Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

12.8.17

Sách của kẻ khác



[Khuyến cáo: dài lắm, đừng đọc (chỉ đọc, nếu yêu thích hoặc đã đọc Italo Calvino)]
Sách của kẻ khác (Other People’s Books)  – cụm từ này Italo Calvino dùng bâng quơ và hào phóng khi trả lời phỏng vấn nhưng phản ánh gần như đúng con người của ông trong vai trò độc giả vì ông đọc và điểm sách với tốc độ không tưởng; và giống như ông tiết lộ, khi ông viết về những điều mình suy tư thì cuốn sách mà ông muốn viết chính là cuốn sách mà ông không viết (chi tiết không viết, không nói, tính ‘không’ đặc biệt được nói đến trong Palomar), còn khi ông viết những thứ mang tính tự truyện thì thường cuốn sách được viết ra đi theo hướng ngược lại; và cũng như bao nhà văn thường có một nỗi chán chường mang tính lo sợ không thoát ra được cái bóng của mình trong tác phẩm, Italo Calvino cũng vậy, ông là người viết mang đặc điểm rất chú trọng đến cấu trúc mà ta có thể nhận thấy rõ nhất ông bị cấu trúc làm cho phát điên thế nào, tạo ra một tiểu thuyết (‘phản tiểu thuyết’) như Nếu một đêm đông có người lữ khách :) hay Những thành phố vô hình mang cấu trúc thơ diễn giải thành văn xuôi thì cụm từ ‘sách của kẻ khác’ còn được hiểu rằng những quyển sách ông viết như là sách của một kẻ khác, không phải ông. Thế nếu bạn giống như tôi, yêu Italo Calvino qua trang sách vì nhìn thấy ở chúng một triết lý sống nên đã phải lòng con người thoát khỏi trang sách của ông thì sao :p, thì cũng vậy thôi, vẫn con đường ấy, như chính Italo Calvino có xu hướng cho rằng ‘’tác phẩm của nhà văn là tất cả tiểu sử”
 Với Italo Calvino, sống mãi trong tôi là bộ ba Tổ tiên của chúng ta, đặc biệt là Nam tước trên cây, và sau đấy, như lần đọc gần đây tôi mới khám phá ra là mình thích Palomar đến thế nào, còn lại những gì người ta dùng với Nếu một đêm đông có người lữ khách, Những thành phố vô hình như là “đặc sắc”, “độc đáo”, “thú vị”… những từ ngữ sáo mòn dùng để nói về Italo Calvino của tôi, thật nhé, nghe thật muốn ói, dù thi thoảng bí từ tôi cũng nghĩ mình sẽ dùng nó :)), tôi không thích hai tác phẩm ấy vì tính văn chương ở chúng, tôi không cảm được và triết lý sống của một Italo Calvino nhà văn cũng không rõ nét như các tác phẩm khác, thì tôi vẫn nhớ nhiều vì nó là quyển sách của sự đọc (món quà kỳ quái Italo Calvino dành cho độc giả) và thành phố-giấc mơ trong mỗi chúng ta, chứ tôi cực lực phản đối những ý kiến sáo mòn chung chung như thế với hai tiểu thuyết rối bời cấu trúc ấy .I.
Tổ tiên của chúng ta là bộ ba tiểu thuyết Tử tước chẻ đôi (T6/1951 - 1952), Nam tước trên cây (1957), Hiệp sĩ không hiện hữu (1959), như Italo Calvino thừa nhận, xung đột giữa các lựa chọn trong cõi sống này với những ám ảnh của con người trong việc định ra ý nghĩa cho những lựa chọn ấy là hình mẫu lặp đi lặp lại trong các tác phẩm của ông. Ở đây chúng ta có một Italo Calvino không những mênh mang văn chương mà còn có một Italo Calvino là công cụ cho triết lý sống: đó không còn là câu chuyện ngày xưa chỉ một mình Thiên Nhiên đã sáng tạo ra các hiện tượng sống, đó là câu chuyện sống là lý tính. Một tử tước bị chẻ đôi người với phần thiện và ác rứt xé nhau; Một nam tước trẻ tuổi chọn lựa cả đời sống trên cây, chân không chạm đất đầu đội vòm cây, tưởng như trò chơi con trẻ phản kháng người lớn nhưng thực chất là một bản tụng ca sự nhẹ nhõm nhẹ nữa nhẹ nữa đi; Một hiệp sĩ không hiện hữu nhưng hiện diện ở khắp nơi chàng đến, ở mỗi việc chàng làm, người ta buộc phải nghĩ đến việc trong cuộc sống này sự hiện hữu cũng phải học, hiện hữu nhưng không hiện diện và hiện diện nhưng không hiện hữu…
Trong Tử tước chẻ đôi là cuộc đấu tranh giữa những đối lập, mâu thuẫn, thiếu-khuyết, “vong thân” tồn tại trong mỗi con người, nó mạnh mẽ đến mức làm cùn nhụt và khiến ta ngụp lún, mất hút vào giữa cái ác hiểm và đức hạnh trong khi cả hai mặt ấy đều phi nhân như nhau. Italo Calvino chọn việc để nhân vật của mình chẻ đôi theo tuyến gãy vỡ thiện-ác, sự khác biệt hóa hai nửa thành một hiểm-ác và một tốt-lành tạo ra thứ tương phản cao nhất. “Để mỗi người có thể bước ra khỏi sự nguyên-vẹn cùn nhụt và ngu xuẩn của mình. Chú đã từng nguyên-vẹn và mọi sự đối với chú thì tất nhiên và hỗn độn, lãng nhách như không khí; chú đã tin là mình nhìn thấy toàn bộ, thế mà đó chỉ là cái vỏ. Nếu có ngày cháu trở thành một-nửa của chính cháu, chú cầu chúc đấy, chú bé con à, cháu sẽ hiểu các sự việc ở bên kia trí tuệ thông thường của các bộ não nguyên-vẹn. Cháu sẽ mất đi một-nửa của cháu và của thế giới, song nửa còn lại sẽ ngàn lần sâu sắc và quý báu hơn. Và cháu ắt cũng sẽ muốn mọi sự đều bị chẻ đôi và hành hạ trí tưởng tượng của mình, bởi cái đẹp, sự khôn ngoan, và công lý chỉ hiện diện trong những gì đã bị băm ra thành mảnh”. Khi nguyên-vẹn ta đã không hiểu, ta dịch chuyển trong tình trạng không thực sự nghe, cũng không truyền đạt, ta như một tồn tại bị bẻ gãy và bật rễ, què cụt và thiếu thốn trên thế gian, còn khi sự chẻ đôi theo tuyến diễn ra thì lúc này sự gặp gỡ giữa những mảnh trong cùng một cá thể, bất cứ cuộc gặp gỡ nào như vậy cũng là một cuộc rứt xé lẫn nhau, nhưng từ đó ta lĩnh hội được nỗi đau mà mỗi cá nhân phải cưu mang vì tính khuyết thiếu của mỗi nhân cách, mỗi sự vật trên thế gian. Chỉ cần lĩnh hội được nỗi đau thiếu-khuyết, “vong thân” thì chúng ta cũng sẽ tìm được phương cách chữa lành cho mình, một sự hòa hợp không hoàn toàn ác tâm cũng không triệt để từ tâm, chỉ như vậy chúng ta mới đầy đủ trọn vẹn, đủ kinh nghiệm với cả phần tốt và phần xấu của mình. Sống với sự hợp nhất luôn là thứ đòi hỏi nhiều lý tính, và đánh đổi, bất cứ sự hợp nhất nào. [thế gian tồn tại yoga – hợp nhất là có lý do của nó nhỉ :p]
Trong một bài phỏng vấn, Italo Calvino bộc lộ rằng ông thường bắt đầu xây dựng các câu chuyện từ một hình ảnh nhỏ, sau đó dùng đến sự ám ảnh cấu trúc truyện của mình để phóng hình ảnh đó thành một câu chuyện hoàn thiện, và thường ông sửa nó rất nhiều, nhiều đến mức ông gạch đi nhiều hơn là có thể viết ra :). Nam tước trên cây là hình ảnh một cậu bé trèo lên ngọn cây, đu bám trên cành, chuyền từ cây này sang cây kia và quyết định không xuống nữa. Italo Calvino không làm gì khác hơn là khai triển hình ảnh giản dị này và đẩy nó đến một hệ quả tối cực. Nhân vật sống cả đời trên cây, một cuộc đời không hề đơn điệu: chàng ta sôi nổi phiêu lưu và cũng không hề ẩn dật, luôn duy trì một khoảng cách giữa mình và đồng loại: tối thiểu song không hề dễ xâm phạm. Mỗi sự vật, sự việc với cậu chàng khi nhìn từ trên cây lại mang một chiều kích khác, với chàng chỉ điều này thôi đã là một niềm vui thú bất tận. Ngay khi từ bỏ cuộc sống chân đạp đất để bắt đầu đời sống đầu đội vòm cây thì cậu chàng đã bắt đầu bẻ hướng cuộc đời mình ra khỏi lối thông thường “từ nhiều năm nay tôi sống vì những lý tưởng mà mình cũng không biết giải thích cho chính mình, song tôi làm một chuyện khá tốt: tôi sống ở trên cây”.
Cuộc sống đã diễn ra bằng lý tính, chọn con đường của riêng mình “cháu biết con đường của mình, chỉ cháu mới biết con đường của cháu!” và mọi chuyện sẽ được duy trì từ đó về sau như một khẳng định: ai muốn trông thấy rõ cuộc sống nơi mặt đất thì phải giữ khoảng cách cần thiết, không phải thật gần mà là đủ xa. Một chuyến bứt vượt đánh dấu một tồn tại tách số phận của mình ra khỏi số phận của kẻ khác, nhẹ nhõm nhẹ nữa nhẹ nữa đi và thăng về trời ở nước kết. Ngay cả ở nước kết, lão nam tước cũng đu bám mình vào quả khí cầu và biến đi theo cách thăng về trời “Cosimo đã biến đi như thế, lại còn không cho chúng tôi được mãn nguyện là nhìn thấy anh trở về mặt đất trong tư cách một người chết. Trong căn mộ của gia đình, một tấm bia tưởng niệm anh với các hàng chữ:
Cosimo MưaGiông xứ Rondo
Sống trên cây
Luôn yêu thương quả đất
Thăng về trời”
Nhân vật tôi thích nhất trong Nam tước trên cây ngoài chàng Nam Tước [tất nhiên], chính là mẹ của chàng, một người mẹ yêu thương con rối rít rất đàn bà nhưng vô cùng thông tuệ, bà là người duy nhất trong câu chuyện này không tìm cách cắt nghĩa chàng Nam Tước, có thể vì tình yêu của người mẹ, hoặc cũng có thể bà nghe được giai điệu bản tụng ca sống nhẹ tênh của con mình, bà không cắt nghĩa cách sống của con trai và đơn giản là chấp nhận nó ngay từ đầu theo cách mọi việc sẽ như thế từ bây giờ cho đến mãi về sau. Một người mẹ cực oách. Tôi yêu bà ấy <3 p="">
Trong Hiệp sĩ không hiện hữu, hiệp sĩ Agilulfo không hiện hữu nhưng hiện diện mạnh mẽ, sống động trong từng việc làm, mọi nơi chàng đến, sự hiện hữu của chàng còn thật hơn sự thật, trong khi cậu chàng tùy tùng của hiệp sĩ Agilulfo thì lơ lơ là là hiện hữu khắp nơi nhưng lại không hề biết hiện diện. Nó nhắc người ta về việc sống lý tính, chuyện hiện hữu cũng phải học, hiện hữu không hiện diện hay hiện diện không hiện hữu, anh còn sống chừng nào anh còn được nhớ đến
Cơn nghiện Italo Calvino của tôi có thể kéo dài mãi nếu tôi không cố tình cắt cơn bởi tôi là kiểu một khi đã thích gì thì cứ thế mãi mãi sẽ thích như vậy, điều này đặc biệt không tốt trong việc đọc :p, bởi tiểu thuyết thì bao la lắm và còn rất nhiều quyển hay để đọc :v. Cách đây không lâu tôi lần tìm lại kênh phim cũ Việt Nam để tìm một bài hát được nhân vật chính hát trong phim (sau này mới vỡ mộng vì thật ra không hiểu sao ngày xưa nó lại nằm tốt đẹp trong ký ức như thế, why i got you on my mind :v). Và nhờ xem lại phim đó mà tôi bắt được một câu thoại xuất thần, câu thoại mà khi cô bé 12 tuổi trong phim nói xong, nó chạy thẳng vào não tôi và tôi tự hỏi, liệu người viết kịch bản này có từng đọc Những thành phố vô hình của Italo Calvino :). “Bố tớ bảo có một Hà Nội lơ lửng phía trên kia không có hình, chỉ có hương và có tiếng”. Tóm gọn Những thành phố vô hình chỉ trong một câu văn không gì đầy đủ hơn, đó là: Mỗi người có một thành phố (mảnh đất) cho riêng mình, thành phố lý tưởng hay thành phố hỏa ngục (đây có là câu hỏi không), mà dù lý tưởng hay hỏa ngục thì nó mang tưởng tượng, vô hình nhiều hơn, nhiều khả năng không tồn tại thật, nó có thể là một nơi trú ẩn bình yên trong lòng mỗi người, có thể trong giấc mơ, trong tưởng tưởng, trong lòng hoài nhớ…
 Và với riêng tôi, tôi tìm về thành phố của mình hay thậm chí, thành phố gói gọn tôi vào lòng trong những giấc mơ, bao giờ cũng nhiều ngõ nhỏ, nhiều nhà san sát nhau lúp xúp có thể dễ dàng trèo qua lan can, qua trần nhà để sang nhà hàng xóm, những cái lồng chòi ra để lấy đất ở, những buổi tối hoa sữa hăng hắc nhè nhẹ trên đường vắng tĩnh lặng không gì ngoài tiếng một vài bao giấy rác lăn nhẹ nhẹ theo gió thổi… Thành phố của tôi gắn với ngôi nhà 2 tầng có giàn hoa lan tiêu cam rực ông nội trồng mà mỗi lúc cần một mình tôi đều chui ra khóc khuất nhất của lan can tròng các cành lá hoa dày rậm vào người để nhìn xuống đường một cách kín đáo, cứ ngồi đấy không làm gì cả ngày. Thành phố của tôi. Không phải một Hà Nội như động rồ thế này, chổng ngược bật rễ lên trời phơi hết cả gốc rễ ra thành những tòa nhà xa lạ xa xa những ô cửa sáng đèn le lói. Kinh khủng, nó bắt nhịp vào thế giới đang có xu hướng đồng nhất hóa lẫn nhau, thế giới đang tan ra và việc bắt nhịp này như thể nó bị dụ dỗ dấn thân vào sự tàn hoại, từ đấy chuyển sang điêu tàn hổ lốn :(
Italo Calvino ca ngợi thành phố cụ thể nào :p, Torino ạ :). Nhà văn và thành phố (Italo Calvino, chuyển ngữ Duy Đoàn): “Nếu ta thừa nhận rằng tác phẩm của một nhà văn chịu sự ảnh hưởng từ môi trường sống nơi nó được sản sinh ra, từ các yếu tố của cảnh vật xung quanh, thì khi đó ta phải thừa nhận Torino là thành phố lí tưởng để làm công chuyện viết lách. Tôi không hiểu người ta làm sao mà xoay xở viết lách này nọ được ở những chốn đô thành tại đó những hình ảnh của hiện tại quá ư tràn ngập và mãnh liệt đến nỗi chúng chẳng cho nhà văn chút khoảng trống hay khoảng tĩnh lặng nào bên lề. Ở thành phố Torino này, bạn có thể viết lách bởi vì quá khứ và tương lai nổi bật hơn hẳn so với hiện tại, lực đẩy của lịch sử quá khứ và dự liệu của tương lai đã đem lại tính cụ thể và cảm quan đối với những hình ảnh rời rạc, có trật tự của ngày nay. Torino là thành phố lôi cuốn nhà văn hướng đến cái tinh lực, theo một lối thẳng tiến, hướng đến một phong cách. Nó cổ xuý tính luận lí, và thông qua luận lí nó mở lối vào chốn cuồng điên.
Lần đọc lại này, khi Italo Calvino đã được dịch 6 quyển ở Việt Nam, tôi đẩy Nếu một đêm đông có người lữ khách lên đọc đầu tiên vì tôi cho nó riêng một chỗ đứng khác biệt. Khác biệt bởi về văn chương, nó kém hơn hẳn 5 tác phẩm còn lại. Cấu trúc mới lạ là điều mà nhiều người đọc cho là thế mạnh của Nếu một đêm đông có người lữ khách thì tôi lại không ưa nhất, tôi ghét Italo Calvino của tôi ở những trò quái chiêu, tôi chỉ thích ông phóng to một hình ảnh mà ông muốn thôi. Nếu một đêm đông có người lữ khách là câu chuyện về những con người đang nỗ lực thu vén đời mình giữa một mớ những điều ngẫu nhiên, cụ thể ở tiểu thuyết này là nhân vật Người đọc (Nam và Nữ, mà chủ yếu là nhân vật Người đọc Nam), người luôn đi tìm chương tiếp theo của cuốn sách anh ta đang đọc dở. Còn với tôi, đây là tiểu thuyết về chính sự đọc, đọc là niềm hạnh phúc cô đơn [vì thế mới là độc giả, thay vì đọc giả :p], đặc quyền người đọc, là một quyển sách buộc tôi phải thực hành việc vạch một con đường qua sự đọc như thể qua rừng rậm; một quyển sách diễn giải mối quan hệ nhà văn-người đọc, nhà văn-dịch giả-người đọc... theo cách khiến tôi cho rằng mình đang trở thành một con bài trong trò chơi quái chiêu của Italo Calvino. Nhà văn có một công cụ trong tay đó là xóa bỏ thế giới và xây dựng nó theo cách của họ; người đọc đọc văn bản đó cũng có năng lực xóa bỏ thế giới mà người viết dựng nên và thay vào đó một thế giới khả dĩ hơn và mọi điều đều có thể được chiêm quan dưới logic của những phóng chiếu. Và như vậy, sự đọc luôn là pha chuyển tiếp giữa người viết và người đọc, người ta tìm đến sự đọc để trốn và để làm những việc không thể nói được ;)
Đọc Nếu một đêm đông có người lữ khách rất thường có cảm giác đang chơi threesome trong đó độc giả và các nhân vật fucking, fighting. Thông qua cuộc làm tình, độc giả kết liễu chính mình trước thời điểm đọc sách, đóng băng nhân vật và thế chân họ tham gia vào tiến trình câu chuyện, vì độc giả kết liễu nhân vật, phá ngang nên phải tiếp tục từ giờ phút phá ngang ấy cho đến cuối cùng, cùng trải qua những cơn rung mình, những rung chấn của câu chuyện như qua một cuộc làm tình thực thụ
Độc giả thường quan tâm tới tác giả như là một người hiện hữu trong tác phẩm, độc lập với tác giả là một chủ thể, một con người hiện hữu ngoài trang sách. Mọi quyển sách đều tiếp tục ở ngoài trong thứ ngôn ngữ khác, thứ ngôn ngữ im lặng mà tất cả các ngôn từ trong các sách ta tin là mình đọc đều dẫn chiếu tới. Đọc là tiến về phía cái gì đó sắp sửa hiện hữu song chưa ai biết nó sẽ là gì; đọc là băng qua sự dồi dào của chi tiết vốn che phủ cái khoảng rỗng mà độc giả không muốn nhìn ra hoặc không đủ khả năng nhìn ra; đọc là sự buông mình đầy hân hoan theo làn sóng các sự kiện, hay là sự rút lui vào trong bản thân mình như thể tập trung vào một dự đồ ám ảnh, mọi cái đọc khác đều chỉ để ngụy trang còn dự đồ kia là nỗi ám ảnh không mục đích… nên tôi không nhớ rõ là những nhà văn nào, nhưng ít nhất nhớ rõ Umberto Eco thuộc típ nhà văn luôn mong mình chết trước khi tác phẩm được biết đến rộng rãi để tác phẩm có đời sống riêng của nó, hành trình của quyển sách được viết ra thoát khỏi những phân tích, nhìn nhận của chính người viết áp đặt lên nó. Tiểu thuyết hay bất cứ quyển sách gì đều có rất nhiều điểm nhìn, khi độc giả nắm lấy điểm nhìn của mình, khước từ ý tưởng chuẩn thức về sự thẳng, đường thẳng thì đó luôn là điểm nhìn hay nhất, ít nhất là với người đọc chọn điểm nhìn ấy.
[có rất nhiều cái có thể nói về quan niệm của nhà văn, đặc quyền của người đọc, độc giả lý tưởng, tiểu thuyết lý tưởng với độc giả, vai trò của dịch giả mà tôi muốn nói, nó được Italo Calvino lồng vào các tiểu thuyết dang dở (các chương) trong Nếu một đêm đông có người lữ khách, tôi cú mèo lắm vì mình không đủ năng lực để làm gì đó cho mình đặng mai này nhìn lại. Câu chuyện tôi khoái nhất (nhẹ nhất, không phải hay nhất) trong tiểu thuyết này là câu chuyện diễn ra ở Nhật Bản: Trên thảm lá sáng ánh trăng; pha tôi thích nhất là cuộc giao hoan của vợ thày giáo và học trò, cô con gái thày giáo đứng chứng kiến và lặn ngụp vào trạng thái giao hoan, và trên hết là thày giáo-người đóng vai trò bài binh bố trận đứng quan sát biểu cảm của con gái đứng nhìn vợ và học trò của mình giao hoan. Câu chuyện này tất nhiên làm tôi nhớ nhiều đến Chiếc chìa khóa của Junichiro Tanizaki, nhưng ở đây là Italo Calvino, và tôi thích nhìn nhận người viết trong vai thày giáo, độc giả trong vai cô con gái, các nhân vật trong vai hai người giao hoan. Và tổng thể cuối cùng, người đọc câu chuyện là người quan sát từ trên cao tiểu thuyết trong một tiểu thuyết khả thể. Thế này nhé: Từ những quyển sách làm thành những tạo phẩm, rồi nhét tất cả những tạo phẩm này vào một quyển sách, từ quyển sách này tạo ra tạo phẩm, tạo phẩm khác. Rồi lại cho nó vào một quyển sách khác… cứ như vậy (có ai hiểu ý tôi không? Kiểu mỗi file sau là một file trước nó được ghi đè thêm lên í @.@ #$#%$^$#$^$^#$ fuck .I.)]
Khép lại Nếu một đêm đông có người lữ khách, tôi bỗng nảy ra một ý nghĩ, giữa việc đọc và việc không đọc thì việc làm nào dễ dàng hơn, chúng ta được dạy về đọc-viết từ khi vẫn còn lò thò mũi xanh, vậy thì thường có xu hướng đọc bất cứ gì bị quăng ra ngay trước mắt, chẳng dễ dàng gì để thắng được thôi thúc đọc, vậy là suốt đời ta cứ làm nô lệ cho những gì được viết ra và quẳng trước mắt ta, ta cứ thế là đọc, vô tình đọc, mong muốn đọc. Vậy làm thế nào để khước từ việc đọc? Italo Calvino trong Nếu một đêm đông có người lữ khách đã có một gợi ý để không đọc, “không khước từ nhìn vào những con chữ viết. Ngược lại, ta phải nhìn vào chúng, thật chăm chú, cho đến khi chúng biến mất”. Nhưng lúc đó có là đọc những gì được viết ra không, hay là đọc giữa các dòng :p

Ngày xưa tôi đọc Palomar ngay sau Nam tước trên cây, lúc ấy Palomar với tôi mang màu ảm đạm, già cỗi với những suy tư và tản mạn rất khó nắm bắt. Đến giờ Palomar vẫn thế, vẫn là những ghi chép suy tư, những bài tiểu luận mà như Italo Calvino có nói những lúc ông viết về những suy tư thì những gì ông muốn viết là những gì ông đã không viết, điều này đọc ở phần 3 Im lặng của Palomar là rõ nhất, sự im lặng luôn bao hàm điều gì đó nhiều hơn cái ngôn ngữ có khả năng biểu lộ. Palomar tác động đến tôi khác trước đây, có phải tại tuổi tác không hehe. Không ngạc nhiên khi ông viết Palomar năm 1983 chỉ vài năm trước khi mất, ở thời điểm mà tuổi tác nằm lọt thỏm trong những suy tư bắt nguồn từ những việc nhỏ hiện ra trước mắt (bụng của con tắc kè, một kí lô rưỡi mỡ ngỗng, hai con rùa giao hợp, tiếng huýt của con sáo, …) dường như mọi thứ diễn ra đều trở thành những thước phim tua chậm trải suốt dòng suy tư. Palomar là những câu hỏi nối tiếp những câu hỏi của một nhân vật ôn hòa nhưng nhức nhối bẳn tính, hài hước nhưng chua chát. Tôi tự hỏi Italo Calvino liệu có phải là chính Palomar, Nam tước Cosimo hòa với vũ trụ với xã hội với đồng loại ở một khoảng cách đủ xa còn Palomar thì lần chần giữa việc ta không thể hòa điệu với xung quanh và ngay cả với chính ta nhưng Palomar vẫn duy trì một con đường với cách thức vừa ở trong và cũng ở ngoài, vừa trên đường và vừa ở dưới bề mặt “chỉ khi đã biết bề mặt của sự vật, ta mới có thể mạo muội đi tìm cái bên dưới. Nhưng bề mặt của sự vật không bao giờ cạn”, “chúng ta không thể biết gì về bên ngoài nếu chúng ta không vượt trên chính chúng ta… Vũ trụ là một chiếc gương qua đó chúng ta chỉ có thể chiêm ngắm cái chúng ta đã học để nhận biết chính chúng ta”.  
Italo Calvino ngoài trang sách mình viết là thế nào :p. Ông qua bản ghi chép từ băng phỏng vấn, từ hồi ký của nhà phê bình văn học Ý, từ trong cái nhìn của dịch giả William Weaver (dịch giả gắn bó lâu năm với Italo Calvino, người dịch tác phẩm của Italo Calvino sang tiếng Anh) thế nào… không khác nhiều với các nhân vật của ông. Đầu tiên là cô đơn, không một người bạn thân, không nói nhiều và không chan hòa với người khác, lúc nào cũng ở một thế giới khác, thế giới có một tử tước bị chẻ đôi người, của một thằng bé sống cả đời trên cây đội vòm cây chân không chạm đất, của một hiệp sĩ xủng xoẻng trong bộ giáp sắt mà không có hình thù, thế giới của một tiểu thuyết lúc nào cũng dở dang ở những chương đầu tiên, thế giới của những thành phố vô hình là trú sở trong tâm tưởng và giấc mơ… làm sao một người sống ở những thế giới như thế có thể tìm thấy một cô đơn khác ở vũ trụ này, làm sao có thể chan hòa với xung quanh với đây với kia :). Thứ đến là nghiện đọc nghiện viết nghiện suy tư nghiện cấu trúc nghiện từ ngữ, ông dường như rất thích tra từ điển, diễn giải từ ngôn ngữ của mình sang một ngôn ngữ khác và ông kiên định đến ngờ nghệch ngây ngô với ngoại ngữ của mình, William Weaver kể một câu chuyện, ông đã từ chối một dịch giả vì dịch một truyện ngắn của ông thành In Black anh White thay vì Without Colors, Italo Calvino từ chối vì sự sáng tạo quá trớn của dịch giả thật lố bịch, ông nói “vì đen và trắng cũng là màu sắc” và theo như lời William Weaver thì Italo Calvino có xu hướng muốn tự dịch tác phẩm của mình hơn là tìm đến bất cứ dịch giả nào. Thế rồi nhà văn ông muốn đọc kỹ là ai :), Kafka nhé, với Amerika :)
Bạn có thể tìm đọc những bài viết ngắn của ông như Tại sao đọc tác phẩm kinh điển, Từ ngữ thành văn và bất thành văn, Nhà văn và thành phố, 3 truyện ngắn trong tập Numbers in the Dark and Other Stories dưới tên Chỉ cần vậy thôi, Tia sáng, Người gào tên Teresa; bài viết của Michael Wood, Rowan Gaither: Những bức thư của Italo Calvino, Nghệ thuật hư cấu của Italo Calvino… tất tật được Duy Đoàn chuyển ngữ, ở trang chiecnon.wordpress.com
[Thôi, tôi phải tạm để đây thôi, khép lại 2 ngày mà tôi đã tự hứa từ rất lâu rồi, là tôi sẽ tạo một ổ quan trọng về Italo Calvino cho riêng tôi. Mai đi chơi, không thì ma sách ám í]

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Nhờ bài này mà chắc em sẽ đọc lại bộ 3 của Calvino (vì e mới chỉ có 3 q ý :))
Trong 3 quyển thì chán nhất là quyển Tử tước, hay nhất là Nam tước. E đọc thấy vậy. Và lại có cảm tưởng Calvino cũng nghĩ thế. Ô mà khoái quyển nào là viết ngon hơn hẳn (và dài hơn hẳn). Thiện ác quả thực là chán chết :))
Cũng rất hay là cái quả "cấu trúc". Đọc bộ 3 trên lúc này e cũng có cảm giác ô ý đang xoay rubic vậy :))
Cái vụ nhà văn mà Calvino đọc nhiều nhất là Kafka thì quá đúng luôn. Nhưng cá nhân e lại thấy truyện của Calvino đặc biệt gần Borges (dù thực ra 3 ô nhà văn này cũng có quan hệ khá là giống...threesome :))