Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

7.9.15

Xứ Xa Xôi lạc mất




Tôi tưởng mình sẽ đọc một chuyện tình. Mối sầu thảm sau một cuộc trò chuyện với người con gái dọc bờ sông Seine của Alain Fournier làm nảy sinh trong ông nỗi tương tư dai dẳng (không có hồi kết) suốt 8 năm đau khổ tìm kiếm tung tích của Yvonne de Quiévrecourt. Và trong lần gặp thứ hai cũng ngắn ngủi như lần trước, nàng đã là vợ kẻ khác và có hai con. Chi tiết tiểu sử này của Alain Fournier là một điểm nổi bật, bởi dường như cuộc trò chuyện ngắn ngủi dọc bờ sông, những câu nói, dáng điệu, cử chỉ của hai người được miêu tả nguyên trạng dưới hình hài của Augustin Meaulnes và Yvonne de Galais trong Le Grand Meaulnes (Kẻ lãng du) là một trong những trục đường chính trên bản đồ của kẻ lãng du Augustin Meaulnes.

Ngay từ những câu văn đầu tiên, mượn lời người kể chuyện Francois Seurel, Alain Fournier đã định ngay một ngậm ngùi hoài niệm cho toàn bộ Kẻ lãng du, "ở đó tôi đã trải qua thời gian giày vò sầu thảm nhất nhưng cũng thân yêu nhất; nơi xuất phát những cuộc phiêu lưu của chúng tôi và rồi trở lại vỡ tan, giống như các đợt sóng chiều vỗ mạnh trên những tảng đá quạnh hiu". Đọc Kẻ lãng du làm tôi nhớ rất nhiều đến Đảo giấu vàng của Robert Louis Stevenson, mà cách đây gần một năm trong một cơn lục lọi giá sách cũ, tôi đã tha hồ ngồi đọc lại và lấy làm sung sướng, bởi tính chất phiêu lưu, khám phá, tự tung tự tác thích làm gì thì làm của các nhân vật, với tấm bản đồ, cuộc mai phục, những truy tìm manh mối...Giống như sự dao động của tâm tư được đắm chìm mình vào cảnh đồng quê, những con đường mòn, lối đi xuyên rừng, những khám phá của gã Augustin Meaulnes mang vẻ lãng du mệt mỏi, kỳ dị khác thường của những chuyến đi không mục đích. Ta những tưởng rằng Meaulnes là gã si tình chạy đuổi theo tình yêu, không hoàn toàn, gã chính xác là một kẻ phiêu lãng, một hình bóng Peter Pan khước từ sự trưởng thành, gã sống lãng du trong tuổi thanh xuân vĩnh viễn và kẻ ham thích những con đường như gã, khi yêu, khi sống với tình bạn, tình bằng hữu thì điên rồ cao cả hơn kẻ phàm mà thôi. Và dù cho có bao nhiêu điên rồ trong một đầu óc cao cả ấy đi chăng nữa thì mạnh hơn tất cả là bản tính phiêu lưu tìm kiếm, tâm hồn đầy huyễn mộng đến độ điên rồ gói gọn trong Xứ Xa Xôi lạc mất

Nếu có những kẻ lãng du cứ đi và đi, chạy đuổi bắt chính ham thích phiêu lưu của mình như một cách không buông tha tuổi thanh xuân vĩnh viễn, mà không nhận ra thế giới xung quanh với những con người đã khước từ cái mê lộ thời thơ ngây mơ mộng ấy được coi là những kẻ điên rồ, những Peter Pan thì liệu, những kẻ tìm đến văn chương như một cách níu giữ tuổi trẻ, đào thoát khỏi hiện thực buộc phải lớn lên, buộc phải học cách chấp nhận cái chín muồi của mình trước cuộc đời, có phải cũng là một dạng điên rồ khác nữa không? Một cách thức sống như những đứa trẻ trong một cuộc đời hình hài người lớn như thể cõi mộng mơ, những chuyện thần tiên sẽ sống mãi cho dù ta đã quá già, đã hiểu chuyện hơn, đã biết hơn đủ để quên những cõi mộng thần tiên thì ta vẫn kiếm tìm được tự do ở Xứ Xa Xôi lạc mất, vẫn cho phép mình như ngày hôm qua là một đứa trẻ huyênh hoang rằng cả thế giới thần tiên còn ở phía trước cho ta muốn làm gì thì làm :p

Tôi đọc Kẻ lãng du như đi tìm một con đường đã mất và đã thấy lại :p

"-có lẽ nó tưởng rằng không ai biết nó đã đi đâu
- đồ ngu! chính tao cũng không biết nữa là"

ps: viết cái này lúc 2 giờ sáng vì sợ sáng mai Xứ Xa Xôi lạc mất lạc mất thật

Không có nhận xét nào: