Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

29.11.24

ngọn cỏ gió đùa



có lẽ là quyển cuối cùng đọc Hồ Biểu Chánh, vậy là đã hết các chuyện nhân tình thế thái Hồ Biểu Chánh trong nhà tôi. Tôi chỉ mua duy nhất một quyển Ngọn cỏ gió đùa, vì tôi thích cái tên của nó nhất trong các tiểu thuyết của ông [các tên khác thường trỏ quá rõ, hết tò mò]; Ngọn cỏ gió đùa, cái tên đã đủ hình dung thân phận những con người sẽ xuất hiện trong truyện: phận hèn, nát thân bồ liễu, nắng táp mưa sa, đường ngay nẻo vạy... Đây cũng là tiểu thuyết dài hơi nhất trong mấy truyện Hồ Biểu Chánh tôi đọc, nó lấy một phần bối cảnh sự kiện lịch sử Lê Văn Khôi nổi dậy 1833 - 1835, ai biết tôi cũng biết, dính đến lịch sử thì khổ cực cho tôi nhẽ nào, tôi đọc mà có biết có nhớ gì đâu; trong này cũng có duy nhất nhân vật tôi thích trong từng đó nhân vật của Hồ Biểu Chánh: Lê Văn Đó - con người trọng lời, quân tử, hào sảng [tôi đọc tới tên nhân vật, có ngẩng lên bảo Loan, các cụ xưa đặt tên buồn cười, thằng anh Lê Văn Đây, thằng em Lê Văn Đó, Đây với Đó; Loan bảo thế xưa đẻ 3 đứa mày tao khéo bảo đặt tên Hát Tê Mờ, tôi hỏi sao đặt thế, Loan bảo thích thì đặt thôi; cũng trong truyện này có tên Từ Thu Vân, làm tôi nghĩ đến một cái tên tôi luôn tính sẽ dùng :))) Từ Vân Du]

Hồ Biểu Chánh là người nghe vào tai nhiều chuyện, và thuần tuý thuật lại chuyện nhân tình thế thái. Ông không phải người kể chuyện hay, tài văn chương, với tôi, nhưng tôi vẫn đọc để biết rồi thì không cần quan tâm nữa 

bản in cũ hơn 400 trang Ngọn cỏ gió đùa, tôi không cố nổi, mắt tôi mờ cứ căng ra đọc như hóc nên tôi nhớ mang máng trong nhà có một quyển Hồ Biểu Chánh hình như đúng Ngọn cỏ gió đùa, nên tôi đi lục đọc cho nhanh, giải quyết hết Hồ Biểu Chánh trong nhà. Không ngờ thấy luôn, may quá 


thôi đi đạp xe :)

nhầm

 


Constance - một người phụ nữ trong Chuyện các bà vợ già của Arnold Bennett sau kỳ trăng mật trở về, đối diện với vai trò mới và một hệ quả sờ sờ kéo theo vai trò ấy: vực thẳm giữa 2 con người [phải giả vờ không thấy hay thậm chí ngờ rằng có vực thẳm], cô cho rằng, cuộc đời người phụ nữ kết hôn của mình sẽ không thiếu sóng gió

Đoàn Thu Hà - người phụ nữ trong Khóc thầm của Hồ Biểu Chánh, nhìn nhầm. lấy nhầm. khóc thầm 

nhìn thấy nhiều, từ rất sớm, các tiêu bản phụ nữ sống cuộc đời kết hôn, cả chiều dài dấu vết thời gian, người ta còn muốn sống như vậy. Băn khoăn :)

kiếp phù sinh




kiếp phù sinh như hình bào ảnh

có chữ rằng: vạn cảnh giai không

[ND]

hôm qua đọc Con nhà giàu, hôm nay đọc Con nhà nghèo. Tôi hay nói nhả, ăn ở gây thù chuốc oán bạc đãi nhau, rồi đời sau con cháu lại va nhau duyên nợ, kết duyên không được dứt tình không xong, làm sai quấy mà lĩnh quả ngay là nhẹ, đợi tới hậu vận sau lĩnh quả e quả nặng lĩnh không nổi

thôi đạp xe dạo mát vài vòng cái

nhân tình thế thái Hồ Biểu Chánh




chuyện nhân tình thế thái. Đọc truyện nghĩ tới 2 ông con nhà giàu bạn tôi

một ông có suy nghĩ giống Thượng Tứ trong truyện: má hỏi tôi thi đỗ không, tôi đỗ làm sao được, thằng đó đỗ vì nó con nhà nghèo nó phải học phải lo công chuyện sinh nhai, tôi con nhà giàu thì tôi học làm chi, tôi phải chơi phải tiêu xài, có biết chơi biết tiêu xài thì mai mốt tôi ra đời tôi mới rành các mánh khoé ở đời mà không bị người ta lừa gạt. Ông bạn mình thì như ổng nói, tớ chơi chán xe cộ bán rồi; đứa em hỏi anh chơi hết tiền bạc các thứ rồi có tiếc không, ổng bảo tiếc gì, chơi sướng thế rồi thì còn tiếc gì nữa. Ổng nói ý tứ thì cũng bị gái và người đời tệ bạc nhiều, ổng bỗng tỉnh mộng nhân tình, tắt lửa lòng dù trước giờ 7-8 năm quen nhau mình gọi ổng don juan, rồi giờ bỗng nhiên lại nghĩ chuyện giúp người giúp đời làng xóm các thứ, thấy tâm tư si nghĩ lung lắm. Nếu nửa sau truyện của Thượng Tứ là đường don juan đang đi thì tốt thôi; dẫu sao kịch bản cuộc đời cũng vừa rất nhiều mẫu và chung quy cũng chỉ bấy nhiêu


một ông thì là công tử nhưng lại chân chất học hành, theo nghĩa ngược ông don juan, không chơi bời chi hết, chỉ lo thâu nạp kiến thức để không bị ngu ngơ trước đời, không bị lừa lọc khi ra đời. Mà đời thì phải chơi, sống là chơi mà ông không chịu chơi lại chỉ lo học để cập nhật kiến thức chạy theo guồng tri thức tiến từng ngày. Nên đời lại hay chơi ông, cứ nghe ổng kể chuyện là lại thấy ổng bị người ta lừa bị người ta dắt mũi lợi dụng. Bảo ổng nếu đọc sách thì đọc ít sách hộp kiến thức thôi kẻo thành mọt sách ngơ ngác trước đời; đọc tiểu thuyết đi cho cái mắt nhìn người nó thật thoát khỏi đôi mắt kính 5 đi ốp, ra đường chỗ nào cũng va vào cho vui... nhưng không, ổng ra đường chỉ đi thử đồ ăn các nhà hàng, đi triển lãm, rạp phim, hiệu sách... rồi lâu lâu bỗng bị đời chơi, ổng nói: nay em nhớ lời tú nói, đúng là abc đúng là xyz, sao tú có nhiều câu bất hủ vậy, cô có muốn mai này cô trết thì tôi hay truyền nhân nào chép lại các câu đó hay là tạc nó vào bia mộ cho cô không :))))


rốt cuộc tôi chọn đọc Con nhà giàu đầu tiên thay vì Con nhà nghèo, đều của Hồ Biểu Chánh, vì tôi là con nhà nghèo mọi mặt trận rồi, tôi nghĩ chắc tôi cũng hiểu phận Con nhà nghèo tí chút, nên tôi đọc Con nhà giàu cho đổi không khí. Mà đầu tôi nghĩ đến 2 tiêu bản số phận con nhà giàu 2 ông bạn tôi :))) sao mà mũi lao lao 2 hướng song song. Lô Hồ Biểu Chánh này tôi được tiệm sách quen gởi cho đọc, tôi phải đọc cho biết chuyện nhân tình thế thái Hồ Biểu Chánh, đọc xong tôi sẽ cho lại ai đó muốn đọc như cách tiệm sách quen cho tôi; ai lấy đọc nhớ chắc chắn là mắt phải đủ tinh nhé :)

28.11.24

Hà Trì - Liên Chiểu





nhắc đến ái tình tiểu thuyết thì nghĩ ngay đến Tố Tâm của Song An Hoàng Ngọc Phách. Nhưng đọc Lời giới thiệu thì Mảnh trăng thu không hẳn ái tình tiểu thuyết, có thể xem là truyện trinh thám. Cũng trong bài giới thiệu này, Bửu Đình chỉ sống có 28 năm, 20 tuổi mới bắt đầu viết, bận làm công chức mất 3 năm, ở tù hết 4 năm từ 1927-1931 thì Mảnh trăng thu xuất hiện lần đầu năm 1930, tức là được viết trong giai đoạn giúp việc quản lý cho quan chức Pháp ở nhà tù Côn Đảo; thế mà viết cực khoẻ [nhìn danh mục các thể loại thì rõ], đúng là ở tù Côn Đảo "tôi đây buồn, là vì thui thủi một mình trên gành cây bãi cát, sớm chiều ngó sóng nhìn mây"


giai đoạn ở tù Bửu Đình có 2 lần vượt ngục thì 1 lần được tàu ngoài khơi cứu sau 17 ngày lênh đênh trên biển và bị giao nộp lại cho quan chức nhà tù, còn lần thứ 2 thì biệt tăm biệt tích luôn. Mặc định Bửu Đình sống 28 năm và mất trong lúc vượt ngục lần 2. Chi tiết này làm nghĩ đến nhân vật Lê Văn Đó trong Ngọn cỏ gió đùa của Hồ Biểu Chánh; cũng vượt ngục và người ta mặc định trết do đắm thuyền/đuối nước; nhưng không, vẫn sống và trôi dạt đất khác với danh tính khác, 2 lần đều như vậy, mỗi lần cách nhau cả quãng thời gian đằng đẵng. Một cuộc đời vượt ngục 2 lần như Bửu Đình và có 1 lần trước khi vượt ngục còn làm bài thơ để lại cho cai ngục, không lẽ nào sống 28 năm, tuổi mèo mà dễ thế á


à, Bửu Đình là cháu bốn đời của vua Minh Mạng triều Nguyễn nên tên của ông mới có đệm Phúc [Nguyễn Phúc Bửu Đình]. Khí tiết con người không tầm thường chút nào. Đáng đọc, đọc xem sao  

another turn of the screw




the turn of the screw của Henry James xuất hiện ở Vn với tên Chuyện ma ám ở trang viên Bly; rất ít người đọc nó rồi tự hỏi, câu chuyện í thì liên quan gì đến cái tên The turn of the screw mà Henry James đặt, đây cũng là cái tên có lẽ gây nhiều tò mò nhất mà James sử dụng [cứ làm cú thử search, đại ý: what is the meaning of the turn of the screw by HJ; why is it called the turn of the screw; what does the title "the turn of the screw" mean...]. Từ 1890 sức khoẻ, tài chính của HJ trở nên tệ hơn, lại thêm một số bạn bè, người thân của HJ qua đời, trong một thư 1895, James viết: i see ghosts everywhere. 1898 The turn of the screw ra mắt, bản thân câu chuyện cũng là những hồn ma, bóng ma vờn quanh trang viên Bly; nó không chỉ là sự thấy của hai đứa trẻ, mà còn cả cô gia sư; cái thấy của cô gia sư như một turn of the screw - được HJ chuẩn bị cho người đọc tin, tin vào cô gia sư; và từ góc độ không chuẩn bị, không chịu vào vòng HJ đánh trống lảng, thì cô gia sư đóng vai trò đao phủ, đi siết các vòng screw


vô tình nhắc đến The turn of the screw vì nhân vật nữ chính trong Ngôi nhà cuả Người Hà Lan cũng có cả chồng HJ, trong đó The turn of the screw nằm phía trên cùng của chồng sách. Câu chuyện Ngôi nhà của Người Hà Lan kéo dài 5 thập kỷ xoay quanh những người sống trong ngôi nhà Người Hà Lan; chỉ là một ngôi nhà nguy nga, một điền sản có giá trị nhưng những người từng gắn bó, từng đến đó hay từng từ đó mà đi, đều để lại quanh ngôi nhà một bóng ma, đầy đủ các bóng ma tham vọng, tiếc nuối, đơn côi, những bí mật, những điều cần độ lùi thời gian mới được thổ lộ


tôi bắt đầu sợ những câu chuyện văn học hiện đại xoay quanh một trung tâm, như ở đây là ngôi nhà người Hà Lan, kể về con người và số phận con người từ trung tâm ấy phát tán. Ngoài tính đơn điệu, thì tôi còn gặp trở ngại vô phương, luôn cảm thấy câu chuyện dẫn dắt mình đi vô phương hướng. Nhất là khi thêm yếu tố, tác giả viết nó là nữ, và Mỹ. Câu chuyện có thể dài, có thể nhiều tình tiết, diến tiến nhanh hoặc chậm... câu chuyện có thể không hề chán. Nhưng điều sau cùng là, khi đọc xong nó, tôi không đọng lại gì, không làm tôi xếp được nó vào đâu trong những câu chuyện tôi từng đọc, từng lưu ý, nó không cung cấp suy nghĩ, cũng chẳng làm ưu tư


Một người đàn ông nhờ vận may có tiền mua một điền sản lớn. Rồi người vợ vì mặc cảm mình sống trong một dinh thự xa hoa còn ngoài kia kinh tế khó khăn đói khổ nên bà luôn ghét ngôi nhà, cảm thấy chỉ có phòng bếp là nhà mình và ý nghĩ có người hầu trong nhà là điều báng bổ nên bà ấy bỏ chồng. 2 con còn nhỏ [trong đó có đứa còn ẵm ngửa] đi sang Ấn Độ giúp đỡ người nghèo, 2 đứa trẻ sống với dì ghẻ - người mà bố chúng lấy với mong muốn người vợ mới sẽ yêu ngôi nhà thay cho người vợ bỏ đi đã ghét bỏ nó. Rồi chúng rời đi, cô chị từ bé đã trở thành người mẹ bao bọc quan tâm đứa em trai, đứa bé trai lớn lên chọn học ngành Y vì theo tính toán của người chị, muốn sử dụng tối đa quỹ uỷ thác giáo dục theo di chúc người bố để lại, học Y và mong muốn thành người kinh doanh BĐS như bố... cuối cùng, ngôi nhà nơi chứa những bóng ma bất hạnh lại trở thành chốn tiệc tùng phù phiếm của thế hệ trẻ nối dài dòng họ 


dùng con mắt hiện tại nhìn quá khứ thì ta không nhìn quá khứ như chính ta trong quá khứ nhìn, chính thế, quá khứ cũng phản trắc vì quá khứ thay đổi. Ngay cả những đau đớn và tổn thương; chỉ có ta vẫn ở mê cung đau thương thôi, ta luôn trở lại nó, mê muội tìm về như Hansel và Gretel làm mọi cách đánh dấu để trở về nhà - another turn of the screw "ngôi nhà chết tiệt, nhưng đấy là nơi chúng tôi đoàn tụ: giống như những con én hay cá hồi, chúng tôi là những kẻ bị giam cầm bất lực bởi vấn đề di cư"


có lẽ tôi vẫn phải thử một quyển khác của Ann Patchett, đấy là nếu tiện thì thử. Sách do Hải Đăng làm, bìa sách mô phỏng tranh vẽ nhân vật nữ chính trong truyện - cô chị gái; quyển đầu tiên tôi đọc của Hải Đăng là why we sleep, đây là quyển thứ 2 tôi đọc của đơn vị xuất bản này; tôi hay nhầm Hải Đăng và San Hô :)



15.11.24

đương nhiên




khi đọc Shirley Jackson tôi nghĩ rất nhiều đến Poe của tôi, có thể vì quyển đầu tiên làm quen Jackson là Chuyện ma ám ở dinh thự Hill, thì đấy, chưa cần đọc gì cũng thấy The fall of the house of Usher và The haunting of Hill house. Khi đọc được một ít, tức sờ vào 3 quyển trong ảnh, tôi quy đây là một người chịu ảnh hưởng Poe, dù văn bản của Jackson tối giản hơn Poe nhiều nhưng bầu không khí dị hợm, quái gở của tâm lý con người đặt trong những điều thường nhật nhàm chán đến ngạt của đời sống, thì đúng Poe; hơn cả, ở đấy luôn có sự lưỡng lự nhân cách, lưỡng lự tâm lý giữa các bản dạng

Chuyện ma ám ở dinh thự Hill [với những lập luận khoa học của một nhân vật đại diện cho con người khoa học (rất Poe); rốt cuộc, vẫn bất lực đầu hàng trước những gì xảy ra trong dinh thự] và Ta vẫn luôn sống trong lâu đài, là 2 tiểu thuyết không khí gothic. Tôi thích nghĩ chúng là tiểu thuyết tâm lý mang màu sắc ly kỳ, huyền bí, có thể xem là cú lãnh Poe với lối kể chuyện phân thân - những giọng nói khác xuất hiện không báo trước, những ẩn mờ của người kép, đồng dạng, song trùng "sinh đôi". Những lâu đài, dinh thự sừng sững dường như đã luôn ở phase sụp đổ từ trước trong hình dạng của chính nó; không phải cá thể xung đột với các nhân tố bên ngoài hay xã hội, mà cá thể xung đột với chính nó - một diễn ngôn về người kép song trùng; trên con đường cố tự hoàn thiện khám phá thay đổi mình hay cố dứt mình khỏi chốn u mê, ta vấp phải ta xung đột với chính mình và phần nhiều, sụp đổ tâm lý phá sản các giá trị, ta ở lại mãi mãi đơn côi bất lực 'ta vẫn luôn sống trong lâu đài'

tập truyện ngắn Người tình ác quỷ, gồm 4 phần, mỗi phần chiếm cứ 6-7 truyện, làm nhiều người, nghĩ đến các truyện ngắn của một nhân vật giai đoạn sau, Raymond Carver vì truyện ngắn Mỹ thế kỷ 20 ở vn, người ta quen với Carver rồi. Phần lớn, truyện của Jackson rất ít cốt truyện hoặc cốt truyện không rõ ràng, ngay cả khi được hiểu là có chiều hướng kỳ bí thì cũng không nhiều tình tiết giật gân, kết thúc thường không có hậu mà bỏ lửng. Tức, nó khước từ các mẫu truyền thống, chuyện mà không truyện, điều này đặc biệt rõ ở mảng truyện ngắn. Người tình ác quỷ được dịch từ tập The lottery and other stories; lý do đơn vị xuất bản lựa chọn tên Người tình ác quỷ có thể vì nhân vật James Harris của truyện ngắn này đã hiện diện ở phần lớn các truyện ngắn khác trong tập, mỗi truyện mang một nhân dạng khác nhau - rất nhiều James Harris, James nào cũng là James và không James nào giống với James nào, đừng cố chập những mẫu người của con người vào nhau; còn truyện Xổ số thì là một truyện quá "đương nhiên" gắn với tên tuổi Shirley Jackson - một truyện ngắn ấn tượng đến ám ảnh về quyền lực của đám đông cộng đồng [cũng là một chủ đề của Ta vẫn luôn sống trong lâu đài] và một câu hỏi tiếp tục hiện ra, nó từng lặp trong các truyện của Poe: tại sao, tại sao mà có thể xảy đến với bất kỳ ai, một mong muốn giết một ai đó không vì lý do gì hoặc một lý do phi lý. Truyện ngắn Xổ số là một cú dừng hình sững sờ, người đọc bị một rào cản cô lập từ đầu truyện, rằng cuộc xổ số, bốc thăm này sẽ chọn ra người may mắn, một tư duy hết sức "đương nhiên" hẳn người chung cuộc phải là kẻ may mắn, bất chấp chi tiết mở màn không hề khớp với những gì mang may mắn, để rồi đến tận dòng cuối cùng của một văn bản đúng nghĩa truyện ngắn, người ta hiểu ra cuộc xổ số rốt cuộc chọn ra người hiến tế - một hình ảnh cổ xưa và kinh điển: đám đông ném đá. Ở đây, cách khai thác truyện của Jackson rất Poe, khai thác triệt để khía cạnh kì dị của tâm lý trong những tình huống đời thường, ngoài việc nó luôn khiến người đọc được phép tiên tri, nhận cảnh báo về một kết cục, thì người ta còn phải chịu thách thức lòng kiên trì trước những tiên tri đa nghĩa của màn diễn ngôn do họ bày ra, ít nhất thì Jackson đã tối giản văn bản hơn Poe. Ngoài Xổ số, và James Harris xuất hiện với tần suất sửng sốt, có một truyện viết ngắn, tối giản tôi thích là Phân xử qua giao đấu; cách Jackson nhìn nhận về đời sống con người nói chung và phụ nữ nói riêng, không lạ, nhưng chọn điểm nhìn và phơi ra trong hình hài truyện ngắn này thật ấn tượng; truyện ngắn này có chi tiết tất cả các phòng trong tòa nhà đều có chung chìa khóa, những chìa khóa giống hệt nhau và người chủ căn phòng bị xâm nhập là một phụ nữ trẻ cũng có ngày đi làm kẻ xâm nhập căn phòng của người đi xâm nhập căn phòng của mình - một bà già; và khi cô ta bị bắt gặp đang xâm nhập căn phòng của bà già, cô phân trần hành động xâm nhập của mình như để lấp liếm chữa ngượng, nhưng người phụ nữ già gần như điềm nhiên, trong một thái độ thấu hiểu, một thông điệp không lời, rằng: tôi và cô, những con người đồng dạng, sống trong tòa nhà có chung những chìa khóa hệt nhau, những cánh cửa những căn phòng [những cánh cửa như những câu hỏi - Rilke] và rồi chúng ta sẽ như nhau trước và vì cuộc đời nhạt nhẽo thường nhật thôi; cuộc phân xử đúng nghĩa qua giao đấu

lời giới thiệu đầu tập Người tình ác quỷ của Lê Huy Bắc, có một đoạn LHB dẫn truyện Kẻ ăn thịt đồng loại trên chuyến tàu của Mark Twain khi đặt trong đối sánh với Xổ số của Shirley Jackson [cả 2 đều 'một người phụng sự cộng đồng' gắp thăm xem ai phải hiến tế sinh mạng], nhưng đại khái có cấu trúc ngược. Tôi có thể xem là gần như không đọc Mark Twain, nhưng nhờ bài giới thiệu này, tôi biết Mark Twain có một truyện như thế. Và cái tình thế của ăn thịt đồng loại để sống sót trong tình cảnh mắc kẹt, với tôi "phụng sự" ở đây là một truyện, có thể xem là tiểu thuyết của Poe: The narrative of Arthur Gordon Pym of Nantucket

14.11.24

lịch sử nôn ra




Hội chứng E có một mở màn thu hút với bất kỳ ai có thú vui sưu tầm nói chung, ở đây là sưu tầm phim cũ [ý tôi nói là các cuộn phim, mà ta hay nói phim 16mm 35mm etc. và cách thức làm phim, quay phim những năm 50 của thế kỷ trước]; một chi tiết có thể liên hệ ngay đến thế giới những con người sưu tầm sách cũ [khi nằm xuống, con cháu đăng tin quảng cáo cần sang nhượng bộ sưu tập; người đến mua thoải mái chọn lựa với giá hời; tâm lý mua những gì đã rõ và đặc biệt thú vị khi mua cả những gì không rõ, kinh nghiệm cho thấy chính những gì không rõ lại luôn mang lại bất ngờ - một món rất hời etc. mỗi chuyến đi là một đặc ân vì ta không biết hôm nay ta sẽ gặp món gì, nỗi kích thích khôn tả]. Phim không chỉ là một bề mặt nhạy cảm để in ảnh; nó còn, chính xác là xứ sở ghi khắc nơi nghệ thuật quá cảnh

nhân vật mở màn Hội chứng E đã đi mua các cuộn phim cũ và đúng tâm lý nhà sưu tầm, anh ta chọn chốt hạ ngay một cuộn phim không nhãn mác không tên cho cú liếc mắt chọn lựa cuối cùng. Chính cuộn phim ấy đã khiến anh ta mù tức thì trong khi đang xem, chứng mù do vỏ não, mù do loạn trí [không chỉ mù, các giác quan khác của con người cũng sẽ tức thì tắt chức năng khi gặp kích thích tố gây tâm thần; vấn đề nằm ở thần kinh; tôi từng biết một người sau thời gian dài lục đục gia đình, bỗng một trận cãi vã bùng nổ và ngay sau đó bị điếc đột ngột, thế giới vô thanh, tịnh không một âm thanh nào trong 3 tháng nằm viện rồi mới lao xao dần trở lại trong gần 7 tháng. Hay là không còn cảm thấy gì khi ăn do căng thẳng kéo dài (hay bắt gặp ở các câu chuyện của Hàn, Nhật). Thời covid, biểu hiện xâm nhập thần kinh của những người nhiễm virus chính là mất khứu giác, vị giác, giấc ngủ không đến etc.]

một mở màn quá cuốn hút, cuộn phim có gì mà người xem nó có thể dính mù do loạn trí, loạn thần kinh; người làm ra nó, đạo diễn, nhà quay phim, những diễn viên, họ như thế nào khi tạo ra sản phẩm điện ảnh này và Hội chứng E giữ thu hút già nửa dung lượng [nửa sau rơi vào kịch bản như các phim bom tấn với các nghiên cứu khoa học điên rồ thực chứng trên người, các thế lực cấp cao, dự án bí mật]. Độc giả trinh thám thích những kịch bản truyện khai thác đề tài mới lạ, và E đáp ứng chính yếu tố này [những trang cuối đậm chất bom tấn chờ phần tiếp theo], dù ngay từ đầu tôi luôn nghĩ đến một tác giả khác của trinh thám Pháp, có lẽ cùng thế hệ với Franck Thilliez, tôi nhớ mang máng tiểu sử nhưng chưa check: Maxime Chattam. Nhất là khi Hội chứng E tập trung một phần vào làm phim, phim khiêu dâm, bạo lực [rồi đất nước Ai Cập]; nó làm tôi nghĩ đến một suy nghĩ tôi vẫn nhớ như in khi đọc Lời hứa của bóng đêm [hay những vết tích trên xác người trong Máu thời gian], về ngành công nghiệp sản xuất phim khiêu dâm, tôi nghĩ, nghĩ đến bộ phim Irreversible với cảnh bạo lực đầu phim nhân vật nữ bị cưỡng hiếp, tôi từng hỏi nam giới về cảm giác khi xem chúng, họ thừa nhận một cách thẳng thắn rằng trường đoạn quay liền mạch ấy khiến bụng dưới nóng lên, một khoái cảm như vốn dĩ, vì đó là Monica Bellucci, vì nó là những cảnh quay thị dâm điển hình. Điện ảnh dùng con mắt nhìn cái ác, bạo lực trong vẻ đẹp của nó, nơi giam cầm sự chú ý của người xem, qua nó thấy bản chất mối quan hệ giữa con người với bạo lực và nghệ thuật; đồng nghĩa, mắt là nơi bắt đầu của điện ảnh

chính ở diện mạo nào, Hội chứng E thu hút tôi. Mắt là cơ quan, để nhìn - một biểu tượng, nhưng nó chỉ là công cụ, một giếng trời, võng mạc chỉ cho mượn thân thể nó, để vật chất hóa một hình ảnh vật lý giống như bất kỳ màn hình điện ảnh nào; một vật thể thụ động, một thấu kính "miếng bọt biển tầm thường tiếp nhận hình ảnh"; chính não bộ, dựa trên vốn hiểu biết, trải nghiệm đã kinh qua mới là nơi luận giải, diễn giải môi trường mà nó tiếp nhận, biến hình ảnh trở về đúng bản chất của nó: một khách thể có ý nghĩa [như bạn nhìn bìa sách tới đây của Leopardi, mắt bạn nhìn không phải chữ Nghĩ, nhưng bộ não bạn diễn giải tín hiệu mắt mang về là Nghĩ, nó thấy]. Ngắn gọn, mắt là phương tiện phi thường mang ánh sáng cho bộ não, là đường hầm giúp não bộ nhận thức về thế giới vật chất; một thực thể vật lý có thể giải phẫu theo y học và một nghệ sĩ với tư cách truyền tải hình ảnh

khai thác tác động của hình ảnh lên con người, tương lai thế nào. Mắt. Ánh sáng. Hình ảnh. Não bộ. Lây nhiễm thần kinh. Anh làm việc mệt mỏi, cuộc sống trở nên gò bó nặng nề. Anh thu mình lại sau các màn hình và nghĩ mình đang giải trí. Anh mở rộng bộ não mình cho các hình ảnh với ý nghĩ mình được xoa dịu. Đó chính là lúc anh trở thành mục tiêu hoàn hảo để người ta bơm thẳng những điều người ta muốn vào đầu anh. Một thế giới bị ngự trị bởi hình ảnh và sự kiểm soát với vô thức, không đếm xỉa gì đến lý tính; những hình ảnh được cung cấp nhằm nhắm đến phản ứng của đám đông: sự thụ động trước hình ảnh, mối quan hệ giữa người xem với hành động và câu chuyện, các xu hướng thị dâm, sự khoan dung hay cộng dồn của họ trước các ý niệm [về cái ác, bạo lực, dục vọng...] chính ở các trạm giao thoa đó, là nơi "điểm mù" ứng với góc độ sinh lý - một phần nhỏ không có tế bào cảm quang trên võng mạc; ta nhìn mà không thấy; lạc đường. Thế giới tồn tại các công cụ tinh xảo tác động đến bộ não; hình ảnh qua mắt đi thẳng vào não [âm thanh hay thứ gì đó đi qua các giác quan khác] làm biến đổi hành vi con người, giải phóng bản năng, sự hung bạo mạn rợ nguyên thủy; một sự xâm phạm ý thức trắng trợn. Hàng triệu con người, quây quần trước máy vi tính, màn hình tivi, hay dán mắt vào điện thoại di động etc. đây là cách thức hiện đại và nguy hiểm của hội chứng điên loạn tập thể: một bầy người khổng lồ bị thế giới hình ảnh kết nối vào tâm trí, như nhiễm virus. Chứng điên loạn hiện đại mà không một ai có thể thoát khỏi. Điên loạn tập thể gây tội ác

lây nhiễm lan truyền bạo lực qua đường thần kinh [các giác quan] bắt đầu từ một nhân tố kích hoạt. Hội chứng E chính là như thế. Những hình ảnh, những âm thanh kích thích mạnh tác động và làm biến đổi cấu trúc não bộ [kích thích sâu bộ não cá thể sống bằng các xung điện có công tắc tắt/bật; tác động diễn ra tức thì như dừng sững một hình ảnh bằng máy quay] của một cá thể nhất định, cá thể đó bắt đầu hành động và kéo theo sự thay đổi hành vi của một loạt các cá thể xung quanh. Nếu hội chứng E thực sự tồn tai [khả năng nhiều] thì tự do, dấu bộ não vết thời gian, tất tật cuộc sống sẽ bị chi phối bởi thuần túy hóa học, điện hay các kích thích tố dưới dạng điện cực, công tắc, thuần túy khoa học
khi ấy, Chúa ở đâu, sự hiện hữu của Chúa, những cảm xúc, linh hồn...


11.11.24

khuôn mẫu

 





năm nay đọc 2 tiểu thuyết của tác giả Mỹ hiện đại viết dựa trên những sự kiện, tài/tư liệu lịch sử. Những người nuôi giữ bồ câu, thế kỷ 1 và Người thày thuốc, thế kỷ 11. Mình thích Những người nuôi giữ bồ câu hơn dẫu cách kể chuyện cố tình lựa chọn từ nhiều điểm nhìn khác nhau nhưng đã không đem lại được cao trào [mình còn giận vì thấy tác giả lười đào sâu mở rộng sự kiện lịch sử], nhưng ít nhất điều ấy cũng rút bớt sự nhàm chán của một quyển sách dày đến ngạc nhiên. Người thày thuốc ở khổ cơ bản này là gần 1000 trang, khổ to tái bản chắc phải khoảng 600-650 trang; chỉ có một giọng kể trung tính; câu chuyện đoạn đầu làm người đọc nghĩ đến những đứa trẻ và tầng lớp của Dickens; đoạn giữa là hành trình lưu lạc từ Âu sang Á khiến người đọc nghĩ đến những câu chuyện thuộc dòng tiểu thuyết picaresque [đoạn giữa đầu làm tôi nghĩ đến Gil Blas, chỉ một chút thôi vì tính phiêu lưu học việc chữa bệnh từ bác thợ cạo, rồi biểu diễn để kiếm sống (nghe Không gia đình nhỉ), một chút vì phần nhiều còn lại khác ở thái độ kể chuyện, thấy ngay là không cùng màu; Noah Gordon quá nghiêm cẩn]; kết truyện không có gì mới. Người thày thuốc cung cấp một câu chuyện theo thời gian một chiều, người ta từ đó được trưởng thành từ một đứa trẻ số phận xô đẩy phải lưu lạc sớm, đi theo mong muốn nguyện vọng và đến được lý tưởng của mình, tất nhiên, không có bình yên nào mà không phải đánh đổi [có từ chỉ riêng cho mẫu tiểu thuyết trưởng thành kiểu này]

mà với một câu chuyện khuôn mẫu chuẩn như thế, chuẩn cả về mẫu người, thì lại không phải khẩu vị yêu thích của tôi. Đấy là cái giá phải trả khi đã quen với nhiều mẫu. Nó quá quen rồi thì phải có những yếu tố để khác đi, nếu tất tật quen hết thì còn gì cho tôi thích đây. Chính ở khía cạnh này, các câu chuyện trinh thám lên hương :)

đất thiên đường

 



không nhớ là quyển thứ mấy đọc của Michel Bussi, nhưng là quyển đầu tiên bút trinh thám của Bussi hướng đến chủ đề xã hội hơn là yếu tố điều tra phá án: câu chuyện nhập cư 


chỉ ngay vài trang đầu đã biết câu chuyện hướng đến chủ đề nào, cũng không phải chủ đề mới, chỉ là quyển đầu tiên Bussi đã hướng đến chủ đề xã hội rõ rệt hơn hẳn chiến lược văn bản trinh thám thôi, nó làm mình nhớ rất nhiều đến một quyển picture book Ngàn dặm sỏi đá [một quyển picture book đã khiến mình phải nhấn theo dõi ngay tác giả của loạt trình diễn tranh bằng sỏi/đá] mà mình từng lấy tên văn bản Eldorado [đây là bài thơ của Poe]; nên câu chuyện với mình không có plot twist gì bất ngờ như những quyển trước đấy từng đọc của Bussi


với vấn đề di cư, nhập cư, tị nạn... có một nghịch lý trắng phớ, tị nạn chính trị bao giờ cũng dễ dàng hơn tị nạn vì đói nghèo, người ta luôn nghĩ đất nước chúng tôi đủ người nghèo rồi, luôn cần giàu có hơn nữa. Đất nước được gọi là bờ sẽ dễ tiếp nhận hơn những công dân của một đất nước bất ổn chính trị, nội chiến sắc tộc, tranh chấp bất ổn giữa các phe phái...; khó khăn hơn nếu đấy là những công dân đói nghèo đến từ một vùng đất đói nghèo ["chúng tôi đủ người nghèo rồi"; chi tiết rất nhỏ về các màu dây đeo trên tay những người lên tàu bắt đầu hành trình di cư, những sợi dây ứng với giá tiền họ bỏ ra, là bằng chứng phân tầng con người, thứ hạng... ngay cả với hành trình nhập cư trái phép, ngay khi còn ở trên lãnh thổ mà họ muốn bỏ lại sau lưng; chính là cũng đang chạy khỏi đói nghèo, chất lượng cuộc sống thấp]


không một cuộc di cư - nhập cư nào không để lại vết hằn trong lịch sử, không chỉ của mỗi quốc gia; vì thiên đường ở đây, là vùng đất kẹt giữa địa ngục, luôn thế