Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

17.4.24

ngừng làm mẹ




Ellie yêu dấu, một câu chuyện hay dù hơi dễ đoán; tâm lý các nhân vật cũng rơi vào mẫu chung tâm lý... điển hình của phụ nữ viết văn; mình thích tên gốc Then she was gone hơn, nó đúng tinh thần của câu chuyện


Ellie yêu dấu làm mình nghĩ đến một câu chuyện, vừa được bạn nhắc tên, Room. Truyện này được dựng thành phim [Ellie yêu dấu có được dựng thành phim không nhỉ, hồi lâu lắm thấy một người bạn điểm phim, cốt truyện của phim cũng nhang nhác Ellie yêu dấu]: 1 người đàn ông bắt cóc 1 cô bé trên đường đi học về, sau đó cũng sinh 1 đứa trẻ và nhờ kế hoạch 2 mẹ con cô bé vạch ra đứa trẻ trốn thoát được và cuối cùng người mẹ bị nhốt trong cái chòi cách âm sân sau nhà cũng được giải thoát etc. và phần lớn phim là việc cô bé cùng đứa con trở lại cuộc sống [mình không biết truyện thì có hay không vì hình như mình không đọc, cũng không nhớ là có đọc không], chỉ nhớ cô bé ấy sau khi được trở lại cuộc sống bình thường, nỗi đau của gia đình sau từng đó năm cô gái mất tích và khoảng cách giữa họ, mỗi người đối mặt với mất mát này một đau đớn riêng khác, giờ đây khi cô trở về, vẫn còn đó chỉ là nỗi đau thay đổi hình dạng, và cô bé có nói một câu mình rất nhớ, đại ý: nếu bố mẹ không dạy con trở thành người tốt, không bảo con nên giúp đỡ mọi người khi có thể thì có thể con đã không bị tên khốn ấy lừa rằng hắn bị mắc kẹt cần con giúp và như thế con cũng không bị bắt bị nhốt, đời con đã không thành đống phân như thế này etc. Ellie cũng cởi các nút xoắn như vậy, nếu không cần gia sư Toán, nếu thẳng thắn bày tỏ rằng mình không muốn đi cùng cô gia sư, không muốn uống cốc nước ép không muốn xử sự như một người lịch sự etc. thì... 



có đoạn mình thực sự xúc động là, khi bà mẹ Ellie gọi điện cho chồng cũ hỏi ông ấy rằng tại sao cô con gái Hanna [chị gái của Ellie] "lại ghét em, con bé luôn không vui khi gần em, nó cư xử như một cái hố rỗng khi có mặt em" và ông chồng cũ trả lời rằng con bé không ghét em, nó cảm thấy có lỗi, nó cần sự tha thứ vì nó đã không phải là Ellie yêu dấu của em, sau khi Ellie mất tích, con bé không chỉ mất em gái, nó còn mất cả mẹ vì em đã ngừng làm mẹ; chính cái cụm "ngừng làm mẹ" làm mình nấc lên ngay tức thì; nhân vật Hanna cũng là nhân vật mình thích trong quyển này [nhân vật mình thấy tiếc cho kết cục không đáng có là ông nhà toán học, một người như thế ngoài đời mà chọn kết cục vậy thì thấy đáng tiếc lắm]... vẫn là ý trên, giống trong Room; việc một thành viên gia đình mất tích nó gây ra cho mỗi thành viên ở lại một tâm trạng một đau đớn riêng mà dù vùng giảm chấn của mỗi người có được kéo giãn khác nhau thế nào thì tất cả họ cũng đều co cụm lại với đau đớn của riêng mình, họ tan vỡ các cách khác nhau, không thể hàn gắn như cũ; nỗi đau không biến mất theo thời gian, nó chỉ vẫn đơn giản là ở đó và thay đổi hình dạng


có một chi tiết, khi Ellie nói chuyện với Noelle trong căn phòng dưới tầng hầm, đại ý muốn thêm nhiều sách nữa... đầu óc của độc giả đọc trinh thám sẽ nghĩ: sẽ có gì đó được tuồn ra ngoài qua những quyển sách, dù không hy vọng gì mấy, thường những kẻ bắt cóc sẽ rất cẩn trọng kiểm tra các thứ trước khi đưa chúng ra khỏi nhà...; thế nên khi có chi tiết kết truyện là một bức thư của Ellie kẹp trong sách, nó là chi tiết dễ định hình, dễ đoán định cho một cái kết, chi tiết bức thư lấy nhiều cảm xúc, đặc biệt là câu cuối cô bé viết trong thư, cô viết trong thư như nhắn với các thành viên gia đình rằng: "họ không cần phải đau khổ về những gì đã xảy ra với tôi, bởi tôi rất can đảm, thông minh và mạnh mẽ", nó rất Then she was gone, cũng là một câu làm người ta hiểu Ellie mãi là Ellie yêu dấu trong lòng người mẹ và các thành viên trong gia đình, và thật đau đớn, chính vì thế cô bé bị nhắm đến, bị chọn làm nạn nhân [bởi hào quang cầu vồng của cô bé quá tuyệt vời, nó thôi thúc những đầu óc u mê tuyệt vọng làm điều xấu] 


đọc truyện trinh thám người ta quen với việc đào sâu vào xuất xứ của một người với bố mẹ như thế nào, gia đình ra sao, quá trình người đó lớn lên trường thành, sự biến trong đời là gì, đã tác động như thế nào... những năm tháng thơ ấu quan trọng lắm, một mái ấm một gia đình yêu thương chưa bao giờ là không quan trọng với sự hình thành một cá nhân. Ngoài đời cũng vậy, khi cần thực sự hiểu một người, cần thực sự điều tra về ai đó hay một vụ án, người ta thường tính đến xuất phát điểm của người đó. Đời người rất dễ lật nhào chỉ bởi họ đã trở thành người như thế nào kể từ thời khắc họ nhận thức rõ ràng mình được sinh ra và lớn lên trong một gia đình thế nào chung chứa những bí mật câu chuyện gì


hồi lâu có đọc một quyển trinh thám, đại để: cô vợ nói với chồng một quá khứ khác hẳn cuộc sống thực mà cô ấy đã trải qua, anh chồng từng đi tù vì ngộ sát, luôn thấy mình thực sự may mắn vì một người như vợ lại để mắt đến mình và chọn mình; trong các sở thích của vợ, anh luôn không lý giải được tại sao vợ mình đọc nhiều đến thế, trong nhà của họ có rất nhiều sách, cô ấy luôn luôn đọc và anh chưa thấy ai đọc nhiều như cô... mãi sau này anh hiểu, cuộc sống bình thường như mọi người là điều cô luôn ao ước, cô không có chúng nên cô thiếu thốn chúng khao khát chúng và đọc là cách để cô sống nhiều cuộc đời, mở các cánh cửa khác bước vào các thế giới khác, khác xa thế giới hiện thực mà cô sinh ra lớn lên và trải qua; đọc là một niềm an ủi và dù đọc có đưa cô đến chân trời nào thì nó cũng bình yên với cô hơn hiện thực cô trải qua. Poppy 9 tuổi và mẹ cô bé, Ellie 16/17 tuổi trong Ellie yêu dấu cũng nói: "chỉ có những câu chuyện trong sách mới là điều có thật trên thế giới này, mọi thứ còn lại chỉ là giấc mơ thôi". Đọc là hành động thực, là xếp-đặt-xây-đắp-dựng những thực tại riêng [và cả khả thể] mà qua nó người ta cảm nhận đó mới là hiện thực, thực tại, đời thực; đặt sách xuống, đóng sách lại giống như quay lại giấc mơ, thậm chí một cơn mộng ác


tóm lại thì tôi đang định viết gì đây, thôi hashtag cho kết [à, sáng mai gả quyển này đi, thấy bảo chủ mới là một bạn gái giọng miền Nam]


Không có nhận xét nào: