Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

11.10.23

Giáo dục châu Âu bao người chờ đợi


Éducation européenne, Giáo dục châu Âu - một case rất hay ở chính việc viết của Romain Gary ở các thời điểm, các bản in, các ngôn ngữ [R. G viết đi viết lại, thậm chí viết mới]; và ở việc dịch thuật. Tôi vẫn luôn tiếc là tôi không học tiếng Pháp, tiếng Đức, nhưng khi tiến hành so sánh văn bản Éducation européenne thông qua 2 bản tiếng Việt, thì rối thật vì ngoài chuyện 2 bản đều dịch từ bản tiếng Pháp ở các năm khác nhau các ấn bản khác nhau của nxb khác nhau, nó còn là vấn đề dịch thuật kiểm duyệt, phong cách văn bản những năm bao cấp etc. thì tôi có cảm giác bất lực của việc chỉ biết tiếng Việt và tiếng Anh [thôi kiếp sau tôi sẽ nhớ vào đầu nếu làm người thì học càng nhiều ngôn ngữ càng hạnh phúc với tạng của mình]


dưới đây là những khác biệt, không có giữa bản cũ Bao người chờ đợi (BNCĐ) [tức Giáo dục châu Âu] nxb Thuận Hoá 1988 do Đỗ Tử Trình dịch từ bản tiếng Pháp Penguin, London 1946 và bản mới Giáo dục châu Âu (GDCA) của XBK 2023, Cao Việt Dũng dịch từ bản tiếng Pháp Gallimard, Paris 1956 [edit phát, dịch giả bảo không phải 56 đâu, 56 là Rễ trời, Éducation européenne 1961; cụ thể đọc bài viết cuối cùng trong GDCA, XBK do dịch giả viết; hoặc vào XBK đọc Lịch sử văn bản GDCA ] 


ban đầu tôi tưởng căn cốt nhất là BNCĐ thiếu chap 3 so với GDCA, chap này nói đến cái bẫy của SS đánh vào danh dự của những người đàn ông Ba Lan "lãng mạn" và chính thế dẫn đến cái chết của đốc tờ Twardowski - bố của Janek. Vì không có chap này nên tất cả các đoạn sau liên quan đến bác sĩ Twardowski hay nhắc đến bố của Janek ở BNCĐ đều bị cắt đi ít nhiều hoặc thoại sẽ thay đổi nhiều về ý nghĩ trò chuyện. Ngoài ra một số đoạn có thể do nhạy cảm chính trị, không biết Romain Gary thay đổi hay bối cảnh dịch thuật lúc đó nên bỏ qua, vì thấy dịch giả để ba chấm (...), một số câu văn tả khu rừng và Janek suy tư khi trong rừng với cây sồi già [đặc biệt hay] thì bản BNCĐ cũng cắt đi chắc cho gọn :))


nhưng khi đến chap 14 GDCA ứng với 13 BNCĐ thì sẽ còn thay đổi nhiều. Tôi sẽ chụp ảnh thay vì type cụ thể [mọc răng giật thần kinh mệt mề lắm type không nổi :)))]. Đoạn dưới đây từ đầu cho đến hết chap 13 GDCA [tức 12 BNCĐ] tôi làm 2 tuần trước, rồi đứt đoạn đi chơi, cụ thể ở bên dưới, các chap không nhắc đến là 2 bản dịch nội dung như nhau: 


- Chap 3 của GDCA từ tr16 đến hết 22 thì BNCĐ không có chương này, chương cái chết của đốc tờ Twardowski - bố của Janek. Như vậy là BNCĐ không có chương về tình hình của mẹ và bố Janek


- Chap 7 của GDCA là chap 6 của BNCĐ, phần giới thiệu về nhóm 7 người du kích, BNCĐ thiếu đoạn về 2 sinh viên luật - những người duy trì tiếp xúc qua radio với đài chỉ huy của quân đội "quân xanh", đoạn này có nhắc đến Nadejda - theo như 2 sinh viên này gọi, thì đó là "bí danh tổng tư lệnh của chúng ta" không ai biết ông là ai và cậu bé Janek giữa đêm thường im lìm nghĩ đến du kích Nadejda và tưởng tượng ra ông, sự hiện diện trong tưởng tượng đó như một ý nghĩ trấn an, thậm chí trong khi đang mơ thì một ý dần trở nên chắc chắn, Janek coi sự đột nhiên của ý nghĩ như một hiển nhiên rằng: Du Kích Nadejda chẳng thể là ai khác ngoài bố nó "Niềm hy vọng ấy, mà không bao giờ nó nói với những người khác, suốt một thời gian dài ở yên trong nó. Nó chắc chắn là mình đúng, và những khi sự nghi ngờ lướt sượt qua nó, nó biết rằng đấy là chỉ vì nó bị lạnh, vì nó đói, hay vì nó mệt. Nó đã biết rằng sự thật là một cái gì được nhận ra trong những đà bật ấm nóng của trái tim chứ hiếm khi trong sự lạnh lùng của lý trí" [tr37 đến 39 ở GDCA và tr26 ở BNCĐ]


- chap 12 GDCA là 11 BNCĐ, ở BNCĐ thiếu đoạn Janek tỉnh dậy sau đêm dẫn Zoska về hầm trú ẩn, Janek đi vơ vất trong rừng và giữa những cây, Janek tìm thấy sự trấn an, với lòng biết ơn thì đúng hơn, thậm chí cậu bé còn kết bạn với một cây sồi già và trong khoảnh khắc của sự ngây thơ, nó chờ đợi cây sồi già nói với nó bằng giọng con người [đây là một đoạn rất hay, những đoạn về khu rừng trong GDCA rất hay] và chính lúc này "nó cảm thấy rất rõ là bố nó đã chết"; nó hiểu thông qua sự bối rối lộ rõ, sự tránh né chủ đề này ở những người du kích và nó cũng không đặt câu hỏi cho họ nữa; nó nghĩ đến những gì bố nó nói với nó trong lần gặp nhau cuối "chẳng gì quan trọng chết đi" - câu nói lúc nào cũng quay trở lại trong tâm trí nó và nó thấy lại câu này đến cả trong tiếng thì thầm vĩnh cửu của khu rừng; "đấy là một câu lạ thường, trong khi biết bao người bị giết mỗi ngày". Sau đoạn này, Janek đi đến chỗ đổ nát của một cối xay gió cũ, đoạn miêu tả nơi này BNCĐ cũng thiếu, chừng 3 câu; sau đó tiếp tục, bập vào đoạn một giọng đọc thơ cất lên đằng sau bụi cây, chính là đoạn thơ có câu mà dịch giả Đỗ Tử Trình đã dùng cụm "bao người chờ đợi": "Trong gian phòng xưa tôi chờ đợi/Bao người đã chờ đợi như vậy/Chờ tờ truyền đơn cuối cùng in xong/Chờ quả lựu đạn cuối cùng được cắm chốt và ném đi..." [ở đây dịch giả ĐTT có lẽ đã nhầm ở câu câu cuối khổ thơ: trước khi ném lựu đạn thì người ta phải rút chốt chứ không phải "cắm chốt", nếu cắm vào và ném, lựu đạn không bung chốt ra thì không nổ] [tr59-60 ở GDCA và là tr42 của BNCĐ]

ngay sau đoạn này thì có sự khác biệt văn bản và BNCĐ ở tr42 thiếu các đoạn về nhóm của Czerw phê phán các sinh viên "lãng mạn", đoạn này ở GDCA từ tr61 đến tr64, chính đoạn này nhắc đến bẫy của SS "một hòn đá giết hai con chim", những người đàn ông Ba Lan trọng danh dự hơn thảy và SS đã bắt những người phụ nữ nhốt vào villa của các bá tước Pulacki: thoả mãn nhu cầu thể chất của bọn lính, và, cùng lúc, buộc các du kích chui từ trong rừng ra tìm cách cứu những phụ nữ của họ. Bố của Janek đã chết một cái chết danh dự và "lãng mạn" theo cách nói của nhóm Czerw


cũng trong chương này, ở GDCA là tr64 còn BNCĐ là tr43, đoạn hội thoại của Adam và Janek, BNCĐ có thêm Adam hỏi Janek học đến đâu rồi, còn nhớ những cái học không etc. và bảo Janek căng tai ra nghe thơ hiện đại mới ra lò, còn ở GDCA Adam đầy thân thiện hỏi Janek nghĩ gì về bài thơ của mình "một dịp tuyệt hiếm để biết ý kiến của một người không có sẵn ý kiến" etc. ngay sau bài thơ của Adam thì đoạn hội thoại ở GDCA và BNCĐ có nhiều khác biệt, đến đây 2 người mới giới thiệu tên họ đầy đủ của mình và ở BNCĐ Adam không biết đốc tờ bố của Janek hiện giờ ra sao, còn ở GDCA thì sau khi biết họ của Janek thì Adam biết đốc tờ đã thế nào [chết và chết như thế nào] nên anh khựng lại, đánh mất vẻ vui tươi của trò chuyện, anh do dự, gần như chực nói sự việc với Janek nhưng đã kịp phanh lại đổi chủ đề, 2 người nói với nhau về việc liệu Mỹ có sớm làm mặt trận thứ hai ở châu Âu, Janek không tin điều đó dẫu ông đốc tờ từng nói với con về điều này và ông tin họ sẽ sớm đến [ở cả 2 bản, tin tức Stalingrad vẫn đứng vững là giống nhau] [ở GDCA là tr65-66, ở BNCĐ là tr44-45]


 - chap 13 ở GDCA tr67, là 12 ở BNCĐ tr45, BNCĐ thiếu độ 4 câu: Janek đang nghĩ liệu có thể lấy Zosia làm vợ, nó quá nhỏ cho mọi sự, ngoại trừ cho cái đói, cái lạnh và cho những phát đạn [ở bản BNCĐ, để ba chấm (...) có thể dịch giả lược dịch]; tiếp theo 2 câu thoại bản BNCĐ không có, đoạn này ở BNCĐ là tr46, GDCA là tr68, tiếp tục BNCĐ thiếu hẳn 3 đoạn dài giới thiệu về nhóm của Adam khoảng 20 du kích; tiếp theo có sự khác và đảo trật tự thoại của các nhân vật ở cả 2 bản dịch và ở bản GDCA có 1 câu thoại của Adam nói với nhóm mình rằng Janek là con của đốc tờ Twardowski - nhìn chung cứ chi tiết nào nhắc đến bác sĩ Twardowski - bố của Janek thì ở bản BNCĐ sẽ không thấy xuất hiện. Ngay sau đó ở tr47 BNCĐ sẽ có 2-3 câu thoại nhắc đến khoai tây [Janek có khoảng 10 bao tải, mỗi bao 50kg khoai tây cơ mà] còn ở GDCA không có, tiếp theo tr69-70 GDCA thì BNCĐ không có, đoạn này bắt đầu bằng một nữ du kích duy nhất của nhóm Adam cho đĩa Polonaise của Chopin lên máy hát rồi một du kích khác nhấc đàn accordeon... rồi hoà vào Chuyện kể giản dị về các ngọn đồi, mà cả 2 bản cùng có; nhưng khi Adam Dobranski kết thúc câu chuyện thì ở bản BNCĐ, Pech [Pếtsơ] chỉ nói tôi phản đối rồi đi tời khoai tây trong đống tro [tr54], ở bản GDCA một ai đó trong nhóm du kích đã nói với giọng cay đắng cùng giận dữ, thẹn thùng của sự mỉa mai: "Con người kể cho nhau nghe những câu chuyện xinh đẹp, và rồi họ giết nhau vì chúng - họ tưởng tượng ra rằng bằng cách cách đó huyền thoại sẽ được biến thành thực tại. Tự do, phẩm giá, tình anh em... vinh dự được là một con người. Cả chúng ta nữa, trong khu rừng này, chúng ta để cho mình bị giết vì một câu chuyện vú em hay kể" và ngay sau đó là câu thoại cả 2 bản dịch đều có, của một du kích nói với đầy tin tưởng: "Bọn trẻ con châu Âu rồi một ngày sẽ học thuộc lòng câu chuyện này tại các trường" [tr77 GDCA, tr54 BNCĐ]


sang chap 14 GDCA tức 13 BNCĐ sẽ bắt đầu khác nhiều, ở GDCA bằng quyển sách Giáo dục châu Âu do du kích Adam Dobranski viết, còn ở BNCĐ tên quyển sách là Ngoại ô Stalingrát 🙂... Xin hẹn post sau, giờ đau đầu phải ngất và đợi chiến hữu lục bản bìa khác của BNCĐ nữa 



Không có nhận xét nào: