Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT
28.7.20
phụ
không ai sinh ra đã là phụ nữ; mà họ trở thành một người phụ nữ [*]; bổn phận thiêng liêng ngang bằng với bổn phận người vợ, người mẹ, thậm chí mang ý nghĩa cốt tử đối với người phụ nữ trước khi có các bổn phận khác, đó là bổn phận với chính họ, được là một con người hay cố gắng trở thành một con người như chính họ vốn là với đầy đủ các giá trị của họ, được là chính họ - giới phụ
và khi ấy, thế giới nên là thế giới mà người phụ nữ được là chính mình - giới phụ; thay vì là thế giới đang là hay có thể là
vở kịch ba màn đề tài hôn nhân Căn Nhà Búp Bê của Henrick Johan Ibsen được viết dựa trên câu chuyện có thật người bạn Laura của tác giả; màn kết khác hẳn câu chuyện có thật, cũng không là cái kết chung mà phần lớn cuộc sống thực tế người ta sẽ hành động. Vở kịch ra đời vào cuối thế kỷ 19 ở Nauy hẳn đã gây tranh luận không ít
"Ba em gọi em là con búp bê của ba, chơi đùa với em như em chơi đùa với con búp bê của em vậy... nhưng ngôi nhà này chỉ là một phòng búp bê trong Căn Nhà Búp Bê... em chỉ là cô vợ búp bê của anh, giống như ở nhà em, em là đứa con búp bê của ba... và các con, chúng lại là những búp bê của em. Em nghĩ anh hài lòng khi coi em như đồ chơi, cũng giống các con khiến em mãn nguyện khi em dùng chúng làm búp bê"
[Lời nhân vật nữ chính Nora trong Căn Nhà Búp Bê, như sách nói thì khoảng 1936 ở Thượng Hải, vợ của Mao Trạch Đông, Giang Thanh vào vai Nora]
dịch giả Bạch Liên Trương Kim Anh là con gái của nhà báo, dịch giả Trương Bảo Sơn và nhà văn Nguyễn Thị Vinh. Sách tôi được tài trợ đọc từ năm ngoái 😛, em cảm ơn ạ 🙏🏻 ❤️
đọc giới thiệu cuối sách mới biết rằng Shusaku Endo được dịch từ 1966 truyện dài Sao Chúa mãi im [Shusaku Endo tôi mới đọc mỗi Người đàn bà mà tôi ruồng bỏ, đọc khoảng 12 - 13 năm trước, Bên dòng sông Hằng của NN chưa mua :)))]; Bên giòng sông Hằng nxb Anh em cũng có bản dịch năm 2000
[*] Simone de Beauvoir
ps. tôi đọc vở kịch trong lúc chờ sách trước khi vào một tác giả có vẻ hơi dài tí, vô tình cũng là ngày tôi nói với một cô gái rằng em sống như mọi người bảo em sống, như công thức và em làm theo cái mà xã hội ai ai cũng nhắm mắt theo nhau làm, để rồi giờ khi em hơn 30 tuổi em nói mình không có gì hết, thứ duy nhất em chuẩn bị là tiền và em không thấy vui em không thiết sống không biết sao mình sống mình sống làm gì etc.
sao em sống như vậy được 😞 tình yêu không dành cho những ai nhờ nhờ tẫm tỡ zậm zợ quay bên này hát quay bên kia cười hay đứng ngã ba đường đầu quay như ăng ten bắt loạn sóng, ngay cả khi tình iêu là nhu cầu căn cốt của mỗi sinh vật sống. Đến được trái tim thì phải xuất phát từ trái tim, không yêu mình, thì không đủ khả năng yêu ai hay năng lực để ai đó yêu em. Tôi không cứu được ai cả, em phải tự cứu mình để không còn cần cầu cứu tôi nữa, không ai cứu được ai đâu.
[tôi đã đọc tin em nhắn, không giận em, giận mình vì không yêu mình để bầm gan không đáng có thôi:)]
26.7.20
khởi thuỷ là hành động
khởi thuỷ là hành động
[lười sửa, dán nguyên ghi chú vào đây]
- Schiller là luân lý [Spinoza có quyển Luân lý học à, nhưng không là luân lý của Schiller]; Goethe là duy vật, năng lực nhận thức, khởi thuỷ là hành động - ngòi bút viết xong thì Lời đã chết rồi [85 91 104 105], thế giới quan của Goethe là thế giới quan duy vật, song hạn chế chính bởi khi nhìn nhận xã hội thì Goethe lại bắt đầu thúc đẩy bằng con đường nghệ thuật, không qua đấu tranh giai cấp; chỗ này dừng lại, có thực là hạn chế của Goethe không hay chưa đúng lúc; quay trở lại lịch sử [treo đây đã]
- Goethe nhìn cá thể ra quần thể tổng thể, cái cụ thể ra khái quát, cả Goethe và Balzac đều đọc Walter Scott
- từ lúc còn là cậu bé, Goethe đã viết các đối thoại của mình với bạn dưới dạng kịch; đã có thiên hướng chìm vào các câu chuyện cổ dân gian truyền miệng; các chi tiết tiểu sử đưa vào Werther [người bạn tự sát và mối tình của chính ông], 15-16t viết bài thơ tặng cô gái Gretchen [một phụ nữ đặc biệt phụ nữ] và các chi tiết mối tình đầu được đưa vào phần 1 bi kịch Faust [từ chi tiết nhỏ nhất phải lòng nàng và lén theo nàng vào nhà thờ, trong Faust là Faust nhìn thấy Gretchen đi vào nhà thờ và đòi Mephisto phải tiến hành sắp xếp để gần người đẹp, quỷ sứ phải thốt lên rằng vì ta vốn là quỷ rồi, nếu không thì trò ái tình cũng sẽ biến ta thành quỷ mất thôi :)]; bản thân Goethe trong giai đoạn 1795 - đầu thế kỷ 19 [sau khi Schiller qua đời] cũng gặp khủng hoảng, hiện thân của học giả Faust trong cảnh đầu Faust bị giằng giữa hy vọng và hoài nghi: Goethe mang nỗi ưu phiền của thi sĩ luôn có cảm giác mình chưa đạt tới tầm cao mà khả năng trí tuệ của mình cho phép, ngòi bút bất lực, cuộc khủng hoảng của Goethe phản ánh cuộc khủng hoảng của dân tộc [cuộc chiến xâm chiếm Đức của Napoleon]; tới tận 1809 thì cuộc khủng hoảng mới có dấu hiệu chấm dứt khi Goethe nhận thức được tính hai mặt của cuộc xâm chiếm, của cntb, tiền đề Faust ra đời dù ý định viết Faust đã được Goethe phác thảo từ 1762-1770 tới đầu thế kỷ 19 Schiller khuyến khích thì Goethe mới hoàn thiện phần 1
- học thuyết về màu sắc của Goethe sau gần 2 thập niên thực nghiệm và suy tưởng: màu sắc là hành động của ánh sáng, màu sắc và ánh sáng đứng trong nhau [Goethe lúc này khủng hoảng sâu sắc nhất; Schiller mất 1805 lúc này Goethe đau thận nặng, 2 người đã không còn chung tư tưởng, Goethe nhận thấy con đường hai người vạch ra là ảo tưởng còn Schiller vẫn kiên trì đấu tranh; bản thân Goethe là chính bi kịch Faust bất lực, vẫn đấu tranh giải phóng con người nhưng buộc phải chấp nhận những gì mình làm không có tác động tới xã hội thời điểm cuối thế kỷ 18 đầu 19 - nền tảng hoàn thiện Faust [sự hạn chế khách quan và chủ quan của Goethe]
- sức khoẻ chuyển biến xấu, đau đầu vùng mặt đan độc, đau thận... liên quan đến nghiên cứu lý thuyết về màu? [tìm hiểu, đi từ Newton 7 màu, Goethe 6, bước chuyển indigo (tuyến tùng, mặt, vùng giao thoa thị giác... màu sắc là hành động của ánh sáng, hành động và nỗi đau)]
- 1814 tuyển tập thơ Đông Tây, Goethe bước chân sang miền đất mới thơ ca và tinh thần phương Đông, tiếp tục tư tưởng triết học Spinoza "biến dạng" cái nhìn chú tâm vào thiên nhiên, thực tiễn, 'anh gắn mình vào thiên nhiên một cách tinh khiết thì thiên nhiên sẽ mở rộng cửa để anh hiểu' [bổ sung triết học Spinoza, mọi vật đều chuyển động và càng ngày càng tiến hoá lên mức độ cao hơn]
- Goethe cuối đời vẫn tiếp tục mối quan tâm về sự vận động của vạn vật và sự biến dạng của chúng, mối quan tâm thể hiện trên mọi mặt trận ông nghiên cứu và suy tưởng... Thời gian cuối Goethe hoàn thiện phần 2 bi kịch Faust; phần 2 bắt đầu được viết từ 1809 hồi 3 Helena trước rồi mới đến hồi 1-2-4; hồi 5 hoàn thành t7/1831. Goethe bị nhân vật có thật Faust ám, và ông hành động không mệt mỏi; vào ngày cuối cùng của mình, ông vẫn mong được mở cửa sổ nhìn ánh sáng, một con người luôn coi trọng thời tiết, ông nghĩ mùa xuân sẽ chữa lành đẩy lui bệnh tật, một con người luôn khao khát được đứng thẳng lưng thẳng vai cho đến ngày cuối cùng 🙂
- tiếp theo: tiếp học thuyết về màu sắc của Goethe, có nên Wilhelm Meister hay một vệt Shakespeare; lùi lại đọc Diderot, Spinoza hoặc tiến Thomas Mann [Doctor Faustus, cũng là tên vở kịch của Christopher Marlowe - chất liệu Faust] - thư từ Schiller và Goethe, ma lực hai tư tưởng gặp lại sau 3 năm lần gặp đầu - những người phụ nữ gắn bó với Faust [thư từ]
ps:
- Werther, tất nhiên ai cũng nghĩ đến Tố Tâm của Song An Hoàng Ngọc Phách 🙂, tôi đọc Werther năm lớp 8, đúng Noel 2004 đọc lại ở quyển in chung Bốn chuyện tình kia kìa, đọc lại giờ cũng đơn giản thôi, chỉ là tôi nghĩ chưa phải lúc này
- quyển Goethe - về nghệ thuật và văn học, giống quyển Những con bệnh khó chiều của Marcel Reich Ranicki và Peter Voss đấy, ai đủ can đảm thì nhai sỏi đê; tôi đặc biệt dị ứng các chức danh in ở bìa hay trang lót của sách, nhìn là thấy không còn cần hy vọng một cái rì đấy đọc được được nữa rồi
- Phao-xtơ, Gớt, Goethe về nghệ thuật và văn học, là hàng tài trợ, em cảm ơn ạ, cảm ơn Bồ Câu [om sách của em từ hồi mới quen nhau, đợt í chị ốm em bảo em mang mấy liều thuốc cho chị ha ha ha, quăng cho chị chồng sách đánh bay ốm iếu, 4-5 năm rì đấy rồi ha ha ha]🙏🏻❤️
25.7.20
chất liệu Faust
được nan hoa tạo điều kiện, cây đậu đen của tôi tung tẩy vươn theo sự phỉnh nịnh của ánh mặt giời, chắc ló tính leo lên nóc mái tôn chăng 😛. Cao xế thì lúc ra quả, bà bà cưỡi chổi nùn như nài biết lấy quả sao :))); video là xương đầu của chim sẻ, chim do emi vồ trết chôn dưới đất nhiều không đếm xuể, thường tiêu hết trừ xương sọ
ha ha ha nhờ nghiên cứu giải phẫu học trên động vật Goethe tìm ra khớp xương ở giữa hàm trên của người vào năm 1784 [một cái từ Đức dài lủng củng: zwischenkieferknochen, may quá đầu óc tôi chả có năng khiếu học ngoại ngữ nên đàn gảy tai trâu vì quả thực mèo thấy cái rì đẹp ở cái từ như trẻ con gõ loạn các chữ cái thế kia :)))], dựa vào đó ông chứng minh sự giống nhau trong cấu tạo cơ thể người và các sinh vật cấp cao; từ khám phá này của Goethe, người bạn Herder đã dựng thuyết con người là từ thế giới loài vật phát triển lên. Herder cũng là người khơi dậy lòng yêu thích Shakespeare và thơ ca dân gian ở Goethe, dù từ rất sớm, chỉ tuổi thiếu niên thôi, Goethe đã bị ma lực các câu chuyện dân gian cổ xưa truyền miệng thu hút 🙂; tuy nhiên Herder là con người của chủ nghĩa duy tâm còn Goethe thì lại duy vật, ngả rất nhiều theo hướng Spinoza hay Goethe là tư tưởng Spinoza biến hình [dạng]
chất liệu Faust đã có từ thế kỷ 16, một nhân vật được cho là có thật sống ở thế kỷ 15-16, tìm tòi nhiều lĩnh vực mới lạ, ưa khám phá, nghiên cứu như một học giả với đủ thứ thần bí được thêu dệt viết thành sách nhiều phiên bản, dựng kịch diễn trên đường phố, Faust đại diện cho hành động không mệt mỏi, không ngừng vươn lên về mặt nhận thức và giải phóng con người. Goethe ấp ủ bi kịch Faust từ rất sớm, cho tới lúc hoàn thành hồi 5 của phần 2 bi kịch Faust thì đã khoảng hơn 60 năm trong cuộc đời 83 tuổi của mình. Ma sách ám là có thật, Faust thế kỷ 15-16 trỗi dậy thành Goethe thế kỷ 18 và đặc biệt là giai đoạn đầu thế kỷ 19 [sau khi người bạn Schiller mất], Goethe trải qua hết cơn khủng hoảng này tới bất lực khác gắn với lịch sử dân tộc [cuộc xâm chiếm Đức do Napoleon lãnh đạo, cách mạng tư bản Pháp thắng lợi etc. à, cả phụ nữ nữa, chuyện tình ái í mà ha ha ha], thế giới quan của Goethe thành rồi phá rồi lại thành, cũng như Faust theo chân quỷ Mephisto, còn vươn lên còn sai lầm; Goethe hoàn thành Faust năm 1831 và đóng lại, chỉ đồng ý công bố, xuất bản sau khi ông mất nhưng 1832 Faust không buông tha Goethe, ông lại mở ra để chỉnh sửa bản thảo, kết thúc bi kịch Faust chẳng phải có một bước chuyển gấp gáp và lưỡng lự, 3-4 màn cuối
người ta xong việc và người ta được ra đi, mùa xuân 1832, tháng Ba, Goethe nghỉ ngơi như linh hồn của Faust được các thiên thần đón đi, quỷ Mephisto tay trắng 🙂
nói chuyện cây đậu đen tung tẩy, chả hiểu sao lại thành cơn Goethe nhập :))), ghi chú Goethe dài lắm, còn chưa sắp xếp, chắc không kịp, sang tháng 8 vậy 🙂, trong ảnh thiếu quyển Gớt của Trần Đương [để dưới nhà] tổng hợp biên soạn, hành văn không thích nhưng nhiều chi tiết về thư từ, bạn bè và những chặng đường của Goethe
#Goethe
#Faust
16.7.20
lunar
tôi mơ hai đứa bé, một trai một gái nắm tay nhau chạy trong một khu vườn rộng; màu xanh cỏ ngan ngát và um tùm cho tôi biết đây là một khu vườn tự nhiên, không làm cỏ. Chúng ngước đầu ra sau và hướng lên cao gọi tôi như tôi là một con diều và tôi vui đùa với chúng. Tôi phủ bóng xanh dương lên chúng, chúng cười. Tôi lại phủ bóng ánh hồng lên chúng, chúng cười. Chúng nói với nhau "là màu sắc đấy, màu xanh bầu trời này rồi màu hồng này, phủ màu xanh đi mà" và tôi dùng tay phủ màu xanh bầu trời in lên hai đứa, chúng hò nhau "xin màu hồng đi ạ" và tôi lại dùng tay phủ màu hồng, sắc hồng phớt ánh neon rồi cứ vậy rực rỡ hơn.
Chúng dừng chạy dần, ngừng quay lưng về tôi dần, cho đến lúc chúng đứng nhìn tôi trực diện, cái nhìn hướng lên cao như nhìn một con diều lơ lửng và chúng cười rạng rỡ. Mỗi một lần chúng hây a vỗ hai tay vào nhau làm một búp sen rồi nhắm mắt xin màu như cầu nguyện với một nụ cười thiên đường, ân điển của Đất Trời ban cho loài người là trẻ em; chúng chân tâm thành kính vào lời nguyện "xin cho màu xanh", tôi sẽ phủ màu xanh; "hây a màu hồng ạ", tôi sẽ phủ màu hồng; tôi còn biết làm vui lòng chúng bằng các sắc xanh dương, sắc hồng biên độ khác nhau. Tôi thu hai bàn tay mình về và nén từ xanh dương về xanh lá cho đến lúc đẩy xuống ánh hồng đỏ, dưới và dưới nữa, hít một hơi đẩy thẳng xuống chân thì tôi mở mắt.
Tôi mở mắt và nhìn thấy trăng chăm nom tôi tự bao giờ, tôi cảm ơn vũ trụ và nhìn đồng hồ, 4 giờ 51 phút sáng. Nằm nhắm mắt xem lại giấc mơ, tôi nghĩ mình sẽ nhìn trăng.
Đây là lần đầu tiên từ lúc có khái niệm tập nhìn trăng, tôi nhìn trăng trong nền trời sáng thế này; dù đã thu đủ mở bài [trong lúc làm mở bài nhắm mắt, trăng chăm sóc tôi, dạ dày tôi, khối u ngực trái của tôi chịu một lực nén sâu êm ái; khác với cái nhói đau chạy dọc nửa thân trái như len vào từng thớ cơ tim, có lúc còn đi sang cả phổi phải của tôi mà đêm qua ngôi sao ánh màu hồng mang đến sau khi tôi cúi mình nghiêm cẩn chào sao đi ngủ] nhưng chứng nhược thị không cho tôi nhìn quá 2 giây, tôi chớp mắt lia lịa khoảng 5 phút rồi ổn định dần đến cuối buổi tập 40-52 giây nhìn trăng mới chớp mắt một lần.
Kết thúc buổi nhìn trăng, tôi tận hưởng 5 phút nhắm mắt thả người trôi trong năng lượng, tôi nhớ đến câu nói của những người đi trước rằng "khi đôi mắt nhắm lại, không còn đen đặc như trước đây" và tôi nghĩ đến câu nói của anh chị em trong nhà mỗi khi đùa hỏi thăm về bố "bố đang tập à, nhìn màu đen đúng không" [khôi hài bố đang ngủ chứ rì :p]. Tôi nghĩ đến những câu nói vì lúc này mắt tôi nhắm nhưng như có một nguồn sáng chiếu đến tôi trong bầu mắt, một tiêu điểm phủ màu đen tới mắt tôi trong nền màu hồng rực, nhấp nháy cùng nhau trong khoảng 20 giây rồi nguồn sáng đen tắt chỉ còn nền hồng giảm biên độ cho tới lúc mắt nhắm của tôi trở lại như mắt đóng thông thường.
Tôi nén xuống chân và ngồi dậy rút giò. Mở mắt lúc này 5 giờ 52 phút, mặt trăng còn rất mờ, tan biến vào bầu trời, chính lúc tan biến thế này, có lẽ tôi lại nhìn được quầng trăng tròn mờ, không như vừa rồi, trăng khuyết dẹt rất rõ như 3 hình lưỡi liềm xếp chồng nhau được treo cố định một đầu và một đầu còn lại di động nhẹ, bụng trăng màu xanh dương rất nhạt không như trăng tròn có tâm là màu xanh dương phập phồng như trái tim trăng 🙂
sự di động của trăng khuyết làm tôi nghĩ đến cậu bạn ngồi cùng bàn với tôi năm lớp 11. Ở tuổi ấy, cậu ấy là người đầu tiên vẽ cho tôi xem. Cậu sẽ học kiến trúc sau này nên cử động bút của cậu nét rất khác chúng tôi cầm thước vẽ, dựng hình; mỗi khi cậu vẽ chân dung, khuôn miệng dưới luôn được cậu lượn vòm võng qua lại như một hình trăng dẹt cực điểm và chuyển động đều; các chuyển động, lượn khoảng 2-3 lần nét bút đưa tới đưa lui cậu sẽ dùng lưng dưới bàn tay [nửa phía trên] phẩy trên mặt giấy, vì vậy tay cậu rất hay đen màu chì ở đấy [sau này học vẽ, làm bóng ánh sáng, tay tôi đen cả lưng, kéo xuống cả lưng cổ tay]. Một cậu bạn có môi dưới thật mọng, hồng; mắt màu nâu rất nhạt; chóp mũi hơi lệch có một nốt ruồi nhìn bẻm mép vô cùng, tôi chả biết tại sao cái nốt ruồi í lại cho tôi cảm giác ấy, dù cậu ta dẻo miệng thật 🙂. Người đầu tiên bằng tuổi ngang nhiên gọi tôi là em tú, em tú ngố của anh etc. cũng là người đầu tiên cứ thi thoảng lại giằng tay tôi cắn cho phát [ngồi cùng bàn cãi nhau tức quá ló cắn tay mình mà mình chả hiểu tại sao mình bị cắn, sau ló chỉ cần doạ "thích không cắn cho phát giờ" là con bé nhún nhường không dám cả lầm lì luôn]. Kết thúc năm học không biết chúng tôi cãi nhau chuyện gì, giờ tôi chả nhớ rì cả, chỉ biết hè ấy cậu gọi điện đến nhà xin lỗi nhiều lần, nhưng tôi toàn nghe máy ậm ờ cậu hỏi rì trả lời nấy và rất nhiều khi im lặng như tờ cho đến khi cậu cụp máy. Hết nghỉ hè đi học, chúng tôi ngồi cùng bàn nhưng tôi vẫn im lặng, cho đến ngày sự im lặng được giải thoát bằng việc tôi vô tình đi học muộn, phải ngồi bàn cuối lớp [thày chủ nhiệm xếp chỗ từ trong năm, không có điều chỉnh của thày, không tự ý đổi chỗ ngồi], cậu ngồi học không yên rồi quay ngang dọc bắt chợt nhìn thấy tôi ngồi cùng người khác ở bàn cuối lớp. Cậu giữ nguyên tư thế quay lưng nghiêng 2/3 lên bảng và tay chống cằm nhìn tôi, tôi nhìn lại rồi tránh, cắm mặt nhìn vở cho xong nhưng cậu cứ lì lợm nhìn tôi chăm chăm như thế bằng đôi mắt màu nâu rất nhạt, rồi mắt cậu ướt, cậu ngáp ngủ, cậu lắc đầu ngao ngán với tôi. Rồi ngồi thẳng lại, lật vở lấy tờ giấy nháp vẽ rì đó, vẽ vẽ phẩy phẩy tay vẽ vẽ tẩy tẩy... tình trạng này diễn ra suốt học hè vì tôi chuyển từ vô tình sang cố tình đi học muộn, nhiều hôm cố tình mà còn không thành công vì cậu cũng cố tình đi muộn hơn, ờ :))); thường những ngày ngồi khác bàn, trống hết tiết, cậu đi thẳng đến chỗ tôi chỉ để nói "em tú nhé, em nhớ anh đấy, anh Quang buồn em tú lắm chẹppppp" xong ơi ới gọi mấy thằng con trai đi đá cầu hoặc tra tấn hơn, ngồi uỵch phát ngay cái ghế bàn trên xong cầm quả cầu, hoặc cái bút thước kẻ hay bất cứ rì gõ gõ gõ nghịch nghịch nghịch trên mặt bàn của tôi, mắt cứ chăm chăm nhìn tôi kiểu thách thức 🤣 hay tra tấn hơn nữa, ngồi lì đấy cầm bút chì viết vẽ vặn vẹo ngang dọc vào quyển vở của tôi. Tôi mà đứng dậy là ló tóm tay cắn đấy, nên tôi, ờ thôi ngồi chịu trận; đời này tôi lì số 2 thì ít người dám tranh số 1 mà 😛
nay là một buổi sáng hiếm hoi [34 năm] tôi nghĩ tôi nên ngồi dậy học bài ha ha ha; trong 18 năm phải đi học [từ lớp 1 tới 12 (chửa biết mùi nhà trẻ mẫu giáo) rồi mấy năm học đủ các thứ] tôi dậy sớm và có vẻ không ghét tới trường; giờ giống 2 năm trước, j ló còn ở VN ló rủ em qua đón chị tới lớp học mấy tiết với em đi, có khi cong mông bới chemise trắng chân váy tối màu đi học trong sung sướng ấy chứ 😛
ps. ảnh chụp lúc 4:56 sáng nay và cũng khoảng ấy sáng qua
14.7.20
green me
rạng sáng tôi chìm trong hố màu xanh lục đậm đặc, tôi không nghĩ mình sa vào hay chúng dữ dội nhấn tôi trong chất xanh sệt sình quánh; tôi đang được chôn xuống, dần dần.
tôi thấy mình nhắm mắt và tôi biết tôi đang dồn tất cả xuống chân để trổ để vươn. Từ bờ vai, từ các kẽ ngón tay, từ khắp nơi trên người tôi... những chồi xanh đầu tiên bắt đầu hiện ra, nhỏ li ti xanh lục non mơn mởn rồi xanh hơn, xanh hơn nữa và thành chồi, lá, cành
tôi đã thành cây. Tôi đẹp tuyệt diệu. Tôi nhìn xuống mình, tôi vẫn đang được ở trong chất xanh lục mịn đặc như sáp óng ả
tôi mở mắt, mong mình vẫn là cây, là sự thật; tôi nhìn thấy trăng, rất gần, bầu trời vẫn còn tối xanh lam thẫm, chỉ khoảng 3 giờ sáng. Tôi cười chào trăng, vầng trăng chỉ đầy nhỉnh hơn 1/3 một chút thôi, màu vàng ánh cam rất ít, thật đẹp, hiền hoà. Tôi ngồi dậy nhìn trăng để xác nhận mình không mơ, tôi bật dậy. Đúng, tôi không mơ, chếch hướng 1 giờ với trăng còn có một ngôi sao nhấp nhánh chói, cả hai rất gần, đặc biệt là trăng. Tôi nheo mắt nhìn trăng cho rõ, gần quá, qua song cửa gỗ chỉ như treo ngay đây. Tôi sực nhớ ra, rất có thể tôi không còn là cây được nữa rồi, tôi đã mở mắt, tôi đã bật dậy; tạm biệt trăng tôi nằm xuống, nhắm mắt, rồi mở mắt nhìn trăng lần nữa; tôi nói mình sẽ không tập nhìn trăng lúc này, mình phải ngủ để khoẻ. Tôi nằm xuống
và tôi thấy mình là cây như cũ
cảm giác thật dễ chịu, chân tôi vươn xuống không nhanh như trước, rất chậm thôi và cọ nhẹ nhàng len lỏi trong đất tơi mềm. Tôi thành một cây leo thân cứng dẻo, cành mềm nhưng dày lá, lá tôi rất giống lá lan tiêu, chúng mọc đối nhau, phiến lá dày, nhẵn, tròn hơn lan tiêu, và không phải lá răng cưa; tôi lạ thật không biết là cây gì. Tôi ở cạnh một đường ống chạy dọc nhà, tôi không ở phía trước ngôi nhà như ngày xưa ông nội trồng một giàn lan tiêu bên phải mặt tiền nhà, mà tôi đang chôn mình chái nhà ngay cạnh đường ống nhựa thoát nước. Thân của tôi chỉ bé bằng cổ tay trái con người mà tôi là, gốc được chôn sâu dưới đất, sát với nền xi măng tôi thấy thân mình vẫn cố vươn nhiều rễ nhỏ cắm xuống lòng đất. Đường ống nước rồi đến tôi rồi trung triêng cách tôi khoảng 50cm thì ngôi nhà trổ một ô thoáng to cỡ 1m 1m2, không giống cửa sổ hiện nay, nó có cánh bằng gỗ tấm nhưng lại lùa được sang hai bên
cứ 7 giờ sáng 12 giờ trưa một thằng bé cỡ 10 tuổi sẽ rủ Tôi Người ra ngồi nhìn mưa. '7 giờ rồi nhìn thôi' và tôi trèo lên bậu cửa, tôi luôn thích trèo chân đất ra ngoài, khỏi ngôi nhà, để chạm vào nền xi măng có dính đất cát hoà cùng dòng nước mưa chảy trên chúng, vì tôi còn nhỏ hoặc quá nùn nên tôi phải rướn một chân, tay bám bậu cửa thả thật chậm chân xuống sát nền xi măng nhất có thể, còn thằng bé kia thì ở trong vươn cổ ra nhìn và hô 'thêm tí nữa thêm tí nữa sắp chạm đất rồi chạm rồi thả đi' và tôi sẽ thả chân xuống. Thả được một chân xuống, rồi chân còn lại, tôi sẽ dậm dậm chân lùa chân trong nước mưa nghịch rồi tôi gọi thằng bé kia và chúng tôi sẽ loay hoay để tôi trèo lại được vào trong nhà hoặc bấu leo lên lại, ngồi trên bậu cửa kia đu đưa chân. Chúng tôi ngồi vắt vẻo trên ấy đung đưa chân nghịch mưa, sau lưng chúng tôi là một trảng gỗ, một người tóc dài giống phụ nữ nằm ốm. Người ấy đắp chăn, nằm co ro rất yên ắng, tôi không rõ người ấy có thở không, lùi trong bóng tối và một khối ốm to như trết. Thằng bé thường ngồi trên trảng gỗ và luôn nhớ luôn chờ '7 giờ sáng' '12 giờ trưa rồi mở cửa thôi' và nó mở cửa như một trách nhiệm yêu thích. Trời luôn mưa vào những lúc cửa được mở, trời mưa và sáng ánh nắng
một ngày, trời không mưa. Tôi trèo ra ngoài với sự quan sát hô hào của thằng bé, tôi đi dọc nhà và bắt chợt nhận ra Tôi Cây đã cao lớn leo dọc gần hết tầng thứ 2 của ngôi nhà cao tầng Tôi Người đang ở. Tôi ngước nhìn nó trong nỗi phấn khích và gọi thằng bé, nó nhảy pắc phát ra ngoài và cũng kinh ngạc không kém trước cái cây. Thân của Tôi Cây vẫn chỉ như cổ tay trái của Tôi Người, nhưng đã có thêm một lớp vỏ có vẻ cứng cáp. Tôi nhìn theo các cành của giàn cây bám sát tường nhà lên gần hết tầng hai và đang có chiều hướng móc tua quấn vào đường dây điện vươn sang nhà hàng xóm, tôi bảo thế này nó sẽ hoà vào cùng cái cây nhà hàng xóm mất. Nói dứt câu tôi thấy thằng bé kia trèo lên ghế rồi đu người lên ô văng cửa trổ và nó kéo cả một cành lớn của cái cây bứt ra khỏi tường, tôi thấy mình chao đảo và da trên tay mình đau rát như bị cọ vào xi măng rồi nhanh chóng tôi thăng bằng lại như cũ, không đau nữa. Nhìn lên, thằng bé đã quấn cành của Tôi Cây vào một dây sợi trục to chạy vào nhà, nếu cứ bám theo sợi trục thì tôi sẽ chạy ôm lấy căn nhà lên các tầng trên. Thằng bé cười mắt bé như hai hạt đỗ hỏi tôi rằng nó có siêu không, giờ nó đã cao đủ để mắc lại cái cây chỉ nhờ một cái ghế gỗ thấp như thế này
tôi mở mắt đi tìm mặt trăng, mặt trăng vẫn ở vị trí cũ, vẫn rực rỡ sáng. Lạ thật, trăng xuống thấp được thế này, gần tôi quá. Màu sắc này giống hình dung của tôi về mặt trời buổi sáng nếu tôi có thể nhìn thật gần. Bầu trời lam thẫm thế này và sao vẫn còn, vẫn chưa sáng được chưa tới lúc mặt trời lên. Tôi nên nhắm mắt ngủ tiếp. Chào trăng. Cảm ơn. Tạm biệt
6h36 tôi có điện thoại, tôi mở mắt bấm nhận rồi nhắm mắt, tôi nghe cuộc gọi, không có việc rì gấp, một chút bực dọc. Kết thúc nội dung, buông máy không cả tắt, mắt vẫn nhắm tôi nằm xem lại giấc mơ của mình và giấc ngủ đêm qua. Tôi mở mắt nhìn đúng song cửa sổ tìm vị trí trăng hôm qua gọi tôi rồi bật dậy để ước chừng độ cao ngôi nhà đêm qua trăng treo ngay trên và độ thấp trăng xuống gần. Chỉ nhỉnh hơn chóp cao nhọn nhất của nhà cô P hàng xóm chéo bên kia đường với nhà tôi độ 1.3m. Thật lạ
tôi mơ giấc mơ Tôi Cây. Tôi đã được là cây. Tôi không mơ trăng gọi Tôi Người, trăng đã rất gần. Trăng xuống thấp đến không thực phá vỡ mọi 'có lý' ngay cả trong mơ của tôi về trăng
vĩ thanh: tôi đã trải qua mùa đông và những ngày xuân rét mướt vừa rồi trong một cơ thể vận hành đảo lộn tất tật, những gì tôi hiểu về cơ thể mình không còn nữa, tôi không còn biết mảy may rì về chính cơ thể này. Ló thế nào, ra sao mỗi sáng thức dậy là một bất ngờ nho nhỏ với tôi; mỗi sáng mở mắt, nhìn mình trong gương hay vô tình thay quần áo hoặc chạm vào da thịt mình, những cơn nháy bên trong, những mạch đập, cử động, di chuyển bên trong... chúng thở; đều là những mới mẻ với riêng tôi, ngay cả bây giờ. i dont know me anymore
những ngày mùa đông ấy, khi hít thở nuôi đến luân xa 4 hoặc 9 vùng ngực, một màu xanh tàn úa choáng ngợp tôi, tôi ủ dột vì trái tim héo cằn của mình. Tôi kết thúc buổi tập sảng khoái cái việc mình vừa hoàn tất ngày hôm nay và sũng buồn màu xanh tàn trái tim mình. Tôi lên sân thượng nhìn trời, và những chậu cây trết khô tôi có, đất nghèo.cằn nước.cây trết khô. Tôi dùng kéo cắm sâu xuống một chậu đất và ngật kéo sang các bên, phải còn rì đấy trong chậu chứ, tôi bới đất. Cứ như vậy tôi tời hết hơn chục chậu đất con con ở tầng 6 và tìm được mấy mẩu rễ cây hoặc có thể là củ quắt queo còn sót lại. Tôi vùi chúng ở giữa chậu như trồng một cái cây và đẩy ra hứng làn mưa bụi lây phây rét mướt, tay chắp lại từ trong tim mình tôi xin lỗi tất cả vì tôi đã không sống tôi xin lỗi bầu trời xin lỗi gió.mưa.đất.nước tất tật xin lỗi cả chậu vệ sinh của emi tôi lười thay và thay trong bắt buộc phải thay thì thay thôi. Từ trong tôi tôi xin lỗi tất cả
sau hôm ấy tôi dành mỗi sáng mấy phút cho một chậu cây, xung năng lượng ra tay và bức vào mặt đất của chậu. Trời đất nuôi tôi, gió khí và dòng nước nâng đỡ tôi, tôi mang ơn; tôi mang bầu thức ăn ấy chuyển lại những mặt đất nhỏ bé hiện đang gần tôi
tôi có rất ít khoảnh khắc màu xanh lục, và tôi không gặp lại màu xanh úa nữa. Rất thi thoảng tôi gặp lại một cái cây xanh mởn vươn nhanh như cây dại, dù nhỏ thân thảo cây bụi thấp nhưng nó cứng cáp và trỗi mình mạnh mẽ
viết đến đây tôi nhớ năm xưa M. viết tặng tôi trong cơn ghen tuông của M.
one moment green
then yellow fire on mountains
ps. cô gái trong Người ăn chay là một cái cây nhiều hoa. Còn tôi lại nghĩ nhiều đến những cây trong hoạt hình của Miyazaki; về các thiên tinh, có lẽ không ai ươm hạt thiên tinh của Andersen được như hoạt hình của Miyazaki. Thật đẹp :)
7.7.20
sunset
chiều hôm ấy tôi ngồi đọc Schiller - Âm mưu và ái tình, tôi đang ở Karl trở về lâu đài giả trang làm một người khác; trong khoảnh khắc cùng Amalia - nàng không nhận ra Karl, chỉ ngờ ngợ một hình bóng thân thương khiến nàng sầu muộn không dám nhìn thẳng vào người ấy - Karl nhận ra Amalia vẫn yêu chàng như xưa "nàng không dám nhìn vào bức tranh vẽ ta treo trên tường, nàng lờ đi khi ta hỏi đến người trong tranh, nàng vẫn yêu ta"
chính lúc ấy em gửi tôi video em tập đàn hát cùng cello contrebasse Bao giờ biết tương tư. Tôi ngồi đó đeo tai nghe, tiếng hát cùng rền réo của cello. Lời bài hát làm tôi nghĩ đến thân yêu, người đàn ông biết kéo violin, người đàn ông 40 tuổi mới biết tương tư, biết yêu; yêu một cô gái trẻ, ngây ngô hơn lứa tuổi đôi mươi của cô ấy, không dễ dàng gì khi ta biết có cảm xúc với một người cũng là lúc ta bắt đầu đau ốm nặng... tôi ngồi đó mắt rưng vì nghĩ tới người đàn ông già nua của tôi; chúng tôi làm khổ nhau, cãi vã, ghen tuông, đau ốm "tôi ghen, tôi sợ mất em, em có cả thế giới ngoài kia, còn thế giới của tôi chỉ có mình em và tôi đau ốm, tôi làm khổ tú nhiều"
tôi ngồi miên man repeat video em gửi rồi em hỏi tối chị qua em không... tôi lưỡng lự... rồi em hỏi lần nữa, tôi bảo chị có. Bản Cinema Paradiso theme này do người khác quay video, lúc ấy tôi ngồi quay lưng lại sân khấu, quay lưng chìm sâu, tôi nhìn qua cửa sổ những chiếc lá dập dìu theo nhạc in bóng hình dưới mái tôn căn nhà bên cạnh. Trời nổi giông. Mưa
ps. video của quán, đêm nhạc 27.6 vừa rồi, lần đầu tôi đến Cầm nghe nhạc sau rất nhiều thất hứa [hẹn] với chủ quán, em ló hờn mát một phần cũng vì thế 🙂
tôi cũng mới biết rằng có những người không chịu nổi tiếng cello, cũng như với tôi, violin mới đủ réo rắt, còn cello thì thật êm đềm hiền hoà. Xưa thân yêu tiên cảm và lo mai mốt anh về bên God với tính bi kịch giằng xé của em, em sẽ đau khổ, như tiếng violin; còn sau đấy một người đàn ông khác đã cho tôi lời nguyền không chơi guitar được vì "em không đủ cô đơn", đúng là chưa bao giờ tôi chịu tập guitar được quá 2 tuần và lúc nào cũng như mới tinh chả có rì trong đầu 🙂
4.7.20
Faust
chiều nay nằm giữa nhà đọc tiếp Faust, một khoảng thời gian ngắn trôi qua; tôi thất kinh nhận ra hai năm trước cũng đọc Faust, đọc thu tiếng gửi cho bạn làm quà và giờ đọc lại, Faust gây chấn động thế nào; cơn bối rối bàng hoàng khiến tôi tung người bật dậy gọi cho bạn delete hết các file tiếng Faust thu đợt nào đi; xấu hổ, lấy làm hổ thẹn thì đúng hơn, del hết đi, sẽ gửi bản khác
cái quạt chạy mode lờ đờ cũng bị tắt đi; tôi thấy lạnh, ngồi dậy pha trà đọc Faust lại từ đầu, lần nữa
1.7.20
Schiller - Dostoievski
kế hoạch đọc Schiller đáng ra phải tiến hành ngay sau khi kết thúc Dostoievski năm ngoái, nếu mình nhớ không nhầm thì các nhân vật của Dostoievski rất hay nhắc đến Schiller; tuy nhiên như mọi lần, bị đẩy lùi vì, đúng lúc cần thì nhà không có sách 🙂
ban đầu tưởng chỉ có Những tên cướp và Wilhelm Tell, nghĩ nếu đọc một vệt thì như thế này quá ít ỏi, may thay Âm mưu và ái tình [dịch từ bản tiếng Pháp] in chung với Những tên cướp [dịch từ bản tiếng Nga] nên cũng không đến nỗi quá bi đát 🙂. Kết thúc 3 vở kịch trong đó 2 vở là sáng tác đầu của Schiller, Wilhelm Tell là sáng tác cuối đời, nhận ra Những kẻ tủi nhục [Những người bị lăng mạ] của Dostoievski chính là Âm mưu và ái tình của Schiller; kết cục bi kịch không thể ngờ tới cũng như ngày phán xét cuối cùng... Dostoievski giai đoạn đầu chịu ảnh hưởng không ít của Schiller, Dostoievski giai đoạn sau làm tới cùng chính ở Anh em nhà Karamazov
Wilhelm Tell là kịch thơ, bản dịch của Thế Lữ, căn cứ theo tiểu sử và hình thức kịch thơ thì có lẽ tiếp theo, đọc lại Faust [lần trước đọc thành tiếng thu âm tặng j, chắc sắp 2 năm rồi], Schiller có tham gia xây dựng Faust cùng Goethe, thư từ của hai người không phải ít 🙂 [đẩy Gogol lui thêm thời gian nữa, Gogol thuộc chuỗi Dostoievski đáng ra phải tiếp từ năm ngoái :))]. Đọc Wilhelm Tell chọn ra 4 cảnh trong 2 hồi cho j dựng kịch ở câu lạc bộ của trường ló; cũng ngẫu nhiên thôi hôm vừa làm vườn vừa video call kể ló đoạn Tell không cúi chào cái mũ đại diện cho hình ảnh vua chúa quan lại và bị quan khâm sai giải đi nhốt ngục, muốn thoát tội thì phải bắn trúng quả táo đặt trên đầu con trai của Tell cách trăm bước chân... sau khi vượt qua thử thách ấy quan khâm sai hỏi Tell tại sao chỉ được bắn 1 lần mà lại lén lấy thừa một mũi tên thì Tell nói được tha tội chết tôi xin nói thực mũi tên thứ nhất bắn con trai tôi thì có thể không trúng nhưng mũi thứ hai bắn ngài thì chắc chắn không thể trật etc. xong j ló đòi nghe kể tới hết và ló bảo hay em dựng kịch vở này. Con chị âu kê, chị kể em nghe để mơi em dựng kịch đó mà 🙂 xong chìa ra luôn chị chọn cho em 4 cảnh này trong 2 hồi rồi, dựng đê :)))
Wilhelm Tell bản tiếng Việt Vinhem Tell 1966, sách đọc được tài trợ, em cảm ơn ạ ❤️🙏🏻, cùng với Những tên cướp và Âm mưu và ái tình, coi như đã đọc trọn bộ kịch Sinle được dịch ở Vn, vừa rồi sợt mới biết có trọn bộ kịch được dịch, hơi buồn tị là mình lại thiếu sách đọc, nhưng tìm hiểu ra thì trọn bộ cũng chỉ có 3 vở ấy được dịch 😛
chắc sẽ còn quay lại 🙂
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)