Trong Tôi là ai - và nếu vậy thì bao nhiêu của Richard David
Precht có một chap tôi rất hay đọc trúng lúc tay chân quờ quạng mắt mũi tèm
nhèm buổi sáng tìm sách: Vũ trụ tinh thần – Não tôi hoạt động ra sao? “Cái gì
là phức tạp nhất trên thế giới? Một câu hỏi hóc búa, nhưng với khoa học tự
nhiên thì câu trả lời lại thật đơn giản. Đó là bộ não người![...] Nó chỉ nặng
1.5kg, mang hình quả hồ đào phóng to và sờ vào như đậu phụ. Thế nhưng trong đó
lại ẩn chứa kết cấu có lẽ là phức tạp nhất của toàn bộ vũ trụ. Một trăm tỷ
(100.000.000.000) tế bào thần kinh nhấp nháy truyền tin với nửa triệu tỷ
(500.000.000.000.000) các liên kết. Đại khái nhiều như một sự so sánh quen thuộc,
đúng bằng số lá cây của rừng nhiệt đới Amazon”
Vậy thì điều gì trên thế gian này mà đến thần linh cũng đành
phải đứng ngoài cuộc? (tôi ít khi dùng dấu hỏi nhỉ :p). Quá khứ. Quá khứ là thứ
mà thần linh cũng không thể can dự. Thay đổi quá khứ của mình đã là một việc
điên rồ, nhưng dám thay đổi quá khứ của cả kẻ khác thì hẳn là quỷ dị, dù cả hai
đều dẫn đến bi kịch, nhưng đâu là vô nghĩa hơn, tôi không biết. Tự tạo quá khứ,
viết lại quá khứ, xóa quá khứ ư, người ta phải tăm tối và cạn nước đi đến độ nào mà dấn mình
vào quyết định ấy.
Ngăn kéo trên cùng – Phần tăm tối, tiểu thuyết thứ 17 của
Nakamura Fuminori là câu chuyện tồn tại đến hai gã bác sĩ thần kinh cùng tiến
hành việc viết lại quá khứ cho kẻ khác, dù với mục đích khác nhau nhưng tâm hồn
của cả hai nhân vật này đều có tính chất mục ruỗng từ nền móng, một kẻ coi việc
tạo quá khứ cho người khác là trò chơi, một kẻ thì buộc tìm đến đấy như một
phép màu và sau đó là nhằm trả thù. Tất nhiên khi thần linh cũng phải bỏ cuộc
mà con người dám tự vẽ ra cho mình một thách thức can thiệp vào não bộ, thò tay
vào quá khứ nhằm chạm đến nội tâm từng người thì hậu quả không thể thành toàn
được. Nếu có thể chạm đến nội tâm từng người ư, giả định này nói lên đã sặc mùi
vô lý và quỷ dị
Hôm trước tôi có đọc tập thơ, mở đầu một bài thơ là câu thơ
đại ý: Người thuộc cung Thiên Bình ma quái trong tình yêu. Điều này lần đầu tôi
nghe thôi, còn điều quen thuộc của cung chúng tôi là gì. Là tính chần chừ, lưỡng
lự, thiếu quyết đoán. Tuy nhiên lần này lại có hiệu quả hí hí. Tôi đọc Kẻ móc
túi và thấy không hiểu nổi tại sao nó lại được mọi người đánh giá cao, đến giờ
tôi vẫn hoàn toàn không hiểu được. Số đông thường không đúng, nhưng nó phải tồn
tại một logic nào đấy hình thành trong số đông và tôi cố tình tìm ra, bằng cách
nâng lên đặt xuống chần chừ đọc hay không đọc quyển thứ hai của Nakamura
Fuminori được dịch ở VN. Ngăn kéo trên cùng – Phần tăm tối có cốt truyện khá
hơn hẳn Kẻ móc túi, tác giả cũng viết lên tay hơn rất nhiều, triển khai bộ khung
theo tham vọng của người viết đã đỡ thừa thiếu. Tuy nhiên, các yếu điểm ở Kẻ
móc túi vẫn còn
-
Nếu ở Kẻ móc túi, những tham khảo về lịch sử những
vụ móc túi ảo thuật được tác giả lồng vào câu chuyện kém chất keo kết dính như
thế nào thì ở Ngăn kéo trên cùng – Phần tăm tối cũng lặp lại như thế. Những
tham khảo về phân tâm học, truyền sóng thần kinh ECT (phương pháp thôi miên, tẩy
não), vụ án và những nghiên cứu ca bệnh đa nhân cách, tâm thần phân liệt là những
gợi hứng chủ chốt của tác giả xây dựng tiểu thuyết này, đều được lồng vào thiếu
chất keo kết dính.
-
Tính chất thừa thiếu vẫn còn, tuy đã được cải
thiện hơn so với Kẻ móc túi nhưng vẫn còn nhiều, ở Kẻ móc túi là phân phối
không đều trong cách triển khai câu chuyện, cái này có lẽ do người viết chọn
mũi nhọn, điểm sáng chưa chuẩn nên không tạo được điểm nhấn. Còn trong Ngăn kéo
trên cùng – Phần tăm tối thì nội tâm nhân vật là điểm chói sáng cốt tủy, một
tác phẩm chọn khai thác góc khuất, phần tăm tối u uẩn mà nội tâm nhân vật lại bị
đảo qua, diễn giải nội tâm qua một vài chap Hồi ký (viết không được sâu), câu
thoại cụt nên chưa đi sâu được nhiều.
Khi đi được 1/3 tiểu thuyết, tôi thấy bạn tôi khen cái kết.
Nhưng khi đi thêm 2/3 thì cái kết tôi dự trù không trật nhiều với cái kết của
tác giả. Tuy nhiên tác giả tiếp tục sử dụng kết mở như ở Kẻ móc túi, đây là nước
đi táo bạo, táo bạo ở chỉ một chi tiết, sau cuộc hỗn mang xoay vần tất cả những
méo mó vẹo vọ của con người được bộc lộ phơi bày, thì tác giả cho nhân vật
chính một nước kết cực đẹp và tương đối mở. Với một người nền móng bị mục ruỗng
như nhân vật chính Kozuka Ryodai thì sự chuyển dịch đến một nơi khác, một cõi
lòng khác sẽ cần những thứ không phải ai cũng cần và hiểu được.
Kẻ móc túi và Ngăn kéo trên cùng – Phần tăm tối đều được
Nakamura Fuminori lồng vào những giấc mơ, với tôi đây là điểm sáng khiến tôi
sau khi đọc Kẻ móc túi đã rất nản, nghĩ sẽ không đọc tác giả này nữa thì vẫn cố
đọc thêm một đầu sách, chỉ bởi hình ảnh Tòa tháp đằng xa ở Kẻ móc túi cùng giấc
mơ ngụp sâu vào một chiếc giường dưới lòng đất; ở Ngăn kéo trên cùng – Phần tăm
tối là giấc mơ “Giữa dòng người đông đúc, mỗi kẻ lại rẽ một hướng khác nhau.
Tôi cũng đang cố gắng tìm đến một nơi nào đó” tuy nhiên lại bị chặn ở cửa kiểm
tra hành lý và hành lý toàn những thứ rất hiển nhiên với mình nhưng không thể
giải thích được với kẻ khác. Giấc mơ luôn nói rất nhiều đúng không, nhiều hơn
chúng ta có thể suy tưởng và hơn cả chính giấc mơ có thể tái hiện, tác giả cũng
là một người viết tham khảo rất nhiều về phân tâm học, sức khỏe tâm thần cũng
như việc giấc mơ nói gì
Sách xuất bản luôn được rất nhiều khâu nhặt bớt sạn, bắt bớt
voi bớt chuột bớt cả ruồi muỗi, rất nhiều khâu, nhiều hơn độc giả đơn thuần có
thể hình dung được. Tuy nhiên có những lỗi sạn rất dễ gây hiểu nhầm rằng đây là
một quyển sách ẩu, ví dụ như text bìa gấp Oe Genzaburou; tôi đọc Ngầm của
Haruki Murakami biết đến Chân lý giáo Aum, trong sách có nhắc đến một Chân lý
giáo Oumu, tôi có search nhưng không thấy kết quả, căn cứ vào năm 1995 của Oumu
thì trùng Aum, phải chăng là lỗi typo :p; những đoạn về lý giải tâm lý bệnh đa
nhân cách, tâm thần phân liệt không biết do văn phong của tác giả hay dịch và
biên chưa hợp lý mà diễn đạt chưa được tốt; nhiều câu thoại ngô nghê, cụt;
chính ra lỗi oánh máy có khi tôi lại bỏ qua í (thật đấy, trừ trường hợp nó dẫn
hẳn sang một cái sai khác về ngữ nghĩa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét