Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

23.3.24

nghề chơi






đọc Balzac không nhiều [làm sao mà đủ nhiều được] để đưa ra nhận định về tính chất thần bí kì ảo trong các tác phẩm của Balzac, ở đây là Miếng da lừa: giao kèo với quỷ, hễ mong ước điều gì thì được như ý điều ấy và miếng da co lại, hễ co hết thì người phải chết [là co lại; trong Tristram Shandy, Laurence Sterne cho nhân vật phát biểu ý kiến về đời sống con người, lấy gậy vạch lên cát một đường ngoằn ngoèo từ trên xuống; còn Balzac vẽ một đường ngoằn ngoèo hơn và chạy ngang chứ không dọc "trong tiểu thuyết, đời sống con người được diễn tả như tấn kịch, nó ngoằn ngoèo, lượn quanh và uốn khúc" (câu này Trung Đức dịch, đọc thấy ngay không đủ quái, "tấn kịch" "lượn" "uốn"), và lấy đó thay đề từ, mở hình gần cuối Miếng da lừa của XBK]. Điều lạ là Balzac hiện thực, chủ đề xuyên suốt là mối quan hệ nguyên nhân-kết quả [Miếng da lừa thuộc phần tiểu thuyết triết học luân lý]; thế giới bourgeois, tiền tiền tiền; những kiểu mẫu các thứ người [các nhân vật luôn hiện ra ngay từ đầu từ dáng người khuôn mặt tóc tai nước da cử chỉ etc., diễn tiến câu chuyện chỉ để tiếp tục vẽ cho phong phú đủ nét về nhân vật và khớp chúng lại thành kiểu mẫu thứ người, như là cái đôi con mắt đó thì ứng với người thế nào và người thế nào thì đi cùng đôi con mắt đó...; thậm chí con người đó ứng với thứ bệnh nào, hay là, thứ bệnh này hẳn sẽ chọn gửi vào con người nào...]... vậy mà ở Miếng da lừa lại mang thần bí kỳ ảo, dù nó chỉ là công cụ để đi đến chủ đề nguyên nhân-kết quả: dục vọng và kết quả tán ra từ cái dục vọng ấy [NVV khi nói tới dục vọng, từng quy nó thuộc về chuyện tình dục; chính thế] và bức tranh toàn cảnh xã hội [như câu kết "Phê-đô-ra ấy là cái tượng hình xã hội ta đó"]. Về cơ bản mỗi người có một định lượng nhất định, tất nhiên không công bằng, nếu công bằng thì không có Thượng Đế [theo nghĩa công bằng chằn chặn], và nếu không biết giáo dục cái muốn của mình thì rất kinh khủng; muốn gì được nấy là giao kèo của quỷ mời rất ngọt [giao kèo nào cũng là canh bạc khốc hại, người ta vẫn hay nhắc đến Faust, giờ thêm Raphael của Balzac nữa] và tai hại làm sao người ta chúc nhau "vạn sự như ý", "cầu được ước thấy" 


nhưng đời mà, đời là nghề chơi, đốt cho bằng hết, nó đặt ra cho người ta cái giao kèo: muốn nhiều đạt nhiều sống ngắn [một thời người ta hiểu theo nghĩa, đấy là cá tính, là phong cách sống, thà vụt sáng rồi tắt còn hơn le lói trăm năm... đại loại thế, sống một cách thái quá cho nó thoả một đời]; hay, khôn ngoan trong cái muốn của mình bởi không gì tàn phá kinh khủng bằng cái muốn mà được thoả thuê. Ước và được, muốn và có thể. Ra-phần chính là người viết quyển sách luận về lòng quyết muốn [lại muốn; 1 tên khác NVV dùng là Nguyên lý cái chí ý người ta], luận về ý chí đấy, và cũng là người giống Balzac lúc trẻ, ở thuê phòng trên thượng lương và lênh đênh với nghiệp sách vở bút nghiên, thích nhìn vào chốn phồn hoa những con người lấy tiền làm thần thờ...


ở Miếng da lừa tôi thích mấy [trường] đoạn: đoạn Ra-phần nhận được khoản thừa kế ngay sau bữa tiệc thoả thuê tơi bời, vẻ mặt nom thấy cái chết khi miếng da lừa co lại so với nét bút vạch ra trước đấy; đoạn Ra-phần gặp ông lão hàng đồ cổ ở rạp xem hát, một đoạn hình ảnh nhiều màu sắc đoạ địa ngục; đoạn Ra-phần đi gặp các nhà khoa học để tìm cách làm miếng da lừa giãn nở ra, mà qua đó các nhà khoa học đưa ra kết luận, tôi rất thích 2 câu của 2 nhà khoa học, một người nói: từ đây ta chịu rằng có ma quỷ, một người nói: xin chịu rằng có Thiên Chúa [chính thế, ma quỷ và Thiên Chúa, địa ngục và thiên đàng, phải như thế, sự sặc sỡ của thế giới]; và đoạn cuối cái chết của Ra-phần, đọc đoạn này da người có phần co lại đẩy lông dựng lên, rợn tóc gáy [nhưng tôi vẫn không hiểu được, tôi hiểu là khi người ta không có người ta tuyệt vọng thì muốn chết và có lẽ không sợ chết mà sợ sống, rồi khi người ta được thoả muốn thì người ta mong sống để hưởng cái thoả ấy và người ta sợ chết sợ nom thấy cái chết, tôi hiểu đấy là lẽ thường nhưng mà tôi vẫn không hiểu được tại sao đã biết luật chơi canh bạc là như thế rồi, đồng ý chơi rồi mà còn lấy làm hãi, tôi cũng biết chết thì không khốc hại bằng việc nom thấy cái chết chết từ từ, nhưng dám chơi dám chịu, sao con người ta lại thế; tôi không hiểu sao con người ta lại thế, một cái mình rất rất muốn thì hẳn mình ngán gì đánh đổi đâu; đến đây thì lại quay lại chuyện, một cách duy lý phải khôn ngoan minh mẫn nghi hoặc cái muốn của mình, nhưng mà rất rất muốn thì... dẫu có trái ý trời]


bản dịch của Trung Đức dịch đủ các đoạn Nguyễn Văn Vĩnh bỏ câu không dịch [các đoạn ngắn thôi, không ảnh hưởng cốt truyện]; nhưng TĐ dịch không sắc thái, không tinh dù đủ, về độ dài, có thể dài hơn nhưng đọc lại nhanh vì ít phải dừng nghĩ; còn bản dịch NVV thì, có những câu nhất định chỉ có NVV mới có thể làm ra, một giọng đanh chua không thể nghĩ có người có thể dịch tóm được thế; sự tinh quái trong dịch Balzac của NVV chính do NVV nhìn vào con mắt nhìn người của Balzac và xoáy vào hiện thực ấy. Theo một nhận định thì khi nhìn vào Balzac được dịch ở Vn, có 3 cái tên: Miếng da lừa, Nguyễn Văn Vĩnh dịch; Những vinh nhục của César Birotteau, Mặc Đỗ dịch [một tác phẩm về thế giới bourgeois điển hình, hãy đọc cẩn thận và lưu ý các chú thích ở bản NN làm]; Bông huệ trong thung, Vũ Đình Liên dịch [rất nhiều chi tiết cuộc đời Balzac ở đây, một bản dịch Balzac mềm, tình cảm, lãng mạn rất Bông huệ trong thung, khi nghĩ đến Balzac tôi lại hay nghĩ đến mềm và lỏng, nhưng bản tôi đọc là 2003 văn bản bị làm cẩu thả kinh khủng, đọc như cơm gạo ngon trộn nhiều sạn, đến tên dịch giả cũng bị thành Vũ Đình Liêm], đó là gợi ý mở cánh cửa bước vào Hí trường thế giới Balzac. Ý nghĩ về mục tiêu cố gắng đừng bỏ cuộc, sống đủ lâu để đọc được hết tất tật của Balzac và nếu lại được dịch ở vn là một ý nghĩ quái gở kép của tôi vì nghĩ gì lại nghĩ sống lâu [sống mệt mỏi bất tiện lắm] rồi lại còn muốn lắm [lại muốn :))))] nhưng ý nghĩ ấy thực hạnh phúc [còn thì nếu mà có miếng da lừa, tất là tôi sẽ dùng nó để hồi sinh người tôi yêu (lại ý nghĩ quái gở tiếp); nhưng chẳng phải chỉ có 'tình' mới sai khiến con người ta gớm ghê đến thế hay sao]


sau đây, tiếp tục là Lão Goriot, vì một nhân vật điển hình ở Miếng da lừa đã tiếp tục ở Lão Goriot [hơi ngược tuyến tính thời gian, về xuất phát điểm của nhân vật í, dẫu Miếng da lừa được viết trước Lão Goriot khoảng 3-4 năm, tôi nhớ thế]. Nhưng tôi phải nghỉ tí đã, đọc không mệt mà làm sao cho đầu nó nghỉ đừng viết nữa nó mới mệt, nhất là viết các ghi chú tác giả dài như Balzac [lần nào cũng dở khi viết ghi chú vào khoảng giờ nằm trên giường vì càng viết càng tỉnh, sau khổ cho giấc ngủ]


dưới đây là ghi chú được tạo 6 năm trước, tôi dán đây để tôi tìm cho tiện và xoá bớt ghi chú đi, giở lại Miếng da lừa cũng là vì muốn xoá bớt ghi chú trong đt 


Balzac [I]

1. thế giới bourgeois

- chủ đề xuyên suốt tư tưởng của Balzac: nguyên nhân và kết quả; không có gì xảy tới một cách bình thường cho những người leo từ từng lầu này lên một từng lầu xã hội khác, cơn điên chạy theo bả phù hoa

- giải thích sự khác biệt giữa giới thượng lưu và giới trưởng giả còn khó hơn những cố gắng của giới trưởng giả để lấp liếm sự khác biệt đó

- về hình thức cử chỉ: phụ nữ thanh mảnh hay phốp pháp ntn [Bông huệ]; váy áo [các bà các cô đi đến chỗ ko phải mình thì rườm rà váy áo xúng xính còn ng thuộc thế giới đó thì rất đơn giản]; về những cử chỉ: kiễng chân khi nói lời đắc ý...; dáng đi thể hiện người có lực mạnh hay không [chi tiết này cũng có ở Bông huệ trong thung]

- Balzac - Walter Scott - Fenimore Cooper - Moliere - Perrault


thôi có gì mai sửa lỗi typo, đi ngủ, đã lại hơn 1h sáng, nghĩ nó chán 

Không có nhận xét nào: