Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

8.8.15

Romain Gary và hạnh phúc của việc đọc




6 năm trước, tôi bắt đầu biết đến Romain Gary qua Lời hứa lúc bình minh, cảm thấy mình may mắn, bao hàm biết ơn nữa, vì tới tận lúc ấy mới đọc được một quyển tiểu thuyết và thấy kỳ khôi làm sao, con người ta có thể viết như thế, đưa đời mình vào tiểu thuyết như ngắm nhìn đại dương bao la vậy. Lời hứa lúc bình minh với tôi là một trong những tiểu thuyết có hình ảnh người mẹ hay nhất, bà ấy rất oách bởi tính thất thường màu mè và không kém phần dũng mãnh , mà như về sau này Romain Gary có trả lời phỏng vấn, đại ý rằng có rất nhiều người mẹ oách như mẹ ông, thậm chí oách hơn nhưng bị rơi vào quyên lãng, còn mẹ ông sở dĩ được biết đến, ra khỏi sự quên lãng vì con trai bà đã viết Lời hứa lúc bình minh , đã đưa bà vào một quyển sách (thật ra là nhiều hơn một quyển)
Nửa năm sau đó thì tôi đọc Cuộc sống ở trước mặt, Romain Gary viết dưới bút danh Émile Ajar. Cuốn tiểu thuyết này tôi được anh NL tặng, người mà tôi vẫn luôn dõi theo, cập nhật những gì liên quan đến văn chương chữ nghĩa một cách đều đặn nhất. Và hiềm một nỗi, tôi nghi ngờ rằng con người này và Romain Gary có rất nhiều điểm trùng khớp: một vài chi tiết tiểu sử, chứng cuồng viết, thái độ với thế giới vừa ngông ngạo, vừa xấc xược đau đớn vì tính ngu độn, xoắn vặn của nó. Như người ta vẫn nói, sự lặp lại trùng khớp định mệnh kiểu này là coi như bị ám vào đời nhau 
Dông dài thế, cũng để nói đến quyển Chó trắng vừa mới đọc xong. Chó trắng là quyển thứ ba tôi đọc của Romain Gary, tôi thấy rõ chứng cuồng viết của ông, kết hợp với hư cấu, màu mè, con người hơi ngông dở, hờn giận kiểu trẻ con quá khổ tạo nên những tác phẩm hết sức chân thật về chính ông (bà mẹ, người vợ minh tinh màn bạc một thời Jean Seberg, chiến tranh...) nhưng lại như tiểu thuyết, hẳn phải là tiểu thuyết. Chó trắng lấy bối cảnh nước Mỹ năm 1968, ngay gần sự kiện mục sư da đen Mỹ Martin Luther King, lãnh tụ đấu tranh chống phân biệt chủng tộc bị ám sát, lúc này Romain Gary đang sống cùng cô vợ minh tinh màn bạc Jean Seberg ở Hollywood, thời điểm nước Mỹ coi một đám cưới "khác màu da" gây tang tóc cho một thành phố hơn cả cái chết bi thảm của một cậu thanh niên mới lớn. Đúng là một chủ đề đủ sức khiến Romain Gary điên tiết và khi con người màu mè này điên lên tức là tất cả sẽ được nhét, tống vào một quyển sách, hay là việc viết. Cuốn tiểu thuyết được mở đầu bằng chú chó xám Batka, giống béc-giê Đức, bảy năm tuổi đi theo Sandy chú chó dòng Đan Mạch của Romain Gary về nhà. Batka gây ấn tượng sức mạnh và thông minh, vấn đề là Batka trở nên hung dữ tàn bạo với những cơn thịnh nộ súc sinh khi nhìn thấy người da đen.
Batka được huấn luyện đặc biệt để chuyên tấn công người da đen. Batka là một white dog, chó trắng.
Từ đấy, vấn đề được đưa đến người đọc của Chó trắng là về người da đen Mỹ, về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc như Romain Gary có tự nhủ rằng "vấn đề da đen ở Mỹ đặt ra một thực tế nan giải: đó là sự ngu đần. Nó bắt rễ từ trong chiều sâu của thế lực tinh thần lớn nhất mọi thời đại, là cái ngu ngốc. Trong lịch sử, không bao giờ trí tuệ có thể giải quyết thành công những vấn đề của con người khi tính chất chủ yếu của vấn đề này là cái ngu đần. Trí tuệ chỉ đi vòng tránh vấn đề, dàn xếp với chúng bằng sự khôn khéo hay bạo lực, nhưng mười lần thì hết chín, khi trí tuệ tưởng đã thắng lợi rồi, nó lại thảy tất cả sức mạnh của sự ngu đần bất diệt mọc lên trên chính mảnh đất của nó. Chỉ cần coi những gì sự ngu đần đã làm với những thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản, chẳng hạn, với sự ngập tràn lũ tinh trùng của cuộc "cách mạng văn hóa", hay lúc tôi đang viết đây, với cuộc tàn sát trong vụ "mùa xuân Praha" nhân danh "tư tưởng Mác Lênin đúng đắn" 
Bám víu vào niềm hy vọng, không ai bằng Romain Gary. Đúng như ông nói, hành động quân sự mà ông khâm phục nhất là đào tẩu thì việc ông viết Chó trắng là cách thức ông rời bỏ vấn đề người da đen Mỹ, vấn đề phân biệt chủng tộc, ông viết để quên, để đào tẩu, "tống nó ra khỏi ta", như ông nhét, tống tất cả những gì không chịu nổi về thế giới vào tiểu thuyết.
"Anh không chịu đựng được nữa. Mười bảy triệu người da đen Mỹ trong nhà mình, là quá nhiều, ngay cả với một nhà văn chuyên nghiệp. Với anh, tất những gì cái chuyện ấy có thể đem lại cho anh, là thêm một quyển sách nữa. Anh đã làm văn học về chiến tranh, về thời bị chiếm đóng, về mẹ anh, về nền tự do của Châu Phi, về bom đạn, anh dứt khoát từ chối làm văn về người da đen Mỹ. Nhưng em hiểu cái ấy nghĩa là thế nào: khi anh vấp phải một cái gì đó mà anh không thể làm thay đổi được, không thể giải quyết được, không thể vực dậy được thì anh loại trừ nó ra. Anh tống nó vào trong một quyển sách. Sau đó anh không bị nó đè nặng lên mình nữa. Anh ngủ được hơn. Thế là, anh bỏ đi. Anh không thể xuất bản văn học vì người da đen. Anh dứt khoát từ chối"
"Anh sẽ thí cho chúng một quyển sách về nỗi đau khổ của những người da đen, một cú gậy thần sẽ chấm hết mọi nỗi đau khổ của người da đen...Anh sẽ tống mười bảy triệu người da đen của em vào một cuốn sách"
"Tôi đã bắt đầu chán ngấy vấn đề da đen, điều đó, cuối cùng, khiến tôi hiểu ra một chút rất, rất, rất nhỏ những gì chính đám quần chúng da đen đang phải cảm nhận. Tôi cảm thấy cái nhu cầu cháy bỏng được tách biệt, được tha hóa tuyệt nhiên trước nay chưa từng có trong lịch sử của sự cô đơn. Với một nhu cầu phân lập đến thế trong tôi, thì cần phải có thể sáng tạo một thế giới mới. Tôi bắt tay làm tức khắc: suốt buổi chiều tôi ngồi viết"

như biểu hiện của tuyệt vọng, bế tắc và đau khổ, white dog lại được huấn luyện thành black dog-tấn công người da trắng. Người da đen có tình yêu nồng nàn với nước Mỹ, đây sẽ là đất nước thiên đường của họ nếu không có chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, thiên đường trần thế này có nhược điểm duy nhất đó là từ chối họ. Một bộ phận người da đen đã phản bội lại những người anh em của mình bằng cách bắt kịp theo người da trắng trong tính hận thù bằng sự bình đẳng trong tính chó má. Phảng phất trong họ là vẻ kiêu kỳ bộc lộ bao thế kỷ oán hờn chất chứa. Đến cuối cùng cuốn tiểu thuyết này là hình ảnh một thú tính khởi nguyên, nấp kín trong lòng tự nhiên mà người ta thích quên đi sự có mặt của nó ẩn sâu dưới tầng ngầm. "Cái mà ngày trước người ta gọi nó là chủ nghĩa nhân ái luôn bị mắc kẹt trong cái song đồ giữa tình thương lũ chó và sự kinh tởm tính chất chó má". Tình bằng hữu của sự ngu dốt

50 năm đã qua, nhìn lại tiến trình vấn đề màu da ở Mỹ, một thực tế xuất sắc minh chứng cho nhận định của nhà văn vĩ đại này:"các nền văn minh chấn hưng bằng cách chuyển vị lẫn nhau. Hay là chúng tiêu vong đi" 
Đây là một trong số nhiều đoạn Romain Gary nói về chiến tranh Việt Nam
"chiến tranh Việt Nam là điều tệ hại nhất có thể xảy đến cho đất nước Việt Nam, nhưng là điều tốt nhất có thể xảy đến cho nước Mỹ: nó chấm dứt những niềm tin, nó đặt lại vấn đề, nó đòi lột xác. Tôi không biết nước Mỹ mới sẽ ra sao, nhưng tôi biết cuộc bùng nổ da đen sẽ ngăn nó khỏi thối ruỗng"

ps: tôi còn quay lại Romain Gary ít nhất 2 lần nữa vì không nhiều nhà văn mang đến cho tôi sự biết ơn như thế, một cảm giác hạnh phúc khi đọc, có thể mỉm cười ngay cả khi rất chua . Tự nhiên muốn đọc lại Lời hứa lúc bình minh.

Không có nhận xét nào: