kinh liên quan tới chân trái. Anh thử cử động mấy ngón chân bên trái xem được không?
Ðạo nhíu mày, cố làm theo lời bác sĩ.
- Vẫn không được, Ðạo nói, tôi đã có linh cảm về điều ấy từ khi mới tỉnh dậy. Có thể bị liệt suốt đời không, bác sĩ?
- Chưa hẳn. Phải một tuần nữa mới có thể kết luận được.
Sau một tuần, bác sĩ làm một loạt các thí nghiệm về phản xạ và đi đến kết luận là chân trái bị liệt nhưng có thể chữa được bằng châm cứu và vật lý trị liệu.
Bác sĩ mời anh điếu thuốc và mỉm cười hỏi:
- Ðiều đó có làm anh buồn không?
Ðạo cũng cười và nói:
- Còn bàn tay cầm bút là được rồi.
Bác sĩ nói:
- Vết thương đã gần kín miệng, chúng tôi sẽ gởi anh sang điều trị ở khu vật lý trị liệu. Anh phải kiên nhẫn lắm mới được.
- Trị ở đó chừng bao lâu?
- Ít nhất cũng mất sáu tháng. Tóm lại, chỉ tuần sau là anh có thể đi lại được với một cái nạng gỗ. Nhưng tôi bảo đảm với anh là chân trái hoàn toàn có thể phục hồi được. Lúc đó thì không cần nạng nữa.
- Cám ơn anh, Lê Ðạo nói và hỏi sang chuyện khác, tình hình bên ngoài thế nào?
- Iran và Irak đã thôi đánh nhau. À, còn vụ của anh đấy hả? Hiện nay anh là người nổi tiếng nhất nước. Mỗi ngày đều có từng nhóm thanh niên đến đây xin vào thăm anh nhưng tôi không cho một phần vì anh còn yếu, phần khác vì bệnh viện không có chỗ để tiếp một số lượng khách đông như thế. Họ yêu cầu tôi thông báo tình hình sức khỏe của anh và tôi đã thỏa mãn yêu cầu đó.
- Thế còn nhà sư?
- Ba ngày sau khi bắn anh, nhà sư đã tự sát.
Cái tin đó không làm nhà văn bất ngờ vì từ lâu anh hiểu rằng sự việc sẽ diễn tiến như thế. Trong thâm tâm, anh muốn hỏi tin tức về Hồng nhưng thấy vị bác sĩ không đả động tới nên anh cũng không tiện nhắc.
Trong suốt hai tháng ròng tập đi mà không cần nạng gỗ Lê Ðạo mới nhích được chân trái có hai bước rồi quỵ xuống, đau buốt tận tim gan. Hai bước ấy là kết quả của một quá trình tập luyện gian khổ, khởi đầu là ngồi trên ghế tập trung nhúc nhích mấy đầu ngón chân, sau đó là tập nhấc cẳng chân lên. Nhiều lúc anh có cảm tưởng như chân trái của mình được tạc bằng đá và công việc hàng ngày của anh là cố sức uốn cong cái thỏi đá ấy theo ý mình. Thế mà anh đã làm được. Anh vẫn tin rằng tình yêu đã giúp anh làm được điều ấy bởi vì lòng anh còn tràn trề hy vọng sẽ gặp lại Hồng. Bây giờ anh là người duy nhất trong số bốn kẻ si tình còn sống sót. Nhưng anh không muốn gặp lại Hồng như một kẻ tàn tật, điều đó sẽ là bi kịch cho cả hai người. Cái vết sẹo lớn sâu hoắm trên ngực kia thì có thể che dấu được nhưng một cái chân tê liệt thì làm sao? Nó sẽ dần dần teo đi, sẽ dị dạng, dáng đi của anh sẽ trở thành lố bịch trước mọi người, trước những tín đồ của Hồng Ðạo, những kẻ hâm mộ anh... Dẫu sao anh cũng là người sáng lập ra một tôn giáo, anh không thể xuất hiện trước công chúng như một người tàn tật, điều đó làm giảm uy thế của Ðạo, làm cho Ðạo mất đi cái vẻ trang nghiêm, thiêng liêng cần thiết.
Chính vì thế mà mỗi ngày anh ngồi uốn nắn thỏi đá kia.
Ðến tháng thứ ba anh đi được năm bước.
Giữa tháng thứ năm anh đi được gần như bình thường, tuy nhiên anh phải đi chậm, mỗi khi cố đi nhanh một chút là dáng bị lệch ngay, vai trái nghiêng hẳn một bên rất khó coi.
Anh tạm bằng lòng với điều đó.
Tuy nhiên trong suốt hơn năm tháng nằm điều trị tại Trung Tâm này anh không cho ai biết mình là nhà văn Lê Ðạo, anh khai mình là kỹ sư điện và thường khi anh vẫn hay sửa điện cho Trung Tâm mỗi lần có trục trặc nhỏ như đứt cầu chì, cháy bóng đèn, hư tăng-phô...
Khách thì anh chỉ tiếp bà chị ruột đến thăm mỗi chiều thứ bảy, tiếp một số bạn bè, ngoài ra những kẻ hâm mộ anh đến xin gặp, anh đều không tiếp nhất là trong thời gian anh đang tập đi.
Ngày kia có một phái đoàn của Liên Hiệp Quốc đến thăm Trung Tâm gồm khoảng mười người trong số đó có một người Bỉ một người Thụy Sĩ và một cô Việt kiểu từ Tây Ðức mới về. Trong buổi tiếp xúc với phái đoàn, Lê Ðạo thấy cô gái cầm trên tay cuốn Hồng Ðạo Kinh được dịch ra tiếng Ðức, anh mượn xem qua một tí rồi hỏi:
- Chị đã đọc cuốn sách này rồi chứ?
- Vâng. Tôi mua từ bên đó mang về.
- Chị nghiên cứu về tôn giáo à?
Cô gái có đôi mắt vui, tinh tế. Cô nhìn anh, kín đáo quan sát anh.
- Không. Tôi đang dạy triết học ở Bonn. Ðây là một cuốn kinh thánh rất lạ. Anh biết nhà văn Lê Ðạo chứ.
- Tất nhiên. Ở Việt Nam ông ta rất nổi tiếng.
- Ông ta cũng được giới trẻ ở châu Âu biết đến đấy. Tôi có quen với một giáo sư người Ðức đang giảng dạy triết học của Sigmund Freud, ông ta rất thích cuốn sách này.
- Ông ta nói thế nào về những tư tưởng trong Hồng Ðạo Kinh?
- Ông ta cho rằng tác giả Lê Ðạo đã đi vào được các ngóc ngách tinh tế nhất của những complexe, và đã phát hiện được những nét rất mới về sự thăng hoa (sublimation) trong tình yêu mà Freud đã chỉ hiểu được nửa vời.
Lê Ðạo mỉm cười tỏ dấu cám ơn. Tuy anh không đọc được tiếng Ðức nhưng anh biết chương nào dòng nào trong Hồng Ðào Kinh viết cái gì vì thế anh lật cuốn sách ra ở chương năm rồi hỏi cô gái:
- Hình ảnh cô Hồng được viết trong chương này, vị giáo sư đó đã đánh giá như thế nào?
- Ông ta không quan tâm đến cô gái. Ông ta chỉ quan tâm đến ý nghĩa siêu việt mà nhan sắc của cô ấy mang lại.
- Thế còn chị, chị nghĩ gì về cô gái ấy?
Cô gái mỉm cười, nhìn Lê Ðạo với vẻ hơi tò mò:
- Nếu ông là một tín đồ của Hồng Ðạo thì xin ông tha lỗi nhé. Tôi muốn nói rằng cô Hồng phải chết ngay trong cái thời xuân sắc nhất này để giữ mãi hình ảnh rực rỡ trong lòng mọi người. Mà dường như cô ấy đã làm một việc gần như là thế phải không?
Ðạo sửng sốt nhìn người đối diện mình.
- Tôi không rõ. Tôi bị cách ly với môi trường bên ngoài gần một năm nay rồi. Chị đã nghe người ta nói gì về cô Hồng vậy?
Một thanh niên Việt Nam đi theo đoàn trả lời thay cho cô Việt kiều:
- Hồng đã mất tích cách đây bốn năm tháng. Chị có nghe đồn như thế không?
Cô gái đáp:
- Ở bên Ðức sinh viên của tôi họ đều tin rằng cô ấy đã tự tử. Giống như Marilyn Monroe.
Ðạo thở dài, nói cám ơn cô gái rồi vụng về châm cho mình một điếu thuốc.
Khi cô gái cùng phái đoàn đi rồi, Ðạo thẩn thơ trong cái sân rộng chói nắng, vừa đi vừa lẩm bẩm:
- Nàng sẽ không chết. Nàng sẽ không bao giờ chết.
*
Việc đầu tiên khi Lê Ðạo xuất viện là đến ngay quán cà phê Hồng. Quán vẫn mở cửa và khách khứa có phần đông hơn thường ngày. Chủ quán là một người đàn bà đẫy đà vui tính. Ðạo không có chỗ để ngồi nên anh đứng uống ly xây chừng ở quày. Anh hỏi bà chủ mới về Hồng thì bà ta nói:
- Tôi không rõ. Hình như cô ấy đi vượt biên hay sao.
Rồi vì bận bịu với khách hàng, bà ta bỏ đi. Lê Ðạo chán nản bước ra khỏi quán. Chân ra tới cổng mặt còn ngoảnh lại. Dường như Hồng đang còn đứng dưới gốc cây nhãn ở góc sân kia mà? Ðạo ngẩn ngơ, nắng chói mắt.
Anh lại đi lang thang trong phố xem lũ nhỏ đá banh đầu hẻm, xem những đứa trẻ vỉa hè câu lươn bên miệng cống. Bỗng dưng mình còn lại một mình trên đời để làm gì nhỉ?
Buổi tối Lê Ðạo thơ thẩn nơi ngã tư trước nhà Hồng. Ðèn trong căn phòng quen thuộc trên lầu vẫn sáng, như không hề có chuyện gì đã xảy ra. Nhiều khi Ðạo có cảm tưởng như Hồng đang có mặt trong căn phòng ấy, chỉ cần đến và gõ vào cánh cửa.
Có một lần, trong nỗi khát vọng cuồng điên, anh đã đến, đã leo lên cầu thang và đã gõ vào cánh cửa.
Anh đợi một lúc rất lâu nhưng không thấy ai trả lời, anh lại gõ một lần nữa, vẫn im lặng. Cánh cửa gài chốt bên trong chứng tỏ nhà có người. Ðạo gõ thêm bốn tiếng rồi đợi. Có tiếng dép lẹp xẹp rồi cánh cửa sổ bị xô ra, hiện hình khuôn mặt một bà lão nhăn nheo móm xọm, đầu chít khăn mỏ quạ, mắt lem nhem chớp chớp vì bị nắng chói. Ðạo chào bà lão và hỏi:
- Cô Hồng đi đâu rồi, thưa bà?
Cái mặt nhăn nheo ấy ngước lên, lắc lư trên cái cổ gầy gò, trong miệng phát ra những tiếng ục ục kỳ lạ. Ðạo lại hỏi:
- Cô Hồng đâu rồi?
Bà lão nghiêng đầu nhìn khách rồi lấy ngón tay chỉ vào tai mình. Từ trong cái miệng móm xọm ấy lại phát ra những tiếng ục ục quái gở. Ðạo ghé thật sát vào tai bà lão rồi gào lên:
- Cô Hồng đâu?
Nhưng vô ích, bà lão cứ nghệch mặt ra. Ðạo tức quá, ngó quanh quất thấy có bụi hoa hồng trong chậu kiểng đặt gần lan can, anh ngắt một cái, đưa ra trước mắt bà, ra dấu hỏi: "Hồng này nè, Hồng đâu? " Nhưng bà lão chợt thét lên những tiếng lanh lảnh như tiếng vẹt kêu, tiếng bìm bịp quát. Một chuỗi những âm thanh vô nghĩa ấy tuôn ra hỗn loạn. Bà lão giận sùi bọt mép, mặt thì đỏ gay, cái miệng móm thì chóp chép liên hồi. Khi đã mở được chốt cửa lớn thì bà chạy ra ngoài, tay cầm chiếc dép, ném thẳng vô mình Ðạo với vẻ điên tiết. Ðạo chẳng hiểu gì cả, vội tháo chạy. Tiếng bìm bịp lại đổ hồi, đuổi theo anh xuống cầu thang, rồi chiếc dép bay xuống trúng ngay lưng. Ðã vậy mà ý chừng bà lão còn muốn chạy xuống thang lầu nữa. Ðạo vội vàng ném trả cái hoa hồng, đến lúc ấy bà lão mới chịu dừng lại, những tiếng động lạ lùng cũng thôi phát ra.
Thế mà trong giấc ngủ cái giọng bìm bịp kêu ấy vẫn ám ảnh anh, nó the thé như giọng phù thủy, nó rít qua kẽ răng như gió thổi qua hang núi đầy mùi tanh của phân dơi. Bà lão biến thành con diều hâu sà xuống quắp lấy Hồng rồi bay đi, không biết đi đâu.
Sáng ra, Ðạo định đến nhà lão Hoành Bá rủ lão đi uống cà phê và hỏi thăm tin tức về Hồng nhưng khi đến nơi thì thấy chủ tiệm là một người khác. Một bà xẩm trạc ngoài năm mươi, răng hô, cắt tóc pom-pê. Ðạo hỏi về Hoành Bá thì bà ta nói:
- Ði dồi. Ði Phan Thiết dồi.
*
Nhưng Hồng thì đi đâu? Còn ai trong thành phố này có thể biết được là Hồng đi đâu? Trừ phi Hồng đã chết, nếu Hồng còn sống trên cõi đời này thì dù nàng ở đâu, trong móng vuốt của mụ phù thủy, ở nước ngoài hay ở chốn thâm sơn cùng cốc nào ta cũng phải đi tìm nàng cho được. Sáng nào Lê Ðạo cũng đến quán cà phê Hồng dù anh biết rằng nàng không còn ở đó nữa. Anh đi lẩn quẩn loanh quanh trong phố buổi sáng buổi trưa buổi chiều để mong tìm gặp một hình bóng, một nét cười, một dáng dấp. Anh trải qua một mùa mưa ảm đạm nhung nhớ và ray rức. Nhưng người hâm mộ Ðạo của anh tìm đến thăm viếng anh, ca ngợi anh, tặng quà cho anh. Những người trẻ tuổi đầy nhiệt tình ấy nhớ rõ từng câu kinh, từng bài kệ, từng chi tiết nhỏ trong buổi thành lập Ðạo, từng giai thoại về Nguyễn Xuân Ðắc và Phạm Hưng, về nhà sư khất thực và về chính anh.
Có những chi tiết anh đã quên nhưng họ thì kể vanh vánh. Sự cuồng tín của họ làm anh ngạc nhiên nhưng cảm động. Dường như họ không cần biết Hồng là ai và không có khát vọng được gặp gỡ nàng. Họ coi nàng như một biểu tượng cho lòng khát khao cái đẹp của tuổi trẻ, họ coi nàng như nghệ thuật, như Chopin như Liszt như nữ thần Vénus. Còn anh, anh có thêm khát vọng được gặp lại nàng như kẻ môn đồ lạc loài mong gặp lại Chúa để chịu phép rửa tội, để được vinh danh nàng cả sáng.
Cuối cùng anh đành phải đi Phan Thiết vì đó là đầu mối cuối cùng để tìm ra tung tích nàng.
*
Ðó là một thành nhỏ bé và khô cằn. Ðạo chỉ có một cái xách tay nhỏ và mấy chục ngàn trong túi. Anh đi phất phơ qua cầu và lảng vảng trong cộng viên bên bờ sông. Anh ngồi nghỉ mệt trên ghế đá vào lúc xế chiều và tự hỏi không biết nên thuê khách sạn ở qua đêm đợi sáng hôm sau sẽ đi tìm nhà Hoành Bá hay tìm ngay bây giờ. Cuối cùng nỗi khao khát mãnh liệt đã thắng anh, xui anh đi vòng xuống cuối công viên để sang cây cầu lớn trên trục lộ chính, nơi có nhiều hãng nước mắm.
Anh tìm nhà Hoành Bá không mấy khó khăn vì gần như ở khu vực đó ai cũng biết tiếng ông. Lúc ấy trời đã chiều và anh nghĩ rằng đêm nay mình sẽ ngủ tại nhà người bạn già này để tâm sự cùng ông rồi sáng mai lên đường, vì thế anh bấm chuông và lát sau, một bà xẩm ra cổng, hỏi:
- Ông muốn tìm ai?
- Nhờ bà báo lại với ông Hoành Bà rằng có nhà văn Lê Ðạo ở Sài Gòn ra thăm.
Câu nói của Ðạo dài quá khiến bà ta không nhớ hết, bà hỏi lại:
- Lê Ðại?
- Không. Lê Ðạo, ở Sài gòn.
Bà xẩm quay đi, chừng năm phút sau bà trở ra và mở cổng mời Ðạo vào. Anh không có hành lý gì cồng kềnh nên cứ đeo cái xách nhỏ trên vai mà lững thững theo gót bà xẩm. Phòng khách khá rộng, được trang trí lòe loẹt theo kiểu Tàu. Ðạo vừa ngồi xuống ghế bành thì đèn trên trần bật sáng làm cho mọi vật trong phòng đều bị nhuộm đỏ. Sau bức bình phong ngăn đôi phòng khách vang lên một giọng quen thuộc mà Ðạo nhận ra là giọng của Hoành Bá:
- Ðạo ơi, vô đây!
Ðạo đứng lên, bước ra phía sau bức bình phong bằng sơn mài chạm cảnh Mai, Lan, Trúc, Cúc.
Hoành Bá đang nằm sấp trên chiếc trường kỷ khảm xa cừ, đầu nghiêng qua một bên, tựa lên cái gối bông bọc sa-teng màu xanh trứng sáo. Một người đàn bà trẻ đẹp đang ngồi đấm lưng cho ông. Thấy Ðạo vào, cả hai người đều rất bình thản nhưng Ðạo thì bàng hoàng vì anh nhận ra ngay người đàn bà đang đấm lưng cho ông chủ chính là Hồng.
Tại sao vậy? Máu dồn lên mặt anh. Anh vừa xấu hổ vừa trơ trẽn y hệt kẻ thủ dâm bị bắt quả tang. Anh vịn lấy hai thành ghế, cố khỏa lấp cơn xúc động. Thoảng bên tai tiếng lão Hoành Bá:
- Hôm trước đọc báo thấy anh đã bình phục ngộ định viết thơ kêu anh ra. Ngộ không phải là kẻ nuốt lời hứa đâu.
Ðạo ấm ớ:
- Không... không...
- Ngại gì, cậu. Em đấm xuống gần thắt lưng rồi thoa dầu dọc xương sống cho qua. Ngại gì đâu cậu. Ở đời có qua có lại. Cậu đi đường chắc mệt, em gọi A Tú giùm qua.
Hồng vừa thoa dầu vừa cất tiếng gọi.
Ðã lâu lắm rồi, không biết từ đời kiếp nào anh đã nghe giọng nói của Hồng, giọng nói vang trong mây. Anh không nhớ rõ lúc nào:
- A Tú! A Tú ơi!
Mụ xẩm chạy lên, Hồng bảo:
- Dẫn cậu Hai đi tắm.
Ðạo luống cuống:
- Tôi không tắm đâu. Tôi đi bây giờ.
- Gấp vậy, lão chủ nói, đợi ngộ một chút. Thôi được rồi, em. Lão chủ ngồi dậy cài nút áo, lỗ rún sâu hoắm. Lão cười, chỉ cô vợ trẻ, hỏi Ðạo:
- Cậu nhớ cô này không?
Hồng thản nhiên nhìn vào mặt Ðạo.
Ðạo nói mà như khóc:
- Hồng... có nhận ra tôi không? Anh em chúng tôi có ba người.
Hồng cười, dáng mệt mỏi:
- Thôi, thôi... Ðừng nói nữa. Mấy ông quậy quá, không kể gì tới người khác.
- Dạ... Họ chết cả rồi. Chỉ còn tôi.
- Thiệt tình! Hồng đứng dậy, xoa nhẹ lên cái bụng bầu. Sao mà các anh khùng quá. Tui muốn điên cái đầu.
Hồng thảy chai dầu Nhị Thiên Ðường lên cái bàn nhỏ rồi cầm bình trà rót vô tách một thứ nước vàng sẫm, lạnh tanh từ đời nào. Cô đưa tách trà cho Ðạo và nói:
- Uống tạm đi.
Ðạo tiếp lấy tách trà rồi cứ cầm như thế. Hồng bỏ đi ra phía sau, mái tóc óng ả rung động, hai cái mông nở nang tròn lẳn dưới làn vải mỏng.
Hoành Bá lại ngồi cạnh Ðạo, ông cũng tự rót cho mình một tách trà nguội.
- Cậu sống được là hay lắm. Mó bắn trúng đâu?
- Trúng ngực.
- Phước ông bà lắm. Thời buổi này phải coi chừng. Cái thằng du côn ấy nó dữ lắm. Nó còn muốn giết ngộ nữa mà.
- Nó giết ông để làm gì?
- Nó biết ngộ có tiền. Nhưng ngộ khôn lắm. Cậu có mất gì không?
- Không.
- Còn mấy người kia? Mấy người chết dồi đó, có mất gì không?
- Không.
- Vậy là hên đó.
Hồng ở nhà dưới đi lên, ngậm xí muội lúng búng trong miệng, cô hỏi:
- Anh ăn uống gì chưa?
- Rồi.
Hoành Bá nói:
- Vậy cậu đi tắm đi, rồi lên phòng nghỉ. Bây giờ cậu cần bao nhiêu tiền?
Ðạo làm thinh.
Hồng cười cười, mút hột xí muội rồi chu mỏ chìa cái hột to như ngón tay ra, phun xuống đất. Cô vuốt đầu lão Hoành Bá và nói:
- Tía hỏi vậy người ta khó trả lời. Tía muốn chi bao nhiêu tùy tía. Hồi trước hai người cam kết với nhau sao? Bao nhiêu phần trăm?
Hoành Bá vỗ vai Lê Ðạo, cười hề hề:
- Ô, anh em mà. Ngộ nuôi cậu cũng được. Cậu ở đây với ngộ đi. Ngộ nuôi cậu viết văn. Thiệt mà, ngộ cho cậu cái phòng, cậu ngồi ngẫm nghĩ viết lại vụ án này là hết sảy. Có tiền xài liền.
Hồng lại bỏ một hột xí muội khác vào miệng. Vì vừa ngậm xí muội vừa nói nên giọng cô nghe rất ngộ nghĩnh:
- Thôi đừng bày đặt viết truyện nữa. Trời ơi, tui đọc cuốn sách gì dày dày của anh đó, mắc cười gần chết. Chẳng hiểu gì cả. Anh tả tui giống hệt mấy mẹ lên đồng. Sao kỳ vậy?
Ðạo lặng người.
Anh vơ cái xách, đứng lên:
- Thôi xin phép...
- Kỳ vậy, Hoánh Bá nói, cậu giận tui hả?
- Không. Tôi có việc ra đây, tiện đường ghé thăm một chút thôi.
- Bậy nà, lão lăng xăng níu tay Ðạo giữ lại, cậu đợi ngộ chút đi. Ngộ có món quà gởi cậu mà.
Lão hấp tấp bước lên cầu thang.
Khi lão cầm gói bạc bước xuống thì Ðạo đã ra tới cổng rồi. Và vì hấp tấp nên bước của anh bị lệch đi, cà thọt, cà thọt.
( Còn tiếp )