Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

29.8.15

Khi những vì sao trò chuyện cùng nhau



Theo như ngày tháng tôi ghi trên trang đầu sách thì hai cuốn tiểu thuyết của Mitsuyo Kakuta: Bản năng (The Eighth Day) và Tôi "bị" bố bắt cóc (Kidnap tour), tôi đọc cách nhau gần như chính xác 4 năm (tôi đã nói rồi, việc đọc và những gì liên quan đến việc đọc của tôi kéo theo rất nhiều sự lặp lại của những cái tên, con người, thời gian...nói chung là những đuổi bắt cứ tạm coi là định mệnh). Cả hai cuốn tiểu thuyết này đều xuất phát từ hoàn cảnh bắt cóc. Không giống như Bản năng là cảnh bắt cóc báo trước nhiều bất trắc, buồn bã vì người phụ nữ trong truyện đã bắt cóc đứa con gái sáu tháng tuổi của người tình, chúng ta hoàn toàn không làm chủ được tình cảm cũng như số phận của mình thì hoàn cảnh bắt cóc ở Tôi "bị" bố bắt cóc tạo ngay cho người đọc một ấn tượng, có lẽ là hài hước, tình cảm và không thể nói là không man mác.
Tôi không nói về Bản năng vì đã 4 năm trôi qua rồi, sau 4 năm trí nhớ cá vàng của tôi không mong tìm kiếm được gì cụ thể, chi tiết, cuộc đời cũng thế, nói gì đến tiểu thuyết tôi đọc :p. Tôi chỉ nhớ cảm giác về Bản năng mang lại cho mình, một câu chuyện rất buồn, một cảm giác thường trực bất an vì người phụ nữ đó bế trộm đứa bé, bắt cóc đứa bé và trốn tránh pháp luật, sống trong giáo phái, sống nay đây mai đó với rất nhiều khó khăn, hốt hoảng và lo sợ. 
Tôi nói về Tôi "bị" bố bắt cóc, cuốn tiểu thuyết mỏng tôi vừa đọc xong. Cũng giống như cuộc sống, những ông bố bà mẹ chia tay nhau vì muôn vàn lý do, thậm chí không vì lý do gì cả, người ta cứ chia tay vậy thôi. Thì, cuốn tiểu thuyết này cũng vậy, từ đầu đến cuối không một chi tiết nào tiết lộ lý do ông bố bà mẹ này chia tay, chỉ có thể ngầm hiểu ông bố này quá khù khờ, ngô nghê trước cuộc sống gia đình nhiều trách nhiệm và kỳ vọng không tên. Và cũng như cuộc đời, cứ thi thoảng bạn lại nghe thấy một câu chuyện ông bố ghé qua nhà đưa con đi chơi kiểu bất đắc dĩ không muốn/không cần thông báo với vợ cũ và ngược lại, cũng với muôn vàn lý do tại sao lại hành xử không theo lẽ thường như thế. Thì Tôi "bị" bố bắt cóc, ông bố thiếu kỹ năng sống đỗ xịch xe và rủ con gái Haru học lớp 5 đi chơi, đi dài ngày. Hai bố con đi rất nhiều nơi, nhiều trải nghiệm cùng nhau, từ lúc ông bố còn xông xênh chút tiền trong túi cho đến khi phải bới bãi rác kiếm đồ dùng và đèo nhau bằng cái xe đạp ở bãi rác, lốp xe không có hơi với hai cái bụng đói meo. Tôi "bị" bố bắt cóc nói về tình cảm cha con, tình cảm gia đình, tất nhiên rồi. Nhưng cái tôi thích hơn cả, là cách ông bố sống với con gái, nó đúng như mơ ước của tôi, có đứa con là để cuộc sống này có thêm một người bạn oách xà loách, cho đời thêm vui vì cũng như bao người, đến một ngày ta nhận ra khi ta có một người bạn ta thực sự yêu thương và yêu thương ta thì quả thật, đời ta rất oách, không có điều gì khiến ta buồn chán hay mất hy vọng được nữa, ta hiểu về trái tim mình, ta yêu người hơn và ta biết trân trọng chính ta. Cuốn sách này như một thứ từ điển cho phụ huynh, giống như khi con im lặng thì chúng muốn gì? khi con hờn những cơn vô cớ thì nguyên nhân vì đâu? con lạc quan tếu là chúng đang thương ta có phải không? Hay chỉ đơn giản thế này thôi, nó rất thích được hỏi "con có vui không?", "con đã vui vẻ chứ" khi nó đi chơi xa nhà :p
*Tôi thích các đoạn văn trang 136-137 khi cô bé Haru nằm trong lều thủng nhìn ngắm bầu trời và suy tư; thích tưởng tượng về cảnh hai bố con nhếch nhác đèo nhau bằng cái xe đạp không có tí hơi nào trong lốp, mỗi vòng quay của bánh xe nghe tiếng lịch kịch trên mặt đường, một cái lưng áo nhễ nhại mồ hôi, một cái mông ê ẩm khi ngồi xe đạp xịt lốp; thích cảnh cô bé rúc mặt vào bụng ông bố nài nỉ chúng ta cứ trốn đi như thế này đi...tất cả những tưởng tượng này tôi đều gắn M vào vai ông bố, tôi vào vai đứa con. Buồn làm sao.
*Chiều nay đi xem sách, nhìn thấy quyển Bản năng mới ớ, hóa ra Tôi "bị" bố bắt cóc là cùng tác giả à. Cuối sách có một bài của nhà văn khác viết về Tôi "bị" bố bắt cóc và một bài viết của dịch giả. Mình rất thích cuốn sách có đời sống riêng của nó, mỗi người đọc cảm nhận và hiểu theo những cách khác nhau, đi lạc, đi xa hơn cả cha mẹ đẻ của cuốn sách. Nhưng việc có thêm lời bình hay lời người dịch ở đầu hoặc cuối sách, cũng rất hay đúng không? Nó như là kết thúc quyển sách xong, người đọc được trao đổi luôn với một vài quan điểm khác về quyển sách í.

Không có nhận xét nào: