Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

15.11.24

đương nhiên




khi đọc Shirley Jackson tôi nghĩ rất nhiều đến Poe của tôi, có thể vì quyển đầu tiên làm quen Jackson là Chuyện ma ám ở dinh thự Hill, thì đấy, chưa cần đọc gì cũng thấy The fall of the house of Usher và The haunting of Hill house. Khi đọc được một ít, tức sờ vào 3 quyển trong ảnh, tôi quy đây là một người chịu ảnh hưởng Poe, dù văn bản của Jackson tối giản hơn Poe nhiều nhưng bầu không khí dị hợm, quái gở của tâm lý con người đặt trong những điều thường nhật nhàm chán đến ngạt của đời sống, thì đúng Poe; hơn cả, ở đấy luôn có sự lưỡng lự nhân cách, lưỡng lự tâm lý giữa các bản dạng

Chuyện ma ám ở dinh thự Hill [với những lập luận khoa học của một nhân vật đại diện cho con người khoa học (rất Poe); rốt cuộc, vẫn bất lực đầu hàng trước những gì xảy ra trong dinh thự] và Ta vẫn luôn sống trong lâu đài, là 2 tiểu thuyết không khí gothic. Tôi thích nghĩ chúng là tiểu thuyết tâm lý mang màu sắc ly kỳ, huyền bí, có thể xem là cú lãnh Poe với lối kể chuyện phân thân - những giọng nói khác xuất hiện không báo trước, những ẩn mờ của người kép, đồng dạng, song trùng "sinh đôi". Những lâu đài, dinh thự sừng sững dường như đã luôn ở phase sụp đổ từ trước trong hình dạng của chính nó; không phải cá thể xung đột với các nhân tố bên ngoài hay xã hội, mà cá thể xung đột với chính nó - một diễn ngôn về người kép song trùng; trên con đường cố tự hoàn thiện khám phá thay đổi mình hay cố dứt mình khỏi chốn u mê, ta vấp phải ta xung đột với chính mình và phần nhiều, sụp đổ tâm lý phá sản các giá trị, ta ở lại mãi mãi đơn côi bất lực 'ta vẫn luôn sống trong lâu đài'

tập truyện ngắn Người tình ác quỷ, gồm 4 phần, mỗi phần chiếm cứ 6-7 truyện, làm nhiều người, nghĩ đến các truyện ngắn của một nhân vật giai đoạn sau, Raymond Carver vì truyện ngắn Mỹ thế kỷ 20 ở vn, người ta quen với Carver rồi. Phần lớn, truyện của Jackson rất ít cốt truyện hoặc cốt truyện không rõ ràng, ngay cả khi được hiểu là có chiều hướng kỳ bí thì cũng không nhiều tình tiết giật gân, kết thúc thường không có hậu mà bỏ lửng. Tức, nó khước từ các mẫu truyền thống, chuyện mà không truyện, điều này đặc biệt rõ ở mảng truyện ngắn. Người tình ác quỷ được dịch từ tập The lottery and other stories; lý do đơn vị xuất bản lựa chọn tên Người tình ác quỷ có thể vì nhân vật James Harris của truyện ngắn này đã hiện diện ở phần lớn các truyện ngắn khác trong tập, mỗi truyện mang một nhân dạng khác nhau - rất nhiều James Harris, James nào cũng là James và không James nào giống với James nào, đừng cố chập những mẫu người của con người vào nhau; còn truyện Xổ số thì là một truyện quá "đương nhiên" gắn với tên tuổi Shirley Jackson - một truyện ngắn ấn tượng đến ám ảnh về quyền lực của đám đông cộng đồng [cũng là một chủ đề của Ta vẫn luôn sống trong lâu đài] và một câu hỏi tiếp tục hiện ra, nó từng lặp trong các truyện của Poe: tại sao, tại sao mà có thể xảy đến với bất kỳ ai, một mong muốn giết một ai đó không vì lý do gì hoặc một lý do phi lý. Truyện ngắn Xổ số là một cú dừng hình sững sờ, người đọc bị một rào cản cô lập từ đầu truyện, rằng cuộc xổ số, bốc thăm này sẽ chọn ra người may mắn, một tư duy hết sức "đương nhiên" hẳn người chung cuộc phải là kẻ may mắn, bất chấp chi tiết mở màn không hề khớp với những gì mang may mắn, để rồi đến tận dòng cuối cùng của một văn bản đúng nghĩa truyện ngắn, người ta hiểu ra cuộc xổ số rốt cuộc chọn ra người hiến tế - một hình ảnh cổ xưa và kinh điển: đám đông ném đá. Ở đây, cách khai thác truyện của Jackson rất Poe, khai thác triệt để khía cạnh kì dị của tâm lý trong những tình huống đời thường, ngoài việc nó luôn khiến người đọc được phép tiên tri, nhận cảnh báo về một kết cục, thì người ta còn phải chịu thách thức lòng kiên trì trước những tiên tri đa nghĩa của màn diễn ngôn do họ bày ra, ít nhất thì Jackson đã tối giản văn bản hơn Poe. Ngoài Xổ số, và James Harris xuất hiện với tần suất sửng sốt, có một truyện viết ngắn, tối giản tôi thích là Phân xử qua giao đấu; cách Jackson nhìn nhận về đời sống con người nói chung và phụ nữ nói riêng, không lạ, nhưng chọn điểm nhìn và phơi ra trong hình hài truyện ngắn này thật ấn tượng; truyện ngắn này có chi tiết tất cả các phòng trong tòa nhà đều có chung chìa khóa, những chìa khóa giống hệt nhau và người chủ căn phòng bị xâm nhập là một phụ nữ trẻ cũng có ngày đi làm kẻ xâm nhập căn phòng của người đi xâm nhập căn phòng của mình - một bà già; và khi cô ta bị bắt gặp đang xâm nhập căn phòng của bà già, cô phân trần hành động xâm nhập của mình như để lấp liếm chữa ngượng, nhưng người phụ nữ già gần như điềm nhiên, trong một thái độ thấu hiểu, một thông điệp không lời, rằng: tôi và cô, những con người đồng dạng, sống trong tòa nhà có chung những chìa khóa hệt nhau, những cánh cửa những căn phòng [những cánh cửa như những câu hỏi - Rilke] và rồi chúng ta sẽ như nhau trước và vì cuộc đời nhạt nhẽo thường nhật thôi; cuộc phân xử đúng nghĩa qua giao đấu

lời giới thiệu đầu tập Người tình ác quỷ của Lê Huy Bắc, có một đoạn LHB dẫn truyện Kẻ ăn thịt đồng loại trên chuyến tàu của Mark Twain khi đặt trong đối sánh với Xổ số của Shirley Jackson [cả 2 đều 'một người phụng sự cộng đồng' gắp thăm xem ai phải hiến tế sinh mạng], nhưng đại khái có cấu trúc ngược. Tôi có thể xem là gần như không đọc Mark Twain, nhưng nhờ bài giới thiệu này, tôi biết Mark Twain có một truyện như thế. Và cái tình thế của ăn thịt đồng loại để sống sót trong tình cảnh mắc kẹt, với tôi "phụng sự" ở đây là một truyện, có thể xem là tiểu thuyết của Poe: The narrative of Arthur Gordon Pym of Nantucket

Không có nhận xét nào: