Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT
25.8.18
Vương quốc trong mơ
Trong các sinh vật tồn tại trên trái đất, ưu việt là con người, ngu muội cũng là con người, kỳ quái, vô ơn, thất thường cũng chính là con người; càng đi đến cực điểm văn minh thì càng chấp chới ngưỡng vỡ bong bóng đánh mất nhân tính. Trong những hoàn cảnh khốc liệt, cửa ải sinh tồn là nơi con người rũ bỏ văn minh để quay về mọi rợ, phần nhân tính bị phần phi nhân lấn lướt và là một tồn tại song song mang đặc tính nghiệt ngã, u buồn.
28 của Jeong You-Jeong kể về 28 ngày bùng phát bệnh dịch “Mắt Đỏ” diễn ra ở thành phố yên bình Hwa Yang ven thủ đô Seoul, bệnh dịch bắt đầu từ cái chết của người đàn ông làm nghề phối giống chó bị chó cắn, sau đó lây lan nhanh chóng cho cả người và chó, không tìm được nguyên nhân cũng như không có phác đồ điều trị, thành phố Hwa Yang thành hòn đảo bị cách ly, bị chính quyền phong tỏa kìm kẹp, con người buộc phải tìm mọi cách để sinh tồn, chống chọi, chiến đấu với bệnh tật, chính quyền; và cả cuộc chiến giữa người với người cũng như người với những tồn tại khác con người khi đối mặt với sinh tồn. Sống còn không còn là lựa chọn, nó là bản năng của mọi tạo vật có sinh mệnh bị tạo hóa kết án.
28 ngày, những bản tin thời sự như bao tin nhanh hờ hững bên ngoài thành phố Hwa Yang, điều thực sự bên ngoài Hwa Yang muốn biết thì sẽ không thể biết được, còn thứ mà họ không muốn biết thậm chí không quan tâm thì báo chí truyền thông sẽ cứ liên tiếp cho họ biết, đấy chính là chiêu bài chính trị, là tấm thảm kịch con người với những mưu toan chính trị của nhà cầm quyền, bệnh tật hoành hành triệt hạ từng người từng cơ sở tổ chức và là mảnh đất màu mỡ nhung nhúc giòi bọ nuôi dưỡng nhân tính suy đồi, nơi chó bị chôn tiêu hủy tập thể, người cũng bị chôn tập thể, rồi cả người cả chó rốt cuộc cũng cùng chung một số phận, nơi con người sống như chó chết cũng như chó, lửa chẳng thể nào tự tắt nếu vẫn còn thứ để thiêu đốt, bệnh Mắt Đỏ chính là ngọn lửa địa ngục ấy. Hwa Yang trở thành thành phố bị cô lập, bị ruồng bỏ, thành hòn đảo của bản năng, mọi thứ đều nhòa đi và biến mất, chỉ còn sự sống và cái chết chi phối đầu óc của mỗi cư dân.
Jeong You-Jeong cấu tứ 28 như một phim điện ảnh, người đọc không lạ gì với những nội dung phim về bệnh dịch lây lan khiến con người đi vào săn thịt lẫn nhau, biến nhau thành vật thế thân hay con mồi để mình được tháo thân, được sống sót, những góc khuất khó lường của nhân tính, phần phi nhân được lột truồng trần trụi… góc nhìn ấy người đọc không còn lạ lẫm. 28 đưa người đọc tới một góc tiếp cận khác, khi đưa sự tồn tại của con người với nhau xếp đặt cạnh sự tồn tại của động vật bầu bạn gần nhất với con người, một căn bệnh lây nhiễm chung giữa người với chó. Đối với loài chó, con người chính là cả thế giới, nơi nắm giữ vận mệnh, thức ăn, chỗ ở và sự an toàn được đảm bảo, rời bỏ con người tức là rời bỏ thế giới của chính chúng, trở thành kẻ lang thang, quay về với tổ tiên thú hoang, chúng cũng bị đưa vào vòng sinh tồn buộc phải lựa chọn làm kẻ lang thang thú hoang hay để con người giết hại rồi trở thành xác chết. Bạn có thể nói tất nhiên con người vẫn sẽ như cũ, vẫn tàn sát để tồn tại, người với người tàn sát nhau giẫm đạp nhau để sống thì chó là gì; con người vốn cho rằng, con người và mạng sống của con người là đỉnh cao giá trị, vượt trên tất cả mọi vật trên mặt đất này, bởi những giống loài như loài chó thì thế gian nhan nhản cả đống chẳng thiếu gì. Với tư cách kẻ ăn thịt, kẻ săn mồi, tên bạo chúa, kẻ mạnh trong hệ sinh thái, tính cách thất thường và sở hữu trí tuệ chi phối sự sống và quyết định số phận các sinh vật khác như con người thì quả đúng như vậy; nhưng 28 là câu chuyện gieo hy vọng – dù hy vọng chính là thứ hay phản bội chúng ta nhất trên thế gian này, nhưng không có nghĩa là ta không bắt đầu gieo nó, đường vạn dặm nào chẳng có khởi đầu là bước chân đầu tiên, rằng chính giống loài vô ơn như con người cũng sẽ là giống loài biết nhìn nhận sự tồn tại bình đẳng của những sinh mệnh khác, có những người mà thế giới của họ chỉ là các sự kiện loài vượn trần trụi ra đời, chiến đấu, gây hấn, bệnh tật rồi chết đi, và cũng có những người mà thế giới của họ là nơi có chỗ cho cả loài vượn trần trụi và những loài động vật lông lá, những sinh vật khác
Nhân vật chính bác sĩ thú y ở trại cứu hộ động vật Dreamland Jae Hyung là hy vọng như vậy, người 11 năm trước cắt sợi dây buộc thân mình vào đoàn 12 chú chó kéo xe với mong muốn đàn chó sẽ là con mồi thu hút sự chú ý của lũ sói, hy sinh đàn chó để giữ lấy mạng sống của mình, điều ân hận nhất của anh là đã coi sinh mạng của đàn chó là đối tượng thứ cấp so với mình chứ không phải mục đích tất cả đều có sinh mệnh đều muốn được sống, điều ân hận là anh đã không cắt gangline cho đàn chó, đã không cho chúng cơ hội để chiến đấu giữ lấy sinh mệnh, một cơ hội đấu tranh sinh tồn để được sống; mọi tạo vật đều có sinh mệnh của mình, đều phải sống cho đến khi chết, đều có giấc mơ được sống, có giá trị tồn tại riêng
Biết khiêm cung trước tạo hóa và muôn loài khác, con người có ngu muội rồi rơi vào bi kịch nhân danh con người văn minh không, câu ấy không cần dấu câu, nó là hiện thực đang diễn ra không khó tiên đoán. Yêu thương thân mình và biết xót thương những tạo vật có sinh mệnh khác có lẽ sẽ bớt đau buồn bi đát hơn, bởi trong nương tựa ấy ta không đơn độc, đồng nghĩa không bỏ rơi hay làm tổn thương kẻ khác
“Có những lúc, tôi mơ tới một thế giới không có con người. Một nơi mà luật lệ tự nhiên sẽ kiểm soát sự sống và cái chết, một thế giới mà tất cả mọi sinh mệnh được làm chủ cuộc sống của bản thân, một vương quốc trong mơ”
Có những người tin vào thuyết mạt thế, muốn nước trời lửa trời xóa sạch thế giới, xóa sạch tất cả, không có con người, rồi bàn tay kì diệu của tạo hóa sẽ làm công việc nên làm, những người ấy có thể bị xem là phản nhân loại, họ hành động có lý của họ, chỉ có điều là có ai nhìn ra được cái lý ấy hay không 🙂
p/s: ở 7 năm bóng tối có đoạn nhân vật xưng tôi lặn xuống nước và đoạn cậu bé lặn dưới biển viết vô cùng đẹp và ý vị, cứ nhắm mắt nghĩ đến 7 năm bóng tối là nghĩ đến 2 đoạn ấy. 28 không có những đoạn như thế, tuy nhiên nhắm mắt lại thì mình nghĩ đến Jae Hyung nằm giữa trời tuyết rơi mơ sảng mất dần ý thức khi mắc nạn cùng đàn chó kéo xe, những tinh thể ánh bạc lơ lửng bay trong ánh chiều tà, cánh rừng vân sam, đàn chó kéo xe xếp dọc chân ngồi thành một hàng…
tôi gần như không hứa gì với bất cứ ai, nhưng khi con mèo bước vào cửa nhà tôi, mà ngay sau đó tôi đặt tên nó là EMi thì tôi biết là tôi phải chịu trách nhiệm về nó và với nó, là tôi sẽ không có bất cứ lý do nào tùy tiện phá vỡ mối quan hệ và cam kết của đôi bên, không cần lời nói hay bất cứ gì làm bằng chứng, bản thân tình cảm đã là sợi dây rồi 🙂
21.8.18
Dợm chân bước
Người đàn bà trên cầu thang của Bernhard Schlink là câu chuyện thu nhỏ về lịch sử nước Đức cùng những nỗi đau rạn vỡ già cỗi mòn trụi của nó lồng trong chuyện tình tay tư, một người phụ nữ trẻ, ba người đàn ông từ trẻ đến trung niên một nhà tài phiệt một họa sĩ một luật sư và mối liên hệ với bức tranh vẽ người phụ nữ trẻ ấy trần truồng đi xuống thang. Bức tranh người đàn bà trên cầu thang đóng khung đúng khoảnh khắc người phụ nữ một chân đã ở bậc thang trên và chân còn lại dợm bước xuống bậc dưới. Nó đóng khung hiện tại và rồi đi vào lịch sử. Điều gì sẽ xảy ra nếu người họa sĩ không vẽ nó, bức tranh không tồn tại, hoặc có bức tranh nhưng người họa sĩ không trở nên nổi tiếng, họ vẫn ai ở vị trí người nấy, không ai làm điều sai quấy, không ai lừa phỉnh hay mắc lừa, không ai ở tình thế mắc kẹt, không ai bỏ lỡ điều gì… như nước Đức không lộn xộn không sụp đổ không nhiều điều không
Lịch sử cho ta đủ thứ, bi kịch – hài kịch, thắng – bại, yêu thương – căm hờn, niềm vui – nỗi buồn, may – rủi, công lý – bất công... Tiểu thuyết thì không thể cho ta hơn. Những gì thực sự xảy ra thì rõ ràng khác với chuyện con người hư cấu. Người ta không thể thay đổi được gì trong quá khứ, có phần dễ dàng khi ta chung sống hòa bình với quá khứ, điều khó khăn hơn là không nhìn ra được ý nghĩa thực sự của quá khứ ấy. Cái xấu nào cũng có cái tốt và ngược lại, nhưng cũng có cái xấu hoàn toàn xấu. Trái ngược với điều tốt không phải điều xấu mà chính là ý định tốt, còn trái ngược với điều xấu thì lại là điều tốt đẹp.
An ủi là người ta không thể làm khác trong quá khứ vì như vậy thì người ta phải là con người khác. Lịch sử cũng vậy. Cái gì đã qua là qua rồi, ai muốn tiến lên phía trước thì phải buông lại quá khứ sau lưng như rũ bỏ quần áo cũ sau chừng ấy thời gian đã có mùi ẩm mốc. Lịch sử rồi cũng hòa vào dòng thác thời đại, chỉ vậy thôi
Tôi thích phần cuối của quyển tiểu thuyết nhất, cái kết trọn vẹn. Không thích những lồng ghép, ẩn dụ hay những câu thoại liên quan đến lịch sử Đức vì những gì xảy ra thì đã xảy ra rồi, là lịch sử rồi. Tôi chỉ thích điều mà tiểu thuyết này gợi ra cho tôi về những sự kiện, câu chuyện suýt xảy ra, nó cũng là điều mà hai nhân vật ở phần ba cùng nhau tung hứng tưởng tượng. Những gì xảy ra trong quá khứ làm nên lịch sử, hiện tại [tất nhiên cả tương lai] rồi cũng thành lịch sử, miễn rằng nó xảy ra hoặc từng xảy ra. Chuyện ở tương lai rồi sẽ có người này vật nọ thế chỗ để nó diễn ra, chỉ không có ai hay điều gì vật gì có thể thế chỗ trong quá khứ. Lịch sử là thế, có câu chuyện trước nó và sau nó, đơn giản vì nó xảy ra. Vậy còn những điều suýt xảy ra, nó có câu chuyện trước “suýt” và sau đấy là những giả định nối dài chăng 🙂
Bernhard Schlink với tôi là Người đọc, còn Người đàn bà trên cầu thang thì rời rạc khiên cưỡng.
10.8.18
Táo không rụng xa gốc
Trong các gia đình tồn tại sự trùng lặp các số phận qua các đời. Bất cứ ai lặng im đủ cũng có thể trở thành nhà tiên tri về số phận của kẻ khác dựa trên các tiêu bản số phận trong suốt chiều dài lịch sử loài người cũng như chiều dài sự suy nghiệm của họ.
Vị hạt táo là tiểu thuyết xoay quanh ba đời của một gia đình ở làng quê Đức mà chủ yếu là những người phụ nữ trong gia đình ấy, sự trùng khớp số phận, ký ức và lãng quên, sự thật và phỏng đoán…
Nhân vật xưng tôi là người cháu gái ở đời thứ ba được hưởng thừa kế căn nhà của bà ngoại – nơi chứng kiến những bí mật của gia đình, chỉ trong ít ngày lưu lại căn nhà, cô dần tìm về ký ức tuổi thơ và vén tấm màn quá khứ khớp nối các mẩu nhỏ câu chuyện về gia đình mình. Một câu chuyện về cách người ta đối diện với những gì từng xảy ra trong quá khứ chất chồng nỗi buồn hay sự ghê gớm của ký ức: câu chuyện của ai đó là một phần câu chuyện của riêng bạn, và cũng là một phần câu chuyện của bạn về lịch sử gia đình mình; song cách kể chuyện, lối dẫn dắt cẩn trọng, nữ tính với từng từ ngữ neo đậu sức nặng của quá khứ, đan xen hiện tại - ký ức, con người - cảnh sắc thiên nhiên đầy chất thơ đã khiến câu chuyện có ánh sáng lấp lánh êm dịu của cả mảng tối đau xót nhất của quá khứ cùng những hoài nghi và của hiện tại khi đã bằng lòng với sự khép lại của quá khứ, không chỉ lãng quên là một dạng hồi tưởng, mà hồi tưởng cũng là một dạng lãng quên
Những chuyện ta nghe kể, chúng thật đến mức nào. Và những gì ta tự đan dệt từ hồi ức, từ phỏng đoán, từ tưởng tượng và âm thầm nghe từ người khác, lặng lẽ vẽ theo ký ức của người khác, chúng thật đến mức nào. Có khi nào những chuyện bịa đặt sau đó lại trở thành sự thật, và có lẽ nào một số chuyện lại bịa ra sự thật.
Sự thật và nỗi đau, chúng còn lại sau những điều bị quên đi, lẩn khuất trong các rãnh hằn và lỗ thủng của trí nhớ, chúng tồn tại cùng với thời gian và quan trọng là thời gian chỉ chữa lành vết thương khi nó liên kết với lãng quên
Táo không rụng xa gốc, người ta từ đâu đến thì vẫn là từ đấy mà thôi. Nhân hạt táo thì mãi có độc nhưng nó lại có vị hạnh nhân và những kẻ si mê thì vô tri với ‘có độc’ và mê muội bởi ‘vị hạnh nhân’
8.8.18
lựa chọn đúng vì những lý do sai
Những linh hồn lẩn khuất (Dead souls) là tập 10 nằm trong series thanh tra Rebus [thấy bảo có phim, là tập 3] của Ian Rankin, đây cũng là quyển trinh thám Scotland đầu tiên mình đọc
Đọc text bìa và lướt quyển sách hơn 500 trang trong 5 phút đã biết ngay đây là kiểu câu chuyện trinh thám mình thích: chậm, ít hành động gây cấn, tâm lý và các tình tiết nhỏ... Những linh hồn lẩn khuất đan cài nhiều nhưng bóc tách riêng thì không quá đánh đố độc giả. Mình khép lại câu chuyện này sáng hôm qua và chỉ ghi note 2 dòng
- lựa chọn đúng vì những lý do sai
- bản chất của sự ám ảnh
chúng là câu để ngỏ hay nhận định, ai biết được
Là kiểu người đọc thấy lỗi chình ình cũng không ta thán một câu, cười xoà một cái đọc tiếp, thế mà lần này chao chát. Những linh hồn lẩn khuất xuất bản cách đây 7 năm, Ian Rankin là tác giả trinh thám rất ổn, nhất là so với mảng trinh thám được dịch gần đây, thế mà quyển sách xuất bản rơi tõm vào im ắng, bản dịch không thể nói là ổn, thôi cũng chả dám nói về biên tập nữa 😑
NN mới xuất bản 1 quyển khác của Ian Rankin, mình sẽ đọc tiếp, mưa gió chưa lượn đi mua sách được, ai có lòng tặng, mình nhận luôn, đăng ký tặng, mình cũng chả từ chối đâu 🙃
p/s: mình đang đọc dần các sách có ở trong nhà độ 5-10 năm mà chưa từng được mở ra đấy 🤣😂
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)