Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

4.5.23

kì ngộ [*]




Hai C [một trắng, một đỏ] là các truyện ngắn của Cervantes, trong đó đỏ có một nửa của Hoffmann. Cũng có hai điều rất rõ ràng. 1, Cervantes truyện ngắn và Cervantes Don Quijote là hai Cervantes khác hẳn nhau, dù rất thi thoảng sẽ gặp lại cách nói của Cervantes nhưng cũng khó lòng nhận ra Cervantes truyện ngắn lại cũng chính là Cervantes Don Quijote. 2, quyển đỏ là câu chuyện về con chó Berganza nói tiếng người; Cervantes viết về hai con chó nói tiếng người, con Berganza kể cho con Scipion nghe về đời nó trong một đêm, và một con người ngồi nghe lỏm được câu chuyện í; hai thế kỷ sau, thế kỷ 18 Hoffmann viết tiếp câu chuyện con chó Berganza, khác là, con Berganza nói tiếng người trò chuyện với một con người [những trang cuối cuộc trò chuyện này sẽ làm nở ra rất nhiều gợi ý đọc]; nếu đọc câu chuyện con chó Berganza của Hoffmann thì chắc chắn sẽ nghĩ ngay đến con chó Berganza của Cervantes, nhưng ở chiều ngược lại thì không phải ai cũng biết hoá ra hai thế kỷ sau, truyện con chó Berganza được viết phần tiếp theo, tiếc là con Scipion ở thế kỷ 16 cũng như 18 đều không có cơ hội kể về đời mình và tài là truyện về con chó Berganza với Berganza là nhân vật chính thực chất là do Cervantes nối dài một nhánh trong một câu chuyện khác, nên nó lại tên là Đám cưới giả 🙂


Cervantes và Hoffmann trong cùng một quyển sách, cùng về nhân vật chính là con chó nói tiếng người Berganza, đúng là kì ngộ. Sao có thể chứ. Cervantes thì quá "làm gương" bài học răn dạy [cả C trắng chính là thế, nó đúng cho giờ đây luôn, hẳn có thể nhận định nó chưa sai suốt những thế kỷ đã qua] dù thực ra đấy lại là một tinh thần rất nhẹ, cái nhẹ của Tây Ban Nha Tú tài thuỷ tinh làm nhớ đến không khí Ý Nam tước trên cây của Italo Calvino. Còn Hoffmann lại là cả một thế giới của các nhạc sĩ, kịch nghệ, những người Lãng mạn Đức [Hoffmann và La Motte-Fouqué đều tạo ra những người con gái mang tâm hồn của các yếu tố tự nhiên. Hoffmann tạo ra Serpentina người con gái của kỳ nhông-vị hoả thần và rắn xanh-con gái của hoa huệ, mộc nữ; hoả và mộc. Còn La Motte-Fouqué tạo ra Ondine, người con gái, tâm hồn của nước. Và giao ước tâm hồn họ đều là tình yêu, tình yêu với và của một con người. ôi những người Lãng mạn Đức] như bông hoa xanh Novalis [đoạn Berganza nói về những người phụ nữ thông thái không có trái tim lẫn tâm hồn, những kẻ "có đốm"], thế giới liêu trai cổ tích ma mị, thế giới đêm của đồ chơi thức dậy [Chàng cắn hồ đào và Vua Chuột, thế giới ấy hẳn ai đọc Andersen cũng cảm thấy hết sức quen thuộc, còn một người nữa, đó là Dacia Maraini với đúng tên truyện Thế giới đêm của đồ chơi; những nhà văn viết thế giới cổ tích, dường như "đêm" là tất yếu]


Berganza của Cervantes tất nhiên tạo niềm cảm hứng để Hoffmann viết tiếp về đời con chó Berganza, nhưng không chỉ vậy. Chiếc âu vàng của Hoffmann hẳn cũng làm ta nghĩ đến Tú tài thuỷ tinh, những tú tài ở hai truyện đều trúng ngải tình, ở Cervantes là một loại bùa yêu trong quả mộc của hảo độc nữ khiến chàng tú tài hoá chàng tú tài thuỷ tinh nghĩ mình mong manh như thuỷ tinh chực vỡ, còn ở Hoffmann là những quyến dụ của các nàng rắn và các chàng tú tài trúng chài ngải không chỉ của "một thế giới" nên mới bị nhốt vào lọ thuỷ tinh đậy kín [ở trong đó như một thế giới huyễn tưởng, điều lặp lại trong đầu chàng tú tài Anselmus là lời nàng Serpentina nói: hãy tin, hãy yêu và hy vọng]


nhưng Hoffmann, sao lại cứ cho các nhân vật chính của mình bị lập bản đồ chiêm tinh với lá số tử vi, trước khi được là người được chọn thì họ bị "các thày" xem lá số tử vi và khi nhìn vào đó, ừ đúng thiên định thì vừng ơi mở ra, tức là được chọn rồi thì họ mới được chọn cho một sứ mệnh nào đó, làm hay không làm gì đó. Từ hôm đọc mấy truyện của Hoffmann, cứ đang làm gì đó, tôi lại lẩm bẩm: là xem chiêm tinh trước xem lá số tử vi trước ư... có những điều sức mạnh trí tuệ không thể hiểu và lý giải. Như lời con Berganza: họ [những người tô điểm bản thân bằng hào nhoáng thơ ca, ăn diện lộng lẫy, những phụ nữ thông thái rởm, những kẻ "có đốm" lấp lánh màu sắc như tắc kè hoa từ trong ra ngoài...] không thiếu tâm hồn và tinh thần. "Nhưng bông hoa xanh sẽ tự hé mở tràng hoa của nó cho những ai được ân sủng." Hoffmann nói ông giống như lũ trẻ sinh ra vào Chủ nhật, nhìn thấy những điều người khác không nhìn thấy được và "nền tảng của chiếc thang bắc lên trời mà người ta muốn trèo lên, vươn tới những miền cao cả hơn phải bám chắc vào cuộc sống để mỗi người đọc đều muốn trèo lên theo. Và khi con người trèo lên cao, cao hơn, cao hơn nữa và thấy mình đang ở trong một vương quốc kỳ diệu, huyễn tưởng, con người sẽ tin rằng cả vương quốc này cũng vẫn thuộc vào cuộc sống của mình và nó lại là cái phần kì diệu, tuyệt vời nhất của cuộc sống", không trách Balzac ví Hoffmann là "nhà ảo thuật phương Đông"


Cervantes tôi thích truyện Lão già ghen ở Estramadoure, không biết sao tôi lại hình dung bối cảnh của nó ở Ả Rập [trong truyện Rinconete và Cortadillo tôi có thích một câu, đại ý: chẳng cái lá nào rung mà không có ý chí của Chúa; tôi thích ở đây là từ "ý chí", từ này cũng xuất hiện đôi ba lần nữa trong C trắng với nghĩa tương tự, nó dùng với nghĩa rộng hơn nghĩa trước giờ được dùng], còn Hoffmann tôi lại thích những chi tiết quái gở quỷ dị của Zaches tí hon mệnh danh Zinnober, nhất là những chi tiết về vẻ ngoài, biểu cảm của Zinnober; có lẽ tôi đã xây dựng cho mình một sinh vật trong tưởng tượng tên Zinnober quá sống động, đến nông nỗi, băng qua ghét bỏ, nó khiến tôi thích thú quan sát [tôi thuộc dạng nếu làm công việc gì đó điều tra theo dõi truy vết tích người khác, thì khả năng cao là tôi rất dễ yêu cái đối tượng mà mình lần theo, để dễ làm việc thì phải hiểu, muốn hiểu thì dễ nhập làm một với người ta 'nhắm mắt nếu ta là họ thì ta sẽ ta sẽ etc.' nên là yêu lúc nào không hay  :))))]


ps. các lỗi trong Chiếc âu vàng bản Đông Tây đã được sửa chữa trong bản Chàng cắn hồ đào của Nhã Nam [bản này có Chiếc âu vàng, Zinnober và Chàng cắn hồ đào] tuy nhiên ở tay gấp đã cho Hoffmann lúc sinh 1766 lúc sinh 1776. 

[*] về "kì ngộ", là nhân Xù nói chuyện hỏi lấy tên Hội quán cờ hay Kỳ hội quán hay Kỳ ngộ hội quán, tôi buột ra miệng luôn "Ngẫm duyên kì ngộ xưa nay/Lứa đôi ai dễ đẹp tày Thôi - Trương" và trêu nó "kỳ ngộ" là duyên kì ngộ à, hôm nay chị sẽ dùng từ này. Thế nên, tôi dùng]

Không có nhận xét nào: