Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT
10.1.17
Từ cuối cùng của chúng ta: Không có gì
(Tức là Không có gì - Lévi Strauss)
Chuyện kể rằng thuyền trưởng van Toch trên hải trình tìm kiếm nguồn ngọc trai mới, đã đến Vịnh Quỷ Sứ. Ở đây ông tiếp cận loài được dân bản địa gọi là quỷ biển-sa giông đen nhẵn, đi bằng hai chân sau như người, dáng đi lắc lư và cao cỡ một đứa trẻ 9-10 tuổi. Chứng kiến chúng bị cá mập ăn thịt, ông dùng cái gọi là công cụ của con người, trao vào tay chúng dao, vật nhọn, vũ khí để chiến đấu với cá mập, đổi lại, chúng sẽ mò ngọc trai cho ông. Với bản năng sinh sản mạnh, khả năng học hỏi, bắt chước tốt, nhẫn nhịn, loài sa giông được nhân mạnh và sống dưới đế chế của tập đoàn lớn, với văn minh của loài người, sa giông được thí nghiệm ở điều kiện sinh sống khắc nghiệt, khả năng và kỹ năng lao động khác nhau... Qua thời gian, đi theo bước tiến văn minh của loài người, sa giông trở thành giống loài được lên ngôi, cũng như việc mở rộng đại dương sinh sống và từ đây, diễn ra cuộc chiến tranh giành và chống lại loài người. Câu chuyện kết thúc mở khi loài sa giông đã nhấn chìm 1/5 các lục địa thành đại dương sinh sống và không ngừng phát triển. Thế giới hậu con người có là thế giới của sa giông?
Khi loài vật lên ngôi của Karel Capek với hình thức trình bày mới lạ và phong cách báo chí lồng trong tiểu thuyết đã kể một câu chuyện như vậy. Tác giả nói rằng: Đây không phải là viễn tưởng, mà là hiện thực. Đây không phải là suy đoán về những gì trong tương lai, mà là tấm gương phản chiếu cái đang tồn tại và chúng ta đang sống chung với nó". Là một người tin vào thuyết mạt thế, tôi tin rằng không chỉ sa giông mà bất cứ loài động vật nào được chọn đi theo bước tiến văn minh của loài người với đủ mọi ngông cuồng và rồ dại thì đều có thể thiết lập một đế chế mới thay thế con người. Nền văn minh của con người là nền văn minh bị quỷ ám, con người luôn nghĩ với bộ não và cơ thể hoàn chỉnh được ban tặng thì có thể can thiệp làm biến đổi và chế ngự thiên nhiên. Điều này hoàn toàn nhầm lẫn và cái giá phải trả dĩ nhiên là chát, nói như Romain Gary là nó sẽ nổ tung tại chính thời điểm cực thịnh, hùng mạnh và giàu có. Dùng văn minh của mình can thiệp vào sự cạnh tranh sinh tồn của sa giông và cá mập, tác động vào đời sống giống loài của sa giông mà đốt cháy giai đoạn tiến hóa tự nhiên của sa giông cũng như bất kỳ loài nào khác..., đưa chúng vào guồng quay theo bước tiến văn minh như bị quỷ ám thì không cứ sa giông mà có thể lắm, có thể là tất cả các loài khác đều có khả năng gia nhập vào chương trình xã hội, chính trị với tư cách một khối quần chúng hay mang tính ý thức hệ của xã hội con người và lên ngôi nền văn minh quỷ ám thay thế con người
Cuốn tiểu thuyết này như bức tranh tiên tri về thế giới hậu con người. Với tôi, nó không đưa ra lời cảnh báo phải làm gì đó để khác đi, vì thực tế nhìn con người sống với nhau là đủ biết rồi thế giới ngày nào đó sẽ sinh ra cái gì đấy giống như sa giông rồi. Theo bước chân con người, sa giông cũng sẽ có cuộc chiến ở trong lòng giống loài nó với cạnh tranh sinh sống, kinh tế, quyền lực... tóm lại, chúng đáp ứng được một trong những lý tưởng của nền văn minh hiện đại đó là sự tầm thường, cũng sẽ tự tiêu diệt nhau và rồi sau tất cả sẽ là ba từ: Không có gì.
Tất cả sẽ nổ tung hoặc thậm chí bị nhấn chìm quét sạch, không con người không sa giông không khủng long không khỉ không chó mèo lợn gà không cây cối... tất cả tan biến thành một hoang vu trống trải nhỏ li ti li ti bay trong không gian. Và nhiều triệu năm sau mới bắt đầu hình thành sự sống và lịch sử tái thiết. Tôi nghĩ và tin như vậy đấy.
Đây là lần thứ hai tôi đọc Karel Capek, tôi thích văn của ông ở tập truyện Hoa cúc xanh hơn rất nhiều lần, đọc Khi loài vật lên ngôi nhận thấy Karel Capek phong cách viết rất phong phú, uyển chuyển, linh hoạt hơn ở Hoa cúc xanh, nhưng với tôi, Hoa cúc xanh mang tính văn chương lớn hơn rất nhiều. Và bản thân tôi không khoái cái gì có chính trị, trận mạc, chiến tranh có thể vì sợ hãi các chủ đề chính trị nên ngu hoặc ngu quá nên sợ hãi các thứ liên quan đến chính trị, cái này hoàn toàn không biết được (đầu chỉ để mọc tóc nên động đến chính trị tí là ong thủ) nên vẫn thích Hoa cúc xanh hơn :)
Tôi rất phục Tao Đàn bởi chất lượng làm sách, Khi loài vật lên ngôi là một ví dụ điển hình nhất về sự công phu, kĩ lưỡng, tỉ mỉ của xuất bản sách, công việc này thể hiện sự tôn trọng người đọc vô cùng đáng trân trọng và quý giá của Tao Đàn. Cảm ơn Tao Đàn <3 p="">3>
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét