Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

21.8.18

Dợm chân bước

Người đàn bà trên cầu thang của Bernhard Schlink là câu chuyện thu nhỏ về lịch sử nước Đức cùng những nỗi đau rạn vỡ già cỗi mòn trụi của nó lồng trong chuyện tình tay tư, một người phụ nữ trẻ, ba người đàn ông từ trẻ đến trung niên một nhà tài phiệt một họa sĩ một luật sư và mối liên hệ với bức tranh vẽ người phụ nữ trẻ ấy trần truồng đi xuống thang. Bức tranh người đàn bà trên cầu thang đóng khung đúng khoảnh khắc người phụ nữ một chân đã ở bậc thang trên và chân còn lại dợm bước xuống bậc dưới. Nó đóng khung hiện tại và rồi đi vào lịch sử. Điều gì sẽ xảy ra nếu người họa sĩ không vẽ nó, bức tranh không tồn tại, hoặc có bức tranh nhưng người họa sĩ không trở nên nổi tiếng, họ vẫn ai ở vị trí người nấy, không ai làm điều sai quấy, không ai lừa phỉnh hay mắc lừa, không ai ở tình thế mắc kẹt, không ai bỏ lỡ điều gì… như nước Đức không lộn xộn không sụp đổ không nhiều điều không Lịch sử cho ta đủ thứ, bi kịch – hài kịch, thắng – bại, yêu thương – căm hờn, niềm vui – nỗi buồn, may – rủi, công lý – bất công... Tiểu thuyết thì không thể cho ta hơn. Những gì thực sự xảy ra thì rõ ràng khác với chuyện con người hư cấu. Người ta không thể thay đổi được gì trong quá khứ, có phần dễ dàng khi ta chung sống hòa bình với quá khứ, điều khó khăn hơn là không nhìn ra được ý nghĩa thực sự của quá khứ ấy. Cái xấu nào cũng có cái tốt và ngược lại, nhưng cũng có cái xấu hoàn toàn xấu. Trái ngược với điều tốt không phải điều xấu mà chính là ý định tốt, còn trái ngược với điều xấu thì lại là điều tốt đẹp. An ủi là người ta không thể làm khác trong quá khứ vì như vậy thì người ta phải là con người khác. Lịch sử cũng vậy. Cái gì đã qua là qua rồi, ai muốn tiến lên phía trước thì phải buông lại quá khứ sau lưng như rũ bỏ quần áo cũ sau chừng ấy thời gian đã có mùi ẩm mốc. Lịch sử rồi cũng hòa vào dòng thác thời đại, chỉ vậy thôi Tôi thích phần cuối của quyển tiểu thuyết nhất, cái kết trọn vẹn. Không thích những lồng ghép, ẩn dụ hay những câu thoại liên quan đến lịch sử Đức vì những gì xảy ra thì đã xảy ra rồi, là lịch sử rồi. Tôi chỉ thích điều mà tiểu thuyết này gợi ra cho tôi về những sự kiện, câu chuyện suýt xảy ra, nó cũng là điều mà hai nhân vật ở phần ba cùng nhau tung hứng tưởng tượng. Những gì xảy ra trong quá khứ làm nên lịch sử, hiện tại [tất nhiên cả tương lai] rồi cũng thành lịch sử, miễn rằng nó xảy ra hoặc từng xảy ra. Chuyện ở tương lai rồi sẽ có người này vật nọ thế chỗ để nó diễn ra, chỉ không có ai hay điều gì vật gì có thể thế chỗ trong quá khứ. Lịch sử là thế, có câu chuyện trước nó và sau nó, đơn giản vì nó xảy ra. Vậy còn những điều suýt xảy ra, nó có câu chuyện trước “suýt” và sau đấy là những giả định nối dài chăng 🙂 Bernhard Schlink với tôi là Người đọc, còn Người đàn bà trên cầu thang thì rời rạc khiên cưỡng.

Không có nhận xét nào: