Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

10.3.24

dịch bệnh mất ngủ




nói dịch bệnh mất ngủ không chỉ là mất ngủ mà cả ngủ được nhưng chất lượng giấc ngủ không cao; được đánh giá bằng việc 1. không thể ngủ được ban đêm và 2. không có được sự tỉnh táo vào ban ngày, hoặc, ngủ được ban đêm chập chờn nhưng luôn buồn ngủ, mệt mỏi, kém tỉnh táo và có nhu cầu được ngủ thêm vào ban ngày. Dùng "dịch bệnh" không sai đâu; vì thói quen sinh hoạt ồn ào, nhiều thiết bị công nghệ, ánh sáng, chất kích thích, công việc, giải trí... khiến càng ngày càng rút ngắn thời gian ngủ, nhân với, không phải cộng với, mà là nhân với, chất lượng giấc ngủ không cao... lây lan đại dịch mất ngủ 


2 quyển sách trong ảnh điều đầu tiên là phủ định nhau. Quyển màu xanh luôn nhấn mạnh vào việc tại sao và làm thế nào để người ta có thể ngủ đêm ngon trung bình 7-8 tiếng; còn quyển màu trắng điển hình của nước Nhật lao động điên cuồng, tại sao và làm thế nào để trở thành người ngủ ngắn, chỉ 5 tiếng. Nhưng 2 quyển chập nhau rất nhiều điều về khoa học giấc ngủ, bên cạnh những bất đồng, một trong những chập nhau là: ngủ đêm không ngủ ngày và không có khái niệm "nợ ngủ" nên không có "ngủ bù", mà phải duy trì đi ngủ và thức dậy theo lộ trình đều đặn kể cả ngày nghỉ [ngày nghỉ thì duy trì ngủ các pha khác nhau ban ngày, trước 3 giờ chiều, mỗi pha không quá 90'], và người ta nên ngủ 2 pha nhiều pha chứ không chỉ 1 pha ngủ đêm; tức là những pha ngủ ngày là những pha chỉ chợp mắt, tối đa không quá 20-30' [vì đó là khoảng thời gian mới chém vào rem, khi tỉnh dậy não bộ sẽ hoạt động cực minh mẫn nhờ sóng ngủ rem] và 2-4 giờ chiều, 2-4 tiếng trước giờ ngủ đêm là những giờ về đồng hồ sinh học con người sẽ buồn ngủ tự nhiên nên phải tránh ngủ giờ ấy để giữ gìn áp lực ngủ cho giấc ngủ quyết định: giấc ngủ đêm...


tôi đọc quyển xanh phải rất chậm vì mục đích cá nhân đang có vấn đề sức khoẻ, ăn tốt tập tốt mà sức khoẻ chưa ổn thì chỉ có thể còn giấc ngủ, quyển xanh có nhiều thứ nói với tôi hơn quyển trắng. Vì ngay từ đầu, theo quan điểm và hiểu của tôi thì 5 tiếng là không đủ nên quyển trắng đã bị điểm trừ ngay đầu; tuy nhiên đúng phong cách viết sách của người Nhật, những hướng dẫn của tác giả người Nhật cũng vẫn được áp dụng tốt, theo cách hiểu của tôi, hoàn toàn có thể áp dụng cho: người nào đang cần nâng cao chất lượng giấc ngủ và người đang duy trì việc ngủ nhiều hơn 9 tiếng/ngày thì nên xem xét rút ngắn lại [hôm nào tôi nằm đọc sách nhiều liên tục, kết hợp với ngủ tĩ tã ngày nghỉ, thấy rõ nhất là đau lưng trên, nơi sau 2 lá phổi, cái này nếu cơ thể ốm yếu hô hấp kém người ta hay nhắc đến biến chứng xẹp phổi đấy; nằm nhiều thực sự không tốt] còn khoảng 7.5-8 tiếng/ngày, theo lộ trình tác giả quyển trắng xây dựng và hướng dẫn tôi thấy rất hợp lý. Tôi chính là người đã ngủ 4-5 tiếng/ngày suốt nhiều năm qua, tôi không bị mất ngủ [trừ 2011 đến 2013], tỉnh dậy sẽ có ngày bị mệt nhưng không nhiều, nhưng cũng chính vì thế sức khoẻ tôi đang lao không phanh trong 3 năm trở lại đây [tôi không mong sống dài nhưng tôi rất sợ bỗng dưng không được trết mà phải sống với thuốc thang bệnh viện y bs], dù tôi biết con số ngủ 8 tiếng/ngày là hợp lý, vì sao hợp lý, vì năng lượng của con người chi vào 4 việc: ăn, thải độc và bài tiết, vận động, suy nghĩ; nếu ngủ chiếm 1/3 nhịp sinh học 24 tiếng 15 phút của 1 người thì tôi nghĩ nó quá hợp lý vì giấc ngủ chính là hoạt động thải độc và một phần bài tiết do 3 hoạt động còn lại mang đến, thế thì 8 tiếng là hợp lý, chưa kể phải từng đó thời gian thì giấc ngủ nrem, giấc ngủ rem đổi pha 90'/lần mới đủ số chu kỳ để con người lưu kí ức, nghỉ ngơi não bộ và sáng tạo tư duy, thải độc cảm xúc, nghỉ ngơi cơ thể


một trong những thông tin gợi hứng nhất cho tôi là ở quyển màu xanh, thông tin về dinh dưỡng liên quan đến kiến trúc giấc ngủ :), chỉ hai câu thôi, nó cho tôi một câu trả lời mơ hồ vì sao tôi ngủ luôn mơ hơn rất nhiều người khác, cái đọc nhiều tư duy nên xây dựng giấc mơ chỉ là một phần thôi [tôi còn không hình dung được sao người ta ngủ mà không mơ, có mơ có ngủ và có ngủ thì phải có mơ chứ, tôi hiếm khi có 2-3 ngày liền mà không mơ khi ngủ] và tôi mơ còn hoàn thiện, sáng tạo hơn cả tiểu thuyết tôi đọc chứ không chập chờn như nhiều người và cũng không mơ với tần suất ít ỏi như nhiều người; ra là liên quan đến đồ ăn tôi ăn: giàu carbohydrate, ít chất béo. Thói quen ăn uống này của tôi hoàn toàn là sở thích, tôi không thích ăn thịt cá dầu mỡ nhưng các thể loại có phần tử đường đơn kép thì ha ha ha nên kiểu gì giấc ngủ nrem sâu của tôi cũng giảm và rem của tôi vượt trội hơn nhiều người khác; dẫn theo nó là một hệ quả ảnh hưởng sức khoẻ mà tôi đang phải điều chỉnh, đó là trí não tôi ít được nghỉ ngơi hơn, dần dần tôi sẽ khó lòng học tập vì trí nhớ kém, cũng chính nó giải thích tại sao cơ thể tôi lại bình phục rất tốt và nhanh sau ốm đau thể chất, tinh thần vì rem nó đã giải quyết hết cho tôi :)))) [thậm chí cả việc những gì là đau đớn, buồn sầu nhất tôi phải mơ đi mơ lại hàng hàng nối nhau suốt những năm qua thật ra cũng là một điều đúng khoa học, trong giấc ngủ người ta đối mặt tiếp với những gì lúc tỉnh người ta phải đối mặt sờ sờ vì trong khi không tỉnh ấy, giấc ngủ rem sẽ làm công việc thải độc cảm xúc, chữa lành tâm/tinh thần cho ta; tôi rất thích ngủ (chỉ là tiếc thời gian ngủ vì đêm thì đẹp và quá nhiều thứ chơi) vì ngủ được mơ, tôi dám đánh đổi canh bạc mơ ấy vì trong mơ tôi được sống những cuộc đời khác, có thể sống lại những kỉ niệm đẹp tuy mang đến đau đớn nhưng ít ra, tôi được thêm một lần nữa mỗi khi mơ, đó cũng là cách tôi nhớ và vì nhớ nên giấc ngủ rem cũng làm công việc nhoà bớt đau đớn giúp tôi bằng quên - cái giá phải trả cho nhớ]


quyển màu xanh cũng cởi cho tôi một nút thắt bấy lâu. Mọi người nhìn tôi và tôi đúng cũng tự thấy mình là thể loại con gái ngủ trương thây nứt cốt, thể loại mà cứ có việc gì phải ra khỏi nhà lúc 7 giờ sáng là kiểu gì tôi cũng đến muộn 30-60-90' dù đã rất cố gắng; lý do là tôi không tỉnh được hoặc tỉnh được nhưng không thể bắt đầu mọi việc nhanh được; vì sao; tôi đã rất cố gắng ngủ sớm nhưng áp lực ngủ không đến, nhịp sinh học chưa tới; hoá ra là gene của tôi [là gene thật đấy] không ngủ sớm không dậy sớm được; khi người ta đã lao dốc không phanh melatonin và adenosine thì tôi vẫn đang trên đỉnh vinh quang :))). Nhưng chính từ những nghiên cứu này, tôi rút ra một kết luận tốt cho trẻ nhỏ: phải tính toán làm sao để cho trẻ thức dậy lúc 7h30 sáng hoặc 8 giờ sáng vì khoảng 6-8 giờ sáng là lúc đứa trẻ được tận hưởng giấc rem nhất, rất tốt cho phát triển trí não cả iq eq và chúng cần ngủ nhiều hơn [10-12 tuổi đổ xuống] nên giờ đi ngủ có thể vẫn cần sớm hơn người lớn vì nhịp sinh học của chúng ngắn hơn, nhưng thức dậy thì nên muộn hơn; đến đây thì làm thế nào để các trường học đẩy lùi giờ học muộn hơn thực tế hiện nay, quá khó, rất thiệt cho trẻ nhỏ vì giấc ngủ rem không mang tính tuỳ chọn mà là bắt buộc trong suốt sự sống của con người, càng nhỏ tuổi thì càng cần nhiều, cho đến thanh thiếu niên thì rút ngắn chỉ còn khoảng 25% thời lượng ngủ [nhắc đến trẻ em thì những đứa trẻ rối loạn tự kỷ, đồ thị melatonin của chúng phẳng hơn trẻ thường, vậy hãy tư duy 2 chiều: cho trẻ ngủ sớm để phát triển trí não và nếu đứa trẻ có dấu hiệu khó ngủ không thể ngủ vào giờ nó phải ngủ thì hãy đi khám sớm rối loạn tự kỷ sau khi đã loại trừ các nguyên nhân khò khè, khó thở do đờm dãi (đã can thiệp va amydan và đặt ống tai etc.) vì chính có rối loạn nên đồ thị melatonin phẳng và đồ thị melatonin phẳng nên không ngủ mà càng rối loạn, nó sẽ kéo theo trí não chậm phát triển, chậm nói (đi kèm phanh lưỡi) thần kinh luôn ở pha hưng cảm hoặc lưỡng cực đổi chiều quá nhanh... khám sớm]


giấc ngủ là cái không thể thương lượng được và hãy nhớ kỹ, không có khái niệm ngủ bù; tai hại giấc nào tính luôn vào lúc thức dậy của giấc í và chỉ có lãi mẹ đẻ lãi con chứ không có ngủ bù hôm nay trả nợ ngủ được cho ngày hôm qua


hôm rồi dọn sách trong nhà, tôi thấy quá nhiều sách y sinh tôi đã mang về, nó là lĩnh vực mà tôi yêu thích [chính vì yêu thích nên tôi cũng bỏ mấy năm ăn học cho nó đấy thôi] và đọc nó mang đến cho tôi trải nghiệm quá tỉnh để ngủ. Tôi đọc để khẳng định nghi ngờ của mình, rằng mình đã ngủ quá ít nên mình phải trả giá và đọc để thay đổi điều chỉnh giờ giấc thói quen; rồi cuối cùng nó hay quá, các sách y sinh thời gian qua đọc xong khiến tôi quá tỉnh để ngủ :))) thành ra có những quyển đọc cả tháng chia nhỏ, nhưng có những quyển quá ít thông tin như quyển màu trắng trong ảnh, 1.5 tiếng cho 300 trang, nhưng không sao hết, nó chính là quyển rất gần với các quan niệm dưỡng sinh phong cách Nhật Bản 


à, cả 2 quyển văn phong hơi loằng ngoằng; cái này có thể cảm thông được; tôi từng biên mấy quyển y sinh rồi, kể cả dịch giả là người có chuyên môn nhưng vẫn sai sạn như thường vì càng nhiều thông tin thì càng dễ bị say đòn, thứ nữa là dịch giả có chuyên môn thì chưa chắc giỏi tiếng Việt, người giỏi tiếng Việt thì lại không đủ chuyên môn, mà được cả 2 thì mấy ai đi dịch sách y sinh nên đến khâu biên tập thì vẫn khó lắm đấy



Không có nhận xét nào: