Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

23.2.24

không hoàn hảo




trong Hệ thống mỹ thuật, Alain có nói một ý, rằng: các chớp loé cái đẹp của văn xuôi đúng mang tới sự thật không chứng cứ, theo nghĩa âm nhạc đẹp thì không chứng cứ. Những cái đẹp cũng là các cổ vũ nhiều hơn là các mẫu, chính bằng cách đó mà chỉ cái không thể bắt chước thì mới dạy dỗ được


ở đây, Forster thông qua loạt bài giảng [giọng dùng nói chuyện] nói đến một dẫn chứng: anh có thể, nếu chủ đề của mình là tiểu thuyết, thao thao bất tuyệt về nó theo trình tự thời gian nếu muốn bởi anh đã đọc tất tật những tiểu thuyết quan trọng và nhiều tiểu thuyết không quan trọng trong bốn thế kỷ và biết đủ mọi dữ kiện gián tiếp liên quan đến hư cấu Anh [quyển sách là loạt bài giảng về văn chương Anh mà] và người được dẫn ra ở đây là Sir Walter Raleigh - một học giả đích thực, chiêm nghiệm toàn thể, rút ra những giá trị cho mình nhưng lại thất bại khi đưa nó ra với nhân loại. Forster muốn trỏ: học thuật đích thực là không thể truyền đạt, hầu hết chúng ta đều là học giả rởm


học thuật đích thực không thể truyền đạt, những cái đẹp đích thực là các cổ vũ hơn là các mẫu, chính thế mà không thể bắt chước hay truyền đạt; và không thể bắt chước thì mới dạy dỗ được. Trong địa hạt văn chương thì chỉ có cách là phải đọc, đọc mang tính đủ các chiều; nhiều-kỹ-lâu-sâu, đọc đi đọc lại trở đi trở lại cho đủ đau đớn và chấp nhận sự đọc ấy không hoàn hảo [tại sao lại chỉ giới hạn mình đọc những gì là đồ sộ, những dinh thự kỳ vĩ] vì chính cái đọc không hoàn hảo lại là một tỉ lệ phù hợp với khả năng mỗi người. Điều này quan trọng [với tôi] vì tránh được tai ương đích thực mang tên: học thuật, đau đớn ở đây là, đấy lại là con đường dẫn thẳng [và thường ngắn nhất] đến học thuật rởm [nguỵ quân tử cũng là tai hoạ đích thực như thế :)))]


những đồi núi tinh thần dã man, như hai nhân vật nhắc đến bên trên, quá sắc sảo và tinh quái. Chú đầu sách, Forster có nói, nếu dùng một giọng khác, không phải giọng không chính thức thì khi xuất bản thành sách sẽ hoàn toàn chẳng còn lại gì; và ý cuối mới tinh quái làm sao: chính những từ trang trọng/chính tắc sẽ lọt qua những lỗ hổng mà những từ khiến người đọc nhạy cảm phải khó chịu để lại; tiểu thuyết thường là thông tục nên nó có thể che giấu một vài bí mật của mình trước những dòng phê bình nghiêm túc và cao quý, nhưng có thể lại hé lộ mình ra trong các vũng nước đọng và cạn mà ở đây Forster vẽ phác tiểu thuyết là vùng trũng ẩm được bao quanh bởi hai rặng núi đều không quá dốc, hai rặng núi đối lập là Thơ và Lịch sử, và được viền bởi đại dương mà ta sẽ bắt gặp khi đến với Moby Dick 


[trong lúc đọc Các khía cạnh của tiểu thuyết - E. M. Forster (khổ thân tôi, sáng tôi đi dọn tất cả truyện trinh thám chưa đọc ra để đọc trời nồm cho nhàn, tự nhiên thấy quyển sách này bìa yêu thích quá, bìa sách yêu thích của tôi là chỉ cần tên sách và tên tác giả; mở ra đọc, mới được độ trăm trang thôi, thế là quên mất việc mình đang đi dọn truyện trinh thám chưa đọc trong phòng)]



Không có nhận xét nào: