Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

13.3.24

hai của một




đây là quyển đầu tiên đọc Patricia Highsmith và có lẽ, với tôi, lúc này, Highsmith là nhà văn thực hành Dostoievski triệt để lộ liễu nhất: cả giọng và ý thức. Thật dã man


những câu văn đầu tiên, quá Chàng ngốc/Gã khờ [tôi ấn tượng hình ảnh tàu lao đi mở màn Chàng ngốc; một mở đầu như thế nên không khỏi ngỡ ngàng và hoàn toàn có thể cảm thông cái ngỡ ngàng ấy khi chứng kiến cái kết của Chàng ngốc; nên khi đọc câu đầu tiên của Người lạ trên tàu, tôi rùng mình, và khi 2 vụ án diễn ra, tôi cũng bàng hoàng y như kết của Chàng ngốc, ý nghĩ: người lạ trong ta có thể như thế này thật hay sao; nhất là khi Guy tiến hành "phần của mình" sau khi Bruno bơm kế hoạch như một kẻ cầm đầu cuộc truy hoan]; cả câu chuyện quá Là bóng hay là hình, cốt truyện quá Tội ác và trừng phạt, trong nó lại có những chi tiết quá Anh em nhà Karamazov. Và các nhân vật của Dostoievski như Dostoievski gắn với động kinh thì các nhân vật của Highsmith như Highsmith gắn với nghiện rượu/sảng rượu; nếu không như thế, họ không thể tạo ra những nhân vật như thế, với suy nghĩ nội tâm và hành động như thế


trinh thám viết tâm lý nhân vật thế này quá dã man, không biết có bài điểm sách nào hay của ai đó viết chơi chơi về quyển này móc với Dostoievski không để tôi đọc dân ghiền trinh thám ở vn viết [khi đọc xong tôi có search 2 tên Patricia Highsmith Dostoievski gắn vào nhau [tôi gõ Dostoevsky cho nó quốc tế hữu nghị, thấy nhiều bài viết văn chương hay lắm đấy; thi thoảng khi móc nối nhà văn này với nhà văn kia tôi cũng hay lọt vào thư viện bài giảng của các trường, thấy cũng nhiều bài luận có cái nhìn phá cách, và vì phá cách nên nó chuẩn về cảm năng của một nhóm người nào đấy cùng sóng hội tụ lại; đường đi đơn giản thôi, là tự nhiên "cảm" thế; đọc được chúng tôi vui như gặp bạn; chắc đấy là một trong những việc, những lúc hiếm hoi tôi thấy tôi phải đọc tiếng Anh mà vui]. Quyển Người lạ trên tàu nằm ở nhà tôi từ 2018, nó vào nhà rất buồn cười, tôi biết mình sẽ thích nó nên khi được hỏi lựa chọn cho việc trao đổi sách tôi đã chọn nó, người trao đổi với tôi hẳn cũng ngạc nhiên vì sao tôi lại chọn một quyển trinh thám cơ chứ [hôm í tôi còn đi nhậu nên người làm bồ câu đưa thư phải thay đổi địa chỉ 2 lần vì nhóm nhậu bọn tôi đổi địa điểm, thật đẹp mặt quá tú ơi]; nhưng nay đọc tôi cũng ngã ngửa mà, chỉ nghĩ mình sẽ thích nó vì nó là trinh thám mình thích, không hề nghĩ một nữ nhà văn được biết đến gắn với hình ảnh nhà văn trinh thám lại có thể đưa đồi núi tinh thần và ý thức Dostoievski tiệm cận với thể loại vốn được coi rẻ là trinh thám một cách mới cỡ này [định dùng hiện đại, nhưng nghe nó không giống mình]; nữ viết trinh thám thường lại dở ẹc nữa chứ [giờ tôi đỡ rồi, cũng ăn năn 5-7-10 năm nay rồi, chứ trước tôi còn không nghĩ phụ nữ biết viết văn; thậm chí giờ đây đọc nữ viết, tôi vẫn hay nghĩ bụng ngay khi đọc vài câu mở đầu của họ: lại học sinh giỏi văn; sorry]


ban đầu trong cả mấy chồng trinh thám, tôi chưa định đọc Highsmith; nhưng vì hôm qua tôi nhìn thấy ảnh Matt Damon, ha ha ha, tôi thích anh ta, thi thoảng tôi vẫn xem lại series Jason Bourne, tôi thích xem phim bắn nhau đánh đấm lắm; thế là tôi nhớ ra Matt Damon có đóng một phim dựa trên tiểu thuyết của Highsmith, nên tôi chọn đọc Highsmith, tôi không có ý định đọc Ripley, đóng đinh Highsmith với Strangers on a train rồi. Trong lúc đọc Người lạ trên tàu, tôi cho Matt Damon vào vai Guy, Jude Law vào Bruno, Dakota Johnson vào Anne.... Cách Highsmith đặt tên Guy, Bruno [tôi thích nhân vật Bruno] và cho Guy làm kiến trúc sư tôi cũng rất thích [có một chi tiết khi đang chịu sự giày vò lương tâm, Guy thiết kế bản vẽ bệnh viện và tự nhủ nếu không toà án thì bệnh viện, cũng được; Dostoievski không, toà án - nhà mồ/quan tài - bệnh viện]. Tôi còn đặc biệt ấn tượng khoảnh khắc khi tôi đọc tới ý tưởng ở ngay mấy trang đầu Highsmith chọn nhắm tới, đại ý: truyện trinh thám rất hay, chúng chứng minh kiểu người nào cũng có thể trở thành một tên sát nhân; tôi thích ý tưởng và chiến lược ấy của Highsmith: ai cũng có thể trở thành một tên sát nhân; nó quá Dostoievski 


Highsmith hẳn còn chịu ảnh hưởng của một người nữa: Henry James. Cái này phải lúc khác. Giờ đi ngủ. Đọc được một quyển của Highsmith, tóm trúng tinh thần Dostoievski, hào hứng quá sợ khó ngủ


ps. sao giới tính của nhà văn lại ảnh hưởng đến sáng tác của họ rõ nét thế nhỉ, như Highsmith, thật khó hình dung một tính nữ, Highsmith rất nam và phải gắn với những mối quan hệ đồng giới; trong truyện tôi thích một đoạn lúc Guy cứ nói một câu "mình chưa chịu đựng đủ" và nghĩ về tính hai mặt, vạn vật đều có mặt đối lập cùng sánh vai với nó etc. rồi sáng sau thức dậy nhìn cơn mưa với cảm xúc như thơ: đâu rồi các nhành cây mùa xuân để tưới nước... cơn mưa sẽ tìm những sự sống mới đang chờ đợi để được dựa dẫm vào nó, chỉ còn những hạt mưa thừa là rơi xuống sân nhà anh... [viết đây để sáng mai đi đọc ngoại văn đoạn này, lại gần 1 giờ sáng, sao nhằng cái đã 1 giờ sáng, chánnnnn]


Không có nhận xét nào: