Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

3.11.22

tấu hài

 



với tôi tiểu thuyết Tia lửa như thước phim thực tế về những thăng trầm của nghệ sĩ hài trong xã hội Nhật Bản. Tác giả Matayoshi Naoki sinh năm 1980 là một nghệ sĩ hài nổi tiếng ở Nhật; đi theo câu chuyện của Tia lửa, ta mường tượng, đây như một phần cuộc sống tuổi trẻ đam mê tham vọng sống với nghề của chính tác giả, và khát vọng [phải có "vọng"] được bừng sáng rực rỡ giữa màn đêm bất tận, dù chỉ trong giây phút ngắn ngủi như màn pháo hoa mở đầu và kết thúc Tia lửa


hai nhân vật chính của truyện, Tokunaga mới vào nghề với nhóm hài Sparks và Kamiya có thể coi là đàn anh vừa bập vào sườn dốc bên kia sự nghiệp nghệ sĩ hài trong nhóm Xuẩn Ngốc. Tokunaga chịu thoả hiệp làm công việc tay trái lấy ngắn nuôi dài; Kamiya kiêu hãnh, cực đoan triệt để, nhất định suốt đời không làm gì khác ngoài nghệ sĩ tấu hài bất chấp thực tại phải sống bằng vay mượn tín dụng, tụng kinh Đại Ngốc bằng giọng quyến rũ lòng người rồi nhận vài xu lẻ sống cuộc sống ngày nào biết ngày đó, không gồng gánh những thứ không cần thiết. Tokunaga bị ảnh hưởng bởi phê bình; Kamiya thì cho sự phê bình của kẻ khác với mình là "xạo sự", thẳng thắn cảm nhận mọi điều mặc cho mình thành tên ngốc, không bị chi phối bởi ý kiến của người khác, điều Kamiya quan tâm không phải là thế gian mà là cái gì đó có lẽ sẽ làm thế gian phải nhìn lại, thế giới ấy có thể cô độc nhưng sự cô độc ấy lại tạo trở lực để bản thân sáng tạo. Tokunaga không hề biết xu nịnh ai; Kamiya có năng khiếu xu nịnh nhưng lại không làm thế... 

 

những nhân vật trong Tia lửa "không biết từ khi nào chúng tôi đã đi thật xa" đi trong tình trạng hoàn toàn không thấy tương lai, vật lộn với nỗi hổ thẹn và sợ hãi không rõ hình thù, sợ chính bản thân sẽ từ bỏ giấc mơ... để cố gắng tồn tại với ước mơ, tham vọng được sống với, bằng nghề tấu hài


"nghệ sĩ hài - sứ mệnh tuyệt đối của họ là mang đến những màn tấu hài thú vị, mọi hành động thường nhật đều vì mục đích tấu hài. Người diễn được bài đã chuẩn bị khi đến giờ diễn đáng nể lắm rồi nhưng có người sinh ra lại không biết mình là nghệ sĩ tấu hài, chỉ thầm lặng làm anh bán rau [...] tấu hài không phải là sản phẩm của người có thể tưởng tượng được ra chuyện hài hước mà là sự phơi bày hình ảnh chân thực, không giả dối của con người. Nói cách khác, kẻ thông minh thì không thể làm được, chỉ có kẻ ngốc chính hiệu và kẻ ngốc tin mình là người thật thà mới làm được thôi [...] phải sống hết mình vì tham vọng. Kẻ nào nói nghệ sĩ tấu hài là phải thế này thế kia thì vĩnh viễn không bao giờ thành nghệ sĩ tấu hài được. Chỉ tốn thời gian để gần trở thành nghệ sĩ tấu hài thôi chứ không thành nghệ sĩ tấu hài thực thụ được đâu. Chỉ gọi là bái vọng thôi. Nghệ sĩ tấu hài thực thụ, nói một cách cực đoan thì dù có bán rau cũng vẫn là nghệ sĩ tấu hài"


với bất kỳ nghề-nghiệp, công việc nào, như sự đọc chẳng hạn, đặc biệt là sáng tạo. Quan trọng là làm hỏng thế giới tươi đẹp, thế giới tươi màu bằng cách nào; có làm vậy thì một thế giới đẹp tuyệt vời trên cả hiện thực mới xuất hiện; thế giới không được "chơi" hết mình thì có gì đẹp đẽ đâu; làm hỏng thế giới tươi đẹp cũng phải bằng một thanh gươm chơi tới cùng. Giống như phải làm quá lên thì mới hay mới tốt, làm quá lên rồi bị người lớn mắng cho ấy; cực đoan cũng được vì không chấp nhận sống bằng thước đo, tiêu chuẩn, vì nó như prison - imprison [James Wood trong bài viết giới thiệu Nausea có nói tới imprisonment của Sartre và Camus, tìm là thấy]; lấy tiêu chuẩn để cân đo sẽ khiến mắt ta mờ đi không nhìn được bên dưới đằng sau những thức khác. Con người liên quan đến sáng tạo thì buộc phải biết tách khỏi thước đo, phải phá, dẫu cảm giác rất dễ lệ thuộc vào các thước đo, tiền lệ... chính vì lẽ đó, nhân vật Tokunaga tự quyết tâm rằng, vì cuộc đời của chính mình, phải ra sức phủ nhận đàn anh Kamiya [đến đây nhân vật Tokunaga làm tôi nghĩ đến chàng tuổi trẻ trong Núi thần của Thomas Mann]


điểm nhấn của Tia lửa chính là kết truyện. Thường, người đọc nghĩ về truyện Nhật, người như Kamiya rồi sẽ đẩy mọi thứ hiện thực vào miền quên lãng bằng cái chết, anh chỉ cần đàn em Tokunaga nhớ đến mình [nên thường hỏi Tokunaga vẫn viết tiểu sử về anh đấy chứ] nhưng không. Tác giả là một nghệ sĩ hài, anh để cho Kamiya dù thế nào cũng phải tấu hài, bởi đấy chính là thế giới tinh thần của Kamiya: con người ai cũng là nghệ sĩ hài hết, chỉ là nhận ra hay không thôi, và quan trọng là tấu hài chính mình. Kamiya tấu hài chính cuộc đời mình như một tên Xuẩn Ngốc, bằng cả tâm hồn và hình thức, một hình thức không là tâm hồn anh nhưng lại chính là tâm hồn mà anh luôn sống 

nó là tuổi trẻ, là sống - sống là gì; như Nietzsche: you must be ready to burn yourself in your own flame; how could you become new if you have not first become ashes; như Neil Young nói khi đang uống rằng, it's better to burn out than to fade away [mà sau đó đã được đặt vào lyrics hey hey my my]


vĩ thanh: một câu nói của Kamiya, đại ý: Tokunaga không giỏi ăn nói nhưng lại có con mắt âm thầm quan sát nên chắc chắn hợp làm người chấp bút tiểu sử; đã dẫn tôi lôi Chesterton ra làm quen bằng the poet and the lunatics, bởi Chesterton thì chấp bút tiểu sử hơi bị nhiều [mùa thu 2020 tôi mới biết điều này, qua một giấc mơ]


dở là: ngại đọc cái gì lạ lẫm, hay nhỏ bé vô danh; thích thì thử, quan trọng là để cái ta đọc tự nhiên kể cho ta một phiên bản khác của suy tưởng, nôm na là nghe con tim mình mách bảo; dở là: nghe người mà ta ngưỡng mộ đọc, còn tất nhiên phải tránh sự đọc của đám đông... việc đọc là đọc suy tưởng của chính mình thông qua ý luận của tác giả, sự suy tưởng có thể đi tới vô cùng khả thể, không ai dám chắc cái mình viết ra sẽ sống đời sống thế nào rẽ hướng ra sao trong tinh thần kẻ khác, cũng không thể biết nó có thể gợi hứng thế nào, thậm chí là không liên quan và phản thùng nhau... như vậy thì quá đáng để chơi 🙂


ps. hình như là tận 3 người dịch chứ không phải 1 


Không có nhận xét nào: